[12 Chòm Sao] Khoảng Trời

Chương 2.21: Toán Anh




Cũng không hiểu là tại vì sao, nhưng mỗi lần nhắc đến Viên Quy, bọn học sinh trong lớp sẽ liên tưởng ngay đến thầy giáo dạy Toán của họ - thầy Tức Đồng.
Thầy Tức Đồng cơ bản là một người dễ thương. Để diễn tả thầy, ngoài từ "dễ thương" ra thì chỉ còn cụm từ "rất dễ thương". Thầy có ngoại hình mũm mĩm, gương mặt tròn trịa với cặp kính gọng vuông luôn chễm chệ trên sống mũi thấp, mà theo thầy nói thì "đeo để mặt trông có vẻ nhỏ lại".
Thầy là sinh viên mới tốt nghiệp của một trường đại học tỉnh, vì thành tích xuất sắc nên liền được nhận vào Thỏ Mây Thơm Tho. Lớp 12CV là lớp 12 duy nhất mà thầy được phân công giảng dạy, lý do đơn giản là vì yêu cầu chất lượng giáo viên các môn tự nhiên của học sinh chuyên văn không cao, nên cứ xếp cho người mới vào đứng lớp.


Trái ngược với Viên Quy, thầy Tức Đồng không lanh lợi, không séo sắc, cũng không hổ báo và lươn lẹo, thầy hiền theo một cách rất riêng. Thầy dễ bị dụ và cho dù phát hiện ra bản thân bị dụ thì thầy cũng không ngại chiều chuộng đám học sinh quỷ hết mình.
Cũng như mọi giáo viên trên cuộc đời này, thầy Tức Đồng cũng học hỏi tiền bối phân phát điểm cộng cho học sinh mỗi lần phát biểu và lên bảng giải bài tập đúng. Tuy nhiên, chính vì là năm đầu tiên tham gia giảng dạy chính thức, Tức Đồng không có kinh nghiệm, ngay lập tức bị đám học sinh lừa bịp rằng mỗi lần cộng là phải cộng trực tiếp một điểm vào bài kiểm tra hệ số 1.
"Thật không?" Tức Đồng bán tín bán nghi hỏi lại "Sao nhiều quá vậy? Mà thầy thấy câu hỏi của thầy cũng không phải khó khăn gì, để mấy đứa lấy điểm dễ như ăn kẹo vậy coi sao được?"


Đám học sinh gian trá của lớp 12CV nhận ra bản thân sắp bị phát hiện, liền nhao nhao lên, không những lấy các giáo viên khác ra làm bằng chứng, mà còn lôi cả giá trị nhân đạo vào.
"Sao mà không thật được? Cô Lan dạy Anh cũng cộng vậy đó thầy. Thầy Tâm dạy Lý cũng cộng vậy đó thầy. Cô Hiền dạy Hoá cũng cộng vậy đó thầy. Thầy Hạt dạy Sinh cũng cộng vậy đó thầy..." (đã lược bớt n thầy cô khác cũng cộng vậy đó thầy).
"Với cả, thầy xem! Tụi em lớp chuyên Văn mà phải học Toán đã là một nỗi cực hình rồi. Thầy không thể tạo điều kiện cho tụi em lấy điểm qua môn sao thầy?"
"Thầy ơi, mình thương người thì trời thương mình. Thầy tạo phúc cho tụi em, sau này nhất định sẽ được quý nhân phù trợ, báo đáp đầy đủ."
Không biết rốt cuộc là Tức Đồng ngốc thật, hay giả ngốc, mà rất thoải mái chiều theo ý học sinh, tức là cộng thẳng một điểm vào bài kiểm tra hệ số 1 mỗi lần phát biểu và lên bảng làm bài đúng. Mà câu hỏi của Tức Đồng là câu hỏi dễ ẹc, bài giao trên bảng cũng dễ ẹc. Một số thành phần giỏi tự nhiên trong lớp như Bảo Bình, Cự Giải, Ma Kết, Thiên Yết và Xử Nữ lập tức tung hoành tứ phương, chỉ trong vòng một tháng ngắn ngủi đã thu thập đủ điểm 10 cho hai bài kiểm tra hệ số một, thậm chí còn bắt đầu lấn sân sang lấy điểm cho bài kiểm tra hệ số hai. Những thành phần "thuần chuyên văn, kiếu tự nhiên" còn lại, như Thiên Bình, Song Tử, Song Ngư thì rất thiếu liêm sĩ, lên bảng giải bài còn phải đợi Tức Đồng đến chỉ, khi Tức Đồng không cho điểm cộng thì lại bù lu bù loa lên kiểu "Em đã cố gắng lắm rồi! Ít nhất thầy phải cho em điểm chuyên cần chứ!"


Bài kiểm tra Tức Đồng cho cả lớp làm cũng rất dễ. Mỗi lần sắp kiểm tra đều báo trước một tuần, còn ôn tập sao cho dạng bài có vẻ giống với các câu hỏi trong đề kiểm tra nhất. Được nước lấn tới, bọn học sinh lại bắt đầu dở trò: "Tuyệt cú mèo! Chỉ cần bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ thầy cũng ôn tập cho tụi em y chang như vậy, thì thể nào cả lớp cũng cao điểm."
Tức Đồng cười trừ: "Thôi, đừng có xúi bậy. Tôi bị ban giám hiệu treo lên cột cờ bây giờ."
Thầy cũng là người luôn đứng ra bao che mỗi khi học sinh vi phạm kỷ luật. Nhớ có lần Bạch Dương bị bắt quả tang sử dụng điện thoại trong giờ học, chính Tức Đồng đã nói đỡ với giám thị: "Là em cho phép học sinh xài để chụp lại bài không chép kịp trên bảng."
Những tiết toán cứ thế trôi đi trong niềm hân hoan và tiếng cười rộn rã. Cả đám thích nhất là mỗi lần nghe Tức Đồng kể về chuyện gia đình, rằng hôm nay mẹ thầy vừa phàn nàn thầy ăn nhiều ra sao, rằng mẹ thầy vừa giục thầy phải lấy vợ sớm như thế nào. Tức Đồng là em út trong một gia đình đông anh chị em, mẹ của Tức Đồng đã già nên hối thúc thầy lấy vợ sớm cũng là chuyện dễ hiểu.
Thiên Bình lập tức gọi với lên: "Thầy Tức Đồng ơi, thầy lấy vợ, thì thầy Viên Quy biết phải làm sao đây?"
Mặc dù Tức Đồng không phải mẫu người giống với Viên Quy, nhưng chính xác là mẫu người mà Viên Quy cần mỗi lần nổi máu nhiều chuyện. Ngoài tâm sự với học sinh, có những chuyện công việc mà bọn nhóc không hiểu, Viên Quy sẽ đem nói với Tức Đồng. Tức Đồng là người mới, lại rất giỏi chịu đựng, tất nhiên sẽ ngoan ngoãn lắng nghe toàn bộ những lời kể lể dông dài mà Viên Quy đổ lên đầu mình.
Chính vì thế, thỉnh thoảng đám học sinh lớp 12CV sẽ trông thấy hai vị giáo viên nam trẻ ngồi rủ rỉ rù rì với nhau ở ghế đá sân trường mỗi giờ ra chơi, hay đi bên cạnh nhau tâm sự huynh đệ mỗi trưa tan tầm hết tiết. Sở thích của đám học sinh mỗi lúc rảnh rỗi ấy mà, ngoài chèo thuyền ra thì chỉ có chèo thuyền. Thầy Tức Đồng lập tức trở thành đối tượng của thầy Viên Quy trong mắt đám học sinh rảnh rỗi. Cứ mỗi lần thấy hai người họ đi chung với nhau, đám học sinh sẽ cười ồ lên, rồi gán ghép các kiểu.
Viên Quy và Tức Đồng không phải không biết về trò đùa này của đám học sinh quỷ, chỉ là họ cảm thấy không tiện giải thích, có khi nói nhiều còn thành ra biện minh, nên thôi, cứ để bọn nó thích làm gì thì làm, miễn đừng tung chuyện này lên mạng làm tổn hại thanh danh của hai thầy là được.
Ngoài ra, còn có cô Hà Lan dạy Tiếng Anh.
Cô Hà Lan tuy không phải là mỹ nhân, nhưng cũng thuộc dạng ưa nhìn với đôi mắt to tròn, long lanh như hai hạt nhãn theo đúng nghĩa đen. Vóc người cô hơi gầy, nhưng cũng vì thế mà cô mặc áo dài rất đẹp.
Nghe bảo cô Hà Lan đã tốt nghiệp thủ khoa ngành Sư phạm Anh của một trường đại học ở thành phố phía Bắc, từng được mời đến dạy ở các trường chuyên nổi tiếng của các thành phố, các trường quốc tế, tư thục dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy hằng ngày, các trung tâm đào tạo ngôn ngữ Anh. Điều đáng chú ý nhất, chính là cô từng dạy ở Đại Bàng Vĩ Đại với cương vị là giáo viên của lớp chuyên Anh.
Có học sinh hỏi: "Vậy tại sao rốt cuộc cô lại qua Thỏ Mây Thơm Tho ạ?"
Cô cười, trả lời: "Vì cô thích không khí học tập của trường mình hơn. Đại Bàng Vĩ Đại ấy mà, tuy học sinh giỏi giang thật, nhưng kiến thức xã hội không cao, gặp giáo viên chẳng biết chào, lúc nào cũng lầm lầm lũi lũi, mặt ủ mày chau, đi trên hành lang chỉ biết cắm mặt vào mấy quyển sách dày cộp."
Theo cô, thì học sinh của Thỏ Mây Thơm Tho, không những học lực không kém cạnh Đại Bàng Vĩ Đại mà còn có kỹ năng xã hội tốt, rất thân thiện và biết điều. Câu lạc bộ hoạt động tích cực, các phong trào cũng thu hút sự tham gia đôg đảo của toàn bộ học sinh. Cô Hà Lan cảm thấy: đây mới chính là bầu không khí thanh xuân mà bản thân muốn đắm chìm vào khi hạ bút đặt nguyện vọng làm nghề Sư phạm.
Chuyên môn của cô rất cao, tuy nhiên, cô cũng có những nỗi khổ riêng. Như là: sau khi biết được mình sẽ dạy lớp chuyên Văn, mà lớp chuyên Văn vừa có hai học sinh từ Mỹ chuyển tới, cô lại đâm ra hơi lo lắng. Về khả năng ngữ pháp, cô tất nhiên là ăn đứt hai anh em nhà cạp ngựa kia, nhưng về phát âm, thì cô không chắc.
Cô lại tự vực dậy tinh thần của bản thân: "Không sao! Cụ Lê-nin cũng đã nói rồi - Học, học nữa, học mãi. Cái gì mình không giỏi thì có thể từ từ lĩnh ngộ thêm. Biết đâu, đây lại chính là cơ hội để mình trau dồi khả năng phát âm."
Thế là cô Hà Lan tung tăng, vui vẻ vào lớp 12CV. Theo thói quen, cô chào hỏi và giới thiệu chương trình học bằng tiếng Anh, phát giáo trình nội bộ cho học sinh, sau đó rất nhanh chóng và chuyên nghiệp dẫn vào bài học mới.
Với kinh nghiệm của mình, cô thừa sức nhận ra ai với ai là hai vị Việt kiều vừa chuyển vào lớp. Trong hàng lô lốc những cái mặt mẹt thuần Á đang ra chiều thấp thỏm, lo âu, thì chỉ có Nhân Mã và Thiên Yết là nổi bật nhất với nét ngoại lai đặc trưng hiện hữu trên khuôn mặt bình thản chẳng chút biến động. Vừa kêu một trong hai đứa đứng lên phát biểu thì, chao ôi, giọng hay ngất ngưởng, hay hơn giọng của bất cứ đứa nào trong lớp chuyên Anh, nhất là khẩu âm chuẩn bản ngữ và cách nhấn nhá vô cùng tự nhiên, khiến một tín đồ ngôn ngữ như cô đây phải bái phục, bái phục.
Cuối giờ học, cô Hà Lan rất khiêm tốn đến bên Nhân Mã, hỏi thăm về chất lượng giảng dạy bộ môn Tiếng Anh của mình, đại loại như là có sử dụng sai từ vựng nào không, có phát âm ngớ ngẩn chỗ nào không, có nhầm ngữ pháp câu nào không. Trái lại với nỗi thấp thỏm lo âu của cô, Nhân Mã cười tít mắt, giơ ngón cái lên: "Không sao đâu ạ. Cô dạy rất tốt!", khiến cô sau đó như bay lên tận chín tầng mây xanh, đã ra khỏi lớp rồi mà cứ ngỡ bản thân vẫn còn đang đứng trước Nhân Mã nghe khen ngợi.
Thiên Bình nhìn theo bóng dáng cô Hà Lan đã khuất dần sau bức màn che nắng mỏng, lòng bán tín bán nghi: "Câu vừa rồi cậu nói là thật đó hả?"
"Thật mà." Nhân Mã khẳng định "Chỉ có điều, cách phát âm của cô ấy cứ giống người Lào sao sao í."
Từ đó, cô Hà Lan có một biệt danh mới, là cô Lan Lào. Không ai hẹn ai, tất cả mọi người trong trường đều đồng loạt gọi cô là cô Lan Lào. Thậm chí, các giáo viên cảm thấy thuận miệng, cũng gọi cô là cô Lan Lào.
Có lần, thầy Châu Sinh giám thị nhìn thấy cô Hà Lan trong sân trường, định kêu cô lại để báo cáo tình hình kỷ luật đáng báo động của lớp 11CA cô chủ nhiệm, cũng buột miệng: "Cô Lan Là..."
"Anh Sinh? Anh vừa gọi em hả?"
"Ừ." Thầy Châu Sinh giám thị cười giả lả, tự trách bản thân thật quá bất cẩn rồi.
Cô Hà Lan tròn mắt: "Nhưng tại sao anh lại gọi em là cô Lan Là... gì gì đó? Là sao vậy?"
Thầy Châu Sinh toát mồ hôi hột: "Cái đó... là tôi bắt chước mấy phim cổ trang con gái tôi hay coi trên ti vi. Người ta có xu hướng lặp lại tên của các nhân vật. Ví dụ như tên Thanh thì gọi là Thanh Thanh, tên Vy thì gọi là Vy Vy. Cô tên Lan, tôi cũng gọi là Lan Lan đó mà."
"À..." Cô Hà Lan che miệng cười khúc khích "Anh Sinh hài hước ghê! Vậy từ nay em cũng sẽ gọi anh là Sinh Sinh nha?"
Thầy Châu Sinh lập tức ho khù khụ: "Không... Cách xưng hô này... chỉ áp dụng cho thiếu nữ và trẻ em thôi."
Cô Hà Lan từ trước đến giờ chỉ coi phim Âu Mỹ luyện tiếng Anh, đối với những cách gọi tên sặc mùi Trung Quốc này cảm thấy rất thú vị, liền đem ra áp dụng triệt để với các học sinh của mình. Cô bắt đầu gọi Song Ngư là Ngư Ngư, Nhân Mã là Mã Mã, Cự Giải là Giải Giải và Ma Kết là Kết Kết. Riêng Song Tử và Thiên Bình, cô Hà Lan cảm thấy Tử Tử và Bình Bình nghe nó cứ kỳ kỳ, thế nên, sau khi được Sư Tử - hoàng tử xuyên không cuồng văn hoá Trung Quốc phổ cập cho thêm một số kiến thức về việc gọi tên nữa, cô Hà Lan liền quyết định sẽ gọi Song Tử là Song Song và Thiên Bình là Tiểu Bình Nhi.
"Eo!" Thiên Bình rụt cổ "Tiểu Bình Nhi... nghe nó cứ sến súa thế nào ấy."
Song Tử ôm mặt kêu trời: "Của cậu còn đỡ. Song Song? Là cái gì? Hai đường thẳng song song là hai đường thẳng không có điểm chung và chỉ cắt nhau tại vô cực ấy hả?"
Xử Nữ không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để chọc khoáy bạn mình: "Vẫn còn nhớ lý thuyết toán cơ đấy."
Cô Hà Lan và Sư Tử có vẻ rất hợp cạ với nhau.
Sư Tử an tĩnh đắm chìm trong màn nắng nhàn nhạt, cả cơ thể như đang phát ra ánh hào quang. Cô Hà Lan đứng bên cạnh, chăm chú nghe Sư Tử thuyết giảng như một vị cao nhân tinh thông nghìn năm văn hoá: "Thật ra, đối với nam, vẫn có thể áp dụng cách gọi tương tự."
"Nhưng mà, thầy Sinh nói với cô là..."
Sư Tử cười nhẹ, nụ cười đẹp đẽ động lòng người: "Đúng là mới nghe qua thì có vẻ rất kỳ quặc. Thế nhưng, khi gọi người nhỏ tuổi hơn, hoặc người yêu, người thân thiết, thì cũng chẳng có gì bất thường cả."
Cô Hà Lan ồ một tiếng, có vẻ đã hiểu ra: "Ý em là, cô cứ coi các em như một đám con nít?"
Sư Tử có vẻ không thích hai chữ "con nít" mà cô dùng để nói về mình lắm. Thế nhưng, anh vẫn giữ nguyên nét mặt bình thản, gật nhẹ đầu một cái.
Kể từ đó, cô Hà Lan bắt đầu gọi Bảo Bình là Bảo Bảo, gọi Kim Ngưu là Ngưu Ngưu, gọi Bạch Dương là Tiểu Bạch, gọi Thiên Yết là Tiểu Yết và gọi Sư Tử là Tiểu Sư. Người còn lại...
Cả lớp hào hứng lập tức gào to: "Nữ Nữ!!!! Tiểu Nữ!!! Lại lơ!!!"
Xử Nữ bịt tai, khóc không thành tiếng. Từ đó, cô Hà Lan biết ý liền đặt cho Xử Nữ một cái biệt danh là Nam Tính Nữ Nhân.
•••••
_____________________
__còn tiếp__

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.