Chân Ngắn, Sao Phải Xoắn

Chương 6: Chương 6




Tôi đang chìm trong giấc ngủ và mơ thấy mình đang chu du tận bên trời Mỹ, lạc vào Hollywood và đi dự tiệc cùng anh Tom Cusie với hàng ngàn ống kính máy ảnh đang chĩa vào mình thì chuông điện thoại réo lên. Tôi lồm cồm bò dậy, mắt nhắm mắt mở vồ lấy cái điện thoại, chẳng biết đứa dở người nào gọi điện, đang dọn sẵn mồm để mắng ột trận thì bên kia đã gào rú lên.
- Xuống ngay! Cô có biết mấy giờ rồi không hả?
Các bạn biết là ai rồi đấy, thế là tan tành một giấc mơ hoa, tan ba đời liễu. ( Tiện mồm thì than thế cho nó vần, chứ chẳng ý nghĩa gì đâu)
Tôi nhìn đồng hồ và phốc ngay xuống giường, ối mẹ ơi. Sau một đêm ngủ dậy tôi đã quên béng cái chân đau của mình, giờ thì khi nó chạm đất, nó khiến tôi thấm thía thế nào là đau. Định ngoác cái mồm ra khóc, nhưng sực nhớ ra nếu mình không nhanh chân lên thì sẽ phải nhìn cái bản mặt dài như cái bơm của sếp Tam Mao. Vì thế, thôi thì cố gắng lết đi sửa soạn, nếu không muốn nhìn cái mặt bầm như quả nho của sếp Tam Mao và những cái lườm sắc nhọn của các mụ mái già.
Tôi lê lết thân tàn xuống nhà, và xỏ chân vào đôi dép xỏ ngón. Trời ạ, chân với chả cẳng, đi dép xỏ ngón còn đau, chẳng lẽ đi chân đất?. Càng đau, tôi càng tức lão Hoành Tá Tràng, đã thế nhá, bà sẽ hành cho biết mặt. Hoành Tá Tràng đứng chờ tôi trước cổng với khuôn mặt sưng sỉa không kém. Nhìn thấy cái bản mặt của tôi, anh ta đã vội vàng xỉa xói.
- Biết ngay mà, con gái con lứa, chỉ có ăn với ngủ!
- Thế con trai thì không cần ăn với ngủ chắc?
- Vớ vẩn, cãi cùn! Lên nhanh cho tôi còn đi làm.
- Nhanh cái con khỉ… đau muốn chết đây.
Lúc này, Hoành Tá Tràng mới nhìn xuống chân tôi, mặt anh ta cũng có đôi phần như đang chia sẻ. (Gớm, lúc đó mà còn ngoác mồm ra cười thì tôi đấm cho vênh mõm ấy chứ.). Hắn le te dựng xe chạy đến dìu tôi, giọng có phần chùng xuống.
- Có đau lắm không?
- Anh thử bị khâu năm mũi như tôi xem có đau không mà cứ hỏi.
Hoành Tá Tràng cun cút dìu tôi ra xe mà không dám cãi lại. Khà khà, xem chừng hắn cũng có tí chút lương tâm. Khi tôi ngồi yên trên xe, hắn đưa cho tôi gói xôi.
- Đây, ăn đi, tôi biết ngay là cô chưa ăn sáng mà.
- Không, tôi thích ăn phở cơ!
- Điên à? Cô biết bây giờ là mấy giờ rồi không? Chờ được cô ăn xong bát phở thì đến giờ nghỉ trưa.
- Ý anh là giờ tôi phải vừa ngồi trên xe, vừa nhồm nhoàm ăn xôi à?
- Sao nữa, không muốn ăn à? Hay là muốn rảnh tay để ôm tôi?
Tôi thề, nếu chân tôi không đau thì kiểu gì tôi cũng song phi cho hắn một cái. Thật đáng hận, vì cái chân đau mà tôi trở nên hiền thục thế này đây. Tuy không song phi được hắn, nhưng tôi vẫn không thể không gằm ghè.
- Tôi không bị thần kinh đâu nhé. Tôi duyên dáng thế này mà vừa đi vừa nhồm nhoàm nhai thì có phải mất mặt không?
- Ô! nhìn lại mình đi, như cô mà gọi là duyên à?
Máu trào lên não, tôi uất đến nỗi muốn ném thẳng nắm xôi vào mặt anh ta. Nhưng, tội gì, xôi nhìn cũng ngon, ném đi lại phí, với lại tôi đã ăn gì đâu.
- Đồ tiểu nhân! anh ghen với sự duyên dáng của tôi hử?
Hoành Tá Tràng cười tủm tỉm rồ ga vút đi. Tôi cầm nắm xôi và không kiềm chế nổi, tôi bốc ăn ngon lành. Dù sao, việc quái gì phải xấu hổ, có ai biết tôi là ai đâu. Tôi đến được Hoành Tá Tràng dìu lên tận phòng làm việc ( Nói thật, thiếu chút nữa thì anh ta cõng tôi, may mà tôi kiên định), anh ta lườm tôi cháy cả mặt rồi nói.
- Bao giờ về thì gọi cho tôi.
Anh ta lao ra ngoài trước sự ngơ ngác của đám mái già công ty tôi. Và, lại thêm một cơn bão dư luận nữa càn quét công ty cả ngày hôm đó. Tôi chẳng thấy phiền, tôi luôn là trung tâm của mọi cơn bão, giờ thêm một cơn nữa thì cũng chỉ là như muối bỏ bể mà thôi, trừ phi nó là lốc xoáy thì may ra nó mới khiến tôi lung lay chút ít. Sếp Tam Mao nhìn đi nhìn lại cái chân đau của tôi và phán.
- Vẫn còn nhẹ chán, thế này chẳng phải nghỉ làm buổi nào đâu nhỉ?
Sếp ơi là sếp, đã ai dám xin nghỉ ngày nào đâu mà sếp cứ phải rào trước đón sau. Sếp không những xấu người mà còn xấu tính nữa, sếp ạ.
Giờ ăn trưa, tôi ngậm ngùi ngồi gặm bánh quy một mình. Tôi thầm trách mẹ tôi, sao hôm qua không ăn vạ thêm tí nữa, bắt Hoành Tá Tràng buổi trưa phải mang cơm đến cho tôi nhỉ?. Dù sao, cũng đã mang tiếng là ăn vạ rồi, có thêm một tí mưu hèn vào nữa thì cũng có vấy bẩn gì đâu. Nói thì nói thế, nhưng thực ra tôi nghĩ, không nên bóc lột người ta như thế, bởi người đời thường có câu “ Con giun xéo lắm cũng quằn”. Nếu anh ta mà “quằn” thật thì lấy ai đưa đón tôi đi làm mỗi ngày?. Thôi, tốt nhất là cứ hài lòng với những gì mình có, không phải người ta vẫn thường nói thế hay sao?
Tôi vừa nuốt miếng bánh kia vào cổ, chợt có tiếng gọi.
- Phương!
Tôi ngoái đầu lại, ôi, Lãng Tử, anh ấy ôm hộp bánh Pizza đi vào. Tôi dụi mắt lia lịa, cứ tưởng mình dạo này cận nặng quá. Ô hay, tối qua Lãng Tử mới vào Sài Gòn mà sao giờ lại có mặt ở đây được nhỉ?. Lãng Tử vẫn giữ nguyên nụ cười quyến rũ tiến đến gần tôi. Anh ấy đặt vội hộp thức ăn lên bàn rồi ngồi thụp xuống nhìn chân tôi, tôi vội vàng co chân lại.
- Làm cái gì đấy?
Lãng Tử giật mình nhìn lên, tôi thấy mặt anh đỏ như hai quả nhót.
- Ơ, anh xin lỗi. Em có đau không?
- Đau! Mà sao anh ở đây, tưởng anh ở Sài Gòn mà?
- Ờ, anh vừa từ sân bay về, em ăn đi, anh mua pizza đấy.
Tôi vớ lấy hộp bánh pizza, nói thật, từ bé tới giờ tôi chả thích mấy cái đồ ăn Tây rồi Âu kiểu này tí nào cả. Nhưng trong lúc bụng đang réo, mà Lãng Tử đang hết sức chân thành nên tôi chẳng có lý do gì để từ chối cả. Tôi vừa bốc bánh ăn vừa nói.
- Sướng nhỉ? Đi Sài Gòn như đi chợ!
- Cả đêm qua anh sốt ruột quá không ngủ được nên lúc nãy tranh thủ ra sân bay bay về đây luôn.
- Cái gì? Chỉ vì thế mà anh bay từ trong đấy ra hả?
- Ừ! …
Tôi đang sốc! Ai cho tôi vịn tay đứng dậy với! Lãng Tử ơi là Lãng Tử, anh đẹp trai mà anh chẳng thông minh tí nào. Tại sao lại phải bỏ một đống tiền vé máy bay để bay ra đây chỉ vì sốt ruột chứ. Thật không hiểu nổi mấy vị nhà giàu ném tiền qua cửa sổ như thế ( Mà đây là cửa sổ máy bay hẳn hoi đấy). Anh ấy thì sốt ruột còn tôi thì tiếc tiền đến đứt cả ruột ( Mặc dù, đó chẳng phải là tiền của tôi, ô, nhưng nếu đó là tiền của tôi thật thì tôi đã lăn ra chết vì tiếc từ lâu rồi). Lãng Tử như nhìn thấy cái sự sốc của tôi, nên chuyển hướng câu chuyện.
- Làm sao mà em bị ngã đến nông nỗi này!
- A… chuyện dài lắm. ( Lúc này tôi mới hoàn hồn)
- Kể anh nghe xem nào…
Câu chuyện ly kỳ lại được tái hiện thêm một lần nữa bằng khả năng kể chuyện sinh động của tôi. Vừa kể tôi vừa ăn pizza liên tục ( thực ra, tôi cố ý làm như thế để quên đi cái vị đáng ghét của nó). Lãng Tử im lặng ngồi nghe ( cả nhìn nữa) tôi hoa chân múa tay, khuôn mặt anh lúc thì cười, lúc lại căng thẳng, lo lắng nhìn tôi. Tôi kết thúc câu chuyện bằng một miếng pizza lớn, nhưng lúc đó, tôi sực nhớ ra, liền hỏi Lãng Tử.
- À, anh đã ăn trưa chưa?
- …À, chưa… từ sân bay chạy vội về, chưa kịp ăn gì cả.
- Ôi, thế thì anh ăn cùng với em luôn! Nhịn làm gì cho khổ, đời được mấy hơi.
Tôi đẩy hộp bánh về phía Lãng Tử, Lãng Tử nhìn xuống và bật cười. Ô hô, được tôi mời ăn nên cười có vẻ sung sướng thế đấy! Tôi cũng mỉm cười lại, và nhìn xuống… ôi thôi, cả miếng bánh pizza lớn tướng đó chỉ còn lại mấy mẩu vụn nằm lăn lóc. Lúc đó, tôi thật sự không biết có nên úp cái bản mặt của mình vào đâu cho đỡ xấu hổ. Tôi phục tôi quá, tôi xinh đẹp vô đối nhưng cũng vô duyên vô đối. Lãng Tử an ủi tôi.
- Không sao, tí nữa trên đường ra sân bay anh sẽ ăn tạm gì đó.
- Cái gì? Anh lại bay nữa à?
- Ừ, phải hơn tuần nữa anh mới xong việc ở trong đó cơ. Anh chỉ tranh thủ ra xem em thế nào thôi.
Tôi sốc tập hai, cứng cả họng không biết nói thêm gì nữa. Thú thực, không thể phủ nhận rằng quả tim trong lồng ngực của tôi đang lúc lắc. Lãng Tử nhìn đồng hồ đeo tay rồi nói.
- Anh đi bây giờ, chắc tuần nữa anh mới về. Em đừng chạy nhảy nhiều nhé.
Ô, hay thật, cái gì mà chạy nhảy? Tôi có phải con nít đâu, với lại, anh ấy có quyền gì mà dặn dò tôi thế. Dù thế, tôi không thể ngăn được cái đầu của mình gật gật một cách cực kỳ ngoan ngoãn. ( Đoạn này người ta gọi là dại trai đây). Lãng Tử định nắm tay tôi, nhưng tôi vội rụt tay lại ( đừng hòng, dù gì tôi cũng phải giữ vững sự kiêu hãnh của mình chứ), anh ấy cười buồn rồi quay lưng bước đi. Tôi vội vàng gọi lại.
- Này, anh!…
- Gì em?
- Lần sau không phải ra đâu, chỉ cần anh gửi cho em một nửa số tiền vé máy bay ra đây là em khỏe ngay ấy mà.
- Em nói thật đấy hả?
- Thật chứ sao không? Thừa tiền thì gửi ra em tiêu hộ cho, việc gì phải ném tiền qua cửa sổ máy bay như thế. Tiếc đứt cả ruột!
- Vậy là… em… tiếc tiền thay anh sao? Có nghĩa là em coi tiền của anh cũng như tiền của em nhỉ?
- À… tiền rơi thì ai mà chả tiếc, một trăm đồng của bạn em rơi em còn tiếc đứt ruột mấy ngày nữa là.
Tất nhiên đó là sự thật, ai mà tiêu tiền một cách vô bổ thì tôi đều lấy làm tiếc. Tiền chứ có phải vỏ hến đâu. Lãng Tử lại cười buồn và vẫy tay chào tôi. Tôi cũng nở một nụ cười hết sức thân thiện để đáp lại.
Lãng Tử đi rồi, tôi mới ngồi chống cằm nghĩ ngợi, khổ, bình thường nổi tiếng nhanh nhạy và thông minh mà giờ tôi ngồi xoắn hết cả não cũng không hiểu nổi tại sao Lãng Tử lại quay lại thích tôi, tại sao anh ấy là thích tôi đến mức bỏ ra một đống tiền bay ra chỉ để nhìn tôi rồi bay vào?. Trời ạ, thà anh ấy cho tôi hết số tiền ấy thì tôi đỡ xót ruột không???. Ơ, nhưng ngoại trừ việc tiếc tiền ra, tôi cũng có tí chút rung rinh đấy!
Hoành Tá Tràng đứng đợi tôi trước cửa công ty, anh ta đang nói chuyện điện thoại với ai đó, khi thấy tôi tập tễnh xuất hiện, anh ta vội vàng ậm ừ rồi cúp máy như sợ tôi nghe thấy. Ối giời! việc gì phải bí bí mật mật như thế, tôi nổi tiếng là đứa thích hóng hớt nhưng tôi chỉ hóng hớt đúng đối tượng thôi, mà Hoành Tá Tràng không bao giờ là đối tượng săn tin của tôi. Mặc dù, nói thật là tôi vẫn rất tò mò xem ai vừa gọi điện cho Hoành Tá Tràng mà khiến mặt anh ta biến sắc nhanh thế. Sếp chăng? Mẹ chăng? Bố chăng? Hay là bạn gái chăng?. Ôi trời, thật là phức tạp, tôi thề là tôi không hóng hớt đâu, chẳng qua tôi chỉ tò mò tí thôi.
Hoành Tá Tràng nhìn tôi, mặt lạnh te, cất giọng một cách khô khốc.
- Về thôi!
Về thì về, có gì đâu mà phải xoắn! Tôi cũng mặt lạnh tanh phốc lên xe hắn. Ô hô, dù chân vẫn đau nhưng tôi không thể bỏ qua thói quen vô cùng dễ thương của mình. ( Đó là lý do vì sao tôi không muốn mặc váy thêm một lần nào nữa). Cú nhảy của tôi khiến Hoành Tá Tràng luống cuống chống chân. Anh ta quay lại nhìn tôi rồi im lặng phóng xe đi. Ôi, đây có phải là Hoành Tá Tràng tôi từng biết không?. Sao anh ta không lườm tôi, không nhiếc móc tôi một lời nào? Chết, hay anh ta vừa trải qua một cú sốc nào đó quá lớn mà bị cấm khẩu? Hay có kẻ si tình nào đó vừa gọi điện dọa giết anh ta vì anh ta đèo tôi? ( Ô hô, tha thứ cho trí tưởng tượng vô đối của tôi nhé, đó là ưu điểm mà không phải ai cũng có được đâu, đừng ghen tị mà mệt.). Dù tôi có bịa đặt ra thật nhiều lý do thì vẫn không thể tự làm mình thõa mãn trí tò mò được. Hoành Tá Tràng vẫn lẳng lặng lái xe. Các bạn biết đấy, tính tôi ghét cay ghét đắng những kẻ hóng hớt, tọc mạch vào chuyện riêng của người khác vì thế, tôi cất giọng hỏi anh ta.
- Ê! có chuyện gì với anh thế?
Tôi thề, tôi hỏi câu đấy chỉ là thể hiện sự quan tâm thôi, không phải tôi tọc mạch đâu, nhưng có chút tò mò trong đó. Mà có điên mới không tò mò chuyện động trời như thế, nhỉ?. Hoành Tá Tràng vẫn nhìn thẳng, đáp một cách nặng nhọc.
- Trông tôi giống người gặp chuyện lắm à?
- Không, giống người bị bệnh hơn?
- Vậy à? bệnh gì?
- Tự kỷ!
Hoành Tá Tràng phanh kít xe lại nhìn tôi. Đương nhiên, khi buột mồm nói ra hai từ đấy tôi đã thủ thế sẵn rồi nên chẳng có tí gì ngạc nhiên nếu Hoành Tá Tràng xổ ra một tràng với tôi. Đúng lúc anh ta há mồm thì chuông điện thoại lại reo. Anh ta rút điện thoại ra, và tôi liếc thấy tên người gọi là “KHÔNG AI CẢ” ( Tôi thề, không phải tôi tọc mạch đâu, chỉ tại cái mắt híp của tôi luôn biết cách liếc đúng chỗ mà thôi). Tôi không nghe thấy người bên kia nói gì ( Mặc dù, tôi đã cố gắng căng tai hết cỡ, thật là tức chết đi mất). May sao, tôi vẫn còn được an ủi vì nghe được tiếng nói có phần hốt hoảng của Hoành Tá Tràng.
- Bình tĩnh lại đi, tôi sẽ đến ngay!
Ô! tóm lại, Không Ai Cả là ai? Là ai mà khiến Hoành Tá Tràng ương ngạnh, ngang bướng phải sợ hãi đến thế?. Hoành Tá Tràng không để tôi tưởng tượng gì thêm nữa. Anh ta bắt đầu lao xe như điên. Còn tôi thì cũng hét như điên.
- Cho tôi xuống! Tôi không muốn đuổi cướp nữa đâu!
Hoành Tá Tràng ơi, xin hãy tha cho tôi. Tôi không muốn lại bị rách chân một lần nữa đâu. Tôi chẳng biết tôi gào to đến mức nào mà khiến Hoành Tá Tràng đang phóng xe như điên chợt từ từ dừng lại. Anh ta nhìn cái bản mặt xanh như tàu lá chuối của tôi,( Đố đứa nào trong trường hợp đó mà mặt không xanh đấy) Hoành Tá Tràng chẳng nói chẳng rằng, thò tay ra sau nắm lấy hai tay tôi vòng qua eo của anh ta. Ối, ý là anh ta bảo tôi ôm ý mà, tôi hoảng hốt định rụt tay lại thì anh ta túm lấy, nói rất lạnh lùng.
- Không muốn rơi xuống đường thì để nguyên đấy!
Đương nhiên, chẳng đứa điên nào đang ngồi trên xe mà muốn mình rơi xuống đường cả. Và điều đương nhiên hơn nữa, tôi chẳng dại gì mà từ chối hay nổi khùng với anh ta vào lúc này. Kinh nghiệm giang hồ vặt mấy năm trời mách bảo tôi rằng, không nên đụng vào một tổ kiến lửa nếu bạn không có trong tay một xô nước. Mà ở đây, giờ phút này thì kiếm đâu ra xô nước? Trong khi tổ kiến lửa là Hoành Tá Tràng lại quá hung hăng. Tốt nhất là ngoan ngoãn làm theo cho nó lành. Dù vậy, tôi vẫn cố phản ứng yếu ớt.
- Này, không phải anh là cảnh sát giao thông sao? Ai cho anh đi nhanh thế
- Không nói nhiều, bám chắc vào.
Hoành Tá Tràng rồ ga, chạy như điên khiến tôi bay cả tóc trán, gió vào mắt khiến nước mắt tôi rơi lã chã. Ơn trời, Hoành Tá Tràng là một tay lái lụa, anh ta đã đưa tôi về đến nhà, và không thèm chào tôi lấy một câu, anh ta quay xe chạy một mạch. Mẹ tôi tí tởn đi ra nhưng chỉ kịp hít khói xe của anh con rể mà mẹ mơ ước. Mẹ lườm lườm nhìn tôi.
- Mày làm gì mà nó phải chạy té khói thế hả con? Phải duyên dáng tí chứ.
Trong lúc mẹ tôi hỏi chuyện, tôi không ngừng lau nước mắt. Mẹ tôi hốt hoảng.
- Sao? Chuyện gì? Hai đứa cãi nhau à? Sao lại khóc?
- Cãi gì mà cãi! Anh ta chạy nhanh quá, gió vào cay mắt!
- Trời, thế mà tao cứ tưởng mày giận dỗi gì nhau.
- Mẹ ơi là mẹ, mẹ cứ nói như là bọn con yêu nhau ấy. Anh ta với con ghét nhau như chó với mèo, mẹ mừng hụt rồi.
Mẹ tôi ngẩn mặt nhìn tôi, tôi tập tễnh lẻn nhanh vào nhà. Điên mà đứng đấy để nghe bà ca cẩm à?. Tôi chỉ có hai nỗi sợ lớn nhất trong đời, đó là sợ chết ( chết thì ai chẳng sợ) và sợ mẹ tôi cằn nhằn ( vì bà có thể kể lể, liệt kê chi tiết những việc làm sai trái của tôi từ thời tôi còn đóng bỉm đến tận bây giờ). Công nhận, mẹ tôi có trí nhợ thật siêu phàm, đáng lẽ mẹ phải là tiến sĩ gì đó về lịch sử mới phải.
Ăn cơm xong tôi nằm ì trên giường và cảm thấy bồn chồn khủng khiếp. Chủ yếu là tôi không thể giải thích được lý do vì sao Hoành Tá Tràng lại có những biểu hiện bất thường như vậy. Tôi có nên gọi điện hỏi thăm anh ta không? Không phải vì tò mò hay tọc mạch đâu, tôi muốn quan tâm anh ta tí thôi mà, dù sao chúng tôi cũng là bạn bè, có ghét nhau như chan canh đổ mẻ thì bạn vẫn là bạn đúng không?. Nghĩ là làm, tôi vớ điện thoại gọi cho Hoành Tá Tràng, một hồi chuông dài Hoành Tá Tràng mới nhấc máy, tôi vừa mới há mồm định hỏi thì anh ta đã nói.
- Tí gọi lại sau!
Anh ta phũ phàng cúp máy. Thật là mất lịch sự, biết thế tôi chẳng gọi cho đỡ tốn ba giây tiền điện thoại. Ôi, nhưng mà tại sao? Có chuyện gì với anh ta? Và Không Ai Cả là đứa chết tiệt nào nhỉ?. Tôi vẫn không ngừng đặt câu hỏi, và tự trả lời. Nhưng chẳng có đáp án nào khả quan hết, haizzzz, tò mò cũng mệt óc lắm đấy. Thế mới khâm phục những kẻ chuyên ngồi bàn tán, bới móc, tung tin sau lưng người khác, họ chắc cũng phải có cái đầu nhiều sạn lắm thì mới tự chắp nối và phỏng đoán được đủ thứ chuyện đời tư của người khác chứ. Ôi, chắc ngày mai phải mang xác đến “ tầm sư học đạo” mấy chị mái già ở công ty một chuyến thôi.
Tôi chìm vào giấc ngủ khi đang buôn điện thoại với Lãng Tử, anh ấy gọi điện hỏi thăm đúng lúc tôi đang nhắm hờ đôi mắt, thế là sau vài lần ậm ừ, tôi chẳng nhớ mình có nói thêm gì không nữa. Chỉ biết, sáng mai ngủ dậy, điện thoại vẫn kẹp ở tai và thêm vài tin nhắn chúc ngủ ngon kèm vài lời nhung nhớ của Lãng Tử. Ô, cái anh Lãng Tử này cũng đáng yêu đấy chứ! Chỉ có điều, gọi thì cứ gọi, đừng nhắn tin nhiều, tôi phải nhắn tin lại trả lời, tốn kém lắm….
Tôi lồm cồm bò dậy khỏi giường sớm hơn thường lệ, không phải vì những tò mò chưa thể giải đáp về một kẻ vớ vẩn tên là Không Ai Cả của Hoành Tá Tràng, càng không phải vì sự nhức buốt từ vết thương ở chân mà là vì tin nhắn chúc ngày mới tốt lành từ Lãng Tử. Trời ơi là trời, từ hồi Lãng Tử trồng cây si tôi, không ngày nào là tôi không bị spam tin nhắn, khổ cái thân tôi, khổ luôn cái điện thoại ghẻ của mình nữa.
Nhắc đến điện thoại mới nhớ, hồi mới có điện thoại, tôi ôm khư khư em “Nó..kìa” ghẻ của mình suốt ngày, vờ như mình là người quan trọng lắm ấy. Năm phút lại giơ điện thoại lên kiểm tra, kỳ thực, làm gì có ma nào ỏ ê đến tôi. Có đợt, cả tuần liền mà con “Nó..kìa” của tôi chẳng thèm rung lên lấy một lần, tôi cảm thấy mình tự kỷ quá, tự kỷ đến nỗi tôi phải dùng chính điện thoại của mình rồi nhắn tin ình, vừa đọc vừa cười như đứa dở hơi. Đấy, có phải lúc nào tôi cũng vui đâu, có những lúc cuộc đời tôi cũng bi đát lắm chứ. Chưa kể, có những lần chờ dài cổ mới có một tin nhắn, hí hửng lao đến mở ra thì là tin nhắn quảng cáo, bố khỉ, lại bi đát tập hai. Ô! nhưng mà tôi đồ rằng một trăm kẻ mới mua điện thoại thì có đến 90 người giống tôi, mười tên còn lại hoặc là không biết đọc tin nhắn hoặc không dùng điện thoại. Đấy, trong những trường hợp có phần ngu ngốc như thế, tôi luôn tự hào rằng tôi luôn nằm ở phe chiếm con số đông đảo nhất. Bạn ạ, dù bạn có ngớ ngẩn đến mức độ nào, bạn chỉ cần nhìn xung quanh thấy còn đầy người cũng như bạn, thì bạn có quyền tự tin về bản thân mình. Mà nếu bạn cho rằng những lời tôi nói ở phía trên không hề ngớ ngẩn chút nào, thì xin được hoan hô bạn, vì bạn luôn là người hiểu tôi. Ha ha! đơn giản lắm, những người thông minh như tôi không bao giờ nói những lời ngớ ngẩn. Trời ạ, sao trình tự sướng của tôi ngày một cao thế này, tôi thật phục tôi quá!.
Tôi đang ngửa cổ cười hô hố vì nhớ lại thời mới dùng điện thoại với cái mồm đầy bọt kem đánh răng thì điện thoại reo lên. Chết tiệt, lại điện thoại. Tôi lau vội miệng và phi ra nhấc máy. Hoành Tá Tràng hét lên “xuống đi, muộn rồi”. Tôi lại phi như tên bắn vào nhà tắm, vuốt qua cái mặt và lao xuống nhà. Những lúc này tôi chả nhớ lắm đến cái chân đang lên da non của mình nữa. Hoành Tá Tràng đón tôi với cái mặt tím bầm như quả cà…tím!. Lạ gì đâu, nếu ngày nào đó, anh ta nhìn tôi mặt giãn, nở to như hoa loa kèn thì tôi mới ngạc nhiên. Tôi cũng chả thèm để ý đến anh ta, tôi leo lên và ngồi yên vị như thể anh ta là lái xe riêng của tôi vậy. Hoành Tá Tràng lẳng lặng phóng xe, hình như đêm qua anh ta đã trải qua một đêm không ổn lắm. Đấy là tôi phỏng đoán thế, còn như thế nào thì phải hỏi anh ta mới biết được. Đi được một quãng, không thể ngăn nổi sự tò mò, tôi lên tiếng.
- Này, sao hôm qua anh bảo gọi lại cho tôi mà không gọi?
- À, bận quá.. quên mất!
- Bận gì?
- Hỏi làm gì?
- Hỏi để biết!
Hoành Tá Tràng im lặng. Láo thật, mình hỏi mà còn không đáp lời cơ đấy. Nhưng, mồm là của anh ta, mình đâu có quyền bắt anh ta mở mồm khi anh ta không muốn?. Hây dà, cuộc đời thật là nan giải, một đằng là không thể cạy mồm anh ta ra, một đằng khác là cái sự tò mò của tôi đã vượt lên đến đỉnh đầu. Thôi thì, liều một ván cho xong, dù không thành công thì cũng coi như đã thành nhân ( ý là bị Hoành Tá Tràng đập bẹp thành nhân bánh trung thu ấy, các bạn đừng nghĩ theo nghĩa Hán Việt mà mệt óc). Nghĩ là làm, tôi lấy hơi rồi nói nhanh.
- Không Ai Cả là ai?
- Hả? Cô rình tôi đấy à?
- Không, tôi vô tình ( thực ra là cố tình) nhìn thấy danh bạ điện thoại của anh.
- À… ừm!
- Này, thế Không Ai Cả là ai?
- Ờ… thì là không ai cả!
- Anh bị hâm à?
- Hâm thì đã sao?
- Ờ… thì… không sao!
Thật là kỳ cục, anh ta cố tình loanh quanh không chịu khai ra sự thật. Phải làm sao đây? Tôi không thể yên lòng nếu bí mật chưa được bật mí ( Mặc dù, cái bí mật chết tiệt đó nó có liên quan quái gì đến tôi đâu). Hoành Tá Tràng không chịu mở miệng, còn tôi thì không ngừng đặt ra các giả thiết về Không Ai Cả. Hoành Tá Tràng vẫn kiên định, còn tôi… đành bỏ cuộc, không phải vì tôi hết tò mò, mà vì tôi quá mỏi mồm. Vậy là Không Ai Cả vẫn là một bí ẩn to đùng trong lòng tôi. Thật là chán.
Hoành Tá Tràng vẫn đều đều chở tôi đi về như thế, chỉ có điều anh ta trở nên ít lời hơn, và càng lúc nhận được nhiều cú điện thoại bất thường của Không Ai Cả hơn. Còn sự tò mò của tôi cũng ngày một dâng cao cùng với những biểu hiện đó. Nhưng tôi chẳng moi thêm được gì nữa, thật không hổ danh là cảnh sát, đồ mặt sắt à không là tai sắt thì có, người ta gợi ý mãi mà chẳng chịu khai. Tôi vẫn mang nỗi ấm ức không thể diễn tả bằng lời khi phải ngồi sau lưng cái kẻ quá kín miệng này. Tôi thề, một ngày nào đó tôi sẽ tìm ra chân tướng sự việc, lúc đó Hoành Tá Tràng sẽ phải đi van xin tôi giữ kín nó, ô thật là một ý nghĩ tuyệt hảo. Nghĩ đến đó, tôi thấy mình nhẹ nhõm hẳn.
Mặc dù, Hoành Tá Tràng làm tôi cảm thấy quá khó chịu vì bí mật của anh ta, nhưng người làm tôi mất ngủ hàng đêm lại là Lãng Tử cơ. Anh ấy gọi điện cho tôi thường xuyên, sáng sớm, tối muộn, giờ ăn trưa…tóm lại là bất kể khi nào có thể. Nhiều lúc tôi phát bực, nhưng nhiều lúc không thấy í ới gì thì thấy thiếu thiếu. Khổ, ở đời có ai bằng lòng với những gì mình có đâu, nhiều quá thì chán ngán, mà ít hơn một tẹo thì trống vắng, thật chả biết đường nào mà lần. Lòng tôi quả thật rối như tơ vò, nếu nói tôi không thích anh ấy thì không đúng, vì nếu không thích thì mấy năm qua tôi mơ mộng làm cái gì?. Ô! Nhưng mà, tại sao tôi vẫn thấy ở Lãng Tử một cái gì đó thật xa… xa lạ như ….đĩa bay vậy! Nghĩ là nó có thật nhưng trong lòng vẫn không thôi hồ nghi. Mệt thật! Nếu tình yêu là một bát bún riêu, tôi thề tôi sẽ tu ực một phát là xong, chả cần phải mệt não thế này cho nó nhanh già.
Năm ngày sau vụ tai nạn đuổi cướp, tôi đang chân thấp chân cao đi ra cổng chờ Hoành Tá Tràng đến đón, thì nghe tiếng gọi.
- Cô Phương! Cô Phương!
Ai gọi tôi đó, có tôi đây?. Tôi ngoái lại, thấy Hăng –rô Nguyễn đang ôm một bó hoa Bách Nhật tím lịm đi tới. Tôi ghét tất cả các loại hoa, chỉ thích mỗi Bách Nhật, thứ nhất vì nó có màu tím dịu mắt, thứ hai vì màu hoa đó rất lâu phai, tôi có thể để quên nó trong bình cả tuần trời, cành héo queo quắt nhưng màu hoa thì vẫn tím lịm như thế. Nói chung, Bách Nhật là loài hoa có vẻ đẹp khó phai, cũng như tôi vậy. Tiếc là mẹ tôi đã không đặt tên tôi là Bách Nhật cho nó có ý nghĩa. Ô! mà luyên thuyên quá, Hăng – rô Nguyễn tiến tới gần tôi, nở một nụ cười đầy răng, còn tôi vì lịch sự cũng nở lại một nụ cười răng môi lẫn lộn. (Nếu anh ta không phải là tay chân của Lãng Tử thì đừng hòng được tôi cười lại). Lãng Tử thật là chu đáo, đi công tác Sài Gòn mà vẫn không quên gửi hoa tặng tôi. Tôi còn chờ đợi gì ở con người này nữa hả trời???. Hăng – rô Nguyễn chìa bó hoa trước mặt tôi, anh ta lúng búng nói. ( Không lúng búng sao được, tôi mà bị sai vặt như thế chắc tôi đào mả tổ người ta lên chứ làu bàu, lúng búng thế đã nhẹ)
- Của cô này!
- Ơ, cảm ơn!
Tôi đón lấy bó hoa một cách rất tự nhiên. Tôi nở thêm một nụ cười nữa.
- Nhắn với anh ấy là tôi cảm ơn nhé!
- Anh nào?
- Ơ… thế không phải…
- À… không… hoa này… tôi mua….
- Cái gì? Còn anh ấy…?
- Ý cô nói là sếp tôi á?
- À… ừm!
Hăng – rô Nguyễn đưa tay lên gãi mũi, nhưng ngón tay anh ta lại vô tình chạm vào mấy cái răng cửa đang chìa ra, trông bộ dạng thật buồn cười.
- Từ nay, tôi và anh ấy sẽ cạnh tranh một cách công “pằng”
Không phải tại tôi viết chữ sai lỗi chính tả đâu, mà tại răng anh ta hô đó thôi. Tôi cứng đờ người.
- Ý anh là sao?
- À…là…là…thực ra tôi để ý đến cô từ lâu rồi…nhưng…
Stop! Cái quái gì đang diễn ra ở đây vậy? Đời tôi thật khổ, ai bảo tôi sinh ra xinh đẹp làm chi? Ai bảo trời lại còn phú cho tôi sự thông minh tuyệt đỉnh làm gì để bây giờ tôi lại phải băn khoăn đến thế này. Đấy, may mà chân tôi còn chưa dài đấy! nếu chân mà dài cỡ người mẫu Thanh Hằng nữa thì không biết trời long đất lở đến đâu đâu. Hăng – rô Nguyễn vẫn cố nói gì đó bằng giọng phều phào vì hô răng của anh ta, nhưng tôi thì chẳng nghe rõ gì nữa. Trời ạ, tôi bị ù tai mà không ù tai sao được khi vừa bị một quả trời giáng như thế chứ. May mà bản lĩnh của tôi kiên cường nên vẫn đứng vững, tôi nhét bó hoa vào tay anh ta rồi nói nhanh như thể nếu tôi ngừng lại anh ta sẽ nhảy vào mồm tôi mất.
- Tôi hiểu rồi, cảm ơn, nhưng tôi không thích hoa này!
Hăng- rô Nguyễn cũng đẩy bó hoa lại phía tôi, miệng phều phào.
- Không! cô cứ nhận lấy, đó là tấm lòng của tôi, ngày mai tôi sẽ tặng cô loài hoa mà phụ nữ ai cũng thích.
Hăng – rô Nguyễn quả là cao tay, anh ta miệng thì nói mà chân đã chạy. Anh ta chạy biến ra ngoài để lại tôi ngơ ngác với bó hoa. Nhục không biết để đâu cho hết!. Ơ, nhưng mà anh ta vừa bảo mai anh ta sẽ tặng tôi loài hoa mà phụ nữ ai cũng thích, là hoa gì nhỉ? Hoa đồng tiền chăng? Phụ nữ thì ai cũng thích hoa đồng tiền, đặc biệt là những bông hoa có mệnh giá lớn. Nếu mai anh ta tặng tôi hoa đồng tiền thật thì có nên nhận không nhỉ? không nhận thì tiếc mà nhận thì mang tiếng tham. Giữa tham và tiếc, cái nào hơn cái nào?. Hây dà, thật khổ cho cái đầu thông minh thái quá của tôi, mới mỗi việc cỏn con mà đã luận ra đủ kiểu rồi. May mà tiếng còi ô tô ré lên khiến tôi choàng tỉnh không thì không biết trí tưởng tượng sẽ bay xa đến tận đâu nữa. Khiếp, đã xinh đẹp, thông minh rồi còn giàu trí tưởng tượng nữa thì ai mà không mê cho được, phải không các bạn?
Tôi ngoái ra cổng, thấy Lãng Tử đang ngồi trong chiếc Camry quen thuộc vẫy tay với tôi. Tôi tập tễnh đi ra, Lãng Tử lao ra khỏi xe đến cạnh tôi, mặt mày rạng rỡ. Tôi hỏi.
- Ơ, anh về rồi à? Bao giờ thế?
- Mới thôi!
- Anh đi đâu đấy? ( Tôi thề, đây là câu hỏi ngu nhất trong đời tôi)
- Đón em, nhân tiện mời em đi ăn!
Hơ hơ! đi ăn à? Đi ăn thì okie ngay, miễn là đừng ăn đồ Tây, vì tôi chúa ghét đồ Tây, tôi chỉ thích mấy món đậm đà bản sắc dân tộc như bún đậu mắm tôm, bánh cuốn, nem niếc thôi. Mấy món đó vừa rẻ vừa ngon, vừa bổ ( bổ gì thì tôi chịu). Lãng Tử nhìn bó hoa tôi đang ôm, rồi nhăn mặt hỏi.
- Hoa ở đâu ra đấy?
- À… của… người quen.
- Người quen nào?
- Hăng- rô Nguyễn!
- Hả? Sao anh ta lại tặng em?
- Không biết! Hỏi anh ta ấy!
Tôi ngu gì mà nói lý do thật ra chứ. Dù thế nào tôi cũng không muốn tình hữu nghị sếp và nhân viên của họ bị lục đục. Thê nên, dán băng keo vào miệng lúc này sẽ là một biện pháp hay ho. Lãng Tử nhìn tôi, tôi nhìn lại anh ấy ( một trong những nguyên tắc bất di bất dịch của việc nói dối, là bạn phải nhìn thẳng vào mắt đối phương và không được chớp mắt, cứ y như là bạn chỉ biết mỗi sự thật thôi ý). Lãng Tử kéo lấy túi xách của tôi, dắt tôi đi về phía xe.
- Thôi, chuyện đấy hỏi sau, lên xe đã!
Cái gì đây? Anh ấy cứ nói y như chúng tôi là gì của nhau rồi ý. Nhưng thú thật, tôi chẳng còn cách nào khác, cứ phải cun cút theo anh ấy, mà không cun cút mới lạ ý, lòng tôi cứ như mở cờ trong bụng. Được mời đi ăn với một người đẹp trai như Lãng Tử tội gì mà không đi, chả mấy khi có trai đẹp mời, chúng ta không nên từ chối, phải không?. Ớ, tôi nhớ ra, mình phải gọi cho lão Hoành Tá Tràng thông báo chứ để hắn đến đây mà không thấy tôi chắc mai hắn vặn xác tôi mất. Tôi vội vàng rút điện thoại ra.
- Alo! Hoành Tá Tràng hử! Hôm nay tôi đi chơi với bạn. Khỏi đón nhá!
Hoành Tá Tràng hỏi lại giọng hậm hực.
- Đi với đứa tổ cha nào đấy?
- Cái mồm! Cẩn thận cái mồm đấy! Tóm lại, không phải đón tôi. Không tranh cãi gì nhiều, tốn tiền!
Tôi cúp máy cái rụp trước sự ngỡ ngàng của Lãng Tử. Lãng Tử vừa mở cửa xe cho tôi, vừa hỏi.
- Em gọi cho ai đấy?
- Cho bạn em!
- Bạn thế nào?
- À, có thể gọi là kẻ thù không đội trời chung!
- Anh không hiểu!
Anh làm sao mà hiểu được hả Lãng Tử? Trước anh em dịu dàng, tử tế bao nhiêu thì trước Hoành Tá Tràng em nanh nọc, khó chịu bấy nhiêu. Tốt nhất là anh không nên biết người này, nếu không anh ta mà tồ tồ kể ra các thủ đoạn của em thì còn đâu hình ảnh lung linh của Đỗ Tiến Phương trong mắt anh nữa. Tôi nhún vai như không muốn trả lời thêm, Lãng Tử không hỏi thêm gì nữa. Chúng tôi lên xe đi, và chủ đề câu chuyện đã chuyển hướng sang cái chân tội nghiệp của tôi.
Cuộc đời rất nhiều ngang trái, hễ khi nào mát trời là y như rằng tôi có chuyện hoặc gây ra chuyện. Số là tôi và Lãng Tử đang bàn luận sôi nổi về cái chân của mình thì có một thằng ranh tóc xanh, tóc đỏ nào đó chơi trò lạng lách, đạp chân vào hông xe. Lãng Tử mấy lần phải phanh gấp, bố khỉ. Máu yêng hùng trong tôi trỗi dậy, tôi hét lên với Lãng Tử.
- Anh kéo kính xuống đi!
- Để làm gì??
- Cứ kéo đi!
Lãng Tử kéo cửa kính xuống, tôi thò đầu ra ngoài và hét vào mặt thằng tóc xanh, tóc đỏ kia.
- Đồ con lợn!
Tôi thụt đầu vào ngay lập tức. Lãng Tử nhìn tôi kinh ngạc, tôi cuống quá nên mỉm cười giải thích.
- Thực ra, em mắng nó là đồ ba trợn đó!
- Thế à, thế mà anh cứ tưởng…
Thật là may, tôi cứ như kẻ ăn trộm lo sợ bị chủ nhà phát hiện ấy, khổ, tôi chỉ anh hùng rơm thế thôi, chứ thực chất có dám ngo ngoe gì đâu. Lãng Tử chưa kịp nói dứt câu thì thằng bé tóc xanh tóc đỏ, tạm gọi nó là gà trống choai lạng lách, tạt đầu xe liên hồi như để chứng tỏ bản chất gà choai của nó. Máu trong người tôi dồn lên, trời ơi, bình sinh mình đã ghét cay ghét đắng ba cái thằng nhãi ranh thích ngông ngênh lắm. Tôi quay sang lắc đầu với Lãng Tử, nhưng thực chất là đang cố làm một việc gì đó để kìm nén cái máu nóng đang bốc lên tận cổ của mình. Lãng Tử cũng lắc đầu ngán ngẩm, có vẻ như anh ấy không hề muốn gây sự thêm với thằng trống choai này.
Thằng trống choai cứ tưởng không ai chấp nó có nghĩa là mọi người đang sợ nó. Đừng hòng! Một khi vẫn còn có Đỗ Tiến Phương ở đây thì không có lý do gì phải chùn bước trước nó cả, tôi đã định nhao ra mấy lần, nhưng thật may mắn, tôi kiềm chế được. Dù sao, tôi đã trót tỏ ra duyên dáng với Lãng Tử thì cũng phải giữ đến cùng chứ, tôi không muốn Lãng Tử nghĩ sai về tôi. Vì thế, tôi cố kìm cái miệng tôi lại, tự trói luôn cả cặp chân 89 phân của mình để khỏi nhảy xổ ra. Nhưng than ôi, thật là khó chịu, trong khi máu nóng trong tôi không ngừng dồn lên não thì thằng trống choai bên ngoài lại liên tục bỡn cợt. Lúc đó, tôi chỉ ước Lãng Tử lao ra ngoài mà tặng cho thằng bé tội nghiệp muốn gây sự chú ý kia một nắm đấm, để tôi còn có cớ mà vứt đi sự cái mặt nạ đoan trang của mình lao ra hỗ trợ. Nếu được thế, tôi đảm bảo là chúng tôi thắng là cái chắc. Tuy nhiên, Lãng Tử mặc dù có phần khó chịu nhưng không hề có ý định đó. Còn tôi, máu nóng đã bốc lên quá đỉnh đầu đúng lúc thằng trống choai giả vờ đụng vào xe chúng tôi ngã xuống đường để ăn vạ. A, dám ăn vạ bà ạ, còn lâu nhé, bà là chuyên gia ăn vạ đây con ạ! ở đất nước Việt Nam này nếu trình độ ăn vạ được cấp bằng thì bà mày đây đã được thăng hàm giáo sư rồi con ạ. Lãng Tử vừa kịp dừng xe tôi đã lao ngay xuống, tôi đến túm cổ thằng trống choai đang giả vờ đau đớn trên đường. Tôi lu loa rằng nó vừa đạp vào xe tôi, nó định đuổi theo để trấn lột chúng tôi. Tất nhiên, Lãng Tử ngơ ngác, thằng trống choai cũng ngơ ngác nốt. Nó gân cổ cãi lại, nhưng em ạ, em chọn nhầm đối tượng rồi, từ xưa đến nay chưa có ai qua nổi chị ở màn gào thét ăn vạ nhé. Tội nghiệp thằng trống choai, nó cố hét cố đẩy để át cái giọng lu loa của tôi, nhưng có vẻ không thành công. Hô hô! Tôi hả hê lắm, liếc sang thấy Lãng Tử đứng khoanh tay nhìn tôi cười, thế là tôi như được đà, càng gào thét, bồi đắp một đống tội danh cho thằng nhãi ranh để tăng thêm phần hấp dẫn.
Người hiếu kỳ kéo đến mỗi lúc một đông. Lúc này thằng trông choai bắt đầu giở thói côn đồ, nó định lao đến đạp tôi, nhưng may tôi né kịp ( ô, riêng “ Né quyền” là môn sở trường của tôi rồi). Ngay lập tức, Lãng Tử xông vào kéo tôi ra, tên trống choai miệng vừa chửi vừa xông đến, Lãng Tử hét lên bảo tôi vào xe ngồi. Nhưng tôi nào chịu, nếu mà chịu như thế thì tôi đâu phải là anh hùng. Lãng Tữ ôm tôi như sẵn sàng chịu đòn thay tôi, nhưng mà… ô kìa, thằng trống choai bỗng thả ra một câu rất rõ “ Đền! tóm lại là ông bà phải đền xe cho tôi, nếu không thì đừng hòng đi khỏi đây, thằng này chẳng sợ bố con thằng nào hết”. Không sợ bố con thằng nào á? Nói cho nhóc biết chị cũng chẳng sợ bố con thằng nào nhé. Nhất là mấy thằng giang hồ vặt, ra đường giả vờ hổ báo để dọa nạt người khác như trống choai đây thì chị không bao giờ phục nhé. Tôi gân cổ lên nói “ Được, muốn đền chứ gì, muốn ăn vạ hử? Chờ đấy!”. Tôi vừa rút điện thoại vừa nhìn thằng trống choai một cách cảnh giác. Thật tình, tôi cũng run như cầy sấy, nhưng đã trót lao vào lửa thì phải dập bằng được mới thôi, chứ giờ mà ngồi sụp xuống thì chắc cả làng cả tổng cười cho thối mũi mất. Vì sự sĩ diện muôn đời của bản thân, tôi cố làm mặt lạnh bấm điện thoại gọi. Tôi cố tình hét lên trong điện thoại “ Alo! Hoành à! Có một thằng nhãi ranh gây sự ăn vạ ở đây, chú điều cho chị năm xe đặc nhiệm và mười cảnh sát đến ngay đường Thái Thịnh nhé! Ờ… luôn và ngay, chị chờ!”. Tôi nói liền một mạch, không để cho Hoành Tá Tràng nói thêm điều gì ( ối, hắn mà nói thêm gì chắc tôi lộ mất). Thằng trống choai giang hồ vặt bắt đầu đổi sắc mặt. Tôi khoanh tay nhìn nó rồi hất hàm “ Sao, ăn vạ hả? Chờ tí rồi đồng nghiệp tôi đến ăn vạ luôn thể nhé”.. Thằng trống choai bỗng lúng túng “ Thôi được, tôi thèm vào ăn vạ mấy người, coi như hôm nay các người gặp may”. Nó vừa nói vừa dựng xe dậy, phủi phủi quần áo. Tôi định tống ngay một câu thật ác ý vào mặt nó, nhưng nghĩ, thôi dù sao nó cũng biết sợ rồi, cho nó vớt vát chút sĩ diện cuối cùng. Thằng trống choai lầm bầm gì đó trong miệng rồi phóng xe đi, đám đồng xì xào cũng tản dần. Lãng Tử kéo tôi vào trong xe.
- Em có biết như thế là nguy hiểm không?
- Không! Chuyện thường ấy mà!
Thực ra là tôi sợ quắn hết cả chân lại, thế mà khi được hỏi vẫn tỏ vẻ ta đây không hề hấn gì. Lãng Tử nắm tay tôi, rồi nói nhỏ.
- Lần sau đừng manh động nữa, anh lo cho em lắm.
Tôi rụt tay lại, tim đập như trống đám ma. Bố khỉ, mình có đói đâu mà người cứ lả đi như là bị tụt huyết áp ấy nhỉ?. Đầu tôi quay quay, tay chân tôi cứ như thừa thãi vậy. Chỉ một cái nắm tay thôi mà đã thế này thì chắc khi được ôm có khi tôi đột tử mà chết mất. Tôi ngoảnh ra ngoài, Lãng Tử nhìn tôi mỉm cười ý nhị. Trời ạ, sao lúc này nhìn anh ấy đẹp trai thế! Tôi muốn hét lên một từ nào đó bất kỳ nhưng trái tim và các mạch máu trong tôi cứ cuồn cuộn khiến tôi như đứa hụt hơi vậy. Lần đầu tiên, một đứa tự tin như tôi mới biết thế nào là bất lực…. Lãng Tử không nói gì thêm nữa, anh chầm chậm lái xe. Còn tôi thì không dám nhìn anh, chỉ nhìn ra ngoài cửa xe, vờ như đang ngắm dòng người qua lại. Chuông điện thoại đổ, tôi nhìn thấy tên Hoành Tá Tràng, thôi tốt nhất là không nghe, vì bây giờ mà nghe thì tôi biết giải thích thế nào với hắn? Cứ coi như mình để quên điện thoại ở đâu đó cho nó khỏe. Mà thực ra, mối bận tâm của tôi bây giờ không phải là việc giải thích với Hoành Tá Tràng như thế nào mà là việc làm thế nào để tim tôi đừng đánh trống và mắt tôi đừng hoa nữa. Ôi, nếu cho tôi chọn lại, tôi sẽ không leo lên cái Camry này, và càng không nổi máu yêng hùng như lúc nãy. Tất cả chỉ vì thói tham ăn mà thôi, cứ thấy ai mời ăn là nhảy tót lên xe, có để ý đến trời trăng gì nữa đâu. Vì thế, tôi có một lời khuyên chân thành cho các bạn là đừng bao giờ để miếng ăn che mờ lý trí! ….
Tối hôm đó, quả là một buổi tối ăn no phè phỡn của tôi, thôi thì cũng coi như bù lại những vất vả cho cuộc đụng độ với thằng bé trống choai lúc trước. Chỉ có điều, tôi vẫn không cảm thấy hài lòng lắm vì chưa thể ăn hết mình như bản chất vốn có được. Làm sao bạn có thể ngồi nhai nhồm nhoàm, gắp lấy gắp để cho vào miệng khi thường xuyên có một ánh mắt nhìn mình trìu mến được, mà chủ nhân của đôi mắt đó lại rất đẹp trai mới chết chứ. Tôi đã phải mất gần mười phút ngại ngùng trước khi vào bữa ăn kéo dài hai tiếng. Tôi đã phải nhỏ nhẹ, nhai từ từ hết mức có thể để bảo vệ vỏ bọc đoan trang của mình trước Lãng Tử. Đấy cũng là một trong những biểu hiện của thói háo sắc, dại trai và tham ăn của tôi. Suốt hai tiếng đồng hồ đó, vỏ bọc đoan trang của tôi cuối cùng cũng được lột bỏ từ từ, từ từ từng con một ( tôi tính sự đoan trang bằng đơn vị đo là tôm, cua và hàu). Kết quả là một mình tôi chiến đấu ngoan cường với ba con cua to đùng, ba con tôm cũng to đùng nốt và khoảng năm hay sáu con hàu gì đó, tất nhiên trong mọi cuộc đấu, tôi luôn là người chiến thắng oanh liệt nhất!!!. Không ai có thể bàn cãi về việc đó, tôi chắc hẳn các bạn cũng chẳng ai bàn cãi gì thêm cho tốn nước bọt đâu nhỉ?
Trên đường về, Lãng Tử vừa lái xe vừa liếc sang tôi. Còn tôi, mặc dù đang mùa thu mát mẻ nhưng vẫn không ngừng kêu than vì ngồi trong ô tô quá nóng. Lãng Tử hạ nhiệt độ điều hòa xuống thấp nhất có thể nhưng vẫn không thể giải tỏa được cơn nóng trong tôi. Hai má như hai lò than nóng rực, cảm giác tay chân thừa thãi và đầu óc như đang lơ lửng bốc phét ở đẩu đâu. Con người ngắn tũn của tôi cứ như đang có sự tranh luận ghê gớm lắm, nửa thì muốn nhanh nhanh về đến nhà để thoát khỏi cảm giác ngột ngạt này. Nửa khác thì muốn thời gian đừng trôi, ngừng đọng lại để …làm gì thì ai cũng biết rồi đấy, kể làm gì rồi lại bị cho là sến. Dường như trong tôi có hai con người khác nhau, một vui mừng vì có được tình cảm của người đàn ông trong mộng, một lại không ngừng băn khoăn, hồ nghi về tính xác thực của thứ tình cảm đó. Cái cảm giác bất an vẫn thường dội vào tôi một cách thật khó hiểu. Bản thân tôi cũng không thể xác định được thực sự mình đang muốn gì. Hây dà, thật là phức tạp quá đi, một lần nữa, phải xin nhắc lại rằng giá như tình yêu là bát bún riêu để tôi tu đánh ực một phát là xong, chả cần quan tâm nó ngon hay dở, sẽ ngộ độc hay không.
Đêm đó tôi không ngủ được. Lần đầu tiên trong mấy chục năm có mặt trên đời, tôi bị mất ngủ. Những cảm xúc vui mừng, lo lắng, băn khoăn và hoan hỉ cứ trộn đều vào nhau như một mớ mứt thập cẩm ( lúc này mà vẫn nghĩ đến món ăn cơ đấy, tôi phục tôi quá). Tôi thực sự chưa biết phải làm thế nào. Trong lúc đó, Hoành Tá Tràng gọi điện liên tục cho đến khi nhấc máy, anh ta hỏi tôi “ Chuyện năm xe đặc nhiệm và mười cảnh sát là gì đấy?”. Tôi tỉnh bơ, “ Không có gì, đùa tí cho vui mà…”, Hoành Tá Tràng gắt gỏng “ Đùa thế mà đùa à, đùa thế có người đau tim mà chết đấy”. Ơ hơ, đừng ăn vạ ở đây nhé, tôi đây được mệnh danh là “ Đệ nhất ăn vạ” đấy, khỏi chơi trò văn vở nhé. Tôi chả nói chả rằng, cúp máy luôn, đấy, phải trả thù cái vụ hôm trước mình hỏi mà hắn không thèm trả lời chứ. Tôi hả hê lắm. Tôi nhắm mắt lại, và hình ảnh Lãng Tử nắm tay tôi trên ô tô, rồi hình ảnh Lãng Tử ôm tôi định đỡ đòn hộ khi thằng trống choai xông tới lại hiện ra rõ nét hơn bao giờ hết. Thế là tôi lại dằn vặt, lại băn khoăn, lại suy nghĩ…. Mệt óc, mệt xác quá đi! Tôi quyết định không nghĩ ngợi gì nữa, thây kệ đời.!!!. Đến lúc đời kêu ai thì nấy dạ thôi, nghĩ gì nhiều làm ảnh hưởng đến nhan sắc mĩ miều của tôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.