Chiếc Vảy Trên Cổ

Chương 3: Chương 3




Mười một.
Hữu Lâm là một vai ác, nhưng chắc chắn y không nỡ đánh thiếu gia.
Sau khi y trở về từ Quỷ Môn qua, thiếu gia đối xử khó chịu với ai cũng chưa từng khó chịu với y, cho dù là con thú hoang giết người không chớp mắt, nhưng chỉ cần máu nó nóng vẫn có thể cảm nhận được.
Bệnh trạng của Triệu tiểu gia đỡ rồi, Trương thần tiên híp mắt tính toán, nói rằng gần đây trong ngủ các ngươi ai có huyết quang[1] à?
[1]Huyết quang: trước đây tử vi bói toán gọi là Đao binh chi tai(刀兵之灾), chỉ người có tai nạn đổ máu hoặc họa sát thân.
Lời này thực sự khiến trong lòng tôi giật thót, tôi đáp thực sự có người.
Trương thần tiên nói ác khí của người cha có liên quan đến người kia. Y vừa đổ máu thì cơn điên của Triệu tiểu gia đã chuyển biến tốt.
Chuyện này khiến tôi càng tin chắc ác khí trên người thiếu gia đến từ Đường Hữu Lâm.
Tôi kể chuyện này cho lão gia, lão gia luồn hai ngón tay vào hai lỗ hổng dưới tượng Bồ Tát kéo hộp gỗ ra bên ngoài, bên trong xuất hiện một túi thuốc chuột, ông đưa cho tôi và nói: “Người bỏ nó vào trong chén thuốc của Đường Hữu Lâm, chén thuốc đắng sẽ không nếm được vị.”
Tôi cầm thứ giết người này, hai tay run rẩy nhưng lại không dám không nghe theo, tôi hốt hoảng tìm lý do nói: “Triệu… Triệu thiếu gia sẽ bỏ đường vào cho Hữu Lâm, thuốc ngọt không che được vị.”
Mười ngón tay của lão gia bám vào đầu vai tôi, “Trong nhà chỉ còn mình ngươi nghe lời ta, thì còn lại ngươi. Triệu Cẩn Trúc cho ta ăn cho ta uống, dưỡng lão cho ta, nhưng nó là đứa con bất hiếu đại nghịch bất đạo, đồ vong ân bội nghĩa. Nó đã quên nguồn quên gốc, nuôi dưỡng phản đồ ở trong nhà.” Trên gương mặt đầy nếp nhăn của lão gia chảy hai dòng nước mắt trong suốt, ông nói: “Ta không ngờ cuối cùng chỉ có mình ngươi nghe lời ta, lúc trước không uổng công đối xử tốt với ngươi.”
Tôi nghe lời lão gia nói, ông ấy nằm trên giường run rẩy giống như cọng cỏ khô thổi một phát là đứt, cũng không khỏi chảy nước mắt.
Có bao nhiêu nô bộc cả đời đều không nghe được những lời thế này? Ba đời tôi gặp may, gặp được chủ tử như Triệu lão gia, tôi nên có ơn tất báo, ông ấy muốn tôi làm gì tôi phải không đếm xỉa đến tính mạng mới có thể báo đáp.
Mười hai.
Tôi bỏ độc vào trong thuốc của Hữu Lâm, bưng vào trong phòng cho y.
Tôi nhìn thấy cơ thể trần trụi trắng nõn của y nằm ở trên giường, trên lưng toàn là dấu vết Triệu tiểu gia để lại, phần gáy nhiều nhất, ánh mắt không dễ sai khiến nhìn sang, sẽ thấy một mảng vảy đỏ lớn nổi sau gáy y.
Trên cánh tay y lại quấn băng vải, lần này là y tự cầm súng bắn.
Tôi đặt thuốc ở trên bàn, gọi y một tiếng rồi lui ra. Nhưng Hữu Lâm đã tỉnh lại, cố gắng chống eo lên gọi tôi. Y nói: “Chú Ngu.”
Tôi là người đang phạm tội, bị y gọi một tiếng mà hãi hùng khiếp vía, tôi nhanh chóng trả lời: “Vâng.”
Y nói: “Ông còn muốn làm người hầu ở Triệu phủ không.”
Câu nói này của y làm tôi sợ hết hồn, tôi lập tức nhớ đến tên câm mất tích đã lâu và tiểu nha đầu không cha không mẹ vừa mới bị y đưa đi không lâu.
Có phải Hữu Lâm nhớ đến việc tôi bắt gặp y và thiếu gia “mây mưa” nên tìm tôi tính sổ không?
Hai chân tôi bỗng trở nên mềm nhũn, quỳ xuống dập đầu trên đất nói: “Thiếu gia, đừng cho tôi đi.”
Hữu Lâm nhíu đôi mi dài, tôi luôn có thể nhìn thấy dáng vẻ cau mày của y, y khoác thêm áo ngoài của Triệu tiểu gia che người lại, đỡ tôi dậy rồi nói: “Chú Ngu, chú phải học cách đứng lên.”
Tôi không rõ y có ý gì.
Hữu Lâm nói với tôi, nếu như tôi không muốn ở lại đây nữa, y sẽ đưa tôi về phía Nam. Địa bàn quân khởi nghĩa của họ nằm ở hướng kia, người của họ có đất của mình, lương thực trồng ra thì mình ăn, không cần nhìn sắc mặt của bất kỳ ai, đến cả ông trời cũng thế.
Tên câm và tiểu nha đầu đã được y đưa đến đó.
Tên câm giúp trồng trọt, làm nhiều ăn cũng nhiều, bây giờ vừa cao lớn vừa cường tráng. Còn tiểu nha đầu Hữu Lâm thấy cô sáng dạ, dự định bảo tiên sinh ở đó dạy cho cô tiếng nước ngoài, sau khi học được sẽ ngồi tàu hơi nước cùng đám trẻ vượt đại dương ra nước ngoài đi học.
Tôi đập đầu trên mặt đất, hỏi mình có tư cách gì.
Hữu Lâm nói bảy, tám năm trước khi y vẫn còn là một đứa trẻ, có một lần trốn đi tự cho rằng thông minh nên lặn xuống sông, nhưng vẫn bị tôi xách cổ áo lôi về. Y tức giận đạp một phát vào chân tôi, lại rủa tôi sao không phải người què.
Nhưng sau khi trở về y bị phong hàn, lại phát tác thành bệnh nặng. Mà tôi không so đo hiềm khích lúc trước mỗi ngày nấu thuốc đưa thuốc vào kho củi, y mới vượt qua được.
Tôi đáp, đây không phải là thuốc của tôi, là lão gia bảo tôi đưa.
Hữu Lâm nói, tôi biết chú và lão gia đều là ân nhân của tôi.
Y lại hỏi tôi, có muốn rời khỏi Triệu phủ không, nhưng muốn đến đó thì phải cắt bím tóc sau đầu.
Tôi sợ đến mức xương cốt mềm nhũn, tôi nói tôi không dám làm ra chuyện trái với tổ tông. Tôi cắn răng một cái, đánh bạo dập đầu hai lần với Hữu Lâm, tôi khuyên y quay đầu là bờ.
Hữu Lâm im lặng nhìn tôi chằm chằm, cuối cùng lên tiếng, giọng của y khiến người ta không nghe ra vui giận. Y bảo: “Chú Ngu, chú không đứng dậy nổi, nhưng có người xương cốt vẫn chưa cong, tôi vì họ.”
Y bảo tôi đi đi, tôi đóng cửa lại cho y.
Đứng ăn cơm là một công việc cực khổ, bạn phải kéo được xiềng xích trên chân, còn phải gánh được bầu trời trên đầu.
Trời sập xuống sẽ đè chết người đứng trước, tổ tiên hương đường kéo theo xích chân, cũng là người đứng ngã thảm nhất.
Tôi không quen đứng.
Mười ba.
Hữu Lâm vậy mà lại uống chén thuốc kia.
Gương mặt Hữu Lâm xinh đẹp, nhưng cơ thể không chỉ là cái khung xinh đẹp. Vả lại có lẽ người bán thuốc cho lão gia đã trộn đồ giả, lão gia lại để thuốc nhiều năm rồi nên nó mất tác dụng, Hữu Lâm vượt qua được và không chết. Nhưng uống nước sẽ nôn, ngay sau đó lên cơn sốt mấy ngày.
Tôi là người duy nhất nấu thuốc cho Hữu Lâm, thiếu gia tra hỏi tôi, tôi nhận tội nhưng không khai lão gia ra.
Tôi bỏ thuốc hại Hữu Lâm khiến thiếu gian giận đến nỗi “cử chỉ điên rồ” trên người sống lại, Triệu tiểu gia nhân lúc Hữu Lâm đang ngủ kêu người hầu đánh tôi, đuổi tôi về nhà.
Bắp chân tôi sưng một mảng đỏ, cũng không dám cử động, trước khi đi lão gia dặn dò kẻ dưới chuyển cho nhà tôi mấy túi gạo, còn cho tôi mượn một mảnh đất rẻ. Một khoản tiền được nhét trong gạo, tôi tiếc của không tiêu, trước khi kế sinh nhai ổn định tôi phải dựa vào nó nuôi sống. Thế là kéo dài mãi chân cũng què luôn.
Tôi bắt đầu tự trồng đậu, bán cho Cầu Phúc. Nghe nói sau khi tôi rời đi, bảy tám phần những hạ nhân trẻ tuổi của Triệu phủ được đưa đi. Cuối cùng sót lại nô bộc già và quản gia chăm sóc cho Triệu lão gia.
Tôi còn nghe người phụ nữ giặt quần áo ở bờ sông nói là quân khởi nghĩa đánh Hoàng đế và địa chủ.
Triệu lão gia là địa chủ lớn trong huyện, Đường Hữu Lâm sao có thể ăn thóc của địa chủ, dùng tiền của địa chủ để tạo súng, lại quay ngược đánh địa chủ chứ?
Tôi nghĩ mãi mà không rõ, người ở thói đời này tại sao phải ngẩng đầu đi con đường ly kinh bạn đạo[2], xem vong ân phụ nghĩa như chủ nghĩa anh hùng.
[2]Ly kinh bạn đạo: Không tuân thủ, đi ngược với đạo lý lẽ thường.
Mười bốn.
Sau đó tôi không ở Triệu phủ nữa, chuyện thiếu gia và Hữu Lâm bỏ trốn nửa năm tôi nghe được từ quản gia.
Khi Triệu lão gia biết con trai và đàn ông phóng đãng trên giường đã giận đến nỗi tức nước vỡ bờ, ngược lại suy nghĩ thoáng hơn, ông ấy hết hy vọng, không nhận đứa con Triệu Cẩn Trúc này nữa. Ông tự lấy lại cái tên mình đặt cho Triệu tiểu gia, lại rêu rao với người ngoài rằng “Nghiệt súc” này không mang họ Triệu nữa, chết rồi không được vào từ đường và gia phả nhà họ Triệu. Tôi không biết tên mới của Triệu tiểu gia là gì, hai mươi năm qua mọi người đã gọi quen, tạm thời vẫn gọi cậu ấy là Triệu Cẩn Trúc.
Triệu tiểu gia không thèm để ý chút nào, dáng vẻ không tim không phổi này cực kỳ giống Đường Hữu Lâm, tạm thời xem như Triệu lão gia già rồi lẩm cảm nên vẫn luôn mồm gọi ông ấy là cha. Triệu lão gia không đáp lời, nghe thấy cậu ấy gọi cha lại trừng mắt với thiếu gia, cần gậy gõ cọc cọc xuống đất.
Triệu lão gia chỉ có một yêu cầu duy nhất đó là Triệu Cẩn Trúc – không còn là con trai của mình để lại huyết mạch cho nhà họ Triệu, Triệu lão gia muốn nhìn thấy cháu trai mình, sau đó cậu ấy muốn lăn lộn thế nào cũng không liên quan gì đến ông. Nếu Triệu Cẩn Trúc không nghe theo tức là nhà họ Triệu tuyệt hậu, trong vài năm ngắn ngủi còn lại của cuộc đời Triệu lão gia đã bị rút đi suy nghĩ sống tiếp, dù sao cũng chết, ông bèn đi vạch trần chuyện Đường Hữu Lâm và Triệu Cẩn Trúc tạo phản.
Ông dùng hương khói bị đứt của nhà họ Triệu để tiếp tục trung thành một lần với triều đình, ấy là vì việc nước quên tình nhà, khi thật sự xuống đất tổ tiên cũng sẽ không trách tội ông.
Ông nói lời này ngay trước mặt Đường Hữu Lâm và Triệu Cẩn Trúc.
Hai người nghe xong không nói tiếng nào.
Triệu Cẩn Trúc gọi một tiếng cha, nói là con không làm.
Triệu lão gia trợn to mắt, bảo cậu ấy không được gọi mình là cha.
Sau khi yên lặng một lúc lâu, Đường Hữu Lâm không nói một lời phản bác, im lặng giống như chấp nhận số phận.
Nghe tới đây tôi còn xác nhận lại với quản gia: “Hữu Lâm thật sự không nói gì cả?”
Điều này thực sự trái ngược hoàn toàn với tính cách quyết liệt của y.
Đây là dây dẫn nổ khiến Triệu tiểu gia chạy trốn.
Phản ứng của Hữu Lâm khiến Triệu tiểu gia rất bực bội, cho nên lần này cậu ấy chạy trước, không ai biết cậu ấy đi đâu. Hữu Lâm đi tìm cậu ấy vài ngày, để lại cho quản gia một lá thư sau đó cũng bặt vô âm tín. Trong mắt người ngoài không biết chuyện hai người đó giống như đã bốc hơi khỏi nhân gian nửa năm.
Khi đó người phụ nữ giặt quần áo ở bờ sông sẽ nói: “Mấy cô có ai nhớ Tiểu Hữu Lâm bảy năm trước làm việc cho Triệu phủ không? Không biết đi đâu nhiều năm như thế. Tháng trước bỗng nhìn thấy một người khôi ngôi ở trên đường, càng nhìn càng giống Hữu Lâm đã lớn.”
“Đó là Đường Hữu Lâm, cô không biết y về rồi à? Ở trong Triệu phủ.”
“Nói nhảm, mấy hôm nay ngày nào tôi cũng đưa đồ ăn cho Triệu phủ, có thấy bóng người đâu.”
“Vậy lại bỏ chạy rồi, y cứ thấy đầu không thấy đuôi.”
“Y chạy trốn nhiều năm thế kia để làm gì.”
“Không biết.”
“Có phải y làm thổ phỉ không?”
“Không biết.”
“Y làm gì kiếm sống kiếm tiền?”
“Không biết.”
“Vậy y cưới vợ chưa?”
“Không biết.”
Những vấn đề liên quan đến Đường Hữu Lâm, lần nào cũng là phù dung sớm nở tối tàn, cuối cùng đều sẽ kết thúc ở một tiếng “Không biết”. Mọi người giặt quần áo, rửa rau xong bưng chậu bát và bực dọc của một ngày trở về nhà.
Tôi lại thấy thiếu gia trở về, cậu ấy đã cắt bỏ bím tóc, tôi nhìn thấy mái tóc ngắn như lông thỏ của cậu ấy, sợ hãi không cầm chắc chậu đậu trong tay.
Tôi nghĩ lúc ở nơi đóng quân của phản quân thiếu gia đã cắt bím tóc, cậu ấy bị Hữu Lâm xúi giục, vậy mà cũng đến nơi đó. Khi cậu ấy trở về cả người viết đầy chữ không tình nguyện, không ai biết Hữu Lâm đã nói gì với cậu ấy.
Đến cả người phụ nữ giặt quần áo ở bờ sông cũng đang bàn luận về bím tóc của Triệu tiểu gia.
Có một ngày tôi đến Triệu phủ đưa đậu hũ, đụng phải bà mối do Triệu lão gia tìm. Thiếu gia mặc trường bào và áo khoác ngoài, đeo một cái kính tròn, ngồi trên ghế gỗ đỏ giữa phòng, ngón tay gảy cây hoa huệ trên bàn gỗ tròn, điệu bộ hờ hững.
Bà mối nhìn mái tóc ngắn nổi loạn sau đầu của Triệu tiểu gia, liên tục nhìn sắc mặt của Triệu lão gia. Bà ta nói tìm cô gái cảm mến Triệu tiểu gia không khó, điều cô gái để ý là con người của lang quân, dù sao tướng mạo thiếu gia mày kiếm mắt sáng, tình tình trung thực lương thiện, có thanh danh tốt trong vòng mười dặm bốn phương.
Nhưng khó vượt qua cửa cha mẹ của cô gái. Cha mẹ sẽ bận lòng nhiều đến gia thế, bối cảnh của rể hiền… khảo hạch mọi thứ không thể bỏ sót. Những gia đình giàu có ngoan cố ở cái huyện nhỏ này lại không thích cái kiểu phần tử trí thức; cắt tóc, đổi sang quần áo phương Tây, trước là bất hiếu, sau là quên tổ tiên.
Bà mối nói vậy cũng không sai, nhưng bà nói tính cách Triệu tiểu gia trung thực lương thiện lại không đúng, đó là bà ta chưa từng thấy Triệu tiểu gia nổi điên vì chuyện của Hữu Lâm.
Triệu tiểu gia lại bảo không cần chú trọng môn đăng hộ đối, cô gái là một nha hoàn hắn cũng không để ý. “Nha hoàn” khiến tôi chợt nghĩ đến biệt danh bị gọi hồi nhỏ của Hữu Lâm, tôi nhìn về phía Hữu Lâm, y cũng ở bên cạnh, vẫn ngồi đó không nói một lời.
Lúc nói chuyện thiếu gia không hề nhìn Hữu Lâm, hình như giữa hai người cách một bức tường rất dày.
Có lẽ tôi đã nhìn ra, sau nửa năm thiếu gia vẫn đang giận vì Hữu Lâm ngậm miệng không nói, có bây giờ và cả lúc trước, nó không tiêu tan trái lại còn tăng thêm.
Không phải cậu ấy thật sự muốn tìm vợ, tơ hồng của bà mối thiếu gia không thèm gặp mặt lấy một lần. Cậu ấy chỉ muốn chọc Hữu Lâm giận thôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.