Chạy Nạn Không? Ta Có Bàn Tay Vàng!

Chương 71: Chuyện cũ của Hi gia




Lão phu nhân nghe vậy thì lúc lâu sau mới thở dài, nói: “Con là đứa bé ngoan!”
Nói xong, bà lại nhắc tới Nguyệt Linh, Nguyệt Đang đang phục vụ bên cạnh Khương Mạc: “Hai đứa bé kia vốn được huấn luyện để chuẩn bị cho Phù Lan dẫn vào cung. Nhưng Phù Lan lo rằng có người sẽ lấy chuyện Nguyệt Linh và Nguyệt Đang biết võ để uy hiếp Hi gia nên không muốn dẫn theo, vì thế hai đứa bé kia vẫn luôn để lại đây.”
Lòng Khương Mạc hiểu ra, khó trách tuy Nguyệt Linh và Nguyệt Đang là ám vệ, im lặng ít lời, nhưng hầu hạ người cực kỳ quen tay, lời ăn tiếng nói không thất lễ, hóa ra là vì lúc trước muốn đưa vào cung.
Lúc này, lão phu nhân mới tiếp tục nói: “Công phu các nàng không tệ, nhưng sợ rằng hầu hạ người sẽ không quá tốt, lát nữa ta sẽ chọn hai người khác đưa qua thêm.”
Khương Mạc cười: “Không cần đâu tổ mẫu, Nguyệt Linh và Nguyệt Đang rất tốt.”
“Con thích là được.”
Trò chuyện với lão phu nhân hồi lâu xong Khương Mạc mới trở về sân của mình để nghỉ ngơi dọn dẹp.
Cái sân này lấy ánh sáng rất tốt, trong viện cũng khác với vẻ tịch liêu ở viện lão phu nhân, viện này trồng đầy các loại danh hoa quý thảo, lấp đầy cả sân, nhìn thôi đã thấy có một cảm giác vô cùng náo nhiệt rồi.
Phòng ngủ cũng được quét tước sạch sẽ, có thể thấy được là vừa mới được sửa chữa, phần lớn đồ trang trí bên trong dựa theo yêu thích của nàng, có thể thấy được người làm rất có lòng trang trí.
Mà người có lòng này, không cần phải nghĩ đã biết là Hi Phù Ẩn. Cũng chỉ có người sớm chiều ở chung với nàng như hắn mới có thể hiểu biết nàng như vậy.
Khương Mạc an ổn dừng lại tại Bình Giang, hầu như nàng rất ít khi ra ngoài.
Thứ nhất, lão phu nhân đang bí mật ở lại Bình Giang, nàng sợ đi lại bên ngoài nhiều sẽ làm phát sinh những phiền toái không cần thiết, thứ hai là nàng cũng thật sự muốn nghỉ ngơi thật tốt một phen.
Hôm nay, Khương Mạc ngồi trong viện cầm một quyển sách để đọc. Đây là một quyển tạp chí, kể lại chuyện kỳ lạ trên đời, rất thú vị, Khương Mạc đọc rất thích. Quyển bản địa lí chí lúc trước thì nàng đã đọc xong rồi, quyển này là quyển mà lão phu nhân mở thư phòng của Hi Phù Ẩn ra tìm.
Nàng đang đọc thì thấy lão phu nhân tới.
“Tổ mẫu!”
Khương Mạc nhanh chóng bỏ sách đứng dậy, tiến lên đỡ lão phu nhân đến ghế ngồi xuống.
“Ngồi đi, không cần phải đứng dậy, ta chỉ đến đây để xem con ở có quen không thôi.”
Khương Mạc gật đầu: “Cũng được ạ.”
“Cô nương!”
Chu ma ma bên người lão phu nhân hành lễ với Khương Mạc.
“Chu ma ma không cần đa lễ.” Khương Mạc nói xong thì bảo Nguyệt Linh dâng trà.
Lúc này, lão phu nhân nhìn đến quyển sách trên bàn, ngẩn người một hồi thì phì cười.
“Tổ mẫu?” Khương Mạc nhìn bà khó hiểu.
Lão phu nhân cười nói: “Ta chỉ đang nhớ tới lúc Phù Ẩn còn nhỏ.”
Bà cầm chén trà Nguyệt Linh dâng lên, nhấp một ngụm rồi nói: “Lúc còn nhỏ, Phù Ẩn ghét đọc sách nhất, chỉ cần bảo nó đọc sách là nó cứ nói đau đầu.”
“Vậy, vậy sao ạ?” Khương Mạc nhớ tới dáng vẻ bây giờ của Hi Phù Ẩn thì khá ngạc nhiên.
“Đúng vậy, lúc còn nhỏ nó thích đi theo sau tổ phụ, nhìn tổ phụ của nó chơi đao, đánh quyền. Lúc nó còn năm tuổi, người nhỏ xíu mà đã có thể đi theo tổ phụ nó, cầm gậy gỗ khoa tay múa chân rất ra dáng. Khi đó ta cũng không thể tưởng tượng được có một ngày nó sẽ trở thành Trạng Nguyên trẻ tuổi nhất Đại Khánh này.”
Tài hoa và sự thông tuệ của Hi Phù Ẩn rõ ràng đủ để khiến lão phu nhân rất tự hào nhưng biểu cảm trên khuôn mặt lại trở nên cô đơn tăm tối, mặt mày nhuộm mấy phần đau đớn.
Một đứa bé được sinh ra trong nhà võ tướng, không thích đọc sách lại ép buộc mình đi lên con đường quan văn mới có thể dừng chân trong chốn triều đình, trong đó đã xảy ra những chuyện gì, chỉ nghĩ thôi đã khiến người ta không rét mà run.
Khương Mạc mím môi, hồi lâu sau mới hỏi: “Tổ mẫu có thể kể lại cho con một chút được không ạ?”
Kể lại cho con một chút chuyện cũ trước kia của Hi gia, của Hi Phù Ẩn.
Chưa bao giờ Khương Mạc nhận ra một cách rõ ràng như vậy, rằng nàng phải gả cho Hi Phù Ẩn, nàng muốn hiểu biết Hi gia sau lưng hắn, muốn biết đến tột cùng thì hắn đã trải qua những gì.
Tất nhiên lão phu nhân hiểu ý của Khương Mạc, bà thở dài một hơi thật sâu, nhắm mắt lại, sau đó mới bắt đầu nói về câu chuyện xa xăm nặng nề lúc trước.
“Năm đó, trước khi xảy ra chuyện thì dường như tổ phụ của Phù Ẩn đã cảm thấy không thích hợp, ông ấy biết sẽ có chuyện xảy ra nhưng lại không nghĩ rằng hoàng đế Hi Chiêu thủ đoạn tàn nhẫn, tâm tư thâm trầm đến mức không ai sánh bằng.”
Hoàng đế Hi Chiêu chính là phụ thân của hoàng đế Nguyên Đức vừa mới băng hà.
Hi gia, Hầu phủ Hành Dương nhiều thế hệ làm tướng, từ thuở Đại Khánh mới dựng triều đã tranh đấu giành thiên hạ với hoàng đế. Chìm nổi nhiều năm như vậy nhưng gia quyến Hi gia vẫn luôn đi theo lão Hành Dương hầu ở tại biên cảnh.
Thật ra rất nhiều năm trước, khi vào kinh bái kiến hoàng đế Hi Chiêu, lão Hành Dương hầu đã nhận ra sự kiêng kị của ông ta với mình. Nhưng trái tim của Hành Dương hầu vẫn luôn đặt trên bọn hung nô không ngừng quấy rầy biên cảnh kia, không loanh quanh lòng vòng như đám văn thần, tuy rằng bất an trong lòng nhưng không lâu sau đã vứt ra sau đầu.
Mãi đến hai mươi năm trước, các bộ tộc vốn an phận ở thảo nguyên lại đột nhiên liên hợp với hung nô, tiến công Đại Khánh với quy mô lớn. Lúc trước, tuy rằng hung nô sẽ thường tới xâm phạm nhưng bộ tộc khác không phải là ngươi ngầm chiếm lĩnh ta thì cũng là ta lén xâm chiếm ngươi, trước giờ không có dấu hiệu rằng những bộ tộc này sẽ liên hợp lại để tấn công Đại Khánh trên quy mô lớn như vậy.
Tất nhiên lão Hành Dương hầu bị đánh đến mức trở tay không kịp. Nhưng ông ấy là vị tướng lão luyện đã canh giữ biên cương nhiều năm nên sau đó đã nhanh chóng phản công lại.
Khi đó, bao gồm cả lão phu nhân và bốn đứa con trai mà lão Hành Dương hầu sinh ra đều mặc giáp ra trận, ai ai cũng kiêu dũng thiện chiến, dị thường vũ dũng nên không lâu sau đó thế cục đã được ổn định.
Nói đến đây, bàn tay đặt ở đầu gối lão phu nhân run nhẹ: “Ta sinh cho hầu gia bốn đứa con, năm đó, ngoại trừ phụ thân của Phù Ẩn đã cưới vợ sinh con thì còn lại đều là thiếu niên, là nhi lang, còn không kịp nhược quán*.”
*20 tuổi
Cũng chính bởi vì thế nên bây giờ Hi gia mới có thể điêu tàn đến như vậy.
Trong lòng Khương Mạc chợt có suy đoán: “Trận chiến đó có liên quan tới hoàng đế Hi Chiêu sao ạ?”
“Phải! Hoàng đế Hi Chiêu vốn có thủ đoạn lợi hại, vì loại bỏ chướng ngại cho con mình, để lại một thịnh thế thái bình nên đã dùng kế dùng một hòn đá ném hai con chim, vừa có thể trừ bỏ họa lớn tâm phúc Hi gia này đi, vừa có thể diệt trừ mọi ngoại tộc như hổ rình mồi xung quanh trong một lần.”
Dứt lời, vẻ bi phẫn trong mắt lão phu nhân như sống lại, nghĩ đến chồng và con cái đã uổng mạng trên chiến trường, lão phu nhân đau đớn đến mức không thể thở nổi.
Lúc trước, hoàng đế Hi Chiêu để thân tín giả ý thông đồng với địch bán nước, nội ứng ngoại hợp bẫy nhốt binh mã của Hành Dương hầu lại, cũng chém toàn bộ con trai của Hành Dương hầu dưới thân ngựa. Sau này, ông ta lại thừa dịp hung nô và thủ lĩnh các bộ tộc thảo nguyên mừng vui khôn xiết, đang nằm mơ rằng sẽ công phá Đại Khánh thì ông ta lệnh cho người vẫn luôn ẩn nấp ở gần đó giết sạch.
Khi đó, tuy rằng quân đội mà Hành Dương hầu xuất lĩnh không có tướng soái nhưng dựa vào một trái tim muốn báo thù cho Hành Dương hầu đã khiến cho bọn hung nô mất đi chủ soái và đám bộ lạc kia ngựa đổ người nghiêng, chật vật chạy trốn. Một trận chiến oanh liệt nhưng cực kỳ thảm thiết cứ thế nhanh chóng được bình định.
“Khi đó, tổ phụ, phụ thân và các vị thúc phụ của Phù Ẩn đều chết trên chiến trường, tuy rằng ta rất đỗi bi thống nhưng bọn họ đều hy sinh vì nước, chết có ý nghĩa. Ta chẳng ngờ rằng mọi thứ đều chỉ vì âm mưu quỷ kế. Mãi đến khi biên cảnh loáng thoáng có lời đồn đoán rằng, Hi gia là phản đồ thông đồng với địch bán nước thì ta mới nhận ra điều không thích hợp. Sau đó, bạn tốt của tổ phụ Phù Ẩn không đành lòng khi hầu gia đã mất rồi còn phải gánh trên lưng tội thông đồng với địch bán nước nên mới truyền tin báo lại những tính toán của hoàng đế Hi Chiêu. Bấy giờ ta mới hiểu rõ mọi thứ.”
Lão phu nhân vô cùng đau đớn: “Từ đầu tới cuối, thứ ông ta muốn chỉ là binh quyền của Hi gia. Hoàng đế Hi Chiêu biết rõ diệt cỏ không diệt tận gốc sẽ để lại họa lớn nên nhất định phải ra tay độc ác như vậy. Lúc ấy, Hi gia chỉ còn bà già này, Phù Ẩn và người mẹ còn đang mang thai của Phù Ẩn.”
Từ sau khi lão phu nhân biết được âm mưu của hoàng đế Hi Chiêu, tuy rằng bà rất hận nhưng lại không thể làm gì được. Vì giữ mạng sống mà lão phu nhân chia binh phù thành hai, trước khi hoàng đế Hi Chiêu còn chưa làm khó dễ thì dâng một nửa đến trước mặt hoàng đế Hi Chiêu để tỏ lòng quy phục. Ngoại trừ một nửa binh phù kia ra, bà còn trình Đan Thư Thiết Khoán mà hoàng đế ban thưởng lên, sau đó mới dẫn Phù Ẩn và mẹ của hắn đến kinh thành.
Lão phu nhân lấy binh quyền, Đan Thư Thiết Khoán và điều kiện Hi gia tự nguyện chịu nguy hiểm trong kinh thành mới có thể bảo vệ lại được mạng sống, cũng bảo vệ được danh dự mấy trăm năm của Hi gia.
Nhưng thiên lý rõ ràng, báo ứng xác đáng.
Hoàng đế Hi Chiêu có thể xuống tay với trung thần lương tướng, nhưng cũng không tính đến chuyện rằng con trai ruột của ông ta sẽ xuống tay với chính mình.
“Khi đó ta một lòng chỉ muốn giữ lấy Hi gia, không biết cơ thể của hoàng đế Hi Chiêu đã là nỏ mạnh hết đà, vì muốn dọn sạch chướng ngại cho con trai nên ông ta mới ra tay như thế. Nhưng cuối cùng chuyện này cũng không như ý nguyện của ông ta, chúng ta còn chưa tới kinh thành, ông ta đã chết trong tay Nguyên Đức đế bấy giờ còn là Thất hoàng tử.”
Thái tử mà hoàng đế Hi Chiêu thân phong là con trai trưởng của ông ta với hoàng hậu đương nhiệm. Nhưng Triệu thị lúc đó dã tâm bừng bừng, sao có thể cam tâm chắp tay nhường ngôi hoàng đế cho người khác, vì thế Triệu thị lúc ấy bèn thừa dịp hoàng đế bệnh nặng, âm mưu liên hợp với Triệu Túc, nội ứng ngoại hợp đánh vào cung một phen làm tức chết hoàng đế Hi Chiêu, lại một kiếm giết chết thái tử. Cuối cùng bà ta lại để con trai của mình kế thừa ngôi vị hoàng đế. Chỉ có tâm phúc đại thần của thái tử khi trước mới biết được đủ loại mưu tính của hoàng đế Hi Chiêu. Triệu hoàng hậu và Triệu Túc không yên tâm khi dùng người của hoàng đế Hi Chiêu bèn giết sạch họ, không giết được thì cho lưu đày. Trong số những đại thần bị lưu đày này còn bao gồm cả bạn tốt của Hành Dương hầu, tiền Thủ phụ Văn Xương.
Trước khi đi, Văn Xương nghĩ mọi cách để gặp được lão phu nhân một lần, nói cho bà biết rằng Triệu thị không biết được kế hoạch của hoàng đế Hi Chiêu nên bảo bà dừng lại tại đây, đừng nhắc lại chuyện đó nữa. Hơn nữa, Văn Xương còn trả lại một nửa binh phù ông ấy thừa cơ loạn lạc lấy được cho lão phu nhân. Năm đó khi cung biến, lão phu nhân còn đang trên đường tới kinh, nhưng khi bà kể lại thì vẫn không nhịn được nỗi thổn thức: “Tuy rằng hoàng đế Hi Chiêu đã chết nhưng Triệu Túc không phải là đèn cạn dầu. Tuy hắn không đoán được vì sao chúng ta lại hồi kinh nhưng cũng biết nam tử Hi gia chỉ còn lại một đứa bé là Phù Ẩn. Không có người có thể chống Hi gia đứng lên, tất nhiên hắn ta cũng biết rằng Hi gia đã sụp đổ.”
Sau khi hồi kinh, lão phu nhân giấu tài không dám ngoi đầu dậy, dù gì thì cái mạng của Hi gia cũng được nhặt về.
Sau đó, tân hoàng đăng cơ, lão phu nhân không biết thái độ của Triệu thị và tân hoàng với Hi gia ra sao nên cũng từng thử dâng sổ xin cho Hi Phù Ẩn kế thừa tước vị. Chẳng qua cũng có thể đoán được kết quả, sổ bị đè để lại, không nói là đồng ý cũng không nói là phản đối, càng không nhắc gì đến chuyện thả người về biên cương.
Vì thế lão phu nhân thở phào nhẹ nhõm một hơi, đồng thời cũng không khỏi đau lòng.
Điều này đồng nghĩa với việc, tuy rằng bảng hiệu Hầu phủ Hành Dương còn treo nơi đó nhưng Phù Ẩn đã không còn khả năng kế thừa Hầu phủ nữa và chỉ có thể tìm lối tắt. Cuộc sống của Hi gia ở kinh thành cũng không được tốt lắm, nhưng lúc đó Triệu thị đang vội vàng đối phó với người của thái tử lúc trước và hoàng đế Hi Chiêu nên việc bọn họ ở kinh thành cũng không quá gây chú ý.
Điều đó đã cho Hi gia một cơ hội.
Vì đột nhiên xảy ra biến cố nên chỉ trong một đêm mà Hi Phù Ẩn như đã trưởng thành, tính nết dần trở nên bình tĩnh, thiếu niên đã từng vừa thấy sách đã đau đầu bấy giờ lại thường đọc sách đến tận khuya, hè sang đông đến cũng chẳng màng.
Sau trận chiến kia của Hi gia, bọn họ chào đón một tin tức mới vào năm mới cuối cùng của Nguyên Đức nguyên niên.
Nhắc đến chuyện hôm đó, đôi mắt lão phu nhân lóe sáng, trên mặt xuất hiện nụ cười. Nhưng vào giây tiếp theo, nụ cười trên mặt bà lại biến mất.
Bà nói: “Từ sau khi hoàng đế Hi Chiêu ra tay với Hi gia, tuy đã tránh khỏi tai vạ nhưng lòng ta vẫn luôn thấy bất an. Vì thế ta lặng lẽ phái người trở về biên cương, thứ nhất là để chấp chưởng lại quân đội Hi gia, hai là để bồi dưỡng ám vệ.”
Mấy năm sau này, Hi gia vẫn luôn rời khỏi sự phân tranh chốn triều đình, cuộc sống cũng coi như bình yên. Nhưng chuyện xảy ra vào năm đó cũng khiến người của Hi gia bị giày vò, mẹ của Hi Phù Ẩn lúc đó sụp đổ tuyệt vọng nên mới buồn bực mà chết.
“Vì thế hôm ấy tổ mẫu mới hỏi con như vậy sao?” Khương Mạc hỏi.
“Đúng vậy.”
Lão phu nhân gật đầu: “Nhiều năm như vậy, nếu không phải lúc trước Phù Ẩn trúng Trạng Nguyên, lấy thân phận là văn thần bước vào triều đình, có lẽ Hi gia đã sớm không còn nữa. Huống hồ, bây giờ Triệu thị và hoàng đế đã theo dõi Hi gia một lần nữa, bọn chúng không có sự quyết đoán và thủ đoạn như hoàng đế Hi Chiêu nhưng phương pháp chúng sử dụng lại đê tiện như nhau. Chúng cắt đứt quân lương và lương thảo ở biên cảnh, mười năm từ sau năm Nguyên Đức đến nay, quân lương đưa đến biên cảnh đều do Hi gia gánh chịu, dựa vào những gì mà Phù Ẩn kiếm được. Sau này, Triệu Túc mắt thấy làm vậy cũng không thể làm Hi gia sụp đổ bèn bày kế bắt cóc Phù Ẩn.”
Chuyện sau này, Khương Mạc đã biết rồi.
Cảnh ngộ mà Hi gia gặp phải như vật hy sinh dưới cường quyền vậy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.