Ánh Sao Ban ngày

Chương 1.2: Không thể tan vỡ




Ly hôn hay không ly hôn chỉ khác nhau ở chỗ bên mình có một hơi thở hay không.
***
Ly hôn?! Mặc dù biết rằng cuộc hôn nhân của mình chắc chắn có vấn đề, cũng từng phiền não không biết bao nhiêu lần, nhưng chưa lần nào nghĩ tới chuyện ly hôn. Sáng sớm, Cố Thả Hỷ đến văn phòng làm việc, việc đầu tiên của cô là bật máy tính, mở trang MSN, sau đó kiểm tra hòm thư cá nhân. Thả Hỷ nhận được một bức thư của Vĩ Hàng, tên file gửi đính kèm bỗng nhiên lại là đơn xin ly hôn. Rõ ràng tối qua hai người còn ngủ chung giường, sáng nay còn cùng ăn sáng, tại sao lại gửi cho mình tờ giấy này một cách thản nhiên như không vậy?! Ngoài file đính kèm là đơn xin ly hôn ra, bức thư của Vĩ Hàng chẳng có lấy thêm một dòng chữ nào khác.
Cố Thả Hỷ mở tiếp những văn bản cần tải xuống, sau đó quả quyết đóng hộp thư lại. Cô không muốn mở ra để xem những điều kiện Triệu Vĩ Hàng đề nghị trong đơn ly hôn, cũng không muốn có chút hồi âm nào cho anh ta. Nếu anh ta quả thật muốn ly hôn, chí ít cũng phải tôn trọng cô, phải trực tiếp nói với cô.
Sau khi chọn ra vài bảng biểu cần in, ra lệnh in, Cố Thả Hỷ ngồi ngây ra nhìn cái máy in hoạt động. Ban đầu khi quyết định kết hôn, cũng có phần vội vàng. Hai người mới chỉ gặp nhau hai lần, trong đó một lần là đến phòng đăng ký kết hôn. Chỉ như vậy thôi đã ấn định kết cục chung thân cho một tình yêu. Nói theo lời của Chỉ Túc, ấn định kết cục chung thân cũng chính là lúc làm lỡ cả cuộc đời. Đinh Chỉ Túc, cô bạn thân nhất của Cố Thả Hỷ, cho dù Thả Hỷ có đang giày vò thế nào, Chỉ Túc vẫn luôn đưa ra những dự đoán bi quan nhất trong những lúc quan trọng nhất. Nhưng tức nhất là những dự đoán đó lần nào cũng đúng. Cố Thả Hỷ đã đôi lần tức giận nói với với Chỉ Túc rằng có điều gì thì cứ nói thẳng ra, nhưng Chỉ Túc lại nói: “Tớ làm sao ngăn được tính bảo thủ của cậu, tớ độc mồm độc miệng như vậy chẳng qua cũng chỉ giúp cậu tỉnh ngộ thôi, mà lần nào cậu cũng để tớ nói trúng ”.
Cố Thả Hỷ đứng cạnh máy in, rút ra từng tờ bảng biểu đã được in sẵn một cách máy móc, rồi sắp xếp chúng thành một tập ngăn nắp đặt sang một bên. Thả Hỷ cố gắng tập trung vào một việc gì đó nhưng đầu óc cô lúc này như một mớ bòng bong, cố gắng đến mấy cũng không tìm ra được một lối thoát. Thôi, kệ nó vậy! Thả Hỷ quyết tâm tập trung vào công việc, tuy nhiên, cái công việc bí thư giáo vụ chẳng đòi hỏi nhiều đến kỹ thuật cao này không đủ sức khiến cô tập trung.
Đã hết giờ lên lớp, rất nhiều giáo sư cầm cốc nước bước vào văn phòng. Như thường lệ, họ và Cố Thả Hỷ chào nhau, hỏi vài câu xã gi­ao, lại thêm vài sinh viên đến tra điểm, tra môn học… Một chút bận rộn đó quả là vị cứu tinh đối với Thả Hỷ lúc này. Sau đó Thả Hỷ ôm tập tài liệu cần dùng đến nộp tại khu hiệu bộ, thời gi­an cứ trôi đi như vậy.
Đi trên con đường yên tĩnh rợp bóng cây, Thả Hỷ buông những tiếng thở vừa chậm vừa dài. Cô móc điện thoại trong túi ra định bụng sẽ gọi cho Triệu Vĩ Hàng, nhưng ngón tay cô cứ ngập ngừng trên bàn phím, xoay đi xoay lại, cuối cùng cô quyết định không gọi nữa.
Nhìn đồng hồ, đã gần 11 giờ rưỡi. Thả Hỷ tìm một chỗ ngồi cạnh khoảng sân nhỏ bên đường, trong vô thức tay cô vẫn cầm chiếc điện thoại di động nhét trong túi quần. Mới ngồi được một chút, từng tốp từng tốp sinh viên tan học nhộn nhịp đi về phía nhà ăn. Không gi­an vừa mới đây thôi đang yên tĩnh bỗng trở nên ồn ã, những chú chim sẻ đang đậu trên cành cây gần đó cũng giật mình bay mất. Thả Hỷ cố ngồi thêm chút nữa, đợi toán sinh viên kia đi xa mới chậm rãi đứng dậy, một mình tới nhà ăn. Con người cô lúc này chẳng còn chút hứng thú gì nữa. Thả Hỷ chỉ biết cúi đầu nhìn đôi chân mình đang nhấc lên rồi chậm rãi cất từng bước.
“Em chào cô ạ!” Mấy cô cậu sinh viên sau khi ăn trưa xong về khoa cất tiếng chào, Thả Hỷ vội gật đầu chào lại một cách khiêm tốn. Sau khi tốt nghiệp đại học, Thả Hỷ đã ở lại trường, cũng được hai năm rồi, nhưng vì cô đi học sớm một năm nên về tuổi tác cũng xấp xỉ mấy cô cậu sinh viên kia. Chính vì vậy, mỗi khi sinh viên chào mình là cô giáo, Thả Hỷ luôn cảm thấy đôi chút ngượng ngập, cô thấy mình chưa xứng đáng với hai từ “cô giáo”. Trong con mắt cô, thầy cô giáo phải là những người giống như bố mẹ cô, quanh năm dạy học và nghiên cứu, học thức rộng, học sinh nhiều khắp thiên hạ. Còn mình thì sao, nếu dựa vào sức học của bản thân thì chắc chắn không thể thi đỗ vào trường đại học này, mình được vào trường cũng là theo tiêu chuẩn con em giáo viên. Cũng vì bố mẹ là những giáo sư đầu ngành nên có rất nhiều trường học muốn mời họ và để lấy lòng họ, nhà trường đã đề nghị Thả Hỷ ở lại trường làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.
Ban đầu, Thả Hỷ cũng không muốn ở lại trường làm việc. Thử nghĩ mà xem, bố mẹ thì xuất sắc như vậy nhưng cô con gái thì bình thường, dung mạo bình thường, tính tình bình thường, thậm chí trí thông minh cũng bình thường nốt, nếu ở lại trường làm việc sẽ có rất nhiều áp lực từ sự ảnh hưởng của bố mẹ. Thực ra trong suốt quá trình đi học của cô, bất cứ thầy cô giáo nào khi biết họ tên bố mẹ của Thả Hỷ đều tin rằng cô vẫn có một khả năng tiềm ẩn và họ lại cố gắng để khơi gợi nó. Thực tế Thả Hỷ cũng rất ngoan, rất cố gắng, chịu khó phối hợp với các thầy cô, tuy nhiên thành tích học tập của cô cũng chỉ ở mức bình thường, chưa bao giờ thoát khỏi hai chữ trung bình. Cô không muốn ở lại trường, bố mẹ cũng không ép buộc cô. Trong ấn tượng của Thả Hỷ, bố mẹ đối đãi với cô hết sức “dân chủ”, thậm chí là buông trôi. Khi Thả Hỷ còn nhỏ, bố mẹ đi học ở nước ngoài, cô lớn lên rồi họ mới về nước. Bố mẹ luôn rất khách khí với cô, chưa bao giờ họ ép buộc cô làm điều gì mà cô không thích.
Sau đó, sau đó thì tại sao nhỉ, tại sao cô quyết định ở lại trường? Thả Hỷ chưa bao giờ tiết lộ với ai về lý do này, bản thân cô cũng không muốn nhớ lại nữa.
Rất may là Thả Hỷ và bố mẹ không làm cùng khoa, hơn nữa, công việc bí thư giáo vụ cũng tương đối đơn giản, luôn có một khối lượng công việc và trình tự nhất định, đến thời điểm nào, làm công việc gì đều đã có quy định rõ ràng, cứ thế mà làm, lâu rồi cũng quen, quen rồi có khi lại làm tốt là khác. Giờ đây Thả Hỷ cảm thấy cô yêu thích và phù hợp với công việc này, việc gi­ao tiếp với sinh viên cũng tương đối đơn giản.
Điều gì mới là phức tạp đây? Theo cô thì chồng cô - Triệu Vĩ Hàng rất phức tạp, phức tạp đến không cách nào đoán được.
Thả Hỷ vừa mới tốt nghiệp là cưới liền, đến giờ đã hơn hai năm, mà theo cô thì hai vợ chồng cư xử với nhau cũng chẳng đến nỗi. Tuy không giống những đôi vợ chồng hạnh phúc luôn âu yếm, cận kề bên nhau, cũng không giống bố mẹ cô rất ăn ý với nhau, nhưng rốt cuộc cũng từ lạ lẫm mới dần dần thân quen. Hai người sống với nhau, chẳng có đam mê gì đặc biệt, cuộc sống cứ yên bình vô sự như vậy. Mặc dù vậy, trong lòng Thả Hỷ, Triệu Vĩ Hàng vẫn được coi là một người dưng rất đỗi thân thuộc. Cô coi anh như người thân trong gia đình cho dù có thể cô vẫn chưa hiểu hết anh bằng cô thư ký của anh. Tuy nhiên, điều này cũng không ngăn cản cô coi anh là người gần gũi mình nhất. Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, vất vả, lo lắng, nghe tiếng thở êm êm của anh ở bên, cô có thể yên tâm ngủ một giấc thật ngon không mơ màng, không mộng mị.
Cố Thả Hỷ gọi một bát mì, dùng thìa uống từng ngụm nước canh nhỏ. Mì là món khoái khẩu nhất của Thả Hỷ. Hồi còn nhỏ, khi Thả Hỷ còn ở với bà nội, bà thường dùng nước xương để nấu mì cho cô ăn, bà còn cho thêm một quả trứng. Bà nội thường ngồi ngắm Thả Hỷ ăn, mời thế nào bà cũng không ăn một miếng. Không phải là do nhà nghèo không đủ ăn mà bà nói rằng bà làm riêng món mì đó cho Thả Hỷ. Bà vẫn cứ ngồi thế, yên lặng, chăm chú nhìn Thả Hỷ ăn một cách ngon lành, sau đó mỉm cười thu dọn bát đĩa lại. Sau khi bà mất, Thả Hỷ thường xuyên nhớ tới ánh mắt bà nhìn mình, đó là một ánh mắt tràn đầy tình yêu thương. Phải tới mãi sau này khi đã lớn khôn, Thả Hỷ mới hiểu được thứ tình yêu sâu đậm, vô điều kiện ấy. Vì vậy, mỗi khi cảm thấy mất thăng bằng trong cuộc sống, Thả Hỷ lại ăn một bát mì nóng. Hình như mỗi lần làm như vậy, sức mạnh trong con người cô dần dần lại được khôi phục.
Ngày hôm đó tưởng chừng ngắn ngủi nhưng thực tế lại rất dài. Cuối cùng cũng đến giờ Thả Hỷ có thể đeo túi xách đứng lên và đi về nhà. Bỗng nhiên, cô lại cảm thấy chẳng muốn về nhà chút nào. Khi kết hôn với Triệu Vĩ Hàng, để tiện đi làm, anh đã mua một căn hộ trong khu tập thể giáo viên gần trường của cô. Nhà cô ở rất gần trường, chỉ đi ra cổng trường, băng qua đường là tới. Tất nhiên, nhà của bố mẹ cô cũng ở cạnh đó. Cứ đến cuối tuần Thả Hỷ lại về thăm nhà. Lúc hai người mới cưới nhau, mẹ Thả Hỷ tỏ ý rằng hai người có thể về ăn tối bên nhà ngoại, hai nhà ở gần nhau thế, hơn nữa nhà mẹ cô còn có người giúp việc. Thả Hỷ cũng muốn như vậy lắm bởi bản thân cô cũng không giỏi nấu nướng cho lắm. Đối với cuộc sống gia đình mới, cô dù sao cũng cảm thấy chút áp lực. Tuy nhiên, Triệu Vĩ Hàng khi đó từ chối khéo, anh ta nói thường đi làm về muộn, giờ giấc không cố định, như vậy sẽ rất phiền hà. Mặc dù trong lòng cũng hơi ấm ức nhưng Thả Hỷ vẫn phải bắt đầu với công việc của một nội tướng trong gia đình cho dù cô cảm thấy mình chưa được chuẩn bị tốt.
Chợt nhớ tới thói quen đi chợ vào mỗi buổi chiều tan làm, Thả Hỷ bỗng nảy ra ý nghĩ theo kiểu AQ: ly hôn cũng tốt, bản cô nương không phải phục vụ ai nữa! Triệu Vĩ Hàng thường không yêu cầu cao đối với hương vị của các món ăn. Từ khi Thả Hỷ trổ tài nấu nướng đến nay, nếu anh ta về nhà ăn cơm, thường chỉ ăn một bát. Tuy nhiên, anh ta lại luôn yêu cầu thực phẩm phải tươi mới. Kết hôn không được bao lâu, Thả Hỷ đi làm lại nên cũng hơi bận. Buổi tối khi về nhà, cô thường lục tìm trong tủ lạnh, có thứ gì thì đem ra nấu thứ đấy. Ăn như vậy được hai ba hôm, Triệu Vĩ Hàng không chịu được phải mở miệng: “Cố Thả Hỷ, nếu em không có thời gi­an đi chợ, anh sẽ đi; nếu em bận đến nỗi không có thời gi­an nấu cơm, chúng ta có thể tìm người giúp việc”.
Bây giờ nghĩ lại, Thả Hỷ cho rằng lúc đó đáng ra mình phải đáp lại rằng: “Quả thật em rất bận, hay là anh làm giúp em nhé!”. Nhưng đó là lúc mới kết hôn, Thả Hỷ lại đang được nghỉ, mọi việc trong nhà từ hôm cưới xong vẫn do một tay cô đảm nhận, cũng đã thành thói quen rồi, trong thâm tâm cô cũng cho rằng việc cơm nước là của phụ nữ. Vì vậy, cô đã ngoan ngoãn mà nói rằng sau này sẽ cố gắng, sẽ chú ý hơn, bởi dẫu sao bản tính của cô vẫn là một người luôn biết nghe lời.
Triệu Vĩ Hàng lớn hơn Thả Hỷ sáu tuổi. Anh cũng không phải là người không quan tâm đến gia đình, nhưng vì làm việc tại Ủy ban, công việc lại đang thời kỳ bận rộn nên thường xuyên đi công tác. Dù là đi công tác Bắc Kinh, anh vẫn cố gắng thu xếp để đi về trong ngày, buổi tối về nhà nghỉ ngơi. Tuy nhiên, đừng mong đợi anh làm việc nhà. Và rồi hàng ngày sau giờ làm việc, Thả Hỷ lại tất bật đi chợ mua một chút rau quả tươi về nhà. Nấu nướng xong, đợi đến bảy giờ tối, nếu Vĩ Hàng vẫn chưa về, cô sẽ ăn trước; nếu anh về muộn, sẽ tự hâm nóng thức ăn để ăn.
Thả Hỷ không rẽ vào chợ mà đi thẳng về nhà. Ngôi nhà này cũng chỉ có mình cô bận rộn sống trong đó. Ly hôn hay không ly hôn, chỉ khác nhau ở chỗ buổi tối có thêm một hơi thở ở bên mình mà thôi! Nghĩ như vậy, Thả Hỷ cảm thấy mình không còn tức giận như ban sáng nữa. Thả Hỷ định bụng buổi tối sẽ gọi một cái bánh piz­za, vừa nhâm nhi vừa xem đĩa. Chao ôi! Muốn buông thả bản thân một chút cũng chẳng còn cách nào khác.
Triệu Vĩ Hàng về tới nhà, thấy Thả Hỷ đang nằm ngủ trên so­fa, trên bàn là hộp bánh piz­za đang ăn dở còn lại mấy miếng, vô tuyến vẫn đang bật với thể loại phim Hàn Quốc ướt át, cái loại phim mà anh thấy ớn nhất. Vĩ Hàng vội tắt ti vi. Mỗi lần về đến nhà, anh chỉ muốn được yên tĩnh. Vĩ Hàng dọn thứ thức ăn mà với anh là thứ ăn rác trên bàn, cho vào sọt rác trong phòng bếp rồi mở tủ lạnh tìm thức ăn, quả nhiên, Thả Hỷ đã đình công. Trong tủ lạnh, ngoài sữa tươi, trứng gà ra, chẳng có thứ gì khác. Đã quen ăn mấy món vừa nhạt vừa ngọt do Thả Hỷ làm nên dù đã ăn cơm ở ngoài, khi về nhà, Vĩ Hàng vẫn muốn ăn thêm chút nữa, sau đó làm việc một lúc rồi đi ngủ. Lặng nhìn tủ lạnh một chút, Triệu Vĩ Hàng quay người đi vào nhà tắm, tắm gội, thay quần áo rồi đi ra phòng khách. Anh nhẹ nhàng bế Thả Hỷ đặt vào trong giường rồi cũng nằm xuống bên cạnh.
Buổi chiều, “anh cả” gọi điện hỏi Triệu Vĩ Hàng bao giờ viết xong đơn xin ly hôn. Vĩ Hàng kiểm tra hộp thư mới phát hiện ra mình đã gửi nhầm sang hộp thư của Thả Hỷ. Địa chỉ email của “anh cả” và Thả Hỷ đều được phân loại trong nhóm người nhà, nhưng lúc kích chuột, Vĩ Hàng đã kích nhầm. Phiền nhất đó lại là đơn xin ly hôn.
Tuy nhiên, mãi cho tới tối, Thả Hỷ vẫn không có chút động tĩnh gì, chính vì vậy Vĩ Hàng cũng không biết là cô ấy có nhận được thư hay không. Về nhà, nhìn bộ dạng của Thả Hỷ như vậy, Vĩ Hàng biết rằng mình đã bị cô ấy hiểu nhầm. Triệu Vĩ Hàng vốn cho rằng chuyện này chẳng có gì, “anh cả” muốn ly hôn, đơn xin ly hôn cũng đã viết xong, chỉ cần anh ấy tìm được một luật sư để giúp đỡ. Nếu Thả Hỷ mở file đính kèm, đọc nội dung, cô ấy sẽ phát hiện ra nội dung của tờ đơn chẳng liên quan gì đến hai người. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là Thả Hỷ đã không đọc nội dung tờ đơn.
Triệu Vĩ Hàng khẽ nhấc đôi chân hơi đau mỏi, trở mình nằm quay lưng lại phía Thả Hỷ. Cái cô nàng Cố Thả Hỷ này, sống chung cùng mình mà lòng dạ cứ để đâu đâu. Anh nhiều lần không thể không công nhận rằng Thả Hỷ ít nhiều cũng có những hành động phản kháng. Chẳng hiểu tại sao nhưng cứ nghĩ đến chuyện đó là Vĩ Hàng lại muốn cười. Hai ngày hôm nay Vĩ Hàng bận rộn với công tác phòng lụt, tình hình thiên tai năm nay tương đối nghiêm trọng, cần có biện pháp ứng phó kịp thời. Hiện nay, Vĩ Hàng đang công tác tại phòng thủy lợi, công việc này tương đối phù hợp với chuyên ngành xây dựng công trình của anh. Mỗi buổi họp chủ yếu thảo luận về những vấn đề mang tính chuyên môn cao khiến anh cảm thấy hứng thú. Mặc dù theo đuổi nghiệp chính trị là theo ý muốn của bố mẹ, nhưng Vĩ Hàng vẫn luôn tìm thấy niềm vui trong công việc. Kết quả của việc quá tập trung vào công việc khiến anh mệt mỏi tới nỗi chẳng còn tâm trí đâu mà quan tâm tới những chuyện khác. Cô vợ này của anh cũng không đến nỗi nào, việc gì cũng tỏ ra rất ăn ý, không có yêu cầu gì quá cao đối với anh, cả hai hầu như đều không phải mất nhiều tâm sức vì nhau.
* * *
Sáng sớm hôm sau, khi Thả Hỷ tỉnh giấc, thấy Triệu Vĩ Hàng hung hăng nằm choán gần hết giường và cả cái chăn, còn mình thì đang co quắp bên cạnh gối và cố níu một góc chăn bé xíu. Cũng may là bây giờ mới tháng chín, nếu không lại như có một lần đến lạnh quá mà phải tỉnh dậy mất thôi. Thả Hỷ cố hết sức để lôi cái chăn lại, cô chỉ muốn đạp cho cái tên đang nằm nghênh ngang kia ngã lăn xuống đất. Chân Thả Hỷ đã nâng lên rồi lại hạ xuống, quả thực là cô không dám làm thế. Cũng có thể là do chênh lệch tuổi tác nhiều, Thả Hỷ lúc nào cũng cảm thấy Vĩ Hàng như bậc bề trên, ngay cả chuyện đùa tếu cô cũng không dám thì nói gì đến chuyện gây lộn. Cô nhắm mắt lại giả vờ như đang ngủ. Cho dù anh ta muốn ly hôn vì lý do gì thì việc hai người giờ đây đang nằm chung một giường chẳng phải là khó hiểu hay sao? Đã muốn ly hôn rồi còn về nhà làm gì? Đúng là một con người kỳ quặc!
Triệu Vĩ Hàng bị Thả Hỷ kéo chăn cũng giật mình tỉnh giấc, liếc nhìn đồng hồ, mới sáu giờ sáng bèn ngủ tiếp. Nhưng Thả Hỷ đã kéo hết chăn của anh, bỏ mặc anh nằm chơ vơ ở đó. Vĩ Hàng nằm đơ một lát rồi giả bộ lật người, quay sang ôm chầm lấy Thả Hỷ. Với tính cách của Vĩ Hàng, anh rất ít khi đùa rỡn kiểu thế này, anh luôn cảm thấy cuộc sống của hai người đã tẻ nhạt rồi, có thêm tình hình gì mới cũng… Không hiểu sao lần này, Vĩ Hàng lại nổi hứng muốn trêu đùa Thả Hỷ một chút.
Thời tiết mùa này, nếu đắp chăn kín người sẽ cảm thấy hơi nóng, lại thêm một người đang ôm mình, Thả Hỷ cảm thấy người như đang bốc hỏa. Cô sợ anh tỉnh giấc, dù sao đang nằm trên giường cô vẫn chưa sẵn sàng nói về chuyện ly hôn. Cho nên Thả Hỷ cố đợi thêm chút nữa rồi suy nghĩ tìm cách chui ra khỏi chăn. Thật lòng Thả Hỷ chỉ muốn làm sao chui ra khỏi chăn chứ không thể mạo hiểm mà đẩy Vĩ Hàng ra. Trong lúc Thả Hỷ đang thử làm con tằm chui ra khỏi kén, Vĩ Hàng đã buông lỏng cơ thể. Tuy nhiên, thấy Thả Hỷ cứ động đà động đậy mãi dưới chăn, anh lại gồng cứng người lên. Thả Hỷ vẫn mải miết kéo dần kéo dần cái chăn ra, thấy tay mình sắp rút ra được, cô thở phào nhẹ nhõm. Bỗng một bàn tay to chộp nắm lấy tay Thả Hỷ khiến cô “a!” lên một tiếng thất thanh.
Triệu Vĩ Hàng vẫn nắm chặt tay Thả Hỷ, tay kia khéo léo rút tấm chăn ra rồi hùng hổ lao vào Thả Hỷ. “Gặp ma hay sao mà kêu to thế?” Anh đè cứng người Thả Hỷ, bàn tay lùa vào trong lớp áo ngủ của Thả Hỷ một cách tự nhiên, thành thục. Bàn tay Vĩ Hàng nhẹ nhàng lướt lên lướt xuống trên người Thả Hỷ, kiểu ve vãn tán tỉnh này lộ rõ tác dụng khêu gợi. Ban đầu Thả Hỷ có phần kinh ngạc, sau đó không hiểu sao cô cũng bị hút theo những động tác của Vĩ Hàng. Thả Hỷ không còn đầu óc đâu mà nghĩ đến nhiều chuyện khác, tuy nhiên, câu chuyện ngày hôm qua vẫn khiến cô cảm thấy có điều gì đó không đúng, ít nhất là trong lúc này. Thả Hỷ vừa định nói: “anh…” thì lại bị bàn tay đầy mê hoặc của Vĩ Hàng chặn lại. Tiếp theo lại là tiếng kêu “a…a…” cùng với từng nhịp thở nhè nhẹ, gấp gáp như đáp lại sự kích thích kia. Dường như mọi cảm giác bất thường đó, mọi uất ức khó chịu đều được những hành động của Vĩ Hàng xoa dịu. Triệu Vĩ Hàng ghé sát vào tai Thả Hỷ: “Giữ sức đi tí nữa còn kêu nhé!”. Giọng Vĩ Hàng đã trở nên khê đặc mùi nhục dục. Vẫn còn sớm mà, hơn nữa cô ấy lại nhiệt tình như vậy, bỏ qua bữa sáng tuyệt vời này thì quả là đáng tiếc.
Cuối cùng, khi Thả Hỷ có thể hạ đôi chân mỏi dừ, run rẩy đặt xuống giường và nằm gọn trong lòng Vĩ Hàng thì đồng hồ đã chỉ hơn sáu giờ rưỡi. Với một người lười vận động như Thả Hỷ, loại vận động này là tốn nhiều sức lực nhất mà đến mấy hôm sau cô vẫn chưa lấy lại được sức. Tức nhất là cái tên khơi gợi loại hoạt động kia lại chẳng bao giờ để ý xem cô đang trong tình cảnh thế nào mà bất cứ lúc nào cũng bật công tắc lên được. “Anh không mệt à?” Thấy tay của Vĩ Hàng vẫn miệt mài trên người mình, Thả Hỷ đánh bạo hỏi.
“Sao? Vẫn muốn tiếp à?” Triệu Vĩ Hàng cố tình dò xem thái độ của Thả Hỷ. Vĩ Hàng cũng biết rằng cô đã mệt rồi nên sau mỗi lần như vậy, anh đều nhẹ nhàng vuốt ve giúp cô thư giãn. Đương nhiên cũng đã có những tiền lệ anh lại lao lên khiến cô càng mệt hơn nếu điều kiện còn cho phép. Đấy chẳng phải là cách tán tụng sự hấp dẫn của cô nàng một cách tốt nhất hay sao?
Quả nhiên, Thả Hỷ lấy hết sức cuối cùng đẩy anh ra, bước xuống giường rồi đi thẳng vào nhà tắm. Động tác dứt khoát, liền mạch. Trước khi đóng cửa nhà tắm còn ném tặng anh một câu: “Nhanh dậy dọn dẹp đi, râu tóc khắp người rồi đấy. Không còn sớm nữa đâu, đến giờ đi làm rồi!”
Triệu Vĩ Hàng vẫn nằm ườn trên giường, có ý đợi Thả Hỷ từ nhà tắm đi ra rồi mới dậy. Vĩ Hàng cứ nằm đó, chẳng phải vì anh mệt mỏi hay buồn ngủ gì cả, sự thoả thuê ban nãy như một mũi tiêm trợ tim khiến thần thái anh vui vẻ hẳn lên. Triệu Vĩ Hàng phải thừa nhận rằng về mặt này, Cố Thả Hỷ rất hấp dẫn anh. Điều này chính Vĩ Hàng đã cảm nhận được khi hai người lần đầu tiên gặp nhau. Cố Thả Hỷ tuy không xinh nhưng cô ấy rất phụ nữ. Vì vậy, khi bố mẹ làm mối, Vĩ Hàng cũng chẳng có chút phản kháng gì. Nếu đằng nào cũng là để “làm chuyện ấy” thì ai mà chẳng như vậy. Trong môi trường công tác của Vĩ Hàng, gia đình là một yếu tố rất quan trọng. Đàn ông mà, cứ phải lập gia đình rồi thì mới được coi là ổn định, chín chắn và đáng tin cậy.
Cố Thả Hỷ bước vào nhà tắm, dường như từ lúc rời khỏi Vĩ Hàng, đầu óc cô lại buồn phiền trở lại. Chẳng phải là muốn ly hôn hay sao, thế mà vẫn còn muốn lợi dụng mình nữa. Thả Hỷ tự trách mình sao lại ngu ngốc đến mức hết thuốc chữa thế này. Cô dội nước tắm qua loa rồi vội vã mở cửa bước ra, định sẽ nói hết những điều đang ấp ủ trong lòng từ hôm qua. Cái tên Triệu Vĩ Hàng đáng ghét kia vẫn còn đang nằm chềnh ềnh trên giường, khuôn mặt lộ rõ vẻ mãn nguyện.
“Triệu Vĩ Hàng, anh dậy đi, có chuyện muốn nói với anh!” Thả Hỷ tiến về phía tủ quần áo, định bụng thay quần áo xong sẽ nói chuyện. Dù sao hai người vẫn trong tình trạng áo quần xộc xệch, nói một chuyện nghiêm túc như vậy xem ra không đúng cho lắm.
Triệu Vĩ Hàng lợi dụng lúc Thả Hỷ trút bỏ áo choàng tắm xuống, định mặc quần áo liền đưa tay vuốt nhẹ sống lưng cô. Thả Hỷ thoáng rùng mình. Bỗng Vĩ Hàng kéo cô vào lòng thì thầm: “Em nhạy cảm thật!”. Vĩ Hàng hôn nhẹ lên má Thả Hỷ rồi quay người đi vào nhà tắm. Anh làm như không nghe thấy lời cô vừa nói và cũng chẳng quan tâm tới sự tồn tại của cô.
Cố Thả Hỷ đi theo đến cửa nhà tắm, nghe tiếng nước chảy từ bên trong vọng ra đành cam chịu quay lại phòng ngủ và thay quần áo. Trong lòng Thả Hỷ giờ đây thực ra cũng chẳng tức giận gì. Có thể nói, từ trước đến nay, tình cảm của cô đối với Triệu Vĩ Hàng cũng chẳng có biến động gì to tát, cô tự giải thích với mình rằng chẳng cần để ý đến vậy, về căn bản là không cần để ý.
Cố Thả Hỷ chuẩn bị xong bữa sáng thì Triệu Vĩ Hàng cũng quần áo chỉnh tề bước ra. Trước khi ăn, Triệu Vĩ Hàng chăm chú nhìn Thả Hỷ một lát rồi nói: “Lá đơn xin ly hôn đó là của “anh cả”.” Vĩ Hàng vốn không định mở miệng giải thích nhưng dù sao tránh được những hiểu lầm không đáng có vẫn hơn.
“Ừ.” Thả Hỷ gật gật đầu, không tỏ ý xin lỗi vì đã hiểu lầm Vĩ Hàng, cũng không biểu lộ rằng vì anh không giải thích kịp thời khiến cô đã không vui, càng không muốn nói rằng vì anh đã giải thích mà cô thấy thanh thản. Dường như tất cả những việc đó đều là những phản ứng cần phải có. Cô chỉ có duy nhất một phản ứng đó là chầm chậm thở phào một hơi. Cuộc sống dù sao không có nhiều thay đổi vẫn tốt hơn. Cô không muốn ly hôn với Triệu Vĩ Hàng, ít nhất là tại thời điểm này.
Sau đó, Triệu Vĩ Hàng với tay bật vô tuyến xem bản tin buổi sáng. Hai người lặng lẽ ăn phần ăn của mình. Vĩ Hàng lái xe đưa Thả Hỷ tới cổng trường học rồi đi làm. Vẫn là những việc như thường ngày, nhưng sáng nay, nó được thêm một chút gia vị có tên gọi dịu dàng. Vụ hiểu lầm lần này không phát huy được uy lực “hô phong hoán vũ” của nó, hiển nhiên cũng không phải vì tình cảm của hai người quá bền chặt tới nỗi không thể tan vỡ, hoặc cũng chỉ bởi vì chẳng có gì có thể tan vỡ mà thôi. Cố Thả Hỷ và Triệu Vĩ Hàng đều có cách nghĩ giống nhau, đều cùng nở một “nụ cười bất đắc dĩ” để bắt đầu một ngày làm việc bận rộn của mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.