Bông Hồng Vàng Và Bình Minh Mưa

Chương 6: Chương 6




Tia Chớp
Ý sáng tác nảy ra như thế nào?
Hầu như chẳng bao giờ có hai ý sáng tác nảy ra và phát triển giống nhau. Rõ ràng ta không thể trả lời cho câu hỏi "ý sáng tác nảy ra như thế nào" một cách chung chung, mà phải gắn vào từng truyện ngắn, từng tiểu thuyết hay từng truyện dài riêng biệt.
Dễ hơn là trả lời cho câu hỏi: "Muốn cho ý sáng tác xuất hiện cần có những gì?". Hoặc khô khan hơn: "để có ý sáng tác phát sinh cần có những điều kiện gì?" Sự xuất hiện của ý sáng tác bao giờ cũng được chuẩn bị từ trước bởi trạng thái nội tâm của nhà văn.
Giải thích sự xuất hiện ý sáng tác bằng cách so sánh là tốt nhất. Đôi khi cách so sánh cho ta cái sáng rõ kỳ lạ ngay cả trong những điều phức tạp nhất.
Người ta hỏi nhà thiên văn Jeans rằng tuổi trái đất là bao nhiêu. Jeans trả lời:
- Các bạn hãy tưởng tượng một ngọn núi khổng lồ, ngọn Elbrus ở Kavkaz chẳng hạn. Và hãy hình dung một con chim sẻ độc nhất, nhỏ bé, chỉ có một việc nhảy nhót và dùng mỏ khoét ngọn núi đó. Như thế, nếu con chim sẻ ấy muốn khoét từ ngọn đến chân quả núi thì phải mất một số năm bằng số tuổi của trái đất.
Cách so sánh có thể cho ta hiểu sự xuất hiện ý sáng tác đơn giản hơn nhiều.
Ý sáng tác là tia chớp. Điện năng trong nhiều ngày tích tụ lại mỗi lúc một nhiều thêm bên trên mặt đất. Khi bầu không khí đầy ứ điện thì những tảng mây trắng sẽ biến thành những đám mây giông khủng khiếp và từ trong những đám mây ấy, từ trong lượng điện dày đặc sẽ phát sinh tia lửa đầu tiên - đó là tia chớp.
Mưa rào đổ xuống mặt đất hầu như ngay lập tức sau khi có tia chớp ấy.
Cũng như tia chớp nọ, ý sáng tác nảy ra trong ý thức của con người khi nó đã tràn đầy những ý nghĩ, những cảm xúc và những dấu vết ghi trong trí nhớ. Tất cả những cái đó được tích lại dần dần, chậm chạp, cho tới khi đạt đến một độ dồn nén nào đó, thì sự giải tỏa năng lượng điện nhất thiết sẽ xảy ra. Lúc đó cả cái thế giới bị nén chặt và còn khá hỗn độn ấy phóng ra một tia chớp: đó là ý sáng tác.
Muốn cho ý sáng tác phát sinh, cũng như trong trường hợp đối với tia chớp, thường phải có một kích thích rất nhỏ.
Ai biết được đó sẽ là cái gì? Một cuộc gặp gỡ bất ngờ, một từ chợt đến trong tâm hồn, một giấc mơ một giọng nói xa xa, ánh mặt trời trong giọt nước hay một tiếng còi tàu thủy.
Mọi cái đang tồn tại quanh ta, ở chính trong ta, đều có thể là cái kích thích đó.
Lev Tolstoy trông thấy một cây ngưu bàng bị gãy và một tia chớp chợt lóe lên: ý sáng tác cuốn truyện dài bất hủ về Hatji-Murat xuất hiện.
Nhưng nếu như Tolstoy không ở Kavkaz, không được biết, không được nghe kể về Hatji-Murat thì tất nhiên cây ngưu bàng kia cũng chẳng gợi được ý đó trong ông. Trong nội tâm Tolstoy đã có sẵn mọi cái cần thiết cho đề tài ấy và chỉ vì vậy mà cây ngưu bàng đã cho ông cái liên tưởng cần thiết.
Nếu như tia chớp là ý sáng tác thì cơn mưa rào chính là sự thể hiện ý sáng tác ấy. Đó là những dòng nước đầy hình tượng và từ ngữ chảy nhịp nhàng. Đó là tác phẩm.
Nhưng khác với tia chớp chói lòa, ý sáng tác đầu tiên thường không rõ nét.
"Qua tấm kính nhiệm màu, ta vẫn chưa thấy rõ cuốn truyện bao la nơi chân trời xa tắp"
Ý sáng tác chỉ chín dần, nó chiếm lĩnh dần khối óc và trái tim nhà văn, dần được suy nghĩ kỹ hơn và trở nên phức tạp hơn.
Nhưng cái gọi là sự "thai nghén" ý sáng tác hoàn toàn không giống như cái mà những người ngây thơ tưởng tượng ra. Nó không hiển hiện trong cảnh nhà văn ngồi, hai tay ôm lấy đầu, hoặc đi lang thang, cô độc và kỳ quái, vừa đi vừa lẩm bẩm thành tiếng những ý nghĩ của mình.
Hoàn toàn không phải như thế! Ý sáng tác kết tinh lại, phong phú thêm mãi, từng giờ, từng ngày, mọi lúc và mọi nơi, trong mọi sự tình cờ, mọi công việc, mọi niềm vui và mọi nỗi đau khổ trong "cuộc sống trôi nhanh" của chúng ta.
Muốn nung nấu ý sáng tác cho chín, nhà văn không bao giờ được tách khỏi đời sống và đắm đuối trong thế giới nội tâm. Ngược lại, do sự cọ xát thường xuyên với thực tại, ý sáng tác sẽ nở hoa và tràn đầy nhựa sống của đất.
Nói chung, có rất nhiều định kiến và ý nghĩ sai lầm về công việc của nhà văn. Một số định kiến và ý nghĩ như thế làm ta phải tuyệt vọng kêu trời vì tính dung tục của chúng.
Bị dung tục hóa nhiều nhất là cảm hứng của nhà văn.
Lũ thế nhân dốt nát bao giờ cũng tưởng tượng cảm hứng như là đôi mắt của nhà thơ trợn trừng trong phút say mê, cái nhìn hướng lên trời hay là cây bút lông ngỗng bị nhà văn gặm cụt.
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ cuốn phim "Nhà Thơ Và Hoàng Đế". Trong cuốn phim đó nhà thơ Pushkin mơ mộng ngước mắt nhìn lên, rồi hối hả vớ lấy cây bút, bắt đầu viết, rồi ngừng lại, lại nhìn lên, gặm gặm cây bút lông ngỗng, rồi lại hối hả viết.
Có biết bao nhiêu hình tượng Pushkin mà chúng ta đã thấy, trong đó ông giống như một cuồng sĩ đang cơn phấn hứng.
Tôi đã được nghe một câu chuyện thú vị như sau bên cạnh pho tượng Pushkin với mái tóc uốn quăn và cái nhìn "thần hứng" trong một cuộc triển lãm nghệ thuật.
Một đứa con gái bé tí tẹo ngắm ông Pushkin nọ hồi lâu rồi chau mày hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, bác ấy đang mơ một cái ước mơ phải không mẹ?
- Phải đấy, cưng ạ, bác Pushkin đang mơ một cái ước mơ.
Người mẹ dịu dàng trả lời.
Bác Pushkin đang "mơ một cái ước mơ"! Chính cái bác Pushkin, người đã nói về mình như thế này: "Rồi nhân dân sẽ còn mãi mãi yêu tôi, vì tôi đã dùng thơ thức lên những tình cảm tốt lành, vì trong thế kỷ khốc tàn của chúng ta, tôi ca ngợi tự do và tình thương kẻ khốn cùng!".
Và nếu như cái cảm hứng "thần thánh" đã "bao trùm" (cứ nhất thiết phải "thần thánh" và cứ nhất thiết phải "bao trùm" kia) lên nhà soạn nhạc thì ông ta ắt phải ngước mắt lên; điều khiển một cách uyển chuyển - và điều khiển cho bản thân mình thưởng thức - những nét nhạc mê hồn chắc chắn lúc đó đang vang vang trong tâm hồn ông hệt như bức tượng Chaikovsky ngọt xớt ở Moskva.
Không đâu! Cảm hứng là một trạng thái lao động nghiêm túc của con người. Sự cao hứng trong tâm hồn không biểu hiện ở điệu bộ rạp hát và trong sự bốc đồng. Những cái gọi là sự "dằn vặt trong sáng tác" được người ta khua chiêng gõ trống khi nói về nó cũng vậy.
Pushkin nói về cảm hứng chính xác và đơn giản: "Cảm hứng là trạng thái tâm hồn thích hợp cho sự tiếp nhận sinh động những ấn tượng, do đó, cho sự lĩnh hội nhanh chóng những ý niệm, tức là những cái tạo điều kiện cho việc giải thích những ấn tượng nói trên". Ông nói thêm: "Những nhà phê bình thường hay lẫn lộn cảm hứng với niềm phấn khởi". Cũng như người đọc đôi khi lẫn lộn cái thật với cái giống thật.
Như thế cũng còn chưa tai hại lắm. Nhưng khi một số họa sĩ và nhà điêu khắc lẫn lộn cảm hứng với "niềm phấn khởi của con bê" thì cái đó là cả một sự dốt nát và là sự không tôn trọng lao động nặng nhọc của nhà văn.
Chaikovsky quả quyết "rằng cảm hứng là trạng thái khi con người mang hết sức mình ra mà làm việc như trâu chứ không phải là cái sự ve vẩy tay một cách õng ẹo".
Xin các bạn tha lỗi cho vì những dòng tùy bút này, nhưng tất cả những điều tôi nói trên hoàn toàn không phải chuyện vặt. Đó là chỉ dấu cho chúng ta biết rằng vẫn còn những kẻ tầm thường và thiển cận.
Người nào cũng vậy, dù chỉ một đôi lần trong đời, nhưng thể nào cũng đã trải qua trạng thái cảm hứng: đó là sự thăng hoa của tâm hồn, sự thoải mái, sự tiếp nhận hiện thực một cách sống động, khi trong người tràn đầy ý nghĩ và tri thức về sức mạnh sáng tạo của mình.
Vâng, cảm hứng chính là trạng thái lao động nghiêm túc, nhưng nó có màu sắc thơ riêng biệt của nó, tôi muốn nói cái ẩn ý thơ của nó.
Cảm hứng đi vào tâm hồn chúng ta như một buổi sáng mùa hạ rực rỡ vừa mới rũ khỏi thân mình sương mù của một đêm êm ả, nhưng vẫn còn lại những hạt sương sớm với những bụi cây um tùm ẩm ướt. Nó nhẹ nhàng phả hơi tươi mát tốt lành vào mặt chúng ta.
Cảm hứng giống như mối tình đầu, khi tim ta đập rộn ràng trong mối tiên cảm về những cuộc gặp gỡ lạ kỳ, đôi mắt tuyệt trần, những nụ cười và những câu nói ngập ngừng dang dở...
Lúc đó thế giới bên trong của chúng ta trở nên tinh tế và chuẩn xác như một cây đàn kỳ diệu, nó tạo nên âm hưởng dội ngược trở lại đối với mọi tiếng động của cuộc sống, kể cả những tiếng động thầm kín nhất, khó nhận thấy nhất.
Nhiều nhà thơ và nhà văn đã viết những dòng tuyệt diệu về cảm hứng. "Chỉ có lời thần mới động đến tai tinh" (Pushkin). "Mối lo âu xao xuyến trong hồn ta chỉ dịu đi vào lúc đó" (Lermontov). "Âm thanh đến, và ngoan ngoãn nương theo âm thanh làm nhức nhối con tim, tâm hồn ta trẻ lại" (Blok). Fet nói rất chính xác về cảm hứng:
Một cái đẩy, và thuyền lao xuống nước
Rời bãi cát vàng nước triều san phẳng
Một đợt sóng lên - và thuyền đi xứ khác
Đón gió lành từ những bờ hoa
Một tiếng động thôi - thế là
Giấc mộng buồn của ta đứt quãng
Phút chốc bất ngờ hồn ta được hưởng
Cảm giác thân thương, cái chưa từng biết
Cho cuộc đời ta - một tiếng thở dài
Cho nỗi khổ âm thầm - này một niềm vui
Và phút xuất thần của người xa lạ
Bỗng hoá thành của ta...
Turgenev gọi cảm hứng là "thiên giáng", là thần khải của con người, nhờ ý nghĩ và tình cảm mà có. Ông sợ hãi nói đến nỗi dằn vặt kinh khủng đối với nhà văn khi nhà văn bắt đầu biến thần khải ấy thành những từ.
Lev Tolstoy nói về cảm hứng giản dị hơn bất cứ ai: "Cảm hứng chính là sự bất thần chợt thấy rõ điều ta có thể thực hiện. Cảm hứng càng rõ thì sự thực hiện cảm hứng lại càng phải tỉ mỉ".
Nhưng dù ta có định nghĩa cảm hứng như thế nào đi chăng nữa thì ta cũng vẫn biết rằng nó bao giờ cũng mang lại cho ta những kết quả tốt đẹp, rằng nó không thể mất đi vô ích chừng nào nó chưa tự hiến nó cho con người.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.