Alexis Zorba - Con Người Hoan Lạc

Chương 4: Chương 4




Rạng sáng, tôi mở mắt và thấy Zorba ngồi đối diện với tôi ở cuối giường lão, hai chân co lên; lão đang hút thuốc và trầm ngâm suy nghĩ. Cặp mắt tròn nhỏ của lão dán vào ô bán nguyệt trổ trên cửa ra vào trước mặt lão, mà ánh ban mai đã nhuộm một màu trắng đục lờ. Mắt lão húp híp và cái cổ trần khẳng khiu, dài quá khổ vươn ra như cổ một con chim săn mồi.
Tối hôm trước tôi đã rút sớm, để một mình lão với nàng tiên già.
- Tôi đi đây, tôi nói. Hãy vui thú Zorba và chúc bác may mắn!
- Chúc sếp ngủ ngon, Zorba trả lời. Để bọn tôi giải quyết công việc cỏn con của mình. Xin chào sếp và chúc ngon giấc.
Có vẻ họ đã giải quyết ổn công việc cỏn con của họ, vì trong khi mơ màng ngủ, hình như tôi nghe thấy những tiếng rủ rỉ khe khẽ và có một lúc buồng bên lắc lư rung chuyển. Rồi tôi lại ngủ thiếp đi. Hồi lâu sau nửa đêm, Zorba đi chân không vào và nằm lên giường rất nhẹ nhàng để khỏi làm tôi thức giấc.
Trong ánh ban mai kia, lão ngồi đó, đôi mắt lờ đờ nhìn vào cõi xa xăm. Có thể thấy là lão vẫn còn đắm trong một thứ hôn mê, đầu óc vẫn chưa hết ngái ngủ. Bình tĩnh, âu yếm, lão thả mình trôi trên một dòng chảy râm mát, đặc quánh như mật ong. Vạn vật, đất, nước, tư tưởng, con người - đang chầm chậm trôi về một vùng biển xa và Zorba cũng sung sướng trôi theo, không cưỡng lại, không thắc mắc.
Làng bắt đầu thức giấc - lao xao tiếng gà, lợn, lừa, ngựa lẫn với tiếng người. Tôi muốn chồm dậy nhảy khỏi thường và kêu: "Ê! Zorba! Hôm nay, chúng ta phải làm việc đấy!" Nhưng tôi cũng cảm thấy dạt dào sung sướng trong việc lặng lẽ buông thả mình vào ánh hồng biến hóa của bình minh. Vào những giây phút thần diệu này, toàn bộ sự sống dường như nhẹ lâng lâng tựa ánh rạng đông.
Trái đất không ngừng thay hình đổi dạng như một đám mây xốp bồng bềnh.
Tôi vươn tay ra, tôi cũng thấy thèm hút thuốc, tôi cầm lấy chiếc tẩu, xúc động nhìn nó. Đó là một chiếc tẩu quý cỡ bự "made in England" (chế tạo tại Anh) , quà tặng của bạn tôi - người bạn có cặp mắt xanh xám và những ngón tay thon thả ấy. Chuyện ấy xảy ra ở nước ngoài, cách đây mấy năm. Bạn tôi hoàn thành đợt du học và chiều hôm ấy, lên đường về Hy Lạp. "Đừng hút thuốc điếu nữa", anh ta bảo tôi, "Châm điếu thuốc, hút có một nửa rồi quẳng đi, cuộc tình kéo dài có một phút. Thật xấu hổ. Thà cậu dùng một cái tẩu. Nó như người vợ trung thành. Khi cậu về nhà, đã có nó ở đó, lặng lẽ chờ đợi cậu. Cậu sẽ châm tẩu, ngắm làn khói bay lên và cậu nhớ đến mình."
Lúc đó là buổi trưa. Chúng tôi rời Viện Bảo tàng Berlin, nơi anh ta đến ngắm lần cuối bức tranh ưa thích - bức Chiến binh của Rembrand đội mũ đồng, đôi má hốc hác, vẻ mặt đau đớn và kiên cường. "Đời mình nếu có bao giờ làm được một hành động đáng mặt nam nhi thì đó chính là nhờ nhân vật này", anh thì thầm trong khi đăm đăm nhìn người chiến binh sắt đá và tuyệt vọng.
Chúng tôi đứng tựa lưng vào một cột trụ trong sân bảo tàng. Trước mắt chúng tôi là bức tượng đồng một nữ kỵ sĩ khỏa thân trên lưng một con ngựa rừng trong một tư thế duyên dáng khôn tả xiết. Một con chim chìa vôi nhỏ màu xám đậu một lát trên đầu nàng kỵ sĩ, quay về phía chúng tôi, vểnh đuôi hót lên vài ba tiếng nhạo báng, rồi bay đi.
Tôi rùng mình, nhìn bạn tôi và hỏi:
- Cậu có nghe thấy con chim ấy không? Như thể nó nói gì với chúng ta rồi bay đi vậy.
Bạn tôi mỉm cười:
- Nó là chim, vậy thì để nó hót; nó là chim, vậy thì để nó nói, anh ta dẫn một bài batlát dân gian của chúng tôi.
Làm sao mà vào lúc này, khi trời vừa rạng, trên bờ biển Crete, kỷ niệm đó lại hiện trong óc tôi cùng với câu thơ chung thủy nọ, khiến lòng tôi đầy chua xót?
Tôi chậm rãi nhồi thuốc vào tẩu và châm lửa. Mọi thứ trên thế gian này đều có một ý nghĩa tàng ẩn, tôi nghĩ thầm: Con người, thú vật, cây cối, trăng sao, tất cả đều là chữ tượng hình; bất hạnh cho kẻ nào bắt đầu đọc ra những chữ ấy và đoán được ý nghĩa của chúng... Khi mới thấy ta đâu có hiểu. Ta tưởng đó quả thật là con người, thú vật, cây cối trăng sao. Mãi đến nhiều năm sau, ta mới hiểu thì đã quá muộn . . .
Người chiến binh đội mũ đồng, bạn tôi đứng tựa cột, con chim chìa vôi và những điều nó líu lo với chúng tôi, câu thơ trong bài batlát buồn ấy, tất cả những cái đó hôm nay tôi nghĩ - có thể giấu một ý nghĩa tàng ẩn nào đó - nhưng ý nghĩa gì, nào ai biết?
Tôi nhìn theo làn khói cuộn tròn rồi lại tãi ra trong ánh sáng lổ đổ. Và tâm trí tôi quyện với khói thuốc, từ từ tan thành những cuộn khói xanh lơ. Sau một quãng dài, không cần viện đến lô-gích, tôi có thể thấy cực kỳ chính xác nguồn gốc, sự phát triển và tiêu vong của thế giới. Cứ như thế, một lần nữa tôi lại đắm mình vào trong Đức Phật, nhưng lần này không cần những từ lừa phỉnh và những trò nhào lộn ngược ngạo của trí tuệ. Làn khói kia là cốt tủy lời giáo huấn của Người, những cuộn khói tan dần kia là cuộc đời nôn nóng đi đến một kết thúc hạnh phúc ở cõi Niết Bàn xanh thẳm. . .
Tôi khẽ thở dài. Như thể tiếng thở dài ấy đã đưa tôi trở về thực tại, tôi nhìn quanh và trông thấy căn lều gỗ tồi tàn và một tấm gương nhỏ treo trên vách lấp lánh những tia nắng đầu tiên vừa rọi vào. Trước mặt tôi, Zorba ngồi quay lưng lại trên nệm, hút thuốc.
Những sự việc ngẫu nhiên bi hài của ngày hôm trước vụt lóe lên trong óc tôi. Mùi nước hoa viôlét ai ải - viôlét, "ô-đờ Côlônhờ", xạ hương và hoắc hương; một con vẹt, một sinh vật gần như là người biến thành một con vẹt đập cánh vào nan lồng sắt gọi tên một người tình cũ; và một con thuyền buồm nhỏ, tàn dư duy nhất của cả một hạm đội, kể lại những trận thủy chiến xưa...
Nghe thấy tôi thở dài, Zorba lắc đầu, quay lại.
- Chúng ta đã cư xử tồi tệ, lão lẩm bẩm. Chúng ta đã cư xử tồi tệ, sếp ạ. Sếp cười cợt tôi cũng cười cợt để mụ nhìn thấy. Và cái cách sếp bỏ đi không nói một lời ưu nhã, làm như mụ đã già khọm ngoài trăm tuổi vậy. Thật đáng xấu hổ! Chẳng lịch sự tí nào, sếp ạ. Xin nói với sếp, đó không phải là cách cử xử của một người đàn ông. Dù sao đi nữa, đó cũng là một phụ nữ, phải không nào? Một sinh vật yếu đuối dễ xúc động. May mà tôi ở lại để an ủi mụ.
- Nhưng bác định nói gì vậy, Zorba? Tôi đáp. Phải chăng bác thực sự nghĩ rằng tất cả phụ nữ đều chỉ có cái ấy ở trong đầu?
- Phải, sếp ạ, họ chả có cái gì khác ngoài cái ấy trong đầu. Nghe tôi này... Tôi đã thấy đủ mọi thứ, tôi đã làm đủ mọi việc... Người đàn bà không nhằm cái gì khác. Đó là một sinh vật bệnh hoạn, tôi xin thưa với sếp, và dễ bị kích động. Hễ mình không bảo mình yêu và thèm muốn họ là họ khóc liền. Có thể họ chẳng cần gì mình, có thể họ ghê tởm mình, có thể họ khước từ mình, đó là chuyện khác. Song đã là đàn ông, hễ thấy họ là phải thèm muốn họ. Tội nghiệp cái giống ấy, họ muốn thế cơ, cho nên mình phải cố mà chiều họ! Tôi có người bà, phải đến tám mươi tuổi ấy. Cuộc đời bà lão là cả một câu chuyện ly kỳ! Nhưng đây không kể chuyện ấy... Phải, hồi ấy, bà phải tới bát tuần không ai buồn ngó ngàng đến và trước cửa nhà chúng tôi, có một cô gái trẻ tươi như hoa. Tên nàng là Krystallo. Chiều thứ bảy nào bọn trai làng choai choai thích ăn diện cũng tụ tập nhậu nhẹt và rượu làm chúng tôi bốc máu. Chúng tôi gài một nhành hoắc hương ở tai, một gã bà con với tôi xách đàn ghita theo và chúng đến hát ve trước nhà nàng. Ôi, xiết bao tình tứ! Xiết bao đam mê! Chúng tôi rống lên như bò. Cả bọn đứa nào cũng thèm muốn nàng và thứ bảy nào chúng tôi cũng kéo cả bầy đến cho nàng lựa chọn.
"Chà, liệu sếp có tin không? Thật là một điều bí ẩn! Đàn bà có loại thương tích không bao giờ lành được. Mọi vết thương đều có thể khỏi, trừ loại thương tích này. Sếp đừng có tin đống sách vở của sếp - loại thương tích này không bao giờ lành đâu. Nếu người đàn bà đã tám mươi tuổi thì sao? Cũng thế thôi, vết thương vẫn hoác miệng.
"Thế, mỗi chiều thứ bảy, bà già lại kéo cái nệm lên chỗ cửa sổ, lấy mảnh gương con ra và chải mấy sợi tóc lơ thơ còn sót lại, nắn nót rẽ đường ngôi. Bà lén nhìn quanh sợ có ai trông thấy. Nếu có ai lại gần, bà lại rụt vào, ra bộ đoan trang, giả vờ ngủ gà ngủ gật. Nhưng làm sao mà bà ngủ được? Bà đang chờ nghe chúng tôi hát ve. Tám mươi tuổi còn thế! Sếp thấy đàn bà khó hiểu chưa? Bây giờ thì điều đó làm tôi xúc động muốn khóc. Nhưng hồi đó, tôi khinh suất, tôi không hiểu và chuyện đó chỉ làm tôi buồn cười. Một hôm tôi đâm bực với bà. Bà xỉ vả tôi về chuyện chạy theo ve gái, cho nên tôi nói toẹt tim đen của bà ra: "Tại sao thứ bảy nào bà cũng lấy lá hồ đào trát lên môi và rẽ đầu ngôi? Chắc bà nghĩ bọn tôi đến hát ve bà hẳn? Không, bọn tôi chạy theo Krystallo kia. Bà chỉ là một cái xác già khọm đã bốc mùi thối!"
"Sếp có tin được không? Ngày hôm đó, lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là một người đàn bà. Hai giọt lệ trào dâng lên mắt bà tôi. Bà cuộn mình như một con chó, cằm bà run lên. "Krystallo!" tôi sáp lại gần hét cho bà nghe rõ hơn. "Krystallo!". Đám trẻ là lũ ác thú tàn nhẫn, vô nhân đạo, không biết thông cảm. Bà tôi giơ hai cánh tay chỉ còn da bọc xương lên trời. "Tao nguyền rủa mày từ đáy lòng!" Bà la to. Ngay ngày hôm ấy, bà bắt đầu suy sụp. Bà héo hon mòn mỏi và hai tháng sau, cái chết đã gần kề. Rồi khi sắp thở hắt ra, bà trông thấy tôi. Bà rít lên như con rắn và vươn những ngón tay quắt queo định túm lấy tôi. "Chính mày đã kết liễu đời tao. Cầu trời trừng phạt mày, Alexis, và bắt mày phải chịu tất cả những gì tao đã chịu!".
Zorba tủm tỉm cười.
- Chà, lời nguyền rủa của mụ phù thủy già ấy quả đã ứng nghiệm! Lão vừa nói vừa vuốt ria. Năm nay, đâu như tôi đã sáu mươi lăm, nhưng dù tôi có sống đến trăm tuổi, tôi cũng không chừa. Tôi sẽ vẫn luôn giữ mảnh gương con trong túi và vẫn chạy theo ve vãn giống cái như thường.
Lão lại tủm tỉm, vứt mẩu thuốc lá qua ô cửa sổ bán nguyệt, vươn vai nói:
- Tôi còn khối tật xấu. Nhưng đây mới chính là cái thói tật sẽ giết tôi. Lão bật đứng dậy khỏi giường.
- Thôi, chuyện ấy nói vậy đủ rồi. Không huyên thuyên nữa. Hôm nay, ta phải làm việc.
Trong nháy mắt, lão mặc quần áo, đi giày xong xuôi và bước ra ngoài.
Đầu cúi gục, tôi ngẫm nghĩ về những lời của Zorba và bỗng nhiên nhớ đến một thành phố xa xôi phủ đầy tuyết. Tôi đang ở trong một phòng triển lãm tác phẩm của Rodin ( [19] ) và tôi dừng lại ngắm một bàn tay đồng kếch sù "Bàn tay Thượng đế". Bàn tay ấy nửa khép nửa mở và mang trong lòng một người nam và một người nữ đang ngây ngất ôm ghì lấy nhau, vùng vẫy.
Một cô gái tiến tới và dừng lại bên cạnh tôi. Cô cũng ngắm và xúc động trước hình ảnh đôi nam nữ quyện vào nhau trong vòng tay ôm vĩnh cửu làm nôn nao lòng ấy.
Cô mảnh dẻ, ăn vận trang nhã, tóc dày vàng rực, cằm rắn rỏi, môi mỏng. Ở cô, toát ra một vẻ cương quyết và hùng dũng. Bình thường, tôi vốn ghét gợi chuyện, song lúc này không hiểu cái gì xui tôi quay sang hỏi cô:
- Cô đang nghĩ gì vậy?
- Giá con người ta có thể trốn thoát được! Cô hậm hực nói nhỏ.
- Trốn đi đâu? Bàn tay Thượng đế ở khắp nơi: Chả làm gì có sự cứu chuộc. Cô có lấy làm phiền không?
- Không. Tình yêu có thể là niềm vui mãnh liệt nhất trên thế gian này. Có thể thế. Nhưng giờ đây, nhìn thấy bàn tay đồng kia, tôi những muốn trốn thoát.
- Cô ưng tự do hơn?
- Vâng .
- Nhưng giả sử chỉ khi nào ta tuân thủ bàn tay đồng kia, ta mới được tự do. Giả sử từ "Thượng đế" không có cái nghĩa tiện lợi mà quảng đại quần chúng gán cho nó.
Cô khắc khoải nhìn tôi. Mắt cô xám màu thép, môi cô khô se lại, vẻ chua chát.
- Tôi không hiểu, cô nói và lảng ra.
Cô biến mất. Từ đó đến nay, tôi không bao giờ nghĩ đến cô nữa. Tuy nhiên hẳn cô vẫn tiếp tục sống ở tận đáy tim tôi và hôm nay, trên bờ biển vắng này, từ nơi sâu thẳm tiềm thức tôi, cô lại xuất hiện, xanh xao và rầu rĩ.
Phải, tôi đã ứng xử tồi. Zorba nói đúng. Cái bàn tay đồng ấy là một cớ chính đáng. Tiếp xúc đầu tiên đã thành công, những lời êm ái đầu tiên đã qua lại đổi trao và lẽ ra dần dần, chúng tôi đã có thể ngã vào vòng tay nhau lúc nào không biết và gắn bó yên ổn trong tay của Thượng đế. Nhưng đùng một cái, tôi đã bổ nhào từ đất lên trời và ngươi đàn bà đã hoảng hốt, chạy trốn.
Trong sân quán trọ của mađam Hortense, con gà trống già lên tiếng gáy. Ánh ngày trắng trong rọi vào qua khung cửa sổ. Tôi vùng dậy ra khỏi giường.
Thợ thuyền đã bắt đầu đến, vai vác cuốc bàn, cuốc chim, xà beng. Tôi nghe thấy tiếng Zorba ra lệnh. Lão đã lao thẳng vào công việc. Người ta cảm thấy lão là một người biết cách chỉ huy và thích gánh vác. Tôi thò đầu ra ngoài ô cửa sổ bán nguyệt và trông thấy lão đang như một gã hộ pháp hậu đậu giữa hơn ba mươi người gày gò nhỏ con, thô kệch và dầu dãi phong sương. Tay lão dang ra hống hách, lời lẽ lão ngắn gọn và chính xác. Có lúc lão túm gáy một gã thanh niên vì gã trù trừ và lầu bầu trong miệng.
- Muốn nói gì, hả? Zorba quát. Thế thì hãy nói to lên! Ta không ưa cái thói lầm bầm. Bọn bay đã làm việc thì phải hào hứng. Bằng không thì cút về quán rượu cho rồi.
Giữa lúc đó, mađam Hortense xuất hiện, đầu tóc bù rối, má xệ ra. Mụ chưa trang điểm và mặc một chiếc áo thụng bẩn và chân xỏ một đôi dép lê vẹt gót. Mụ ho khàn khàn kiểu ho của những ả ca sĩ già, như tiếng lừa kêu. Mụ dừng lại và hãnh diện nhìn Zorba, mắt trở nên mơ màng.
Mụ lại ho để đánh tiếng cho lão để ý đến mình và qua sát bên lão, đung đưa và đánh mông. Ống tay áo rộng của mụ gần chạm vào lão, nhưng thậm chí lão không buồn quay lại nhìn. Lão lấy một mẩu bánh lúa và một nắm ô- liu từ tay một người thợ và nói to:
- Nào, các bạn, nhân danh Chúa, hãy làm dấu thánh giá!
Và sải bước, lão dẫn đầu đoàn người thành một hàng dọc hướng về phía núi.
Ở đây tôi sẽ không mô tả công việc trong mỏ. Điều đó đòi hỏi phải kiên nhẫn, mà tôi lại không có cái đức tính ấy. Chúng tôi lấy tre, mây và những can xăng dựng một căn lều ở cạnh biển. Zorba thường dậy vào lúc rạng đông, vớ lấy cuốc đi đến mỏ trước đám thợ, khai một đường hầm rồi bỏ đấy, phát hiện thấy một vỉa than lóng lánh và nhảy quớ lên vì vui thích.
Nhưng sau mấy ngày, lão lạc mất vỉa và lăn đùng ra đất chổng bốn vó lên và hoa chân múa tay báng bổ trời. Lão đã say mê công việc. Thậm chí lão không hỏi ý kiến tôi nữa. Ngay từ những ngày đầu, mọi lo toan và trách nhiệm đã chuyển từ tay tôi sang tay lão. Nhiệm vụ của lão là ra quyết định và thực thi những quyết định ấy. Còn tôi thì chịu mọi chi phí. Gia dĩ sự sắp xếp này rất phù hợp với tôi. Vì tôi cảm thấy những ngày tháng này sẽ là thời kỳ hạnh phúc nhất trong đời tôi. Hơn nữa, xét cho cùng, tôi cảm thấy mình đang mua được hạnh phúc với giá hời.
Ông ngoại tôi, người đã từng sống trong một làng khá lớn ở Crete, thường có lệ chiều chiều xách chiếc đèn lồng đi quanh các ngả đường làng để xem ngộ nhỡ có người khách lạ nào đến chăng.
Nếu có, cụ đưa khách về nhà, đãi ăn uống no say, sau đó, cụ ngồi lên đi-văng, châm cái ống điếu dài Thổ Nhĩ Kỳ, gọi là tsibúc , và quay sang người khách - đã đến lúc người này phải đáp lại thịnh tình của cụ - nói bằng một giọng như ra lệnh:
- Nói chuyện đi!
- Nói chuyện gì, bố già Monstoyorgi?
- Chú là gì, chú là ai, chú từ đâu đến, chú đã được thấy những thành phố nào, những làng nào - tất tật cả, hãy kể ta nghe tất cả. Nào, nói đi! Thế là người khách bắt đầu nói chuyện linh tinh, tiện gì kể nấy, cả thật lẫn giả, trong khi ông tôi bình thản ngồi trên đi-văng, vừa hút chiếc ống điếu tsibúc vừa chăm chú lắng nghe và theo dõi những chuyến du lịch của người khách lạ. Và nếu cụ khoái, cụ sẽ bảo: - Chú ở lại đây ngày mai nữa. Chú chưa đi được đâu. Chú còn ối chuyện để kể.
Ông tôi không bao giờ rời khỏi làng, thậm chí chưa từng đến Candia hoặc Canea.
- Việc gì phải đến đó? Cụ thường nói. Có ối người Candia và Canea đi ngang qua đây - cầu trời cho họ bình an - Candia và Canea đã đến ta thì hà chi ta cần đến đó nữa?
Trên bờ biển Crete bây giờ, tôi đang tiếp tục cái tật ấy của ông ngoại tôi. Tôi cũng tìm được một người khách nhờ ánh sáng cây đèn lồng của mình. Tôi không để cho y đi khỏi. Tôi tốn kém với y hơn một bữa ăn, nhưng cũng bõ bèn. Chiều chiều, sau giờ làm việc tôi đợi y, tôi bắt y ngồi đối diện với tôi và chúng tôi cùng ăn.
Đến lúc y phải trả nợ miệng, tôi bảo: "Nói chuyện đi!".
Tôi châm tẩu hút và tôi lắng nghe. Người khách này của tôi đã thám hiểm khắp trái đất cũng như tâm hồn con người. Tôi nghe lão không bao giờ biết chán.
- Kể chuyện đi, Zorba, kể đi! Khi lão cất lời là lập tức toàn bộ vùng Macedonia bày ra trước mắt tôi, trải gọn ghẽ trong cái khoảng không gian bé nhỏ giữa Zorba và bản thân tôi, với tất cả núi rừng, suối khe của nó, với những comitadji ( [20] ), với những phụ nữ lam làm cùng những người đàn ông to lớn, vạm vỡ. Và cả ngọn núi Athos với hai mươi mốt tu viện, với những binh công xưởng và bọn ăn không ngồi rồi đít to bằng cái thúng.
Mỗi khi kể xong những mẩu chuyện về các tu sĩ, Zorba thường lắc đầu và cười váng lên:
"Cầu Chúa tránh cho sếp khỏi gặp đít la và đầu thầy tu!".
Mỗi tối Zorba đưa tôi phiêu du qua Hy Lạp, Bulgari và Costantinople. Tôi nhắm mắt lại và thấy những nơi đó hiện ra. Lão đã đi khắp các vùng Balkans xác xơ, hỗn loạn và quan sát mọi điều bằng đôi mắt diều hâu luôn luôn mở to ngỡ ngàng. Những điều ta đã quen tới mức coi dửng dưng, lại dựng sững trước mặt Zorba như câu đố dễ sợ. Thấy một người đàn bà đi qua, lão khựng lại bàng hoàng.
- Cái điều kỳ bí này là gì vậy? Lão hỏi. Một người đàn bà là gì mà lại khiến đầu óc ta quay cuồng? Xin hỏi sếp nói cho tôi nghe thế là nghĩa lý gì?
Lão tự vấn mình cũng với sự ngỡ ngàng như thế khi thấy một người đàn ông, một cái cây ra hoa, một cốc nước lạnh. Ngày nào Zorba nhìn mọi sự cũng như mới thấy lần đầu. Hôm qua, chúng tôi ngồi trước cửa lều. Uống xong một ly rượu vang lão quay lại tôi, hoảng hốt:
- Này, cái thứ nước đỏ này là cái quái gì vậy, sếp thử nói tôi nghe xem! Một gốc cây già đâm nhánh, mới đầu chỉ có một chùm trái chua loét lủng la lủng lẳng. Ngày lại ngày, nắng làm trái chín trở nên ngọt như mật ong, rồi được gọi là nho. Ta hái về giầm nát ra, chắt lấy nước ngọt đem chứa trong thùng, nước ngọt này tự nó lên men, đến ngày lễ Thánh John Tửu Đồ( [21] ) ta đổ ra, thế là thành rượu vang! Thật là thần kỳ! Anh uống cái thứ nước ngọt đo đỏ này và xem kìa, rốn anh nở to ra, to quá cỡ đối với cái thân xác già của anh, nó thách đấu với cả Trời. Sếp nói tôi nghe nào, làm sao lại hóa ra như thế? Tôi không trả lời.
Trong khi nghe Zorba nói, tôi có cảm giác như thế giới đang khôi phục lại sự tươi mát thuở ban sơ. Tất cả mọi sự vật thường nhật bị làm mờ đục bỗng lại sáng ngời như trong buổi ban đầu khi con người vừa sinh ra từ bàn tay Thượng đế. Nước, đàn bà, trăng sao, bánh mì thảy đều trở về cội nguồn nguyên thủy, huyền bí và cơn lốc thần thánh, một lần nữa, lại bùng lên trong không trung. Chính vì thế mà chiều nào cũng vậy, nằm dài trên lớp đá sỏi tôi nôn nóng chờ Zorba. Tôi thường thấy lão đột nhiên chui ra từ lòng đất và lắc lư người, sải bước lại gần. Bằng vào tư thế của lão, bằng vào cách lão vung vẩy tay, cất cao hay cúi thấp đầu, ngay từ xa, tôi đã có thể biết công việc ngày hôm ấy tiến triển ra sao. Mới đầu, tôi cũng đi làm với lão. Tôi quan sát thợ thuyền. Tôi cố gắng sống theo một kiểu khác, chú tâm vào công việc thực tiễn, ráng tìm hiểu và yêu mến cái chất liệu - người rơi vào tay tôi, cảm thụ cái niềm vui từ lâu khao khát là không còn phải giao tiếp với chữ nghĩa đơn thuần mà với những con người sống thật. Và tôi đề ra nhưng kế hoạch lãng mạn: nếu việc khai thác than bùn thành công, sẽ tổ chức một thứ cộng đồng trong đó mọi thứ đều được chia sẻ - ăn chung, mặc chung như anh em cùng một mẹ. Tôi tạo ra trong đầu một trật tự tôn giáo mới, chất men của một cuộc sống mới...
Nhưng tôi chưa quyết định nói cho Zorba biết dự định của tôi. Lão bực mình với việc tôi cứ đi đi lại lại giữa đám thợ thuyền, hỏi han, can thiệp vào mọi chuyện và bao giờ cũng đứng vào phe đám thợ. Zorba thường mắm môi nói:
- Sao sếp không ra ngoài đi dạo một vòng? Ngắm trời ngắm biển cho vui. Thoạt đầu, tôi khăng khăng, không chịu đi. Tôi thăm hỏi, trò chuyện và đi đến chỗ biết lai lịch từng người - nào là họ phải nuôi bao nhiêu con, có bao nhiêu em gái phải lo cưới gả, có bao nhiêu bà con già nua đơn côi phải giúp đỡ, nào là những băn khoăn lo lắng, phiền muộn, những lúc ốm đau bệnh tật.
- Đừng có đi sâu vào lý lịch của họ như vậy, sếp, Zorba thường cau có nói. Với trái tim dễ thương cảm, sếp sẽ bị lừa phỉnh, sếp sẽ ưa thích họ quá mức, không có lợi cho bản thân họ hoặc cho công việc của chúng ta. Họ làm bất cứ cái gì, sếp cũng tìm ra lý do bào chữa cho họ. Thế rồi, họ sẽ làm việc bôi bác, được chăng hay chớ! Sếp nên hiểu như vậy. Chủ mà cứng rắn, thợ mới kính nể, mới chịu làm việc. Chủ mà nhu nhược, họ bỏ mặc mọi chuyện cho chủ mà rong chơi thoải mái. Sếp hiểu chứ?
Một tối khác, sau khi làm việc, lão quẳng cuốc vào lán và quát lên, mất hết kiên nhẫn:
- Này sếp, thôi đi đừng có nhúng mũi vào nữa. Tôi xây đến đâu sếp phá đến đấy. Những điều sếp nói với họ hôm nay là cái quái gì thế? Chủ nghĩa xã hội và những chuyện nhảm nhí. Sếp là một nhà truyền giáo hay một nhà tư bản? Phải dứt khoát đi chứ! Nhưng làm sao tôi có thể lựa chọn được? Tôi đang bị thiêu đốt bởi ước muốn ngây thơ là liên kết hai điều đó, tìm ra một tổng hợp trong đó những đối kháng quyết liệt sẽ trở nên thân thiện và đạt được cả đời sống trần thế lẫn cõi thiên giới. Uớc muốn ấy đã kéo dài bao năm nay, từ thời tôi còn nhỏ. Hồi còn đi học, tôi đã cùng các bạn thân cận nhất tổ chức một Hội Ái Hữu( [22] ) bí mật - chúng tôi đặt tên cho hội như thế - và trong phòng ngủ khóa chặt của tôi, bọn tôi thề suốt đời hiến mình cho cuộc đấu tranh xóa bỏ bất công. Những giọt nước mắt to tướng chảy giàn giụa trên mặt chúng tôi khi tay đặt lên ngực mé trái tim, chúng tôi cất tiếng thề. Ôi những lý tưởng con nít! Nhưng cầu sao tai họa hãy giáng xuống đầu kẻ nào dám cười nhạo khi nghe những điều đó! Khi tôi thấy các hội viên Hội Ái Hữu trở thành hạng người như thế nào - lang băm, thầy cãi quèn, chủ hiệu tạp hóa, chính trị gia thò lò sáu mặt, nhà báo viết thuê - lòng tôi đau như xé.
Khí hậu của thế gian này xem ra khắc nghiệt và dữ dằn. Những hạt giống quý nhất không nẩy mầm được hoặc bị các bụi rậm và cây tầm ma đè nghẹt. Về phần tôi, giờ đây tôi có thể thấy rất rõ rằng mình không đến nỗi bị ngạt vì lý trí, đội ơn Chúa! Tôi vẫn còn cảm thấy sẵn sàng lao vào những cuộc phiêu lưu kiểu Đôn Kihôtê. Chủ nhật nào, cả hai chúng tôi cũng tắm rửa thật cẩn thận như những chàng trai đang kiếm vợ. Chúng tôi cạo râu, mặc những chiếc sơ mi trắng bốp và vào khoảng cuối chiều cùng nhau đến thăm mađam Hortense. Mỗi chủ nhật, mụ thịt một con trong đàn gia cầm đãi chúng tôi; cả ba chúng tôi lại ngồi cùng ăn, cùng uống; đôi tay dài của Zorba lại vươn tới chiếm hữu bộ ngực niềm nở hiếu khách của người đàn bà tốt bụng.
Đêm xuống, khi quay trở về phần bờ biển của mình, chúng tôi thấy cuộc đời có vẻ giản dị, đầy những thiện ý, tuy già cỗi nhưng rất dễ chịu và hồ hởi - như mađam Hortense vậy. Vào một trong những ngày chủ nhật đó, trên đường về sau một bữa tiệc thịnh soạn, tôi quyết định nói cho Zorba biết những dự định của tôi. Miệng há hốc, lão cố gắng kiên nhẫn lắng nghe. Nhưng chốc chốc lão lại giận dữ lắc cái đầu to tướng. Những lời đầu tiên của tôi làm lão tỉnh rượu, hơi men bốc khỏi đầu óc. Khi tôi nói xong, lão bực bội nhổ hai ba sợi ria mép :
- Sếp ạ, tôi nói thế này mong sếp đừng chấp, tôi nghĩ rằng óc sếp chưa thành hình. Năm nay, sếp bao nhiêu tuổi rồi?
- Ba mươi lăm.
- Thế thì óc sếp sẽ không bao giờ thành hình đâu. Nói rồi, lào phá lên cười. Tôi bị châm chích nhói đến tận gan ruột.
- Bác không tin ở con người ư? Tôi vặc lại.
- Thôi đừng nổi nóng, sếp. Không, tôi không tin ở cái gì hết. Nếu tôi tin con người, tôi sẽ phải tin Chúa và phải tin ma quỷ nữa. Và cái đó là cả một vấn đề. Mọi sự rồi sẽ bi bét, sếp ạ, và sẽ gây cho tôi biết bao rắc rối phức tạp. Lão im lặng, bỏ mũ bêrê ra, gãi đầu như điên và lại giựt giựt bộ ria như muốn vặt trụi đi. Lão định nói điều gì nhưng rồi lại kìm lại. Lão liếc mắt về phía tôi lại nhìn thêm lần nữa và quyết định nói:
- Con người là đồ súc sinh, lão nói, lấy chiếc gậy đập xuống lớp sỏi. Đại súc sinh. Điều đó, đức ông không ý thức được. Dường như mọi sự đã quá dễ dàng đối với đức ông, nhưng theo ý kiến tôi, con người là đồ súc sinh, xin thưa với đức ông như vậy ! Nếu ta tàn bạo với nó , nó sẽ kính trọng và sợ ta. Nếu ta tốt với nó, nó sẽ móc mắt ta ra.
"Hãy giữ một khoảng cách, sếp ạ. Đừng làm cho thợ thuyền quá mạnh dạn, đừng có nói với họ rằng chúng ta bình bằng, chúng ta có những quyền như nhau, kẻo họ sẽ thẳng thừng giày xéo lên những quyền của sếp đó; họ sẽ cướp đoạt phần bánh mì của sếp và để sếp chết đói. Hãy giữ khoảng cách sếp ạ, bằng vào mọi điều tốt đẹp tôi cầu chúc cho sếp!"
- Nhưng bác không tin vào cái gì ư? Tôi cáu tiết kêu lên.
- Phải, tôi chẳng tin vào cái gì hết. Tôi còn phải nói vậy với sếp bao nhiêu lần nữa. Tôi chẳng tin vào cái gì, chẳng tin vào ai, tôi chỉ tin vào Zorba. Không phải vì Zorba tốt hơn những người khác, hoàn toàn không phải thế, không phải một chút nào! Hắn cũng là súc sinh như tất thảy. Nhưng tôi tin vào Zorba vì hắn là kẻ duy nhất nằm trong phạm vi quyền lực của tôi, là kẻ duy nhất tôi hiểu biết. Còn tất cả mọi người khác đều là những bóng ma. Tôi nhìn thấy bằng đôi mắt này, tôi nghe thấy bằng đôi tai này, tôi tiêu hóa bằng bộ lòng ruột này. Tất cả mọi người khác đều là bóng ma, xin nói với sếp vậy. Khi tôi chết, tất cả mọi thứ sẽ chết. Toàn bộ thế giới Zorba sẽ chìm xuống đến tận đáy!
- Thật ích kỷ! Tôi nói mỉa.
- Biết làm thế nào, sếp! Sự thể là như thế. Ăn gì nói nấy. Tôi là Zorba, tôi nói giọng Zorba.
Tôi không nói gì. Những lời của Zorba làm tôi đau điếng như bị roi quất. Tôi thán phục lão vì lão mạnh mẽ đến thế, khinh người đến mức ấy mà đồng thời vẫn muốn sống và làm việc với họ. Tôi thì hoặc trở thành nhà tu khổ hạnh, hoặc phải tô điểm cho con người một bộ mã lông chim để có thể chịu đựng được họ. Zorba quay lại nhìn tôi. Dưới ánh sao, tôi có thể thấy lão cười ngoác đến tận mang tai.
- Tôi làm sếp phật ý phải không? Lão nói, bất thần dừng lại. Chúng tôi đã tới lều. Zorba nhìn tôi, trìu mến và ngượng ngập. Tôi không đáp. Tôi cảm thấy lý trí mình tán thành Zorba, nhưng con tim thì cưỡng lại, nó muốn vọt ra, thoát khỏi tên súc sinh để đi con đường riêng của mình.
- Tối nay, tôi không buồn ngủ, Zorba ạ, tôi nói.
Bác cứ đi nằm đi. Sao lấp lánh, biển thở dài, liếm láp những vỏ sò vỏ trai, một con đom đóm thắp lập lòe dưới bụng ngọn đèn nhỏ gợi tình. Đêm xõa mái tóc ròng ròng sương. Tôi nằm úp mặt, chìm đắm trong im lặng, không nghĩ ngợi chi cả. Lúc này, tôi hòa nhập làm một với đêm và biển; tâm trí tôi tựa như con đom đóm đã thắp đốm đèn nhỏ của nó và đậu trên nền đất đen ẩm, đợi chờ. Sao chuyển vần, giờ khắc trôi - và khi đứng dậy, không rõ bằng cách nào, tôi đã ghi khắc trong tâm trí hai nhiệm vụ phải hoàn thành trên vùng bờ biển này:
- Thoát khỏi ảnh hưởng Đức Phật, rũ bỏ bằng ngôn từ mọi ưu tư siêu hình và giải phóng tâm trí khỏi nỗi lo âu vô ích.
- Tiếp xúc trực tiếp và vững bền với mọi người, bắt đầu ngay từ giờ phút này. Tôi tự nhủ: "Có lẽ chưa đến nỗi quá muộn".

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.