Chia Tay Thôi, Columbus (Goodbye, Columbus)

Chương 7: Chương 7




Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được cái nóng bức và nhớp nháp của buổi chiều đó khi chúng tôi lái xe tới New York. Đó là ngày thứ tư kể từ bữa nàng ghé Margaret Sanger- nàng cứ trì hoãn đi trì hoãn lại, nhưng sau cùng vào hôm thứ Sáu, ba ngày trước lễ cưới của Ron và bốn ngày trước hôm trở lại đại học, chúng tôi đã chạy xe qua đường hầm Lincoln, nó có vẻ dài hơn và nhiều khói hơn bao giờ hết, cứ như một địa ngục lót gạch men vậy. Sau cùng chúng tôi cũng đến New York và lại chết ngộp vì một ngày ngột ngạt. Tôi đảo vòng một anh cảnh sát chỉ mặc sơ mi trần đang điều khiển giao thông và chạy lên phía trụ sở Cục quản lý cảng để đậu xe.
"Em có tiền trả taxi không?" tôi hỏi.
"Anh không đi với em sao?"
"Anh tính ngồi quán chờ em. Ngay đây, tầng dưới."
"Anh có thể đợi trong công viên Central. Phòng mạch ông ấy ngay bên kia đường."
"Bren, có khác gì..." nhưng khi thấy ánh mắt của nàng tôi đành từ bỏ quán rượu máy lạnh để cùng nàng đi xuyên thành phố. Trời đột nhiên mưa ra khi taxi của chúng tôi chạy vào trung tâm, và khi mưa tạnh, đường phố ướt át và lấp lóa, và bên dưới lề đường là tiếng rầm rì của xe điện ngầm, và nói chung thì cứ như chúng tôi đang đi vào lỗ tai của một con sư tử.
Phòng mạch bác sĩ nằm trong cao ốc Squibb, đối diện thương xá Bergdorf Goodman và như thế là một chỗ ngon lành cho Brenda sắm thêm quần áo. Vì lý do gì đó chúng tôi chưa từng nghĩ đến chuyện Brenda tới một bác sĩ ở Newark, có lẽ vì như thế là quá gần nhà và có khả năng bị phát hiện. Khi Brenda đến cánh cửa xoay nàng quay lại nhìn tôi; mắt nàng long lanh, cho dù sau lớp kính cũng thấy, và tôi không nói một lời, e rằng một lời, bất kỳ lời nào, cũng có thể gây hậu quả. Tôi hôn tóc nàng và ra hiệu rằng tôi sẽ ở chỗ vòi nước quảng trường ngay bên kia đường, và tôi nhìn theo nàng đi qua cánh cửa xoay. Ở ngoài đường xe cộ di chuyển chậm chạp cứ như cái ẩm ướt đã biến thành một bức tường chặn mọi thứ lại. Ngay cả cái vòi nước hình như cũng đang phun nước sôi lên những người ngồi quanh đó, và trong một thoáng tôi quyết định không băng qua đường mà theo Đại lộ Năm xuôi về phía nam và bắt đầu đi trên lề đường nóng hổi đến nhà thờ St. Patrick. Ở bậc thềm phía bắc nhà thờ một đám đông đã tụ lại; mọi người đang nhìn một cô người mẫu đứng cho chụp hình. Cô nàng mặc một chiếc váy màu vàng chanh với mũi chân chìa ra như một vũ viên ballet, và khi đi vào nhà thờ tôi nghe một bà nói, "Nếu tôi ăn pho mát trắng mỗi ngày mười lần thì tôi không gầy gò thế này."
Bên trong nhà thờ mát hơn nhiều, có thể sự yên tĩnh và những ngọn nến chập chờn khiến tôi nghĩ thế. Tôi chọn một chỗ tuốt phía sau và do tôi không muốn qùi xuống nên đành chồm tới tựa vào lưng ghế phía trước, rồi chắp hai tay và nhắm mắt lại. Tôi tự hỏi mình trông giống một người Thiên chúa giáo không, và trong nỗi hoang mang tôi bắt đầu một bài diễn văn nho nhỏ với chính mình. Những lời đầy ý thức ấy của tôi có thể gọi là lời cầu nguyện không? Dù gì tôi vẫn gọi người lắng nghe tôi là Thượng Đế. Thưa ngài, tôi nói, con đã hăm ba. Con muốn làm tốt mọi chuyện. Bây giờ bác sĩ sắp gả Brenda cho con, mà con không hoàn toàn chắc chắn rằng đây là điều tốt nhất. Con yêu cái gì vậy, Chúa ơi? Tại sao con lựa chọn? Brenda là ai? Cuộc đua đã đến mức chóng mặt. Con có nên ngừng lại để suy nghĩ không?
Tôi chẳng nhận được câu trả lời nào, nhưng cứ tiếp tục. Nếu chúng con được gặp ngài, Thượng Đế ạ, ấy bởi vì chúng con là người phàm, và tham lam, và do đó có phần của ngài. Con là phàm trần, và con biết ngài chấp thuận, con chỉ biết thế. Nhưng làm sao con thành phàm trần được? Con tham lam. Bây giờ con biết trông vào đâu trong cơn tham lam này? Chúng ta gặp nhau ở đâu? Ngài là phần thưởng gì?
Đó là một cuộc suy ngẫm sáng suốt, nhưng đột nhiên tôi thấy xấu hổ. Tôi đứng dậy và đi ra ngoài, và âm thanh ngoài Đại lộ Năm đem lại cho tôi câu trả lời:
Mày nghĩ phần thưởng nào, thằng ngốc? Dụng cụ ăn bằng bạc, những cái cây dụng cụ thể thao, những quả đào, những bãi hủy rác, những cái mũi sạch mụn, Bồn Patimkin...
Nhưng mẹ kiếp, Thượng Đế ạ, chính là ngài đấy!
Và Thượng Đế chỉ cười, cái thằng hề đó.
Trên những bậc thềm quanh vòi nước tôi ngồi trong một đường cầu vồng nhỏ mà nắng hắt lên qua làn nước phun. Và rồi tôi thấy Brenda bước ra khỏi cao ốc Squibb. Nàng chẳng cầm gì theo, cứ như một phụ nữ chỉ đi ngắm hàng bày sau cửa kính, và trong thoáng chốc tôi thấy vui vì sau cùng nàng đã cưỡng lại ước muốn của tôi.
Tuy nhiên, khi nàng băng qua đường, cảm giác hơi bông lơn đó qua đi và tôi lại là chính mình như cũ.
Nàng bước tới chỗ tôi và nhìn xuống nơi tôi đang ngồi; khi nàng hít vào, nàng căng cả người ra, và rồi nàng thở ra thành tiếng "Phuù!"
"Nó đâu?" tôi hỏi.
Ban đầu, câu trả lời cho tôi chỉ là cái nhìn đắc thắng của nàng, cái nhìn nàng dành cho Simp vào buổi tối nàng đánh bại cô ta, cái nhìn tôi nhận được vào buổi sáng tôi chạy vòng thứ ba một mình. Sau cùng nàng nói, "Em đeo nó rồi."
"Ồ, Bren."
"Ông ấy hỏi để tôi gói lại hay cô mang vô luôn?"
"Ôi Brenda, anh yêu em."
* * *
Tối hôm đó tụi tôi ngủ với nhau, và hai đứa bồn chồn với món đồ chơi mới tới độ chúng tôi làm ăn cứ như con nít ở nhà trẻ, hoặc (theo ngôn ngữ của xứ đó) giống như một trận đấu bóng thối tha mà chúng tôi là hai kẻ bị đuổi khỏi sân. Và ngày hôm sau hầu như chúng tôi không gặp nhau, vì với đủ chuyện giờ chót của đám cưới cứ loạn cả lên, nào điện báo, la hét, quát tháo, kêu khóc, chạy nháo nhào – tóm lại, điên khùng hết. Ngay cả những bữa ăn cũng mất đi cái vẻ ê hề kiểu Patimkin, và chỉ rặt mấy thứ như pho mát, hành, xúc xích, gan bằm và cốc tai trái cây. Suốt đợt cuối tuần đó thật nhộn nhạo, và tôi đã cố hết sức để tránh xa trung tâm bão, ở đó Ron, vụng về và toe toét cười, với Harriet, thẹn thùng và lễ phép, ngày càng quấn lấy nhau. Đến tối Chủ nhật sự mệt mỏi đã tới mức khủng hoảng và cả nhà Patimkin, trong đó có Brenda, đã đi ngủ sớm. Khi Ron vào phòng tắm đánh răng tôi quyết định cũng đi đánh răng luôn. Khi tôi đứng trước bồn rửa thì anh ta sờ thử khố lót xem còn ướt cỡ nào rồi vắt nó lên nút vòi sen và hỏi tôi có thích nghe mấy đĩa nhạc của anh ta một lát không. Tôi nhận lời chẳng phải vì cô đơn hay chán đời, mà vì thấp thoáng bắt gặp lại tình bạn thời còn đi học giữa những thứ xà bông nước nôi gạch men này, và tôi nghĩ có lẽ lời rủ rê của Ron xuất phát từ mong ước được sống những phút sau cùng của đời độc thân với một tay độc thân khác. Nếu tôi đoán đúng thì đó là khẳng định thực sự đầu tiên của anh ta dành cho chất đàn ông của tôi. Sao tôi từ chối được?
Tôi ngồi trên cái giường đôi bỏ không.
"Muốn nghe Mantovani không?
"Muốn chứ," tôi nói.
"Anh thích ai hơn, tay này hay Kostelanetz?"
"Tay nào cũng được."
Ron đi lại cái tủ. "Nè, còn đĩa Columbus thì sao? Có bao giờ Brenda cho anh nghe không?"
"Chưa. Chắc vậy."
Anh ta rút đĩa trong vỏ bọc ra, và giống một gã khổng lồ với một cái vỏ sò, anh ta cẩn thận đặt nó vào máy quay đĩa. Rồi anh ta mỉm cười với tôi và nằm ngửa ra trên giường. Hai tay anh ta xếp sau gáy và mắt dán lên trần, "Đứa nào ra trường cũng được một đĩa, cùng với cuốn kỷ yếu..." nhưng anh ta im lặng ngay khi nghe âm thanh trỗi lên. Tôi nhìn Ron và lắng nghe.
Ban đầu chỉ có một loạt tiếng trống, rồi im lặng, rồi trống dồn tiếp... và rồi nhẹ nhàng, một bản hành khúc, tiết tấu nghe rất quen thuộc. Khi bản nhạc kết thúc, tôi nghe những tiếng chuông, nhẹ vang vang, rồi dịu nhẹ lại. Và sau cùng là một giọng nói, trầm và xa xôi, kiểu giọng thường nghe thấy trong những phim tài liệu về sự bành trướng của chủ nghĩa phát xít.
"Năm là năm 1965. Mùa là mùa thu. Địa điểm là Đại học bang Ohio..."
Tổng tấn công! Ngày phán xét cuối cùng! Thượng Đế đã giáng gậy xuống, và Đội hợp xướng bang Ohio đang vây lấy khuôn viên đại học cứ như linh hồn của họ tùy thuộc vào đó. Sau một đoạn đồng ca dữ dội, nó rơi xuống, tuy vẫn còn gào thét, vào cõi hôn mê vô tận, và giọng nói lại vang lên.
"Lá đã bắt đầu úa màu và đỏ cạch lên trên cây. Những đống lửa um khói sáng lên dọc Dãy nhà Hội sinh viên, khi những chuẩn hội viên quét gom những chiếc lá và tung chúng vào màn sương mờ. Những khuôn mặt cũ đón chào những khuôn mặt mới, những khuôn mặt mới gặp gỡ những khuôn mặt cũ, và một năm học mới đã bắt đầu..."
Aâm nhạc. Dàn hợp xướng trở lại huy hoàng. Rồi vẫn giọng nói ấy: "Địa điểm, hai bờ sông Olentangy. Sự kiện, trận đấu cựu sinh viên, 1956. Đối thủ, bọn Illini cực kỳ nguy hiểm..."
Tiếng gào la của đám đông. Giọng nói khác – của Bill Stern: Illini nhận banh. Giao banh. Linday lui ra sau để chuyền banh, anh ta phát hiện đồng đội không bị kèm, anh ném bóng dài dọc theo sân – và NÓ BỊ ĐÓN CHẶN BỞI SỐ 43, HERB CLARK CỦA BANG OHIO! Clark thoát qua một hậu vệ truy cản, thoát qua một đối thủ nữa khi đến được giữa sân. Bây giờ anh đang đảo qua một hậu vệ, anh chạy xuống tới vạch 45, rồi 40, và 35..."
Và khi Bill Stern ép vào Clark, và Clark, Bill Stern, Ron, nằm trên giường, với thân thể cựa quậy chút đỉnh, đẩy Herb Clark qua vạch khung thành.
"Và bây giờ Ohio dẫn trước 21- 19. Trận đấu quá hay!"
Giọng nam trung của lịch sử lại xen vào: "Nhưng mùa giải hết thăng lại trầm, và đến lúc những bụi tuyết đầu tiên phủ trên mặt cỏ, thì âm thanh nhồi banh lách chách và tiếng gào Tiến lên, nhào vô! Lại vang vang khắp nhà thi đấu có mái che..."
Ron nhắm mắt lại.
"Trận Minnesota," một giọng nam cao khác thông báo, "và đối với một số sinh viên năm cuối của chúng ta thì đây là trận cuối cùng của họ trong màu áo đỏ trắng... Các đấu thủ đã sẵn sàng ra sàn đấu trước sự chờ đợi của khán giả. Sẽ có tiếng vỗ tay vang dội từ đám đông sôi nổi này vì một số đấu thủ sẽ không còn xuất hiện trong năm tới nữa. Đây, Larry Gardner số 7, đã bước ra sân đấu, Big Larry từ Akron, Ohio..."
"Larry..." tiếng loa phóng thanh thông báo; "Larry," đám đông gào đáp lại.
"Và đây là Ron Patimkin thong thả chạy ra. Ron, số 11, từ Short Hills, New Jersey. Trận đấu cuối cùng của Big Ron, và phải rất lâu thì các fan hâm mộ của đội Buckeyes mới quên được anh..."
Big Ron cứng người trên giường khi loa phóng thanh gọi tên anh ta; tiếng hoan hô của anh ta hẳn đã khiến những mành lưới rung lên. Rồi tên các đấu thủ khác cũng được xướng lên, rồi mùa bóng chày cũng qua đi, và đến Tuần tôn giáo, Dạ hội sinh viên năm cuối (Billy May gào vang mái nhà thi đấu thể dục), Đêm liên hoan của Hội sinh viên, thi sĩ E.E. Cummings đọc cho sinh viên nghe (thơ, im lặng, hoan hô); và rồi, sau cùng, là lễ phát bằng tốt nghiệp:
"Khuôn viên đại học lặng đi trong ngày đặïc biệt này của tất cả mọi ngày. Với mấy ngàn thanh niên thiếu nữ đây là một ngày rất vui mà cũng rất nghiêm trang. Với cha mẹ của họ đó là một ngày của tiếng cười và cũng là ngày của nước mắt. Đó là một ngày xanh ngát, ngày bảy tháng sáu năm một ngàn chín trăm năm mươi bảy và với những người Mỹ trẻ tuổi này đây là ngày xao xuyến nhất trong đời của họ. Với rất nhiều sinh viên, đây sẽ là lần cuối trong nhiều, rất nhiều năm sắp tới, họ còn được ngắm nhìn khuôn viên đại học này, ngắm nhìn Columbus. Cuộc đời vẫy gọi chúng ta, và chúng ta bước vào thế giới này một cách náo nức nếu không muốn nói là bồn chồn và rời xa những niềm vui giữa các bức tường leo đầy dây thường xuân này. Nhưng không rời xa ký ức về nó. Nó sẽ là đồng hành, nếu không muốn nói là nền tảng, cho cuộc đời chúng ta. Chúng ta sẽ chọn chồng chọn vợ, chúng ta sẽ chọn nghề nghiệp và mái ấm, chúng ta sẽ có con có cháu, nhưng chúng ta sẽ không quên ngươi, bang Ohio. Trong bao năm sắp tới chúng ta sẽ luôn mang theo những kỷ niệm về ngươi, bang Ohio ơi..."
Chậm rãi, dịu dàng, dàn đồng ca Đại học bang Ohio cất lên bài hành khúc của trường rồi chuông vang báo giờ khắc cuối cùng ấy. Dịu, rất dịu, vì đó là mùa xuân.
Đôi tay nổi rõ gân máu của Ron mọc gai ốc khi giọng nói tiếp tục. "Chúng tôi hiến thân mình cho ngươi, rồi cho cả thế giới, và tìm về ngươi để tìm lẽ sống. Và với ngươi, bang Ohio, với ngươi Columbus, chúng tôi xin nói lời cảm ơn, cảm ơn và tạm biệt. Chúng tôi sẽ rất nhớ ngươi, vào mùa thu, mùa đông, mùa xuân, nhưng một ngày nào đó chúng tôi sẽ trở lại. Còn từ giờ cho đến ngày đó, xin tạm biệt, bang Ohio, chia tay thôi, màu trắng đỏ, chia tay thôi, Columbus... Chia tay thôi, Columbus... chia tay thôi..."
Cặp mắt Ron nhắm lại. Ban nhạc tuôn ra đoạn nhạc hoài niệm cuối cùng, và tôi rón rén ra khỏi phòng, cùng nhịp chân bước với 2163 sinh viên của khóa 1957 ấy.
Tôi đóng cửa phòng lại, nhưng rồi lại mở ra và nhìn qua phòng Ron: anh ta vẫn còn âm ư trên giường. Ôi trời! Tôi thầm nghĩ, ông anh vợ của tôi!
* * *
Đám cưới.
Cho tôi bắt đầu với đám họ hàng.
Có gia đình bên bà Patimkin: gồm bà em là Molly, một mụ béo tốt vú to đùng có cổ chân phì đại phủ xuống đôi giày, và là kẻ sẽ nhớ mãi đám cưới của Ron chẳng vì lý do nào khác ngoài chuyện bà ta phải hy sinh bàn chân mình trong đôi giày gót cao cả tấc, rồi có ông chồng mập lù của bà Molly là Harry Grossbart, một kẻ đã làm giàu nhờ lúa mạch với bắp ngô để nấu rượu trong thời kỳ cấm rượu.(#1) Bây giờ ông ta hoạt động tích cực trong Đền thờ và lúc nào gặp Brenda ông ta cũng vỗ vào mông nàng; tôi đoán đó là một cung cách của dân buôn rượu lậu đã được coi là cách bày tỏ tình cảm gia đình. Lại còn có Marty Kreiger, ông anh của bà Patimkin nữa. Đó là ông vua ngành sản xuất thức ăn nhanh Kosher,(#2) một ông to tướng có mấy lớp cằm thì cũng có bấy nhiêu lớp bụng, và lúc này, ở tuổi năm mươi lăm, ông ta đã có số lần tai biến tim mạch bằng số lớp cằm và lớp bụng cộng lại. Ông ta vừa mới đi nghỉ dưỡng ở Catskills về, ông ta nói ở đó ông chẳng ăn gì khác ngoài món All-Bran và chơi bài gin rummy thắng được 1.500 đô. Khi anh thợ chụp ảnh tới hành nghề, Marty đặt tay lên bộ ngực xẹp lép của bà vợ và nói, "Ê, chụp vầy coi đã chưa!" Sylvia, bà vợ, là một phụ nữ ốm yếu còm nhom với khung xương mảnh mai như xương chim. Bà ta khóc suốt lễ cưới, và thực tình đã nức nở tồ tồ khi giáo sĩ tuyên bố Ron và Harriet là "vợ chồng trước mặt Thượng Đế và Bang New Jersey." Sau đó, trong bữa tiệc, bà ta đã cứng cỏi trở lại đủ để đập vào tay chồng khi ông này tính nhón lấy một điếu xì gà. Tuy nhiên, khi ông ta quàng vai để đặt tay lên ngực bà, bà chỉ trông hơi hoảng hốt thôi và chẳng phản đối gì cả.
Kế đến là hai bà chị sinh đôi của ông Patimkin, Rose và Pearl, cả hai có tóc bạch kim, y như màu chiếc Lincoln mui trần, và có giọng mũi, họ có hai ông chồng đi theo nhưng chỉ nói chuyện với nhau, cứ như bà chị lấy cô em còn hai ông chồng kia lấy nhau. Hai ông này tên là Earl Klein và Manny Kartzman, ngồi cạnh nhau lúc làm phép cưới, rồi ở bàn tiệc, có một lần, khi ban nhạc chơi trong khi chờ dọn món kế tiếp, họ đã đứng dậy, cả Klein và Kartman, cứ như để khiêu vũ, nhưng họ lại đi về cuối đại sảnh rồi cùng nhau đếm bước theo chiều rộng của đại sảnh. Sau này tôi mới biết Earl buôn bán thảm, và rõ ràng ông ta đang cố tính ra mình sẽ kiếm được bao nhiêu nếu Khách sạn Prince làm phước mua thảm của ông ta.
Về phía họ nhà ông Patimkin thì chỉ có mỗi Leopold, anh em ghẻ của ông. Leopold cưới một bà tên là Bea, người mà coi bộ chẳng có ai nói chuyện. Bà Bea cứ chạy tới chạy lui trong bữa tiệc và ghé lại bàn của lũ trẻ để xem Sharon, con gái bà ta, có được chăm sóc tử tế không. "Tôi đã bảo bà ấy đừng dẫn con theo. Mướn một cô giữ trẻ đi, tôi bảo vậy." Leopold kể lể với tôi trong khi Brenda khiêu vũ với anh phù rể Ferrari. "Bà ấy nói ông nghĩ mình là ai, triệu phú chắc? Không, lạy Chúa, nhưng ông anh tôi lấy vợ cho con, tôi có thể ăn mừng chút đỉnh chứ. Không, mình sẽ mang đứa bé theo. Aah, để có chuyện cho bà ấy làm!..." Ông ta nhìn quanh đại sảnh. Trên sân khấu Harry Winters (tên thật là Weinberg) đang chỉ huy ban nhạc chơi một liên khúc từ các bài trong phim My Fair Lady; dưới sàn nhảy, đủ lứa tuổi, kích cỡ, kiểu dáng, đang khiêu vũ. Ông Patimkin nhảy với Julie, váy của con bé đã tuột khỏi vai làm lộ ra khoảng lưng nhỏ mềm mại, và cái cổ dài, giống như cổ Brenda. Ông ta nhảy trong những ô nhỏ và rất cố gắng để đừng dẫm vào ngón chân Julie. Harriet, như mọi người nói, là một cô dâu xinh đẹp, đang khiêu vũ với cha ruột. Ron nhảy với mẹ vợ, Brenda với Ferrari, và tôi đã ngồi một hồi lâu trên một ghế trống cạnh Leopold để tránh bị lôi vào chuyện khiêu vũ với bà Patimkin vốn là đích nhắm của mọi vật thể chuyển động.
"Anh là bạn của Brenda, hử?" Leopold hỏi.
Tôi gật đầu – từ đầu hôm tôi đã thôi cái trò đưa ra những giải thích sặc mùi bẽn lẽn. "Ngon ăn đó, cậu trai," Leopold nói, "đừng làm hỏng chuyện."
"Cô ấy rất đẹp," tôi nói.
Leopold tự rót một ly sâm banh, và chờ đợi cứ như ông ta mong có một cái đầu sẽ mọc lên ở đó; khi chẳng có cái nào mọc ra, ông rót tràn tới miệng ly.
"Đẹp, không đẹp, có khác gì đâu. Tôi là người thực tế. Tôi đang ở tuốt dưới đáy, nên tôi phải vậy. Nếu anh là Aly Khan thì anh mới lo nghĩ chuyện cưới ngôi sao màn bạc. Tôi rành chuyện đó quá mà... Anh biết hồi lấy vợ tôi bao nhiêu tuổi không? Ba mươi lăm. Tôi không hiểu mình lúc đó đang vội vã cái quái qủi gì." Ông ta cạn ly và lại rót đầy. "Để tôi kể anh nghe, một chuyện tốt đẹp xảy đến với tôi trong cả một đời. Có thể là hai điều. Trước khi từ nước ngoài trở về tôi nhận được thư của vợ – lúc đó cô ấy chưa là vợ tôi đâu. Mẹ vợ tôi kiếm được một căn hộ ở Queens cho tụi tôi. Sáu mươi hai đô rưỡi một tháng. Đó là chuyện tốt đẹp sau cùng từng đến với tôi."
"Còn chuyện thứ nhất?"
"Thứ nhất nào?"
"Thì ông nói có hai chuyện."
"Tôi không nhớ. Tôi nói có hai bởi vì vợ tôi cứ nói tôi là đứa chua cay và hoài nghi. Kiểu như vậy có lẽ bà ấy không hề nghĩ tôi khôn ngoan cỡ nào."
Tôi thấy Brenda và Ferrari tách ra, nên cáo lỗi và cất bước về phía nàng, nhưng ngay lúc đó ông Patimkin rời Julie và trông cứ như hai tay đó sắp đổi bạn nhảy cho nhau. Nhưng té ra cả bốn cứ đứng trên sàn nhảy và khi tôi đến gần thì họ đang cười và Julie thốt lên, "Mắc cười thiệt!" Ferrari nói "Chào" với tôi và kéo Julie đi, làm con bé này bật lên cười khanh khách.
Ông Patimkin đặt một tay lên lưng Brenda và đột nhiên tay kia đặt lên lưng tôi. "Hai đứa vui chơi thoải mái không?" ông hỏi.
Chúng tôi hơi đong đưa thân hình, cả ba người, theo bài hát "Get Me to the Church on Time."
Brenda hôn bố nàng. "Dạ," nàng nói. "Con say đến độ cái đầu không cần đến cổ nữa."
"Đám cưới quá tuyệt, bác Patimkin ạ."
"Có cần gì cứ nói với tôi..." ông bảo, chính ông cũng ngà ngà. "Hai đứa tốt lắm... Con thấy thích chuyện anh mình lập gia đình không?... Hử?... Kia là con gái hay đây là con gái?"
Brenda mỉm cười, và tuy rõ ràng nàng nghĩ bố nói về mình, nhưng tôi tin chắc ông đang nói tới Harriet.
"Bố thích đám cưới không, bố?" Brenda hỏi.
"Bố thích đám cưới của con bố..." Ông ta vỗ vào lưng tôi. "Hai đứa, có cần gì không? Cứ vui chơi thoải mái nhé. Nhớ nghe," ông nói với Brenda, "Con là con gái cưng của bố..." Rồi ông ta nhìn qua tôi. "Bất cứ gì con gái tôi muốn thì cũng tốt đẹp cho tôi hết. Không có chuyện làm ăn nào quá lớn đến độ không thể xài thêm một cái đầu nữa."
Tôi mỉm cười, tuy không hẳn là cười với ông ta, và đàng xa tôi còn thấy được Leopold đang cạn ly sâm banh và nhìn ba người chúng tôi; khi gặp ánh mắt tôi ông ta đưa tay ra dấu với ngón cái và ngón trỏ làm thành một vòng tròn, ngụ ý, "Nó đó, nó đó!"
Sau khi ông Patimkin bỏ đi, tôi với Brenda ôm nhau khiêu vũ, và chúng tôi chỉ ngồi xuống khi các anh bồi bàn bắt đầu đi vòng vòng mời món chính. Bàn tiệc chính rất ồn, nhất là ở đầu bàn phía chúng tôi nơi bọn thanh niên hầu hết là đồng đội của Ron, ở môn thể thao này hoặc môn nọ; bọn họ ăn cả đống bánh kếp cuộn. Tank Feldman, bạn cùng phòng của Ron, từ Teledo bay về dự đám cưới, cứ bắt anh bồi đi lấy thêm bánh cuộn, cải, ô liu, và lúc nào cũng làm hài lòng Gloria Feldman, vợ hắn ta, một con mụ thiếu dinh dưỡng, nhộn nhạo, lúc nào cũng nhìn xuống ngực cứ như bên dưới lớp áo ấy đang tiến hành một công trình xây dựng nào đó. Gloria và Tank, thực ra, có vẻ là chỉ huy tự phong ở đầu bàn này. Họ hô hào uống mừng, ồ ồ lên hát, và cứ liên tục gọi tôi với Brenda là "đôi uyên ương." Brenda nhe nanh cười trước kiểu nói đùa này và tôi moi được một vẻ mặt hào hứng từ cái tâm nhĩ lừa đảo nào đó của con tim tôi.
Và đêm cứ tiếp tục: chúng tôi ăn, chúng tôi uống, chúng tôi nhảy – Rose và Pearl nhảy điệu Charleston với nhau (trong khi hai ông chồng của họ đi nghiên cứu đồ gỗ và các chùm đèn), và rồi đến tôi nhảy Charleston với chẳng ai khác hơn mụ Gloria Feldman, mụ này trong lúc nhảy cứ bày ra với tôi một bộ mặt thẹn thùng bẽn lẽn thấy phát ớn. Lúc gần tàn cuộc, Brenda, nãy giờ đã uống sâm banh y như ông chú Leopold, biểu diễn sô lô một màn tango theo kiểu Rita Hayworth, còn Julie đã ngủ gục trên một mớ dương sỉ nó gom từ bàn tiệc chính và rải thành một lớp nệm ở cuối đại sảnh. Tôi thấy một cảm giác tê cứng lan tới vòm miệng, và đến ba giờ sáng thì người ta mặc cả áo khoác để khiêu vũ, những qúi bà chân không giày đang gói những miếng bánh cưới vào khăn ăn để dành làm bữa trưa mai cho lũ trẻ, và sau cùng Gloria Feldman đi lại cuối bàn chỗ chúng tôi và hỏi, một cách tươi tỉnh, "Nào, cô sinh viên Radcliffe thông minh của tôi, suốt mùa hè cô làm gì nè?"
"Nuôi một con 'cu'."
Gloria mỉm cười và biến đi mau lẹ như khi xuất hiện vậy, còn Brenda không nói thêm một lời khật khưỡng đi về phía phòng vệ sinh nữ để nhận phần thưởng cho việc quá chén. Nàng vừa đi khỏi là Leopold đến bên tôi liền, một tay cầm ly, tay kia là một chai sâm banh mới nguyên.
"Không thấy cô dâu chú rể đâu hết hả?" ông ta nói, nháy nháy mắt. Đến lúc này ông ta hết phát âm nổi những phụ âm và đang cố hết sức với những nguyên âm dài, ướt nhẹp. "Được rồi, kế tiếp là anh, nhóc ạ, tôi thấy điều đó qua những quân bài... Anh đâu phải thứ dễ qua mặt..." và ông ta thúc cổ chai vào hông tôi, làm đổ cả sâm banh ra chiếc áo vest đi thuê của tôi. Ông ta đứng thẳng dậy, rót thêm một mớ nữa ra ly và bàn tay, nhưng đột nhiên ông ta ngưng lại. Ông ta nhìn chằm chằm vào những bóng đèn được giấu bên dưới một tràng hoa dài trang trí phía trước bàn. Ông ta lắc lắc cái chai như để làm nó sủi bọt lên. "Cái thằng chó đẻ chế ra đèn huỳnh quang chết tươi đi cho rồi!" Ông ta đặt chai xuống và uống.
Trên sân khấu Harry Winters cho nhạc công nghỉ. Tay đánh trống đứng dậy, vươn vai, và cả bọn bắt đầu mở hộp cất nhạc cụ đi. Dưới sàn nhảy, bà con, bạn bè, đồng sự, bá vai quàng hông nhau, và những đứa bé đeo vào chân bố mẹ chúng. Có vài đứa chạy ra chạy vào, gào la chơi rượt bắt, cho đến khi một đứa bị người lớn nắm lại và đét mấy phát ra trò vào đít. Nó bật khóc, rồi từng cặp rời sàn nhảy. Cái bàn của chúng tôi là một đống hỗn độn đủ thứ: khăn ăn, trái cây, hoa; có cả những chai whisky đã cạn, những cành lá héo rũ, và mấy cái dĩa lầy nhầy món kem dâu ăn bỏ dở, đã trở nên nhơn nhớt. Ở cuối bàn ông Patimkin ngồi cạnh vợ, cầm tay bà ta. Đối diện họ, trên hai ghế kéo lại cạnh nhau, là ông bà Ehrlich. Họ nói chuyện lặng lẽ và đều đều, cứ như họ đã biết nhau qua vô số năm. Lúc này mọi sự đã chậm lại, và thỉnh thoảng lại có người đến bên ông bà Patimkin và Ehrlich để chúc mừng họ, rồi kéo bầy cả gia đình bước ra ngoài bầu trời đêm tháng Chín, có ai đó nhận xét trời mát và nhiều gió, khiến tôi nhớ ra chẳng bao lâu nữa là tới mùa đông và tuyết giá.
"Nó chẳng bao giờ hư, mấy thứ đó, anh biết mà," Leopold trỏ những đèn huỳnh quang sáng sau đám hoa lá. "Nó xài được tới mấy năm. Tụi nó làm được cả một chiếc xe hơi như thế nếu muốn, thứ không bao giờ hư. Nó cứ cháy bất chấp mưa mùa hè hay tuyết mùa đông. Nhưng tụi nó không làm thế, mấy cha trùm đó là vậy... Còn tôi nè," Leopold nói, làm văng sâm banh ra ngực áo, "Tôi bán một bóng đèn tốt. Anh không kiếm ra loại bóng đèn tôi bán trong một tiệm tạp phẩm đâu. Đó là bóng đèn chất lượng. Nhưng tôi là thứ tép riu. Chẳng có được một cái xe nữa. Đi đâu cũng bằng xe lửa. Tôi là thằng duy nhất mỗi mùa đông đi mòn ba đôi ủng cao su. Hầu hết người ta mua cái mới khi mất cái cũ. Còn tôi thì đi tới mòn luôn. Coi đó," ông ta nói, chồm về phía tôi, "Tôi có thể bán thứ bóng đèn dổm, đâu hại gì cho tôi. Nhưng làm ăn như thế không bền."
Vợ chồng nhà Ehrlichs và Patimkin cùng đẩy ghế ra và bỏ đi, ngoại trừ ông Patimkin bước về phía tôi với Leopold.
Ông ta vỗ vào lưng Leopold. "Sao, khoẻ không, bợm?"
"Khỏe thôi, Ben. Khoẻ thôi..."
"Đã đời chưa?"
"Anh được một chuyện vui đấy, Ben, chắc cũng tốn bộn tiền, tôi nói thiệt..."
Ông Patimkin bật cười. "Mỗi khi khai thuế lợi tức là tôi đi kiếm Leopold. Nó biết rõ tôi xài bao nhiêu tiền... Muốn quá giang về không?" ông ta hỏi tôi.
"Không, cám ơn bác. Cháu chờ Brenda. Cháu có xe mà."
"Chúc ngủ ngon," ông Patimkin nói.
Tôi nhìn theo ông ta bước khỏi bục kê bàn tiệc chính, và đi về phía lối ra. Bây giờ trong sảnh – một gian sảnh tan hoang – chỉ còn tôi, Leopold, bà vợ ông ta cùng đứa nhỏ đang ngủ, cả hai, gối đầu lên tấm khăn bàn cuộn tròn lại ở một cái bàn trước mặt chúng tôi. Brenda vẫn chẳng thấy đâu.
"Khi anh giành được nó," Leopold nói, chà những ngón tay vào nhau, "anh có thể ăn nói như một tay tai to mặt lớn. Ai còn cần đến thằng như tôi nữa. Dân chào hàng, anh cứ nhổ vào bọn họ. Anh cứ tới siêu thị là mua được đủ thứ. Ở chỗ bà xã tôi đi mua sắm anh còn mua được cả vải trải giường với áo gối nữa. Tưởng tượng đi, chỉ là một cửa hàng tạp phẩm! Còn tôi, tôi bán hàng cho trạm xăng, nhà máy, doanh nghiệp nhỏ, lên xuống khắp bờ biển phía đông. Đương nhiên, anh có thể bán cho một thằng cha nọ ở trạm xăng một bóng đèn vớ vẩn xài một tuần là bứt. Vì trong các trụ bơm xăng mà tôi đang nói đó, nó cần một loại bóng đèn nào đó. Một bóng đèn thông dụng. Được thôi, nên anh bán cho y một bóng đèn dổm, và một tuần sau y gắn cái mới, và trong khi gắn y vẫn nhớ tên anh. Tôi thì không như thế. Tôi bán một bóng đèn chất lượng. Nó cháy được một tháng, năm tuần, thì mới bắt đầu bị nhấp nháy, rồi nó còn sáng cho anh thêm vài ba ngày nữa, có thể hơi mờ, nhưng cũng đỡ cho anh khỏi phải lần mò. Nó cầm cự được, đó là thứ bóng đèn chất lượng. Trước khi nó đứt bóng anh sẽ nhận thấy nó yếu dần, nên anh kịp mua cái mới. Cái mà người ta không ưa là mới sáng trưng đó lát sau đã tối hù. Phải cho nó tờ mờ vài ngày và họ đỡ cảm thấy khó chịu. Chưa có ai vất bóng đèn của tôi đi... họ cứ nghĩ có thể để dành được, có thể lúc kẹt lấy ra xài đỡ. Có khi tôi hỏi một thằng cha, ông có bao giờ vất đi một bóng đèn mua của Leopold Patimkin chưa? Mình phải xài tâm lý. Bởi thế nên tôi mới cho con học đại học. Thời buổi này mà không biết chút đỉnh tâm lý là tiêu..."
Ông ta giơ một tay lên chỉ về bà vợ rồi ông ta ngồi thụp xuống ghế. "Aaach!" ông ta kêu rồi làm một hơi hết nửa ly sâm banh. "Để tôi nói cho anh nghe, tôi đi đến tận New London, Connecticut. Tôi sẽ đi xa cỡ đó, và khi đêm xuống trở về nhà đầu tiên là tôi ghé lại làm vài ly. Rượu Martini đấy. Tôi làm hai ly, có khi ba. Vậy là vừa, phải không? Nhưng với bà ấy thì một hớp hay cả một bồn tắm thì cũng bốc mùi như nhau. Bà ấy bảo nếu tôi về nhà sặc sụa hơi men thì không tốt cho con cái. Nó còn nhỏ xíu, lạy Chúa tôi, bà ấy nghĩ tôi là phải có mùi như vậy. Một thằng bốn mươi tám tuổi với một đứa nhỏ ba tuổi! Với con bé ấy bà ta làm tôi bị nghẽn mạch máu mất. Mụ vợ tôi, bà ấy muốn tôi về nhà sớm và chơi với con trước khi nó đi ngủ. Bà ấy bảo cứ về nhà rồi tôi làm cho ông một ly. Hàa! Tôi phải cả ngày hít hơi xăng, lom khom dưới mui xe ở New London, cố mà gắn một bóng đèn phải gió vào ổ gắn... Tôi sẽ tự tay vặn nó vào, tôi bảo họ vậy... vậy mà bà ấy nghĩ tôi muốn về nhà và uống một miếng martini bằng cái ly nhựa vớ vẩn gì đó hả! Bà ấy nói ông định ngồi trong quán rượu bao lâu. Cho đến khi một cô Do Thái thành Hoa Hậu Rhinegold chắc!"
"Vậy đó," ông ta nói tiếp sau khi cạn một ly nữa, "Tôi yêu con mình giống như Ben yêu Brenda của hắn vậy. Không phải là tôi không muốn chơi với nó. Nhưng nếu tôi chơi với con và tối lên giường ngủ với vợ, thế thì bà ta đừng mong có được điều bất ngờ gì ở tôi. Được cái này thì mất cái kia. Tôi đâu phải ngôi sao điện ảnh."
Leopold nhìn cái ly đã cạn của mình và đặt nó lên bàn; ông ta dốc ngược chai và uống sâm banh cứ như nước sôđa. "Anh nghĩ mỗi tuần tôi kiếm được bao nhiêu?" ông ta hỏi.
"Tôi không biết."
"Đoán thử coi."
"Một trăm đô."
"Chắc cú, và ngày mai người ta sẽ thả sư tử khỏi mấy cái chuồng ở Công viên Central. Anh nghĩ tôi kiếm được bao nhiêu?"
"Không đoán được."
"Một thằng tài xế taxi còn kiếm được nhiều hơn tôi. Thực vậy đó. Thằng em vợ tôi là tài xế taxi, nó sống ở Kew Gardens. Và hắn không kiếm ăn vớ vẩn đâu, không thưa ngài, không phải đám tài xế taxi đó đâu. Tuần rồi có một tối trời mưa và tôi bảo mẹ kiếp nó, mình sẽ vẫy một cái taxi. Tôi đã ở suốt ngày tại Newton, Massachusetts. Tôi thường không đi xa thế, nhưng buổi sáng ngồi trên xe lửa tôi tự nhủ, cố lên, hãy đi xa hơn, nó sẽ có một thay đổi. Và lúc đó tôi vẫn biết mình đang tự đùa cợt mình. Tôi thậm chí sẽ không kiếm được gì bù cho khoản lộ phí tăng thêm này. Nhưng tôi cứ kiên trì. Và đến tối tôi còn ế tới mấy hộp, nên khi thằng cha đó đậu xe trước Grand Central, có gì giống như thần thánh trong tôi bảo tôi hãy lên xe. Tôi thậm chí liệng đại thùng bóng đèn vào xe, chẳng cần biết chúng có vỡ hay không. Và cha tài xế nói, Tính làm gì vậy cha nội, làm rách mặt da hả? Tôi mới bọc lại nệm ghế đó. Đâu có, tôi nói. Chúa ơi, y nói, một số tay thổ tả. Tôi chui vào và cho hắn một địa chỉ ở Queens để y câm miệng đi, nhưng không, suốt dọc đường y cứ Chúa ơi với tôi mãi. Trong xe thì nóng, nên tôi mở một cửa sổ và thế là y quay lại nói, Tính làm gì đó cha nội, cho tôi lạnh gáy hả? Tôi vừa hết một đợt cảm cúm mặc dịch xong..." Leopold nhìn tôi, cặp mắt lờ đờ. "Thành phố này điên hết rồi! Nếu có chút tiền là tôi biến khỏi đây liền. Tôi sẽ đi California. Ở đó trời đất sáng sủa người ta không cần bóng đèn. Tôi đã từ San Francisco đi New Guinea hồi thế chiến. Chà chà," ông ta thốt lên, "có một chuyện tốt đẹp nữa xảy đến với tôi, đêm đó ở San Francisco với Hannah Schreiber. Tức là cả hai vợ chồng nó, anh hỏi thì tôi sẽ nói – căn hộ mà mẹ vợ kiếm cho tụi tôi, và Hannah Schreiber này. Chỉ một đêm thôi. Tôi dự một buổi khiêu vũ B'nai Brith cho lính dưới tầng hầm một đền thờ lớn nọ, và tôi gặp cô ấy. Lúc đó tôi chưa lập gia đình, nên đừng có nhíu mày như vậy."
"Tôi thì không đâu."
"Cô ấy có một căn phòng nho nhỏ xinh xinh. Cô ấy sẽ đi học làm cô giáo. Tôi biết có điều gì đó đang xảy ra vì lúc ở trong taxi cô ấy cho tôi sờ bên trong quần lót. Nghe tôi này, tôi ăn nói cứ như lúc nào cũng đi taxi. Có lẽ trong đời tôi chỉ được hai lần khác nữa thôi. Nói thật tôi cũng không khoái gì chuyện đó. Lúc nào ngồi xe tôi cũng nhìn đồng hồ tính tiền. Ngay cả những lạc thú tôi cũng không hưởng được!"
"Còn Hannah Schreiber thì sao?"
Ông ta mỉm cười, lộ răng vàng lấp lánh. "Anh thấy thích cái tên đó không? Cô ấy chỉ là một thiếu nữ, nhưng lại có cái tên của một qúi bà. Trong phòng cô ấy nói với tôi là cô tin ở chuyện yêu nhau bằng mồm. Tôi chả hiểu cô ấy muốn nói cái quái qủi gì. Tôi mường tượng cô ấy thuộc hội Những nhà khoa học Thiên chúa giáo hay giáo phái gì đó đại loại như thế. Nên tôi nói, thế còn những người lính, bọn trai trẻ bị đưa ra nước ngoài và có thể bị giết, cầu Chúa thương họ." Ông ta nhún vai. "Tôi chẳng phải thằng thông minh nhất trên đời. Nhưng hồi đó mới gần hai mươi, tôi còn ngu ngơ lắm. Nói thật với anh, thỉnh thoảng vợ tôi – anh biết đó, cũng làm cho tôi chuyện y hệt Hannah Schreiber đã làm. Tôi không thích bắt buộc bà ấy, bà ấy làm rất cực. Chuyện đó với bà ấy cũng như cái taxi với tôi vậy. Tôi sẽ không ép buộc bà ấy. Tôi còn nhớ rõ từng lần một. Thật đó. Một lần sau ngày kỷ niệm Xuất Hành,(#3) mẹ tôi vẫn còn sống, cầu mong bà được yên nghỉ. Vợ tôi lên đây cùng với Mogen David. Sự thực là có tới hai lần sau lễ Xuất Hành. Aachhh! Những chuyện tốt đẹp trong đời tôi chỉ đếm được trên đầu ngón tay! Cầu chúa thương đừng khiến ai để lại cho tôi một triệu đôla, tôi sẽ thậm chí không cởi giầy ra nữa. Tôi có cả một bàn tay nữa mà."
Ông ta cầm cái chai sâm banh gần cạn chỉ những ngọn đèn huỳnh quang. "Anh bảo đó là ngọn đèn hả? Đó là đèn để đọc sách hả? Thật báng bổ, lạy Chúa tôi! Một nửa số người mù trên thế giới này đã tự hại mình bằng những thứ khốn kiếp đó. Anh biết ai sau lưng nó không? Bọn bán kính thuốc đó! Để tôi nói cho anh nghe, nếu có ai trả tôi vài trăm cho toàn bộ số hàng và địa giới kinh doanh của tôi, thì mai tôi bán liền. Đúng thế, Leopold A. Patimkin, một học kỳ kế toán, lớp đêm Đại học City, sẽ bán hết thiết bị, địa giới kinh doanh, uy tín. Tôi sẽ cho đăng năm phân quảng cáo trên tờ Times. Địa giới kinh doanh là từ đây cho đến bất kỳ đâu. Tôi muốn đi đâu là đi, mình làm chủ mình, chẳng có thằng nào dạy bảo tôi phải làm gì. Anh biết Kinh Thánh chứ? Chúa phán, 'Hãy có ánh sáng... và hãy có Leopold Patimkin!' Đó là nhãn hiệu của tôi, tôi cũng bán luôn. Tôi bảo cho họ câu khẩu hiệu đó, họ nghĩ tôi đã đặt ra nó. Thông minh thì ích gì trừ phi anh còn cơ may thăng tiến. Trong ngón út của tôi còn có nhiều chất xám hơn nguyên một cái đầu của Ben. Vậy mà hắn lên tới đỉnh còn tôi thì ở dưới đáy! Ôi trời! Tin tôi đi, nếu anh sinh ra may mắn, thì anh sẽ may mắn!" Thế rồi ông ta ngồi im như thóc.
Tôi có cảm giác rằng ông ta sắp khóc, nên tôi nghiêng người qua thì thầm với ông ta, "Ông nên về đi." Ông ta đồng ý, nhưng tôi phải đỡ ông ta đứng dậy và kè tay dìu ông ta tới chỗ bà vợ với con gái. Không đánh thức đứa con gái dậy được nên Leopold với Bea nhờ tôi trông chừng cô bé một lát để họ ra hành lang lấy áo khoác. Khi họ trở lại, Leopold coi bộ đã ngoi được trở lại mức giao tiếp bình thường. Ông ta bắt tay tôi với tình cảm thực sự. Tôi cũng rất cảm động.
"Anh sẽ tiến xa," ông ta nói với tôi. "Anh là đứa thông minh, anh sẽ chơi an toàn được. Đừng làm hỏng mọi chuyện."
"Không làm hỏng đâu."
"Lần sau gặp lại mong sẽ là đám cưới của anh." Rồi ông ta nháy mắt với tôi. Bea đứng gần đó, cứ lầm bầm tạm biệt trong khi ông ta nói chuyện. Ông ta lại bắt tay tôi rồi bế đứa con đang nằm trên ghế lên và họ đi ra cửa. Nhìn từ đàng sau, vai rũ, nặng nề, bế con cái, trông họ cứ như những người đang trốn chạy khỏi một thành phố bị chiếm đóng.
Tôi tìm thấy Brenda ngủ gục trên một trường kỷ ngoài tiền sảnh. Lúc đó đã gần bốn giờ sáng và chỉ hai đứa tôi với nhân viên tiếp tân là còn có mặt trong tiền sảnh khách sạn. Ban đầu tôi không đánh thức Brenda, vì trông nàng nhợt nhạt và mệt mỏi và tôi biết nàng đã bệnh. Tôi ngồi cạnh nàng, vuốt mái tóc của nàng ra sau tai. Tôi tự hỏi làm sao mà mình quen biết nàng, vì khi nàng ngủ tôi cảm thấy mình chẳng biết gì về nàng hơn những gì tôi có thể thấy trong một bức ảnh chụp. Tôi nhẹ nhàng lay nàng dậy và trong cơn ngái ngủ nàng bước cùng tôi ra xe.
Khi ra khỏi đường hầm Lincoln phía Jersey thì trời đã gần sáng. Tôi hạ đèn từ pha xuống cốt và chạy vào đường cao tốc, và ngoài kia trước mắt tôi là những đồng cỏ xâm xấp nước trải dài hết dặm này sang dặm khác, đẫm nước, loang lổ cỏ, nồng hương, như một chốn bị Thượng Đế bỏ quên. Tôi nghĩ đến một điều bị bỏ quên khác, Leopold Patimkin, ông em ghẻ của Ben. Trong mấy giờ nữa ông ta hẳn đã ở trên một chuyến xe lửa lên phương bắc, và khi đi qua những cánh đồng White và Scarsdale ông ta sẽ ợ hơi và thấy lại vị sâm banh và sẽ để mùi đó lưu lại ít lâu trong miệng. Trên ghế bên cạnh ông ta, như những hành khách khác, sẽ là những thùng bóng đèn. Ông ta có thể rời tàu ở New London, hoặc có thể, hứng chí vì hình ảnh ông anh ghẻ, ông ta sẽ đi tiếp, hy vọng tìm được cơ may mới ở miệt cực bắc. Vì địa giới kinh doanh của Leopold là cả thế giới, mọi thành phố, mọi đầm lầy, mọi con đường và xa lộ. Ông ta có thể đi tiếp đến Newfoundland nếu muốn, hay Vịnh Hudson, rồi lên tuốt Thule, và thả dốc qua mé bên kia địa cầu và gõ vào những khung cửa sổ đầy băng tuyết trên những thảo nguyên nước Nga, nếu ông ta muốn. Nhưng ông ta sẽ không muốn đâu. Leopold đã bốn mươi tám và ông ta đã hiểu ra. Ông cứ theo đuổi nỗi buồn và cảnh thiếu tiện nghi, được thôi, nhưng nếu bạn có đầy tâm sự khi tới New London, thì bạn còn mong tìm kiếm thảm cảnh nào nữa ở tận Vladivostok?
Ngày hôm sau gió đưa mùa thu về và những cành liễu rũ đã chạm xuống tận bãi cỏ trước nhà Patimkin. Buổi trưa tôi lái xe đưa Brenda ra xe lửa, và nàng chia tay tôi.
Chú thích:
(1-)Thời kỳ cấm rượu: Giai đoạn 1920-33 luật Liên bang Mỹ cấm sản xuất, chuyên chở và bán đồ uống có cồn, cũng là cơ hội làm giàu của giới buôn rượu lậu.
(2-)kosher: loại thức ăn làm theo luật của dân Do Thái.
(3-)Xuất hành (exodus): cuộc di cư của người Do Thái ra khỏi đất Ai Cập.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.