Ám Thị

Chương 53: Học thuyết Erick Erikson




"Bất kỳ xã hội nào cũng có những cây cỏ dại đầy khiếm khuyết, thiếu sinh lực như em, mang một số phận chẳng có tư tưởng, chẳng có cái quái gì cả, chỉ tự mình hủy mình đi thôi, nhưng em còn có điều muốn nói. Cảm giác về trạng huống như vậy làm em vô cùng khó sống." (Tà Dương - Dazai Osamu)
---
Tần Y Lạc mặc tạp dề đứng trước bếp của Mạc Kỳ Yến. Ánh mắt lướt quanh giá để dao. Ngón trỏ tay phải từ tốn lướt trên cán từng con dao rồi dừng lại trước một con dao có chiều dài tương đối. Tần Y Lạc rút con dao ra khỏi giá. Một ánh sáng sắc lạnh ánh lên từ thân kim loại của con dao.
Phần thịt bò đã được rửa sạch lau khô. Tần Y Lạc đặt miếng thịt vào thớt. Dùng dao cắt một đường, chia thành hai phần đều nhau. Sau đó bắt đầu tẩm ướp gia vị.
Từ sau lưng Tần Y Lạc, có một vòng tay ôm lấy. Là Mạc Kỳ Yến.
"Nhanh hơn tôi nghĩ!"
Tần Y Lạc lên tiếng. Ánh mắt vẫn tập trung vào phần sơ chế thịt.
"Mấy sợi dây đó chỉ giữ tôi được 45 giây mà thôi. Nếu không bận tắm rửa tôi đã ra sớm hơn rồi."
Mạc Kỳ Yến tự tin lên tiếng.
Tần Y Lạc không quan tâm biểu tình của đối phương. Vẫn tiếp tục việc nấu ăn. Tần Y Lạc cũng biết, một sợi dây thừng vốn không giữ được Mạc Kỳ Yến ở trên giường lâu. Bởi Mạc Kỳ Yến là một cảnh sát không đơn thuần, cô ta có rất nhiều kỹ năng thoát hiểm hơn người.
"Mạc Kỳ Yến, cô biết lý thuyết về độ tuổi của Erik Erikson không?" Tần Y Lạc hỏi, điệu bộ vô cùng ung dung. Cô tìm đến lọ tiêu, rắc vào miếng thịt bò.
"Có nghe qua, là tám giai đoạn phát triển trong đời một con người." Mạc Kỳ Yến nói. Cô chợt nhớ đến cách đây vài ngày, Tần Y Lạc có một câu:
"Không ai sống quá ba mươi mà còn lương tâm đâu" lời này chưa hẳn là nói suông miệng, mà còn dựa vào cả nghiên cứu tâm lý học.
Erick Erikson viết lên tám giai đoạn phát triển thế này:
Giai đoạn 1 (từ 0 - 1 tuổi): Tin tưởng và Không tin tưởng:
Giai đoạn đầu đời, ở trẻ em có sự gắn kết với cha mẹ, thường gắn kết với mẹ hơn cha. Giai đoạn này, sự chăm sóc của cha mẹ sẽ tạo cho trẻ sự tin tưởng và được thoả mãn. Nếu một đứa trẻ trong giai đoạn đầu đời thiếu vắng cha mẹ, hay không có được tình thương sẽ dễ nảy sinh cảm giác tiêu cực.
Giai đoạn 2 ( 1,5 - 3 tuổi): Tự chủ và Nghi ngờ
Ở tuổi này, trẻ em hình thành tâm lý muốn làm chủ, bộc lộ điều mong muốn từ suy nghĩ. Ví dụ như yêu cầu một món đồ chơi, muốn được làm gì đó. Trong tâm lý học trẻ em, đây là độ tuổi lý tưởng để phát triển tính tự lập ở trẻ, nếu bị ngăn cấm trong giai đoạn này trẻ dễ rơi vào mặc cảm, tự ti và lệ thuộc.
Giai đoạn 3 (3 - 6 tuổi): Khởi đầu và Mặc cảm
Giai đoạn khám phá của trí não, trẻ em bắt đầu thử những trò chơi mới, thậm chí là nguy hiểm. Chính vì thế, ở độ tuổi này trẻ em bắt đầu luôn đặt câu hỏi "tại sao?". Người lớn cần giúp trẻ phát triển sáng tạo, nếu ngăn cấm dễ dẫn đến mặc cảm.
Giai đoạn 4 (6 - 12 tuổi): Siêng năng và Kém cỏi
Giai đoạn trẻ bắt đầu mong muốn giao tiếp, mở rộng các mối quan hệ bạn bè, hay kỹ năng sống. Tuy vậy, cơ thể vẫn chưa thật sự phát triển như người lớn. Nên dễ dẫn đến các tai nạn ngoài ý muốn. Lúc này, người lớn cần quan sát, giúp đỡ trẻ. Nếu ngăn cấm trong độ tuổi này, trẻ dễ sợ hãi trước thế giới, thiếu kỹ năng sống và sinh ra kém cỏi.
Giai đoạn 5 (Vị thành niên): Thể hiện và Nhầm lẫn vai trò.
Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu phát triển cơ thể thành người lớn. Lúc này, trẻ muốn thể hiện bản thân, cho rằng bản thân đã lớn. Khi lòng tự trọng quá cao dễ đưa đến mâu thuẫn gia đình. Trẻ trở nên đặc biệt nhạy cảm với những lời phê phán từ người lớn.
Giai đoạn 6 (Mới trưởng thành): Gắn bó và Cô lập
Độ tuổi yêu thương và lao động, các mối quan hệ từ gia đình, bạn bè, tình yêu nam nữ bắt đầu phát triển. Con người bắt đầu có trách nhiệm với người thân, tìm kiếm tình yêu. Nhưng nếu trong cuộc sống gặp bất ổn, thiếu vắng tình yêu hay bị lừa dối dễ nảy sinh ra chứng tự cô lập.
Giai đoạn 7 (Trung niên): Sáng tạo và Ngưng trệ
Đây là giai đoạn đời sống một người đã ổn định, họ tích luỹ được kinh nghiệm sống và bắt đầu tự chủ nhiều thứ cho bản thân. Họ tư duy và sáng tạo để phục vụ đời sống tinh thần cũng như cống hiến cho xã hội. Tuy vậy, nếu con người ở tuổi trung niên chưa hoàn thiện về mặt tình cảm, gia đình, dễ dẫn đến tự ti và ngừng trệ tư duy, xa lánh cộng đồng.
Giai đoạn 8 (Cao tuổi): Hoàn thành và Thất vọng
Giai đoạn có thay đổi lớn, nhất là giảm sút sức khoẻ. Ở độ tuổi này, con người đã về hưu, ổn định cuộc sống với gia đình con cháu. Nếu đời sống tinh thần và vật chất được thoả mãn, người cao tuổi dễ dàng chấp nhận cái chết. Ngược lại, nếu có nhiều bất ổn trong cuộc sống, người cao tuổi luyến tiếc và hay kể về quá khứ. Mang nhiều tâm trạng nặng nề tiêu cực.
"Erick Erickson cho rằng con người vừa chào đời đã biết hai thái cực cảm xúc là đặt lòng tin và thất vọng."
Mạc Kỳ Yến bình thản nói, cô vòng tay ôm lấy eo Tần Y Lạc.
"Tin tưởng là bản năng, cho dù con người có tự nhủ bản thân không được tin tưởng. Thì rồi họ cũng sẽ tin một ai đó." Tần Y Lạc nói, mắt vẫn không rời việc đang làm. "Con người sinh ra là để chịu tổn thương!"
Tần Y Lạc kết luận.
Mạc Kỳ Yến trầm ngâm, nữ nhân họ Tần này rất tiêu cực. Có vài người, họ mang được niềm vui đến cho người quanh mình, họ khiến người ta rất thích thú khi trò chuyện tiếp cận. Một số người khác thì u ám không vui vẻ và thường tự cô lập. Rất hiếm người vừa cười vui vẻ vừa nói ra quan điểm cực đoan như Tần Y Lạc.
"Nhưng tại sao lại nhắc đến Erik Erikson?"
Mạc Kỳ Yến nhỏ giọng hỏi.
"Đây là cách tôi ám thị Quyên Nhi tự sát, cũng là lý giải cho việc Diệp Mẫn tự sát vì lời nói của Quyên Nhi!"
Tần Y Lạc điềm nhiên nói. Khi đã ướp thịt bò xong, cô khẽ nhích người ra khỏi Mạc Kỳ Yến rồi đến bên buồng để rửa tay.
Mạc Kỳ Yến ngồi vào ghế gần đó, có chút trầm ngâm. Sao Tần Y Lạc đột nhiên nhắc đến Quyên Nhi? Đó là nữ y tá nhảy lầu tự sát trong vụ án Hầu gia.
"Có phải chính Quyên Nhi đã khiến cô bé Diệp Mẫn tự sát không?"
Mạc Kỳ Yến hỏi. Tuy rằng vụ án Hầu gia đã kết thúc nhưng có quá nhiều câu hỏi vẫn còn chưa có đáp án.
Tần Y lạc rửa tay, dùng khăn lông từ tốn lau khô vừa cất giọng nhàn nhạt:
"Cái hôm cô gặp tôi trên sân thượng bệnh viện. Tôi đang thắp nhang cho Diệp Mẫn, tôi đã nói với em ấy, sẽ mang cả nhà họ Hầu làm vật tế."
Con ngươi đen láy của Tần Y Lạc đanh lại, trở nên sắc bén. Nụ cười trên môi lại xuất hiện, tạo ra một cảm giác ớn lạnh cho người đối diện.
Nhưng Mạc Kỳ Yến không thấy sợ hãi, trái lại, Mạc Kỳ Yến cảm thấy thích thú. Ánh mắt vô thức chăm chú quan sát từng cử chỉ nhỏ của Tần Y Lạc. Cô khẽ nhích người về phía trước, nắm lấy tay Tần Y lạc, dùng sức kéo đối phương ngã về phía mình. Rồi vòng tay ôm chặt lấy, để Tần Y Lạc ngồi trong vòng tay của cô.
Tần Y Lạc không phản kháng, cô vuốt lại vài sợi tóc rối loạn. Mạc Kỳ Yến cảm thấy đối phương đang chậm rãi dựa vào cô.
Tần Y Lạc có thể ngửi được mùi hương nước hoa từ Mạc Kỳ Yến. Người này luôn thích những mùi hương nhẹ nhàng.
Tần Y Lạc lên tiếng, cô tiếp tục câu chuyện của mình:
"Quyên Nhi là kẻ xấu xa trong mắt người này nhưng lại là người rất tốt trong mắt người khác. Theo Erik Erikson thì Quyên Nhi đang ở giai đoạn tìm kiếm và chăm sóc bản thân, tức là cô ta sẽ mong mỏi có một chỗ dựa cho bản thân."
"Tình yêu?"
Mạc Kỳ Yến hỏi lại, cô liền nhớ đến tài khoản Weibo kia.
Tần Y Lạc không đáp, cô chỉ gật đầu.
Mạc Kỳ Yến trong đầu hiện nhiều suy nghĩ. Cho người khác một chỗ dựa rồi tự tay mình đẩy đối phương xuống vực. Cách làm này của Tần Y Lạc chính là huỷ diệt đi niềm tin của người khác.
"Là tài khoản Weibo tên Vũ Ninh phải không?"
Mạc Kỳ Yến hỏi, nhưng phần nhiều ngữ khí đã mang tính khẳng định.
Tần Y Lạc lần nữa gật đầu. Mạc Kỳ Yến luôn rất nhạy bén.
"Quyên Nhi là lần đầu tiên gϊếŧ người, cho dù là gián tiếp nhưng cô ta rất hoảng loạn. Nhưng Quyên Nhi không thể chia sẻ được với ai. Bạn bè người thân càng không thể, lúc này chỉ cần người một người xa lạ xuất hiện thì tâm lý muốn được chia sẻ của cô ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và quả nhiên, cô ta đã mang chuyện mình làm ra kể với Vũ Ninh."
"Sau đó?"
Mạc Kỳ Yến vô thức đặt câu hỏi, cô đã bị cuốn vào câu chuyện của Tần Y Lạc.
"Sau đó tôi đã mang những mẩu tin nhắn này cho người nhà của cô ấy xem."
Tần Y Lạc đều đều tiếp lời, tựa như là chuyện hết sức bình thường.
Mạc Kỳ Yến ngưng lời, thật ra những điều Tần Y Lạc nói, cô đã phần nhiều biết được.
"Tại sao cô muốn kể tôi nghe chuyện này?"
Mạc Kỳ Yến sau cùng hỏi.
"Vì tôi muốn cô có thể bắt được tôi!"
Tần Y Lạc vừa nói vừa cười nhạt. Tuy cười nhưng không có ý đùa, Tần Y Lạc vô cùng nghiêm túc.
Mạc Kỳ Yến cau mày, cô thật sự không thể hiểu được con người này. Cô ta thật sự muốn làm gì? Chỉ là Tần Y Lạc không biết một điều, từ lâu, Mạc Kỳ Yến đã không còn ý định muốn bắt giữ Tần Y Lạc.
"Thật ra, Quyên Nhi chết tôi cảm thấy vô cùng vui mừng."
Mạc Kỳ Yến đáp, giọng tựa sương, vừa mềm vừa lạnh.
Tần Y Lạc cười lạnh, cô cất lời:
"Trong suy nghĩ của tôi, dù gϊếŧ người dưới danh nghĩa nào cũng là sát nhân. Những kẻ ngồi trên ghế thẩm phán cũng như thế mà thôi. Thật giống với Trại súc vật của George Orwell*"
"All animals are equal, but some animals are more equal than others."*
Mạc Kỳ Yến trầm giọng trả lời. Trên đời, trừ bỏ Mạc Kỳ Yến không có người thứ hai có thể cùng Tần Y Lạc trò chuyện tất cả mọi thứ như thế. Họ có thể có sự hiểu biết nhưng sẽ thiếu sự từng trải. Người có cả hai đều này khi chưa tới ba mươi là cực kỳ hiếm có.
Mạc Kỳ Yến trên mặt duy trì biểu tình vô cảm. Cô không buồn càng không vui. Chính bản thân cô cũng nhận thấy Tần Y Lạc đúng: kẻ cầm dao thì là sát nhân, nhưng kẻ cầm búa gỗ, mặc đồ sang trọng thì sẽ trở thành bậc hiền triết. Dù cả hai cũng chỉ làm một việc, là gϊếŧ người.
--
*Chú thích: Đoạn tiếng Anh Mạc Kỳ Yến nói là trích dẫn trong tiểu thuyết Animal Farm, tức Trại Súc Vật của George Orwell. Câu này có nghĩa: Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng có một số con vật bình đẳng hơn.
Trại Súc Vật là câu truyện về những loài vật trong một trang trại quyết định đứng dậy lật đổ con người dưới sự lãnh đạo của một con heo. Và khi đã thành công, trớ trêu chính con heo này lại tạo ra sự bất bình đẳng với những loài vật khác.
Câu nói: All animals are equal, but some animals are more equal than others.
Quá rõ ràng là thể hiện quan điểm, bình đẳng giữa người và người không bao giờ tồn tại.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.