Chiều ngày 4 tháng 7 khi Trần Triệu Quốc Nguyệt đang khao quân ở phủ Trường Yên thì thủy trại tạm thời của Giao Long Bang trên một hòn đảo nhỏ cách thị trấn Bắc Hải của Tống không xa cũng đang nhộn nhịp. Gió trời lồng lộng, mây trải bốn phương, sóng vỗ rì rào, các chiến thuyền Giao Long Bang rẽ lối tuần phòng quanh đảo theo điệu nước nhấp nhô. Tà dương dần lặng về tây nhuộm vàng bầu trời xanh biếc.
Ở bãi biển có hai chiếc soái chu đang neo bờ. Chiếc có tên Giao Long Thuyền ‒ Đức Hải Vĩnh Hoa treo lá cờ màu vàng viền đỏ và đề chín chữ: Giao Long Đại Bang Chủ Trần Triệu Quốc Hoa. Chiếc kia mang tên Giao Long Thuyền ‒ Hương Hải Phương Dung treo lá cờ màu đỏ sẫm và đề chín chữ: Giao Long Nhị Bang Chủ Trần Triệu Quốc Dung. Hai lá soái kỳ phất phơ ngạo nghễ với trùng dương. Bang chúng Giao Long Bang nghiêm mật tuần hành qua lại trên hai chiếc thuyền.
Xa xa từ hướng tây một chiếc thuyền căng buồm rẽ sóng hướng đến thủy trại của Giao Long Bang. Lập tức một đội thuyền dàn ngang chặn lại. Khi chiếc thuyền đến gần, đôi bên nhận ra đều là người nhà nhưng đội hình vẫn không thay đổi. Một cô gái khoảng 21 tuổi trên chiếc thuyền mới đến bước ra ngoài chào hỏi:
‒ Sứ giả của Ngũ Bang Chủ là Nguyễn Tử Mộng Linh xin đến gặp Đại và Nhị Bang Chủ. Em nhờ anh Vũ Giang mở đường.
Người thủ lĩnh của đội thuyền tên Vũ Giang 26 tuổi đã nhận ra chiếc thuyền của Nguyễn Tử Mộng Linh từ sớm, nhưng vì phận sự hắn phải chận lại. Nghe Nguyễn Tử Mộng Linh nói, Vũ Giang cười vui vẻ:
‒ Đại Bang Chủ căn dặn anh ở đây đón em, nào chúng ta cùng đi. Ở Tổng Đàn vẫn bình thường chứ? Ngũ Bang Chủ vẫn an khang chứ?
Nguyễn Tử Mộng Linh mỉm cười, nụ cười xinh đẹp như hoa xuân buổi sớm:
‒ Dạ mọi việc vẫn bình thường. Ngũ Bang Chủ thì bận rộn suốt ngày thôi.
Vũ Giang cho chiếc thuyền của hắn tách khỏi đội hình để cùng chiếc thuyền của Nguyễn Tử Mộng Linh đi song song với nhau hướng đến đảo nhỏ. Vũ Giang nói:
‒ Đại và Nhị Bang Chủ cùng những thủ lĩnh và đội trưởng đều ở trên chiếc Đức Hải Vĩnh Hoa của Đại Bang Chủ. Em lên thuyền anh rồi chúng ta cùng đến gặp hai vị ấy.
Nguyễn Tử Mộng Linh đề khí, nàng tung người lên cao vọt qua chiếc thuyền của Vũ Giang rồi đáp xuống nhẹ nhàng. Nàng đi đến mũi thuyền đứng cạnh hắn. Đám thuộc hạ trầm trồ khen ngợi khinh công của nàng thì ít mà vì nàng như tiên nữ hạ phàm thì nhiều. Vũ Giang cho thuyền neo bến song song với chiếc Đức Hải Vĩnh Hoa. Vũ Giang nói lớn:
‒ Thuộc hạ Vũ Giang, thống lĩnh tả đạo cùng với sứ giả của Ngũ Bang Chủ kiêm thống lĩnh là Nguyễn Tử Mộng Linh xin được gặp mặt Đại và Nhị Bang Chủ.
Lập tức có lệnh ban ra:
‒ Không cần đa lễ, hai người cứ lên thuyền.
Đám thuộc hạ trên thuyền dàn ra nghiêm chỉnh nghinh đón hai người thống lĩnh. Vũ Giang và Nguyễn Tử Mộng Linh cùng lên thuyền rồi vào trong khoang.
Chiếc Đức Hải Vĩnh Hoa dài tám trượng, rộng hai trượng, có ba cột buồm và ba tầng. Tầng dưới cùng dùng để chứa vật dụng và võ khí. Tầng giữa là tầng chính được chia ra ba phần. Phần mũi làm nơi trị thương, chữa bệnh. Phần giữa là nơi ăn ngủ của bang chúng. Phần lái thuyền là gian phòng của bang chủ. Tầng trên cùng để những giàn vũ khí chính của thuyền cùng với vật dụng khác. Nơi lái thuyền là căn phòng nhỏ cho bang chủ dùng để ăn uống và chỉ huy. Mỗi vị bang chủ Giao Long Bang có riêng một chiếc soái chu. Tuy mỗi chiếc có biểu tượng và hình vẽ các loại thủy quái khác nhau, kích thước và kiểu thuyền đều y chang như một.
Hai vị bang chủ dùng tầng giữa làm nơi nghị sự. Những yếu nhân của hai hải đội Giao Long Bang đều có mặt đầy đủ. Họ ngồi hướng mũi thuyền nhìn về lái thuyền còn hai vị bang chủ ngồi ở hai cái cái bàn nhỏ phía lái thuyền nhìn về mũi. Vũ Giang và Nguyễn Tử Mộng Linh vừa bước vào đã nghe tiếng của Nhị Bang Chủ Trần Triệu Quốc Dung khoảng 24 tuổi mặc y phục màu đỏ nói với cô gái mặc áo vàng ngồi cạnh bên:
‒ Cứ nhớ lại sắc mặt của gã Vương Học Siêu hồi sáng nay mà em thấy buồn cười quá chị ạ.
Cô gái ngồi cạnh bên khoảng 25 tuổi là Trần Triệu Quốc Hoa uy nghiêm đoan chính. Nàng mặc một bộ quần áo màu vàng lợt bình thường, không lòe loẹt kiểu cách thường thấy ở những người chấp chưởng quyền hành của một bang phái. Nét bệ vệ đài các của nàng không biểu lộ ở ánh mắt hay lời nói nhưng những người xung quanh không ai không tôn kính và tuân phục. Nàng khẽ mỉm cười:
‒ Hắn tự xưng là cánh tay phải của Đông Hải Long Vương mà không rõ chủ trương của Long Vương, không quyết đoán được chuyện gì.
‒ Vương Học Siêu được võ lâm Hoa nam khen nào là tài trí vô song, mưu chước kinh người, em xem cũng bình thường. Người to lớn mà lá gan như con chuột nhắt. Thế mới biết tiếng đồn trên đời khó có thể tin được mấy phần.
‒ Ở trước mặt em thì đa số người trong thiên hạ đều bình thường.
Vũ Giang dẫn Nguyễn Tử Mộng Linh đến trước mặt hai cô gái:
‒ Thuộc hạ đã đưa sứ giả của Tổng Đàn đến thưa với hai vị Bang Chủ.
‒ Thuộc hạ kính chào hai vị Bang Chủ.
Nhị Bang Chủ Trần Triệu Quốc Dung đích thân đỡ hai người đứng lên trong khi đó Đại Bang Chủ Trần Triệu Quốc Hoa điềm đạm thốt:
‒ Thống lĩnh Vũ Giang ngồi vào chỗ rồi uống chung trà cho ấm bụng.
‒ Dạ vâng Đại Bang Chủ.
Vũ Giang đi đến vị trí của hắn rồi ngồi xuống. Bàn của hắn đã có sẵn một bình trà và một cái chén. Trần Triệu Quốc Hoa chỉ vào một cái bàn trống được kê lệch sang một bên rồi chỉ cho Nguyễn Tử Mộng Linh:
‒ Bản tòa mời sứ giả ngồi xuống rồi chúng ta bắt đầu nghị sự.
Một viên thư lại chuẩn bị bút mực để ghi chép những quyết định lớn nhỏ. Nguyễn Tử Mộng Linh được dâng nước và khăn lau mặt. Nàng làm sứ giả nhiều lần nên không lạ với những lễ nghi này. Nàng biết rõ đối với các vị bang chủ khác thì có thể xuề xòa nhưng Đại Bang Chủ lúc nào cũng đủ lễ với thuộc hạ. Đợi cho nàng lau mặt và uống nước xong, Trần Triệu Quốc Hoa mới hỏi:
‒ Trước hết em nói cho chị biết sức khỏe của mẹ chị, sức khỏe của Cá Hồi, của hai thống lĩnh Phùng Vĩnh Đức, Phùng Diễm Linh, vết thương của thống lĩnh Hồ Trường Giang Linh, rồi đến công việc của bản Bang ở Tổng Đàn, những khó khăn Cá Chép đang gặp phải và Cá Đuối ở Long Võ Trang có gặp nhiều phiền phức hay không.
Nguyễn Tử Mộng Linh đưa ra một phong thư rất dầy. Một người thuộc hạ trình lên Trần Triệu Quốc Hoa. Nguyễn Tử Mộng Linh trả lời:
‒ Thưa hai vị Bang Chủ, sức khỏe của thái phu nhân rất tốt. Thái phu nhân rất nhớ đến hai người. Theo tin mới nhất cho biết thì Tứ Bang Chủ cùng hai vị thống lĩnh thân tín vẫn chưa tỉnh lại còn Hồ Trường thống lĩnh tạm thời qua khỏi cơn nguy hiểm. Những khó khăn của bản Bang nói chung và của Tổng Đàn nói riêng vẫn không thay đổi nhiều, vẫn không đủ thuyền để dùng và không đủ người để chăm lo các công việc nông thương nên nhiều mối hàng bị mất. Ngũ Bang Chủ vẫn bình thường, chỉ là bận rộn quá, làm không hết việc. Phó đường chủ của Hoằng Giáo Đường bị ám sát nên Tam Bang Chủ đang điều tra việc này. Nói chung giữa Tam Bang Chủ và các vị đường chủ ở Long Võ Trang cứ hay đôi co. Tổng Đàn mới gởi đến Long Võ Trang 500 bang chúng vừa được huấn luyện xong theo lời yêu cầu của Tam Bang Chủ. Ngũ Bang Chủ vẫn đang ra sức tuyển mộ thêm bang chúng gia nhập bản Bang. Bản Bang thiếu người một cách trầm trọng.
Trần Triệu Quốc Hoa gật đầu tỏ ý hiểu hết. Trần Triệu Quốc Dung nói:
‒ Tình hình trước mắt cho thấy chúng ta nên đem Cá Hồi và hai thống lĩnh từ Bạch Long Vỹ về càng sớm càng tốt.
‒ Chị cũng thấy vậy. Em có cách gì không?
‒ Cách thì em có. Trong mấy chị em ngoài Cá Đuối ra không ai đi Bạch Long Vỹ có lợi. Nếu nhờ được Cá Đuối đi rước Cá Hồi thì thành công dễ dàng.
‒ Chị muốn đích thân đi không được sao? Để ba người họ ở đó chị lo quá.
‒ Chị mà đến đó là mình bị dồn vào chỗ chết ngay. Chị đi không được.
‒ Còn em?
‒ Em đi thì được việc nhưng không có ai giúp chị ở mặt này.
‒ Chị hiểu rồi. Chị sẽ nhờ Cá Đuối.
‒ Với tính tình của Cá Đuối, nói không chừng em nó nhân cơ hội này kéo ba đội thuyền đi đánh Bạch Long Vỹ. Chị phải dùng quyền Đại Bang Chủ bắt Cá Đuối không được tuyên chiến mà phải nhượng bộ Nam Hải Long Vương. Lúc này chưa phải là lúc chúng ta ra quân.
‒ Được, cứ theo lời của em.
Trần Triệu Quốc Dung hỏi Nguyễn Tử Mộng Linh:
‒ Tình hình của võ lâm Trời Nam thì thế nào?
Nguyễn Tử Mộng Linh kính cẩn:
‒ Thưa Nhị Bang Chủ, hầu như ai cũng đoán là giữa Long Võ Trang và ma giáo sẽ có chiến tranh mặc dù ma giáo gởi sứ giả đến cầu hòa. Ban nãy thuộc hạ có thưa qua, phó đường chủ của Hoằng Giáo Đường là hòa thượng Giác Trí bị ám sát trên đường từ Khánh Thịnh đến Khánh An. Tam Bang Chủ đang điều tra về việc này.
Trần Triệu Quốc Dung kinh ngạc:
‒ Ma giáo cho sứ giả đến cầu hòa, họ có đặt điều kiện gì nữa không? Phó đường chủ Hoằng Giáo Đường bị ám sát ở nơi của Cá Đuối là một việc khá phiền phức.
‒ Dường như Tam Bang Chủ đã tìm ra manh mối của hung thủ. Thuộc hạ nghĩ việc này sớm sẽ được thu xếp. Phần về ma giáo, ma giáo tự ý thả tù binh của Long Võ Trang ra trước.
Trần Triệu Quốc Dung vỗ tay xuống bàn:
‒ Cao minh! Ma giáo quả thật cao minh. Ma giáo đi nước cờ này để dồn Long Võ Trang vào thế bí.
Tất cả cử tọa 38 người cùng chấn động khi nghe Trần Triệu Quốc Hoa nói câu đó. Cuộc nghị sự như vầy tổ chức ba lần mỗi tháng vào ngày 5, 15 và 25. Tổng đàn Giao Long Bang dưới sự quán xuyến của Trần Triệu Quốc Vân cũng gởi sứ giả đến dự để nhận chỉ thị của Đại và Nhị Bang Chủ.
Cách tổ chức của Giao Long Bang không như những bang phái khác. Mặc dù cả Giao Long Bang đều nghe lời của Đại Hải Kình Ngư Trần Triệu Quốc Hoa nhưng ở trực tiếp dưới quyền của nàng là ba đội thuyền với 3 thống lĩnh và 15 đội trưởng. Trực tiếp dưới quyền của Nam Hải Ngạc Ngư Trần Triệu Quốc Dung cũng thế. Mỗi khi nghị sự 6 thống lĩnh và 30 đội trưởng đều phải có mặt. Tất cả bọn họ cùng Trần Triệu Quốc Hoa và Nguyễn Tử Mộng Linh đều chấn động khi nghe Nhị Bang Chủ nói chắc như đinh đóng cột. Trần Triệu Quốc Dung hỏi thêm:
‒ Long Võ Trang quyết định như thế nào?
‒ Đa số các vị đường chủ chủ chiến nhưng còn đang tranh cãi.
‒ Thì phải vậy vì Long Võ Trang làm sao tin được ma giáo? Nhưng Long Võ Trang chủ chiến và đánh trước trong khi người ta đến cầu hòa thì chính nghĩa khó nắm trong tay. Nhưng chủ hòa cũng không được vì để chính nghĩa lọt ra ngoài và bị xem là nhượng bộ cho ma giáo. Cá Đuối quyết định như thế nào?
‒ Tam Bang Chủ đi nước đôi, vừa chủ hòa vừa chủ chiến.
Trần Triệu Quốc Dung cười vang:
‒ Có như thế chứ. Vừa chủ hòa vừa chủ chiến của Cá Đuối ở đây có nghĩa là hòa nhưng phải có điều kiệu giữa đôi bên rõ ràng. Mà điều kiện thì cần thời gian để hòa đàm. Trong khi hòa đàm mình vẫn tăng cường lực lượng sẽ không bị ai nói gì. Trước khi Long Võ Trang và ma giáo tuyên chiến thì cả võ lâm Trời Nam không ai dám ho lớn. Đối với chúng ta rất có lợi.
Nàng lắc đầu tỏ vẻ thất vọng:
‒ Nhưng Long Võ Trang bị dồn vào thế kẹt không thể chủ hòa. Họ sẽ đánh. Chúng ta nên chuẩn bị.
Trần Triệu Quốc Hoa hỏi:
‒ Nếu là em, em có phương sách giải quyết không?
Trần Triệu Quốc Dung mỉm cười bí mật:
‒ Tất nhiên là có nhưng Long Võ Trang không hỏi ý em. Em nói cho chị biết chẳng được việc gì, thôi em đành để bụng vậy. Thiên cơ không thể lộ, lộ sẽ hết linh. Sau này nếu cần em sẽ nói. Đáng tiếc.
Mọi người xung quanh đều hiếu kỳ không biết Nhị Bang Chủ có cao kiến thế nào mà không chịu nói. Họ đều biết trong năm vị bang chủ Trần Triệu Quốc Nguyệt kiêu dũng thiện chiến bậc nhất nhưng so về mưu trí thì không ai hơn được Trần Triệu Quốc Dung. Nguyễn Tử Mộng Linh trình tiếp:
‒ Hôm mùng một tháng này người đến Tổng Đàn cầu hôn Tam Bang Chủ…
Mới nghe nói đến đó, Trần Triệu Quốc Hoa và Quốc Dung nhìn nhau rồi Quốc Dung lắc đầu xua tay:
‒ Chuyện này của Cá Đuối chị không dám dùng quyền, miễn bàn.
Cả cử tọa cùng cười ầm.
‒ Thuộc hạ xin thưa tiếp. Ngũ Bang Chủ quyết định dùng ngày mai cử hành đại lễ, Đại hoặc Nhị Bang Chủ có về được không?
Trần Triệu Quốc Dung lắc đầu:
‒ Đông Hải Long Vương và Hải Giác Bang đã ước hẹn với hai chị vào ngày mai nên không thể không đi. Cho chị Cả và chị gởi lời xin lỗi.
‒ Dạ thuộc hạ sẽ chuyển lời của hai vị Bang Chủ. Trên đường đến đây thuộc hạ hay tin Đại Kim và Đại Tống bắt đầu liên quân đánh Liêu.
Mọi người cùng ồ lên, duy có Trần Triệu Quốc Dung vỗ tay:
‒ Tuyệt diệu. Tuyệt diệu. Ngày mai tên Vương Học Siêu lại một phen tức ứa gan.
‒ Quân sư của chị, em cho chị biết tại sao đây là tin mừng cho chúng ta?
‒ Hoàng đế Tuyên Hòa (1) nhà Tống lên ngôi đã 20 năm. Ngài là một vị vua anh minh tài trí nếu ta xét về mặt nghệ thuật. Nếu chị muốn nghe nhạc, thưởng thức trà, hoặc xem hội họa thư pháp thì khó tìm ra ai hơn được hoàng đế Tuyên Hòa. Ngay đến chuyện phòng the ngài cũng là một vị… à võ lâm cao thủ.
Cử tọa nghe Trần Triệu Quốc Dung gọi Tuyên Hòa hoàng đế nhà Tống là võ lâm cao thủ chuyện trăng hoa nên cười ầm lên.
‒ Hậu cung của Tuyên Hòa hoàng đế không lúc nào ngưng tuyển mỹ nhân, thế vẫn chưa đủ, ngài còn lẻn ra ngoài để gặp kỹ nữ Lý Sư Sư. Chuyện này khắp thiên hạ đều biết.
Trần Triệu Quốc Dung dừng lại một chút vì không muốn đi quá sâu vào chuyện phòng the của bậc đế vương. Dù sao nàng cũng là một bang chủ đang ở trước mặt thuộc hạ đa số là nam.
‒ Nhưng về chính sự của nhà Tống trong 20 năm qua chỉ rối loạn thêm chứ không được yên. Mất mùa, hạn hán, lũ lụt, nổi loạn nhiều nơi làm cho ngân khố nhà Tống hao hụt nặng nề. Thời loạn mà gặp vua ăn chơi thì chuyện gì sẽ xảy rai ai cũng đoán được. Chính sự rối bời sẽ mất lòng dân. Mất lòng dân thì mất lòng quân. Mất lòng quân thì đừng nghĩ đến việc thắng trận. Đó chỉ là hoang tưởng.
Nàng nhìn từng thuộc hạ một lượt:
‒ Ngân khố trống rỗng, cái hại nặng nhất là binh lực suy giảm. Như Giao Long Bang của chúng ta, nếu muốn có những hải đội hùng mạnh thì bang chủ tuyệt đối không được hoang phí và luôn phải chăm lo cho thuộc hạ. Hoàng đế nhà Tống không thích việc binh nhung, các văn thần chỉ biết nói suông những câu của ông Khổng, Mạnh. Binh mã nhà Tống tuy đông nhưng rất yếu. Đã thế trên trăm năm nay, mỗi năm Tống phải cống cho Liêu 10 vạn lạng bạc và 20 vạn xúc lụa (2). Ngược lại, nhà Kim lập quốc đã năm năm nay, biên cương mỗi ngày một lớn rộng và Liêu mỗi ngày một yếu. Tống Kim liên quân thì Liêu tất bị diệt vong. Liêu bị diệt rồi, Tống sẽ giống như con cọp bị thương. Em nghĩ Kim sẽ không tha cho Tống.
Trần Triệu Quốc Hoa biết Quốc Dung phân tích cặn kẽ ắt có lý do:
‒ Giữa ba nước Tống, Kim và Liêu sẽ ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?
Trần Triệu Quốc Dung uống một ngụm trà rồi trả lời:
‒ Không ảnh hưởng trực tiếp mà chỉ gián tiếp. Từ Tống sang Kim và ngược lại không thể đi đường bộ vì Liêu ở giữa nên phải đi đường thủy băng qua Bột Hải, do đó mới gọi là Hải Thượng Chi Minh. Hoàng Hải Long Vương và Đông Hải Long Vương tranh nhau ảnh hưởng ở Bột Hải. Tống Kim liên minh, cải hai đều có lợi nên em đoán Hoàng Hải Long Vương sẽ theo về Kim và Đông Hải Long Vương sẽ theo Tống. Chị nghĩ xem, Đông Hải Long Vương sẽ giúp Tống đánh Liêu để có rất nhiều mối lợi thì làm gì rảnh lo mặt nam này? Do đó tên Vương Học Siêu tuy có chân tài thực lực cũng không thể làm được gì chị em chúng ta. Chúng ta cứ tiếp tục dùng kế sách hoãn binh của hai năm nay là được.
Trần Triệu Quốc Dung nhìn Nguyễn Tử Mộng Linh cười nói:
‒ Để chị kể lại cho em nghe buổi nghị sự với tên Vương Học Siêu hồi sáng này, vui lắm.
Đã đến giờ ăn tối, thuộc hạ Giao Long Bang dọn cơm ra. Mọi người vừa ăn vừa nghe Trần Triệu Quốc Dung kể…
-oOo-
Trời đã về khuya nhưng thị trấn Bắc Hải của Quảng Đông Nam Lộ nhà Tống vẫn còn nhà nhà sáng đèn. Vương Học Siêu một mình tư lự thả bộ trên bến thuyền Bắc Hải. Thị trấn Bắc Hải sầm uất, thuyền bè từ các nơi xa xôi qua lại buôn bán. Đây là một vùng trù phú nên Đông Hải Long Vương đã ghé mắt đến từ lâu. Để gây dựng thế lực và giữ ảnh hưởng, Đông Hải Long Vương đã thu phục được nhiều bang phái lớn nhỏ ở vùng duyên hải Quảng Đông mà trong đó Hải Giác Bang là hùng mạnh nhất và trung thành hơn cả. Vương Học Siêu được giao phó nhiệm vụ đem đội thuyền gần trăm chiếc xuống miền nam vừa tạo thanh thế vừa uy hiếp những ai không chịu quy phục Bành Hồ (3). Ngoài ra Vương Học Siêu còn có nhiệm vụ cảnh cáo Giao Long Bang, dằn mặt Nam Hải Long Vương và bênh vực cho Hải Giác Bang. Tổn thất của Hải Giác Bang năm năm trước về tay Trần Triệu Quốc Nguyệt có một phần của Đông Hải Long Vương trong đó. Nhìn những chiếc thuyền của Đông Hải Long Vương và Hải Giác Bang song song neo bến, Vương Học Siêu khẽ thở dài lẩm bẩm:
‒ Con người ai cũng có yếu nhược điểm. Con bé Trần Triệu Quốc Hoa không đáng lo ngại nhưng sao khó đối phó với Trần Triệu Quốc Dung quá cơ chứ? Chẳng trách những người được Long Vương sai phái trước kia phải chịu bó tay với nó nên mình phải thân chinh. Tương quan lực lượng hai bên ta có gấp đôi số thuyền, nếu cần có thể tăng lên gấp ba. Thế nhưng…
Có tiếng người chào đón:
‒ Không ngờ tại hạ gặp Vương quân sư ở đây, may quá.
Vương Học Siêu vừa nghe tiếng nói đã nhận ra người:
‒ Thạch bang chủ cũng có nhã hứng tản bộ hay sao?
Thạch bang chủ có tên Thạch Khâm thân hình nhỏ thó nhưng mắt sáng như sao, tuổi trên 50, đứng đầu Hải Giác Bang. Lão đi với năm người thuộc hạ thân tín về hướng của Vương Học Siêu. Vương Học Siêu đều biết mặt của họ. Người có thân hình cao lớn nhất và nước da ngăm đen tên là Ngụy Hiến nhưng thường được gọi là Ngụy Hộ Pháp. Trên mặt Ngụy Hiến chằng chịt vết sẹo nên nhìn hắn rất hung ác. Người có dáng vẻ thư sinh, quần áo tươm tất tên là Tào Sinh. Vì cái bề ngoài thích gọn gàng sạch sẽ của hắn mà hắn còn được gọi là Tào Thư Sinh. Không được như tên gọi, ngay đến tên mình Tào Thư Sinh cũng không biết viết. Người có sắc mặt thâm trầm, ánh mắt giảo hoạt có tên là Đoàn Yêm. Hắn vừa là tướng võ vừa là người giúp Thạch Khâm quán xuyến thuộc hạ, giúp lo đối sách ngoài trong nên được gọi là Đoàn Trí Mưu. Người vừa thấp vừa nhỏ hơn cả Thạch Khâm có tên Khấu Đại Hán. Hắn rất ghét ai chê bai chiều cao thiếu thước tất của hắn. Người thứ năm trông có vẻ chính trực lương thiện hơn hết tên là Hàn Tuân. Hàn Tuân cạo nhẵn thín đầu nên còn được gọi là Hàn Xuất Sĩ hoặc Hàn Sư mặc dù hắn chưa từng ăn chay một bữa hoặc niệm Phật được một câu. Thạch Khâm trả lời câu hỏi của Vương Học Siêu:
‒ Tại hạ vừa bắt được tin quan trọng nên dẫn thuộc hạ đến phòng của Vương quân sư. Bọn chúng bảo Vương quân sư ra ngoài nên tại hạ ra đây tìm.
‒ Thạch bang chủ có tin gì quan trọng cần đến tại hạ?
‒ Liên quan đến Hoàng Hải Long Vương. Tuyên Hòa thiên tử đã xuống chiếu đem quân đánh Liêu. Hoàng Hải Long Vương đã quy thuận nhà Đại Kim.
Vương Học Siêu sửng sốt cười lớn:
‒ Hay lắm hay lắm. Nào chúng ta vào bên trong bàn chuyện cơ mật, ở ngoài này thật không tiện.
Cả bọn người đồng ý cho Vương Học Siêu nói đúng. Họ cùng trở về đại sảnh của tổng đàn Hải Giác Bang. Thạch Khâm kính trọng Vương Học Siêu nên để Vương ngồi cạnh mình. Thuộc hạ dâng trà lên, Thạch Khâm không khỏi tính hiếu kỳ:
‒ Lúc nãy Vương quân sư khen hay vì chuyện Hoàng Hải Long Vương quy phục nhà Kim là sao?
Vương Học Siêu gật gù:
‒ Đúng là hay lắm. Hoàng Hải lão quỷ theo Kim, Đông Hải Long Vương theo Tống. Tống Kim liên minh thì cả hai vị Long Vương phải chịu giảng hòa. Đông Hải Long Vương không cần đề phòng mặt bắc sẽ đem trọng binh xuống miền nam hỏi tội mấy con cá chết của Giao Long Bang.
Thạch Khâm cười lớn vỗ tay thán phục:
‒ Vương quân sư quả nhiên cao kiến. Cứ nghĩ lại hồi sáng nay chúng ta bị con Ngạc Ngư Trần Triệu Quốc Dung trêu chọc mà bây giờ vẫn còn cục tức nghẹn cổ. Mai này Đông Hải Long Vương nam hạ lão phu phải bầm thây nó ra trăm khúc sau khi hành xác nó chán chê trên giường.
Nghe Thạch Khâm nói bọn thuộc hạ đều tán đồng. Hải Giác Bang sáu người cùng một dòng hồi ức như Vương Học Siêu. Họ nhớ lại buổi nghị sự của đôi bên vào ban sáng…
-oOo-
Bình minh trên sóng biển lúc nào cũng là một bức tranh thơ mộng. Bóng tối dần dần thưa nhạt nhường ánh thái dương bủa sáng khắp nơi. Chân trời đỏ ối lấp lánh dưới nước tương phản những áng mây hoang lờ đờ vô định. Cái se lạnh do gió biển trong buổi tinh sương mang đến làm cho trùng dương huyền ảo hơn. Hai đội thuyền no gió chẻ sóng nước mênh mông để đến bờ ước hẹn. Một đội do chiếc soái chu treo cờ vàng tên Đức Hải Vĩnh Hoa đi đầu. Đội thuyền kia do chiếc Hương Hải Phương Dung dẫn theo sau. Rạng ngày 4 tháng 7 hai vị bang chủ của Giao Long Bang đang trên đường đi phó hội với bang chủ Hải Giác Bang là Thạch Khâm. Năm năm trước Tam Bang Chủ Trần Triệu Quốc Nguyệt của Giao Long Bang đánh chìm năm chiếc thuyền hàng của Hải Giác Bang khiến Thạch Khâm căm phẫn. Từ đó đến nay hai bang cứ hầm hè nhau, sự việc chưa ngả ngũ vào đâu.
Kể từ võ lâm Trời Nam định hình dưới quyền lãnh đạo của Long Võ Minh Chủ; các bang hội ngoài biển Đông cống nạp Nam Hải Long Vương và các bang phái ở Quảng Đông và dọc bờ biển Tống cho đến Phúc Kiến, Tuyền Châu lên gần đến Sơn Đông chịu thần phục Đông Hải Long Vương thì chiến tranh giữa các phái hiếm xảy ra. Nếu giữa các bang phái Tống Việt có hiềm khích thì bị ép phải giảng hòa hoặc là tự xử với nhau. Tuy nhân sĩ võ lâm Trung Nguyên đông người hơn võ lâm Trời Nam nhưng không dám dùng sức mạnh để nói chuyện. Lý do là cả võ lâm Trung Nguyên vẫn còn kinh hoàng vì hai cuộc chiến Tống Việt vào năm Giáp Dần, Ất Mão (4) thời Thái Ninh (5). Tống Nam xâm bằng trăm vạn hùng binh mà rước lấy thảm bại. Toàn bộ thủy quân của Tống ở miền nam bị đánh tan rã trong hai cuộc chiến.
Hải Giác Bang rất hận Giao Long Bang nhưng theo mưu chước của Đoàn Yêm, Hải Giác Bang không dùng sức mạnh để giải quyết ân oán. Trước hết Thạch Khâm hạ chiến thư nhưng Giao Long Bang không trả lời. Lão dùng cơ hội đó phao tin rằng Giao Long Bang sợ sệt Hải Giác Bang không dám chống cự. Mặt khác Thạch Khâm đệ đơn tố Giao Long Bang lên Long Võ Trang nhưng Pháp Hình Đường từ chối không xử. Thạch Khâm vin vào cớ ấy bảo rằng người Nam cấu kết để bảo vệ nhau. Về tài vật Hải Giác Bang phải chịu thiệt thòi nhưng danh vọng lại được lên cao. Nhiều bang phái lớn nhỏ cho rằng Thạch Khâm là người độ lượng, không ỷ vào sức mạnh để chèn ép kẻ yếu. Vì thế đi đến đâu Thạch Khâm và Hải Giác Bang đều được tuyệt đối kính nể và trọng vọng. Tiếng tăm họ Thạch lẫy lừng ở mấy tỉnh duyên hải của Tống. Bên trong, Thạch Khâm nhờ đến Đông Hải Long Vương gây áp lực với Nam Hải Long Vương để ép Giao Long Bang ngồi vào bàn nghị hòa. Nhân sĩ khắp nơi đều khen Thạch Khâm làm đúng, tiên lễ hậu để tỏ mình là đấng quân tử mô phạm của người Hoa Hạ dùng đức độ để giáo hóa Man Di. Người người ngưỡng mộ.
Để phô trương thanh thế và dằn mặt, Đông Hải Long Vương cho dùng chiến thuyền và trọng binh trong khi đôi bên nghị sự. Hải Giác Bang cũng làm tương tự và đem theo mấy mươi chiến thuyền. Trần Triệu Quốc Hoa và Quốc Dung không dại đơn thân phó hội nên đem theo hai hải đội thiện chiến nhất.
Hai chiếc soái chu Giao Long Bang rẽ hàng ngũ đi đến thủy trại từ hướng tây. Thuộc hạ trên thuyền ở vào tư thế chuẩn bị tác chiến. Trần Triệu Quốc Hoa từ chiếc Đức Hải Vĩnh Hoa xuống trước, đi theo nàng là hai thống lĩnh mặt đẹp như hoa tên Lê Diệu Linh và Cao Chiêu Linh. Cải hai đều 22 tuổi. Trần Triệu Quốc Dung xuống sau, theo nàng là hai thống lĩnh thân tín tên Nguyễn Hùng và Nguyễn Hào. Nguyễn Hùng là anh, tuổi khoảng 25 với nước da đen sạm và khuôn mặt khắc khổ. Nguyễn Hào là em, nhỏ hơn một tuổi thì tươi rói và rạng rỡ hơn anh. Bốn người thống lĩnh nghiêm trang cầm võ khí trong tay, đôi mắt sáng quắc nhìn khắp nơi dò xem có điều gì đáng nghi. Hai vị bang chủ Giao Long Bang luôn đến sớm hơn với quan niệm rằng người đến trước làm chủ. Vạn nhất xảy ra giao tranh trong khi đôi bên nghị sự, làm chủ chiến trường dễ nắm phần thắng trong tay.
Phía Hải Giác Bang và Đông Hải Long Vương cũng có hai chiếc thuyền rời hàng ngũ đi đến thủy trại. Đứng ở mũi thuyền nhìn đội hình của Giao Long Bang, Vương Học Siêu cảm thấy băn khoăn: “Nhìn mãi vẫn không ra trận pháp gì. Bọn Giao Chỉ giỏi thủy chiến cả ngàn năm nay, mình phải cẩn thận kẻo không còn mạng trở về.”
Thạch Khâm cùng một quan điểm với Vương Học Siêu. Nhiều lần lão muốn tấn công các đội thuyền của Giao Long Bang nhưng nhớ lại cái gương bốn chiếc thuyền nên e dè. Lão không làm điều gì mà phần thắng không nắm chắc đến tám, chín. Vì thế lão đem theo năm người thuộc hạ tín cẩn đến thủy trại. Trần Triệu Quốc Dung cười thầm lão dốt việc dùng binh. Ngược lại nàng rất kiêng dè Vương Học Siêu vì Vương chỉ đem theo một người thông dịch. Thuộc hạ tín cẩn của Vương ở lại các đội thuyền. Vừa vào chỗ nghị sự, Thạch Khâm oang oang:
‒ Trần Triệu Quốc Hoa, Trần Triệu Quốc Dung, chừng nào hai nàng mới chịu bồi thường tổn thất? Năm năm rồi còn gì. Đôi bên nghị sự gần cả ba năm nay, tiền của tốn kém bạc vạn.
Thạch Khâm nắm bàn tay thành quả đấm, đập mạnh xuống bàn:
‒ Chừng nào?
Trần Triệu Quốc Hoa thản nhiên thưởng thức chung trà buổi sáng. Trà thơm để lại nhiều hương vị đậm đà hơn lời nói của Thạch Khâm. Trần Triệu Quốc Dung mỉm cười. Nụ cười ngây thơ hồn nhiên của nàng làm lão điên tiết lên:
‒ Hai nàng đừng cố tình kéo dài thời gian, đôi bên không ai có lợi. Đã là người đứng đầu một bang phái, hai nàng đừng có nô đùa như trẻ nít. Đây không phải là việc đùa giỡn. Lão phu khuyên hai nàng hãy hòa đàm một cách đứng đắn, không thì…
Vương Học Siêu đưa tay ra dấu bảo Thạch Khâm giữ im lặng. Hắn nhã nhặn cung tay:
‒ Trà thơm đãi khách quý, sáng tinh sương trên biển có thể ngắm trời nước cùng bốn vị giai nhân, tại hạ vinh hạnh vô cùng.
Trần Triệu Quốc Hoa để chung trà xuống nhìn Vương Học Siêu:
‒ Vương quân sư tao nhã tuấn tú càng nổi bật hơn nữa nếu không bị hòn đá làm neo đáy biển.
Thạch Khâm biết Trần Triệu Quốc Hoa chơi chữ để chửi khéo mình. Lão giận lắm nhưng không làm gì được. Vương Học Siêu cười nhẹ:
‒ Không neo đáy biển sao có thể cầm chân hai vị thiên tiên ở lại hạ giới hòa đàm?
Trần Triệu Quốc Dung nheo mắt:
‒ Cái gì thì khó chứ hòa đàm chị em bản tòa rất dễ. Các vị theo điều kiện của Giao Long Bang đưa ra là được.
Nếu Vương Học Siêu không kịp thời trừng mắt, Thạch Khâm đã phát tác. Vương biết chiến thuật của Giao Long Bang là kéo dài thời gian và châm chọc đối phương nên không hy vọng nhiều ở Giao Long Bang chịu thỏa thuận bồi thường cho Hải Giác Bang. Hắn muốn tìm ra yếu điểm của Trần Triệu Quốc Hoa và Quốc Dung để đối phó. Đây là lần thứ ba Vương Học Siêu đích thân ra mặt nói chuyện với Giao Long Bang. Hắn cảm thấy Trần Triệu Quốc Hoa không có điểm nào đặc sắc nhưng lưỡi của Trần Triệu Quốc Dung quá tinh ranh. Vương Học Siêu dò ý:
‒ Trần Triệu Quốc Nguyệt đánh chìm năm chiếc thuyền của Hải Giác Bang. Chưa kể tiền tổn thất do thương tích gây ra, Hải Giác Bang mất năm chiếc thuyền và Trần Triệu Quốc Nguyệt cướp hết hàng hóa. Vì sự hòa bình của Tống Việt, tại hạ khuyên Giao Long Bang bồi thường năm chiếc thuyền, trả lại hàng hóa cho Hải Giác Bang, chịu tiền thuốc thang cho những thuộc hạ bị thương. Không biết hai vị bang chủ nghĩ sao?
Trần Triệu Quốc Hoa vẫn thưởng thức bình trà nóng. Nàng không để ý đến lời Vương Học Siêu trình bày. Trần Triệu Quốc Dung gõ tay nhè nhẹ lên bàn:
‒ Các vị muốn chúng tôi bồi thường bao nhiêu?
Nàng đưa tay ra dấu cho Cao Chiêu Linh:
‒ Nhờ Cao thống lĩnh giúp bản tòa tính sổ:
Cao Chiêu Linh im lặng lấy giấy bút ra, Vương Học Siêu kể:
‒ Tiền đóng năm chiếc thuyền mỗi chiếc bốn ngàn lượng. Hàng hóa trên bốn chiếc là hai vạn nữa. Tiền thuốc thang là một ngàn lượng. Tính tiền lời trong năm năm qua gần vạn lượng nữa. Tổng cộng số tiền Giao Long Bang chịu bồi thường tổn thất là năm vạn lượng. Đó là chưa kể đến sự thất thu của Hải Giác Bang phải chịu khi ngồi vào buổi nghị đàm như vầy. Đông Hải Long Vương cho thuyền xuống miền nam nên phải nuôi quân xa nhà. Hải Giác Bang dùng thuyền canh chừng hòa đàm, không thể buôn bán khắp nơi. Tính luôn khoản đó không dưới năm vạn nữa.
Trần Triệu Quốc Dung gật gù:
‒ Vương quân sư và Thạch bang chủ luận đúng. Chúng ta sinh sống bằng nghề trên biển, quan trọng nhất là biết tính toán sự tổn thất và giữ gìn chữ tín. Khi bản tòa đem hàng hóa đến bán cho các vị, các vị tin là hàng tốt và bản tòa tin các vị trả được giá. Nghị hòa hay bồi thường gì gì chăng nữa cũng nói đến chữ tín. Tín ở đây là hai bên cùng thỏa thuận vào một cái giá, một con số. Nếu như số không hợp thì nói chừng nào hợp thì thôi.
Vương Học Siêu cùng Thạch Khâm nhìn nhau. Hai người vừa cảm thấy mừng vừa cảm thấy có gì đó không đúng. Họ mừng vì lần này Trần Triệu Quốc Dung chịu nói đến tổn thất, không như những lần trước. Nhưng họ lo là vì không biết con Cá Sấu Trần Triệu Quốc Dung giở trò gì. Trần Triệu Quốc Dung chỉ tay vào quyển sổ Cao Hựu Chiêu Linh vừa tính xong:
‒ Nếu nói tổn thất, thì các vị phải tính luôn tổn thất của Giao Long Bang.
Thạch Khâm quát:
‒ Cái gì?
‒ Hải Giác Bang tấn công đội thuyền của em bản tòa trước làm hư hại năm chiếc thuyền. Chúng tôi tố cáo Hải Giác Bang muốn cướp hàng hóa của Giao Long Bang. Tam muội của bản tòa vì tự vệ phải chống trả. Thuyền của các vị cũ kỹ nên bị hư hại trong lúc giao tranh là do ở các vị không chịu tu bổ. Thuyền cũ bị hư chỉ đáng giá ngàn lượng mỗi chiếc. Thuyền của chúng tôi bị hư cũng ở giá đó. Hai bên coi như hòa. Hòa đàm hơn hai năm nay Giao Long Bang chúng tôi cũng chịu tốn kém như các vị. Đông Hải Long Vương cho đem trăm chiếc thuyền xuống miền nam là do ở Long Vương muốn nuôi quân xa nhà. Giao Long Bang chúng tôi nào có yêu cầu điều này sao lại bắt Giao Long Bang chịu kinh phí cho Long Vương mở rộng tầm ảnh hưởng ở Lưỡng Quảng và đảo Quỳnh Châu (6)?
Trần Triệu Quốc Dung khẳng định:
‒ Dĩ hòa vi quý phải không? Giữa Giao Long Bang và Hải Giác Bang đâu có hơn thua xích mích. Xí xóa cho nhau là xong.
Trần Triệu Quốc Hoa để chung trà xuống, hít một hơi dài:
‒ Trà thơm sánh với lời chính trực của người thục nữ. Em gái bản tòa phân tích rành mạch sự bình đẳng giữa Giao Long Bang và Hải Giác Bang. Chúng ta là người lớn làm việc lớn, hùng tâm có thể dậy sóng ba đào mà cứ mãi dùi đầu vào những con số cỏn con sao?
Thạch Khâm tức đến nghẹn cổ không nói được lời nào. Lão bị mất hàng hóa, thuộc hạ bị thương, thuyền bị đắm mà Giao Long Bang không chịu bồi thường, Thạch Khâm không tức làm sao được. Vương Học Siêu không thể không khâm phục lời biện luận của Trần Triệu Quốc Dung. Hắn muốn ép Giao Long Bang bồi thường chi phí cho Đông Hải Long Vương kinh lược miền nam nhưng vốn là người trầm tình, Vương Học Siêu lựa lời:
‒ Trần Triệu Quốc Nguyệt đánh đắm và cướp hàng của Hải Giác Bang là sự thật hiển nhiên, bang chủ nói sao về việc này? Đông Hải Long Vương ủy nhiệm cho tại hạ lo việc của Hải Giác Bang và Giao Long Bang. Tại hạ không muốn giữa đôi bên ai chịu thiệt hại hơn ai. Trong số hàng hóa của Hải Giác Bang bị Giao Long Bang cướp có cống phẩm của Thạch bang chủ dâng lên Long Vương. Tổng giá trị lên trên vạn lượng bạc.
‒ Vương quân sư nói đúng. Cám ơn quân sư tôn trọng sự công bằng. Chúng tôi muốn hòa nhưng Hải Giác Bang không chịu hòa.
Thạch Khâm quát:
‒ Tầm bậy. Giao Long Bang đánh chìm thuyền, cướp hàng hóa, đả thương người mà không chịu bồi thường thì hòa làm sao?
‒ Đấy đấy, Thạch bang chủ cứ muốn dụng binh đao. Chúng tôi là phận đàn bà con gái nước Nam, yêu chuộng hòa bình nên không hề sợ chiến tranh.
Vương Học Siêu không giữ được bình tĩnh nữa:
‒ Vậy là Giao Long Bang nhất định không chịu bồi thường?
‒ Chúng tôi muốn nghị hòa, các vị bắt bồi thường, vậy là các vị thiếu thành tâm.
Vừa nói xong, Trần Triệu Quốc Dung cầm cái dĩa đựng trái cây trên bàn ném thẳng vào mặt Ngụy Hiến. Gã hộ pháp cao thân lớn xác đưa bàn tay khổng lồ ra bóp nát cái dĩa tan thành bụi. Hắn quát:
‒ Con bé kia sao dám ám toán mỗ?
Hắn vừa nói xong thì vội bụm miệng lại nhưng đã trễ. Vương Học Siêu nhìn hắn giận tím mặt. Trần Triệu Quốc Dung vin vào cớ đó đưa ra lập luận:
‒ Đó đó, các vị thấy không. Ngay đến cái dĩa làm bằng đất sét cũng có thể dùng làm võ khí nữa là…
‒ Tại hạ đề nghị Giao Long Bang đứng đắn trong việc nghị hòa. Đông Hải Long Vương nổi giận thì đừng trách.
‒ Chúng tôi không bao giờ bồi thường cho kẻ xâm lăng. Em gái bản tòa đánh chìm thuyền trên hải phận Đại Việt.
‒ Trần Triệu Quốc Nguyệt tấn công trước ở hải phận Đại Tống rồi rút chạy về hải phận Giao Chỉ. Hải Giác Bang có quyền đuổi theo kẻ cố tình xâm lấn.
‒ Các vị mang chiến thuyền sang xâm phạm bờ cõi nước Nam nên em bản tòa có quyền chống trả.
‒ Tầm bậy. Hải Giác Bang làm gì có thể xâm lăng Giao Chỉ?
‒ Hải Giác Bang đem theo nhiều thuyền hơn, trên thuyền còn có vũ khí.
‒ Mang theo binh khí phòng thân là chuyện thường. Như Giao Long Bang các người có mang theo binh khí đến nơi nghị sự này.
‒ Hải Giác Bang mang theo binh khí vượt sang hải phận Đại Việt nhưng không mang theo giấy phép nhập cảnh. Người Nam chúng tôi gọi những kẻ mang binh khí vượt biên không giấy phép là xâm lăng đấy Vương quân sư và Thạch bang chủ ạ.
‒ Trần Triệu Quốc Nguyệt vượt biển làm loạn ở Bắc Hải, bang chúng leo lên thuyền của Hải Giác Bang…
‒ Nhưng em bản tòa có mang giấy phép nhập cảnh Tống.
‒ Giấy thông hành không cho phép đánh người, đả thương ở Bắc Hải và cướp thuyền người khác.
‒ Nhưng các vị lại có phép xâm lăng bờ cõi và tấn công thuyền của Giao Long Bang trước?
‒ Sau khi xảy ra đánh nhau, Giao Long Bang các ngươi bại trận ở Bắc Hải nên rút chạy. Hải Giác Bang đuổi theo, không kịp mang theo giấy thông hành.
‒ Sơ xuất của Hải Giác Bang thì tự gánh, Giao Long Bang tuyệt đối không bồi thường.
‒ Vậy là Giao Long Bang muốn tuyên chiến với Hải Giác Bang?
‒ Không có. Giao Long Bang muốn đôi bên nghị hòa trong tình bình đẳng.
‒ Vì bình đẳng nên Hải Giác Bang mới chịu ngồi ở đây, không thì đã đánh nhau. Các ngươi đã quên tấm gương của Trần Triệu Quốc Lĩnh?
‒ Cố bang chủ không có hiển linh dụ Hải Giác Bang đem quân xâm nhập hải phận.
‒ Giao Long Bang và nhất là Trần Triệu Quốc Nguyệt cố tình gây hấn. Chúng tôi vì tự vệ nên mới đuổi theo rồi bị Giao Long Bang tập kích.
‒ Các vị cứ một mực đổ lỗi cho Giao Long Bang. Khi thì bảo em bản tòa làm loạn ở Bắc Hải, khi thì bảo em bản tòa tấn công thuyền các vị trước, khi thì các vị bảo là quên mang giấy thông hành nên mới phạm cảnh. Các vị còn chưa kể cho người lên chiếm thuyền của Giao Long Bang nhưng không được…
‒ Tầm bậy! Bang chúng Hải Giác Bang có lên thuyền của Giao Long Bang bao giờ? Trần Triệu Quốc Nguyệt làm bậy, sợ tội nên cố tình bịa chuyện.
‒ Đây không phải lần đầu tiên Hải Giác Bang thay đổi câu chuyện. Giao Long Bang chúng tôi rõ ràng. Các vị vượt biên trái luật, em bản tòa có quyền ngăn chận và xảy ra đánh nhau. Các vị bại trận rồi vu khống em bản tòa làm loạn.
Trần Triệu Quốc Dung khẩu chiến Vương Học Siêu cùng Thạch Khâm trong khi đó Trần Triệu Quốc Hoa ngồi thản nhiên thưởng thức trà. Thạch Khâm tức giận quá, lão đỏ mặt tía tai. Lão cho rằng công lý bên lão nhưng lần nào khẩu chiến cũng bị Trần Triệu Quốc Dung chọc tức. Vương Học Siêu có định lực cao hơn Thạch Khâm nên không để mất phong độ. Vương Học Siêu quan sát Trần Triệu Quốc Dung rồi nói:
‒ Thạch bang chủ kể lại sự tình năm năm trước một lượt cho tại hạ và hai vị bang chủ Giao Long Bang nghe rõ để còn nhận định phải quấy thuộc về ai.
Vương Học Siêu tất nhiên biết được sự tình và tin rằng Giao Long Bang mười phần sai quấy. Nhưng hắn muốn Thạch Khâm kể trước mặt hắn và hai bang chủ Giao Long Bang là để câu chuyện được chính thức chấp nhận giữa ba phía. Trần Triệu Quốc Dung có muốn bắt bẻ sau này cũng khó. Thạch Khâm hậm hực nhìn năm thuộc hạ của lão rồi nói:
‒ Hôm đó cả năm người này cũng đều có mặt. Họ có thể làm chứng cho lời của lão phu.
Trần Triệu Quốc Dung phản bác:
‒ Bản tòa chắc rằng mặt trời mọc hướng tây đã được Thạch bang chủ tuyên bố và năm người họ đã đích thân xác nhận rằng đúng.
‒ Ngươi… ngươi… nói tầm bậy gì đó. Không hề có chuyện đó.
Trần Triệu Quốc Dung mỉm cười:
‒ Không có thì thôi. Ý bản tòa là không thể tin hết vào lời các vị. Nhưng Thạch bang chủ cứ kể.
Thạch Khâm hậm hực kể chuyện của năm năm trước…
-oOo-
‒ Bang Chủ, Bang Chủ nguy to. Có người đến phá sòng bạc Tứ Hải Phú Quý của chúng ta.
Thạch Khâm đang ngon giấc nồng thì bị gọi dậy khiến lão không vui. Nghe có người dám ngang nhiên đến phá sòng bài của Hải Giác Bang, mặt lão càng khó coi hơn. Lão nhìn người thiêp yêu nằm cuộn tròn trong chăn lúc đó cũng sực tỉnh. Tối hôm trước hai người đã quá âu yếm với nhau nên gần ngọ mà Thạch Khâm vẫn chưa ra khỏi phòng. Lão định cùng người thiếp ăn trưa luôn ngay trong phòng rồi tiếp tục chuyện ái ân. Công việc lớn nhỏ trong Hải Giác Bang bắt Thạch Khâm xa nhà mấy tháng nay nên hương vị của người tiểu thiếp Thạch Khâm thèm đến chết được. Tấm thân mềm mại, nước da mịn màng, khuôn mặt như tiên giáng hạ của nàng làm Thạch Khâm không thể nào kềm chế bản thân. Thế mà vừa mới về nhà, hưởng thụ chưa đủ thì có người đến gây rối. Thạch Khâm điên người lên, lão quát:
‒ Bọn chúng là ai?
‒ Thưa Bang Chủ tạm thời chưa biết.
‒ Khốn nạn. Bất tài cả lũ. Giặc đánh đến nhà không biết là ai thì lên bàn thờ ngồi hết cả đi.
Lão không quên tặng thiếp yêu một cái hôn nồng nàn rồi vội mặc quần áo vào đi ra ngoài. Đoàn Yêm đã chờ Thạch Khâm ở đại sảnh:
‒ Trình Bang Chủ, dường như là người của Giao Long Bang đến gây hấn.
Thạch Khâm ngạc nhiên rồi đập tay xuống bàn cười rũ rượi:
‒ Chết lão phu mất thôi. Giao Long Bang? Ha ha ha. Như vầy thì quả thực lão phu không nhịn cười được. Ha ha ha.
Đoàn Yêm cũng cười theo:
‒ Khi mới nghe thuộc hạ còn tưởng bọn nào, phải hỏi kỹ lại đám thuộc hạ. Bọn Giao Long Bang dám đến đây gây hấn chắc là muốn theo gương gã bất tài Trần Triệu Quốc Lĩnh. Cá mè một lũ.
Thạch Khâm sửa soạn quần áo lại cho được tươm tất hơn. Nếu là ai khác thì Thạch Khâm phải lo nghĩ cách đối phó. Nhưng vì đây là bại tướng Giao Long Bang nên lão không phải nghĩ nhiều. Nếu sớm biết thế lão đã cùng thiếp yêu mây mưa một trận cho đỡ cơn thèm rồi mới tính đến chuyện có người đến phá.
Đoàn Yêm đem theo một số tùy tùng từ tổng đàn Hải Giác Bang đưa Thạch Khâm đến sòng bài lớn nhất thị trấn Bắc Hải. Sòng bài Tứ Hải Phú Quý nằm sát bến thuyền, rất tiện cho các thương nhân gần xa ghé đến giải trí, mua vui. Vừa tài vừa sắc, sòng bài Tứ Hải Phú Quý đều có thể đáp ứng cho những khách nào khó tính nhất. Vừa đến nơi đã nghe tiếng huyên náo:
‒ Ai ngờ cô bé mặc đồ đen võ công cao cường quá.
‒ Trông thị mới 17, 18 tuổi thì phải. Nhan sắc mặn mà.
‒ Ngụy Hộ Pháp đã qua lại hơn trăm chiêu mà không áp đảo được thị.
‒ Hai tên cận vệ của thị cũng không kém.
‒ Cô gái vẫn chưa thấy yếu thế, không chừng trăm chiêu nữa vẫn chưa phân thắng bại.
‒ Ngụy Hộ Pháp có thần lực phi thường, cô gái kia sao chống đỡ nổi trăm chiêu nữa.
‒ Đánh cuộc đánh cuộc đi các vị thân hữu. Tại hạ đứng ra làm trọng tài dùng con số trăm chiêu định đoạt. Ai đặt hơn, ai đặt kém thì mau mau bỏ tiền vào.
Một người trung niên nam tử vừa lùn vừa nhỏ hô hào lên, lập tức có nhiều người hưởng ứng:
‒ Khấu Đại Hán đứng ra chủ trì thì không sợ có chuyện lừa gạt.
‒ Chừng nào Thạch Bang Chủ đến vậy Khấu tiên sinh?
‒ Tại hạ đã cho người thông báo, Bang Chủ sẽ đến ngay.
Khấu Đại Hán đứng bên ngoài lược trận nhìn Ngụy Hiến, Tào Sinh và Hàn Tuân chia làm ba cặp đấu với người của Giao Long Bang. Giữ đúng tinh thần của sòng bài, Khấu Đại Hán nhanh trí làm nhà cái cho quần hùng xung quanh đánh cuộc. Trong trận, Ngụy Hiến gầm lên:
‒ Trần Triệu Quốc Nguyệt mi dám cả gan đến Bắc Hải phá sòng bài của Hải Giác Bang. Mỗ là một đường chủ của Hải Giác Bang không thể tha cho mi.
Trần Triệu Quốc Nguyệt không biết tiếng Quảng nên không hiểu Ngụy Hiến nói gì. Ngụy Hiến đưa hai bàn tay to lớn đánh ra song chưởng, kình lực khủng khiếp của hắn làm cát bụi xung quanh bay mù, quần hùng phải lùi lại mấy bước tránh chưởng lực. Trần Triệu Quốc Nguyệt cũng tung ra song chưởng nhưng chỉ nửa đường thì biến chưởng thành trảo móc vào cổ tay của Ngụy Hiến rồi kéo mạnh. Ngụy Hiến đang đà lao tới không kịp phản công nên bị kéo chúi về phía trước. Nhưng vì thân hình hắn to lớn nên lực kéo của Trần Triệu Quốc Nguyện không thấm vào đâu. Ngụy Hiến vận công vào đôi chân, người hắn chùng lại và lún xuống đất đến hơn gang tay. Trần Triệu Quốc Nguyệt khẽ lách người ra sau lưng Ngụy Hiến co chân đá vào mông hắn. Ngụy Hiến cảm thấy bị nguy cấp, hắn vọt người lên không và quay lại đón cái đá của Trần Triệu Quốc Nguyệt. Nhưng hắn đỡ vào quãng không vì Trần Triệu Quốc Nguyệt đi trước hắn một chiêu. Nàng đoán thế nào Ngụy Hiến cũng dùng chiêu này nên từ một cái đá thẳng nàng khẽ biến chiêu đá ngược lên trên vào đôi chân của Ngụy Hiến đẩy người hắn lên cao hơn. Ở trên không Ngụy Hiến biến chiêu, đầu lộn xuống đất dùng đà rơi xuống để đánh ra song chưởng. Chưởng phong của hắn nóng hừng hực. Quần hùng xung quanh một phen khen ngợi chưởng lực của người thuộc hạ dưới trướng Thạch Khâm. Trần Triệu Quốc Nguyệt bước lui ba bước rồi dồn hết sức phóng người tới đánh ra song chưởng. Ngụy Hiến cũng biến chiêu, từ song chưởng đánh xuống trở thành đánh ngang. Nhưng Ngụy Hiến ở trên không, không có điểm tựa nên song chưởng của hắn mất đi cái cương mãnh kinh người.
Ầm.
Ngụy Hiến bị Trần Triệu Quốc Nguyệt dùng song chưởng đánh bay xa bốn trượng. Ngụy Hiến lộn nửa vòng để đáp chân xuống đất. Mặc dù hắn dồn chút công lực còn lại vào chân để trụ người nhưng vẫn không thể đứng yên một chỗ mà tiếp tục bật lui về sau. Đôi chân hắn kéo hai vệt dài hơn hai trượng nữa dưới đất. Ngụy Hiến còn tiếp tục xông lên tấn công Trần Triệu Quốc Nguyệt nếu Thạch Khâm đã không ra lệnh cho thuộc hạ dừng tay. Hai cặp song đấu giữa Triệu Hòa Vinh và Hàn Tuân, Đinh Văn Tú và Tào Sinh bất phân thắng bại. Họ dừng tay vì theo lệnh nhưng gườm gườm nhìn nhau. Thạch Khâm chỉ vào mặt Trần Triệu Quốc Nguyệt hỏi:
‒ Mi là gái phương nào đến đây gây chuyện?
Trần Triệu Quốc Nguyệt nói lớn:
‒ Ở đây ai biết tiếng Quảng thì dịch giùm bản tòa câu: Giao Long Tam Bang Chủ Trần Triệu Quốc Nguyệt là mẹ của Thạch Khâm đây.
Bắc Hải là thị trấn lớn, thuyền bè tấp nập nên có khá nhiều người Việt đến buôn bán. Có người dịch lại giùm Trần Triệu Quốc Nguyệt. Thạch Khâm nghe được mắng:
‒ Hỗn láo. Trần Triệu Quốc Lĩnh còn phải nể sợ lão phu, bé con nhà ngươi được mấy hơi sữa phách lối?
‒ Bản tòa cùng mấy người thuộc hạ lên bến Bắc Hải này để mua vui một chút trong sòng bài. Các ngươi không cho vào còn mắng chửi người Nam chúng tôi?
Ngụy Hiến vội cãi:
‒ Bang Chủ đừng nghe thị nói bậy. Thị vào sòng bài nói phách rằng sòng bạc của chúng ta chuyên lừa bịp người đến chơi và đòi dở chiêu bài. Thị còn nói Lưỡng Quảng trước kia là đất Việt, mai này thị sẽ đem quân lên hỏi tội bản bang. Sau đó thị đánh vài ván bạc, nhưng không biết bằng cách nào mà ván nào cũng thắng lớn. Chẳng mấy chốc thị gom được vạn lượng bạc. Thuộc hạ nghi ngờ bọn họ giở trò trong sòng bài.
Trần Triệu Quốc Nguyệt cười cười chỉ một người thuộc hạ:
‒ Thuộc hạ Đinh Văn Tú của bản tòa rất giỏi đánh bạc. Tại các ngươi bất tài nên bị thua. Vạn lượng bạc là 625 cân bạc. Bản tòa sai thuộc hạ đem xe đến chở đi, lẽ gì các ngươi cản?
Thạch Khâm nhìn lại, ngoài Trần Triệu Quốc Nguyệt và hai người thuộc hạ giao đấu lúc nãy ra còn có một nam, ba nữ đi cạnh chiếc xe kéo bên trên chở rương bạc. Người nam có thần thái bất khuất kiên định, nữ thì thanh tú dịu dàng. Trong lòng Thạch Khâm không khỏi xuýt xoa. Tuy không ai đẹp và ma mị bằng người thiếp yêu của lão nhưng họ cũng là những trang giai nhân hiếm có. Xung quanh họ còn thêm năm nam thuộc hạ. Tuy bị mất vạn lượng bạc trong lòng rất đau, Thạch Khâm nghe Trần Triệu Quốc Nguyệt chất vấn nhất thời chưa biết trả lời. Lão không sợ Giao Long Bang nhưng lão sợ trước mặt đông đảo khách muôn phương, sòng bạc Tứ Hải Phú Quý của Hải Giác Bang thua rồi muốn cướp lại sẽ mang tiếng xấu, làm sao mở cửa được nữa. Một thuộc hạ Hải Giác Bang trình lên Thạch Khâm:
‒ Trình Bang Chủ. Ban nãy bọn người Giao Long Bang đem đến và dùng những con xúc xắc này.
Đinh Văn Tú cười lớn:
‒ Các vị bằng hữu võ lâm xung quanh làm chứng, chúng tôi thắng tiền mà bây giờ bắt để lại. Chiêu bài Hải Giác Bang không đủ sức giữ thì đừng gầy sòng đổ bác.
Trần Triệu Quốc Nguyệt bịt miệng cười tủm tỉm. Thạch Khâm dùng tay bóp nát mấy con xúc xắc thì bên trong có thủy ngân chảy ra. Ngụy Hiến la lớn:
‒ Chẳng trách lúc nãy lục điểm cứ ra hoài. Thì ra Giao Long Bang các ngươi giở trò.
Triệu Hòa Vinh hét:
‒ Chúng ta chạy mau, Bang Chủ. Phan Đăng Sơn, Phương Quảng Đằng, Lâm Bách Tùng, Đàm Siêu, Trần Cung bảo vệ chiếc xe.
Đám người của Giao Long Bang xông ra. Thạch Khâm ra lệnh cho đám bang chúng trăm người bao vây lại. Trần Triệu Quốc Nguyệt đi đầu dẫn thuộc hạ phá vòng vây.
Lúc đó Hàn Tuân và Tào Sinh đứng ở phía tây, Trần Triệu Quốc Nguyệt cùng hai người thuộc hạ vung chưởng tấn công. Hàn Xuất Sĩ và Tào Thư Sinh không dám trực diện chống đỡ mà liên tục lùi lại. Ba người bên Giao Long Bang tiếp tục tiến lên. Trần Triệu Quốc Nguyệt đánh vào giữa Hàn, Tào để tách họ ra về hai bên. Đinh Văn Tú tấn công Hàn Tuân còn Triệu Hòa Vinh tấn công Tào Sinh. Trần Triệu Quốc Nguyệt dùng khinh công vọt người lên phía trước được thêm ba bước nữa. Nàng đánh ra hai chưởng về hai bên tả hữu để mở đường, sau đó tiếp tục tiến về hướng tây. Trần Triệu Quốc Nguyệt tiến được bốn bước nữa. Nàng mừng thầm vì nghĩ mình đã thoát được vòng vây của Hải Giác Bang. Nhưng lúc đó, nàng cảm thấy sau lưng bị một luồng chưởng phong nóng hực đánh tới. Nàng biết Ngụy Hiến đã đuổi đến nơi. Nàng không thể tiếp tục vượt đi mà phải lách người sang một bên tránh thế công và đồng thời trả lại một chiêu. Đinh Văn Tú và Triệu Hòa Vinh vung chưởng đánh lùi được Hàn Tuân và Tào Sinh. Hai người thấy Tam Bang Chủ bị Ngụy Hiến uy hiếp nên vung chưởng tấn công Ngụy Hiến để giải vây.
Đoàn Yêm và Khấu Đại Hán cũng kịp thời đuổi đến. Hai người vung chưởng đánh vào sau lưng Triệu Hòa Vinh và Đinh Văn Tú để giảm áp lực cho Ngụy Hiến. Khấu Đại Hán nhỏ người lại thiếu thước tấc nên chưởng phong của hắn không dũng mãnh. Hắn thành danh trong võ lâm Trung Nguyên là do môn võ gia truyền của giòng họ tên là Hổ Hạc Song Khấu Thảo. Pho này gồm hai bài thảo khác nhau sử dụng song song cùng lúc khiến cho đối phương khó mà chống đỡ. Khấu Đại Hán sử chiêu Hổ Xuất Sơn Lâm bên tay phải trong khi đó tay trái ra chiêu Bạch Hạc Triển Dực tấn công Triệu Hòa Vinh. Trong khi đó Đoàn Yêm dùng võ công phái Hoa Sơn tấn công Đinh Văn Tú. Triệu Hòa Vinh thấy chiêu thức kỳ lạ thì tránh sang một bên:
‒ Tên oắt con này võ công quá lạ.
Có người dịch sang tiếng Quảng, Khấu Đại Hán nghe được lập tức khí nộ xung thiên:
‒ Tên Nam man kia ngươi dám nói ai nhỏ con hử?
Có người dịch sang tiếng Việt, Triệu Hòa Vinh cảm thấy buồn cười:
‒ Vị bằng hữu nào đó rất sốt sắng thông dịch giùm bản Bang. Mỗ nói cả nhà ngươi to con lớn xác bằng con nhộng.
Triệu Hòa Vinh chỉ thuận miệng mà mắng. Không ngờ Khấu Đại Hán lại bị va chạm tự ái rất lớn vì con nhộng của hắn cũng theo tỷ lệ thước tấc của chủ nhân. Khấu Đại Hát hét lớn, vận mười thành công lực đánh ra mỗi tay một lúc năm liên hoàn chiêu. Triệu Hòa Vinh cười lớn:
‒ A ha, có người bị trát muối vào vết thương. Ngươi xem chiêu Giao Long Hí Thủy của mỗ đây này.
Miệng nói là Giao Long Hí Thủy với Khấu Đại Hán nhưng Triệu Hòa Vinh nghinh đón chiêu thức của Hàn Tuân đánh tới quay lưng lại Khấu Đại Hán. Khấu Đại Hán thấy Triệu Hòa Vinh để lộ ra sơ hở quá lớn hắn cho là Triệu bị trước sau giáp công mà lâm cảnh nguy nan. Hắn dồn mười phần công lực đánh vào sau lưng nhưng chiêu thức đi mới nửa chừng chính lưng hắn cảm thấy bị uy hiếp nặng nề. Khấu Đại Hán đành chuyển công sang thủ để bảo vệ tấm thân. Một thanh kiếm quét ngang lưng hắn làm hắn cảm thấy rùng mình. Nhưng chưa kịp định thần thì một thanh kiếm khác đâm vào cổ hắn. Khấu Đại Hán phải nhảy ra xa hơn năm bước mới tránh được thế công chớp nhoáng. Khấu Đại Hán nghe Triệu Hòa Vinh khen:
‒ Trách được hai chiêu kiếm của Giang Linh, kể ra ngươi cũng là một nhân tài. Nhưng ngươi nên cẩn thận.
Khấu Đại Hán định thần lại mới rõ đó là một trong ba cô gái đi theo Trần Triệu Quốc Nguyệt. Cô gái cung tay chào:
‒ Giao Long Bang Hồ Trường Giang Linh sẽ tiếp chiêu với các hạ.
Nàng vung hai thanh nhuyễn kiếm lên tạo thành một quả cầu bạc chụp vào người Khấu Đại Hán. Tiếng kêu ăng ẳng từ hai thanh kiếm làm chấn động một vùng trời đất. Khấu Đại Hán thầm than khổ.
Nói về Đinh Văn Tú giao chiến với Đoàn Yêm. Đoàn Yêm dùng võ công của phái Hoa Sơn đến mức tinh thâm khiến Đinh Văn Tú phải ngạc nhiên. Hắn tuyệt đối không ngờ ở tận miền duyên hải Quảng Đông Nam Lộ mà cũng có cao thủ của phái Hoa Sơn. Đinh Văn Tú ngạc nhiên chứ không sợ. Hắn liếc nhìn xung quanh ước định tình hình. Trần Triệu Quốc Nguyệt đánh nhau với Tào Sinh và Ngụy Hiến liên thủ. Đinh Văn Tú không để ý đến Đoàn Yêm mà vung chưởng tấn công Tào Sinh. Tương tự như tình trạng của Triệu Hòa Vinh, Đoàn Yêm tấn công chưa đến nơi thì có người tấn công Tào Sinh giải vây cho Đinh Văn Tú. Đinh Văn Tú ra lệnh:
‒ Lăng, Giang Linh cầm chân hai người đó. Bạch Yến, Uyên Linh bảo vệ xe bạc.
Đinh Bạch Yến và Quách Uyên Linh cùng năm người thuộc hạ bảo vệ xe chở bạc vững như thành đồng. Thuộc hạ Hải Giác Bang mở nhiều đợt tấn công vào đều bị hai nàng đánh bật lui cả. Một bên nhất định không để địch thoát khỏi sự kềm chế, một bên nhất định mở vòng vây. Đôi bên đánh nhau mặt đất vang rền, tường nền rung chuyển. Tiếng người la ó, tiếng binh khí chan chát, tiếng chưởng vù vù, tiếng châm rầm rầm; khoảng đất trống trước sòng bài Tứ Hải Phú Quý trở thành bãi chiến trường đầy cát bụi gạch ngói.
Quách Lăng dùng kiếm đấu với Đoàn Yêm. Đinh Văn Tú quyết chiến với Tào Sinh. Trong lúc Hồ Trường Giang Linh giải nguy cho Triệu Hòa Vinh thì người lớn tuổi nhất của Giao Long Bang tại hiện trường dùng chiêu Giao Long Hí Thủy với Hàn Tuân. Hàn Tuân tưởng Triệu Hòa Vinh khoe chiêu thức để giao thủ với Khấu Đại Hán, ai ngờ lại tấn công hắn. Hắn vội đỡ cú đá liền bị Triệu Hòa Vinh phun một bãi nước bọt vào người. Hàn Tuân vội nhảy sang một bên tránh. Hắn ngớ người, nhất thời chưa biết cách ứng xử mặc dù trong lòng căm giận Triệu Hòa Vinh. Hai bên đánh nhau mà phun nước bọt như thế khác nào nhục mạ, chà đạp lên danh dự đối phương. Đinh Văn Tú khen nhặng:
‒ Chiêu Giao Long Hí Thủy của Triệu đại ca danh bất hư truyền. Vừa mới nhả ngọc phun chiêu ra bằng miệng mà gã kia đã bị chùn tay. Đại ca giỡn nước hay quá.
‒ Đinh đệ xem đây, huynh phun vài cái nữa là cả Hải Giác Bang nhà nó bơi như rươi ngay.
‒ Thán phục Triệu đại ca.
Triệu, Đinh nói chuyện với nhau trong lúc giao tranh với hai cao thủ Hải Giác Bang mà chiêu thức không hề nao núng. Thạch Khâm ở ngoài đốc thúc thuộc hạ bao vây Giao Long Bang lại. Trong vòng vây Giao Long Bang và Hải Giác Bang chia thành năm cặp song đấu với nhau. Chưởng phong, cát bụi, nội lực, chiêu thức đôi bên thi triển ra cho bằng hết để dành phần thắng. Năm người thuộc hạ Giao Long Bang đi cạnh xe chở vạn lượng bạc cũng tả xông hữu đột. Sát phạt bừng bừng. Quần hùng ngoài cuộc chỉ dám ở xa xa nhìn cuộc giao tranh của hai bang. Giữ đúng tinh thần của con bạc, họ chia ra làm hai nhóm đánh cá với nhau xem bên nào thắng trận.
Ngụy Hiến, còn được gọi là Ngụy Hộ Pháp, thân hình vạm vỡ, chiêu thức nhanh nhẹn, nội lực kinh người không thể nào áp đảo được cô bé Trần Triệu Quốc Nguyệt 17 tuổi. Nàng đã rút cái roi đuôi cá đuối ra tấn công làm Ngụy Hiến mấy phen xém bị thương nặng.
Một tiếng pháo lệnh vang lên. Đám bang chúng Giao Long Bang khoảng trăm người từ phía nam đánh lên. Nhưng cũng lúc đó, bang chúng Hải Giác Bang từ các nẻo kéo đến, nhân số trên năm trăm nhân thủ. Trần Triệu Quốc Nguyệt ra lệnh:
‒ Bỏ của chạy lấy người, đại phá vòng vây.
Giao Long Bang mười một người cùng đánh về phía nam rát như núi lở. Hồ Trường Giang Linh dồn được Khấu Đại Hán không còn sức để chống trả. Thạch Khâm lo sợ thuộc hạ tín cẩn của mình bị hại nên lão không màng thân phận, nhảy vào vòng chiến tấn công Hồ Trường Giang Linh. Với song quyền thành danh của họ Thạch, lão đã được bạn bè võ lâm tặng danh hiệu Thạch Quyền vì lão có thể đấm vỡ tảng đá to hơn một người ôm mà không cần dùng đến hai thành công lực. Lão đã dùng mười thành công lực tấn công Hồ Trường Giang Linh. Song thạch quyền của lão đã từng đánh gẫy biết bao nhiêu thanh bảo binh khí trong mấy mươi năm qua. Chưởng phong ùn ùn ập đến, Hồ Trường Giang Linh bị ép bật ngược lại. Nàng biết Thạch Khâm là cao thủ mạnh nhất của Hải Giác Bang nhưng nàng vẫn không sợ. Nàng hít một hơi chân khí rồi cũng dùng mười thành công lực đánh ra chiêu Giao Long Thuận Nghịch Song Tử Kiếm. Như tên gọi, một chiêu thuận một chiêu nghịch, một chiêu âm một chiêu dương cùng đánh vào song quyền của Thạch Khâm. Đất đá xung quanh bay tán loạn. Thạch Khâm bị chặn đứng lại một chỗ. Hồ Trường Giang Linh bị hất lùi lại phía sau hơn hai trượng.
‒ Hay lắm.
Cả hai cùng khen chiêu thức của nhau. Thạch Khâm tuy dùng mười phần công lực nhưng chiêu Tinh Quyền Phá Thạch của lão chưa phải là chiêu ảo diệu nhất. Lão nghĩ với nội lực đó, với chiêu thức đó cũng đủ để cho Hồ Trường Giang Linh bị nát thây. Nhưng lão quan sát kỹ, Hồ Trường Giang Linh bị đánh lui thật đó nhưng sắc mặt vẫn hồng hào, hơi thở đều đặn. Tất nhiên nàng không lạc bại như lão nghĩ. Thạch Khâm chưa kịp tấn công tiếp thì lão đã nổi giận. Hồ Trường Giang Linh xoay người dùng khinh công xông vào vòng vây, song kiếm tuôn ra nhiều chiêu thức tuyệt vời khiến thuộc hạ của lão bị thương không ít. Giao Long Bang nội ngoại giáp công, vòng vây được mở. Trần Triệu Quốc Nguyệt cùng bốn người thuộc hạ đi đoạn hậu để tất cả rút nhanh về phía nam.
Thạch Khâm chiếm lại được xe chở bạc thì mừng khôn xiết kể. Đám thuộc hạ chia là hai, một nhóm đuổi theo nhưng phần lớn ở lại chúc mừng Thạch Khâm lấy được bạc về. Bọn chúng kệ nệ khiêng rương bạc trên xe xuống rồi mở ra. Thạch Khâm nhìn thấy bên trong vạn lượng bạc còn nguyên. Lão chưa nguôi giận:
‒ Tổ bà khốn kiếp bọn Giao Long Bang…
Thạch Khâm sai thuộc hạ khiêng rương bạc vào Tứ Hải Phú Quý. Bên trong vắng lặng vì tất cả đã ra ngoài xem cuộc chiến đôi bên. Bàn ghế vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng đến khi ra hậu viện thì Thạch Khâm xém ngất xỉu. Đến một hạt bụi cũng không còn. Bao nhiêu vàng, bạc, châu, ngọc cất ở hậu sảnh trong căn phòng kiên cố không cánh đã bay đi mất. Đáng lẽ tổn thất không đến nỗi nào nếu chúng được khóa kỹ càng. Vì ban ngày mở cửa làm ăn, với lại Giao Long Bang mới thắng vạn lượng bạc nên kho báu được mở ra. Bây giờ Thạch Khâm mới biết Giao Long Bang cố tình gây hấn bên ngoài để cướp sự mọi sự chú ý. Trên năm vạn lượng bị Giao Long Bang đem đi thì một vạn lượng lấy lại được khác gì vết thương xát muối. Thạch Khâm giận run người quát:
‒ Lão gia phải bầm thây bọn Giao Long Bang nhà nó như xưa kia lão gia từng làm.
Thạch Khâm dẫn hết tất cả thuộc hạ đuổi theo nhưng đến nơi thì Giao Long Bang thuyền vừa rời bến. Trên chiếc Thương Hải Minh Nguyệt bốn nàng Trần Triệu Quốc Nguyệt, Hồ Trường Giang Linh, Quách Uyên Linh và Đinh Bạch Yến vẫy tay chào đoàn người Hải Giác Bang đang tức tối nhìn. Thạch Khâm hạ lệnh:
‒ Dù chết cũng phải đuổi theo.
Đến đó thuộc hạ Hải Giác Bang đến báo:
‒ Bẩm Bang Chủ. Giao Long Bang đã cướp sạch năm chiếc thuyền hàng của bản Bang đang neo ở bến.
‒ Mi nói cái gì?
Thạch Khâm giận điên người. Hàng hóa trên năm chiếc thuyền trị giá trên năm vạn lượng bạc nữa. Trong một buổi mà lão mất trên mười vạn lượng bạc về tay Giao Long Bang, trong đó có số châu bảo dâng lên Đông Hải Long Vương. Bất kỳ ai ở vào vị trí của Thạch Khâm cũng phải nổi lôi đình ngay. Thạch Khâm đã điên tiết. Lão tru tréo Giao Long Bang từ trên xuống dưới ba đời rất thậm tệ. Lão đã bỏ nửa đời người ra kiếm được từng đó thế mà nửa ngày đã bị người cướp sạch. Thạch Khâm vung quyền lên đánh ra như mưa. Ầm ầm vù vù. Chưởng phong bay tán loạn khắp bến tàu. Bọn thuộc hạ không ai dám khuyên giải lão. Mà họ dám họ cũng không thể khuyên. Cái nhục nhã và tổn thất của Thạch Khâm cũng là mối nhục nhã của bọn họ. Chúng nghiến răng ken két thề sống thề chết quyết sẽ ăn thua đủ với Giao Long Bang. Của cải bao lâu nay tích lũy được bị mất ngay trước mắt hỏi ai không căm tức cho được. Đoàn Yêm quát tháo đám bang chúng:
‒ Các ngươi đứng như trời trồng đó làm gì? Mau mau dùng tất cả những chiếc thuyền nào sẵn có để đuổi theo.
Chẳng bao lâu một hải đội mười chiếc thuyền của Hải Giác Bang đuổi theo đội thuyền mười chiếc của Giao Long Bang về hướng tây nam. Thạch Khâm còn muốn đem theo nhiều thuyền nữa nhưng nhất thời lão chỉ có bấy nhiêu. Đến chiều tối thì chiếc Thương Hải Minh Nguyệt chạy chậm lại vì dây buồm bị đứt. Hải Giác Bang cố đuổi theo cho kịp, vừa dùng sức gió vừa ra sức chèo.
Trời về đêm, ánh sao le lói không đủ sức soi đường cho Thương Hải Minh Nguyệt. Ả nằm lênh đênh vô định giữa biển khơi, dây buồm bị đứt hết. Kẻ gian giảo không bao giờ có kết quả tốt, Thạch Khâm tin tưởng điều đó. Những chiếc thuyền khác của Giao Long Bang chỉ có thể cứu người từ Thương Hải Minh Nguyệt chứ không thể giữa biển chuyển bạc vàng trong khi bị đuổi. Trần Triệu Quốc Nguyệt phải bỏ lại chiếc soái chu của mình để chạy lấy người. Thạch Khâm cho bao vây Thương Hải Minh Nguyệt lại. Trên thuyền vắng lặng như màn đêm tịch mịch.
Sau hơn canh giờ bao vây, Thạch Khâm cho thuộc hạ leo lên Minh Hải Thanh Nguyệt. Vẫn không có động tịnh. Lão vừa định cho người lục soát thuyền thì nghe tiếng thuộc hạ la hoảng:
‒ Ối chìm thuyền.
‒ Sao thuyền bị đắm thế này?
‒ Nguy rồi Bang Chủ ơi!
Tiếng la hoảng của thuộc hạ làm Thạch Khâm hoảng loạn. Đội hình của Hải Giác Bang trong đêm tối bị rối lên. Bốn chiếc thuyền bị đánh chìm làm ánh sáng từ những ngọn đuốc mờ dần. Bọn thuộc hạ loi ngoi dưới biển, vừa leo lên được một chiếc gần nhất thì chiếc này cũng bị đắm luôn. Đáy thuyền bị một lỗ hổng to bằng hai vòng tay người cho nước tràn vào. Nhìn thấy sự tình, Thạch Khâm lo sợ không nghĩ đến chuyện cướp thuyền nữa. Lão kêu thuộc hạ trở về thuyền để bỏ chạy vì lão đã thấy tình trạng của lão. Hải Giác Bang bị vây.
Mười chiếc thuyền Giao Long Bang đốt đuốc sáng ngời vây xung quanh năm chiếc thuyền của Hải Giác Bang. Thạch Khâm cầm hai ngọn đuốc phất phất ra lệnh. Bao nhiêu ngọn đuốc trên năm chiếc thuyền Hải Giác Bang đều bắn sang đội thuyền của Giao Long Bang rồi bang chúng căng buồm lên cùng hì hục chèo thuyền chạy trốn. Bị vây vào giữa, năm chọi mười không bao giờ có kết cuộc tốt. Thạch Khâm muốn có kết cuột tốt thì phải giữ lấy tính mạng. Còn mạng sống thì còn có ngày phục hận, còn kiếm lại được tài sản. Tính mạng mà mất là mất tất cả.
Thạch Khâm ra lệnh cho chiếc thuyền của mình đâm vào một chiếc thuyền của Giao Long Bang. Hai chiếc đụng vào nhau và dội ra. Mũi thuyền của Thạch Khâm hướng ra ngoài. Bốn chiếc còn lại theo sau bén gót. Nhìn thấy Giao Long Bang không đuổi theo, Thạch Khâm mới yên bụng một chút. Chưa bao giờ lão thấy chán chường và uất ức như lúc này. Tiền mất, tật chưa mang nhưng đội thuyền bị mất một nửa, ba phần bang chúng bị Giao Long Bang bắt và bao nhiêu hùng tâm mới buổi sáng này cao hơn núi Thái mà bây giờ không bằng mấy mảnh ván thuyền. Lão đã thua triệt để. Lão cay cú nhất là đích thân lão ra tay mà rước cái thất bại ê chề nhục nhã như vầy. Nếu là thuộc hạ nào khác bị bại trận như lão, trong cơn bi phẫn lão dám giết ba họ nhà nó lắm.
Đoàn chu sư Hải Giác Bang tàn binh bại tướng trở về bến Bắc Hải, tiu nghỉu như chó cụp đuôi. Lá cờ hiệu vất vào một xó vì không có mặt mũi nào treo lên. Xưa nay kẻ bại trận không ai treo cờ để gây thêm sự chú ý về cái thất bại của mình…
-oOo-
Kể xong, Thạch Khâm kết luận:
‒ Trần Triệu Quốc Nguyệt vừa làm loạn Bắc Hải, vừa cướp tài sản của Hải Giác Bang, vừa đánh đắm thuyền, vừa đả thương người. Lão phu nhìn nhận là có cho thuộc hạ lên thuyền của Giao Long Bang nhưng Hải Giác Bang có công lý rõ ràng. So leo lên thuyền với đắm thuyền nặng nhẹ đã rõ. Thạch mỗ ta không có nói oan cho Giao Long Bang các người dù chỉ nửa câu. Nếu có gian dối, Thạch mỗ sẽ giống như những chiếc thuyền chìm giữa biển kia.
Thạch Khâm quay sang nói với Vương Học Siêu:
‒ Vương quân sư làm chứng. Lời nói của lão phu là đúng sự thật. Lão phu đòi bồi thường vạn lượng có chỗ nào quá đáng?
Vương Học Siêu chưa kịp nói Trần Triệu Quốc Dung đưa ngón tay út ngoáy tai rồi le lưỡi lắc đầu:
‒ Nghe Thạch bang chủ kể xong mà bản tòa muốn điếc con ráy. Nổ banh xác cá.
‒ Sao?
‒ Năm năm trước Thạch bang chủ dùng một quyền đánh lui được Hồ Trường Giang Linh, bản tòa tạm tin. Đinh Văn Tú dẫn em gái bản tòa vào sòng bạc rồi gây chuyện? Đừng nói là một Đinh Văn Tú, dù một trăm Đinh Văn Tú cũng không dám làm thế. Em gái bản tòa cũng không đến đó làm gì.
Thạch Khâm mỉa mai.
‒ Chỉ có Giao Long Bang các ngươi đức hạnh vô song, thiên hạ không ai bằng. Hừ! Cái gì cũng có lần đầu. Đinh Văn Tú lén lút làm chuyện lén lút, các vị biết được à?
‒ Bỏ qua chuyện Đinh Văn Tú có làm hay không. Sao lần này có chuyện em gái bản tòa phá sòng bạc Tứ Hải Phú Quý và thổi đi trên năm vạn lượng?
‒ Đâu thêm bớt cái gì. Đã bao nhiêu lần lão phu khô nước miếng nói Trần Triệu Quốc Nguyệt làm loạn ở Bắc Hải, cướp của đánh người rồi bỏ chạy, Hải Giác Bang đuổi theo và bị đánh đắm năm chiếc thuyền?
‒ Tóm lại bản tòa không tin vào lời nói của Thạch bang chủ mà tin vào sự trong sạch của em gái. Rất nhiều chi tiết trong câu truyện của Thạch bang chủ không phù hợp với lời nói của tam muội bản tòa.
Thạch Khâm cười lớn:
‒ Tất nhiên các ngươi tin lời nói phiến diện của Trần Triệu Quốc Nguyệt.
Vương Học Siêu cắt ngang:
‒ Tại hạ xin hỏi, Giao Long Bang có chịu bồi thường cho Hải Giác Bang và Đông Hải Long Vương hay không? Các vị không sợ Đông Hải Long Vương nổi trận lôi đình?
Trần Triệu Quốc Hoa thản nhiên:
‒ Ngồi vào nghị sự ở tư cách ngang hàng với Hải Giác Bang thì chúng tôi ngồi. Còn nếu các vị dùng uy quyền bắt chị em bản tòa theo lời yêu sách của Đông Hải Long Vương thì không bao giờ.
Thạch Khâm mỉa mai:
‒ Ngang hàng? Hừ. Ngay đến tên Trần Triệu Quốc Lĩnh còn sống cũng chưa đủ tư cách nói chuyện ngang hàng với lão phu hoặc Vương quân sư, hai đứa bé con nhà ngươi thì lấy tư cách gì mà đòi ngang hàng? Phượng hoàng hót đã đành, mấy con gà mái Giao Long Bang cũng bắt chước đòi gáy.
Nói rồi Thạch Khâm đấm nhẹ một đấm xuống nền, cả thủy trại lắc lư như trong bão lớn. Lão những tưởng có thể dùng lực uy hiếp nhưng sáu người Giao Long Bang nhìn lão chằm chằm nhưng mặt không đổi sắc. Trần Triệu Quốc Dung chậm rãi:
‒ Các vị muốn dùng quyền thì bản tòa dùng quyền.
Nàng nhìn thẳng vào mặt Thạch Khâm:
‒ Chúng ta cùng là bang chủ với nhau nên chỉ có thể nói chuyện ngang hàng. Chúng ta sống trong chốn giang hồ phải biết nói đến hai chữ công lý. Công lý nằm ở công đạo xử theo tinh thần công bằng. Cái giá các vị đòi chúng tôi có quyền thương lượng.
Vương Học Siêu không giữ được bình tĩnh:
‒ Lại nữa. Bang chủ cứ quanh co mãi. Cái gì là công lý, cái gì là công bằng. Bang chủ cố tình nói vòng quanh cốt ý kéo thời gian và để tránh cho Trần Triệu Quốc Nguyệt khỏi phải chịu trách nhiệm những hành động đã làm và Giao Long Bang khỏi phải chịu hậu quả. Đó là phi lý, không phải công lý.
Trần Triệu Quốc Hoa cương quyết:
‒ Vương quân sư nói vậy là sai.
‒ Sai chỗ nào?
‒ Ở chỗ thương lượng với Giao Long Bang rất dễ. Các vị có thể đòi bất cứ yêu cầu gì chúng tôi cũng chìu ý, nhưng…
‒ Nhưng? Nhưng thế nào?
‒ Nhưng phải để chúng tôi đòi lại một cái giá tương tự.
‒ Tầm bậy.
‒ Không có. Đôi bên nghị hòa là để cho đôi bên hưởng lợi. Bản tòa dám lấy tính mạng bảo đảm em gái bản tòa không có tàn phá Bắc Hải như đã kể.
‒ Nhưng đó là sự thật.
‒ Sự thật theo cái nhìn của các vị.
Vương Học Siêu cười lớn:
‒ Lại muốn chối tội?
Trần Triệu Quốc Dung trả lời thế:
‒ Không bao giờ. Các vị có thể đòi hỏi bất cứ một hình phạt nào ở Giao Long Bang, chúng tôi cũng chịu, miễn là cho chúng tôi đòi lại một cái giá tương tự.
Nàng nhìn Trần Triệu Quốc Hoa rồi nói, mắt chiếu hàn quang, giọng nói đanh thép:
‒ Chúng tôi có thể nhường nhịn vài phần. Các vị muốn chúng tôi trả mười vạn lượng. Giao Long Bang sẽ trả đủ trong mười ngày, ngược lại Giao Long Bang sẽ đốt tổng đàn Hải Giác Bang thành bình địa.
Thạch Khâm trợn mắt:
‒ Ngươi… ngươi dám?
‒ Cả tổng đàn Hải Giác Bang không tốn quá năm vạn lượng để xây, chúng tôi chịu lỗ năm vạn các vị còn muốn gì?
‒ Ngươi… ngươi…
‒ Các vị muốn Trần Triệu Quốc Nguyệt trong vòng ba ngày phải quỳ gối ở Bắc Hải. Bản tòa cam đoan Trần Triệu Quốc Nguyệt sẽ quỳ gối ở Bắc Hải. Ngược lại chúng tôi sẽ chặt đứt đầu gối của năm tên đường chủ Hải Giác Bang. Đầu gối của một vị bang chủ sáng giá hơn năm đường chủ.
Năm người đường chủ Hải Giác Bang tái mặt. Thạch Khâm run run:
‒ Các ngươi… các ngươi chán sống? Các ngươi không sợ Đông Hải Long Vương lẫn Nam Hải Long Vương? Giao Long Bang âm thịnh dương suy, cương thường trời đất đã bị loạn lên hết rồi.
‒ Nghị hòa trong tinh thần bình đẳng, đó là công chính chứ không phải tạp loạn. Chúng tôi chịu thiệt thòi một chút để dễ dàng đàm phán hơn.
‒ Những điều kiện mi đưa ra không thể thi hành.
‒ Đấy nhé. Hòa đàm không ở Giao Long Bang khó khăn hoặc chạy tội mà ở các vị không đủ can đảm để nghị hòa. Các vị có thể thương lượng về chúng tôi bất cứ điều gì.
Nàng nói với Vương Học Siêu:
‒ Thật sự giữa Giao Long Bang và Hải Giác Bang vốn không có chuyện của Đông Hải Long Vương hoặc Nam Hải Long Vương. Chúng tôi nể tình Vương quân sư và Đông Hải Long Vương nên tiếp chuyện, thế thôi. Chứ nói về nghị hòa, Vương quân sư không đủ tài trí và uy quyền thay mặt Đông Hải Long Vương để thương lượng.
Vương Học Siêu cười rung động cả thủy trại. Tiếng cười của hắn đủ làm nứt đá vỡ đồng:
‒ So về thế lực Nam Hải Long Vương chỉ là con kiến nhỏ trong ánh mắt của Đông Hải Long Vương nữa là Giao Long Bang các ngươi. Lý Minh Nghĩa có mặt ở đây chưa chắc dám khách khí với bản tòa. Bản tòa là người đứng thứ hai ở Bành Hồ, chỉ dưới quyền Đông Hải Long Vương. Bản tòa muốn vạn người chết thì trong một ngày sẽ có vạn nấm mồ mới nổi…
‒ Nhưng Vương quân sư không đủ uy quyền.
‒ Trần Triệu nhị bang chủ đừng thách.
‒ Bản tòa không thách mà bản tòa dám dâng đầu người, Vương quân sư có dám không?
‒ Đầu người?
‒ Một đổi một. Trong mười ngày bản tòa sẽ đưa đầu của Trần Triệu Quốc Nguyệt đến Bành Hồ để tạ tội với Đông Hải Long Vương. Vương quân sư có dám thay mặt Long Vương nhận đầu của em gái bản tòa không?
Vương Học Siêu tái mặt.
‒ Ngược lại, bản tòa muốn lấy cánh tay phải của Thạch Khâm. Vương quân sư gánh nổi không?
Thạch Khâm trợn ngược mắt. Vương Học Siêu không giữ được tự nhiên. Hắn muốn lấy mạng của Thạch Khâm thì quá dễ dàng chứ đừng nói lấy cánh tay phải của Thạch Khâm. Nhưng lấy cánh tay của Thạch Khâm Đông Hải Long Vương không có lợi gì mà bao nhiêu công sức chiêu dụ các bang phái ở Quảng Đông và Quỳnh Châu sẽ tan theo mây khói. Các bang phái không quy phục Đông Hải Long Vương nữa và Long Vương chưa thể thanh lý miền nam trong lúc này. Vương Học Siêu còn đang đắn đo suy nghĩ lợi, hại thì Trần Triệu Quốc Dung nói thêm:
‒ Đừng nói cái đầu của Trần Triệu Quốc Nguyệt. Cái đầu của Trần Triệu Quốc Dung này Vương quân sư muốn lấy lúc nào cũng được, kể cả ngay trong lúc này.
Nàng vừa nói xong, Nguyễn Hùng đứng sau lưng liền rút kiếm ra để lên cổ nàng. Trần Triệu Quốc Dung không hề sợ sệt:
‒ Chỉ cần Vương quân sư đồng ý là đầu của Quốc Dung này sẽ đưa cho vương quân sư ngay. Ngược lại, Giao Long Bang sẽ lấy cánh tay phải của Vương quân sư.
Vương Học Siêu đập bàn hét:
‒ Trần Triệu Quốc Dung mi đừng ỷ được thì làm tới. Đông Hải Long Vương sẽ không tha tội ngang ngược của mi!
Trần Triệu Quốc Dung lắc đầu, mặc kệ cho lưỡi kiếm kề cổ. Nhưng lưỡi kiếm của Nguyền Hùng linh hoạt vô cùng. Dù nàng có dựa ngửa, dựa nghiêng, quanh người qua phải, qua trái thì lưỡi kiếm vẫn cách cổ nàng nửa đầu đũa, không hơn không kém. Vương Học Siêu không khỏi chấn động. Nàng nói với giọng đầy tự tin và thách thức:
‒ Đầu người đổi lấy cánh tay, Vương quân sư có lợi quá rồi còn gì. Bản tòa lại chịu thiệt thòi giao đầu người ra trước. Bản tòa có nói, Giao Long Bang không khó, khó là ở các vị không có đủ quyết tâm để hòa đàm. Đông Hải Long Vương là người lớn, Vương quân sư là người đầy đủ quyền uy nên bản tòa không sợ các vị nuốt lời nên mới dám giao đầu người ra trước.
Vương Học Siêu nhìn Thạch Khâm. Nhất thời cả hai không biết phải trả lời sao.
‒ Bản tòa còn có một đề nghị này. Vương quân sư có thể thi hành.
Thạch Khâm mỉa mai:
‒ Bang chủ còn muốn lấy cánh tay của ai đây?
Trần Triệu Quốc Dung bật người ra sau cười lớn. Mũi kiếm vẫn di chuyển theo đúng phương vị.
‒ Lấy cánh tay của các người cũng quăng cho chó ăn, chẳng lẽ lập bàn để thờ à?
‒ Ngươi…
‒ Bản tòa tình nguyện giao đầu của Trần Triệu Quốc Hoa luôn cho các vị.
Cao Chiêu Linh đứng sau lưng liền rút kiếm ra kề lên cổ Trần Triệu Quốc Hoa như Nguyễn Hùng kề kiếm trên cổ Trần Triệu Quốc Dung.
Mặt Thạch Khâm tái xanh không còn giọt máu:
‒ Đại… đại… Bang… bang chủ sao không nói tiếng nào?
Trần Triệu Quốc Dung thản nhiên:
‒ Bản tòa bị kiếm bén kề cổ, Thạch bang chủ muốn bản tòa nói gì?
‒ Lời nói của Nhị… của Nhị… Bang Chủ, Đại Bang Chủ không có ý kiến?
‒ Quốc Dung là em bản tòa. Bản tòa giao cả tính mạng cho em bản tòa còn không tiếc, xá gì cái đầu?
‒ Các ngươi… các ngươi làm trò gì thế?
Trần Triệu Quốc Dung mỉm cười:
‒ Thì hòa đàm với các vị. Giao Long Bang chịu lỗ vốn cho các vị chiếm lợi đây mà. Cái đầu của chị cả bản tòa, Trần Triệu Quốc Hoa, đổi lấy bàn tay phải của Đông Hải Long Vương. Vương quân sư nghĩ thấy thế nào?
Vương Học Siêu hét lớn:
‒ Nói nhăng nói càn, nói bậy nói nhảm. Đông Hải Long Vương vạn vạn ức kim chi thể. Mấy đứa con gái ngông cuồng các người đừng có nói càn rỡ.
‒ Vậy thì đầu của Trần Triệu Quốc Hoa và Trần Triệu Quốc Dung đổi lấy cánh tay phải của Đông Hải Long Vương?
‒ Hoàn toàn không thể chấp nhận được.
‒ Trần Triệu Quốc Hoa, Trần Triệu Quốc Dung, Trần Triệu Quốc Nguyệt, Trần Triệu Quốc Thiên và Trần Triệu Quốc Vân, trong vòng mười ngày đầu của năm người đó sẽ có mặt ở Bành Hồ để đổi lấy đầu của Đông Hải Long Vương.
Vương Học Siêu đập bàn rồi chỉ tay:
‒ Trần Triệu Quốc Dung! Bang chủ đừng ỷ là nói được rồi làm tới, không xem Long Vương ra gì. Mai này Long Vương nam hạ thì đừng trách tại sao bị xử một cách tàn nhẫn. Hiềm khích giữa Hải Giác Bang và Giao Long Bang đáng lẽ Long Vương không lý tới, nhưng Giao Long Bang các ngươi phải biết tự lượng sức mình. Thế lực mới bé bằng nắm tay thì khoan nghĩ rằng cả thiên hạ chỉ bằng tầm với khinh thường anh hùng thiên hạ không người. Các vị còn làm tới nữa thì khác gì tuyên chiến với Long Vương. Võ lâm Hoa Việt đánh nhau sẽ kéo hai nước vào cuộc chiến. Giao Long Bang các ngươi gánh nổi sao?
Trần Triệu Quốc Dung nghiêm sắc mặt và cũng nhìn thẳng vào Vương Học Siêu. Đây là lần đầu tiên Thạch Khâm thấy Trần Triệu Quốc Dung có sát khí trong mắt đáng sợ như thế. Trời không lạnh mà lão tự nhiên cảm thấy rùng mình. Trần Triệu Quốc Dung nói chậm rãi:
‒ Thạch Khâm xâm lấn bờ cõi Đại Việt, có chết bản tòa cũng không nhượng bộ. Chiến tranh hai nước có xảy ra không phải là lần đầu tiên. Kể từ Ngô Vương đại phá Nam Hán trên sông Bạch Đằng đến nay, Đại Việt trải gần hai trăm năm phú cường, tây phá Chân Lạp, nam định Chiêm Thành, bắc cự Trung Nguyên không trận nào không thắng. Vương quân sư đừng đem chiến tranh ra dọa chúng tôi. Về tình về lý, Thạch bang chủ đều sai quấy. Nếu chiến tranh giữa hai nước lại xảy ra như Vương quân sư nói, và Tống triều lại thua nữa, trên dưới ba họ của Hải Giác Bang không đủ đầu người cho Tuyên Hòa hoàng đế chém đâu. Vương quân sư nghĩ Hải Giác Bang gánh nổi sao?
Thạch Khâm cùng Vương Học Siêu miệng há hốc, mắt trợn trừng. Giao Long Bang quá táo bạo, dám khiêu chiến với cả Đông Hải Long Vương. Trần Triệu Quốc Dung mỉm cười, một nụ cười từ ái nhưng chứa mười phần quả quyết:
‒ Các vị đừng quên, xưa nay thủy chiến người Bắc không giỏi bằng người Nam. Đại Tống chưa thắng được Đại Việt trận nào. Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm. Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư (7).
Vương, Thạch cả hai đều nín thinh. Trần Triệu Quốc Dung đấu dịu:
‒ Chúng tôi nói đùa với các vị một chút thôi, các vị cần gì phải hoảng sợ như vậy? Chị em bản tòa đã chịu thiệt thòi một đổi năm mà còn không được thì thôi. Cứ xem như bản tòa nói chuyện phiếm vậy.
Vương Học Siêu không tin:
‒ Các ngươi… Nhị Bang Chủ nói đùa?
Trần Triệu Quốc Dung nheo mắt:
‒ Hư là thực, thực là hư. Đầu năm người chúng tôi đổi lấy đầu của Nam Hải Long Vương, Vương quân sư và Thạch bang chủ chủ trì được chăng?
Vương Học Siêu ngớ người. Hắn chưa nhận định được Trần Triệu Quốc Dung đùa hay thật thì nghe nàng nói:
‒ Tất nhiên là đùa với hai vị. Chuyện của người Nam chúng tôi, người Nam chúng tôi tự xử.
Vương Học Siêu hơi nhíu mày nhưng không nói gì thêm. Thạch Khâm bị xem là trò đùa mỗi khi đôi bên ngồi vào bàn nghị hòa nên không có kiên nhẫn như Vương Học Siêu. Lão là bang chủ một bang lớn và mạnh hơn Giao Long Bang rất nhiều. Xưa kia Thạch Khâm từng chiến thắng Giao Long Bang một cách oai hùng mà ngày nay lão bị Trần Triệu Quốc Dung xem như trẻ nít. Thạch Khâm không khỏi nghĩ đây là cái nhục lớn nhất trong đời. Nếu không phải vì lão e dè Nam Hải Long Vương và bị Đông Hải Long Vương quản thúc Thạch Khâm đã đích thân dẫn bang chúng Hải Giác Bang đến Tiên Yên hỏi tội Giao Long Bang. Hận mới cộng với thù cũ, Thạch Khâm tức giận đến điên người. Lão không thể giữ bình tĩnh như Vương Học Siêu được. Vương Học Siêu mới ngồi cùng lão và Giao Long Bang vài lần nên Vương Học Siêu chưa rõ cách thức của Giao Long Bang. Rồi đây Vương Học Siêu sẽ bị chịu nhục nhã như lão, Thạch Khâm nghĩ, nếu Vương còn nhân nhượng với Giao Long Bang. Một người ngạo mạn kiêu hùng một góc trời như Thạch Khâm mà cứ đôi ba ngày bị hai đứa con gái tuổi không hơn cháu lão dùng lời khiêu khích lẫn khinh miệt làm sao Thạch Khâm có thể ăn ngon ngủ yên. Lão tự hứa với lòng là sẽ đem toàn lực đánh Giao Long Bang một trận sống chết. Lão đánh bại được Trần Triệu Quốc Lĩnh thì lão sợ gì Trần Triệu Quốc Hoa. Thạch Khâm muốn phát tác. Nhưng lão chưa kịp thì đã bị Trần Triệu Quốc Dung tạt gáo nước lạnh:
‒ Hôm nay trễ rồi, hẹn hôm khác nói chuyện tiếp. Giao Long Bang chúng tôi luôn sẵn sàng nghe đề nghị nhưng không bao giờ chịu bị thiệt thòi quá đáng. Thạch bang chủ về nhà ngồi soi xét đáy lòng xem bang chủ thật sự muốn gì và có chịu dùng mọi biện pháp để được kết quả hay không rồi đưa ra điều kiện với bản Bang. Bản tòa nhắc lại, Thạch bang chủ muốn lấy đầu của bất cứ ai trong Giao Long Bang, hoặc muốn bản Bang bồi thường bao nhiêu, Trần Triệu Quốc Dung này sẵn sàng chấp nhận, miễn là chúng tôi được đền bù tương xứng.
‒ Ngươi… ngươi… thật là tức chết Thạch Khâm ta…
‒ Suy cho cùng, Giao Long Bang kính nể Thạch Bang Chủ và kính nể Đông Hải Long Vương nên mới chịu ngồi đàm phán như thế này. Sự việc xảy ra trên biển của Đại Việt, thật tình mà nói, chúng tôi đếch cần biết đến Hải Giác Bang nghĩ sao. Thạch bang chủ ngoài mặt thì hô hào với võ lâm nhân sĩ khắp nơi là Giao Long Bang sai trái. Nếu sự thật được phơi bày ra là Hải Giác Bang phạm cảnh, cả võ lâm Trung Nguyên không còn ai hưởng ứng Thạch bang chủ nữa đâu.
‒ Giao Long Bang muốn tuyên chiến?
‒ Trên là trời Nam, dưới là biển Nam, kia là đất Nam, đây là nước Nam. Chúng tôi yêu hòa bình nên không sợ chiến tranh. Cùng lắm là đánh.
Trần Triệu Quốc Hoa và Quốc Dung đứng lên đi ra khỏi thủy trại. Hình thức khiêu chiến quá rõ rệt khiến cho Thạch Khâm uất nghẹn không biết phải làm sao. Nếu Vương Học Siêu không có mặt ở đây Thạch Khâm đã ra lệnh cho thuộc hạ tấn công Giao Long Bang rồi, chết sống mặc kệ. Vương Học Siêu tức giận không kém nhưng có định lực cao hơn Thạch Khâm, tính toán thâm sâu hơn nên nói vọng theo:
‒ Ngày mai chúng tai lại ngồi vào nghị hòa. Hai vị Bang Chủ bớt nóng giận.
Trần Triệu Quốc Dung phất tay:
‒ Tùy ý Vương quân sư.
Vương Học Siêu chỉ nhìn thấy bóng lưng của nàng. Nếu Vương thấy sắc mặt của Trần Triệu Quốc Dung lúc bấy giờ hắn đã hạ lệnh tấn công. Trần Triệu Quốc Dung để lộ chút sợ sệt trong ánh mắt…
-oOo-
Trần Triệu Quốc Dung kể xong, trên dưới Giao Long Bang cười một trận thỏa thích. Nàng nghiêm sắc mặt lại nói với Trần Triệu Quốc Hoa:
‒ Tên Vương Học Siêu rất khó đối phó. Trong lúc nghị hòa hắn luôn tỏ vẻ ngây thơ, sợ sệt, thua lý cho chị em mình nhưng ánh mắt của hắn… ánh mắt của một người đầy mưu lược toan tính. Hắn quan sát Cá Kình và em rất kỹ. Không như Thạch Khâm vui buồn để lộ hết ra ngoài, Vương Học Siêu đóng kịch rất hay và tí xíu nữa hắn đã qua mặt được em.
‒ Ý Cá Sấu nói Vương Học Siêu cố tình nhường nhịn chúng ta? Tại sao hắn phải làm vậy?
‒ Em không rõ chủ mưu của hắn và Đông Hải Long Vương. Em cố tình mạo phạm Đông Hải Long Vương để dò xem sự phản ứng của hắn. Nếu em không tinh mắt đã bị hắn qua mặt.
‒ Lúc đó hắn cũng đóng kịch?
‒ Không những vậy mà còn rất xuất sắc. Nhưng em biết hắn đóng kịch là vì nghe hơi thở của hắn vẫn đều đặn. Đó là dấu hiệu của một người có định lực thâm sâu, không để những sự việc xung quanh làm rối loạn. Vì hắn tập trung vào quan sát hai chị em mình nên em nhận ra điểm sơ xuất đó. Bên ngoài giả đò nóng giận sợ sệt nhưng bên trong vẫn bình tĩnh quan sát.
‒ Theo Cá Sấu nghĩ, hắn làm vậy có mục đích gì?
‒ Em chưa đoán ra được. Em nghĩ hắn là người ở xa mới đến muốn dò biết thực lực của chúng ta để sau này còn tính đến chuyện Đông Hải Long Vương làm chủ biển Nam. Khi em đưa đề nghị lấy đầu của Nam Hải Long Vương để dò xét ý định của hắn, hắn có vẻ ngạc nhiên và tư lự. Em phải rút lại lời nói ngay kẻo hắn nhìn ra và chấp nhận.
Nàng ngừng lại một chút rồi tiếp:
‒ Em nói thế là để cho chúng ta không được sơ suất trước địch nhân. Tuy Vương Học Siêu khó đối phó nhưng em tự tin nắm được phần thắng. Vì em biết hắn đóng kịch nên sẽ dùng mưu trị mưu.
Trần Triệu Quốc Dung nhìn cử tọa một lượt:
‒ Tiếc là Cá Đuối không có ở đây. Em chỉ có thể dùng nghi binh để ngăn chặn Hải Giác Bang và Đông Hải Long Vương bằng cách lớn lối ngang tàng, xem bọn họ không bằng nửa hạt bụi. Vương Học Siêu có chút nghi ngờ hành động của mình nên hẹn ngày mai lại hòa đàm. Nếu hắn không nghi hắn sẽ dời lại vài hôm nữa. Hắn hẹn ngày mai tức là hắn không hề sợ chúng ta. Cái ngây thơ của hắn trong lúc hòa đàm chỉ là diễn trò.
Trần Triệu Quốc Hoa trầm ngâm một chút:
‒ Từ nay về sau kế sách của chúng ta phải như thế nào?
Trần Triệu Quốc Hoa có hùng tâm rất lớn nhưng mưu trí không bằng Trần Triệu Quốc Dung. Trần Triệu Quốc Dung là người đưa ra kế sách kéo dài thời gian hòa đàm. Còn hòa đàm thì chưa đánh nhau. Mặt khác, nàng triệt để dùng quốc sách ngụ binh ư nông của triều Lý. Ngoài mặt Giao Long Bang phải để trọng binh trên hai hải đội đối đầu với Hải Giác Bang và Đông Hải Long Vương nhưng bên trong luôn thay đổi thuộc hạ. Giao Long Bang lúc nào cũng ở vào tình trạng chuẩn bị tác chiến để huấn luyện cho được thuần phục . Những người được đổi về thì phải giúp việc nông tang để gia tăng hiệu suất.
Ngược lại Hải Giác Bang và Đông Hải Long Vương không có thay đổi thuộc hạ, cho nên càng lâu ngày càng tốn kém nuôi một đám ăn không ở không. Thạch Khâm than phiền điều này nên bắt buộc lão phải đòi bồi thường thật cao bù đắp vào chi phí hao hụt. Nhưng lão càng đòi cao càng trở thành vô lý, Giao Long Bang càng dễ dàng từ chối. Đông Hải Long Vương muốn tỏ sức mạnh của mình lan ra ngoài ngàn dặm nên càng khó luân chuyển thuộc hạ. Tự tin vào uy quyền cùng sự trù phú của mình, Đông Hải Long Vương cảm thấy không cần thiết và Vương Học Siêu cũng cho là vậy. Trần Triệu Quốc Hoa sắp đặt kế sách:
‒ Ngày mai chúng ta dùng chiến thuật đấu dịu, không có thách thức Vương, Thạch. Về mặt binh bị vẫn giữ nguyên. Hải đội Thiên Đức của Cá Kình chia làm ba. Tả đạo mười chiếc thuyền do thống lĩnh Vũ Giang chỉ huy. Trung đạo mười chiếc thuyền do thống lĩnh Lê Diệu Linh chỉ huy. Hữu đạo mười chiếc do thống lĩnh Cao Chiêu Linh chỉ huy.
Cả ba người cùng đứng lên nhận lệnh. Trần Triệu Quốc Dung tiếp tục:
‒ Hải đội Thánh Dung của bản tòa cũng chia làm ba. Tả đạo mười chiếc do thống lĩnh Đào Vương Ánh Linh chỉ huy. Hậu đạo mười chiếc do thống lĩnh Nguyễn Hùng chỉ huy. Hữu đạo mười chiếc do thống lĩnh Nguyễn Hào chỉ huy.
Cả ba người cùng đứng lên nhận lệnh.
‒ Bên ta có tổng cộng 60 chiếc thuyền và hai chiếc soái chu, trên 3 ngàn quân phải đối trận với bên địch trên 100 chiếc thuyền và hơn 5 ngàn người. Bản tòa nhắc lại, Tam Bang Chủ Trần Triệu Quốc Nguyệt không có mặt ở đây nên chúng ta tuyệt đối tránh giao tranh. Ai có thắc mắc gì không?
Nguyễn Hùng cung tay:
‒ Thưa Nhị Bang Chủ, như buổi sáng nay có bốn thống lĩnh đi theo hai vị Bang Chủ đến nơi họp. Nhưng ngày mai tất cả các thống lĩnh đều ở lại với quân, như vậy lỡ có bất trắc gì làm sao chúng thuộc hạ trở tay kịp?
Trần Triệu Quốc Dung mỉm cười:
‒ Thống lĩnh hỏi vậy rất đúng. Các thống lĩnh không ai đi theo, Vương Học Siêu sẽ tin rằng chúng ta chuẩn bị giao tranh nên sẽ cẩn thận. Ngược lại, chị Cả và bản tòa sẽ ở trên soái chu nói chuyện chứ không vào thủy trại.
Nàng nhìn Trần Triệu Quốc Hoa:
‒ Ngoài miệng thì lời lẽ nhũn nhặn nhưng hành động là ở trong tình trạng chuẩn bị giao tranh. Vương Học Siêu sẽ nghi ngờ mà không dám thẳng tay. Chúng ta chỉ cần kéo dài thêm khoảng nửa năm nữa là coi như thành công. Lúc đó mình sẽ tính đến chuyện rửa hận.
Trần Triệu Quốc Hoa hỏi Nguyễn Tử Mộng Linh:
‒ Tình hình ở mặt này sứ giả đã rõ ràng. Sứ giả cho chị biết thêm việc đóng thuyền của bản Bang.
Nguyễn Tử Mộng Linh kính cẩn trình bày:
‒ Mới rồi Tam Bang Chủ cho kéo về tổng đàn 50 chiếc thuyền gồm 30 chiến thuyền và 20 vận thuyền. Ngũ Bang Chủ dùng những chiếc đó thay thế những chiếc quá cũ kỹ và hư hại nặng nên tổng số thuyền vẫn như cũ. Những cánh rừng của bản Bang vẫn được tiếp tục hạ xuống để lấy gỗ đóng thêm thuyền mới.
Trần Triệu Quốc Hoa gật đầu:
‒ Cá Chép làm việc rất giỏi. Bây giờ chỉ cần đem Cá Hồi ba người từ Bạch Long Vỹ về là chị an tâm. Truyền lệnh của chị nói cho Cá Đuối biết là không được gây hấn với Nam Hải Long Vương trong lúc này. Chị biết Cá Chép không cản được Cá Đuối nên phải truyền đạt: đây là quân lệnh của Đại Bang Chủ, Tam Bang Chủ tuyệt đối phải tuân theo.
Trần Triệu Quốc Hoa lấy trong người ra con dấu bằng ngọc thạch màu vàng tươi có khắc hình một con kình ngư đang vẫy sóng. Nàng đóng dấu xuống lệnh phù rồi trao cho Nguyễn Tử Mộng Linh:
‒ Phải trao tận tay Tam Bang Chủ. Việc ở đây đã xong, sứ giả về tổng đàn báo cáo lại cho Cá Chép biết.
‒ Tuân lệnh Đại và Nhị Bang Chủ. Thuộc hạ xin cáo lui.
Nguyễn Tử Mộng Linh rời chiếc Đức Hải Vĩnh Hoa trở về thuyền mình rồi nhắm hướng Tiên Yên trực chỉ. Nguyễn Tử Mộng Linh không vào nghỉ khoang thuyền mà nàng đứng ở đầu mũi. Lúc ấy trời đã khuya, sao giăng đầy không trung đưa lối cho người vượt biển tìm lại bến bờ bình yên. Một người thuộc hạ nhắc nhở:
‒ Mời thống lĩnh vào trong nghỉ, ngày mai rất là bận rộn.
Nguyễn Tử Mộng Linh lắc đầu. Đi thuyền cả ngày nhưng nàng không thấy mệt. Ngược lại nàng cảm thấy phấn chấn tinh thần hơn. Nàng cho rằng Giao Long Bang sẽ sang trang sử mới bắt đầu vào ngày hôm sau chứ không phải đợi đến sáu tháng. Bất cứ người trẻ tuổi nào có mộng lấp biển vá trời như nàng đều tin rằng ngày mai là ngày tươi đẹp nhất. Ngày hôm nay đã hết, ngày hôm qua chỉ còn là kỷ niệm, nhưng ngày mai, ngày mai luôn là sự huy hoàng. Nàng ngóng mắt đợi cái ngày mai này đã lâu lắm bây giờ mới nắm bắt được. Nàng không ngủ vì ngủ sẽ mất đi cảm giác rộn ràng đợi ánh thái dương nở rộ. Người ngủ sẽ quên mất cái tăm tối vô biên do đêm dài mang đến. Nàng không muốn quên cái tăm tối đó. Giòng họ Nguyễn Tử của nàng mãi không quên. Con người ta nếu quên đi quá khứ sẽ không biết tương lai của mình hướng về đâu. Nàng biết được tương lai của mình nên nàng phải đón nhận nó từ những lúc nó chưa hình thành. Đêm dài chờ sáng Nguyễn Tử Mộng Linh không có sợ lâu. Nàng biết trân quý hiện tại thì cái lâu mà người thường nhận biết sẽ không có ảnh hưởng đối với nàng. Màn đêm tịch mịch, sóng vỗ rì rào, ba đào đã rộn trong lòng để ngày mai đánh chìm tất cả những chướng ngại. Nhiều năm nhẫn nhục nằm chờ, bây giờ những con giao long bắt đầu chuyển mình vẫy sóng.
————————
Ghi chú:
(1) Tuyên Hòa là niên hiệu của vua Tống Huy Tông từ năm 1119 đến 1125.
(2) Hòa ước Thiền Uyên giữa Tống và Liêu vào năm 1005 định rằng mỗi năm Tống đem cống Liêu 10 vạn lạng bạc, 20 vạn xúc lụa và vua Tống phải xưng em với vua Liêu.
(3) Một quần đảo lớn ở eo biển Đài Loan, thuộc về Đài Loan.
(4) Giáp Dần là năm 1075. Ất Mão là năm 1076.
(5) Thái Ninh là niên hiệu của vua Lý Nhân Tông từ năm 1072 đến 1076.
(6) Quỳnh Châu là tên cũ của đảo Hải Nam ngày nay.
(7) Đây là bài thơ Nam Quốc Sơn Hà, tương truyền của ngài Lý Thường Kiệt.
Tự trần: Mặc dù âm lịch và dương lịch khác nhau, Trần Triệu Quốc Dung tuyên bố một cách hùng hồn về chủ quyền và nền độc lập của người Nam trước người phương Bắc nhằm ngày 4 tháng 7. Đây thuần túy là sự trùng hợp ngẫu nhiên chứ tôi không hề có ý dùng ngày 4 tháng 7 để tuyên bố độc lập. Đó là lễ Độc Lập của Mỹ, không phải của Việt Nam. Nhưng vì cốt truyện và thời gian của tác phẩm lỡ như vậy rồi, tôi không muốn thay đổi tất cả ngày tháng của truyện.