Cố Niên Hoa

Chương 32: Như nước chảy về đông




Hoá ra Quang Khải kéo bọn tôi đến xem màn múa giáo để khích lệ lòng quân của hoàng đế. Đây là dịp cả đời mới được thấy một lần nên ai nấy đều hào hứng, reo hò inh ỏi.
Trên đài cao, người mặc long bào đã bước sang tuổi trung niên song tráng kiện và nhanh nhẹn chẳng khác chi mấy anh lính trẻ. Ngài uy nghi bước lên giương thẳng ngọn giáo dài, trổ từng động tác mạnh mẽ, ánh mắt hừng hực lửa khiến cho những kẻ thường ngày lơ là luyện tập phải cúi gằm mặt mà hổ thẹn. Tiếng trống phối hợp rất nhịp nhàng, khi khoan thai, khi dồn dập, người múa giáo và kẻ đánh trống chỉ cần một ánh mắt đã hiểu nhau, ăn ý như thể đã luyện tập cả nghìn lần.
- Vị đang đánh trống kia là một vương gia nào phỏng? – Tôi huých nhẹ vai Quang Khải.
- Không, người đó là ngự sử trung tướng Lê Tần, thư đồng đã đi theo phụ hoàng từ thuở bé nên hai người còn thân hơn cả anh em ruột thịt.
- Có phải là người đã khuyên hoàng đế rút quân, đừng đánh một ván dốc túi mà phải tính kế dài lâu ở trận Bình Lệ Nguyên không?
- Ừ, chính là ngài ấy. – Quang Khải đáp lời tôi, mắt vẫn dán chặt vào người cha đế vương kiêu dũng, không hề giấu vẻ tự hào.
Tôi hết nhìn hoàng đế lại nhìn sang người tên Lê Tần, không tránh khỏi việc nghĩ đến Khâm Minh đại vương – thân phụ của lão già nhà tôi. Nghe nói lúc công chúa Thuận Thiên vẫn chưa bị ép trở thành hoàng hậu, đại vương và hoàng đế vô cùng thân thiết. Đại vương được phong tước Hiển hoàng, quyền lực chỉ dưới một người, vốn là danh xưng xưa nay chẳng ai có. Lúc đại vương vì hôn sự trớ trêu kia mà phẫn uất dẫn quân đến sông Cái tạo phản, hoàng đế còn lấy thân mình che chở cho đại vương trước mũi kiếm của thái sư. Song, đó cũng là lần cuối cùng người ta còn biết đến mối thâm tình ấy.
Nghĩ đến đây, tôi vô thức nhếch mép cười, không rõ thái sư có bao giờ bị giao tình của hoàng đế và ngự sử trung tướng gây nghi kỵ, có bao giờ ông ta toan bày trò chia rẽ nữa không. Ngẫm lâu thêm một chút, ruột thịt tình thâm là thứ ta không được lựa chọn khi sinh ra đời nên dẫu gắn bó cũng rất dễ rạn nứt vì một hiểu lầm nhỏ bé. Bằng hữu, là người ta quyết định gắn bó sau khi đã hiểu lòng nhau, đã cùng trải bao lần đồng sinh cộng tử, nên mối giao tình ấy đã bền chặt thì rất khó tách rời.
Quang Khải nói, suốt dọc đường rút quân, ngự sử trung tướng đã đích thân cầm ván che chở cho hoàng đế khỏi trận mưa tên của Thát quân, bản thân mình bị thương cũng không hé răng than vãn nửa lời. Ấy cũng là người đã cùng tiến cùng lùi với vua, mặc cho khí thế của giặc khiến viên tướng dũng mãnh nhất cũng phải chùn chân.
Tiếng trống đang dồn dập bỗng ngưng bặt khiến tôi giật mình trở về thực tại. Hoàng đế toàn thân lấm tấm mồ hôi, giương cao ngọn giáo mỉm cười ngạo nghễ. Gió lớn nổi lên khiến những ngọn cờ dựng khắp quân doanh tung bay phần phật. Bên dưới, binh sĩ ai nấy bừng bừng nhuệ khí, giáo gươm khua rộn ràng, mồm hô vang:
- Sát Thát! Sát Thát!
Những người lính ấy, vài ngày trước đây đã tiến về Bình Lệ Nguyên, mang theo ngạo khí ngút trời của tuổi tráng niên với lòng tin về quân số áp đảo. Những người lính ấy đã đối mặt với đội kỵ binh đã làm cỏ không mọc được dưới chân, đã hoảng loạn vì vỡ trận, đã thầm gửi lời vĩnh biệt vào trong gió bụi mịt mù. Những người lính ấy đã đau nát lòng khi tự tay đẩy những thi thể đồng đội còn chưa kịp lạnh xuống lòng sông Lô để tránh làm chậm tốc độ rút quân. Cũng những người lính ấy đã tận mắt chứng kiến từng người trong bọn họ lần lượt ngã xuống, lót con đường máu từ Thiên Mạc về Thăng Long, rồi từ Thăng Long về lại hương Tức Mặc. Tất cả những biến động trong mấy ngày vỏn vẹn đã nhiều hơn sóng gió suốt cả một đời của những kẻ may mắn còn sống sót.
Nhưng nhìn khí thế bừng bừng như rồng hổ hiện giờ, ai có thể tin được họ đã đi qua từng đó đau thương? Mảnh đất tôi đang đứng đây là khởi nguồn của họ Trần, nó đã luôn che chở cho họ Trần, hồi sinh những tâm hồn tả tơi vì trận chiến bại kia.
Trong một khắc, tôi chợt thấy mắt mình nhoè nước, trong lòng tràn ngập nỗi tự hào khôn tả. Tôi nắm lấy tay Quang Khải giơ lên cao, cố hét thật to:
- Sát Thát! Sát Thát!
Hò reo một hồi lâu, tôi không nhận ra đã có người tiến đến phía sau mình. Người ấy đợi đến khi tôi đã qua cơn kích động mới nhã nhặn mở lời:
- Cô là Nhã Phong phải không?
Tôi ngơ ngác nhìn người thanh niên chỉ hơn mình vài tuổi, gương mặt có nét rất quen thuộc, vô thức cúi chào cho đúng lễ nghi. Quang Khải chậm rãi giới thiệu:
- Phong, vị này là Tĩnh Quốc vương, anh trai ta.
Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang chính là đứa trẻ mà công chúa Thuận Thiên đang mang trong bụng khi trở thành hoàng hậu. Dòng máu đang chảy trong người vương là của chi Vạn Kiếp, song thân phận lại là hoàng tử đầu tiên của hoàng đế.
Tôi nhìn những đường nét trên gương mặt vương, quả thật có rất nhiều điểm giống lão già nhà tôi. Anh em họ chắc ít có dịp gặp nhau. Hưng Đạo vương được công chúa Thuỵ Bà nuôi dưỡng nên ở trong cung, còn lão già nhà tôi lại rất ít khi vào cung. Để tránh lời ra tiếng vào, tôi đoán chỉ có dịp hội quân này, mấy anh em mới lần đầu ngồi trò chuyện với nhau lâu.
Vương nghe đến tên tôi ắt là qua lời kể của Hưng Đạo vương rồi nổi ý tò mò, muốn từ tôi mà hiểu thêm về người anh ruột thịt của mình. Tôi đến hành cung ở Hoàng giang cũng được mấy hôm, vương có thể thông qua Quang Khải mà đến gặp tôi nhưng vẫn đợi dịp tụ tập đông đúc này mới ra mặt. Rốt cục những năm qua, con người có thân phận đặc biệt kia đã phải sống khó khăn thế nào, e dè thế nào, ngó sau nhìn trước thế nào?
- Tĩnh Quốc vương, năm mới an khang! – Trong một lúc tôi không biết phải nói gì với vương, chỉ đành nói mấy lời hoa mỹ khuôn sáo.
- Cô sống ở đây có quen không? – Vương cười hiền. – Hành cung chắc là khác nhiều với Dưỡng Chân trang?
- Bẩm, nơi này thanh tịnh, nước biếc non xanh, không khác Yên Bang là mấy. – Tôi muốn kể nhiều một chút cho ngài nghe, đoạn lại thấy không nên. – Nghe nói thái ấp Độc Lập của Chiêu Minh vương đây mới thật là trù phú, đẹp đẽ.
Tôi nhìn sang Quang Khải đầy ý nghĩa, hắn lập tức hiểu ra, đáp không cần nghĩ:
- Phụng Dương từng ngỏ ý mời Phong và Hưng Ninh vương đến Độc Lập nghỉ ngơi một thời gian sau khi hết giặc. Nếu anh Tĩnh Quốc không chê thái ấp của em phàm tục, hay là anh cũng cùng đến, em sẽ mở tiệc thết đãi mọi người.
Ánh mắt Tĩnh Quốc vương chợt sáng rồi lấp lánh niềm vui:
- Thế thì hay lắm!
Tôi còn định đưa chuyện đôi câu thì một anh lính từ đâu hớt hải đến, nói thật khẽ như sợ ai nghe thấy:
- Cô Nhã Phong, phiền cô đi một chuyến, có chuyện lớn rồi!
Tôi nhìn sắc mặt xanh lét của anh ta thì thấy ngay sự chẳng lành, toan rời đi ngay. Tĩnh Quốc vương có ý cùng đi song Quang Khải đã ngăn lại. Tôi cúi chào vương rồi lập tức đi theo anh lính.
***
Khi bọn tôi đến rừng trúc phía sau hậu viên, quân lính của quốc mẫu đã bao vây tứ phía. Nhờ có Quang Khải đi cùng nên tôi dễ dàng len được vào trong.
Hai người dân đang bị trói, quỳ một bên. Một người lính đang nằm sõng soài dưới đất, thoi thóp. Người lính còn lại ngồi gục đầu, vai run run, bên cạnh anh ta là một thanh ngươm đỏ máu của người kia.
- Chuyện này... là thế nào? – Tôi hỏi anh lính chạy đến báo tin.
- Thưa, đây là cậu Chiến... - Anh ra lắp bắp rồi trỏ vào người sắp chết, đoạn lấy hết sức thét to như khóc. – Đây là cậu Chiến!
Người tên Chiến là kẻ có mẹ già bệnh nặng nhưng vẫn cắn răng tòng quân. Nếu tôi nhớ không lầm, vết thương chữa mãi không khỏi trên bụng anh ta là do đỡ cho đồng đội. Người đồng đội ấy, trớ trêu thay lại đang ngồi bất động kia.
- Đưa anh ta về đi, tôi sẽ cứu được. – Tôi dợn bước đến chỗ anh Chiến nhưng anh lính ngồi bất động đã ngăn lại rất quyết liệt.
- Cô Nhã Phong, anh ấy phản rồi! – Anh ta ngẩng lên nhìn tôi, tròng mắt ngầu đỏ. – Tôi vốn định mang rượu thịt đến chỗ cậu ấy cùng ăn, không ngờ bắt gặp cậu ta lẻn vào rừng gặp bọn chúng. – Anh ta vung tay chỉ thẳng những người bị trói. – Tôi giận quá, sợ bọn họ bỏ trốn nên đã chém mỗi người một nhát. Cậu Chiến phản rồi!
Những gì vừa nghe thấy khiến tôi choáng váng, không dám tin là thật.
- Cậu điên rồi! – Anh lính đến báo tin xốc áo người nọ. – Cậu Chiến đã mặc kệ mẹ già đang hấp hối mà xông ra sa trường giết giặc, có lý nào lại phản được?
- Tôi nghe bọn kia nói đã mời thầy thuốc đến chữa bệnh cho mẹ cậu ta. – Người lính không ngừng đưa tay quẹt nước mắt, nấc lên từng tiếng. – Ban đầu cậu ta tin quân Đại Việt người đông thế mạnh, chừng vỡ trận rút về đây, cậu ta thất chí rồi, muốn đưa tin cho quân Thát để đổi mạng cho mẹ mình.
Tiếng nói mỗi lúc một nghẹn ngào, anh ta khó khăn lắm mới có thể tiếp tục câu chuyện:
- Tôi và cậu ta cùng lớn lên bên nhau, cậu ta còn cứu tôi một mạng. Giờ tôi phải chính tay giết chết cậu ta rồi tự sát!
Nói đoạn, anh ta lại cầm gươm xông đến như mất trí. Mọi người phải cố hết sức mới can ngăn được. Anh Chiến vẫn nằm yên như thể không còn sự sống, mãi lâu sau, đôi môi khô nứt mấp máy như muốn nói điều gì. Quang Khải ra hiệu quân sĩ đến đỡ anh ta dậy, bọn tôi ghé sát tai, lắng nghe từng tiếng thì thào:
- Xin vứt tôi xuống sông... đừng ghi bia mộ... xin đừng...
Rồi bàn tay yếu ớt hoàn toàn buông lỏng, hơi thở cũng không còn.
Anh ta muốn lặng lẽ ra đi, xem như đã vùi thân nơi sa trường như trăm nghìn người lính khác. Không nỡ để mẹ già nghe thấy cái danh phản quốc của con.
Quang Khải nắm chặt vai tôi đến phát đau, như thầm bảo tôi cố gắng đừng rơi nước mắt. Tôi khép hờ đôi mi, đưa tay vuốt mắt anh lính khốn khổ rồi lẩm nhẩm đọc một bài kinh siêu độ.
Đến lúc tôi ngước nhìn lên những người đang có mặt, mắt ai nấy đã đỏ hoe, không rõ là giận, là thương hay là không cam lòng.
- Làm theo ý anh ta, vứt xác xuống sông đi. – Quang Khải ra lệnh cho binh sĩ. – Đưa những người còn lại về giao cho thái tử. Không ai được nhắc đến chuyện này.
Đợi khi mọi người đều đã rời đi, tôi mới hỏi điều mình đang thắc mắc:
- Binh lính của quốc mẫu ở đây rồi, sao ngươi lại giao họ cho thái tử?
- Quốc mẫu sẽ không xét xử đâu, hai kẻ đến nhận tin của cậu Chiến không phải là quân Thát mà chỉ là gia nô của một người trong họ.
- Họ Trần có người muốn hàng sao? – Tôi đưa tay che miệng.
- Cũng không ít đâu. – Quang Khải nhếch mép cười. – Ngay đến nhạc phụ của ta còn có ý muốn nhập Tống đấy thôi. Cũng còn may, triều đình vẫn có thái sư.
Mọi người hay kể đi kể lại hôm ấy, lúc lòng người đang chao đảo vì thế giặc mạnh bất ngờ, chỉ có thái sư khảng khái tâu rằng: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác".
***
Chúng tôi trở lại chỗ mấy người lính vẫn đang say sưa ăn mừng năm mới, giữ nguyên nụ cười để không làm ảnh hưởng sĩ khí vừa mới lên cao. Tiếng trống, tiếng nhạc vẫn rộn ràng không khác chi thuở còn chưa binh lửa.
Quan gia và bọn nữ quyến đã lui về hành cung, trên đài cao giờ chỉ còn mấy vị vương tử trẻ tuổi đang chơi đá cầu. Trần Cụ cũng tập tễnh chống gậy đứng trông. Tôi rất bất ngờ vì ông cụ như hắn lại biết trò vui của bọn trẻ con này. Xung quanh, bọn gia nô ra sức hò reo cổ vũ cho chủ.
Bỗng một quả cầu rơi xuống trước mặt Trần Cụ, hắn đưa tay bắt lấy. Nhưng hắn không ném trả ngay mà cầm quả cầu lên xem, đoạn tháo mối dây, chỉnh sửa gì đấy hồi lâu rồi mới buộc lại. Có một vị vương tử chạy đến, Trần Cụ trao cầu lại bằng cả hai tay. Người này ném lên đá thử, quả cầu rất đằm, múi nào ban nãy ở trên đến khi rơi xuống đất vẫn nguyên vị trí. Cả bọn ồ lên thán phục, chạy đến vây quanh tên sư đệ của tôi. Hắn chậm rãi giảng giải từng câu, hệt như già làng đang kể chuyện cổ tích cho bọn trẻ.
Tôi nhìn bọn họ lại nhớ đến hai người bạn vừa mới giết nhau. Ở một năm tháng nào đó, hẳn là họ cũng từng ôm vai bá cổ, từng cùng trêu ghẹo một cô gái, cùng chia nhau đến giọt rượu cuối cùng.
Bỗng dưng thèm chút men cay, tôi cầm lấy chén rượu từ tay Quang Khải, bâng quơ hỏi:
- Tĩnh Quốc vương nói thế nào mà thuyết phục được ngươi đưa ta đến gặp?
Hắn giật lại không cho tôi uống, điềm nhiên đưa chén lên miệng nhấp một ngụm, đáp tỉnh rụi:
- Anh ấy nghe nói Hưng Ninh vương đang sủng ái một kẻ bán nam bán nữ nên lo lắng đến hỏi ta thôi.
Tôi lườm hắn. Tên hoàng tử trẻ tuổi khẽ cười, xoa xoa đầu tôi rồi từ tốn kể:
- Anh Tĩnh Quốc rất đáng thương, từ nhỏ đã luôn phải nhường nhịn thái tử và ta. – Hắn nhìn vào đống lửa đang reo tí tách, giọng càng ngày càng thấp. – Anh ấy là con ruột của trưởng nam họ Trần và trưởng nữ nọ Lý, hoàn toàn có tư cách thừa kế ngai vị nên lúc nào cũng phải sống thu mình. Đi học sợ hay chữ hơn, luyện kiếm sợ thành thục hơn, bị ai đó trêu là hoàng tử mà tư chất tầm thường cũng chỉ cười cho qua chuyện. Kỳ thực, trong số anh em bọn ta, anh Tĩnh Quốc mới là người tinh tế, sâu sắc nhất.
Dừng một chốc, hắn kể tiếp:
- Anh ấy vốn không thân thiết với anh em ta, cũng ít qua lại với Hưng Đạo vương, suốt ngày ở yên trong phủ, gảy đàn, đọc sách, sống lặng lẽ như chiếc bóng. Phụ vương ta dẫu không câu nệ thân phận, dẫu có muốn quan tâm anh ấy như con ruột cũng chỉ có thể thỉnh thoảng ban thưởng nhiều hơn một chút.
- Nhưng xem ra ngài ấy rất quan tâm đến lão già nhà ta. – Tôi cảm thán.
- Hưng Ninh vương ít khi vào cung nên những lần ngồi với nhau, bọn ta hay nhắc. Anh Tĩnh Quốc tuy không tỏ ra hào hứng nhưng sách kinh, kệ của vương gửi vào được phụ hoàng ban cho, anh ấy đều xem như bảo vật. – Nói đến đây, Quang Khải bật cười. – Ta nghe nói, ở chỗ hội quân trước ngày đánh trận Bình Lệ Nguyên, chính phụ hoàng đã bảo anh Tĩnh Quốc đến chỗ Hưng Ninh vương và Hưng Đạo vương dùng cơm.
Tôi được biết hoàng đế cũng là một người có lòng hướng Phật nên tâm rất từ bi. Giờ hay chuyện này, tôi càng hiểu vì sao những năm qua, lão già không mảy may oán giận người đã cướp đi mẹ mình, chỉ có cảm thông và kính trọng.
- Quan gia thật có lòng. – Tôi hình dung bữa cơm mà ba anh em lão già ăn cùng nhau, chắc ít nhiều ngượng nghịu, nhưng ấm áp, trong lòng cũng thấy vui vui.
- Ngươi gặp Hưng Ninh vương rồi, chắc là đã thấy vết thương trên tay ông ta? – Quang Khải bất chợt hỏi.
- Thấy rồi, khá nặng.
- Ta nghe kể lại trên đường rút về Thăng Long, khi vượt sông Cà Lồ, Hưng Ninh vương đã cùng Phú Lương hầu dẫn quân bọc hậu cho phụ hoàng và thái tử. Phú Lương hầu là chú họ của bọn ta, Hưng Ninh vương đã đỡ cho chú ấy một nhát nên mới bị thương như thế. Phú Lương hầu lệnh cho Đỗ Ngạc đưa Hưng Ninh vương đi trước nhưng tiên sinh nhà ngươi cũng cứng đầu lắm, Đỗ Ngạc thuyết phục ra sao, nhắc đến việc Phạm Cự Chích đã hy sinh để cứu ông ta thế nào, ông ta cũng không đi.
Chuyện đã qua từ lâu, tôi đã gặp lại lão già bằng xương bằng thịt nhưng nghe đến đây vẫn không thôi lo sợ, hỏi dồn:
- Thế lúc ấy phải làm sao?
- Phần lớn quân đội đều đã vượt cầu Phù Lỗ, chỉ còn một ít quân Thánh Dực và quân của Phú Lương hầu. Khi ấy, anh Tĩnh Quốc cứ thúc ngựa vòng đi vòng lại bên bờ sông, sau cùng không kiềm được, gọi lớn một câu.
- Là câu gì? – Tôi sốt ruột.
- "Anh cả."
Tôi sững sờ, Quang Khải kể đến đây cũng nghẹn giọng.
Trên danh nghĩa, Tĩnh Quốc vương là con ruột của quan gia, chuyện xấu ngày xưa chẳng ai dám nhắc lại nữa. Tiếng gọi ấy, có lẽ vương đã phải kiềm nén suốt hơn hai mươi năm sống trên đời.
- Cũng may câu nói đó chỉ có mấy người ở gần nghe được. Vả lại, giữa lúc sinh tử, chẳng ai nỡ bắt tội làm gì. – Quang Khải lại đưa chén rượu lên môi. – Hưng Ninh vương khi ấy mới cắn răng mà vượt sông. Quân Thánh Dực vừa đặt chân lên hết bờ bên này, Phú Lương hầu đã vung gươm chặt đứt cầu Phù Lỗ rồi hiên ngang xông về phía quân Thát đang đuổi sát nút phía sau, chưa từng ngoảnh lại.
Tôi vươn thẳng lưng, ngước nhìn lên cao để nước mắt không rơi xuống. Người ta hay nói "tối như đêm ba mươi", song tôi mơ hồ thấy phía trời xa kia có một vệt sáng đang lấp lánh. Ngôi sao ấy có thể là Phú Lương hầu, là những người lính đã lần lượt ngã xuống kia. Nhất định họ ở trên cao dõi mắt nhìn lũ trẻ bọn tôi sống thế nào, chiến đấu thế nào.
Nhất định, họ cũng đang cười.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.