Chính Khí Trời Nam

Chương 10: Hoằng Giáo Đường Một Phen Gặp Nạn




Mỗi tháng đôi lần vào ngày mồng một và ngày rằm Đường Chủ Hoằng Giáo Đường là Huệ Giác đại sư cho đệ tử đem nhiều bộ kinh được trích dịch ở Long Võ Trang về tổng đàn phái Tiêu Sơn để nhuận văn. Sau đó kinh mới được truyền bá khắp Đại Việt. Nhưng vì Long Võ Trang mới trải qua một trận ác chiến nên trễ một ngày. Lần này ngoài việc chở kinh sách còn một điều quan trọng khác Huệ Giác đại sư hỏi ý với chưởng môn sư huynh: Ngày đại hội võ lâm Nam Thiên vào tiết Trung Thu tháng Tám.
Lệ đã định ra từ lâu, cứ mỗi ba năm võ lâm Nam Thiên hội lại một lần. Trước hết là cho đệ tử các bang phái biết mặt, biết tiếng và biết tài nhau để tránh va chạm. Thứ nữa là giải quyết các xung đột hoặc hiềm khích nếu có. Sau cùng là những cuộc so tài trên tinh thần thượng võ. Người nào có đủ tài năng đoạt được danh hiệu quán quân Trời Nam đều có tên ghi vào sổ vàng và tiến cử lên hoàng đế Đại Việt. Lần nào cũng thế, người được tiến cử đến trước điện rồng do đích thân Thiên Phù Duệ Võ Hoàng Đế ban thưởng, phong tặng và có khi còn được bổ nhiệm gánh trọng trách nước nhà. Không những tổ tông vinh hiển, môn hộ vẻ vang mà chính bản thân còn được bạn bè khắp võ lâm kính ngưỡng và trọng vọng. Do đó về cả hai mặt võ lâm và quốc sự, đại hội lần nào cũng vô cùng hào hứng và kích thích.
Lệ còn đặt ra các bang phái trong Long Võ Trang thay phiên nhau đứng ra tổ chức. Nhưng không bao giờ mỗi bang phái gánh trọng trách một mình mà đều được các nơi giúp sức. Vì ba năm trước phái Tiêu Sơn đoạt giải vô địch nên năm nay phái Tiêu Sơn đăng cai chỉ đạo.
Cũng như đại hội võ lâm, tiết Trung Thu được dùng là vì hôm ấy trăng sáng đẹp nhất trong năm, thời tiết tương đối dễ chịu và mùa màng đã gặt hái xong. Nhưng lý do quan trọng hơn hết vì đó là ngày giỗ của Bắc Bình Vương Đào Kỳ và vương phi Nguyễn Phương Dung. Theo truyền thuyết hai ngài là người có công lớn trong việc lập ra nước Lĩnh Nam. Ông được phong vương, lĩnh chức đại tư mã, nắm binh quyền cả nước. Còn bà giữ quyền tể tướng, được phong tước Phương Dung Công Chúa. Hai ngài tận tâm tận tụy phò tá vua Trưng và xã tắc đến hơi thở cuối cùng khi Long Biên bị mất vào tay Mã Viện ngày rằm tháng 8 năm Quý Mão (1).
Bà Nguyễn Phương Dung còn là thánh tổ về kiếm pháp của phái Mê Linh trong khi Bắc Bình Vương là thánh tổ của phái Cửu Chân và Tản Viên. Về thời Bắc Thuộc phái Cửu Chân chia hai, một phần sát nhập vào phái Hồng Lĩnh, một phần sát nhập vào phái Tản Viên. Tuy nhiên ở Cửu Chân vẫn còn lưu lại một chi họ Đào. Theo sử cũ, đất Cửu Chân được chia ra làm Hoan Châu và Ái Châu. Đến thời nhà Lý thì Hoan Châu được đổi thành Lộ Thanh Hoa (2) và Ái Châu thành lộ Nghệ An. Minh chủ phu nhân Đào Phương Trinh cùng con dâu lớn là Đào Phương Yến đều là hậu duệ của họ Đào ở Cửu Chân, dòng dõi phò mã Đào Cam Mộc.
Vì công lao với xã tắc, vì công trạng với quốc dân nên địa vị của Bắc Bình Vương và vương phi tể tướng trải hơn ngàn năm qua không hề thiếu người tôn kính. Kể từ lúc Ngô Vương dành được nền tự chủ trên sông Bạch Đằng đến nay, mỗi ba năm đất Cổ Loa ngoại thành Thăng Long được dùng làm nơi tụ hội vì ở đấy có đền thờ chính của hai Ngài. Không rõ tác giả là ai, bài thơ ở đền thờ hai Ngài đệ tử các bang phái đều thuộc nằm lòng:
Sinh vi lương tướng, tử vi thần
Vạn cổ cương thường hệ thử nhân
Loa địa song đôi thu nguyệt ảnh
Anh hùng liệt nữ tướng quân phần
Xin tạm dịch:
Sống làm tướng giỏi, chết làm thần
Muôn đời cương thường đó là nhân
Cổ Loa một đôi song song thu ánh trăng
Anh hùng, liệt nữ, mộ tướng quân
Chùa Tiêu Sơn ở làng Báng, tên chữ là làng Đình Bảng. Chùa nằm trên núi Tiêu Sơn, thuộc phủ Kinh Bắc cách đế đô Thăng Long khoảng sáu mươi dặm hướng đông bắc. Vì làng Báng là nơi phát tích ra triều Lý, chùa Tiêu Sơn là nơi Thái Tổ Lý Công Uẩn ở vào lúc thiếu thời nên địa vị của phái Tiêu Sơn rất lớn. Có thể nói phái Tiêu Sơn là phái lớn nhất, đông người nhất và có nhiều quyền lực nhất trong các đại môn phái của Đại Việt. Nhiều đời chưởng môn hoặc cao tăng phái Tiêu Sơn được vua phong làm quốc sư để giúp trị nước và an dân. Nhưng vì đệ tử của phái Tiêu Sơn hầu hết đều xuất gia, chưởng môn đều là những vị đạo cao đức trọng nên những thứ phù du không để làm bẩn áo cà sa. Do đó phái Tiêu Sơn càng được sự kính ngưỡng của nhiều người, từ vua quan cho đến thường dân.
Sáng sớm ngày mồng Hai tháng Bảy, hai mươi đệ tử Hoằng Giáo Đường và một đoàn xe mười chiếc do một vị phó đường chủ thống lĩnh. Ông là nhị đệ tử của Huệ Giác đại sư, pháp danh là Giác Trí tuổi gần bốn mươi, nét mặt hiền hòa, lúc nào trên miệng cũng nở một nụ cười từ ái.
Đoàn người Hoằng Giáo Đường ra khỏi cổng tây rồi đi lên hướng bắc tiến về sông Đáy. Họ đi năm dặm đến bến đò Khánh Thịnh trên sông Vạc và được Quách Lăng cùng thuộc hạ Giao Long Bang đưa qua sông một cách long trọng, niềm nở.
Từ bến đò Khánh Thịnh đi thêm năm dặm nữa là bến đò Khánh An trên sông Đáy. Đường đi quanh co uốn khúc, hai bên là khu rừng rậm An Thịnh bạt ngàn những cây gỗ quý. Đối với Giao Long Bang rừng An Thịnh còn có tên khác là rừng Rùa vì khi Trần Triệu Quốc Nguyệt đến đây lần đầu tiên có một bầy rùa con băng qua đường. Rừng Rùa, hay Quy Lâm, còn là cách đọc trại đi từ hai chữ quý lâm, tức là rừng quý. Giao Long Bang đẽo gỗ quý trong rừng để đóng thuyền trên bến đò Khánh An. Cạnh bến đò là một xóm chài cá nghèo nàn, tục gọi là xóm Rùa, tên chữ là Lương Quy.
Từ khi Giao Long Bang đến dùng bến đò Khánh An làm phân đàn, đời sống của dân Lương Quy đỡ chật vật hơn đôi chút so với lúc trước. Một số người bỏ đi nơi khác lập nghiệp vì thấy ở Lương Quy gần như biệt lập với nọi nơi nên khó sinh sống. Làng gần Lương Quy nhất là làng Xứ, tức Long Võ Trang, cũng trên mươi dặm. Đối với người trong võ lâm thì mươi dặm không là gì nhưng đối với dân quê chân chất đó là một đoạn đường xa xôi diệu vợi. Cho nên một số người có bỏ quê đi đến nơi khác lập nghiệp cũng là một điều dễ hiểu vậy.
Trần Triệu Quốc Nguyệt cùng thuộc hạ dốc sức biến Khánh Anh thành một bến đò quan trọng, một bãi đóng thuyền lớn vì nó là cửa ngõ ngắn nhất từ Long Võ Trang lên mặt bắc. Với lại nàng làm Tế Tác Đường Chủ của Long Võ Trang nên đa số hàng hóa của các môn phái đều được Giao Long Bang chuyên chở trên sông biển. Sự phát triển của Giao Long Bang do đó mà lớn dần.
Đoàn đệ tử Hoằng Pháp Đường vừa khuất nẻo Khánh Thịnh không bao lâu thì trước mặt có một chiếc xe trâu của người dân Lương Quy nằm chắn ngang đường. Dùng trâu kéo xe là việc thường thấy. Cạnh chiếc xe có một người đàn ông buồn bã ngồi bó gối, gục đầu. Trên xe chất đầy củi khô còn con trâu ở một bên đường gặm cỏ. Thấy đoàn đệ tử Hoằng Giáo Đường đi đến người đó ngửng mặt lên nhìn, đôi mắt thất thần. Hắn nhìn chỉ để mà nhìn rồi tiếp tục gục đầu xuống đôi tay, vai khẽ run run. Đoàn người đến gần, Giác Trí hòa thượng niệm Phật hiệu:
‒ Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Bụt, chẳng hay thí chủ gặp chuyện buồn chi mà ngồi giữa đường thế kia? Không biết bần tăng có thể giúp được thí chủ việc gì hay chăng?
Người kia ngước lên nhìn, mặt mũi lem luốc dơ bẩn, đôi mắt đầy nước mắt thểu não:
‒ Dạ bạch sư phụ, nhà con bu nó bị bệnh, mấy đứa trẻ không có ăn mà bây giờ xe của con lại bị hư…
Nói đến đó như không cầm lòng được, người đó khóc rống lên, toàn thân rung mạnh. Giác Trí hòa thượng buồn rầu nhắm mắt lâm râm đọc kinh. Những đệ tử khác bu xung quanh hai người. Giác Trí hòa thượng nói:
‒ Không biết nhà của thí chủ ở đâu, nếu thuận đường bần tăng sẽ tiễn đi một đoạn.
Người kia mếu máo quệt nước mắt nói:
‒ Con xin cảm ơn tấm lòng bồ tát của các vị sư phụ. Nhà của con ở xóm đàng kia.
Nười đó chỉ tay về phía Lương Quy, miệng nói chữ được chữ mất:
‒ Bu nó bị bệnh hơn một tháng nay. Tối nào ngủ cũng nằm thấy ác mộng. Mỗi lần có ác mộng là bu nó la toáng lên và đòi ăn thịt thầy chùa. Con không biết làm gì hơn đành đón đường các vị sư phụ đem về trị bệnh cho bu nó.
Giác Trí hòa thượng giật mình, một cảm giác chết chóc đột nhiên lan tỏa toàn thân. Người lạ kia không còn là một người dân chân chất mà hiện nguyên hình của một ma vương. Đột nhiên Giác Trí hòa thượng cảm tay chân mất đi hết sức lực.
~oOo~
Sáng ngày mồng hai nội thương của Hồ Trường Giang Linh vẫn chưa bớt. Đinh Bạch Yến và Quách Uyên Linh tiếp tục thay phiên nhau chăm sóc nàng.
Vào giữa giờ Mão Trần Triệu Quốc Nguyệt đến thăm Hồ Trường Giang Linh. Điều đầu tiên đập vào mắt nàng là một người đàn ông hình dung quái đản: tóc thì bên xám bên đen, lông mày bên rậm rạp bên nhẵn nhụi, ria thì lốm đốm còn râu màu muối tiêu đâm tua tủa không chịu cạo. Quái nhân đó đang châm cứu sau lưng cho Hồ Trường Giang Linh. Vì đang chữa trị nên Trần Triệu Quốc Nguyệt không muốn làm phiền, hỏi nhỏ Đinh Bạch Yến:
‒ Thương tích của Giang Linh có thuyên giảm không?
Đinh Bạch Yến chưa kịp trả lời đã nghe Đinh Hoàng Kỳ vừa châm cứu vừa văng tục:
‒ Mẹ kiếp! Mỗ làm thầy thuốc mà mỗ còn chưa dám khẳng định nữa là hai ả đó. Khôn hồn thì giữ im lặng đừng làm phiền mỗ.
Đinh Bạch Yến và Quách Uyển Uyển nghe Đinh Hoàng Kỳ trả lời trong lòng vừa sợ vừa giận. Giận là vì Đinh Hoàng Kỳ dám ăn nói sỗ sàng với bang chủ, còn sợ là vì tính mạng của Hồ Trường Giang Linh vẫn chưa khỏi thời kỳ nguy hiểm. Trong khi đó Trần Triệu Quốc Nguyệt tròn xoe đôi mắt đen như điểm than nhìn Đinh Hoàng Kỳ. Lâu lắm rồi mới có người dám nói chuyện trước mặt nàng như vậy. Nàng không những không giận mà trong lòng còn cảm thấy vui vui, gần gũi với Đinh Hoàng Kỳ. Nàng ngồi xuống tự rót một chung trà uống.
Hai khắc thời gian dài như vô tận cuối cùng cũng trôi qua bằng một tiếng rên khẽ. Tiếng rên rất khẽ nhưng có đủ sức mạnh làm cho bốn người trong phòng phải chú ý. Họ mừng vô hạn. Tiếng rên do Hồ Trường Giang Linh phát ra. Đôi mắt nàng vẫn còn nhắm nghiền nhưng hơi thở đã mạnh và đều hơn trước.
Đinh Hoàng Kỳ bước xuống giường, lấy tay áo quệt mồ hôi trên trán rồi đến bên cái bàn giữa phòng cầm cả bình trà đưa lên miệng tu ừng ực. Trần Triệu Quốc Nguyệt lại một phen kinh ngạc tròn xoe mắt nhìn hắn. Nàng chưa kịp rót chung thứ hai thì hắn đã dành lấy đưa cả bình trà đưa lên miệng, làm sao nàng có thể uống tiếp được nữa. Đó là chưa kể thân phận nàng cao hơn hắn rất nhiều. Nhưng vì trong lòng nàng quá vui mừng về tình trạng của Hồ Trường Giang Linh nên nàng không để ý đến điều nhỏ nhặt. Nàng đến bên giường của Hồ Trường Giang Linh đưa tay vuốt nhẹ lên gò má trắng bệch của nàng, cử chỉ trìu mến. Trong lòng nàng lúc bấy giờ vừa thương cảm, vừa vui mừng lại vừa đau đớn. Quách Uyên Linh nói nhỏ với nàng:
‒ Xem ra Giang Linh vượt qua được cơn nguy hiểm này, xin Bang Chủ đừng quá đau buồn.
Đinh Hoàng Kỳ đang tu bình trà, nghe Quách Uyên Linh nói liền đưa tay áo quẹt ngang miệng rồi nói:
‒ Bang với ủi. Mẹ kiếp! Lại bang chủ bang tớ nào nữa đây? Sao mà phách lối thế?
Đối với Giao Long Bang Đinh Hoàng Kỳ hiện là một người có ân lớn, dù hắn có nói gì cũng phải làm ngơ. Quách Uyên Linh nhỏ nhẹ:
‒ Thưa đại phu đây là Tam Bang Chủ của Giao Long Bang chúng tôi tên Trần Triệu Quốc Nguyệt. Trong Long Võ Trang này chức vụ là Tế Tác Đường Chủ.
Đinh Hoàng Kỳ giật mình vội quay người lại đối diện với Quốc Nguyệt. Hắn đưa tay che miệng, hai mắt trố ra. Cử chỉ của hắn chín phần đùa giỡn, không có vẻ ngạc nhiên hay úy kỵ. Hắm giả đò kinh ngạc:
‒ Mẹ kiếp! Sao mà lớn thế. Như vậy là ngang với Sư Phụ của mỗ. Mẹ kiếp, ngang hàng với sư phụ mỗ thì khác nào làm sư thúc của mỗ. Mẹ kiếp, nhỏ hơn mỗ đến bốn năm tuổi mà làm sư thúc của mỗ thì mặt mũi Đinh Hoàng Kỳ này để dưới cái đít ghế cho rồi.
Trong phòng toàn là con gái mà Đinh Hoàng Kỳ mỗi câu bắt đầu bằng hai chữ “mẹ kiếp” không nương miệng. Xét ra hắn là người khá đặc biệt, xem thiên hạ không bằng một nửa con mắt. Đinh Bạch Yến và Quách Uyên Linh thì hơi ngượng ngùng với cách nói chuyện sỗ sàng của Đinh Hoàng Kỳ nhưng trái lại Trần Triệu Quốc Nguyệt không thấy phiền hà:
‒ Anh tự gọi tôi là sư thúc chứ tôi có muốn làm vậy bao giờ. Anh có thể chữa lành cho Giang Linh, tôi Trần Triệu Quốc Nguyệt suốt đời không bao giờ quên ơn. Sau này anh có cần đến sự giúp đỡ, nếu tôi có đủ sức quyết không bao giờ từ chối.
Đinh Hoàng Kỳ một tay bóp mũi một tay xua lia lịa:
‒ Thối, thối quá đi. Ơn đức mả mẹ gì. Toàn những thứ thối hoăng. Mỗ học y dược từ nhỏ làm cái đếch gì nếu không dùng để cứu người? Đã cố ý học và cố ý chữa trị người mà nói đến ân đức ấy là phường láo toét. Nếu muốn cám ơn thì phải tìm gã ươn hèn Mai Trung Tín. Hắn đã tạo cơ hội cho mỗ tinh tấn tài nghệ của mình. Từ hôm qua đến giờ mỗ chưa ngáy được chút nào. Nếu thật sự nể nang mỗ thì để yên cho mỗ ngủ đừng phá…
Vừa nói xong thì Đinh Hoàng Kỳ nằm lăn ra nền nhà nhắm mắt ngủ. Hơi thở của hắn đều đều, tiếng ngáy vo vo xem chừng đã ngủ say.
Hắn Nói ngủ là ngủ, không cần biết nơi đó có nên ngủ hay không. Ba cô gái kinh ngạc đến ngẩn người nhìn hắn đang say giấc nồng. Đôi mắt của hắn nhắm yên, không cử động, xem ra hắn ngủ thật chứ không phải vờ vĩnh. Đinh Bạch Yến nói nhỏ vào tai Trần Triệu Quốc Nguyệt:
‒ Từ khoảng giữa giờ Tỵ hôm qua đến bây giờ thầy lang Kỳ không lúc nào rời phòng này. Không ăn, không uống, nghỉ cũng không. Cứ chốc chốc lại bắt mạch, xoa huyệt và châm cứu một lần. Nói chuyện tuy hơi chướng tai một chút nhưng trị bệnh thì cần mẫn, chăm chú không ai bằng. Chúng ta nợ thầy lang một mối ân tình rất lớn.
‒ Thầy lang làm sao biết được là do Mai Trung Tín đả thương? Là do em nói à?
Quách Uyên Linh trả lời thay:
‒ Là do thầy lang Kỳ xem vết thương và đoán ra.
‒ Em nói rõ hơn.
‒ Dạ. Hôm qua thầy lang Kỳ vừa chẩn mạch xem vết thương vừa lớn tiếng mắng Mai Trung Tín đê hèn. Em có hỏi tại sao thầy lang biết rõ thì thầy lang bảo rằng hồi trước có một lần thầy chữa trị cho một người do Mai Trung Tín đánh bị thương. Xem vết thương và cách đả thương do nội lực thì đoán ra là Mai Trung Tín. Thầy lang còn mắng Mai Trung Tín là cái bị thịt, võ nghệ mấy năm nay không có tiến bộ.
Trần Triệu Quốc Nguyệt hiểu ra, nàng vái Đinh Hoàng Kỳ một vái rồi trở về Tế Tác Đường.
Từ lúc cái chết của bảy người phái Tây Vu xảy ra cho đến nay võ lâm hoàn toàn yên lặng. Yên lặng một cách đáng sợ. Đã hơn nửa tháng trôi qua mà Trần Triệu Quốc Nguyệt vẫn chưa điều tra ra được cái chết thần bí của bọn họ. Đang mãi miên man suy nghĩ phía trước có người đi ngược chiều lại mà nàng không buồn để ý cho đến khi người đó lên tiếng:
‒ Xin chào cô Ba. Không biết cô đang suy nghĩ điều gì mà chăm chú đến thế?
Ngẩng đầu lên, thấy người đang đứng trước mặt mình là Tạ Đức Huy, con trai duy nhất của Tổng đường chủ Tạ Đức Uy, Trần Triệu Quốc Nguyệt nheo mắt:
‒ Ô hay, anh không ê a Tử viết, Mạnh viết, Trang viết và vân vân viết hay sao mà lại đến đây? Anh không muốn nhúng tay vào chuyện võ lâm, tôi từ nhỏ đã lăn lộn trong chốn giang hồ, anh hỏi tôi là hỏi thật lòng hay chỉ là câu nói đầu môi? Anh gọi cô Ba, vậy cô Hai, cô Bốn đâu?
Nàng nói một thôi một hồi làm Tạ Đức Huy bị líu lưỡi. Hắn nhăn nhó ấp úng mãi mới trọn câu:
‒ Thì thì… ông bà thường nói: “Dao năng mài thì bén, người năng chào thì quen.” Tôi thấy cô trầm tư suy nghĩ nên muốn chào vậy mà…
Trần Triệu Quốc Nguyệt lập lại câu nói của Tạ Đức Huy:
‒ Dao năng mài thì bén, người năng chào thì quen. Ô hay, từ trước đến nay tôi với anh là người xa lạ nên anh muốn mài dao làm quen với tôi? Vậy anh cứ về nhà dùng chữ mài dao đi nhé, chừng nào dao bén hãy đến gặp tôi. Mà anh cũng bạo gan thật, dám đòi mài dao với tôi.
Trần Triệu Quốc Nguyệt vẫy tay, xoay người bước đi:
‒ Xin chào Tạ thiếu gia…
Tạ Đức Huy vội đính chính:
‒ Đó chỉ là lời nói ví von của người xưa mà thôi. Chứ à… tôi với cô… mình gặp nhau cũng vài lần. Người xưa nói trước lạ sau quen.
Nàng hỏi dồn:
‒ Vậy dường như anh quen tôi rồi thì phải. Quen rồi còn gì nữa không? Nếu không thì tôi đi đây. Anh chỉ biết người xưa nói, người nay nói gì anh có hiểu?
Nàng bước đi, Tạ Đức Huy cuống lên:
‒ Khoan đã, khoan đã. Cho tôi…
Nàng nghiêm mặt nhìn hắn:
‒ Anh là con trai, muốn nói gì thì nói mẹ ra đi, ấp úng mãi.
Trần Triệu Quốc Nguyệt nói tục trước mặt Tạ Đức Huy làm hắn ngạc nhiên. Từ nhỏ lớn lên trong lầu son gác tía, những người con gái ngang tuổi hắn trong Long Đình Lâu đều là con nhà gia giáo nên ai cũng nói năng lễ phép. Lại nữa hắn không thích học võ công, không muốn dính vào chuyện võ lâm nên chỉ biết đọc Thi Thư. Mà trong Tứ Thư, Ngũ Kinh đều gò ép người con gái trong khuôn khổ gia đình; nào là công, dung, ngôn, hạnh; nào là theo cha, theo chồng, theo con; nào là nói năng phải biết giữ gìn ý tứ. Bây giờ nghe Trần Triệu Quốc Nguyệt không chịu giữ lời làm Tạ Đức Huy không khỏi ngỡ ngàng. Hắn ấp úng mãi mới nói ra được câu:
‒ Người xưa nói phận gái nữ nhi công, dung, ngôn…
Trần Triệu Quốc Nguyệt ngắt lời:
‒ Người xưa nói để người xưa nghe. Tôi đã bảo tôi là người trong võ lâm. Những thứ kinh điển anh đọc đối với tôi là thứ đem đun bếp. Tôi với anh vốn khác nhau rất nhiều cho nên khi anh chào hỏi tôi mới hỏi lý do của anh.
Thấy nàng có vẻ nổi giận Tạ Đức Huy càng ngượng nghịu:
‒ Lý… lý do à?
‒ Ừ, lý do. Chắc anh có điều gì muốn hỏi?
‒ Ừ thì… cái đó thì… tôi muốn hỏi cô có phải cô mới từ Y Dược Đường đi ra?
Trần Triệu Quốc Nguyệt không trả lời hắn mà quay đầu ngược lại nhìn cổng Y Dược Đường cách sau lưng nàng không xa. Nàng lại nhìn Tạ Đức Huy:
‒ Anh nghĩ sao?
‒ Tôi a… tôi đoán như vậy nhưng không biết có phải hay không.
‒ Rõ vớ vẩn. Anh nói xem, tôi có phải từ trong đó bước ra hay không?
‒ Vậy cho tôi hỏi một chuyện.
Nàng lại nheo mắt nhìn hắn:
‒ Không phải từ nãy đến giờ anh hỏi tôi nhiều chuyện rồi hay sao?
Tạ Đức Huy đỏ mặt càng ngượng nghịu hơn:
‒ Thì cô cho tôi hỏi một chút có được không?
‒ Không được!
‒ Không được?
Tạ Đức Huy mặt mày buồn thiu, đứng tránh qua một bên. Thấy Tạ Đức Huy như vậy Trần Triệu Quốc Nguyệt không nỡ quá vô tình:
‒ Anh muốn hỏi gì thì hỏi nhanh lên đi rồi cút. Tôi không có nhiều thời gian nói chuyện vô bổ và cũng không muốn ông già anh sinh sự với tôi.
Tạ Đức Huy nhăn nhó mãi mới hỏi được một câu:
‒ Cô từ trong Y Dược Đường ra, tôi muốn hỏi giáo chúng ma giáo bị giam trong đó ra sao.
‒ Anh này lạ không. Anh muốn biết thì hỏi người của Y Dược Đường, cớ sao anh hỏi tôi? Tôi làm sao biết mà trả lời.
Nàng đi thẳng không buồn ngó lại nhưng cũng không quên nói thêm một câu:
‒ Rõ là đàn gẩy tai trâu.
Tạ Đức Huy chỉ ngơ ngẩn nhìn theo, mặt buồn rười rượi. Hắn có biết đâu Trần Triệu Quốc Nguyệt vừa đi vừa mỉm cười tinh quái. Tạ Đức Huy thấy còn có chuyện cần nói với nàng về ma giáo, nhưng đắn đo mãi hắn quyết định không hỏi. Hắn vừa đi vào Y Dược Đường vừa lẩm bẩm đọc một câu ca dao: “Thấy em như thấy mặt trời. Thấy thời thấy vậy, trao lời khó trao.”
Vào trong Y Dược Đường Tạ Đức Huy đến thẳng bệnh xá. Nơi canh giữ giáo chúng ma giáo lúc nào cũng có đệ tử các phái nghiêm ngặt canh giữ. Vì hầu hết đều đã biết mặt Tạ Đức Huy nên hắn vào bên trong dễ dàng.
Ở giữa sân giáo chúng ma giáo lại được tập họp lại chữa trị. Tạ Đức Huy đi quanh một vòng đếm nhẩm từng người một. Hắn đứng một góc sân lẩm bẩm: “Sao lạ quá nhỉ. Mình nhớ lúc đó trong Minh Chủ Thành có hơn hai trăm người bị thương nặng. Có lẽ trong lúc mình vắng mặt, công việc lộn xộn nên có nhầm lẫn chăng? Hỏi xem thì chẳng có người nào để ý. Nếu mình nhầm lẫn thì không sao. Còn nếu không bị nhầm lẫn thì… thì trên trăm người biến mất đi đâu vậy kìa?”
Trần Triệu Quốc Nguyệt thả bộ đi một vòng Long Võ Trang cho khuây khỏa. Khi trở lại Tế Tác Đường lúc đó đã vào giữa giờ Tỵ. Khi bước qua khỏi cổng, đột nhiên linh tính báo cho nàng biết có chuyện không hay xảy ra. Trong lòng nàng tự nhiên cảm thấy bấn loạn lên. Nàng đang vận công định thần thì thấy Đinh Văn Tú sắt mặt đăm chiêu đi đến. Trên tay hắn cầm một lá thơ ngập ngừng đưa cho Trần Triệu Quốc Nguyệt:
‒ Thư khẩn cấp từ tổng đàn mới gởi đến. Trong đó có kèm theo những bức thư của Nguyễn Phú, thuộc hạ của Tứ Bang Chủ.
Hắn dặn dò thêm:
‒ Thuộc hạ mong Bang Chủ bình tĩnh sau khi xem thư…
Trần Triệu Quốc Nguyệt cầm một chồng thư mỏng nhưng không đọc ngay mà hỏi, khuôn mặt thanh tú của nàng đanh lại:
‒ Chuyện gì đã xảy ra và xảy ra vào lúc nào?
‒ Bẩm Bang Chủ, chuyện xảy ra cách đây hai ngày, vào sáng hôm hai mươi chín tháng rồi.
Nàng khẽ cau mày:
‒ Đáng lẽ Nguyễn Phú phải cùng lúc báo cho tổng đàn lẫn cho tôi biết. Sao hôm nay tổng đàn mới gởi tin?
Sau lưng nàng Triệu Hòa Vinh vừa đến lên tiếng thay Đinh Văn Tú:
‒ Vì Nguyễn Phú sợ câu chuyện càng lớn hơn nên mới gởi thư về tổng đàn cho Ngũ Bang Chủ chứ không có gởi thẳng cho Tam Bang Chủ.
Trần Triệu Quốc Nguyệt khẽ nói:
‒ Khá lắm cho tên đội trưởng Nguyễn Phú!
Nàng tỏ ý không được vừa lòng:
‒ Nguyễn Phú là thuộc hạ thân tín của Cá Hồi. Cá Hồi ra Bạch Long Vỹ gặp lão hồ ly thì mười phần không đến nửa phần tốt. Tôi đã dặn Cá Hồi hễ có gì phải lập tức báo cho tôi ngay; Cá Chép cũng thế. Vậy mà hôm nay tôi mới được tin. Em tôi thế nào? Cá Hồi còn sống hay đã bị lão hồ ly sát hại?
Nàng nhìn Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú:
‒ Hai anh hãy chuẩn bị, dù Cá Hồi còn sống hay chết chúng ta cũng cần bàn thảo kế hoạch để san bằng Bạch Long Vỹ.
Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú nhìn nhau lo lắng. Triệu Hòa Vinh tìm lời can gián:
‒ Thuộc hạ cho rằng Ngũ Bang Chủ muốn biết rõ tình trạng của Tứ Bang Chủ thế nào mới báo tin cho Bang Chủ biết, xin Bang Chủ bớt giận.
Trần Triệu Quốc Nguyệt xem bức thư của người em gái thứ năm trước rồi mới xem bức thư của Nguyễn Phú. Sắc mặt của nàng lạnh lùng, trầm tĩnh. Triệu, Đinh hai người nhìn thấy càng sợ hơn.
‒ Khá lắm! Khá lắm!
Nàng nhìn Triệu, Đinh lập lại ý ban nãy:
‒ Chúng ta hãy chuẩn bị kế sách san bằng Bạch Long Vỹ.
Nàng đi thẳng vào trong sảnh đường chính của Tế Tác Đường. Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú đi theo sau, nhìn nhau thầm kêu khổ. Giao Long Bang tuyên chiến với Bạch Long Vỹ thì cả võ lâm Trời Nam sẽ đại loạn. Ngồi vào bàn làm việc Trần Triệu Quốc Nguyệt tự mài mực để viết những bức thư lệnh:
‒ Anh Văn Tú sắp xếp thuộc hạ ở đây, sau đó báo về tổng đàn nói Cá Chép chuẩn bị ba đội thuyền của Cá Chép và ba đội thuyền của Cá Hồi. Cá Chép cùng ba anh em Nguyễn Tử Thanh, Nguyễn Tử Mộng Linh và Nguyễn Tử Hồng Linh ở lại trấn giữ tổng đàn. Hải đội Thánh Cát của Cá Chép sẽ do anh tạm thời đảm nhận. Hải đội Thiên Thanh dưới quyền của Cá Hồi sẽ do thống lĩnh Nguyễn Thánh Bình đảm nhận.
Trần Triệu Quốc Nguyệt nhìn Triệu Hòa Vinh:
‒ Còn anh Hòa Vinh ra lệnh cho Trương Quân chuẩn bị chiến thuyền xong rồi đến Khánh Thịnh cùng Quách Lăng chuẩn bị khí giới rồi chờ tôi. Tôi sẽ đến gặp Minh Chủ để trình bày mọi sự rồi trưng dụng cả ba đội thuyền trực thuộc. Đầu giờ Mão ngày mai chúng ta sẽ hội quân của nơi đây, Khánh An và Khánh Thịnh ở cửa Kim Đài (3). Sáng ngày mốt chúng ta sẽ hội quân từ tổng đàn ngoài khơi cửa Ba Lạt. Chúng ta sẽ có non nửa vạn quân. Tôi tự tin mình đủ sức cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém được hồ ly, quét sạch bờ cõi ở biển Đông. Quyền Tế Tác Đường Chủ sẽ do Bạch Yến tạm thời đảm nhận.
Không để hai người thuộc hạ thân tín lên tiếng, nàng lập lại ý định một cách rõ ràng:
‒ Hải đội Thần Nguyệt dưới quyền có ba đội thuyền, tổng cộng 30 chiếc và 1500 người. Hải đội Thiên Thanh của Cá Hồi và Thánh Cát của Cá Chép với những con số tương tự.
Đinh Văn Tú vội quỳ xuống thưa:
‒ Bang Chủ suy xét lại. Tuy 90 chiếc thuyền và 4500 thuộc hạ là một lực lượng đáng kể nhưng trong lúc này vẫn không thể trực tiếp giao tranh với Nam Hải Long Vương được.
Nàng nhíu mày:
‒ Tại sao không thể? Lão hồ ly có ý đánh trọng thương Cá Hồi và hai thống lĩnh, chỉ việc này tôi không thể bỏ qua. Thù cũ hận mới của chúng ta với Bạch Long Vỹ trước sau gì cũng phải giải quyết một lần cho xong. Với lực lượng đó anh không tin tôi có thể san bằng Bạch Long Vỹ? Vậy được, tổng đàn hoàn toàn bỏ ngõ, tôi dốc hết toàn lực đánh một trận với lão hồ ly cho hả giận Giao Long.
Triệu Hòa Vinh cũng quỳ xuống tâu trình:
‒ Đối với Bạch Long Vỹ và lão hồ ly, thuộc hạ căm giận còn hơn cả Bang Chủ. Đã nhiều năm qua ngày đêm lúc nào thuộc hạ cũng nghĩ đến việc rửa hận. Bang Chủ tuyên chiến với Bạch Long Vỹ, thuộc hạ tình nguyện đi đợt đầu tấn công. Giữa chúng ta và Nam Hải Long Vương chỉ có chiến tranh, không có hòa bình. Một trong hai sẽ bị tiêu diệt, việc này chỉ là vấn đề sớm muộn. Nghe tin Tứ Bang Chủ bị đánh trọng thương thuộc hạ càng thêm phẫn nộ. Nhưng mà thưa Tam Bang Chủ, Giao Long Bang chưa thể trực tiếp đối đầu với lão hồ ly và Long Môn Thập Lục Tướng. Chúng ta thua thì thành quả của những năm qua đành đổ sông đổ biển hết hay sao? Chết, thuộc hạ không sợ. Nhưng để bản Bang tan rã trong tay mình thì cái chết đó ngàn đời còn tức tưởi và muôn vạn lần không dám đối mặt với tiền nhân. Thuộc hạ có trách nhiệm giúp Bang Chủ phát triển bản Bang, không phải làm tội đồ để hận thiên thu. Do đó thuộc hạ kính mong Bang Chủ suy xét lại. Lão hồ ly cố tình gây hấn ắt hẳn có mục đích khích tướng chúng ta. Chúng ta không nên chui đầu vào lưới.
Đối với Trần Triệu Quốc Nguyệt thì Triệu Hòa Vinh vừa là người anh, vừa là người thầy dạy võ. Còn Đinh Văn Tú vừa là thầy dạy văn vừa là người bạn đồng hành. Nàng chưa bao giờ xem hai người họ là thuộc hạ và luôn quý trọng ý kiến của cả hai. Nhưng mối hận Hồ Trường Giang Linh bị đả thương mà nàng không làm gì được. Bây giờ thêm Nam Hải Long Vương đánh trọng thương em gái của nàng cùng hai người thuộc hạ thân tín, bao nhiêu sự giận dữ và bực tức nàng trút hết lên cả Bạch Long Vỹ. Nàng quắc mắt và lớn giọng:
‒ Long Môn Thập Lục Tướng? Mười sáu con giun đất tôi không hề để trong mắt! Lão hồ ly chà đạp lên chúng ta, lần này tôi không thể nhịn. Tôi đã nhịn đủ rồi. Dù thắng hay bại, dù chết hay sống thì cũng một lần ngửa mặt nhìn trời để khỏi thẹn với lòng. Giữa hai anh với tôi, nghĩ rằng tôi không cần phải giải thích thêm. Tôi chú tâm học binh thư và võ công cũng là không cho kẻ khác khinh thường Giao Long Bang một cách quá đáng như vầy. Mỗi lần hội họp ở Long Đình Lâu, nhìn sắc mặt của những vị Đường Chủ khác mà tôi cảm thấy xúc phạm đến tận đáy lòng. Giao Long Bang của chúng ta cũng có lịch sử ngàn năm như người, nhưng phẩm giá lại bị chà đạp. Người sáng lập bản Bang là Công Chúa Gia Hưng có sự nghiệp và công lao vĩ đại với xã tắc. Công Chúa còn được người người sùng kính, tôn thờ. Còn chúng ta? Mỗi tháng phải vác xác đến cho một lão già chà đạp, hạnh họe rồi xỉ vả. Đó là định mệnh của những người sống nhờ vào sắc mặt của kẻ khác. Tôi không cam lòng, tuyệt đối không bao giờ cam lòng với lối sống đó. Vì vậy, những ai dám đụng đến bản Bang tôi tuyệt đối không tha. Chết vinh vẫn hơn là sống nhục.
Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú bị lời nói chính trực và khí khái của nàng làm cho cảm động. Nhưng hai người vì tương lai của Giao Long Bang nên một lòng can ngăn Trần Triệu Quốc Nguyệt tuyên chiến với Bạch Long Vĩ. Triệu Hòa Vinh nói thêm:
‒ Dạ phải, Bang Chủ. Chúng ta dĩ nhiên không sợ họ và cũng không sợ chết. Nhưng Bang Chủ ơi, chết như thế này vô vị quá, thuộc hạ thấy không đáng. Ngoài thập lục tướng còn có thập nhất bang dưới quyền của lão hồ ly. Dù chúng ta đánh úp Bạch Long Vỹ thành công cũng không có đường rút về Tiên Yên. Về được Tiên Yên cũng không giữ nổi làng Luồng trước sự vây đánh của 16 hải đội và 11 bang. Làng Luồng thành bãi đất hoang thì Giao Long Bang bị chấm dứt trong tay chúng ta. Thưa Bang Chủ ngàn lần không thể như vậy được.
‒ Vì vậy tôi mới ra lệnh sáng mốt tất cả phải chuẩn bị xong. Bất thình lình đánh úp Bạch Long Vỹ là giải quyết được lão hồ ly. Chúng ta không rút về Tiên Yên tử thủ mà giữ thế công đón đường tiêu diệt hết dư đảng của lão. Thập lục tướng, thập nhất bang dẫu có hùng mạnh nhưng họ đang phân tán khắp nơi. Tôi sẽ để cho họ mãi mãi phân tán.
Triệu Hòa Vinh biết bản tính Trần Triệu Quốc Nguyệt hiếu chiến, kiêu dũng nhưng không phải là người nóng tính. Hắn đưa mắt nhìn Đinh Văn Tú. Đinh Văn Tú hiểu ý, cố gắng giải thích:
‒ So lực lượng hai bên, chúng ta có tổng cộng bảy hải đội chính thức. Năm đội do năm vị Bang Chủ trực tiếp chỉ huy, một đội có nhiệm vụ bảo vệ tổng đàn và một đội lo về huấn luyện, sửa sang thuyền bè và chuyên chở. Trong năm đội cơ động, Đại và Nhị Bang Chủ đã đem theo hai đội đi phó hội rồi. Rút quân ở đây đi trong lúc này là một điều cấm kỵ vì nạn ma giáo chỉ mới bắt đầu. Với lực lượng ba hải đội chúng ta quyết không đủ quân đánh Bạch Long Vỹ. Dù có mạo hiểm cũng chưa chắc thắng được.
Đinh Văn Tú dừng lại để ôn lại những sự việc trong quá khứ. Đôi mắt của hắn trở nên đăm chiêu, khuôn mặt nho sinh sáng láng của hắn không dấu nổi chua xót. Hắn tiếp tục trình bày mà giọng nói bị lạc:
‒ Hơn nữa, chắc Bang Chủ còn nhớ cái vạ của hai Bang Chủ đời trước mắc phải đưa đến tình trạng của chúng ta ngày nay. Giao Long Bang đơn phương ra trận trong khi kẻ địch kéo hết đồng minh đưa đến sự thảm bại nặng nề cho chúng ta. Vết xe cũ, dấu bùn nhơ đó chúng ta không nên một lần nữa dẫm lên. Giữa Bang Chủ và các vị Đường Chủ thường hay bất hòa, bản Bang đơn phương tuyên chiến Bạch Long Vỹ tám phái kia sẽ không phái quân tương trợ. Bang Chủ có cầu cứu lên Minh Chủ chưa chắc đã thành công. Bang Chủ nghĩ Minh Chủ sẽ dùng quyền ép tám phái kia xuất chinh để cứu một Giao Long Bang?
Trần Triệu Quốc Nguyệt hết sức ngạc nhiên. Thực trạng của Giao Long Bang hiện rõ trước mắt:
‒ Chuyện gì mà Cá Kình và Cá Sấu đi phó hội phải đem theo đến những hai hải đội và ba ngàn bang chúng? Tôi những tin hai chị ấy sẽ làm hậu thuẫn trợ chiến cho tôi. Với bảy hải đội tất nhiên tôi không sợ một ai. Lực lượng bị chia hai tất nhiên không thể đánh được.
Nàng không dấu được sự thất vọng khi nói câu sau cùng. Đinh Văn Tú khẽ thở dài:
‒ Đem theo hai hải đội là còn ít. Trong mấy tháng gần đây có khi Tứ Bang Chủ phải đem cả hải đội trực thuộc làm hậu quân trừ bị cho Đại và Nhị Bang Chủ. Ngũ Bang Chủ trấn thủ tổng đàn luôn trong tình trạng chuẩn bị tiếp vận cho ba hải đội. Mới rồi Tổng Đàn còn gởi đến đây vô số tài nguyên để giúp Long Võ Trang kiến thiết theo hiệp ước. Thưa Bang Chủ, hiện tại bản Bang chưa thể ra quân.
Trần Triệu Quốc Nguyệt không được hài lòng, nhíu mày thắc mắc:
‒ Chuyện này là sao? Vì cớ gì trong hai anh không ai nói cho tôi biết thực trạng của bản Bang? Tại sao bản Bang trước bậc thềm chiến tranh mà tôi hoàn toàn không biết? Mà chúng ta chuẩn bị đánh với ai?
‒ Đây là do Đại và Nhị Bang Chủ cùng nhau thương nghị rồi quyết định. Đại Bang Chủ có nói với Triệu đại ca và thuộc hạ là nhiệm vụ của Giao Long Bang ở Long Võ Trang vô cùng quan trọng nên chỉ muốn Tam Bang Chủ chú tâm vào việc của Long Võ Trang và Tế Tác Đường. Việc của bản Bang đã có các vị Bang Chủ khác lo, không muốn Tam Bang Chủ phải gánh vác quá nhiều, quá nặng. Thuộc hạ chỉ nhận được tin là Đại và Nhị Bang Chủ đang phó hội, rất có thể dùng đến trọng binh. Với lại những tin tức nội bộ liên quan đến bản Bang, nếu tổng đàn không gởi tin đến chúng ta hầu như không biết.
Trần Triệu Quốc Nguyệt trầm tư suy nghĩ. Tế Tác Đường có hai nguồn tin tức khác nhau. Một là do Tế Tác Đường dưới quyền của nàng dùng công quỹ Long Võ Trang thu thập được, liên quan đến các bang phái và tình hình chung của võ lâm. Những tin tức này ít có liên quan đến Giao Long Bang vì nếu có, nó sẽ rất dễ trở thành việc dùng tiền công mà làm lợi riêng cho bang của mình. Như vậy có khác nào là tham ô. Mấy năm gần đây Tạ Đức Uy muốn cắt giảm phí tổn của Long Võ Trang. Những chi tiết liên quan đến Giao Long Bang do tổng đàn của Giao Long Bang, dưới quyền Ngũ Bang Chủ Trần Triệu Quốc Vân đảm nhiệm. Trần Triệu Quốc Vân lại nhận lệnh trực tiếp từ Đại Bang Chủ Trần Triệu Quốc Hoa và Nhị Bang Chủ Trần Triệu Quốc Dung. Trần Triệu Quốc Nguyệt giữ cho Giao Long Bang và Long Võ Trang hai bên không bên nào phạm vào bên nào, vừa giảm chi phí vừa tránh sự hiềm nghi.
Nguồn tin từ tổng đàn Giao Long Bang thường thì một tháng ba lần vào ngày năm, mười lăm và hai mươi lăm gởi đến cho nàng một bản phúc trình. Nếu cần thì nàng dùng tin tức đó bổ sung cho bản phúc trình của Tế Tác Đường lên Tạ Đức Uy và Minh Chủ. Trần Triệu Quốc Nguyệt không khỏi thất vọng:
‒ Chuyện lớn của bản Bang mà không cho tôi biết, Cá Kình và Cá Sấu vẫn không tin tưởng tôi đủ sức gánh vác. Nhưng dù Cá Kình, Cá Sấu, Cá Chép có quyết định ra sao cũng phải báo cho tôi một tiếng. Được rồi, việc này tôi sẽ nói riêng với ba người đó sau. Cả hai năm nay dường như lúc nào Cá Kình và Cá Sấu cũng đi phó hội, bây giờ còn dùng hai đội thuyền nữa, việc này là sao?
Nghe nàng hỏi Triệu Hòa Vinh cùng Đinh Văn Tú nhìn nhau, sắc mặt kỳ lạ. Cuối cùng Triệu Hòa Vinh trả lời:
‒ Vẫn là chuyện của Đông Hải Long Vương với bản Bang.
Trần Triệu Quốc Nguyệt ngạc nhiên:
‒ Lại là bọn đó? Họ muốn gì nữa đây?
‒ Họ muốn bản Bang bồi thường thiệt hại một cách quá đáng, lại còn bắt chúng ta nhượng khu buôn bán và chuyên chở ở vùng biển Lưỡng Quảng cho Hải Giác Bang.
‒ Quá đáng!
‒ Tất nhiên Đại, Nhị Bang Chủ không chịu nên hai bên cứ giằng co. Gần đây Đông Hải Long Vương muốn dùng sức mạnh ép buộc nên hai vị Bang Chủ mới phải dùng đến hai hải đội để phòng bị.
Trần Triệu Quốc Nguyệt đanh giọng:
‒ Chuyện lớn nhỉ, hai anh cứ nói tiếp.
Đinh Văn Tú nói:
‒ Xin Bang Chủ đừng trách thuộc hạ. Chính Đại Bang Chủ dặn riêng cho Triệu đại ca và thuộc hạ tạm thời dấu việc này vì Bang Chủ là nguyên nhân đưa đến sự tình. Cho Bang Chủ biết sợ rằng càng rắc rối hơn. Mặc dù thuộc hạ không muốn nhưng không thể làm trái lệnh Đại Bang Chủ. Thuộc hạ kính mong Bang Chủ rộng dung.
Trần Triệu Quốc Nguyệt vô cùng ngạc nhiên:
‒ Sao lại là chuyện của tôi?
Nàng khoát tay bật cười:
‒ Tất nhiên tôi không giận hoặc trách phạt hai anh. Đến tôi còn phải nghe lời hai bà chằn đó nữa là người khác.
Triệu Hòa Vinh thay thế Đinh Văn Tú trả lời:
‒ Dạ là chuyện năm năm trước chúng ta đánh chìm năm chiếc thuyền của Hải Giác Bang, mà Hải Giác Bang dưới quyền ảnh hưởng của Đông Hải Long Vương. Nghe nói trong chuyến hàng lần ấy có trân bảo của Hải Giác Bang dâng lên cho Đông Hải Long Vương. Vì bị mất bảo vật, Đông Hải Long Vương một phen bẽ mặt và Bang Chủ được rạng danh. Hải Giác Bang đổ lỗi cho Bang Chủ làm mất phẩm vật. Đại, Nhị Bang Chủ thì nói họ không thể chứng minh bị mất những gì. Hỏi ra họ cũng không nói trân bảo là món gì, trị giá bao nhiêu, trong khi đó họ cứ khư khư bắt chúng ta đền. Đông Hải Long Vương muốn dùng quyền để nới rộng tầm ảnh hưởng nên muốn nhân việc này gây khó dễ cho ta.
‒ Bọn đầu trộm đuôi cướp đó mà có bảo vật quý báu đến nỗi không thể nói ra. Hừ, ai tin cho được. Vậy tại sao lại kéo dài đến hôm nay?
‒ Đông Hải Long Vương không những muốn bản Bang bồi thường gấp năm mà còn muốn Bang Chủ đích thân đến đảo Bành Hồ (4) nhận lỗi.
‒ Đúng là tầm bậy.
‒ Dạ. Mỗi khi phó hội họ đem theo rất nhiều thuộc hạ, ý muốn lấy thịt đè người, khoe khoang sức mạnh. Vì vậy mà hai vị Bang Chủ mới đem theo hai hải đội đề phòng việc bất trắc.
‒ Lão hồ ly có phản ứng gì không?
‒ Ban đầu không thấy lão ấy có phản ứng gì cả, kiểu như ôm gối ngồi cao. Nhưng gần đây lão gây thêm áp lực với chúng ta.
‒ Vậy mà hàng tháng bắt mình dâng lễ vật. Hừ. Bây giờ lại thêm một lý do cho tôi tính chuyện với lão. Lão cố tình đả thương Cá Hồi không ngoài mục đích đen tối.
Nàng xé hết tất cả những văn kiện nàng mới thảo ra rồi bỏ vào lò lửa đặt ở góc phòng đốt. Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú thở phào nhẹ nhõm. Hai người biết rằng muốn khuyên bảo nàng điều chi cũng phải có lý do rõ ràng. Chỉ cần có thể dùng lời lẽ phân tích trước sau sao cho thích hợp thì nàng sẽ nghe theo. Mà từ nhỏ rất ít khi nào nàng làm trái ý và luôn tin vào sự suy xét của hai người. Nàng thảo những bức thư khác rồi mỉm cười căn dặn:
‒ Anh Văn Tú ở lại đây tạm thời thay tôi trông coi Tế Tác Đường. Tôi cùng anh Hòa Vinh đem theo Quách Lăng, Bạch Yến và Uyên Linh về tổng đàn để chuẩn bị thuyền bè. Sau đó tôi sẽ đi giúp Cá Kình và Cá Sấu tiêu diệt đám ăn hại kia. Tôi muốn an mặt bắc trước khi tính đến mặt đông. Nên nhớ, muốn đánh những nơi đó mà không có tôi thì không xong đâu đấy nhé.
Nghe nàng nói xong Triệu, Đinh toát mồ hôi lạnh. Hai người những tưởng nàng bỏ qua ý định mang quân đánh Nam Hải Long Vương ở Bạch Long Vỹ. Nào ngờ bây giờ nàng lại muốn tuyên chiến luôn cả Đông Hải Long Vương. Đinh Văn Tú ngập ngừng:
‒ Bang Chủ… Bang Chủ nghĩ kỹ lại. Chúng ta càng không thể gây hấn với Đông Hải Long Vương trong lúc này.
Trần Triệu Quốc Nguyệt mỉm cười ngạo nghễ:
‒ Hai anh chỉ cần nói sơ tôi cũng hiểu được chiến lược của bản Bang. Cá Kình và Cá Sấu dùng hai hải đội, Cá Chép dùng hải đội của Cá Hồi làm trừ bị. Ba hải đội đó thay phiên nhau biểu dương sức mạnh chứ chúng ta làm gì có thể nuôi một lúc gần năm ngàn người ăn ở không cho được? Do đó Cá Kình và Cá Sấu luôn thay đổi người, cũng là dùng cơ hội luyện tập thuộc hạ. Đông Hải Long Vương ở xa mà lại phô trương sức mạnh thái quá ở vùng biên hải, một nơi Đông Hải Long Vương không có nhiều thuận lợi. Tất nhiên đám thuộc hạ đó chỉ nuôi tốn cơm mà không có việc gì làm, lâu ngày ắt sinh ra biếng nhác, mất nhuệ khí. Tôi nói có phải không?
Đinh Văn Tú khâm phục:
‒ Hôm rồi thuộc hạ về tổng đàn, Ngũ Bang Chủ cũng có nói sơ qua tình trạng giữa bản Bang và Đông Hải Long Vương, rất đúng với những lời Bang Chủ mới phân tích.
‒ Do đó đám ăn hại kia tôi sẽ đánh thắng một cách dễ dàng.
‒ Nhưng mà Bang Chủ, Đông Hải Long Vương mạnh hơn Nam Hải Long Vương gấp nhiều lần. Chúng ta so với chúng khác nào…
‒ Đông Hải Long Vương mà dốc toàn lực đánh ta thì lão ấy tự tìm cái chết vì Hoàng Hải Long Vương sẽ đến hỏi thăm sức khỏe. Ha ha.
Triệu Hòa Vinh gật gù:
‒ Bang Chủ nói rất đúng. Nếu Đông Hải Long Vương thật sự ở thế mạnh thì không có lý do gì lại đàm phán với chúng ta mấy năm qua thay vì dùng võ lực. Đem trọng binh đến mà không đánh cứ chần chừ ra đó. Lão sợ nếu đánh, dù thắng chưa chắc khuất phục được chúng ta mà còn tạo thêm cái gai ở phương nam. Thuộc hạ và Tú đệ ngăn cản Bang Chủ không phải do thuộc hạ sợ Đông Hải hay Nam Hải. Chẳng qua chưa phải lúc chúng ta ra mặt khiêu chiến. Thuộc hạ kính mong Bang Chủ tạm thời dăn cơn nóng giận xuống. Cơ hội sẽ đến cho những người biết nhẫn nại.
Trần Triệu Quốc Nguyệt vui lòng mỉm cười. Nàng không hề lạ tính tình của Triệu Hòa Vinh. Hắn chưa bao giờ biết sợ ai và luôn trầm tĩnh trong mọi tình huống. Bề ngoài của hắn đôi khi có vẻ thờ ơ lãnh đạm nhưng nếu kẻ nào chọc hắn giận thì khó lòng sống sót. Đối với Nam Hải Long Vương hắn đã căm giận nhiều năm, chỉ chưa có cơ hội để bộc lộ. Đinh Văn Tú nói thêm:
‒ Còn nếu Đông Hải Long Vương đánh ta thất bại, không những các bang phái trực thuộc ảnh hưởng sẽ không còn thần phục mà còn bị Hoàng Hải Long Vương tấn công từ phía bắc.
Trần Triệu Quốc Nguyệt gật đầu:
‒ Hai anh thật hiểu ý tôi. Để tôi về tổng đàn gặp Cá Kình, Cá Sấu rồi mới có thể quyết định được kế sách mặt bắc. Cái quan trọng bây giờ là lo an nguy của Cá Hồi. Tôi muốn truyền lệnh xuống dưới cho đây, Khánh Thịnh và Khánh An luôn ở trong tình trạng báo động vì có thể đánh nhau bất cứ lúc nào. Tôi theo lời hai anh mà tạm thời chưa đánh Bạch Long Vỹ.
Triệu, Đinh cùng nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm. Đến lúc đó có thuộc hạ ở ngoài lên tiếng:
‒ Kính bẩm Bang Chủ thuộc hạ có chuyện khẩn cấp xin tâu!
Triệu Hòa Vinh ra lệnh:
‒ Vào đi!
Một người tầm thước bên ngoài chạy vào quỳ xuống:
‒ Bẩm Bang Chủ nhị đệ tử của Huệ Giác đại sư là Giác Trí hòa thượng cùng với hai mươi người bị thảm sát ở Quy Lâm, giữa đường từ Khánh Thịnh đi Khánh An.
Trần Triệu Quốc Nguyệt, Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú ba người cùng giật mình, không hẹn mà đồng thanh thốt:
‒ Nguy to!
Đinh Văn Tú hỏi lại:
‒ Ai là người phát giác ra, vào lúc nào?
‒ Dạ thuộc hạ không rõ. Thuộc hạ chỉ nhận được tin có xảy ra án mạng ở Quy Lâm và phải vào báo cho Bang Chủ cùng hai vị thống lĩnh ngay.
Đinh Văn Tú nhìn Trần Triệu Quốc Nguyệt:
‒ Thêm một vụ thảm sát ở phía bắc Long Võ Trang… ở nơi của chúng ta cai quản. Chuyện của phái Tây Vu đã khó giải quyết rồi, nay thêm phái Tiêu Sơn nữa. Chúng ta không tránh khỏi làm việc thất trách.
Trần Triệu Quốc Nguyệt ra lệnh:
‒ Hãy khoan nói đến việc đó. Anh Văn Tú đi báo cho Minh Chủ và Tổng Đường biết, anh Hòa Vinh đi theo tôi đến Khánh Thịnh gặp mặt Quách Lăng để cùng nhau ra đó xem. Lệnh cho các nơi phải đề cao cảnh giác.
‒ Dạ!
Nàng ra lệnh cho người thuộc hạ:
‒ Ngươi qua bên Y Dược Đường báo cho phó thống lĩnh Bạch Yến và Uyên Linh biết sự việc và dặn họ phải ở cạnh Giang Linh ngày đêm để bảo vệ.
‒ Dạ Bang Chủ. Thuộc hạ xin đi ngay.
Trần Triệu Quốc Nguyệt và Triệu Hòa Vinh dùng ngựa đến Khánh Thịnh gặp Quách Lăng. Sau đó ba người đem theo một số thuộc hạ thân tín cùng một đoàn xe từ Khánh Thịnh đi đến Quy Lâm. Xa xa họ đã thấy có khói bốc lên. Gần giữa Ngọ đoàn người của Giao Long Bang mới đến nơi xảy ra án mạng. Mùi giấy, mùi gỗ xe cộng với xác người bị đốt tỏa ra một mùi khét nồng nặc. Lúc ấy đám thuộc hạ của Giao Long Bang có mặt từ trước do đội trưởng đội 14 tên Trần Cung chỉ huy đang lập văn kiện cùng với sắp xếp xác người qua một bên. Thấy Trần Triệu Quốc Nguyệt đến, Trần Cung tuổi khoảng 24 hành lễ:
‒ Thuộc hạ xin thay mặt các vị huynh đệ bận phận sự trên người tham kiến Tam Bang Chủ, Triệu Thống Lĩnh và Quách Phó Thống Lĩnh.
Trần Triệu Quốc Nguyệt gật đầu:
‒ Được rồi. Anh hãy báo cho tôi những gì anh biết về án mạng.
‒ Dạ Bang Chủ. Như theo lịch trình của Hoằng Giáo Đường đưa ra thì hòa thượng Giác Trí cùng đoàn xe sẽ đến Khánh An vào cuối giờ Thìn, đầu giờ Tỵ. Thuộc hạ có trách nhiệm tiếp đón đoàn xe đưa lên thuyền sang sông Đáy còn Trương Thống Lĩnh chuẩn bị cơm chay cho đoàn người thọ trai. Họ sẽ thọ trai vào giờ đầu giờ Ngọ, sau đó sang sông để về Tiêu Sơn. Nhưng quá giờ Tỵ mà không thấy họ đến lại còn thấy khói bốc lên. Thuộc hạ báo cho Trương Thống Lĩnh biết sự việc và dẫn theo một số huynh đệ đến đây. Đến nơi thì thấy sự việc đã rồi liền cho người báo về Khánh Thịnh để Khánh Thịnh báo lên cho Bang Chủ biểt.
Trần Cung chỉ một xác chết nói thêm:
‒ Kia là xác của hòa thượng Giác Trí. Ông bị chém thẳng từ trên đầu xuống giữa ngực. Những người khác cũng bị tương tự. Thuộc hạ cho sắp xếp những kinh văn nào chưa bị đốt qua một bên, xác người một bên. Ngoài ra còn có xác chết của một người mặc đồ dân thường nhưng thuộc hạ không nhận ra được là ai vì mặt đã bị cháy mất. Thuộc hạ cho nghiệm thi thể người ấy và khẳng định rằng người ấy không biết võ công. Ngựa trâu đều bị giết chết hết.
‒ Theo anh nhận xét thì họ bị giết vào khoảng lúc nào?
‒ Quá giờ Tỵ thuộc hạ mới thấy khói bốc lên. Theo ước đoán thì họ bị giết vào khoảng cuối giờ Thìn. Lúc thuộc hạ đến thấy vết máu còn tươi. Trên đường đi thuộc hạ không thấy một ai.
Trần Cung chỉ xuống những vũng máu trên đường:
‒ Như Bang Chủ thấy đó, máu chưa hoàn toàn khô hết.
Trần Triệu Quốc Nguyệt, Triệu Hòa Vinh và Quách Lăng đi quanh một vòng. Quách Lăng nói:
‒ Vết thương chí mạng của họ y như người của phái Tây Vu. Đây rõ là cùng một hung thủ.
Triệu Hòa Vinh tiếp lời:
‒ Không những vậy mà đây còn là ra mặt thách thức chúng ta.
Trần Triệu Quốc Nguyệt khẽ nhíu mày trầm tư:
‒ Hễ thiên hạ không loạn thì thôi, một khi loạn rồi thì đâu đâu cũng là máu xương. Trước sau rồi sẽ đến lượt Giao Long Bang. Tại nơi quản hạt hai lần gây án; người này biết rõ đường đi nước bước của chúng ta. Muốn bắt được không phải dễ.
Nàng nhìn thi thể của người dân quê nói với Triệu Hòa Vinh và Quách Lăng:
‒ Người này là ai, hai anh có thể đoán ra không?
Triệu Hòa Vinh và Quách Lăng cùng đến cạnh thi thể lúc ấy đã bị lột sạch quần áo để quan sát, Triệu Hòa Vinh nói:
‒ Đúng là người này thuộc thường dân, không biết võ công. Không biết hắn là ai.
Quách Lăng nói thêm
‒ Không phải thuộc hạ của bản bang đã đành, dường như không phải người của Long Võ Trang nếu dựa vào quần áo. Mà đa số đàn ông trong Trang đều biết võ. Không biết có phải là người của Lương Quy hay không.
Trần Triệu Quốc Nguyệt chỉ một bãi cỏ bên đường hỏi Triệu Hòa Vinh:
‒ Anh nhìn bãi cỏ kia và cho tôi biết, đó là vết gặm cỏ của trâu, bò, ngựa hay của con nào khác?
Triệu Hòa Vinh xem xét qua một lượt rồi trả lời:
‒ Vết gặm cỏ của trâu và bò giống nhau, cả hai đều khác ngựa. Đó là vết gặm cỏ của trâu.
Trần Triệu Quốc Nguyệt nói với Triệu Hòa Vinh:
‒ Tôi nhờ anh đem các xác chết ở đây về Long Võ Trang giao cho phái Tiêu Sơn.
‒ Dạ Bang Chủ. Còn xác chết của người dân thường này?
‒ Chúng ta đem đến Lương Quy xem có ai nhận ra không. Nếu có thì giao cho họ, còn không chúng ta mai táng giùm cũng được.
Nàng nhìn Quách Lăng và Trần Cung:
‒ Cũng lâu rồi tôi chưa có ghé thăm bến đò Khánh An. Hai anh đi chung với tôi.
‒ Dạ Bang Chủ.
Ba người lên ngựa, dẫn theo mấy bang chúng đem xác của người thường dân đi về phía bắc hướng bến đò Khánh An. Đi qua các xác trâu ngựa nằm bên đường Trần Triệu Quốc Nguyệt nhíu mày:
‒ Đến súc vật cũng không tha, người này quá khát máu.
Trần Cung “à” lên một cái, nhảy xuống ngựa chạy lại xác con trâu khám xét một hồi rồi nói:
‒ Thưa Bang Chủ thuộc hạ tìm ra chút manh mối. Lúc nãy thuộc hạ rất là sơ suất. Cũng nhờ mẹ ruột của Thiên Phù Duệ Võ (5) hoàng đế là Linh Nhân Thái Hậu (6) năm xưa đã ra lệnh cho đóng dấu lai lịch, quê quán của người chủ cùng năm sinh của con trâu lên mỗi con trâu mà bây giờ chúng ta biết con trâu này của ai. Theo dấu ghi một bên lưng, chủ của nó tên Lê Quý người thuộc Lương Quy.
Trần Triệu Quốc Nguyệt nhìn Trần Cung nói lớn:
‒ Tôi muốn ghé qua Khánh An để xem các người thế nào, nhờ đội trưởng dẫn đường. Trâu ngựa bị giết chúng ta chở hết về Khánh An giao cho bác Trương Quân.
Trần Cung chợt hiểu:
‒ Xin Bang Chủ và Phó Thống Lĩnh đi theo thuộc hạ.
Ra khỏi Quy Lâm là một cánh đồng lúa nhỏ và cằn cỗi. Xa xa là cổng xóm Lương Quy một bên và Khánh An một bên. Quách Lăng mỉm cười nói với Trần Triệu Quốc Nguyệt:
‒ Mỗi lần Bang Chủ đến đây là cả Khánh An tưng bừng lên.
Trần Triệu Quốc Nguyệt mỉm cười không đáp. Mỗi tháng nàng đến Khánh An từ hai đến ba lần để duyệt xét các công việc. Trong Quy Lâm có rất nhiều cây tếch lúc này đang độ nở hoa, hương đưa khắp rừng. Nàng nhắm mắt lại hít sâu vào, tạm thời quên chuyện võ lâm cho tinh thần được khuây khỏa. Trần Cung thúc ngựa vào Khánh An trước, lập tức trống lệnh nổi lên ba tiếng. Thuộc hạ Giao Long Bang uy nghiêm dàn ra trước cổng chào đón nàng. Nàng cùng Quách Lăng ruổi ngựa đi vào trong tiếng reo mừng tung hô của thuộc hạ. Nhìn sĩ khí ngất trời Quách Lăng thán phục:
‒ Về võ công thì đứa bé mười tuổi cũng hơn được thống lĩnh Trương Quân. Nhưng về tổ chức và cai trị thì thuộc hạ e rằng khắp Giao Long Bang không tìm ai hơn được. Bang Chủ đến đây không nói trước mà Trương Thống Lĩnh vẫn đủ lễ tiếp đón. Thú thật thuộc hạ không bằng.
Trần Triệu Quốc Nguyệt vừa an ủi vừa khích lệ Quách Lăng:
‒ Mỗi người có một cái tài riêng. Nếu so về thủy chiến, đừng nói là Trương Quân không bằng anh, mà ngay đến tôi muốn thắng được anh cũng phải chật vật.
Quách Lăng mỉm cười không đáp nhưng trong lòng mười phần vui vẻ. Được thượng cấp tin dùng, dùng vào đúng chỗ lại còn lên tiếng khen thưởng là điều mong mỏi của tất cả những người thuộc hạ có thực tài. Trương Quân dẫn theo đứa cháu là Trương Nghị cùng Trần Cung đón tiếp Trần Triệu Quốc Nguyệt và Quách Lăng ở cổng. Trương Quân lớn tiếng:
‒ Thuộc hạ Trương Quân cùng các huynh đệ ở Khánh An tham kiến Tam Bang Chủ.
‒ Được rồi, các người hãy trở lại phận sự của mình.
Hai người xuống ngựa giao lại cho một người thuộc hạ dẫn đi trong muôn ngàn tiếng reo hò. Xác người để trên xe ở bên ngoài. Trâu ngựa bị giết giao cho bang chúng xẻ lấy thịt. Nàng không vào thẳng gian nhà chính mà đi vào một khu đất phía đông. Nơi ấy dành riêng cho thuộc hạ Giao Long Bang dùng để chén thù chén tạc. Luật lệ của Giao Long Bang rất nghiêm, không ai được uống rượu. Nhưng vì ở một nơi lâu ngày không có thú tiêu khiển dễ sinh chuyện nên Trần Triệu Quốc Nguyệt cho làm một khu đặc biệt. Chỉ nơi đó có quyền uống say và thuộc hạ chỉ được phép ra vào trong những ngày nghỉ và lễ.
Bên trong khu ăn uống đó là vài nóc nhà lớn quay mặt vào cái sân rộng ở giữa. Lúc bấy giờ một số bang chúng Giao Long Bang đang ăn uống say sưa, nói chuyện huyên náo cả vùng. Thấy nàng bước vào trong chúng lập tức im bặt, chăm chú nhìn nàng. Nàng tìm lấy một bình nước vối rồi đi đến cái bàn ở giữa sân. Nàng để bàn chân phải lên ghế rồi đặt bình nước xuống bàn một cái ầm. Nàng trừng mắt lên nhìn quanh rồi hét:
‒ Ai?
Đám bang chúng im lặng bu quanh. Quách Lăng và Trương Quân cũng đứng một bên quan sát còn Trần Cung thì đã mất dạng. Mãi một lúc sau mới có một người to lớn vạm vỡ tên Đàm Siêu rẽ đám đông đi đến. Hắn cũng co chân phải đạp lên ghế, đặt mạnh bình nước vối xuống bàn rồi nói lớn:
‒ Có!
Trần Triệu Quốc Nguyệt cùng Đàm Siêu nhìn nhau chằm chằm rồi cả hai cùng hô:
‒ Uống!
Hai người cầm bình nước lên uống ừng ực trong tiếng reo hò dậy đất của đám thuộc hạ:
‒ Uống! Uống! Uống! Uốnnnnnnnnng!
Trương Quân cùng Quách Lăng nhìn nhau cười ngất.
‒ Xong!
Trần Triệu Quốc Nguyệt đặt bình nước không xuống bàn trước Đàm Siêu. Đàm Siêu cũng làm tương tự và lắc đầu:
‒ So tài với Bang Chủ bốn lần thuộc hạ đều thua hết cả bốn. Bái phục.
Đám bang chúng lại reo hò lớn hơn. Nàng mỉm cười nhìn Đàm Siêu:
‒ Chỉ cần có lòng đối đãi với nhau là được.
Nàng nhìn quanh một lượt nói tiếp:
‒ Tôi đến đây vui chơi như vậy thôi. Nếu không có các ngươi ra sức Giao Long Bang không được như ngày nay. Rồi ngày mai chúng ta càng lớn mạnh hơn trong võ lâm. Trên dưới một lòng, nhục vinh cùng hưởng.
Trần Triệu Quốc Nguyệt hai mươi hai tuổi có nước da bánh mật và nhan sắc diễm lệ. Khuôn mặt thanh tú, trang nghiêm kèm theo tính quả cảm quyết đoán của nàng toát ra một cái uy mà thuộc hạ nhìn vào ai cũng đều kính nể. Giữa nàng và họ không có một khoảng cách bang chủ thuộc hạ mà giống như những người bạn. Nhưng không vì vậy mà nàng làm mất tác phong của một người thủ lĩnh. Do đó thuộc hạ dưới quyền rất yêu quý. Đám thuộc hạ reo hò bu quanh, hò hét tung hô. Quách Lăng nói lớn:
‒ Tam Bang Chủ mỗi tháng đến ba lần mà các ngươi làm trò gì thế này?
Đàm Siêu cười hề hề:
‒ Bang Chủ như phụng hoàng ở trên cao, bọn tiểu đệ như bầy se sẻ hỗn tạp. Bách điểu triều phụng mà lỵ!
‒ Lỵ lỵ cái đầu nhà ngươi, Bang Chủ là Hải Diêu Ngư mà.
‒ Thì phụng hoàng hay Cá Đuối đều khó thấy như nhau.
Một người lên tiếng phản bác Đàm Siêu:
‒ Bậy nào. Hải Diêu Ngư dễ thấy hơn phụng hoàng nên chúng ta mới gần được Tam Bang Chủ.
Trần Triệu Quốc Nguyệt ôn tồn nói:
‒ La hét khản cổ như vậy đủ rồi. Tôi còn có việc cần giải quyết, các người ở lại ăn uống vui vẻ.
Một lần nữa đám thuộc hạ reo hò tiễn nàng ra ngoài. Trương Quân đưa nàng vào trong căn nhà chính của Khánh An. Nàng ngồi vào ghế bang chủ, phong thái uy nghi. Trước mặt nàng là một cái bàn bằng gỗ trắc đen rất quý. Trên bàn vô số văn kiện. Trương Quân, Trương Nghị và Quách Lăng đứng phía trước hầu. Đã quá trưa, Trương Quân đoán nàng và Quách Lăng chưa ăn gì nên kêu người đem thức ăn vào, hương thơm nghi ngút. Nhìn thấy thức ăn Trần Triệu Quốc Nguyệt vui vẻ:
‒ Tôi và anh Lăng bụng đói meo. Thôi thì tất cả chúng ta cùng ngồi vào bàn, vừa ăn vừa bàn việc.
Nói rồi, nàng không ngồi vào ghế bang chủ của nàng nữa mà tự tay đem mâm đồ ăn xuống bàn dưới để ngồi chung với thuộc hạ. Trương Quân và Trương Nghị đã ăn rồi nên chỉ có Trương Quân ngồi cùng, còn Trương Nghị đem ra các chồng sách lớn nhỏ và đứng một bên hầu.
Lúc Giao Long Bang mới đến Long Võ Trang thì Khánh An chỉ là một bãi lau sậy cho người dân ở Lương Quy dùng để ghe thuyền. Vì nhận ra địa thế thuận lợi, tài nguyên phong phú, nhiều loại gỗ quý như gõ đỏ, giáng hương, táu mặt quỷ và nhất là gỗ tếch, Trần Triệu Quốc Nguyệt cho thành lập bến đò và bãi đóng thuyền ở đấy. Trong mấy năm qua nàng cùng thuộc hạ ra sức phát triển không ngừng.
Tếch là loại cây to lớn sống lâu năm, thớ gỗ thẳng mịn. Lõi cây bên trong màu nâu vàng, rắn chắc, không sợ bị mối mọt và chịu được nước mặn. Gỗ tếch rất đẹp, không nặng lắm nhưng bền và dẻo dai, dùng làm bàn ghế trong một đời người không sợ bị hư. Còn nếu dùng để đóng thuyền rất khó bị mục do thời tiết. Cây tếch còn chịu được lửa. Khắp Tế Tác Đường bàn, ghế, giường, tủ đều được đóng bằng gỗ tếch. Vì những đặc tính trên mà mấy chị em Trần Triệu Quốc Nguyệt rất quý trọng. Ngoài việc khai thác gỗ, nàng còn theo kế hoạch của Giao Long Bang là trồng tếch để làm tính chuyện lâu dài và tếch ít bị sâu bệnh (7).
Quý hơn tếch có táu mặt quỷ. Sở dĩ có tên đó là vì thân cây xần xùi xấu xí như mặt quỷ. Táu mặt quỷ còn được gọi là sao hòn gai vì mặt dưới lá có hình sao và lá cùng hoa giống các loại cây sao khác. Nói chung, gỗ sao dùng đóng những bộ phận quan trọng của thuyền rất tốt. Táu cứng và nặng hơn tếch, chịu lực va chạm cũng lớn hơn. Gỗ táu cũng thuộc hạng gỗ đẹp, được nhiều người ưa thích. Gõ đỏ màu đỏ sậm, giáng hương có mùi thơm và cả hai đều thuộc hàng danh mộc. Gỗ quý và bền, dùng đóng bàn ghế giường tủ để tỏ sự cao sang. Gõ và giáng hương còn có đặc tính làm lợi đất, có thể trồng ở nơi cằn cỗi giúp đất trở nên tươi tốt hơn (8).
Vì đóng thuyền phải dùng một số lượng gỗ rất lớn, Trần Triệu Quốc Nguyệt phải mua thêm gỗ từ hai phái Tản Viên và Mê Linh. Muốn dễ dàng được sự chấp thuận mua gỗ quý và hạt giống của hai nơi ấy, Giao Long Bang chuyên chở hàng hóa cho họ lấy thu phí thấp nên ai cũng có lợi. Còn để làm kế lâu dài, những khu rừng hạ gỗ xong nàng cho trồng cây mới để thay thế. Trong phép trồng, nhiều loại cây khác nhau được trồng xen kẽ để tăng hiệu quả và giảm sâu bệnh. Nàng cho trồng bốn loại gỗ chính kể trên. Táu thì trồng dọc bờ sông. Tếch, gõ và giáng hương thì trồng chung. Tại Khánh An và Quy Lâm, đất khẩn hoang một phần làm ruộng lúa, một phần trồng cây ăn quả và một phần trồng lấy gỗ.
Trước kia mỗi môn phái có mối chuyên chở khác nhau nên hay xảy ra tranh chấp giữa những đoàn thương thuyền. Mỗi lần như thế Long Võ Trang đứng ra hòa giải, khá nhiều phiền phức. Từ ngày có Giao Long Bang, mọi việc đều do Giao Long Bang đảm trách nên việc chuyên chở hàng hóa của Long Võ Trang cùng các môn phái trở nên thuận lợi. Một bên thì lấy chi phí thấp và có uy tín cùng sức mạnh. Một bên không sợ bị trễ nải, thất thoát hay bị các bang phái trên sông biển khác làm khó dễ. Bình thường giữa Trần Triệu Quốc Nguyệt với Phạm Hoàng Sơn, Nùng Đức Nghĩa, Hồng Sơn Nam và Mai Nhật Sinh hay có lời qua tiếng lại đôi co, nhưng việc buôn bán chuyên chở giữa Giao Long Bang với các phái hoàn toàn tốt đẹp. Nhờ đó mà Giao Long Bang dưới quyền của nàng ở Long Võ Trang hàng năm thu lợi rất nhiều. Nhiều đến nỗi ít ai tưởng tượng được.
Cơm nước xong, Trương Nghị đưa lên cho Trần Triệu Quốc Nguyệt một chồng sổ sách văn thư của Khánh An. Nàng vừa duyệt vừa nghe hắn trình bày:
‒ Mặc dù Khánh An đã báo về Tế Tác Đường rất rõ nhưng thuộc hạ cũng xin lập lại. Chúng ta có gần 30 chiếc thuyền hư hại nhẹ do giao tranh với Thiên Ma Giáo. Những chiếc ấy đã được kịp thời sửa chữa và sử dụng lại được.
Trần Triệu Quốc Nguyệt gật đầu. Trương Nghị nói tiếp:
‒ Hôm trước Tổng Đàn có đem đến Long Võ Trang rất nhiều vật dụng để kiến thiết. Trong số ấy vật dụng cho riêng Khánh An là dầu ngô đồng, dầu lanh, dầu tếch và gỗ tếch cho chúng ta tiếp tục đóng thuyền. Hôm qua là đầu tháng, thuộc hạ đã cho người kéo về tổng đàn 50 chiếc gồm 30 chiến thuyền và 20 vận thuyền. Đó là số thuyền chúng ta đóng từ đầu năm đến giờ. Theo kế hoạch sắp tới được đề ra là Khánh An từ bây giờ đến cuối năm phải hạ thủy ít nhất 15 chiếc thuyền mỗi tháng.
‒ Theo anh con số này Khánh An có thể đáp ứng được hay không?
Trương Nghị gãi đầu gãi tai:
‒ Chúng ta vẫn chưa quen đóng thuyền theo cách mới nên từ đầu năm đến giờ cứ phải gặp nhiều khó khăn. Nhưng đến cuối năm, thuộc hạ nghĩ, chúng ta sẽ đạt được nếu không bị hao hụt gỗ.
Trương Nghị trình lên một tập sách khác:
‒ Tất cả những chi tiêu, phí tổn, tiền nong, hàng hóa, vật dụng thuộc hạ có kê khai rành mạch. Mặc dù bị tổn thất khá nhiều do chiến tranh, mức lợi nhuận của chúng ta tháng rồi vẫn cao hơn sự ước định. Nếu không có gì xảy ra, với đại hội võ lâm gần kề, trong hai tháng tới chúng ta càng thu vào nhiều hơn nữa.
‒ Về quân trang, quân dụng và sự chuẩn bị của Khánh An như thế nào?
Trương Quân thay cháu ruột trả lời:
‒ Thưa Bang Chủ. Kho quân trang của chúng ta bị ma giáo cướp và đốt phá nên bị thiệt hại nhiều. Thuộc hạ đã trích từ trong công khố ra mua để thay thế. Quân dụng ít bị hao hụt hơn vì lúc đó chúng ta đã hay tin và kịp đề phòng. Về sự chuẩn bị thì Khánh An lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng, chỉ cần nửa ngày là toàn bộ lực lượng có thể đi xa và tham chiến được ngay.
Trương Quân ngừng lại, chỉ một tập sách:
‒ Hai hôm trước Tổng Đàn mới đưa đến Khánh An 500 bang chúng nữa theo lời yêu cầu của Bang Chủ. Vì số người này sẽ không trực thuộc lực lượng của Tế Tác Đường nên thuộc hạ giữ lại, đúc kết văn bản rồi phân chia công việc. Nay thuộc hạ trình lên cho Bang Chủ rõ.
Trần Triệu Quốc Nguyệt cầm tập sách lên, xem lướt qua và nói:
‒ Được rồi, cứ theo vậy mà làm. Tôi không muốn tình trạng chúng ta bị tấn công bất ngờ xảy ra lần thứ hai.
Quách Lăng hỏi Trần Triệu Quốc Nguyệt:
‒ Thưa Bang Chủ, tất cả số người mới đến đều đóng ở Khánh An hay chia ra một phần đóng ở Khánh Thịnh? Theo ý riêng của thuộc hạ thì Khánh Thịnh cũng cần thêm người để giúp sửa chữa thuyền bè. Từ Khánh Thịnh ra biển gần hơn Khánh An.
‒ Chúng ta sẽ phân ra làm hai, một nửa ở Khánh An, một nửa ở Khánh Thịnh.
Quay sang Trương Quân nàng nói thêm:
‒ Tôi nhờ bác triệu tập lại những người mới đến để tôi duyệt quân.
‒ Dạ thuộc hạ cũng có ý đó. Thuộc hạ sẽ cho triệu tập ngay để cho Bang Chủ ủy lạo và ban khẩu dụ.
Trương Quân đi ra ngoài trong khi đó nàng cùng Quách Lăng, Trương Nghị tiếp tục duyệt sổ sách. Một lát sau Trương Quân trở lại:
‒ Thuộc hạ đã chuẩn bị xong.
Năm nay Trương Quân tuổi gần sáu mươi nhưng tinh thần còn rất sáng suốt. Khuôn mặt bầu bĩnh kèm theo một thân thể phì nộn nên dáng đi đứng của ông cục mịch. Trên đầu ông tóc chỉ còn loe hoe mấy cọng. Trần Triệu Quốc Nguyệt rất hài lòng về sự trung thành và tài cán của ông. Trong Giao Long Bang ông thuộc ban “văn” vì có tài tổ chức, cai trị và quán xuyến công việc. Khánh An do ông và Trương Nghị trông coi từ trên xuống dưới và có thể thay mặt nàng quyết định mọi thứ. Cùng với Triệu Hòa Vinh, Đinh Văn Tú và Hồ Trường Giang Linh, ông là một trong bốn vị thống lĩnh dưới quyền Trần Triệu Quốc Nguyệt. Hai bác cháu Trương Quân đều không biết võ công nên nàng tỏ ý quan hoài:
‒ Mới đây đoàn người đưa kinh của phái Tiêu Sơn toàn bộ bị ám sát. Võ công cùng kinh nghiệm của hòa thượng Giác Trí mà còn bị chết hung, tôi lo ngại sự an nguy cho bác cháu hai người.
Hai bác cháu Trương Quân vô cùng cảm động:
‒ Đa tạ Bang Chủ lo lắng. Thuộc hạ sẽ hết sức cẩn thận trong công việc của mình.
‒ Nhớ là đi ra ngoài là phải có nhiều người thân tín cạnh bên bảo vệ. Tiếc là Giang Linh bị trọng thương, không thì tôi để vợ chồng anh Lăng ở lại đây bảo vệ cho hai người.
‒ Dạ, thuộc hạ đội ơn Bang Chủ thương yêu. Thuộc hạ lớn tuổi rồi không nói, chỉ lo cho đứa cháu.
Ông đưa mắt nhìn đứa cháu Trương Nghị hai mươi lăm tuổi mặt mũi sáng sủa:
‒ Tiếc là thằng nhóc này chỉ thích ngồi một chỗ coi kho đếm tiền mà không chịu học võ, không thì đâu đến nỗi. Mà từng tuổi này rồi nó còn chưa chịu lấy vợ. Rõ khổ.
Trương Nghị cười hề hề chứ không nói.
‒ Bây giờ đến vấn đề chính. Chúng ta phải điều tra cho rõ cái chết của hòa thượng Giác Trí và những người khác. Ý của ông là như thế nào?
Trương Quân gãi cằm suy nghĩ:
‒ Trần Cung có báo qua cho thuộc hạ tất cả chi tiết. Cái nghi lớn nhất là Lương Quy. Ngoài chúng ta ở đây ra, người của Lương Quy cũng biết rõ được các ngõ ngách từ đây đến Khánh Thịnh. Chỉ việc hung thủ biết rõ thời gian và địa điểm là một điều đáng sợ, hơn nữa võ công và chiêu thức càng hiểm ác.
Quách Lăng hỏi hai bác cháu Trương Quân:
‒ Hai người có ai biết một người tên là Lê Quý hay không?
Cả hai cùng lắc đầu. Đến lúc đó Trần Cung từ bên ngoài đi vào quỳ xuống thưa:
‒ Thưa Bang Chủ thuộc hạ đã ngấm ngầm cho người bao vây Lương Quy lại rồi.
‒ Được rồi, chút nữa đích thân tôi sẽ đến đó. Bây giờ tôi muốn đi xem bãi đóng thuyền, sau đó duyệt quân.
Nàng cùng Trương Quân, Trương Nghị, Quách Lăng đi đến bãi đóng thuyền. Bến đò Khánh An nằm trên con đường chính dẫn đến Khánh Thịnh. Phía đông xuôi về hạ lưu của sông Đáy là Lương Quy. Phía tây về hướng thượng lưu là bãi đóng thuyền. Thuộc hạ của Giao Long Bang nhịp nhàng phân công, người xẻ gỗ kẻ sơn dầu. Tiếng cưa, tiếng búa đều đặn. Mặc dù thấy Trần Triệu Quốc Nguyệt đến, họ chỉ chào hỏi nhưng không ngừng công việc. Trương Nghị dẫn nàng đi xem các chiếc thuyền một lượt. Nàng có hỏi đám thuộc hạ nhưng không ai biết Lê Quý.
Neo ở đầu bãi đóng thuyền là một chiếc thuyền to lớn hơn cả. Đầu thuyền mang hình con cá đuối. Hai bên thuyền vẽ hình các loài thủy quái một cách tinh vi. Phần bánh lái được đục đẽo theo kiểu đuôi con cá đuối. Trên cột buồm ở giữa có treo một lá cờ hiệu của Giao Long Bang, dưới đề chín chữ: Giao Long Tam Bang Chủ Trần Triệu Quốc Nguyệt. Hai bên mạn thuyền có để tên: Giao Long Thuyền ‒ Thương Hải Minh Nguyệt. Lúc bấy giờ trên thuyền có một người phóng xuống chạy đến, hắn chính là Đàm Siêu lúc nãy:
‒ Thuộc hạ Đàm Siêu tham kiến Bang Chủ. Chiếc soái chu “Biển Xanh Trăng Sáng” của Bang Chủ lâu ngày không dùng, bụi dơ đóng đầy nên hồi sáng thuộc hạ có bảo các anh em dùng nước muối rửa thuyền. Thuộc hạ mới đích thân xem xét lại xong.
Trần Triệu Quốc Nguyệt gật đầu. Đàm Siêu cúi chào rồi đi ngay thì nàng hỏi hắn:
‒ Trong Lương Quy anh có biết ai tên Lê Quý hay không?
Đàm Siêu ngẫm nghĩ chốc lát rồi trả lời:
‒ Thưa Bang Chủ thuộc hạ có biết một người tên Lê Quý và biết luôn nhà của hắn nữa.
‒ Anh đi theo tôi, chút nữa tôi nhờ anh dẫn đường.
‒ Dạ!
Trương Quân đưa nàng cùng Quách Lăng đi đến bãi đất trống của Khánh An dùng làm lễ hội và luyện tập quân. Năm trăm bang chúng của Giao Long Bang quân phục chỉnh tề, hàng ngũ ngay ngắn, gươm giáo sẵn sàng đang đứng nghiêm trang chờ nàng đến. Trương Quân phất cờ lệnh, họ lập tức quỳ xuống tung hô:
‒ Tham kiến Tam Bang Chủ.
Trần Triệu Quốc Nguyệt nói lớn:
‒ Tất cả miễn lễ. Tôi nhờ Trương Thống Lĩnh điều quân.
Trương Quân cho nổi trống lệnh lên rồi phất cờ làm hiệu. Đám bang chúng cứ theo tiếng trống thúc quân, tiếng cờ lệnh mà chia thành đội ngũ tiến thoái nhịp nhàng. Khi thì xung sát, khi thì bao vây, khi thì rút lui, v.v. tất cả đều có thứ tự. Sau nửa canh giờ duyệt quân thì Trương Quân lại cho họ đứng sắp hàng ngay ngắn như lúc đầu. Trần Triệu Quốc Nguyệt cảm thấy hài lòng về sự huấn luyện thuộc hạ một cách kỹ càng của tổng đàn. Nàng đến trước nói đôi lời khuyến khích. Sau đó nàng quay sang hỏi ý Trương Quân và Quách Lăng:
‒ Rằm tháng này chúng ta có luyện tập thủy trận. Hai người hãy để nhóm bang chúng này vào vai trò chính để tôi xem họ thể hiện ra sao.
‒ Dạ Bang Chủ.
Sau khi giải tán, Trần Triệu Quốc Nguyệt cho gọi Trần Cung đến hỏi xem Lương Quy có làm việc gì khả nghi không thì Trần Cung báo không có. Nàng cùng Quách Lăng và Đàm Siêu đi về hướng Lương Quy. Trần Cung cho xe chở xác chết theo sau. Bác cháu Trương Quân ở lại tiếp tụ lo phận sự. Quách Lăng hỏi Đàm Siêu:
‒ Theo nhận xét của đội trưởng Lê Quý là người như thế nào?
‒ Dạ thưa Phó Thống Lĩnh, hai vợ chồng Lê Quý tuổi trên năm mươi có một cái quán nước nhỏ ở ven sông. Đứa con gái duy nhất đã lấy chồng xa nên nhà cũng hịu quạnh lắm. Hắn thường ra vào Quy Lâm đốn củi về làm than. Hắn ít giao thiệp với thuộc hạ bản Bang và ngược lại, thuộc hạ bản Bang cũng ít qua lại với người ở Lương Quy. Khoảng một năm nay vợ hắn bị bệnh nặng, lại không tiền thuốc thang, nghĩ cũng tội. Cũng may nhờ có đệ tử Y Dược Đường mỗi tháng một lần đến chẩn bệnh và cho thuốc không lấy tiền nên tính mạng còn giữ đến hôm nay.
Trần Cung ngạc nhiên:
‒ Huynh sao lại rõ việc của Lương Quy đến thế? Ngược lại tiểu đệ không biết gì cả.
Trần Cung và Đàm Siêu là một đôi bạn thân và giữ chức vụ đội trưởng như nhau. Đàm Siêu trả lời:
‒ Tại vì thỉnh thoảng tiểu đệ đến đấy uống nước và la cà hỏi chuyện. Huynh thì nửa bước cũng chưa từng vào Lương Quy.
Trần Cung gật đầu, chỉ cái xác chết trên xe:
‒ Huynh có biết người này là ai không?
Đàm Siêu quan sát cái xác chết bị cháy nát mặt mũi lắc đầu:
‒ Đệ không biết người này và cũng không biết tất cả những người ở Lương Quy.
Quách Lăng hỏi thêm:
‒ Người của Y Dược Đường đến thăm bệnh là do đội trưởng nhìn thấy hay do hỏi thăm được?
‒ Là vì do thuộc hạ thấy đệ tử Y Dược Đường thường xuyên lui tới nên lân la làm quen và góp nhặt được ít nhiều.
‒ Ai ở trong Y Dược Đường thường hay lui tới?
‒ Khi thì đệ tử thứ năm của Ngọc Thủ Đại Phu là Tô Tử Dương, khi thì đệ tử thứ sáu là Hoàng Linh Chi.
‒ Làm sao họ biết vợ Lê Quý có bệnh mà đến giúp?
Đàm Siêu đã thấy quán nước gần một bụi cây ở ven sông. Những người sống rải rác hai bên sông, xuôi ngược giòng nước để đánh cá thường ghé qua quán này. Bang chúng của Giao Long Bang tuy ở gần bên nhưng rất hiếm khi đến làm khách. Đàm Siêu chỉ quán nước rồi trả lời:
‒ Đệ tử Y Dược Đường đi khắp nơi tìm bệnh nhân mà chữa trị chứ không để bệnh nhân tìm đến. Họ cũng thường ra vào trại của chúng ta xem bệnh hốt thuốc. Họ đến Lương Quy nhiều hơn vì toàn là dân nghèo, đời sống thiếu thốn không như các huynh đệ trong Bang.
Quách Lăng gật đầu không hỏi gì thêm. Đến gần quán nước Quách Lăng thì thầm với nhỏ to với Đàm Siêu một lúc rồi bảo Đàm Siêu đứng lại chờ. Chàng và Trần Triệu Quốc Nguyệt đi vào trong quán.
Gọi là quán nước chỉ là thuận miệng vì không có chữ khác để gọi. Một mái tranh nhỏ không còn đủ sức che nắng mưa và hai cái bàn cùng năm chiếc ghế đã xiêu vẹo làm thành quán nước ấy. Quán nước không những tồi tàn mà còn dơ dáy, ruồi nhặng đậu hàng đàn. Sau quán nước có một lối đi nhỏ dẫn đến một ngôi nhà không kém phần hư hỏng. Trong quán có một người đàn ông tiều tụy, già nua, gầy còm. Có lẽ năm tháng sống cực khổ làm cho con người già trước tuổi. Người ấy lưng khòm và mái tóc đã không còn mấy cọng màu đen. Cùng với nước da trải bao niên kỷ của thời gian Trần Triệu Quốc Nguyệt không đoán được người chủ quán đúng bao nhiêu tuổi. Bấy giờ là giữa giờ Thân mà người chủ quán vẫn còn ngồi ngủ gục bên quầy. Nghe có người đến ông choàng tỉnh dậy. Đôi mắt của ông lờ mờ nhìn toán người Giao Long Bang mới đến và ngơ ngác chào:
‒ Xin chào cô cậu, cô cậu đến đây…
Có lẽ ông không tin vào hai mắt của mình có người đến quán nước vào lúc này. Ông cuống lên, loay hoay mãi mà vẫn chưa bước được ra ngoài. Đôi tay vụng về hết cầm bát rồi lại phủi mặt bàn. Dường như chính ông không rõ phải làm việc nào trước, việc nào sau. Trần Triệu Quốc Nguyệt đến gần lão mỉm cười nói nhỏ:
‒ Ông cho tôi hai bát nước vối. Tôi có chút chuyện hỏi ông.
Sau một lúc ngỡ ngàng ông chủ quán bình tĩnh trở lại. Ông định rót ra hai bát nước nhưng rồi ngừng lại và hỏi:
‒ Không biết hai vị muốn uống nước nóng hay nguội? Nếu nóng thì phải chờ một lát cho già nổi lửa hâm nước chứ bây giờ siêu không ở trên lò.
Quách Lăng trả lời:
‒ Cứ để vậy được rồi.
‒ Dạ.
Ông rót ra hai bát nước đem để lên cái bàn Trần Triệu Quốc Nguyệt đang ngồi, sau đó mới đem bình nước ra. Trần Triệu Quốc Nguyệt chăm chú nhìn mọi động tác của ông trong khi đó Quách Lăng không ngồi xuống mà đi xung quanh quán nhìn một lượt. Trần Triệu Quốc Nguyệt hỏi:
‒ Không biết năm nay ông bao nhiêu tuổi và nhà gồm có những ai?
Ông chủ quán với đôi mắt lờ mờ mệt mỏi do trải nhiều phong trần cũng không khỏi thoáng chút ngạc nhiên. Ông chăm chú nhìn nàng. Trước mặt ông là một cô gái trẻ tuổi, nhan sắc xinh đẹp mà ông chưa từng gặp qua bao giờ. Ông không biết nàng hỏi ông như vậy có dụng ý gì. Đắn đo suy nghĩ một lúc ông mới trả lời:
‒ Già tên Lê Quý năm nay đã ngoài năm mươi. Già chỉ có một gái tuổi nhỏ hơn cô đôi chút đã lấy chồng xa. Trong nhà còn có một vợ bị bệnh nặng hơn một năm nay.
‒ Vậy thế vợ ông bị bệnh gì mà hơn một năm nay chưa khỏi?
Lê Quý buồn rầu than thở:
‒ Cô xem, nhà già nghèo thế này làm gì có tiền thuốc thang. Bu nó chưa chịu bỏ già ở lại một mình già thầm cảm ơn trời bụt rất nhiều. Còn bệnh gì thì già không biết rõ. Người trị bệnh cho bu nó chỉ nói là bệnh tý chứng của người già. Đã vậy thì chớ, nhà có mỗi một con trâu mà sáng nay cũng bị trộm mất. Thật là già chưa biết phải làm sao đây.
Nghe nói đến trâu, Trần Triệu Quốc Nguyệt và Quách Lăng chỉ nhìn nhau. Quách Lăng hỏi Lê Quý:
‒ Vậy ông có biết bệnh tý chứng là bệnh gì không? Còn người chữa bệnh cho vợ ông là ai?
Lê Quý rất đỗi ngạc nhiên vì tự nhiên có người lạ mặt đến hỏi tình trạng trong nhà lão. Lê Quý nghi ngờ:
‒ Không biết cô cậu là ai, đến hỏi già nhiều chuyện, chẳng hay có việc gì không?
Quách Lăng chỉ Trần Triệu Quốc Nguyệt giới thiệu:
‒ Đây là Tam Bang Chủ của Giao Long Bang, đường chủ Tế Tác Đường của Long Võ Trang. Nghe tin ông nghèo khổ, biết đâu Bang Chủ tôi không mủi lòng mà giúp đỡ ông ít nhiều.
Lê Quý ngơ ngơ ngác ngác hỏi lại:
‒ Bang chủ Giao Long Bang? Tế Tác Đường? Là cái gì vậy?
Quách Lăng giải thích:
‒ Chắc là ông biết nhóm người của bến đò đằng kia chứ? Cô gái này là vị thủ lĩnh và tất cả những người đó đều là thuộc hạ dưới quyền.
Lê Quý chợt hiểu, xuýt xoa:
‒ À à còn trẻ mà làm lớn quá nhỉ. Chắc nhà của cô giàu có lắm lắm.
Lê Quý thở dài:
‒ Cả Lương Quy này không có ai nghèo hơn già này. Đã vậy còn bị chó cắn áo rách.
‒ Chúng tôi có một việc nhờ đến ông. Nếu ông giúp đỡ tận tình chúng tôi sẽ trả công rất hậu.
Nghe Quách Lăng nói Lê Quý mắt sáng lên:
‒ Ô hay có việc gì cần đến sức già, già sẽ tận tâm tận sức mà làm.
Quách Lăng gọi Trần Cung cho kéo xe đến. Cái xác chết trên xe giờ bây giờ bắt đầu tím đen lại, vết máu đã khô từ lâu. Trần Triệu Quốc Nguyệt chỉ tử thi mặt đã bị cháy nát:
‒ Tôi nhờ ông xem xét cái xác chết kia ông biết là của ai không?
Vừa thấy xác chết Lê Quý sợ run lên bần bật, lão quay mặt đi chỗ khác không dám nhìn, miệng lão nôn mửa ra. Trần Triệu Quốc Nguyệt vỗ về:
‒ Dù sao cũng là xác chết, không có gì đâu mà sợ. Ông giúp tôi nhận diện xác chết, tôi sẽ giúp lại ông có một nơi khang trang để ở và giúp tiền chữa bệnh cho vợ ông.
Lê Quý nghe nói, bất đắc dĩ lắm mới đến gần xác chết ngắm nghía một lúc:
‒ Già không nhận ra được mặt mũi của người này. Dựa vào thân hình già cũng không biết là ai, dường như là còn trẻ. Mọi người trong Lương Quy này già đều biết mặt. Già không nghe láng giềng nói có người bị mất tích hoặc chết.
Quách Lăng hỏi lại:
‒ Thật sự ông không biết?
Lê Quý chỉ tay thề thốt:
‒ Già nói dối cô cậu làm gì. Già thề sống thề chết là không biết người này.
‒ Được rồi. Nếu không có người thân nhận xác, chúng tôi cho đem chôn vậy.
Trần Triệu Quốc Nguyệt ra lệnh cho Trần Cung đem xác chết đến bìa rừng mai táng tử tế. Trần Cung vâng lệnh thi hành ngay. Trần Triệu Quốc Nguyệt lại ngồi xuống bàn, hai bát nước vối vẫn còn để nguyên. Lê Quý cũng ngồi xuống, sắc mặt của ông không còn tái mét như lúc nãy, giọng nói buồn buồn:
‒ Xem ra già này vẫn còn tốt số hơn người bị chết thảm kia.
Nhưng rồi Lê Quý mỉm cười nói tiếp:
‒ Đã nghèo mà còn bệnh đau thì khổ cực không gì bằng. Nhưng nếu xét lại chưa chắc đã phải nghĩ ngợi, lo lắng, suy tính nhiều như những người làm lớn. Có khi những việc ấy còn đưa đến tuổi trẻ chết oan như người kia. Già nói vậy có đúng không?
Trần Triệu Quốc Nguyệt trầm ngâm suy nghĩ lời nói của Lê Quý. Lê Quý nói tiếp:
‒ Trả lời câu hỏi ban nãy, bệnh tý chứng là gì già không biết. Thầy thuốc có giải thích một thôi một hồi mà già có hiểu gì đâu.
Quách Lăng hỏi thêm:
‒ Vậy người chữa bệnh của lão tên gì và từ đâu đến?
‒ Có hai người từ Long Võ Trang Y Dược Đường thường xuyên đến đây. Một người tên Tô Tử Dương, một người tên Hoàng Linh Chi.
Nói đến đó Lê Quý ngẩn người như tìm ra một cái gì đó:
‒ Hai cô cậu cũng từ Long Võ Trang. Ô hay, cùng Long Võ Trang nhưng tại sao lại có tên khác vậy? Y Dược Đường? Tế Tác Đường?
Quách Lăng trả lời cho qua:
‒ Tại vì ở nhiệm vụ khác nên có tên khác. Mà này, hai người kia có thường hay ra đây không?
Lê Quý tỏ ý nghi ngờ:
‒ Không biết giữa hai cô cậu và hai thầy thuốc kia là chỗ thế nào? Già thấy hai cô cậu cũng hay tò mò đến chuyện người khác đấy nhé.
Lê Quý lắc đầu:
‒ Có lẽ tuổi trẻ hiếu động. Cứ như già không xen vào việc của ai nên an nhàn. Già sống hơn nửa đời người nên nhận ra rằng hay tò mò vào chuyện người khác là việc không nên làm. Đôi khi còn nguy hiểm nữa.
Trần Triệu Quốc Nguyệt khẽ nhếch môi nở một nụ cười phớt:
‒ Cám ơn ông chủ có ý lo lắng. Theo chỗ hiểu biết của tôi thì một người tỏ ý lo lắng đến người khác đôi khi cũng không phải là việc tốt, đúng không?
Lê Quý bị Trần Triệu Quốc Nguyệt bắt bẻ nên cười lớn:
‒ Đúng là tuổi trẻ có khác. Già này xin chịu thua, nói không lại cô.
Ba người cùng cười vang lên xem ra rất đắc ý. Quách Lăng ra đến bờ sông để xem cảnh vật xung quanh quán. Trần Triệu Quốc Nguyệt nhìn hai bát nước từ nãy đến giờ vẫn còn để nguyên. Mùi thơm phảng phất từ hai bát nước vối tinh khiết trộn lẫn với mùi hôi thối từ bàn ghế tạo thành một thứ mùi đặc biệt làm nàng cảm thấy lờm lợm. Xung quanh bây giờ không có ruồi nhặng. Nàng suy nghĩ đến cái chết của người trong Hoằng Giáo Đường, của người thường dân không biết bao lâu. Sau lưng có người nói lớn làm Trần Triệu Quốc Nguyệt bừng tỉnh. Nàng mãi nhìn hai bát nước suy nghĩ vẩn vơ, nhờ có Đàm Siêu kéo nàng trở về thực tại:
‒ Trình Tam Bang Chủ chúng ta đã điều tra ra được tung tích của hung thủ.
Trần Triệu Quốc Nguyệt cùng Quách Lăng giật mình nhìn Đàm Siêu. Đàm Siêu nói tiếp:
‒ Thuộc hạ mới nhận được tin từ Long Võ Trang cho biết đã tìm được tung tích của hung thủ, xin Bang Chủ theo thuộc hạ.
Đàm Siêu chưa nói dứt thì Trần Triệu Quốc Nguyệt đã đi được hai trượng nhưng trong lòng đầy tự trách. Nàng đã quá sơ tâm, suy nghĩ đến thất thần, không còn nhận ra cảnh vật xung quanh cho đến khi thuộc hạ lên tiếng. Nàng cũng không quên để lại một quan tiền trên bàn, động tác vô cùng nhanh nhẹn. Tự nhiên người nàng hơi rùng mình vì cảm thấy một luồng sát khí bao vây lấy thân nàng. Nó chỉ thoáng qua trong một sát na ngắn ngủi rồi mất. Nàng quay đầu lại nhìn nhưng chân không dừng bước. Quách Lăng theo sát phía sau còn Lê Quý vẫn ngồi yên một chỗ với đôi mắt thờ thẫn pha lẫn ngạc nhiên nhìn theo. Nàng lướt thân hình qua khỏi Đàm Siêu và hỏi hắn:
‒ Hung thủ ở đâu?
‒ Dạ ở trong Long Võ Trang.
‒ Sự tình ra sao?
Đàm Siêu vừa dùng khinh công đuổi theo nàng vừa trả lời:
‒ Dạ Tế Tác Đường báo tin ra ngoài này là đã tìm ra hung thủ. Sự tình ra sao thuộc hạ không rõ.
‒ Được rồi, đội trưởng cứ tiếp tục lo công việc của mình.
‒ Dạ!
Đàm Siêu “dạ” chưa dứt thì khoảng cách của hắn và Trần Triệu Quốc Nguyệt đã gần bốn trượng. Hắn định nói với Quách Lăng vài câu nhưng chợt nhận ra Quách Lăng đã theo sát Tam Bang Chủ. Đàm Siêu lắc đầu nói lớn:
‒ Khinh công của hai người lẹ quá.
‒ Còn phải nói. Đâu có ai tệ như hai người mình. Ha ha ha.
Đàm Siêu quay đầu nhìn Trần Cung lúc đó vừa mới đến:
‒ Mà dường như khinh công của huynh đệ mình không bằng ai.
‒ Trong lúc Bang Chủ nói chuyện huynh có điều tra được gì không?
Đàm Siêu nhìn dáo dác xung quanh. Lúc này hai người đã ra khỏi Lương Quy:
‒ Đệ đi xung quanh xem xét những ngôi nhà hàng xóm của Lê Quý. Toàn là cửa đóng im ỉm, không có ai bên trong nhưng vật dụng đầy đủ. Có lẽ họ đi đánh cá, chăn trâu hay đốn củi gì đó chưa về. Nhà của Lê Quý cũng thế, bên trong có người bệnh. Phía sau nhà có một cái chuồng trâu nhưng không có con nào. Bên cạnh chuồng trâu là một cái ngõ đâm thẳng ra con đường An Thịnh.
Trần Cung gật gù:
‒ Đệ cũng không thấy có điểm nào khả nghi. Con ngõ đó đệ đi tới đi lui mấy lần, không tìm thấy gì.
‒ Thôi chúng ta trở vào Khánh An và trình bày lên Trương Thống Lĩnh.
‒ Được thôi.
Hai người bạn sánh vai nhau đi tìm Trương Quân.
————————
Ghi chú:
(1) Năm 43 sau Công Nguyên.
(2) Thanh Hoa là tên cũ của Thanh Hóa.
(3) Cửa Kim Đài, nơi sông Vạc đổ vào sông Đáy.
(4) Quần đảo Bành Hồ nằm ở eo biển Đài Loan, thuộc nước Đài Loan ngày nay.
(5) Thiên Phù Duệ Võ (1120‒1126) là một niên hiệu của vua Lý Nhân Tông (1072‒1127).
(6) Linh Nhân Thái Hậu chính là Ỷ Lan Phu Nhân, cô gái hái dâu được vua Lý Thái Tông đem vào cung. Tên thật của bà là Lê Thị Yến Loan.
(7) Tếch, còn gọi là giá tỵ hoặc báng súng, tên khoa học là Tectona grandis. Tếch không có mọc trong thiên nhiên ở Việt Nam mà chỉ phân bố ở Ấn Độ, Miến Điện và Thái Lan là ba quốc gia chính. Nhiều thế kỷ trước tếch được du nhập vào Nam Dương và được người bản địa gọi là jati. Khoảng năm 1955 tếch được du nhập vào Việt Nam lần đầu tiên và trồng ở Đồng Nai. Giá tỵ là do jaji phiên âm thành. Thời xưa, tếch là loại gỗ chính người Ấn dùng đóng thuyền. Tếch cũng là một trong những lý do chính mà Đế Quốc Anh xâm lược Miến Điện.
(8) Giáng hương (Pterocarpus cambodianus) và gõ đỏ (Afzelia xylocarpa) đều thuộc họ đậu (Fabaceae). Những cây thuộc họ đậu đều có đặc tính chung làm lợi đất. Rễ cây cộng sinh với một số vi trùng có thể biến nitro trong không khí thành phân bón cho cây.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.