Chặng Đường Áp Giải

Chương 2: Chương 2




Ba người họ chiếm trọn một toa xe có giường nằm.
Vừa vào bên trong, khép cửa lại, Lý Sí liền còng tay phải của Thẩm Thiên Việt vào thành giường.
Trần Bác Văn để ý thấy rằng, hắn ta còng với một góc độ rất hẹp, thế này thì, tay phải của Thẩm Thiên Việt, sẽ bị quẻ quặt ra sau, chẳng mấy chốc, rồi cánh tay kia sẽ bị vọp bẻ, đau điếng cho xem.
Trần Bác Văn nhìn theo, suy tư một hồi, nhưng cũng chẳng nói gì.
Thế mà Thẩm Thiên Việt vẫn bình tĩnh một cách lạ thường, bên trong xe lửa ấm áp hơn hẳn ngoài trời, nên sắc môi của cậu cũng dần chuyển từ tím tái thành màu xanh nhợt nhạt.
Trần Bác Văn nghĩ, cậu bé này, trông cũng rất tuấn tú. Như chính cái xứ núi bạc nước đen* này, không một sắc thái dư thừa nào, khắc ghi vào tim rồi sẽ không phai mờ được.
*Ý nói miền Đông Bắc, với đặc trưng là dãy núi Trường Bạch và dòng Hắc Long giang
Đoàn tàu chậm chạp xuất bến.
Lý Sí bất chợt lên tiếng: “Thẩm Thiên Việt, cậu ngắm nhìn Cát Lâm lần cuối đi, sau này chỉ e sẽ không còn cơ hội nữa đâu.”
Trần Bác Văn hiểu trong lòng Lý Sí đang nghĩ gì, hắn biết Thẩm Thiên Việt là người đồng tính, trong tim như có gì lấn cấn, lại pha lẫn chút gì đó như là hiếu kỳ, nên thường tìm đủ cách để bắt chẹt người ta, phần vì muốn chọc ghẹo phần lại vì muốn dò xét, những kẻ tự xưng là người bình thường, khi đối diện với những ai khác biệt thì dù muốn dù không cũng sẽ cảm thấy mình ưu việt hơn, kiểu xúc phạm đó, giống như một hạt sạn trong nồi cơm vậy. Trần Bác Văn cũng chẳng buồn nhắc nhở hắn ta.
Song, Thẩm Thiên Việt vốn đang ngoảnh mặt nhìn ra cửa sổ nghe thấy thế thì lại quay trở vào, nói: “Không sao, thành phố này, đã hằn sâu trong tâm khảm tôi rồi.”
Vẫn với thái độ bình thản đó, nét mặt điềm nhiên đó, giọng nói hiền hoà đó, quả thật có vẻ gì là muốn khiêu khích đâu. Lý Sí ngẩn ngơ mất một lúc lâu.
Xe lửa bắt đầu tăng tốc.
Trần Bác Văn biết, trạm kế tiếp, là Trường Xuân.
Anh sẽ không quên được thành phố ấy, vĩnh viễn không bao giờ quên.
Hoàng Giai Mẫn, vợ của Trần Bác Văn, là người gốc Trường Xuân.
Cách đây bảy năm, vào đêm trước ngày hôn lễ, anh đã đi cùng với Giai Mẫn về thăm Trường Xuân.
Mãi đến hôm nay, anh vẫn nhớ như in, đó là một ngày cuối tháng mười, tiết trời khi ấy cũng không lạnh như bây giờ.
Anh còn nhớ buổi tối hôm ấy, khi anh và Giai Mẫn cùng tản bộ trên phố Stalin, Giai Mẫn mặc áo len dày dặn phối cùng váy xếp ly dài. Cô khoác tay anh, vui vẻ tươi cười, liến thoắng luôn mồm, từng làn khói trắng do bọn họ thở ra, tan biến trong không trung lạnh lẽo của buổi đêm. Vào giờ đó, cả con phố gần như không còn bóng người, hai bên đường, là những công trình kiến trúc mang đậm phong cách Nga, những gốc cây vốn được trồng để toả bóng mát, nay đã rụng sạch lá rồi, những cành khô trụi lủi đâm toạc vào bầu trời đen kịt, trông như một bức phác hoạ vẽ bằng bút máy vậy. Anh vẫn nhớ khi đến khu vực hồ Nam, chính anh đã chụp cho Giai Mẫn mấy tấm hình, có tấm cô ngồi trên bệ đá, tay chống cằm, có tấm cô lại nấp sau gốc bạch dương lú đầu ra, nhìn về phía ống kính nhoẻn miệng cười đầy hạnh phúc.
Những bức ảnh đó, ngay đến người thợ rửa ảnh ở tiệm xem xong rồi, cũng phải khen Giai Mẫn thật khả ái. Giai Mẫn có cặp mắt to tròn, đuôi mắt kéo dài, như hình lá liễu, đôi mắt nai sáng long lanh ấy, cười lên mới ngọt ngào làm sao. Trần Bác Văn còn nhớ, thuở ấy, cô vẫn hay nở nụ cười như thế, mặc cho việc phải tha hương xứ người, mặc cho việc gia đình của cô, bởi vì nghe tin cô muốn lấy chồng xa xứ, nên lòng chẳng mấy vui, lại cũng không ưng ý khi biết nghề nghiệp của Trần Bác Văn, thế nhưng bản thân Giai Mẫn, lại cảm thấy tràn trề mãn nguyện. Cô đóng gói toàn bộ vật dụng của chính mình, ngay đến những mẩu giấy bọc kẹo sưu tập từ hồi còn nhỏ xíu cũng không nỡ bỏ lại, rốt cục khi ra đến ga còn phải thuê hẳn một toa chở hàng loại nhỏ mới đựng vừa hết đồ đạc của cô.
Trần Bác Văn vẫn chưa quên lúc đó chính anh đã hỏi cô rằng: “Việc gì phải dọn sạch sẽ thế, sau này em vẫn có thể về thăm quê mà.” Giai Mẫn đáp: “Dĩ nhiên phải mang theo rồi, bây giờ em đã có gia đình của riêng mình, nên em muốn mang theo những món đồ mà mình thích, cùng anh đi đến hết kiếp này.”
“Anh Trần, uống nước đi này.” – Lý Sí đặt một cốc nước ở trước mặt Trần Bác Văn, hỏi: “Nghĩ gì mà thất thần thế?”
“Không. Đang nhớ tới quảng trường văn hoá tuyệt đẹp của Trường Xuân thôi.”
“Trước đây anh đã từng ra miền Đông Bắc à?”
Trần Bác Văn bưng cốc lên, ngửa cổ tu ừng ực: “Làm cảnh sát mười năm rồi, còn có chỗ nào trên đất Trung Hoa này mà anh mày chưa đi qua? Cứ chờ đi, rồi cũng sẽ tới lúc cậu được bôn ba khắp chốn thôi.”
Lý Sí nghe vậy thì phá ra cười hềnh hệch.
Ngoài cửa sổ, là khung cảnh hùng vĩ của miền Bắc đất nước. Dưới bầu trời hoàng hôn rộng thênh thang, là bạt ngàn những mảnh ruộng cao lương đã thu hoạch xong, hình ảnh những chiếc lá khô quắt cùng mấy gốc cây chưa gặt sạch, cứ trôi vùn vụt qua ngoài khung cửa, tưởng như kéo dài đến bất tận.
Hành trình dài dằng dặc này, thật sự rất vô vị. Hơn nữa, phạm nhân lần này, còn là một người cực kì trầm lặng, cũng khiến người ta đỡ lo hơn. Ngồi được một hồi, Lý Sí bắt đầu thấy chán.
“Này,” – Anh chàng đá đá Thẩm Thiên Việt – “Đằng nào cũng chẳng có gì làm, thôi thì kể nghe chuyện của cậu đi?”
Trần Bác Văn vờ hắng giọng. Thằng nhãi này, rõ là tuổi trẻ bồng bột mà, ai lại đi hỏi thế chứ, như vậy là trái với quy định, đây có phải phòng thẩm vấn đâu.
Thẩm Thiên Việt không nói gì, chỉ thản nhiên liếc hắn một cái, rồi lại quay mặt đi.
Lý Sí bị người ta từ chối khéo kiểu này, mới lườm cậu nhỏ một cái sắc lẻm, để rồi bắt gặp Thẩm Thiên Việt đang nhìn ra ngoài cửa sổ, tựa hồ như đang suy tư điều gì.
Chẳng mấy chốc đã đến giờ cơm chiều.
Lý Sí đi mua về mấy hộp cơm.
Phần ăn của hắn ta và Trần Bác Văn rõ ràng thịnh soạn hơn hẳn.
Trần Bác Văn đe nẹt: “Ranh con, tiền phụ cấp có hạn thôi đó.”
Lý Sí cười đáp: “Bữa ăn này em mời anh Trần mà.”
Thẩm Thiên Việt bị còng tay phải, mà cậu lại không thuận tay trái, nên hiển nhiên quá trình ăn cũng vất vả vô cùng, Lý Sí thấy vậy cũng chỉ trơ mắt ra nhìn.
Hộp cơm của cậu, chỉ là một phần cơm trứng chiên cà chua hết sức bình dân.
Mà chỗ cà chua ấy hình như còn chưa chín hẳn, miếng cà to oành, bên trong còn lẫn thứ gì đen đen nữa. Về phần trứng thì gần như chẳng thấy đâu. Thẩm Thiên Việt chậm chạp gắp từng đũa vào mồm. Tuy có hơi lóng ngóng, nhưng không quá chật vật.
Dễ thấy được rằng, cậu là một người có gia giáo, lúc ăn cơm hầu như không gây ra tiếng động gì.
Lý Sí quan sát cậu suốt buổi, mới chợt nói: “Chua lè thế này mà cũng nuốt được, bộ đang có chửa hả?”
Trần Bác Văn ngấm ngầm dùng chân khều hắn một cái.
Cậu trai nọ vậy mà chỉ ngước lên, nhìn Lý Sí. Ánh nhìn trong veo, không chút gợn sóng, hệt như mặt hồ tĩnh lặng trong đêm trăng vậy.
Bất chợt, cậu mỉm cười.
Nụ cười khẽ thôi, hoà nhã nhưng xa cách, như làn gió xuân lùa qua nhành liễu. Như nụ cười bao dung một người rộng lượng, không chấp nhặt mấy trò chọc phá của một đứa con nít. Mà đứa trẻ nghịch ngợm kia, lại chính là Lý Sí.
Lý Sí bỗng thấy lúng túng thế nào ấy, mặt cứ nóng ran lên. Hắn hằn học rống lớn: “Nhìn cái gì mà nhìn!”
Thẩm Thiên Việt cúi đầu, dùng một tay thu dọn chỗ cơm còn thừa kia. Động tác của cậu cực kì từ tốn, không vội vàng nhưng cũng chẳng rề rà. Xong xuôi mới nói: “Tôi ăn xong rồi. Xin cứ thong thả dùng.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.