Bài kiểm tra mới toanh được đưa vào tay cô như làn sóng trắng xóa, Kiều Dạng không gấp làm đôi mà lật thẳng sang mặt viết thơ, cô sợ chỉ chậm giây nào thì trí nhớ của mình sẽ mờ nhạt phần đó.
“Hạo đãng ly sầu bạch nhật tà”… Ngâm tiên đông chỉ tức thiên nhai[3]!<code>[3]Hai câu trên nằm trong Kỷ hợi tạp thi kỳ 005, tác giả Cung Tự Trân. Dịch nghĩa: Cuồn cuộn ly sầu chiều xế bóng, ra roi đuổi ngựa hướng chân trời. (Bản dịch của Nguyễn Thị Bích Hải)</code>Cô thở phào một cái, tháo nắp bút đen rồi múa bút vù vù lên giấy.
Có lẽ là bởi vì đã lường trước cả mùa hè bọn họ đều không học, cho nên giáo viên ra đề đã rủ lòng thương, chọn ra hầu hết những câu nổi tiếng quen thuộc, chỉ có một câu Kiều Dạng nhất thời không nghĩ ra.
“________, nhất phiên tẩy thanh thu[4].”<code>[4]Câu thơ trên nằm trong bài Bát thanh Cam Châu của nhà thơ Liễu Vĩnh, vế còn trống trong câu trên là: Đối tiêu tiêu mộ vũ sái giang thiên. Dịch nghĩa: Nhìn mưa chiều sầm sập xuống sông, một phen gột rửa trời thu. (Bản dịch của Nam Trân)</code>Cô vò đầu bứt tóc suy nghĩ mãi cũng không có kết quả, đành thôi lãng phí thời gian mà lật đề thi về trang đầu tiên.
Trên thực tế, chỉ cần nhắc đến từ đầu tiên, cô có thể đọc thuộc lòng những từ sau ngay lập tức, nhưng đầu óc Kiều Dạng trống rỗng, sau khi làm xong đề cô vẫn không thể nhớ lại dù chỉ một từ.
Loại cảm giác này giống như bị mèo cào vào tim phổi, không đau cũng không ngứa, nhưng lại tra tấn ý chí, Kiều Dạng ngẩng đầu liếc nhìn đồng hồ phía trên bảng đen, còn có tám phút trước khi bài kiểm tra bị thu lại.
Nhất phiên tẩy thanh thu… Kiều Dạng chống tay lên, dùng mu bàn tay xoa trán. Cô thậm chí có thể đọc thuộc lòng toàn bộ bài thơ sau câu này, nhưng không thể nhớ được câu mở đầu.
Kiều Dạng nhắm mắt lại, cố gắng tập trung, nhưng tất cả những gì cô có thể nghĩ đến là: “Chép lại ba lần, sau đó đến phòng giáo viên đọc lại lần nữa.”
Rốt cuộc nó là gì? Kiều Dạng nắm chặt tay tự gõ vào trán mình, cô gần như sắp nhớ ra bài thơ này nằm ở trang nào trong sách giáo khoa…
“Còn năm phút nữa là kết thúc thời gian làm bài, nếu các em chưa viết xong thì nhanh chóng hoàn thành nó đi.” Vu Mai đứng trên bục lớn tiếng nhắc nhở.
Kiều Dạng mở mắt nhìn thấy người bên cạnh đang cúi đầu, tay vẫn đang múa bút thành văn.
Có kịp không? Làm xong chưa? Vừa nảy ra ý tưởng này, cô lập tức tỉnh táo lại, vào lúc này rồi mà mi còn có thời gian để lo lắng cho người khác.
Bên ngoài tiếng ve kêu, máy điều hòa trong phòng học đang bật ở mức 24 độ, nhưng Kiều Dạng lại có cảm giác như bị phơi nắng. Sau hai giờ đồng hồ, trên trán và lưng cô đã đổ một lớp mồ hôi mỏng.
Reng reng reng——Tiếng chuông hết giờ dồn dập vang lên bên tai, Mạch Sơ buông bút xuống, đứng thẳng dậy, thở phào nhẹ nhõm.
“Ủy viên môn Văn là ai?” Vu Mai ở trên bục hỏi.
“Thầy chủ nhiệm vẫn chưa bầu ra ạ.”
Vu Mai kiễng chân lên, phát hiện một khuôn mặt quen thuộc ở hàng cuối cùng: “Vậy thì chọn em đi, Trần Thiên Cù, đứng dậy và thu hết bài thi mang lên đây.”
Cậu học sinh được nhắc tên đứng dậy khỏi chỗ ngồi: “Dạ thưa cô.”
Sau khi nộp bài thi, Kiều Dạng dường như đã cạn kiệt sức lực, gục xuống bàn với đôi mắt trống rỗng.
Mạch Sơ vặn nắp bình giữ nhiệt ra, hỏi cô: “Bữa tối cậu ăn gì?”
Kiều Dạng lắc đầu: “Mình không ăn, không thấy đói.”
Mạch Sơ nghiêng đầu nhìn cô: “Vậy bữa trưa cậu có ăn gì không?”
“Ăn rồi, mình có mang theo bánh sandwich.”
“Vậy thì được rồi.” Mạch Sơ đứng dậy, rời khỏi chỗ ngồi, gọi to với người ngồi bàn đầu trong lớp: “Trâu Trâu, bữa tối chúng ta ăn gì đây?”
Chỉ trong vòng vài phút, phòng học đã vắng tanh, buổi tối sẽ có bài kiểm tra Tiếng Anh. Kiều Dạng chưa bao giờ cảm thấy thời gian trôi qua lâu như vậy.
Trần Thiên Cù còn chưa ra ngoài, cậu nhặt một viên phấn trắng, bước lên phía bảng đen và viết “Ngày mai…”.
Kiều Dạng nhếch môi, chữ viết của anh bạn này khá đẹp.
[Sáng mai đọc và chép lại “Ly tao [5]“]<code>[5]Ly tao (chữ Hán: 離騷) là một bài thơ nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc thuộc thể loại phú do chính trị gia, thi nhân nước Sở là Khuất Nguyên sáng tác vào thế kỷ 3 TCN, thời Chiến Quốc. Là thiên "trường ca" đầu tiên trong lịch sử văn học Trung Quốc, với tổng cộng 2.477 chữ, chia thành 373 câu, "Ly tao" được đánh giá là bài thơ nổi tiếng và xuất sắc nhất trong tuyển tập thi ca Sở từ. Sự đặc sắc của bài thơ trường thiên này là lời bi thảm triền miên, thường dùng lối tượng trưng, lối nhân cách hóa và dẫn rất nhiều điển cố thần thoại Trung Hoa.</code>Sau khi Trần Thiên Cù viết xong tên sách, cậu ném viên phấn trở lại hộp sắt trên bục rồi phủi nhẹ lên lớp bụi trắng trên tay.
Kiều Dạng im lặng đọc xong nội dung trên bảng đen, sau đó lục lọi trong ngăn bàn một lát mới tìm được cuốn “Ngữ văn bắt buộc 3” vừa được phát ngày hôm nay.
“Dài thế?” Cô lẩm bẩm rồi ngẩng đầu lên hỏi: “Này bạn cùng lớp, có phải cậu chưa viết xong đúng không? Phải học nguyên cả bài thơ sao?”
Trần Thiên Cù nhìn qua, đáp: “Đúng vậy.”
“Sáng mai đã phải học thuộc rồi?” Kiều Dạng nhăn mặt như sắp khóc: “Nhưng bài này đã được học đâu, làm sao mà nhớ nổi?”
Trần Thiên Cù nhìn cô hỏi: “Trước đây cậu học ở lớp nào?”
“Lớp 10/7.”
“Ồ.” Trần Thiên Cù gật đầu, “Vậy thì cậu tập làm quen đi, cố lên.”
“…”
“Đế Cao Dương chi miêu duệ hề, Trẫm hoàng khảo viết Bá Dung. Nhiếp đề trinh vu mạnh tưu hề, Duy Canh Dần ngô dĩ giáng. Hoàng lãm quỹ dư vu sơ độ hề, Triệu tích dư dĩ gia danh. Danh dư viết Chính Tắc hề…[6]”<code>[6]Đoạn thơ trên nằm trong bài Ly tao của thi nhân Khuất Nguyên. Dịch nghĩa: Bá Dung nhớ cha ta thuở nọ, vốn dòng vua về họ Cao Dương. Tháng giêng đầu tiết xuân sang, cõi đời ta xuống, giữa đương ngày Dần. Buổi trứng nước ân cần săn sóc, biết bao nhiêu khó nhọc công cha. (Bản dịch của Nhượng Tống)</code>“Dừng, dừng, dừng.” Bị hành hạ bởi tiếng tụng kinh bên tai, Kiều Tịch cuối cùng cũng không thể chịu đựng được nữa, “Em nên nghỉ ngơi một lát, đừng đọc thuộc lòng trong xe. “
“Không được, sáng mai là em phải thuộc hết rồi.” Kiều Dạng cầm cuốn sách trong tay lên nhìn, “Danh dư viết chính tắc hề.” (Tên là Chính Tắc, tự là Linh Quân)
Trông bộ dạng như sắp chết tới nơi của em gái, Kiều Tịch thở dài, tắt đèn khẩn cấp trên nóc xe, nói bằng giọng điệu cứng rắn: “Đừng đọc nữa, không tốt cho mắt đâu.”
“À, đúng rồi, hôm nay em có phần không nhìn rõ trên bảng đen viết gì.”
“Bị cận rồi?”
“Không biết nữa, hiện em đang ngồi ở hàng thứ hai từ dưới lên, cách bảng đen hơi bị xa.”
“Khi nào có thời gian chị sẽ đưa em đi kiểm tra thị lực.”
Kiều Dạng đột nhiên xệ khóe miệng, lẩm bẩm: “Lớp chọn thật là đáng sợ.”
“Thấy áp lực à?” Kiều Tịch nhìn cô: “Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Em đói không? Chị đưa em đi ăn KFC nhé?”
Kiều Dạng lắc đầu: “Về nhà đi chị, em muốn học thuộc xong rồi đi ngủ sớm.”
“Chỉ cần một thời gian là quen thôi. Nếu thi đậu được thì có nghĩa là em không thua kém ai cả”.
Kiều Dạng lúc này không nghe vào tai lời động viên nào, cô tựa lưng vào ghế, uể oải đáp lại.
Lúc xe chạy đến cổng cư xá, Kiều Tịch giảm tốc độ, vô tình nhìn thấy một bóng người quen thuộc bên đường. Chị hỏi em gái: “Kia có phải là Xán Xán không?”
Kiều Dạng ngước mắt lên, nhìn thoáng qua rồi xác nhận: “Vâng, là cậu ấy.”
Trong khi em gái chưa kịp nói thêm gì thì Kiều Tịch đã dừng xe: “Đừng nói chuyện quá lâu, nhanh còn về nhà.”
“Biết rồi.”
“Hạ Xán!”
Cô gái đang dắt xe đạp dừng bước, quay người lại.
Cả ngày hôm nay họ không chạm mặt ở trường, Kiều Dạng đang có một đống chuyện muốn nói. Cô xuống xe, chạy về phía Hạ Xán.
“Sao lại dắt xe? Hỏng xe à?”
“Tớ vừa bị ngã.” Hạ Xán cúi đầu, nói với vẻ ấm ức: “Đầu gối của tớ hơi đau.”
“Hả? Để tớ xem nào.” Kiều Dạng ngồi xổm xuống, nói: “Da bị trầy xước cả rồi, cậu tính đi bộ về à?”
“Không phải, đến ngã tư đau quá nên tớ xuống xe dắt bộ.”
Kiều Dạng đứng thẳng lên nói: “Vậy cậu mau về nhà xử lý vết thương và khử trùng đi.”
Hạ Xán nhếch khóe miệng than thở: “Hôm nay tớ thật xui xẻo.”
Kiều Dạng bước tới ôm Hạ Xán vào lòng: “Người chị em này của cậu hôm nay cũng xui bỏ xừ!”
Cô cao hơn Hạ Xán nửa cái đầu, ôm như vậy khiến cô bạn bị ngột ngạt đến nghẹt thở. Đêm hè lại nóng nực, Hạ Xán vội thoát ra khỏi vòng tay Kiều Dạng, thở hổn hển hỏi: “Cậu làm sao?”
Kiều Dạng cuối cùng cũng tìm được người để tâm sự: “Bài kiểm tra đầu năm chán quá! Rốt cuộc là kẻ chết bầm nào nghĩ ra không biết!”
“Lớp 10 cậu cũng học THPT Số 1 à?” Hạ Xán lấy trong túi ra một tấm thẻ học sinh, “Cho tớ hỏi, cậu có biết Hứa Trường Khê không?”
“Biết chứ, cậu ta học cùng tớ hồi lớp 10.”
“Cậu ấy làm rơi thẻ.”
Kiều Dạng nhận lấy tấm thẻ: “Cậu nhặt được nó ở đâu?”
Hạ Xán bỗng cười: “Chuyện là như này, lúc ra bãi gửi xe tớ không chú ý đụng phải cậu ấy nên mới bị ngã.”
Kiều Dạng chậm rãi mở khóe miệng thành hình chữ O: “Cậu ta không sao chứ?”
“Chắc là không sao. Tớ thấy cậu ấy bám vào mặt đường rồi bò dậy rời đi.” Hạ Xán nói với vẻ tức giận: “Đều là lỗi của nhà trường. Họ thậm chí còn không lắp đèn. Trong nhà gửi xe tối mù.”
Kiều Dạng thở phào nhẹ nhõm: “Người ngợm không sao thì may rồi.”
Từ xưa đến nay thị trấn nhỏ ở phía nam sông Dương Tử[7] này chưa từng có cuộc sống về đêm, sau chín giờ là mọi ngả đường đều vắng tanh. Kiều Dạng và Hạ Xán đi dạo dưới ánh đèn đường mờ ảo, hai người bạn cùng chia sớt niềm vui nỗi buồn trong ngày với nhau.<code>[7]Trường Giang (giản thể: 长江) ở Trung Quốc là con sông dài nhất châu Á và đứng thứ ba trên thế giới sau sông Nin ở Châu Phi, sông Amazon ở Nam Mỹ. Trong tiếng Việt, tên gọi sông Dương Tử (扬子江) là để chỉ con sông này, dùng theo phiên âm của các ngôn ngữ phương Tây như Anh, Pháp..., là tên cũ của đoạn hạ lưu Trường Giang đổ ra biển, còn ở Trung Quốc hiện nay chỉ dùng tên gọi Trường Giang. Trường có nghĩa là quãng đường xa và dài, giang có nghĩa là dòng nước uốn lượn uyển chuyển trải dài rộng lớn, nên ghép liền mạch lại Trường Giang ngụ ý muốn nói tới dòng nước trải dài và uyển chuyển uốn lượn.</code>“Này, ngày mai cậu đi học cùng tớ nhé? Chị tớ sẽ lái xe đến đón cậu.”
“Không cần đâu, đợi cậu dậy chắc tớ đã vào lớp học thuộc lòng được mười phút rồi.”
Kiều Dạng bĩu môi: “Vậy thì thôi.”
Gia đình Hạ Xán sống ở tòa nhà số 17, cách nhà Kiều Dạng một quảng trường. Trước khi rời đi, cô nàng còn dặn đi dặn lại Kiều Dạng: “Ngày mai cậu nhớ trả lại thẻ cho cậu ấy nhé.”
“Tớ biết rồi.” Kiều Dạng vẫy tay: “Bái bai.”
“Bye…” Hạ Xán lại nói: “Nhớ giúp tớ xin lỗi người ta lần nữa.”
“Rồi.”
Kiều Dạng quay người đi về phía khu nhà, cô giơ tấm thẻ học sinh trên tay lên. Chàng trai trong ảnh có mái tóc ngắn gọn gàng, lông mày rậm, chỉ xét vẻ ngoài thì có thể thấy là một thanh niên đẹp trai.
Tuy nhiên, Kiều Dạng hạ bàn tay đang cầm tấm thẻ học sinh xuống, trong vài lần gặp gỡ với cậu bạn này, Hứa Trường Khê chỉ để lại cho cô một ấn tượng duy nhất – anh chàng cao to ngốc nghếch ngồi cạnh thùng rác cuối lớp.
Trong bếp đèn sáng, Kiều Dạng vừa bước vào phòng đã ngửi thấy mùi mì ăn liền.
“Chị nấu mì tôm?” Cô vịn vào cửa tủ rồi xỏ dép vào.
“Ừ, em có muốn ăn không?” Kiều Tịch đã thay đồ ngủ, mái tóc dài được buộc lại bằng chiếc kẹp hình cá mập.
“Ăn chứ.”
Kiều Tịch đẩy tô mì ăn liền cho cô: “Vậy chị làm tô khác.”
“Không cần.” Kiều Dạng lấy nĩa ra, mở nắp giấy bạc, “Em chỉ gắp hai miếng thôi.”
Kiều Tịch đạp lên mép ghế, đột nhiên mỉm cười với cô: “Chị nói mày nghe chuyện này.”
Kiều Dạng nhướng mi, nuốt mì trong miệng: “Chuyện gì?”
“Cuối tuần này chị sẽ quay lại trường, sang tuần chị về.”
“Hả?” Ngày khốn khổ này còn chưa kết thúc đã có thêm tin dữ, Kiều Dạng sắp khóc không ra nước mắt: “Vậy sinh nhật của em, chị không về sao?”
“Ừ.” Kiều Tịch ngồi xếp bằng trên ghế, nói với Kiều Dạng: “Em có thể tự mình lựa chọn, đến chỗ mẹ, hay để bà nội đến ở với em vài ngày?”
Kiều Dạng cúi đầu, dùng nĩa nhựa khuấy mì rồi nói: “Em không cần.”
“Vậy em định ở nhà một mình à? Ai lo cho em?”
“Em tới nhà Hạ Xán là xong.”
Kiều Tịch suy nghĩ một lát, gật đầu nói: “Cũng được, vậy chị sẽ nói trước với mẹ Hạ Xán.”
Kiều Dạng đặt nĩa xuống, đẩy tô mì ăn liền về phía Kiều Tịch: “Em đi học bài đây.”
“Ăn có mỗi miếng thôi hả? No chưa đấy?”
Kiều Dạng đứng dậy trở về phòng: “Em no rồi.”
Lúc đó đã gần 10 giờ 20 phút, Kiều Dạng có lẽ cũng biết rõ trí nhớ của mình, dù có học thuộc đến đâu thì ngày mai thức dậy cũng như không. Đầu tiên cô dành hai mươi phút để đọc thuộc lòng văn bản, sau đó cố gắng ghi nhớ nó từ đầu đến cuối vài lần.
Đoạn văn này trước đây chưa có bài giảng, nhiều câu cô cũng không hiểu nghĩa nên chỉ còn cách đọc thuộc, với những chỗ còn vấp, Kiều Dạng sẽ dùng bút chì đánh dấu lại.
Cố gắng mãi mới đọc làu làu được một lượt, Kiều Dạng ngẩng đầu nhìn đồng hồ, đã mười một giờ, thể xác và tinh thần đều mệt mỏi. Cô đóng sách lại, chuẩn bị tắm rửa đi ngủ.
Lúc rời khỏi phòng ngủ, cô láng máng nghe thấy giọng nói từ trong phòng Kiều Tịch phát ra, có lẽ chị đang trò chuyện video với bạn trai.
Kiều Dạng đóng cửa phòng tắm lại. Có hàng ngàn lý do khiến cô chán nản, nhưng đều dẫn đến một kết quả giống nhau. Cô tắm nhanh rồi lên giường.
Đêm đã khuya, cô nằm thẳng trên giường, mở to mắt, nhanh chóng thích ứng với ánh sáng mờ trong phòng.
Đêm qua điện thoại đã được giao cho Kiều Tịch, cô không có việc gì làm nhưng lại không ngủ được. Kiều Dạng trở mình, trong lòng do dự không biết có nên ngồi dậy học thuộc lòng lại hay không. Trước khi nghĩ ra đáp án, Kiều Dạng lại nghĩ đến cô bạn cùng bàn ở lớp mới – Mạch Sơ. Vốn tưởng rằng những học sinh xuất sắc như vậy sẽ xa cách, nhưng không ngờ lại dễ dàng hòa nhập với nhau. Sau đó cô lại nghĩ đến Trâu Tâm Ý, Trần Thiên Cù…
Mọi chuyện xảy ra ngày hôm nay hiện lên trong đầu, Kiều Dạng không nhớ mình đã thiếp đi từ lúc nào.
Đêm của học sinh cấp ba vô cùng ngắn ngủi, tưởng chừng như họ mới về nhà một giây trước, vừa mở mắt ra đã lại phải đến trường.
“Kiều Dạng, đã sáu giờ rồi, mau dậy đi.” Kiều Tịch gọi vọng vào từ phòng khách.
Kiều Dạng mở một mắt, nhìn đồng hồ báo thức trên bàn đầu giường mới chỉ 5 giờ 53 phút, cô liền nhắm mắt lại.
Kiều Tịch mở cửa, thấy em gái vẫn còn ở trên giường, lo lắng thúc giục: “Mau lên, đừng nằm nữa, lát nữa lên xe rồi ngủ tiếp.”
Chim sẻ hót líu lo ngoài cửa sổ, ánh nắng ban mai chiếu rọi rực rỡ. Kiều Dạng chào đón tháng mới và ngày mới bằng một tiếng thở dài.
Lưng cô và chiếc giường dường như dính chặt vào nhau bằng một lớp keo dính chặt, cô dụi mắt, cố gắng đứng dậy, nói bằng giọng điệu ngái ngủ: “Sao chị không nói đợi chết rồi ngủ tiếp?”