Chính Khí Trời Nam

Chương 15: Cọp Khỏi Rừng Sâu Cây Trụi Lá




Liễu Phượng Hiền chợt giật mình thức giấc. Ánh nắng chói chang chiếu qua song cửa làm rõ cảnh vật bên trong phòng. Quần áo chăn gối bị vất bừa bãi khắp nơi. Nàng khẽ cựa mình kéo tấm trải giường che lại tấm thân không một mảnh vải. Cả người đau buốt, nàng nằm im nhắm nghiền mắt lại mãi một lúc sau mới từ từ hé mở để nhìn quanh. Ngoài nàng ra căn phòng không có ai, vắng lặng như tờ. Nam Hải Long Vương đã không còn ở cạnh nàng. Như trút được gánh nặng ngàn cân, Liễu Phượng Hiền rùng mình. Nàng vừa trải qua một cơn ác mộng của đời người. Nàng đưa tay lên khẽ sờ vào đôi má bị đánh sưng húp. Vừa nhìn thấy thân thể mình, Liễu Phượng Hiền vội nhìn đi nơi khác. Nàng gần như không còn nhận ra nước da mịn màng và thân hình đầy quyến rũ của nàng nữa. Trong mắt nàng chỉ còn hình bóng của một con người bị cào, cấu, cắn, xé khắp nơi. Nàng không dám tin đó là chính nàng. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Nỗi đau xác thịt dần dần bị nỗi lòng uất ức chiếm ưu thế. Nàng thừa biết Nam Hải Long Vương là kẻ thô bạo nhưng bị hành hạ như thế này thì đây là lần đầu tiên. Một đêm kinh hoàng. Nàng không rõ tại sao nàng đủ dũng khí chịu đựng được sự đọa đày như thế.
Liễu Phượng Hiền lần lần bò ra khỏi giường. Nàng kéo cái chăn dưới đất lên quấn lấy người trước khi ngồi vào bàn trang điểm ở góc phòng. Nhìn đôi dòng lệ chảy phản chiếu trong gương đồng, nàng thầm trách con tạo nỡ tuyệt tình. Ai đã định ra rằng số phận của đàn bà không thể tự tay nắm giữ mà cứ phải suốt đời lệ thuộc vào đàn ông? Lúc nhỏ theo cha, lớn lên theo chồng, về già theo con, Liễu Phượng Hiền đã nghe giảng dạy như thế nhiều lần. Nhưng tại sao khuôn phép đó lại phải như vậy, chưa một ai giải thích cho Liễu Phượng Hiền hiểu. Nàng nhìn lại cuộc đời và số phận của mình; hoàn toàn không do nàng làm chủ mà lại tùy theo sắc mặt của một lão già. Lão vui, lão hành hạ nàng. Lão buồn, lão hành hạ nàng. Lão lên cơn hưng phấn, nàng bị lão hành hạ gấp đôi. Tại sao cuộc đời lại nghiệt ngã như vậy, nàng không hiểu nhưng nàng muốn thoát. Cuộc đời mình, mình phải nắm trong tay nếu mình muốn thay đổi nó. Nếu mình không thay đổi cho chính bản thân mình thì ai có thể làm thay? Vừa lúc đó thị nữ gõ cửa để đem nước rửa mặt để nàng làm vệ sinh cá nhân. Nàng hỏi:
‒ Lục Hào Phong có ở ngoài không?
Thị nữ chưa kịp trả lời đã có tiếng của họ Lục:
‒ Thuộc hạ đang chờ bên ngoài, phu nhân có gì căn dặn?
‒ Ta muốn nói chuyện với ngươi một chút ở trong này. Những người khác ra ngoài hết.
‒ Dạ vâng.
Đám thị nữ đi ra ngoài, kéo cửa phòng đóng lại. Liễu Phượng Hiền vẫn còn ngồi ở bàn trang điểm, quay lưng lại Lục Hào Phong. Lục Hào Phong thấy đôi vai nàng khẽ run run, sau cổ có vài vết thương. Hắn cau mày lại và đứng im một chỗ ở giữa phòng. Quần, áo, chăn và gối đã được thị nữ để lên giường nhưng vẫn còn bừa bãi. Lục Hào Phong khẽ thở dài. Hắn đứng như vậy một hồi lâu, Liễu Phượng Hiền mới lên tiếng hỏi, giọng nói của nàng thổn thức:
‒ Ngươi nghĩ Giao Long Bang có thể giúp ta thoát khỏi chỗ này được sao?
Lục Hào Phong nín lặng. Hắn không thể trả lời vì hắn không biết đáp án.
‒ Ngay đến bang chủ của Giao Long Bang còn nằm dài thế kia thì giúp được gì ai?
Lời nói đầy hờn dỗi và trách móc nhưng lại đúng sự thật. Một lần nữa Lục Hào Phong không thể trả lời.
‒ Tại sao ngươi lại khuyên ta liên kết với Giao Long Bang để nhận sự giúp đỡ của họ? Nếu không thì bây giờ thân thể ta đâu có tàn tạ như thế này.
Lục Hào Phong cảm thấy ngạc nhiên không ở vào lời nói mà ở giọng nói của Liễu Phượng Hiền. Liễu Phượng Hiền không có đến nửa phần oán trách hoặc hối hận. Hắn biết rằng nếu Liễu Phượng Hiền không làm thế thì nạn nhân đêm qua là Trần Triệu Quốc Thiên và Phùng Diễm Linh. Nhưng người ta dù có cao cả bao nhiêu mà phải trải qua một trận vùi hoa dập liễu như thế không khỏi ít nhiều oán giận. Cho nên Lục Hào Phong không thể trả lời mặc dù câu hỏi thứ ba của tứ phu nhân không khó.
‒ Cùng là phận nữ làm sao ta có thể để họ bị lăng nhục và ta cũng không quá cao thượng nhìn chồng ân ái với đàn bà khác trước mặt mình.
Liễu Phượng Hiền ngừng lại. Nàng đưa tay vén vội mái tóc rối bù. Cái chăn còn quấn trên người nên nàng phải dùng một tay để giữ lấy. Từ lúc vào phòng Lục Hào Phong vẫn giữ im lặng nhưng Liễu Phượng Hiền không buồn hỏi lý do. Đôi khi sự im lặng nói lên tất cả còn lời nói chỉ bằng thừa.
‒ Thật sự ta biết rất rõ thâm ý của ngươi. Bang chủ Giao Long Bang toàn là phận nữ lưu làm nên sự nghiệp. Ngươi muốn ta kết thân để học hỏi và từ đó tìm ra con đường của riêng mình. Muốn thoát khỏi cảnh hiện tại phải dùng chính đôi chân của mình bước tới.
Liễu Phượng Hiền với lấy thau nước để rửa mặt:
‒ Ngươi ra ngoài đợi ta. Ta chuẩn bị xong thì ngươi sẽ đi cùng ta thăm ba người Giao Long Bang.
Lục Hào Phong cung tay chào rồi quay lưng bước ra ngoài. Hắn đóng cửa lại rồi lẳng lặng đứng dưới hàng hiên chờ. Mãi một lúc sau Liễu Phượng Hiền mới mở cửa đi ra ngoài. Lục Hào Phong quay người lại, nhìn thấy khuôn mặt mới đêm hôm trước còn mỹ miều tú lệ mà bây giờ đã bầm tím hắn hơi khom người cung tay:
‒ Mời phu nhân đi theo thuộc hạ.
Lục Hào Phong chậm rãi đi trước, Liễu Phượng Hiền nối bước theo sau nhưng trong lòng tự chế nhạo bản thân: “Đúng là đứa con gái bất tài. Ngay đến việc thăm bệnh cũng phải dựa theo bóng lưng đàn ông mà đòi tự bước tìm tương lai. Đúng là ngây thơ.” Nàng vụt người lên phía trước, qua mặt Lục Hào Phong. Lục Hào Phong hơi ngạc nhiên. Hắn đều bước đi theo Liễu Phượng Hiền đến phòng bệnh của Trần Triệu Quốc Thiên.
Vừa đến phòng bệnh Liễu Phượng Hiền cùng Lục Hào Phong đều khựng người vì cửa phòng đã mở toang và bên trong có tiếng lầm bầm vọng ra:
‒ Đáng chết! Cả lũ các ngươi, cả nhà các ngươi đúng là đồ đáng chết. Đáng chết như vậy thì chết cho rảnh mắt đi, nằm ở đây làm gì… Ai đó?
Nhận ra giọng nói của Gia Cát Thành, Liễu Phượng Hiền tiến về phía cửa nhìn vào trong. Gia Cát Thành lăm lăm thanh kiếm trên tay đứng cạnh giường của Phùng Vĩnh Đức. Phùng Vĩnh Đức nằm ngoài cùng còn Trần Triệu Quốc Thiên thì nằm ở giường trong cùng.
‒ Là tôi… tứ…
‒ Hừ. Con tiện nhân ngươi mau cút đi nơi khác. Mi đến đây làm gì?
‒ Ba người họ là khách quý của tôi. Quân sư… quân sư đến đây làm gì?
Ở Bạch Long Vỹ, ngoài Nam Hải Long Vương ra Liễu Phượng Hiền sợ nhất là Gia Cát Thành. Nàng chưa từng thấy Gia Cát Thành ra tay với ai, nhưng trong ánh mắt của hắn có một cái gì đó khiến nàng cảm thấy rùng mình khiếp sợ. Ở Nam Hải Long Vương nàng sợ cái bạo ngược của lão nhưng ở Gia Cát Thành nàng vừa khinh vừa khiếp. Nàng có cảm tưởng như trên đời này không có một điều độc ác nào Gia Cát Thành chưa từng làm qua. Máu lạnh, vô tình, thẳng tay là những gì Liễu Phượng Hiền dùng để tả hắn. Hắn đã theo Nam Hải Long Vương nhiều năm. Trên dưới Bạch Long Vỹ không ai không sợ hắn. Hắn nhìn Liễu Phượng Hiền và hơi nhếch miệng cười. Nụ cười của một người sắp dùng máu của kẻ thù trước mắt làm món khai vị. Liễu Phượng Hiền rùng mình.
‒ Khách của mi? Mi hãy mau đào ba ngôi mộ cho quý khách đi. Mỗ đến đây giết họ.
Ánh mắt của Gia Cát Thành càng chiếu ra những nét độc ác hơn. Liễu Phượng Hiền không thể giữ bình tĩnh được nữa. Người nàng khẽ run lên từng hồi. Ở trước mặt Gia Cát Thành khắp võ lâm Trời Nam có mấy kẻ giữ được bình tĩnh bao giờ. Gia Cát Thành nhìn ba người Giao Long Bang:
‒ Bất tài, vô dụng, thiếu bản lĩnh…
‒ Sao… sao quân sư muốn… muốn giết họ?
‒ Phản phúc, tráo trở, lật lọng, gian manh, cố chấp, bất nghĩa, bất nhân…
‒ Quân sư… quân sư…?
‒ Bất tín, bất trí, ngu muội, hôn ám, hèn nhát, vô sỉ, giảo quyệt… cả họ nhà nó đáng chết, đáng bị giết hết.
Gia Cát Thành vung kiếm lên định chém Phùng Vĩnh Đức thì Liễu Phượng Hiền hét:
‒ Quân sư! Xin quân sư dừng tay.
Gia Cát Thành quay mũi kiếm chỉ vào cổ Liễu Phượng Hiền:
‒ Mi muốn chết trước ba đứa nó thì ta không cản.
Gia Cát Thành chưa kịp đâm Liễu Phượng Hiền thì Lục Hào Phong nói lớn:
‒ Quân sư, đó là tứ phu nhân của Long Vương.
‒ Ngươi câm miệng vì ta còn cần ngươi đào giùm bốn ngôi mộ trước khi giết ngươi. Tứ phu nhân là cái gì? Liễu Phượng Hiền là cái gì mà ta không dám giết?
Lục Hào Phong nhảy đến đứng cạnh Liễu Phượng Hiền che chở cho nàng, nhưng nàng đẩy hắn ra và bước tới hai bước đến trước mặt Gia Cát Thành. Gia Cát Thành lẫn Lục Hào Phong đều kinh ngạc.
‒ Ngươi muốn giết ta thì tùy ý. Nhưng ở đây là hậu đường của Bạch Long Vỹ, ta là tứ phu nhân của Long Vương. Họ là khách của ta thì ta không để khách phải chết trước chủ.
Liễu Phượng Hiền đã quyết chí. Nàng phải bước từng bước của chính nàng và do nàng quyết định chứ không phải đợi sự mời gọi hay cho phép của kẻ khác. Nàng bước đến một bước nữa. Mũi kiếm trên tay Gia Cát Thành cách cổ nàng không đầy nửa gang. Gia Cát Thành muốn giết nàng dễ dàng như đạp chết một con kiến. Ánh mắt của Gia Cát Thành thay đổi luôn vì hắn cảm thấy ngạc nhiên chứ không phải hắn sợ. Hắn quan sát sắc mặt của Liễu Phượng Hiền rồi cười khảy:
‒ Mi rất sợ chết. Ánh mắt của mi đã nói lên điều đó. Thân mình mi run lên từng hồi đã nói lên điều đó. Giọng nói lập cập của mi nói lên điều đó. Ta sẽ thành toàn cho mi điều đó.
Gia Cát Thành vung tay lên. Lục Hào Phong hét lớn:
‒ Quân sư đừng làm vậy!
Ánh kiếm chớp lên. Máu từ cổ Liễu Phượng Hiền rỉ ra. Liễu Phượng Hiền lảo đảo thân hình như sắp quỵ xuống và sắc mặt cũng tái đi. Lục Hào Phong nhảy đến muốn đỡ nàng nhưng một lần nữa Liễu Phượng Hiền đẩy hắn qua một bên:
‒ Ta đã chịu một kiếm của ngươi nhưng chưa chết.
‒ Mi dám thách?
Gia Cát Thành đã nổi giận. Hắn chuyển thần lực vào đôi mắt rồi dồn sát cơ vào để làm bở vía Liễu Phượng Hiền. Với nội lực thâm hậu nhiều năm của hắn, hắn tin rằng Liễu Phượng Hiền sẽ khiếp sợ thần uy và ngã gục xuống. Mục đích của hắn đến là để giết ba người trong Giao Long Bang chứ không phải giết Liễu Phượng Hiền. Hắn dùng cách này, trước hết là để chứng tỏ thần lực thâm hậu của hắn và thứ nữa là không muốn phải động đến chân tay để giết một người con gái không biết võ công. Hắn chỉ không muốn Liễu Phượng Hiền làm cản trở hắn. Thật sự, ngay như trước mặt Nam Hải Long Vương Gia Cát Thành còn dám giết Liễu Phượng Hiền nữa là vắng mặt. Vì vậy lúc nãy hắn dùng kiếm cắt nhẹ vào cổ Liễu Phượng Hiền để bức nàng rút lui.
Thần lực của Gia Cát Thành như một luồng bức xạ ập đến làm Liễu Phượng Hiền cảm thấy nghẹt thở đến muốn xỉu. Hắn nghĩ với nửa thành công lực đã đủ làm lung lay con người thiếu phụ 25 tuổi kia. Hắn chỉ đúng một nửa. Thân hình của Liễu Phượng Hiền bị lay động, nàng như bị nghẹt thở nhưng nàng không chịu thua. Mắt nàng vẫn nhìn Gia Cát Thành, miệng lẩm bẩm:
‒ Đó… đó… là… khách… của… ta… ta…
Gia Cát Thành chợt nảy lên một ý. Hắn thu hồi thần lực và đi đến cạnh giường của Phùng Diễm Linh ở giữa. Hắn để kiếm lên cổ nàng trong khi đó Liễu Phượng Hiền như người sắp chết đuối vớ được cọc. Nàng thở hổn hển:
‒ Lục Hào… Hào Phong… đừng để hắn làm bậy…
Lục Hào Phong chỉ đợi có thế. Hắn vội phóng người đến tấn công Gia Cát Thành nhưng trong lòng cũng biết là khó thủ thắng. Mặc dù chiêu thức của hắn hung hãn nhưng thủ nhiều hơn công. Lục Hào Phong chỉ nghe võ lâm đồn đại là Gia Cát Thành là một trong những cao thủ siêu việt nhất Trời Nam nên hắn phải công thủ cho kỹ. Gia Cát Thành như con cáo già. Hắn nhìn lướt qua đã biết được ý nghĩ của Lục Hào Phong. Gia Cát Thành vận khí, cách không đánh ra một chưởng với ba thành công lực. Thế công của họ Lục chưa thành hình đã bị một luồng kình phong hung mãnh ập tới. Ầm. Lục Hào Phong bị đánh văng ra ngoài sân nằm sõng soài bất động. Liễu Phượng Hiền nhìn Lục Hào Phong rồi nhìn Gia Cát Thành:
‒ Ba người đó là khách quý, xin quân sư nương tay.
Gia Cát Thành lại rút kiếm chỉ vào cổ Liễu Phượng Hiền. Mặc dù lần này xa hơn lần trước đến hơn một trượng nhưng Gia Cát Thành đã quyết ý, mặt hắn hiện lên sát khí. Hắn đã muốn giết chết Liễu Phượng Hiền. Nàng đã nhìn ra ánh mắt của Gia Cát Thành và nàng cũng đã một lòng không đổi. Nàng cởi đai và dây cột áo ra rồi kéo banh vạt áo. Cái yếm đeo trước ngực đã bị nàng quẳng dưới đất. Liễu Phượng Hiền đứng dang hai tay ra ngạo nghễ:
‒ Quân sư đừng bao giờ nghĩ ta sợ quân sư. Ta dám cởi ra hết vì ta không còn cái gì để mà sợ.
Gia Cát Thành nhìn thấy khắp ngực và bụng của Liễu Phượng Hiền đâu đâu cũng có vết thương. Nếu đem so với nhát kiếm của hắn vừa rồi thì nhát kiếm thật không bõ vào đâu. Gia Cát Thành thấy vết thương trên mặt của nàng hắn đã sớm biết là do Nam Hải Long Vương làm. Nhưng đến khi nàng cởi hết áo ra hắn mới biết rõ nàng bị hành hạ đến mức nào. Nam Hải Long Vương đối với nàng thô bạo đến thế thì nãy giờ những sự đe dọa của hắn không thấm vào đâu. Gia Cát Thành bật cười vì hắn nhìn ra cái ấu trĩ của chính hắn. Hắn tra kiếm vào vỏ và nhún vai:
‒ Lý thú, lý thú thật. Mỗ muốn giết ba người của Giao Long Bang nhưng lại thưởng thức được đóa hoa Long Vương ghi lại trên người mi. Mi muốn làm gì tùy mi, mỗ đã đổi ý rồi. Ha ha ha. Vui quá!
Gia Cát Thành quay lại nhìn ba người Giao Long Bang một lần nữa. Hắn khẽ khịt khịt trong mũi rồi bỏ đi. Đám thị nữ từ đầu đến cuối chỉ dám đứng xem. Gia Cát Thành đi rồi mà bọn chúng không ai dám động đậy. Không gian trở nên nặng nề vô cùng. Liễu Phượng Hiền té xuống đất vì nàng không còn đứng nổi nữa. Nàng khoác vội chiếc áo lên người rồi cố lê đến cạnh Lục Hào Phong đang nằm ngất xỉu. Miệng hắn không ngừng ứa máu tươi. Nàng thu lấy chút sức lực kêu bọn thị nữ đỡ lấy Lục Hào Phong cùng nàng đến một căn phòng khác.
Sự yên lặng lại trở về. Ánh nắng gay gắt giữa nền trời xanh chiếu xuống trang viện ở Bạch Long Vỹ. Căn phòng dưỡng bệnh của ba người Giao Long Bang cửa đã được đóng. Phùng Vĩnh Đức mở mắt ra và nói khẽ:
‒ Tiếc là tính mạng của Gia Cát Thành quá lớn, chúng ta không có cơ hội ra tay.
Phùng Diễm Linh cũng mở mắt ra:
‒ Không biết tại sao Liễu Phượng Hiền lại tận lực cứu chúng ta.
Trần Triệu Quốc Thiên tư lự:
‒ Vì cứu chúng ta mà nàng đã cứu Gia Cát Thành, khá ngược đời đấy chứ.
Phùng Diễm Linh hỏi Trần Triệu Quốc Thiên:
‒ Bang Chủ đã thấy đỡ được phần nào chưa?
Trần Triệu Quốc Thiên khẽ gật đầu:
‒ Chị tuyệt không ngờ nội lực của lão hồ ly lại hung hãn và bá đạo đến như vậy. Tuy là hết sức bảo vệ tạng phủ mà vẫn bị thương nặng.
Phùng Vĩnh Đức nói thêm:
‒ Chúng ta đều bị thương nặng nên hy vọng một mình tên phản đồ Gia Cát Thành có mặt. Ba người hợp công có thể thủ thắng. Lục Hào Phong võ công cao cường ai ngờ lại cố tình giả thua trong nửa chiêu. Nếu như lúc đó Lục Hào Phong có thể ép Gia Cát Thành phải tự vệ thì bây giờ gã Gia Cát đã thành cái xác lạnh. Cơ hội không được trọn vẹn, tiếc quá.
‒ Em nghĩ bây giờ chúng ta tìm cách trở về chiếc soái chu để chạy khỏi chỗ này. Bang Chủ có cử động được nhiều không? Phần em thì từ đây ra bến thuyền không gì trở ngại.
‒ Chị cũng vậy. Chỉ ngặt là ở đây cao thủ rất nhiều, nếu xảy ra giao tranh ta không thể thủ thắng.
‒ Vậy chúng ta lẻn trốn lúc nửa đêm.
‒ Chị muốn ở lại vài ngày dò xét ý tứ của tứ phu nhân Liễu Phượng Hiền.
Phùng Vĩnh Đức góp ý:
‒ Bang Chủ nói phải. Bây giờ chúng ta còn bị thương nặng, có lên được chiếc Hải Thượng Thiên Thanh cũng chạy không thoát khỏi truy binh. Chi bằng cố ở lại dưỡng thương cho lành hẳn để chờ tin từ tổng đàn. Chúng ta phải tìm cách bí mật liên lạc với Nguyễn Phú.
Phùng Diễm Linh tỏ ra bất an:
‒ Tối hôm qua nếu không nhờ tứ phu nhân giải cứu thì Bang Chủ và em thật khó lành lặn với lão hồ ly thối nát kia. Nếu lỡ lão trở lại vì thèm thuồng nhan sắc của Bang Chủ thì ta phải làm sao?
‒ Nếu đến nước đó chúng ta chỉ có thể tử chiến.
‒ Bang Chủ nghĩ chừng nào tổng đàn sẽ cho người ra rước chúng ta?
‒ Chắc là trong ba, bốn ngày nữa thôi chứ không hơn.
‒ Bang Chủ nghĩ ai sẽ đi rước?
Phùng Vĩnh Đức cười nhẹ:
‒ Ngốc này. Cần gì phải đoán. Trong các vị Bang Chủ thì chỉ có Tam Bang Chủ là người duy nhất đi được. Nhưng Tam Bang Chủ ra ngoài này thì Bạch Long Vỹ nhất định sẽ không được yên. Anh đoán Đại Bang Chủ sẽ dùng quyền để quản thúc Tam Bang Chủ.
‒ Em cũng mong Tam Bang Chủ đến sớm.
Đến lúc đó có nhiều tiếng chân người từ xa đi đến, ba người Giao Long Bang lập tức nhắm nghiền đôi mắt lại như trước. Cửa phòng được mở, bọn thị nữ dẫn thầy lang đến thăm bệnh và hốt thuốc cho ba người Giao Long Bang.
Tại phòng dưỡng bệnh của Lục Hào Phong, Liễu Phượng Hiền ngồi kế bên trò chuyện với hắn. Lục Hào Phong đã tỉnh.
‒ Ta biết ngươi cố tình để thua cho Gia Cát Thành. Ta cám ơn ngươi.
‒ …
‒ Không cứ mỗi lúc mỗi việc đều phải nhờ đến ngươi. Ta phải biết tự dựa vào bản thân mình.
Liễu Phượng Hiền không nói gì thêm. Lục Hào Phong nhắm mắt định thần và vận nội công. Không gian chìm lắng trong tĩnh mịch.
-oOo-
Bầu trời quang đãng, mây là đà trôi. Khu rừng tếch cách tổng đàn Giao Long Bang không xa đứng trong im lìm lặng lẽ. Mặc dù nơi đây khá gần thị trấn Tiên Yên nhưng lại yên tĩnh lạ thường. Phía xa xa sông Tiên Yên lững lờ chảy ngang qua để đổ ra biển. Từng cây tếch cao chót vót được trồng thành những hàng dài ngút ngàn. Cây nọ cách cây kia, hàng nọ cách hàng kia đúng trượng rưỡi. Cành lá xum xuê phủ dưới bầu trời Nam một màu xanh biếc khỏe mạnh. Gần bìa rừng một căn nhà gỗ khá sơ sài nhưng tươm tất được dựng lên giữa một khoảng đất rộng. Đang mùa hoa tếch nở rộ, từng chùm hoa nhỏ nhắn trắng nõn chen đầy cành lá gieo rắc một mùi thơm nhẹ. Hoa rụng đầy sân để lợp một tấm thảm lốm đốm xinh tươi.
Giữa tấm thảm ấy, một cô gái khoảng 21 tuổi ngồi định thần trong tư thế xếp bằng. Hai mắt cô nhắm nghiền, hơi thở đều đặn nhẹ mà dài. Suối tóc đen bóng mượt mà được búi gọn chảy dài giữa tấm lưng thon chấm xống tận đất. Cô mặc một bộ đồ trắng nhạt và đơn giản như muốn hòa mình vào những cánh hoa. Thanh trường kiếm có chuôi màu vàng được cắm trước mặt cách đúng một tầm tay. Lưỡi kiếm tỏa ra một màu trắng sáng như cho biết sự sắc bén của nó. Đầu chuôi kiếm là một viên ngọc xanh mướt như lá tếch và lớn bằng nửa quả hột gà.
Không biết cô ngồi như vậy đã bao lâu rồi mà trên vai, trên đầu, trên chân có trang điểm thêm một vài bông hoa trắng. Cô như một pho tượng tuyệt mỹ trong rừng cây làm cảnh vật xung quanh càng nổi bật hơn. Những cơn gió nhẹ làm hàng ngàn vạn chiếc lá tếch to bản dài nửa sải tay đong đưa xào xạc. Mùa hè luôn có tiếng quốc kêu, ve gọi nhưng xung quanh lại im lìm theo sự nhập định của người thôn nữ.
Một cơn gió cô đơn của đất trời ghé ngang qua rừng tếch như đánh tiếng tìm bạn đồng hành. Muôn lá vẫy gọi. Muôn hoa rơi chào. Là vô tình hay cố ý, hay là các nhân duyên đã đến lúc kết hợp mà lác đác vài cánh hoa côi là đà theo gió rơi đúng vào huyệt Bách Hội giữa đỉnh đầu của cô gái. Nhưng cánh hoa giữa gió làm sao tự chủ được vận mạng mình. Khi chúng rơi cách đỉnh đầu đúng nửa trượng lập tức tan thành làn bụi mỏng vương vấn giữa không gian.
Có bắt đầu thì có tiếp nối. Phải chăng gió thổi vô tình? Phải chăng hoa rơi vô ý? Phải chăng cây lá là giống vô tri? Một vài bông hoa tếch cánh trắng đài vàng lại lác đác rơi vào huyệt Bách Hội. Một lần nữa phải chịu cảnh tan tác đời hoa.
Gió đã có tình vì gió đã nổi giận nên thổi mạnh hơn. Hoa đã có ý nên hoa rơi nhiều hơn. Trăm đóa hoa, ngàn đóa hoa, vạn đóa hoa từng đợt từng đợt nhắm vào các yếu huyệt trên người cô gái đang ngồi. Miệng cô bỗng nhoẻn một nụ cười hàm tiếu. Đôi mắt đen lay láy của cô vừa được mở ra thì lập tức ngàn vạn cánh hoa cùng vỡ tan thành bụi mù. Ánh mắt sắc bén hơn cả lưỡi dao nhìn chằm chặp vào thanh kiếm đang cắm trước mặt. Nụ cười hàm chứa ngàn khối thép gang quyết không chịu khuất phục giữa trời gió bão.
Gió không còn nổi giận vì không ai bảo điên cuồng là nổi giận. Hoa không còn cố ý vì không ai bảo mê muội là cố ý. Gió gào thét, hoa phừng phừng, lá bừng bừng. Ba cái nhân duyên hợp lại tạo thành một tấm màn từ trên cao ập xuống người cô gái. Cô đứng thẳng người lên, thanh trường kiếm cùng vọt lên với cô. Những chiếc lá, cánh hoa xung quanh người cô trong phạm vi hơn một trượng rưỡi lập tức bị đánh dạt ra và biến thành bụi. Con rồng có thêm vây là có thêm uy dũng. Con hổ có thêm cánh là có thêm hùng cường. Cao thủ có kiếm trong tay là có thêm trăm phần đáng sợ.
Cô gái đã nắm chuôi kiếm trong tay. Một ánh sáng lóe lên. Bao nhiêu hoa lá đang phủ như một tấm chăn ở trên cao ập xuống lập tức bị một đường kiếm chém nát thành bụi. Cô xoay người một vòng, mũi kiếm di chuyển theo, bao nhiêu bụi hoa trộn với lá bay theo đầu mũi kiếm kéo dài như một giải lụa của giai nhân đang múa những điệu tuyệt trần. Giải bụi ấy chẳng khác nào một bức màn sắt che cả thân cô trong phạm vi hơn trượng rưỡi. Kiêu hùng giữa trần ai, cương cường trước gió dữ. Hồng nhan và bảo kiếm, tuy không muôn đời đi đôi nhưng hôm nay có cơ duyên hội tụ tạo ra một bức tranh tương phản vô cùng sống động giữa khu rừng.
Xung quanh từng hàng cây tếch càng bị gió thổi mạnh hơn. Từng chiếc lá to bản rời cuống để kết hợp với nhau thành một tấm chăn phủ lấy bức màn bụi của cô gái. Một tấm chăn, hai tấm chăn, ba tấm chăn, bốn tấm chăn, rồi đến mười tấm, hai mươi tấm lớp lớp nối nhau ập xuống đầu cô gái. Trong khi đó từng đóa hoa trắng không còn rơi lác đác như lúc nãy mà thành những phi đạn nối đuôi nhau bay thủng từng lớp lá để nhắm vào các yếu huyệt như Bách Hội, Thái Dương, Mi Tâm, Đản Trung, Liêm Tuyền, Thừa Tương, Đại Trùy, Thân Trụ, Thần Đạo, v.v. Không một huyệt nào không quan trọng nên tất cả cần được bảo vệ. Chỉ sơ suất tính mạng của cô gái sẽ bị lâm nguy ngay.
Mặc dù cho cành lá kêu xào xạc để phá tan thính giác, mặc dù từng lớp lá tếch luôn ập xuống đầu và che hết xung quanh và mặc dù cho từng đợt hoa bay vào các yếu huyệt với tốc độ mắt người thường không thể nào thấy kịp, trên môi của cô gái vẫn giữ nụ cười hàm tiếu. Ánh mắt của cô vẫn ngời ngời sắc bén không bị dao động. Hơi thở của cô vẫn nhẹ và dài không hề bị gián đoạn. Thân hình của cô vẫn linh hoạt dị thường, thoạt đông thoạt tây. Thanh kiếm trên tay cô lại càng hung hãn hơn bao giờ hết. Tất cả những đóa hoa vừa xuyên qua khỏi màn lá đã bị kình lực từ mũi kiếm làm cho tan nát. Không một đóa nào thoát khỏi số mạng trước khi lao đến đích.
Ánh kiếm chớp lên liên hồi. Cánh hoa rơi lả tả từng đợt. Màn lá tan tác đến bạt ngàn. Thân hình của cô gái như tiên nữ dập dìu dưới vầng bạch nhật. Chẳng mấy chốc mà mấy mươi cây tếch gần đấy không còn một chiếc lá hoặc một chùm hoa trên cành. Cây trơ trọi, nắng chói chang, người hiên hang, kiếm sáng loáng. Hết cơn bão gió trời lại im lìm, đất lại lặng thinh, cây lại ngừng tiếng. Không gian trở nên tịch mịch. Sắc mặt của cô gái vẫn lạnh lùng nhưng thoáng chút trầm tư. Cô nhìn thanh kiếm cũ trên tay. Chuôi kiếm được làm bằng gỗ và lụa quý. Hộ thủ được chạm trỗ hình những đợt sóng rất tinh vi. Nét nhận văn rõ ràng chạy ngoằn ngoèo trên lưỡi kiếm sáng loáng. Cô tự nói với chính mình: “Phải chăng là kiếm không sắc.” Cô khẽ hất chân, vỏ kiếm cũ kỹ nằm dưới đống lá bay lên cao. Tay trái cô tóm lấy rồi nhẹ nhàng tra kiếm vào vỏ. Mặt cô trở nên hòa hoãn hơn và nở nụ cười rạng rỡ:
‒ Cá Chép đến thăm em.
Nàng xoay người lại và ôm chầm lấy Trần Triệu Quốc Vân vừa lúc bấy giờ đứng sau lưng cô gái cách ba bước. Trần Triệu Quốc Vân mặc một bộ đồ màu vàng nhạt cũng dang tay ôm chặt cô gái:
‒ Ừ, chị đến thăm em.
Nàng đưa hai bàn tay nõn nà nhưng đỏ hỏn lên ôm khẽ vào mặt cô gái và dịu dàng nói thêm:
‒ Em Đề của chị giỏi quá. Giao Long Thù Võng Kiếm Lục em đã luyện thành.
Đề thoáng vẻ buồn:
‒ Nhưng tiếc là võ công của chị so với năm ngoái không có tiến bộ được bao nhiêu.
‒ Chị biết. Chị đã dùng hết sức lực rồi nhưng chắc là em chưa dùng quá ba phần công lực. Chị vẫn chưa phá được chiêu Kiếm Võng Vu Du của em.
‒ Em không biết kiếm pháp em đã luyện đến mức nào. Chiêu thức tuy là thuộc nằm lòng nhưng sự lãnh hội của từng chiêu thì lại quá mênh mông. Em càng chú tâm càng cảm thấy mù mờ.
‒ Chị xin lỗi chị không giúp gì được.
‒ Người xin lỗi phải là em. Em có thể một mình chú tâm luyện tập kiếm pháp trong mấy năm qua ở đây là do chị quán xuyến các việc lớn nhỏ trong Bang nên không có thời gian cho việc luyện tập.
Đề cau mày lại:
‒ Chị đáng bị phạt nhé. Bao nhiêu cây tếch đang sống tốt tươi vậy chị lại bức hết cả lá, hoa và nhiều cành bị gẫy. Chị xòe tay ra!
Trần Triệu Quốc Vân mỉm cười xòe đôi bàn tay còn đỏ hỏn và nóng ran. Đề đánh nhẹ vào đôi tay ấy.
‒ Chúng ta sắp chặt những cây này để đóng thuyền, vậy mà em lại phạt chị.
‒ Chừng nào chặt thì tính. Mặc dù chị là Ngũ Bang Chủ cũng không được tự ý như vậy chứ.
‒ Được rồi được rồi. Không phải em đã cảnh cáo chị rồi sao?
Trần Triệu Quốc Vân chỉ vào một thân cây tếch ở gần đấy:
‒ “Giao Long Ngũ Bang Chủ Trần Triệu Quốc Vân đáng bị phạt.” Trong lúc hai bên tỷ thí võ công, chị đã dùng hết sức mà em có thể in cánh hoa lên thân cây để viết từng chữ ấy. Chị đã chịu thua và đã bị phạt.
Trần Triệu Quốc Vân vuốt lấy suối tóc đen mướt của Đề:
‒ Khiếp. Bà quan huyện của Giao Long Bang dữ quá đi. Chị sợ rồi, từ nay không dám tái phạm nữa.
Đề hòa hoãn trở lại:
‒ Không phải em dữ mà kỷ cương bản Bang chúng ta tuyệt đối phải giữ.
‒ Ừ thì em “giữ”. Chị đã nhớ. Cám ơn em nhắc nhở.
‒ Hôm nay chị đến thăm em có việc gì không? Em thấy trong ánh mắt của chị có nhiều ưu tư hơn lần trước chị đến.
‒ Em nói đúng. Chị đến để xem em có thể ra ngoài giúp chị được không.
Nàng Đề thoáng giật mình và đanh mặt lại:
‒ Bản Bang có biến? Kẻ thù là ai?
Trần Triệu Quốc Vân ánh mắt xa vời:
‒ Gần đây bản Bang bị hao tổn nguyên khí quá lớn. Rằm tháng trước ma giáo tái xuất giang hồ cứu đi bang chủ của họ. Bản Bang bị mất gần ba trăm người và thêm một số khác bị tật nguyền suốt đời. Vô cùng thương xót cho những gia đình có người hy sinh vì bản Bang… Sau đó ít ngày thống lĩnh Giang Linh bị đánh trọng thương. Mấy hôm trước Cá Hồi ra ngoài Bạch Long Vỹ bị lão hồ ly đả thương, hiện còn đang ở ngoài đó.
Đôi mắt của Đề lạnh lùng đến ghê sợ:
‒ Cho nên bao nhiêu việc một mình chị lo không hết. Lão hồ ly cố tình đả thương Cá Hồi là vì lão biết Long Võ Trang đang ở thế kẹt nên mới dám ra mặt thách thức. Còn Giang Linh, ai có thể đả thương được Giang Linh? Hai thanh nhuyễn kiếm của Giang Linh sánh ngang với thanh trường kiếm Long Ngâm này của em. Kẻ nào đánh bại được Giang Linh ắt võ công cao cường lắm.
Trần Triệu Quốc Vân lắc đầu:
‒ Thống lĩnh Giang Linh bị đánh lén mà ra cớ sự.
Nói rồi Trần Triệu Quốc Vân kể lại cả câu chuyện từ lúc ma giáo cứu đi giáo chủ Đào Thiên Hương cho đến Trần Triệu Quốc Thiên bị Nam Hải Long Vương cố tình đả thương. Kể xong, Trần Triệu Quốc Vân nói:
‒ Chị biết em đang luyện tập ở trong giai đoạn quan trọng, không thể phân tâm nên…
‒ Chị không dám làm phiền em nhưng lại không thể không mở lời.
Đề ôm chầm lấy Trần Triệu Quốc Vân:
‒ Cá Chép dịu dàng khả quý của em ơi, làm sao em có thể vì cá nhân của riêng em mà bỏ mặc các chị cho được.
Trần Triệu Quốc Vân cả mừng:
‒ Như vậy là em chịu ra giúp?
‒ Dạ vâng. Nói thật với chị, một mình em ở đây luyện kiếm riết cũng chán. Ngoài thuộc hạ đem thức ăn đến mỗi ngày ba lần, em không có ai nói chuyện chẳng khác như ở tù.
Nàng nhìn những cánh hoa lả tả dưới đất:
‒ Em ở mãi đây làm sao kiếm pháp được tinh tường. Em phải ra ngoài phóng mắt nhìn nhân gian mới có thể ấn chứng được. Tìm vào ngoại cảnh để hiểu rõ thực tính bên trong, có vậy mới hy vọng đột phá tâm, ý, thần và thức để biết kiếm pháp. Bây giờ em chỉ là người cầm thanh sắt múa gậy vườn hoang mà thôi.
Trần Triệu Quốc Vân bật cười:
‒ Em múa thanh sắt mà đã vậy rồi, đến khi em biết sử dụng kiếm pháp thì còn như thế nào nữa.
‒ Lúc đó không còn cần kiếm.
‒ Tại sao?
Đề mỉm cười lắc đầu. Nàng đến căn nhà gỗ, với tay khép kín cửa lại rồi sóng vai với Trần Triệu Quốc Vân theo con đường nhỏ đi ra khỏi khu rừng.
‒ Em biết chị đến từ lúc nào?
‒ Từ lúc chị vừa đặt chân vào khu rừng vì em đã cảm ra được ý niệm thử thách võ công trong lòng chị. Em cảm nhận được chị sẽ đến thử võ công của em. Mặc dù chị rất dè dặt nhưng vẫn không tấn công lén được em.
‒ Chị cũng biết không qua được em.
‒ Bản tính của chị hiền quá. Mặc dù cố ý tỷ võ với em nhưng tâm ý của chị dồn vào chiêu thức không được trọn vẹn khiến đối phương dễ công dễ thủ. Lạ thật, cũng là tâm tính thuần hậu nhưng cách Giang Linh xuất chiêu công, nghinh, thủ hoàn toàn khác với chị.
‒ Tuy biết tài của em hơn chị nhưng khi xuất chiêu chị không nỡ ra tay.
‒ Chị muốn em ra ngoài làm việc gì trước?
‒ Chiếc soái chu của em được đóng xong. Em chịu xuất chinh thì chị quyết định ngày mai làm lễ nhậm chức bang chủ cho em và hạ thủy chiếc thuyền.
‒ Dạ được. Chị Cả và chị Hai có về dự lễ được không?
‒ Có lẽ là không.
Trần Triệu Quốc Vân ngừng lại. Nàng nhận ra một cô gái từ phía xa dùng khinh công đi đến.
‒ Theo lẽ, ngày em lên nhậm chức bang chủ là ngày quan trọng của bản Bang, không những tất cả các chị có mặt để chứng minh mà còn phải mời thêm các bang phái lớn. Nhưng vì sự việc quan trọng và gấp rút nên thiếu lễ. Mong em thông cảm cho chị.
‒ Vậy ngày mai chỉ có mẹ và chị có mặt?
‒ Đúng vậy.
Lúc đó cô gái kia vừa đến, Trần Triệu Quốc Vân khoát tay miễn lễ:
‒ Mộng Linh em đến đây có chuyện?
Nguyễn Tử Mộng Linh cầm một danh thiếp trên tay đưa cho Trần Triệu Quốc Vân nhưng nàng không nhận lấy. Nguyễn Tử Mộng Linh nói:
‒ Thưa Ngũ Bang Chủ và cô Sáu. Họ Tô của bang Thủy Tinh lại đưa danh thiếp để xin gặp Bang Chủ. Họ muốn cầu hôn Tam Bang Chủ với nhị thiếu gia của bang chủ Thủy Tinh Bang.
Trần Triệu Quốc Vân và Đề nhìn tấm danh thiếp và cùng xua tay:
‒ Chuyện này của Cá Đuối không ai dám đụng đến, miễn bàn.
‒ Dạ vâng. Họ còn muốn nhờ bản Bang giúp đỡ và ngỏ lời muốn kết minh.
Đề hơi cau mày lại nhưng vẻ mặt vẫn lạnh lùng. Trần Triệu Quốc Vân thì trầm tư. Ba người rảo bước nhắm về hướng tổng đàn của Giao Long Bang.
‒ Họ khẩn cầu mãi, em không nỡ không tiếp nhưng chỉ hứa là sẽ đưa danh thiếp cho Bang Chủ. Đây là lần thứ tư trong hơn tháng qua Thủy Tinh Bang muốn gặp Bang Chủ nhưng Bang Chủ đều từ chối.
‒ Lần này ai đến đưa danh thiếp?
‒ Tô Từ Vũ, em trai của bang chủ Tô Từ Lôi.
Trần Triệu Quốc Vân nhìn Đề trong khi Đề vẫn nhìn thẳng về phía trước, vẻ mặt thờ ơ dường như không mấy chú ý đến câu chuyện của Thủy Tinh Bang.
‒ Những gì Thủy Tinh Bang nhờ vả chúng ta không thể đáp ứng được. Những gì bản Bang đòi hỏi Thủy Tinh Bang cũng khó hoàn thành. Em biết thêm một chút về bang Thủy Tinh cũng nên.
‒ Vậy sao đám người đó nhiều lần muốn gặp chị?
‒ Thủy Tinh Bang đang ở vào thế kẹt nên tìm liên minh. Họ còn nhờ chúng ta đưa Thủy Tinh Bang vào Long Võ Trang.
Ánh mắt lạnh lùng của Đề vẫn không thay đổi.
‒ Thủy Tinh Bang không qua được ải Tản Viên trời cũng không giúp được.
Tổng đàn Giao Long Bang có tên là làng Luồng, tên chữ là Trần Xá hoặc Giao Long. Làng được xây theo hình lục lăng với hai cổng chính hướng bắc nam và bốn cổng phụ ở bốn hướng đông bắc, tây bắc, đông nam và tây nam. Mỗi cổng đều có vọng canh và thuộc hạ tuần phòng cẩn mật. Tuy Giao Long Bang không hùng mạnh bằng những môn phái lớn khác của Đại Việt nhưng bất cứ ai muốn đến phá rối đều phải trả một cái giá rất đắt. Do đó dân chúng làng Luồng sống rất bình an và hưng thịnh. Như bao ngôi làng khác của Đại Việt, làng Luồng được bao bọc bởi một lũy tre dầy đặc. Ngoài lũy tre là con hào rộng nửa trượng và sâu gần một trượng. Bên ngoài bờ hào là từng vườn cây ăn trái sai quả rồi đến các thửa ruộng lúa xanh tươi.
Nhìn cảnh vật xung quanh, trong lòng Đề cảm thấy rộn ràng mặc dù sắc mặt nàng vẫn một mực thờ ơ. Đã sáu năm rồi nàng mới thấy lại ngôi làng thân yêu nhưng mức tu vi của nàng không cho phép nàng bộc lộ tình cảm ra ngoài. Ba người đi vào cổng làng trong sự chào đón nghiêm trang của thuộc hạ.
Bên trong làng người người tấp nập qua lại, nhà cửa san sát nhau. Hai bên đường, hàng cây trắc sưa và trắc bó nhị (1) thẳng tắp, cao lớn được trồng xen kẽ với nhau. Cây nọ cách cây kia đúng hai trượng. Cành lá xum xuê đong đưa trong gió nhẹ như vẫy gọi, chào đón nàng Đề trở về. Trần Triệu Quốc Vân hết nhìn bên phải rồi nhìn bên trái để trả lễ những thuộc hạ và người quen thủ lễ với nàng. Ngược lại Đề vẫn một mực nhìn thẳng, ai nói gì xung quanh nàng đều biết hết nhưng chỉ khẽ gật đầu chào hỏi ngắn gọn nếu được nhắc đến tên.
‒ Em hãy trả danh thiếp lại cho Tô Từ Vũ, nói là chị bận việc nên không tiếp Thủy Tinh Bang.
Cầm tấm danh thiếp trên tay mà Nguyễn Tử Mộng Linh cứ ngập ngừng:
‒ Dạ… dạ vâng, Bang Chủ.
‒ Để chị trả danh thiếp nếu thống lĩnh cảm thấy ngại.
‒ Dạ… dạ thưa cô Sáu, thuộc hạ làm được.
Nguyễn Tử Mộng Linh vừa lấm lét nhìn sắc mạnh lạnh lùng của Đề vừa ước ao. Phải chăng cô Sáu Đề cũng dịu dàng gần gũi như cô Năm Vân thì nàng cảm thấy tự nhiên hơn. Trần Triệu Quốc Vân nhìn theo bóng lưng của Nguyễn Tử Mộng Linh:
‒ Em trả danh thiếp rồi đến bãi đóng thuyền để chúng ta cùng thương nghị ít việc trước khi em đi sứ gặp Đại và Nhị Bang Chủ.
Giọng nói của Nguyễn Tử Mộng Linh từ xa vọng lại:
‒ Em sẽ trở lại ngay.
Trần Triệu Quốc Vân đưa Đề đi qua các dãy, các khu nhà:
‒ Trong mấy năm em luyện kiếm trong rừng, Tổng Đàn thay đổi rất nhiều. Không như mấy chị em mình quên cả ngày dài tháng rộng, rất nhiều thuộc hạ lập gia đình, nhân số tăng vọt.
Nàng đưa tay vẫy vẫy những người xung quanh với nụ cười rạng rỡ. Người ta trìu mến Trần Triệu Quốc Vân bao nhiêu thì cảm thấy sợ Đề bấy nhiêu. Tiếng trẻ học, tiếng mẹ ru con, tiếng lọc cọc lạch cạch vang lên không ngớt trong các ngôi nhà vọng ra.
‒ Để gia tăng năng suất, từ cấy cầy chăn nuôi cho đến trồng dâu, đánh cá bản Bang đều chia ra khu, nhóm riêng để tiến hành. Trong này là nuôi tằm và dệt vải. Chút nữa chúng ta sẽ đi qua nơi chăn nuôi rồi trồng dâu. Cuối cùng là bãi đóng thuyền.
‒ Dạ chị.
‒ Sau khi thăm bãi đóng thuyền, chúng ta sẽ về nhà để ăn trưa với mẹ. Mẹ thấy em về mẹ sẽ vui mừng lắm.
‒ Cứ theo ý chị. Em cũng rất nhớ mẹ.
‒ Em chọn biểu hiệu cho riêng em và tên cho chiếc soái chu để lát nữa còn khắc hình, thêu cờ và viết tên.
‒ Em đã chọn rồi. Biểu hiệu là cá kiếm. Tên soái chu là Lệ Hải Trinh Đề.
Trần Triệu Quốc Vân nhìn mọi người xung quanh cười hớn hở:
‒ May mà chị đoán đúng biểu hiệu của em, không thì bị em quở nữa. Eo ôi.
Đề nhoẻn miệng cười. Nụ cười hồn nhiên và xinh đẹp. Như chợt nhớ lại phận sự của mình, nàng trở lại với nét mặt lạnh lùng. Hai nàng thiếu nữ đi qua hết những khu nhà đến khu chăn nuôi. Nhìn từng đàn gia súc mạnh khỏe mập mạp, Trần Triệu Quốc Vân không khỏi cảm thấy hãnh diện. Để được thành quả như ngày hôm nay là do nhiều hôm nàng phải thức khuya dậy sớm để chăm lo từng công việc. Phần Đề thì thấy trong lòng rộn rã một bầu nhiệt huyết. Cây muốn vững thì gốc phải chắc. Gốc của Giao Long Bang mạnh khỏe thế kia thì cây mới có thể đương đầu với gió dữ. Khi đến khu trồng dâu, nhìn từng đoàn thiếu nữ vừa hát hò vừa hái lá Đề dâng lên một nguồn cảm hứng:
‒ Ngàn dâu một dải xanh xanh
Dưới trời nước Việt rạng danh má đào
Xưa nay những đấng nữ hào
Bao phen xương máu điểm màu núi sông
Dang tay gom hết tang bồng
Để đem quét sạch bụi hồng tám phương
Gươm thiêng phân định nhược cường
Tài này há để ai nhường cho ai
Giang sơn nửa gánh ngang vai
Lăm lăm tìm chốn chông gai tung hoành
Thư hùng nào nệ tử sanh
Anh linh khí tiết liệt oanh ngàn đời
Giao Long hào khí ngất trời
Phen này đạp sóng thế thời tạo nên
Nam Thiên đất dậy vang rền
Quyết đem chí cả khắc lên sơn hà
Trần Triệu Quốc Vân ôm lấy hai bàn tay của Đề âu yếm:
‒ Em của chị chí khí như đàn ông mà lại có tài làm thơ nữa. Chị sẽ khoe với Đề.
‒ Thôi chị. Đề nó vung bút lên em có mười thanh kiếm cũng không thắng được.
Hai chị em cùng cười xòa.
Hai cô gái thả bước đến bờ sông Tiên Yên. Sóng nước nhẹ nhàng đổ ra cửa biển cách đấy xa xa. Trước mặt hai nàng là một bãi đóng thuyền đồ sộ. Từng nhóm, từng nhóm người chia ra thành khu. Gỗ còn nguyên lẫn gỗ xẻ nhiều cả núi được những dãy nhà dọc bờ sông dùng để chứa. Ba mươi chiếc thuyền được đóng cùng một lúc. Tiếng cưa tiếng búa rền vang. Hàng cây gõ nước in hình dưới sông, lá nhẹ êm đềm vi vu theo từng cơn gió thoảng.
‒ Một năm trước thống lĩnh Trương Quân ở Long Võ Trang về và trình cho chị lối đóng thuyền cách mới để tăng tốc độ hạ thủy. Bác Quân cùng với bác Trang nghiên cứu với nhau thêm hai tháng nữa rồi bác Quân về lại Long Võ Trang. Mãi cho đến hơn tháng trước mới có thể thi hành được. Đóng thuyền cách này đòi hỏi ở vật liệu lúc nào cũng phải đủ mới có hiệu quả. Nó rất đặt nặng vào sự phối hợp nhịp nhàng và thời hạn.
Nàng chỉ tay vào từng chiếc một:
‒ Chia mỗi chiếc thuyền ra làm 30 công đoạn do 30 nhóm khác nhau phụ trách. Phải tính làm sao mỗi công đoạn hoàn tất xong trong một ngày. Long cốt mỗi chiếc thuyền đặt trên một bệ gỗ. Dưới bệ gỗ dọc theo chiều dài là trục bánh xe. Mỗi trục có đến sáu bánh bằng đá, mỗi bên ba bánh. Ta tạm gọi đó là xe chở thuyền. Xe được đặt trên sàn gỗ dầy được đặt dọc theo bờ sông và thuyền nọ nối đuôi thuyền kia. Cứ xong mỗi công đoạn thì đẩy thuyền cho nhóm tới làm công đoạn tới. Xong công đoạn thứ 30 thì thuyền hạ thủy. Với đà này, mỗi ngày bãi đóng thuyền của chúng ta hạ thủy một chiếc.
Đôi mắt của Đề sáng lên:
‒ Hay quá! Chị muốn em phụ trách công việc đóng chiến thuyền?
‒ Đúng vậy. Các nhóm đóng thuyền ở đây lập thành một đội. Thêm nữa là đội đẵn gỗ ở rừng, đội kéo gỗ về bãi đóng thuyền, đội phơi, xẻ gỗ và đội tu sửa thuyền bè. Năm đội tổng cộng. Số người trên cả ngàn nên chị mới cần em trông nom hết tất cả. Phân chia công việc, nhân lực và vật dụng sao cho lúc nào ở các giai đoạn cũng được trôi chảy mà không bị ứ đọng. Đáng lẽ đây là công việc của Cá Hồi. Nhưng Cá Hồi bị thương ra sao chưa rõ nên chị cần em vì chúng ta không thể trì hoãn. Sau khi Cá Hồi khỏe sẽ dành hết thời gian vào việc đóng thuyền. Em thống lĩnh hải đội để bảo vệ các đoàn thuyền buôn của bản Bang.
‒ Vậy là thời gian tới chúng ta công khai buôn bán ở mức quy mô nên phải có người bảo vệ?
‒ Đúng thế! Dọc đường biển từ Tống, Việt sang Thiên Trúc nơi nào cũng có hải tặc. Chúng ta cần có người bảo vệ các đoàn thương thuyền của bản Bang.
Đến lúc đó Nguyễn Tử Mộng Linh cũng đến bãi đóng thuyền:
‒ Thưa Bang Chủ em đã trả danh thiếp nhưng Tô Từ Vũ không nhận. Ông ấy để danh thiếp xuống giữa cổng nam rồi ra về.
Trần Triệu Quốc Vân nghe tiếng búa đóng thuyền mà như tim nàng bị làm trĩu nặng:
‒ Khổ quá. Ốc không mang nổi mình ốc mà bây giờ vác thêm cục rêu.
Nàng hít một hơi đầy kiên quyết:
‒ Em đi sứ khoan nói cho Cá Kình và Cá Sấu biết chuyện này. Nếu chị giải quyết không được mới dám làm phiền.
‒ Dạ vâng.
‒ Em đi theo chị và Cá Kiếm đến gặp bác Trương Trang.
Nguyễn Tử Mộng Linh reo hò, giọng nói líu lo:
‒ Vậy là cô Sáu đã lên làm Lục Bang Chủ? Hay quá, hay quá! Ngày mai Giao Long Bang của chúng ta sẽ bắt đầu nở mặt với đời. Vui quá!
Nàng vội quỳ xuống hành lễ:
‒ Thuộc hạ Nguyễn Tử Mộng Linh, thống lĩnh trung đạo dưới quyền Ngũ Bang Chủ xin chúc mừng Lục Bang Chủ.
‒ Nhảm quá! Chị vẫn chưa chính thức.
‒ Chưa nhưng mà sẽ. Hi hi. Lúc nãy em đã nghi nhưng chưa dám nói. Bây giờ chị “làm Cá” em mới dám mở lời.
Đề phải cố nén cười:
‒ Làm cá, nói gì nghe ghê vậy.
Ba người vào gian nhà chính. Trương Trang giống hệt người anh Trương Quân, cũng cái đầu nhẵn thín, người tròn trùng trục, giọng nói trầm thấp nhưng khuôn mặt lúc nào cũng tươi vui. Thấy ba cô gái đi vào, Trương Trang đứng lên chào hỏi:
‒ Thưa Ngũ Bang Chủ, thưa cô Sáu, chào thống lĩnh Mộng Linh.
Nguyễn Tử Mộng Linh đến gần Trương Trang để rót nước cho mọi người. Nàng cười hớn hở, miệng líu lo:
‒ Bác Trang biết gì không. Cô Sáu của chúng ta từ nay có tên là Cá Kiếm đấy nhé. Bác phải đổi cách xưng hô kẻo bị phạt nặng.
‒ Á a… thuộc hạ Trương Trang, thống lĩnh đội đóng thuyền xin chào Lục Bang Chủ.
‒ Nhảm quá.
Miệng thì nói cứng nhưng trong lòng Đề không khỏi cảm thấy vui lây. Nhưng Đề cũng phải trừng mắt với Nguyễn Tử Mộng Linh làm nàng tiu nghỉu. Trương Trang đích thân kéo ghế mời ba người ngồi xuống rồi ông vén tay áo và chỉ vào bức họa đồ trên bàn:
‒ Chắc là Ngũ Bang Chủ muốn thuộc hạ trình bày chi tiết đóng thuyền bằng phương thức mới của chúng ta cho Lục Bang Chủ nghe.
‒ Bác cứ nói.
‒ Chắc là Ngũ Bang Chủ đã có trình bày. Chúng ta chia làm 30 công đoạn, nối dài nhau dọc bờ sông Tiên Yên. Mỗi công đoạn do một nhóm người phụ trách. Mỗi nhóm người đó lại phân thành từng tốt, ngũ nhỏ hơn để lo từng bộ phận một. Chắc là Lục Bang Chủ sẽ thắc mắc tại sao lại rắc rối như thế này.
Ông chỉ tay vào sơ đồ một chiếc thuyền:
‒ Đóng thuyền kiểu xưa là một toán người đóng một chiếc thuyền từ đầu đến cuối. Không những cách này chậm mà còn không đều, đưa đến kém hiệu quả. Chúng ta phải huấn luyện thuộc hạ hàng ngàn người với những chi tiết và công việc khác nhau. Như vậy vừa chậm vừa lâu. Khi bắt tay vào việc lại không chuyên một công việc nào. Phải trải qua nhiều năm tay thợ mới giỏi. Nhưng giỏi cách nào, giữa chiếc này với chiếc khác cũng có sự sai biệt. Ngược lại, nếu ta chia từng bộ phận nhỏ và giao cho một nhóm người, họ học vừa mau và tay nghề vừa khéo.
Trương Trang chỉ vào long cốt và sườn thuyền:
‒ Thuộc hạ xin đưa ra thí dụ. Nhóm đóng long cốt chỉ chuyên về long cốt. Nhóm đóng sườn chỉ về đóng sườn. Nhóm người đẽo gỗ làm long cốt hoặc sườn thuyền chỉ phụ trách mỗi phần đó. Tất cả khuôn, khổ đều có sẵn, chỉ theo mẫu mà đóng. Như vậy các bộ phận sẽ được đều nhau hơn và các chiếc thuyền ta hạ thủy cũng thế. Hơn nữa, bộ phận nào bị hư hại cũng dễ thay vì đã sẵn mẫu mực. Nó vừa rút gọn thời gian tu bổ thuyền vừa ít tốn gỗ.
Ông dừng lại, thay một họa đồ khác:
‒ Phương thức này rất tốn kém trong buổi ban đầu vì chúng ta bị bắt buộc phải đóng hàng loạt thuyền, do đó vật dụng cần nhiều hơn và dùng nhanh hơn. Nhưng ngược lại, bất cứ một công đoạn nào bị hao hụt là ta biết ngay để kịp thời sửa trị. Anh em thuộc hạ mất nhiều năm suy nghĩ và bỏ ra cả nửa năm qua mới có thể dần dần theo phương thức mới. Buổi ban đầu bang chúng chưa quen việc, có nhóm làm nhanh, có nhóm làm chậm, có nhóm hư nhiều, có nhóm hư ít. Tóm lại là không đồng nên công việc hay bị trì trệ. Vì bọn thuộc hạ chưa có ăn khớp, làm chưa theo nhịp nên mới như vậy. Nhưng bắt đầu từ tháng trước cho đến nay mọi việc thuận lợi hơn. Các khu rừng tếch và gỗ đóng thuyền bắt đầu được hạ xuống từ nửa năm qua để xẻ gỗ và phơi khô trong bóng râm. Bây giờ là lúc đem ra dùng.
Trương Trang nói một mạch như thế, chỉ có Trần Triệu Quốc Vân và Nguyễn Tử Mộng Linh nắm được hết. Phần Đề vẫn còn nhiều chỗ mơ hồ:
‒ Mỗi chiếc thuyền dùng bao nhiêu gỗ?
Thấy người bang chủ mới hỏi đúng sở trường của mình, Trương Trang vui mừng ra mặt:
‒ Chúng ta không tính soái chu. Chiến thuyền của bản Bang rộng hai trượng, dài bảy trượng còn vận thuyền rộng hai trượng rưỡi và dài mười trượng. Những khu rừng tếch khi Bang Chủ hai đời trước sai thuộc hạ trồng cho đến nay đã hơn 35 năm. Mỗi mẫu ta trồng đúng 100 cây. Một chiếc thuyền cần đến gần 300 cây gỗ. Chiếc vận thuyền dùng gần 500 cây.
Đề có chút hoang mang và kinh ngạc:
‒ Như vậy mỗi chiến thuyền là ba mẫu rừng và vận thuyền là khoảng năm mẫu?
‒ Thưa Bang Chủ đúng là như vậy. Đó là chưa kể đến những việc tu sửa thuyền bè và các phần xây dựng khác của bản Bang. Mà không phải mẫu rừng nào cũng như mẫu rừng nào. Tuy trồng cùng một lúc nhưng cây lớn nhỏ, cao thấp khác nhau.
Đề nhìn Trần Triệu Quốc Vân tỏ ý hối hận:
‒ Em đã trách lầm chị vì em tưởng chỉ vì thử võ công của em mà chị làm hư hại cây. Bây giờ em mới biết là chúng ta dùng nhiều gỗ đến thế.
Trần Triệu Quốc Vân khẽ lắc đầu mỉm cười tha thứ:
‒ Chị em với nhau sao em lại nói vậy.
‒ Chúng ta có dùng loại gỗ khác không?
Ý của Đề là hỏi Giao Long Bang có dùng loại gỗ khác thay vì tếch để đóng thuyền, nhưng Trương Trang hiểu lầm. Ông đưa ra một họa đồ các loại gỗ từ thường đến quý:
‒ Thưa Lục Bang Chủ, bất kỳ loại gỗ nào, nếu bản Bang trồng được đều sử dụng hết.
Nguyễn Tử Mộng Linh nhanh miệng tiếp lời Trương Trang:
‒ Trong ngoài tổng đàn bản Bang có trồng hàng trăm loại thảo, mộc khác nhau, thưa Lục Bang Chủ. Đất đai của bảng Bang chia ra ba phần. Một phần trồng lúa. Một phần trồng rau, hoa, củ, quả và phần còn lại trồng cây lấy gỗ với tinh dầu. Tính luôn những cánh rừng được trồng từ thời trước thì bản Bang có đến gần ba vạn mẫu (2).
Đề biết rất rõ Giao Long Bang lúc nào cũng trồng thêm rừng để lấy gỗ mặc dù nàng chỉ chuyên tâm luyện tập. Nàng tuyệt đối không ngờ là mấy năm gần đây tốc độ gia tăng hơn trước rất nhiều. Trương Trang nói thêm:
‒ Những loại gỗ quý như trắc lai, cẩm lai, hoàng đàn, tử đàn, giáng hương chỉ dùng để đóng bàn, ghế, giường, tủ vì chúng quá đẹp và quý hiếm. Những loại khác như đinh, lim, sến, táu, sao, gõ, gụ mọc rất nhiều ở nên được dùng để đóng thuyền ở khắp nơi, từ Đại Việt đến Tống, Chiêm. Tuy nhiên chỉ có bản Bang là ưa chuộng tếch nên trồng nhiều nhất. Mỗi loại gỗ có đặc tính khác nhau nên phải chọn gỗ sao cho thích hợp.
‒ Xin bác nói rõ hơn.
Trương Trang vui vẻ chỉ những bức họa đồ lớn nhỏ và nhằng nhịt những ghi chú:
‒ Tứ Bang Chủ nghiên cứu các loại gỗ khác và tìm ra một vài điều như sau: gỗ có độ cứng mềm và nặng nhẹ khác nhau. Thí dụ như đinh, lim nặng hơn sến, táu, sao và gõ. Cả con thuyền đóng bằng gỗ lim, quý thì quý đấy nhưng nặng và cồng kềnh. Gỗ nặng chưa chắc đã cứng, gỗ cứng chưa chắc đã bền. Thí dụ như cẩm lai, trắc lai và trắc sưa đều rất nặng nhưng gỗ tương đối mềm và dễ cưa, xẻ, đục, bào. Muồng đen tuy bền nhưng dễ cong vênh. Sơn tiêu cứng vô cùng nên dễ làm hư cưa, đục nhưng thân gỗ nhỏ và không chịu được mối, mọt hoặc độ ẩm. Gỗ mít thì mềm, mịn, bền, nhẹ nhưng dùng đóng thuyền thì biết bao nhiêu cho đủ?
Ông chỉ vào bảng gỗ tếch:
‒ Tếch cứng và nặng hơn mít nhưng nhẹ và mềm hơn tất cả các loại gỗ quý thuộc hạ mới nêu lại chịu được nắng, mưa, mối, mọt. Nhưng tếch dùng đóng chiến thuyền không tốt bằng sao, sến, táu vì tếch chịu sự va chạm kém hơn nhưng chịu nước có phần tốt hơn. Gõ nước có công dụng tương đương với gõ đỏ nhưng nhẹ hơn một chút. Dùng đóng bàn ghế trong nhà hay tàu thuyền đi biển đều tốt cả. Nhưng yếu điểm lại là ở Đại Việt mọc ít và chậm. Gỗ nghiến chịu được mưa gió và đẹp bền, nhưng khổ nỗi rất dễ bị cong vênh. Gỗ dầu chỉ để lấy dầu, công dụng nào khác cũng thua kém kể cả việc dùng làm củi đốt. Vì đa công dụng và tương đối dễ trồng nên bản Bang trồng rất nhiều tếch, sao, sến và táu.
Nguyễn Tử Mộng Linh tiếp lời Trương Trang.
‒ Trồng nhiều nhất chứ không phải duy nhất, thưa Lục Bang Chủ.
Trương Trang kết luận:
‒ Tứ Bang Chủ đưa ra phương sách là kết hợp các loại gỗ khác nhau lại để đóng một chiếc thuyền. Như vậy thuyền của bản bang mới tốt và bền nhất. Nhưng cách này thì chúng ta phải chịu tốn kém nhân lực và vật dụng nhiều hơn và cũng phiền phức hơn. Vận thuyền thì Tứ Bang Chủ cho đóng nhỏ lại vì chúng ta không cần nhiều. Đóng nhỏ cho đỡ hao gỗ. Đại và Nhị Bang Chủ đều đồng thuận vì họ chú trọng ở chất lượng và độ bền của mỗi con thuyền.
‒ Chúng ta có tổng cộng bao nhiêu thuyền và dự tính sẽ có bao nhiêu?
Trần Triệu Quốc Vân trả lời thế Trương Trang:
‒ Tạm thời không tính những đội thuyền và bang chúng trực thuộc Cá Đuối ở Long Võ Trang, hiện bản Bang có 12 đội thuyền. Cá Kình và Cá Sấu đem theo sáu đội. Cá Hồi ba đội và chị ba đội. Mỗi đội thuyền gồm mười chiếc chiến thuyền, từ ba đến năm chiếc vận thuyền và một vài chiếc thương thuyền nữa tùy theo sự cần thiết. Cá Sấu muốn bản Bang có ít nhất là 600 chiếc thuyền các loại và Cá Kình đã đồng ý. Vì vậy Cá Hồi và chị mới bận rộn đến vậy. Cá Đuối ở Long Võ Trang cũng muốn tăng người nên mới rồi chị gởi đến đấy 500 bang chúng.
‒ 600 chiếc thuyền, mỗi chiếc dùng từ ba đến năm mẫu rừng, vậy ta cần từ hai đến ba ngàn mẫu?
‒ Đó là chưa kể đến gỗ dùng để tu bổ thuyền bè, làm nhà, dựng đình, đóng bàn ghế, chế tạo vũ khí và củi đốt.
‒ Vì thế chúng ta không thể không trồng thêm cây để lấy gỗ. Với số lượng ấy, ta không thể mua từ các bang phái khác vì quá tốn kém. Chúng ta cũng không thể chặt rừng của triều đình dùng vào việc quốc phòng.
Trương Trang khẽ thở dài:
‒ Nếu như lúc xưa có được hiểu biết như bây giờ thì bản Bang đâu ra nông nỗi để phải mất đi cả một thế hệ.
Nguyễn Tử Mộng Linh nghe Trương Trang nói thế lại líu lo:
‒ Ủa sao có chuyện đó vậy bác Trang? Bác kể cho cháu nghe đi.
Trương Trang đưa cặp mắt thương hại nhìn Nguyễn Tử Mộng Linh. Trong mắt ông không kềm chế được sự thê lương chua chát.
‒ Những năm đầu không ai biết trồng cây lấy gỗ, trong đó tếch là chính, nên trồng không được nhiều cây. Mỗi năm cố bang chủ Quốc Lĩnh cho trồng vài mươi đến vài trăm mẫu rừng tùy hoàn cảnh. Hai vị Bang Chủ nghĩ xem, lúc đó bản Bang làm gì có đất trồng rừng vì chúng ta thuần túy sống dựa vào biển. Cố Bang Chủ bỏ tiền ra mua đất khai hoang nên nhiều người chống đối và cho rằng Người làm chuyện điên khờ. Khắp Đại Việt đất rộng dân thưa, rừng cây bạt ngàn. Trên dưới bản Bang lúc bấy giờ ai cũng cho rằng cây đốn hoài không hết, hơi sức đâu lại đi trồng rừng. Bao nhiêu tiền của Cố Bang Chủ dùng vào việc trồng cây thay vì phát triển thế lực của bản Bang. Từ đó nhiều người cảm thấy chán nản nên tình cảm bắt đầu rạn nứt. Trong Bang không hòa hợp nên bên ngoài bị lấn lướt, đưa đến suy yếu đến bây giờ.
Không riêng gì Nguyễn Tử Mộng Linh mà Trần Triệu Quốc Vân cùng Đề đều ngạc nhiên.
‒ Sự việc bắt đầu vào năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ sáu (3), kéo dài đến 22 năm sau thì bản Bang gặp họa lớn. Xém một chút nữa là Giao Long Bang bị xóa tên khỏi lịch sử Đại Việt.
Ông nhìn ba cô gái trẻ, cố ngăn sự xúc động:
‒ Đã thế nó còn dẫn đến cái chết của cố Bang Chủ Quốc Nam 12 năm trước và cho đến ngày nay vẫn chưa ngã ngũ.
Trương Trang thở dài:
‒ Cho đến bây giờ thuộc hạ mới thấy cái nhìn xa trông rộng của cố Bang Chủ Quốc Lĩnh. Có một lần cố Bang Chủ nói như thế này: “Giao Long Bang muốn có sức mạnh thì phải tự lập, tự cường chứ không thể nhờ đến ai khác. Mạch sống của Giao Long Bang là dựa vào biển. Muốn giữ được biển phải có thuyền. Muốn có thuyền phải có gỗ. Một cây gỗ sống đến hàng trăm năm nhưng thuyền chỉ dùng được 10, 15 năm là cùng. Do đó bản Bang phải tự trồng gỗ để đóng thuyền. Mục đích không ngoài phát triển đất để bảo vệ nước mà hùng cường một phương.” Năm xưa thuộc hạ không hiểu gì, cứ cho là cố Bang Chủ lo chuyện tầm phào. Nhưng chính mắt nhìn thấy các cô lớn khôn và bây giờ gánh trọng trách của bản Bang, thuộc hạ mới cảm thấy thấm lời nói của cố Bang Chủ.
Nguyễn Tử Mộng Linh ngây thơ hỏi:
‒ Làm sao trồng cây mà lại khai khẩn được đất vậy bác Trang?
‒ Đại Việt có nhiều mưa. Chặt rừng mà không trồng cây sẽ đưa đến đất bị sói mòn và gây cảnh lũ lụt. Cây cho ta bóng mát, trái ngọt, hoa hơm, tinh dầu, nhà ở, trên xe dưới thuyền, do đó cần được bảo vệ.
‒ Cháu hiểu rồi. Mình tự trồng cây thì không phải mua gỗ từ các môn phái khác. Tự lập là thế.
Trương Trang vui mừng gật đầu. Trần Triệu Quốc Vân quay sang Mộng Linh:
‒ Trời cũng gần trưa rồi, em đi gặp Đại và Nhị Bang Chủ để trình lên mọi việc ở đây. Em hỏi hai người xem ngày mai có về được không. Nhưng thế nào, em cũng cần về lại đây trước trời sáng.
‒ Dạ thuộc hạ đã rõ.
Nguyễn Tử Mộng Linh làm lễ rồi đi thẳng ra bến sông. Ở đấy đã có một chiếc thuyền đang chờ nàng. Thuyền lập tức rời bến để hướng ra cửa biển. Trương Trang chỉ lên một tấm họa đồ khác:
‒ Tứ Bang Chủ còn nghiên cứu rất nhiều loại thảo mộc vốn không có ở Đại Việt. Rồi từ cách đóng thuyền, làm nhà, chế tạo vũ khí đều tham tường chu đáo.
Trần Triệu Quốc Vân mỉm cười:
‒ Vì ham học hỏi nên trong mấy chị em Cá Hồi là người bác học đa năng và có kiến thức sâu rộng nhất.
Nàng liếc nhìn Đề:
‒ Còn Đề là người khó tính và kỷ luật nhất.
Trương Trang bật cười lớn. Đề vẫn giữ sắc mặt lạnh như đồng và không để ý đến câu nói có đôi phần chế nhạo của Trần Triệu Quốc Vân.
‒ Không biết Lục Bang Chủ đặt tên chiếc soái chu là gì để thuộc hạ sai người khắc bảng tên.
‒ Đặt tên Lệ Hải Trinh Đề.
‒ Thuộc hạ xin theo ý.
‒ Mỗi cây trồng khoảng bao nhiêu năm thì dùng được?
Trương Trang chỉ một khúc cây được cắt ngang và có nhiều chạm trổ tinh vi:
‒ Tùy theo loại cây, thưa Lục Bang Chủ. Như khúc gỗ giáng hương này, bên ngoài cùng là vỏ rồi đến gỗ dác, trong cùng là gỗ lỏi. Đa phần vỏ cây và gỗ dác không có nhiều công dụng. Gỗ dác mềm hơn nên dễ hư mục. Gỗ dác và gỗ lõi của nhiều loại cây dễ phân biệt vì lõi hầu như lúc nào cũng đậm màu hơn dác. Gỗ lõi lúc nào cũng quý, nặng và bền hơn gỗ dác.
Ông chỉ sang một khúc gỗ quý khác to bằng một người ôm đang đợi chạm trổ làm cột đình:
‒ Thí dụ loại gỗ trắc sưa này, trồng từ 10 năm trở lên đã có lỏi nhưng không đẹp như những cây lâu năm. Tếch, sao đen, táu, gõ, giáng hương vân vân trên 10 năm là có lõi nhưng tất nhiên không thể dùng để đóng thuyền vì lõi quá nhỏ. Muốn dùng để đóng thuyền phải ít nhất trên 30 năm. Những cây mọc chậm như đinh, lim, cẩm lai, trắc lai, thuộc hạ trồng gần 40 năm trước mà bây giờ thân cây chưa bằng một người ôm. Những cây này có lẽ phải trăm năm mới có gỗ tốt.
Đề làm một bài tính đơn giản:
‒ Nếu như mỗi chiếc thuyền dùng được 15 năm, vậy 600 chiếc thuyền và những nhu cầu khác ta cần từ bốn đến năm ngàn mẫu rừng. Nếu một cây trồng 45 năm để lấy gỗ thì ta cần gấp ba lần diện tích rừng là 15 ngàn mẫu. Càng nhiều hơn nữa nếu mỗi chiếc chỉ dùng được 10 năm.
‒ Thưa Lục Bang Chủ đúng là như vậy.
Trương Trang dẫn hai nàng đi ra ngoài để căn dặn thuộc hạ và nói:
‒ Lục Bang Chủ tạm thời thay thế Tứ Bang Chủ phụ trách việc đóng thuyền, vậy hãy đi theo thuộc hạ đến gian nhà làm việc của Tứ Bang Chủ.
Ba người đến một gian nhà có cửa đóng im ỉm ở phía đông cách đấy không xa. Trương Trang rút chìa khóa ra mở cửa. Đề nhìn vào mà không khỏi bị choáng váng. Trên hai cái bàn dài giữa nhà, nào là những bức họa đồ, những trục lụa và trên hai mươi loại cây bút lông khác nhau nằm ngửa nghiêng. Dưới đất thì hũ lớn, vại nhỏ bầy biện đến nỗi tìm không ra lối đi. Những chiếc ghế bằng gỗ cái thì bị xiêu vẹo, cái thì chỉ còn là đống gỗ vụn. Dọc theo vách nhà là từng giá binh khí nhưng lại có những trục gỗ và lụa giắt vào. Cung, khiên, kiếm, giáo các loại vũ khí nằm ngổn ngang dưới đất. Đã thế còn có mấy bếp lò nữa. Trên bốn bức vách được dán vô số họa đồ được ghi chú nhằng nhịt. Phía bên trong có đặt hương án nhưng bụi lẫn mạt cưa phủ đầy. Nhiều loại sách được đặt thành chồng lớn, chồng nhỏ và bầy biện khắp nơi. Tóm lại là không có một thứ tự ngăn nắp gì cả.
‒ Ủa, đây là nhà kho, nhà bếp hay nhà sách vậy? Sao mà bừa bãi, dơ bẩn và kém thẩm mỹ thế kia?
‒ Đây là nhà nơi làm việc của Cá Hồi.
‒ Ý… A…
Đề lắc đầu:
‒ Cá Hồi cái gì cũng thông thạo, chỉ riêng phần thứ tự ngăn nắp thì chưa bao giờ học qua. Cá Kình phải răn sửa Cá Hồi mới được.
‒ Chị và bác Trang cũng đành bó tay với Cá Hồi.
‒ Thôi để em làm việc chung với bác Trang. Em mà đi lạc vào trong này chắc sẽ tìm không thấy lối ra.
Trương Trang đóng cửa lại rồi dẫn Đề đến nơi đóng thuyền. Tiếng cưa tiếng búa dòn tan rộn rã tiếp nối nhau làm vang rền một khúc sông. Mùi thơm của gỗ hòa lẫn với gió sông tăng thêm phần sôi động trong lòng người. Cười cười, nói nói, hát hát, hò hò của thuộc hạ chen lẫn với những nhịp búa đục khác nào điệu trống thúc quân. Nhìn những khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi nhưng trên môi không bao giờ thiếu những nụ cười, trong lòng Trần Triệu Quốc Vân dâng trào một niềm hạnh phúc. Nàng đưa mắt nhìn bụi gỗ bay phảng phất trong không gian mà có cảm tưởng sĩ khí của ba quân đong đặc lại thành luồng sức mạnh xông pha trong biển lớn. Môi nàng mỉm cười theo từng động tác của thuộc hạ. Tim nàng rộn rã theo từng mảnh dăm bào rơi xuống đất. Mỗi chiếc thuyền được hình thành theo công đoạn như mạch sống của chính bản thân. Nhìn về cuối bãi nơi thuyền được hạ thủy để trưởng thành, nàng ví von như chính bản thân nàng đang gánh lấy trách nhiệm quan trọng nhất của Giao Long Bang. Thấy ba người đi đến, đám thuộc hạ vui vẻ và lễ phép chào đón mà công việc không một chút bị đình trệ. Trăm người như một, họ làm việc nhịp nhàng, đều đặn. Chưa bao giờ Trần Triệu Quốc Vân thấy tinh thần đồng đội gắn bó chặt chẽ như lúc này. Trương Trang chỉ nhóm đầu tiên và giải thích:
‒ Sống thuyền, cũng như xương sống của con người, rất là quan trọng nên còn được gọi là long cốt. Long cốt phải làm bằng gỗ cứng, nặng, bền và dài. Để tăng sự vững chắc của con thuyền, mỗi chiếc cần đến hai long cốt, một trên một dưới. Sau nhiều năm suy tính và trải nghiệm, Tứ Bang Chủ phân định như sau: long cốt thuyền dùng một trong ba loại lim xanh, táu nước hoặc kiền kiền. Sống dọc thuyền dùng sến đỏ, sao lá to hoặc đinh. Sườn thuyền dùng một trong ba loại sao mặt quỷ, sao tía hoặc chò chỉ. Ván vỏ thuyền thì dùng tếch, gõ nước hoặc gụ mật (4). Ván sàn thuyền và những thứ khác thì dùng tếch. Cột buồm thì bất cứ là tứ thiết (5) hoặc gỗ sao nào cũng được.
Trương Trang đọc vanh vách một loạt gỗ quý dùng cho bộ phận khác nhau, Đề cố gắng nhớ hết.
‒ Vậy là ngoài việc giữ nhịp độ đóng thuyền đều đặn và trôi chảy, cháu còn phải làm bà chúa kho kiểm kê vật dụng đóng thuyền của bản Bang.
‒ Thưa Lục Bang Chủ đúng vậy.
Trần Triệu Quốc Vân tiếp lời:
‒ Vì thế chị mới phải nhờ đến em.
‒ Dạ em biết. Em sẽ làm tròn trách nhiệm của mình. Chị hãy yên tâm.
Trần Triệu Quốc Vân gật đầu trong lòng vô cùng mừng rỡ. Trương Trang nói thêm:
‒ Về kích thước thì Tứ Bang Chủ định như sau: tích diện long cốt trên là một bề sáu phân (6), một bề tám phân. Tích diện long cốt dưới một bề sáu phân, một bề năm phân. Ván vỏ thuyền có kích thước tối thiểu là dầy hai phân, rộng từ bốn đến bảy phân và bề dài thì tùy…
Trương Trang còn nói nữa thì vô phúc ở đâu có một con chuột cống chạy ra ngoài. Phần nhiều đàn ông nhìn thấy chuột như nhìn thấy bất kỳ một con vật nào khác, ít có phản ứng. Còn phụ nữ thì khác. Có người rất thích chuột. Có người rất ghét chuột và cũng có người rất sợ. Trương Trang thấy chuột chạy ra, quên béng mình đang nói gì và dán mắt nhìn con chuột một cách hiếu kỳ. Trong đầu ông suy đoán là con chuột chạy từ gian nhà làm việc của Tứ Bang Chủ ra ngoài. Đề khẽ phất thanh kiếm con chuột bị bắn rớt xuống sông, chết tan xác.
‒ Thứ chuột bọ.
Trần Triệu Quốc Vân thì vụt mất. Bọn thuộc hạ la hoảng lên, Đề quay mặt lại. Cả nàng lẫn Trương Trang và đám thuộc hạ đều quá đỗi ngạc nhiên. Hai tay Trần Triệu Quốc Vân cầm sống mũi thuyền nặng dư trăm cân cao khỏi đầu. Nàng quay qua quay lại dáo dác nhìn:
‒ Đâu đâu, con chuột chạy đâu rồi?
Nàng chợt để ý đến bao nhiêu cặp mắt đang chăm chăm nhìn nàng không chớp. Như hiểu sự tình, nàng vội để sống mũi thuyền xuống, đôi gò má ửng đỏ. Nàng ấp úng:
‒ Á a… muốn xua đuổi con chuột… bản tòa làm phiền các ngươi.
Đề nhìn Trần Triệu Quốc Vân để sống mũi thuyền xuống. Nàng bỗng trợn mắt và hét lớn:
‒ Khốn kiếp! Các ngươi đáng chết!
Sự việc xảy ra quá nhanh nên trở thành chậm chạp. Từng sát na trôi qua nặng nề. Trong mắt Đề, nàng nhìn thấy hàng trăm món vật dụng đóng thuyền khác nhau cùng hướng về người Trần Triệu Quốc Vân. Từng khoảng cách thu ngắn, từng món vũ khí hướng vào các yếu huyệt của Ngũ Bang Chủ Giao Long Bang. Đề vung thanh kiếm lên. Muôn ngàn lưỡi kiếm tuôn ra như mưa. Chiêu Pháp Kiếm Giáng Võng được nàng thi triển đến mức thượng thừa để dành lấy một tia hy vọng mong manh. Tính mạng của Trần Triệu Quốc Vân như ngàn cân treo đầu sợi tóc.
‒ A?
Một tiếng kinh ngạc bật lên, tuy không lớn nhưng Đề nghe rất rõ. Một âm duy nhất nhưng mang theo cả cánh cửa địa ngục từ sau lưng nàng ập đến. Vì lo đến sự an nguy của Cá Chép mà trong chốc ngắn ngủi Đề đã để hở phía sau lưng. Nàng cảm thấy cả bầu trời như bị phủ lên một màu đen chết chóc. Tâm tư nàng bị dao động mạnh. Một luồng khí lạnh đến tê người đã sát đến lưng. Đề liền đổi chiêu kiếm. Nàng khẽ chùn người, chân phải đạp mạnh xuống và hướng mũi kiếm về phía sau.
Muôn ngàn vệt ánh sáng như đan chéo vào nhau để bảo vệ khắp người nàng. Chỉ có ánh sáng mới xua đi được bóng tối. Chỉ có linh khí mới xua tan được tà khí. Chỉ có một cái tâm đầy đủ kiên định mới không bị ma ảnh làm chi phối. Đề có cảm tưởng màn đen như là tấm ngói bị thanh kiếm báu của nàng chém tan ra từng mảnh nhỏ.
Đề bừng tỉnh. Tâm trí của nàng sáng suốt trở lại. Nàng biết mình bị một đại cao thủ lợi dụng trong lúc bị phân tâm mà dùng nhiếp tâm thuật để muốn lấy tính mạng của nàng. Cao thủ giao đấu với nhau mấu chốt quan trọng nhất là lúc nào cũng để tâm được bình thản. Phải như vậy thì mới đủ sáng suốt để nhận định chiêu thức của đối thủ. Hơn thế nữa, tâm bình thản và thanh tịnh sẽ không bị kẻ địch dùng ma pháp khống chế từ chiêu thức cho đến lý trí và tình cảm.
Tuy Đề khó tính trong việc xử sự hàng ngày nhưng tâm nàng rất sáng suốt và kiên định. Do đó đối thủ chỉ mới có thể làm cho nàng cảm thấy trời đất tối sầm chứ chiêu thức chưa có thể đả thương nàng được. Tâm nàng càng trở nên trong sáng thì kiếm pháp của nàng càng trở nên huy hoàng vi diệu hơn. Chiêu Kiếm Võng Thù Quang bao trùm tên sát thủ có khuôn mặt đen thui.
Từ lúc đến bãi đóng thuyền, Đề đã nhìn từng thuộc hạ và có thấy tên này mấy lần. Hắn cần mẫn và chuyên tâm làm việc nên nàng không để ý lắm. Đến khi nàng bị hắn ám sát hụt nàng mới biết hắn là một người có tài nghệ ít ai bằng. Hắn sử dụng một cái búa ngắn linh hoạt dị thường. Tất cả các thế, chiêu của hắn hàm chứa nhiều tầng lớp biến hóa khác nhau để quyết lấy cho được tính mạng của Đề. Sát khí của hắn trùng trùng điệp điệp tuôn ra. Bất cứ một sơ suất, dù nhỏ bao nhiêu, cũng đủ cho nàng bị mất mạng trong tay hắn.
Đột nhiên hắn biến chiêu lẫn cách vận khí. Cây búa trong đôi tay của hắn thoắt ẩn thoắt hiện và phát ra muôn luồng sát khí vô hình để đánh bật lưới kiếm quang của nàng ra. Đề vừa kinh ngạc vừa thán phục lối phản chiêu của hắn. Qua một chiêu đó, nàng đoán rằng võ công của hắn còn cao hơn cả Trần Triệu Quốc Vân. Đề bị ép lùi hai bước, tên sát thủ vận một luồng chân khí và phóng người lên cao bằng một thân pháp ngụy dị. Bây giờ không những cây búa mà cả thân hình của hắn cũng ẩn hiện không chừng. Đề quắc mắt:
‒ Ngươi đừng nghĩ ta sợ ngươi!
Nàng xuất ra chiêu Kiếm Võng Vu Du và dùng hệt cách thức nàng giao đấu với Trần Triệu Quốc Vân vào buổi sáng để chống trả. Kình phong từ mũi kiếm bắn lên khung trời để đối lại luồng ma lực từ trên cao ập xuống nghe ầm ầm không ngớt. Rồi từ chiêu thức ấy nàng đổi qua thành Kiếm Thiên Võng Thượng. Nàng như một con thần long từ đáy biển sâu bay thẳng lên chín tầng trời. Nàng vụt người lên cao hơn tên sát thủ cả mấy trượng. Những luồng kiếm quang chiếu sáng long lanh một vùng như để biến Đề thành một nàng tiên nữ đang lơ lửng giữa trời. Nàng không cần đưa mắt nhìn nhưng vẫn cảm được Trần Triệu Quốc Vân bình an vô sự. Nàng an tâm dùng hết tuyệt nghệ để giao đấu với tên sát thủ vì đây là lần đầu tiên trong đời nàng gặp một cao thủ độc ác và đáng sợ như vậy. Hùng tâm của Đề càng kiên cường bất khuất…
Trần Triệu Quốc Vân cảm thấy hơi xấu hổ trước thuộc hạ. Nàng vừa để sống mũi thuyền xuống thì đột nhiên cảm thấy sát khí vây kín người nàng. Nàng cảm thấy hoang mang không ít. Từ nhỏ nàng chưa từng lớn tiếng với thuộc hạ hoặc la rầy một ai. Người người xung quanh đều thương mến nàng. Đối với tất cả trên dưới Giao Long Bang nàng một mực khoan hòa. Thế mà trong lúc này tự nhiên nàng cảm thấy cái chết gần kề. Không đầy một sát na mà nàng nhận thức được rằng nàng bị những người hằng ngày dạ dạ vâng vâng xem nàng là bang chủ lại nỡ tâm sát hại nàng. Hàng trăm ám khí chưa đến người nhưng lòng nàng cảm thấy như bị hàng ức vạn lưỡi dao băm xẻ cùng một lúc. Trần Triệu Quốc Vân cảm thấy bi thương tột độ nhưng không vì vậy mà chịu nhắm mắt buông xuôi. Dù sao nàng cũng là một vị bang chủ tài trí phi thường. Kèm thêm tiếng hét của Đề đưa nàng trở về thực tại. Tính mạng lâm nguy nhưng tâm trí không rối loạn. Đôi tay của nàng phóng ra liên hoàn chưởng để đẩy lui các món ám khí.
Bọn người kia đã có dã tâm sát hại nàng thì khi nào chúng lại chịu bỏ qua. Chúng thấy nàng có thể thoát chết trong đường tơ kẽ tóc thì lại tiếp tục tấn công. Trần Triệu Quốc Vân lại vung ra song chưởng. Lần này nàng sử dụng chiêu Ngư Việt Long Môn trong bộ Giao Long Liên Hoàn Chưởng để hiển lộ thần uy. Bóng chưởng bay rợp xung quanh, những món binh khí, ám khí xung quanh nàng đều bị nàng ném trả. Nhưng vì tâm tính thuần hậu nên nàng không phản công mà ném xuống đất.
Phóng lao thì theo lao. Được voi thì đòi tiên. Đám sát nhân thấy Trần Triệu Quốc Vân nương tay cho chúng thì chúng càng lấn lướt. Do đó nàng dù có bản lĩnh phi thường nhưng hoàn toàn ở thế bị động. Nàng khẽ nhún chân phóng người vọt ra phía sau, đôi tay phóng ra chiêu Quá Môn Tam Cấp để vừa thoát nguy hiển lộ được chân tài.
Đột nhiên nàng khựng người. Ở góc con mắt là hình ảnh Trương Trang nằm yên cạnh vũng máu tươi. Trời như tối sập lại. Hình ảnh một người ông thương yêu bảo bọc cháu gái; một người thuộc hạ lâu năm trung thành tận tụy; một người hiền hòa và cần mẫn ẩn ẩn hiện hiện nhòa cả đôi mắt đen lay láy của Trần Triệu Quốc Vân. Nàng lao người lại, không để ý đến sự hiểm nguy của bản thân:
‒ Bác Trang! Bác Trương Trang!!!
Trương Trang nằm sấp trên mặt đất, đầu nghiêng về một bên và đôi mắt nhắm nghiền. Trần Triệu Quốc Vân chỉ thấy ông nằm trên vũng máu nhưng không rõ vết thương ở đâu. Nàng đưa tay lay người ông. Rồi tai nàng nghe nhiều tiếng gào thét xung quanh. Nàng đưa mắt nhìn, một cảnh tượng hãi hùng bày ra trước mắt. Thuộc hạ Giao Long Bang chia làm hai phe chém giết nhau loạn xạ. Trần Triệu Quốc Vân kinh hoàng. Đôi chân nàng mất lực, nàng ngã quỵ xuống cạnh người Trương Trang.
‒ Các… các… ngươi… làm gì… gì… thế?
Đôi môi của nàng rung rung mấp máy. Hơi thở của nàng thều thào. Nàng nói chữ được chữ mất. Tai nàng bị ù đi. Kể cả tiếng người la hét, tiếng binh khí va chạm nàng tai nàng cũng không còn nhận thức được nữa. Đích mắt nàng trông thấy một nhóm thuộc hạ tàn sát một nhóm khác. Lần đầu tiên trong đời nàng chứng kiến những người thân yêu hại người thân yêu và đôi bên lần lượt ngã xuống. Đến nằm mơ nàng cũng không ngờ lại có chuyện này xảy ra. Nàng là bang chủ của chúng nhưng bây giờ khác nào như một người đang xem diễn tuồng. Tuồng tích nặng mùi máu tươi và mang đầy oan nghiệt. Một màn ám khí tiến đến và bao phủ người nàng. Võ công, linh tính thúc đẩy nàng phải ra chiêu tự vệ. Nhưng con tim của nàng nặng trĩu đã đè át đi mọi ý nghĩ chống cự. Lực bất tòng tâm mà tâm không theo ý. Trần Triệu Quốc Vân chỉ biết hướng mắt lơ đễnh nhìn ám khí hướng từng yếu huyệt trên người nàng bay đến.
Nhiều tiếng leng keng vang lên inh ỏi.
‒ Cá Chép chị hãy bình tĩnh!
Đề cảm thấy Trần Triệu Quốc Vân lâm nguy nên bỏ dở thế công mà phóng người lại đánh dạt tất cả các món ám khí để bảo vệ chị. Nghe em nhắc, Trần Triệu Quốc Vân bừng tỉnh:
‒ Chị… chị…
Nàng vội lật Trương Trang nằm ngửa để xem vết thương của ông. Ông bị đến mấy vết thương khá sâu ở ngực và bụng nhưng hơi thở vẫn còn. Đôi mắt của ông nhắm nghiền, máu chảy lênh láng. Nàng cởi áo ông ra để băng tạm vết thương. Vì thiếu vải, nàng cởi luôn chiếc áo ngoài của nàng xuống xé thành một mảnh dài để băng bó thêm. Người nàng chỉ còn mặc một cái yếm màu mỡ gà thêu hình con cá chép nhìn trăng. Lưng, vai và hai cánh tay lộ ra một làn da trắng mịn như ngà. Nàng còn là một nữ tướng nên tấm lưng thon gọn, săn chắc và đẹp tuyệt trần. Đề ra lệnh:
‒ Nổi trống báo động.
Nàng chỉ mũi kiếm vào tên mặt đen:
‒ Ta không cần biết ngươi là ai. Nhưng hồn ma ngươi sẽ mãi mãi nhớ ta là ai.
Nàng xuất chiêu Vũ Kiếm Văn Võng để trả lại thế công hiểm ác của tên áo đen. Hắn thừa lúc nàng phân tâm để dành lại quyền chủ động. Nội lực của hắn cuồn cuộn phát huy đến gỗ đá gần đấy cũng phải bay dạt. Nhanh gấp nhiều lần mũi tên bắn, thế công từ cây búa trên tay hắn nhắm vào các yếu điểm trên người nàng. Hiển nhiên hắn muốn lấy tính mạng của Đề. Nàng chưa từng bôn ba khắp nơi cũng như dự nhiều trận đánh nên kinh nghiệm còn ít. Hơn nữa nàng không biết võ công của tên mặt đen như thế nào nên chiêu thức không thể phát huy. Nàng luôn phải quan sát lối xuất chiêu và biến thế của hắn để hóa giải nên nàng thủ nhiều hơn công. Những lúc nàng tấn công thì đối phương phòng thủ rất nghiêm ngặt nên nhất thời chưa phân hơn kém.
Lần này chiêu thức hung hãn và ác hiểm của hắn bị chiêu Vũ Kiếm Văn Võng hoàn toàn phá giải. Đề phấn chấn tinh thần vì nàng nhận được võ lý của hắn. Nàng tự tin hơn liền đề chân khí và phát ra chiêu Vô Lượng Kiếm Võng. Lập tức tên mặt đen thấy cả trời đất chỉ còn lại một màu trắng xóa. Phải trái trên dưới đều nhằng nhịt những tia sáng và dầy đặc hơn mạng nhện. Cảnh do tâm tạo thì không còn dùng mắt để nhận cảnh. Hắn biết rõ Đề dùng nhiếp tâm nên hắn cũng dùng nhiếp tâm để chống lại. Tâm cảnh phải dùng tâm thức để phá. Muốn phá ánh sáng thì dùng tăm tối. Hắn vận nội công đến cực điểm để định tâm quán chiếu. Hai tay hắn huy động cây búa đánh ra nhiều sát chiêu. Một màn đen của sự chết chóc ma quái lan tỏa ra như hút đi tất cả ánh sáng xung quanh.
‒ Ta sợ ngươi sao? Đừng chê kiếm ta không sắc.
Đề phát ra chiêu Kiếm Võng Thù Quang. Nàng vọt người lên cao để cho chiêu kiếm phát huy tột độ. Muôn ngàn ánh kiếm chém vào tên mặt đen. Tâm cảnh của tên mặt đen bỗng nhiên bị muôn ngàn tia sáng chém tan nát. Hắn thầm nghĩ: “Không ngờ kiếm pháp của con bé này siêu việt đến thế. Không lẽ bốn cảnh giới của kiếm là khai, thị, ngộ, nhập sư phụ thường giảng giải nó đã luyện đến thị giới kiếm lý? Hôm nay không giết nó sau này sẽ là một mối họa.”
Hắn đổi chiến thuật. Thay vì phân tán sát khí ra một vùng lớn rộng thì hắn thu hẹp lại. Một đối một, hắn dùng từng vệt đen để đối lại từng vệt sáng của Đề. Ý thì tùy tâm. Tâm thì tùy thức. Thức thì tùy vào sự giác ngộ trong sự tu tập của mỗi con người mà huy động theo ý muốn. Hắn đang ở trong tâm cảnh với một định lực dồi dào và kinh nghiệm phong phú. Hắn tùy cơ mà phản công lại kiếm pháp siêu việt của Đề. Hai người dốc toàn lực ra đánh một trận thư hùng giữa bãi đóng thuyền của Giao Long Bang.
Không đợi Đề ra lệnh nổi trống báo động mà trước đó bọn thuộc hạ Giao Long Bang đã có người đến gần giá trống. Nhưng đám người nổi loạn cũng đã biết trước và ra sức ngăn chận. Đôi bên đánh giáp lá cà và giằng co mãi tiếng trống mới được đánh lên inh ỏi. Tiếp đó là dọc bờ sông pháo lệnh nối đuôi nhau phát động trên bầu trời. Rồi đến năm viên pháo cùng lúc nổ ra một màu đỏ ối để báo là Trần Triệu Quốc Vân đang gặp nguy. Nhiều chiến thuyền bên kia bờ sông Tiên Yên lập tức hướng qua bên này.
Thấp thoáng hai bóng người, một nam một nữ, lướt trên mặt nước để vượt sông. Nam thanh nữ tú. Cả hai người đều nhìn giống Nguyễn Tử Mộng Linh như đúc. Họ nhìn thấy cảnh tượng hỗn loạn của bãi đóng thuyền thì vô cùng kinh hoảng. Người nam quát lớn:
‒ Tất cả dừng tay! Chuyện gì đang xảy ra?
Nhưng không một ai dừng tay. Có hai tên thuộc hạ chạy đến quỳ xuống tâu trình:
‒ Kính thưa hai thống lĩnh Nguyễn Tử Thanh và Nguyễn Tử Hồng Linh, chúng ta có gian tế. Bọn người kia đang làm phản và cố ý sát hại Ngũ Bang Chủ.
Anh em Nguyễn Tử liền nhìn theo lối chỉ của tên thuộc hạ. Lập tức một tên rút dao ra đâm thẳng vào ngực của Nguyễn Tử Thanh còn tên kia dùng song chưởng tấn công Nguyễn Tử Mộng Linh. Bị tập kích bất ngờ và đối phương là một cao thủ, Nguyễn Tử Thanh không kịp phản chiêu nên chỉ có thể đề khí rút lui theo bản năng. Ngực chàng bị con dao ngắn đâm sâu quá nửa nhưng trệch qua một bên. Tuy tính mạng không bị nguy hiểm nhưng vết thương khá nặng. Nguyễn Tử Thanh tức giận:
‒ Đồ khốn kiếp! Á Chung, thì ra mi là một đại cao thủ.
Tay trái chàng giữ chặt vết thương, tay phải rút đao ở bên hông ra tấn công tên phản đồ. Chàng khẽ liếc mắt thấy em gái đang chiết chiêu với tên thứ hai nên chàng cảm thấy an tâm rất nhiều. Thanh đao trong tay, chàng dở hết tuyệt học trong bộ Giao Long Đại Hùng Thất Tinh Đao để hiển lộ thần uy. Địch thủ bị Nguyễn Tử Thanh làm cho luống cuống chân tay. Thế là hắn được một kẻ đồng bọn đến trợ giúp. Đôi bên tung sát chiêu để chinh phạt nhau.
Nguyễn Tử Hồng Linh cũng bị đánh lén như anh. Nàng vội phát chiêu chống đỡ. Ầm! Cát bụi mù bay. Nguyễn Tử Hồng Linh bị đánh lùi hơn bốn bước, khóe miệng rỉ máu tươi. Nàng thầm kinh hãi vì nàng không ngờ một gã thuộc hạ tên Áng Chất bề ngoài trông bình thường lại có nội lực hùng mạnh và sát thủ kinh người. Tên đó thấy một chiêu đắc thủ liền múa tít song chưởng tiếp tục tấn công Nguyễn Tử Hồng Linh để dồn nàng vào đường chết. Nàng phải lùi thêm bốn bước nữa mới có thể tạm thời hóa giải được sát chiêu của hắn. Nhưng Áng Chất ra tay trước mà chiếm được tiên cơ nên đâu chịu bỏ qua. Biết không thể cứ lùi mãi, Nguyễn Tử Hồng Linh cắn răng phóng ra song chưởng để ngăn chặn thế công hắn.
Ầm! Cả hai cùng lảo đảo lùi lại. Nguyễn Tử Hồng Linh thấy khí lực trong người nhộn nhạo khó chịu. Tai nàng bị ù đi và khóe miệng lại rỉ máu tươi. Nàng đưa cánh tay áo lên quẹt rồi hít một luồng chân khí:
‒ Khá cho tên phản đồ Áng Chất ngươi.
Nàng sử dụng pho Giao Long Yên Lãng Chưởng lao vào tấn công. Đôi bên thi triển hết tuyệt học để mong hạ đối phương một cách nhanh chóng. Nội lực phát ra ào ào, bóng chưởng phần phật. Trời đất dường như cũng bị cuốn vào trận đánh tương tàn của Giao Long Bang.
————————
Ghi chú:
(1) Trắc sưa tức là cây sưa đỏ, còn gọi là trắc thối hay hoàng đàn Việt Nam. Tên khoa học là Dalbergia odorifera. Trắc bó nhị có tên khoa học là Dalbergia polyadelpha. Cả hai đều là gỗ quý, nhất là gỗ sưa. Có thể nói gỗ sưa là gỗ quý nhất và nổi tiếng nhất lịch sử Việt Nam. Không những thời Bắc Thuộc vua chúa Trung Quốc săn lùng gỗ sưa của Việt Nam rất gắt mà ngày nay đại gia Trung Quốc đối với gỗ sưa cũng thế. Do đó, cây sưa thuộc hàng quốc cấm của Việt Nam và được bảo vệ nghiêm ngặt.
(2) Một mẫu ta là 3600 mét vuông. Ba vạn mẫu ta là 10,800 héc-ta, hay 108 cây số vuông.
(3) Anh Vũ Chiêu Thắng thứ sáu là năm 1081 thời vua Lý Nhân Tông.
(4) Lim xanh (Erythrophloeum fordii), táu nước (Vatica subglabra), kiền kiền (Hopea pierrei), sến đỏ (Fosree cochinchinensis), sao lá to (Hopea hainanensis), đinh (Markhamia stipulata), sao mặt quỷ (Hopea hongayensis), sao tía (Hopea ferrea), chò chỉ (Parashorea chinensis), tếch (Tectona grandis), gõ nước (Afzelia bijuga), gụ mật (Sindora siamensis).
Ngoại trừ tếch là không có mọc trong thiên nhiên ở Việt Nam, tất cả loại gỗ được nêu trên đều là gỗ quý hiếm của Việt Nam. Tôi kèm thêm tên khoa học cho bạn đọc nào thích nghiên cứu về gỗ quý có thể tìm tài liệu để tham khảo thêm.
(5) Tứ thiết gồm gỗ đinh, lim xanh, sến đỏ và táu mật (Hopea tonkinensis).
(6) Một phân ta bằng 4 mm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.