Dạ Khúc: Năm Câu Chuyện Về Âm Nhạc Và Đêm Buông

Chương 11: Chương 11




Chị Maggie hơn tôi bốn tuổi, lúc nào cũng lo lắng vì tôi, cho nên tôi biết nếu mình đến chị sẽ ủng hộ hết sức. Thực tế là, tôi còn thấy chị sẽ mừng vì có thêm một tay một chân. Khi nói quán của chị ở Malvern Hills, ý tôi không phải là ở khu trung tâm hay xuôi xuống đường A, mà theo nghĩa đen là ở giữa khu đồi. Đấy là một tòa nhà cũ kiểu Victoria đứng lẻ loi ngoảnh về phía Tây, nên khi nào trời đẹp anh có thể mang trà và bánh ra quán ngoài sân thưởng thức khung cảnh toàn Herefordshire. Maggie và Geoff phải cho quán nghỉ trong mùa đông, nhưng hè thì bao giờ cũng kín khách, hầu hết là dân trong vùng – sau khi bỏ xe lại trong bãi xe West of England quãng một trăm thước bên dưới và vừa thở vừa đi lên đường mòn, mang xăng đan mặc váy hoa – nếu không thì là một binh đoàn cuốc bộ cầm bản đồ và nai nịt tận răng.
Maggie nói chị và Geoff không có tiền trả tôi, khiến tôi càng mừng vì như vậy nghĩa là tôi không bị đòi hỏi phải làm việc cật lực cho họ. Dù sao thì, bởi tôi trú luôn tại đây nên có vẻ như họ ngầm hiểu tôi là nhân viên thứ ba của quán. Cũng không rõ ràng lắm, và mấy ngày đầu thì Geoff – đặc biệt là Geoff – có vẻ muốn nổ đầu vì không biết nên đá đít tôi vì tôi không đủ chăm chỉ hay nên xin lỗi rối rít mỗi lần bảo tôi làm gì, như thể tôi là khách ở đây. Nhưng rồi cũng nhanh chóng vào nền nếp. Việc ở đây cũng dễ dàng – tôi khá nhất cái khoản làm bách xăng uých – và đôi khi tôi phải tự nhắc mình nhớ lại mục đích chính khi đi về vùng quê: ấy là tôi sẽ sáng tác một loạt bài hát mới, sẵn sàng quay lại Luân Đôn khi nào sang thu.
Về bản chất thì tôi là người dậy sớm, nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng bữa sáng trong quán là một cơn ác mộng, khách ăn đòi trứng phải thế này, bánh mì nướng thế kia, cái gì cũng thành quá lửa. Thế nên tôi định tâm không bao giờ ló mặt xuống trước mười một giờ. Giữa những tiếng loảng xoảng từ tầng dưới vọng lên, tôi mở cái cửa sổ kiểu lồi lớn trong phòng, ngồi trên bệ cửa rộng vừa chơi đàn ghi ta vừa ngắm hàng dặm đồng quê trước mắt. Có một chuỗi mấy buổi sáng liền cực kỳ trong trẻo ngay sau khi tôi đến, và cảm giác thật huy hoàng, như là tôi có thể nhìn đến vô cùng tận, và khi tôi gảy những hợp âm, chúng rung lên cho cả đất nước cùng nghe. Chỉ đến khi xoay mình lại và thò đầu ra ngoài cửa sổ, tôi mới nhìn thấy toàn cảnh quán ngoài sân bên dưới, và nhận ra là có những người ra ra vào vào dắt theo chó hay xe nôi.
Tôi không phải là khách lạ ở đây. Maggie và tôi lớn lên chỉ cách đây vài dặm ở Pershore và bố mẹ vẫn hay đưa chúng tôi đi dạo trên đồi. Nhưng hồi ấy tôi chẳng bao giờ hào hứng lắm, và ngay khi lớn một chút là tôi không chịu đi cùng nữa. Thế nhưng mùa hè năm nay, tôi thấy đây là nơi chốn đẹp nhất trần gian, thấy rằng theo nhiều nghĩa tôi đã sinh ra ở khu đồi này và thuộc về khu đồi này. Có thể đó còn là do bố mẹ chúng tôi đã chia tay, do thời gian gần đây ngôi nhà nhỏ màu xám đối diện hiệu cắt tóc không còn là nhà “mình” nữa. Dù là lý do gì thì lần này, thay vì cảm giác bức bối ngột ngạt còn nhớ từ hồi bé, tôi cảm thấy một niềm âu yếm, gần như nhung nhớ, đối với vùng này.
Tôi nhận ra mình dạo chơi trên những ngọn đồi gần như hằng ngày, đôi lúc mang cả đàn theo nếu biết chắc trời không mưa. Tôi thích nhất là Đồi Bàn và Đồi Cuối, ở đầu phía Bắc rặng đồi, dù chúng thường bị những đoàn dã ngoại trong ngày bỏ lỡ. Ở đó tôi có thể chìm đắm trong suy nghĩ suốt hàng giờ mà không gặp lấy một người. Cứ như tôi đang khám phá ra khu đồi lần đầu tiên, và tôi gần như có thể nếm được ý tưởng về những bài hát mới đang trào lên trong trí.
Nhưng làm việc ở quán cà phê thì lại là chuyện khác. Thỉnh thoảng một giọng nói vang lên, hay một khuôn mặt đến bên quầy trong lúc tôi đang làm xa lát, giật tôi trở lại với quãng đời lúc trước. Bạn bè cũ của bố mẹ đôi lúc đến căn vặn tôi dạo này làm những gì, và tôi sẽ phải đáp quanh đến khi họ quyết định tha cho tôi. Thường thì họ sẽ kết thúc đại loại như: “À, ít nhất thì cậu cũng đang bận rộn,” vừa nói vừa gật gật về phía bánh mì và cà chua thái lát, trước khi ngật ngưỡng trở lại bàn với cốc tách trên tay. Hoặc ai đó từng quen hồi đi học sẽ ghé vào và nói chuyện với tôi bằng cái giọng “đại học” họ vừa mới có, có thể là mổ xẻ tập phim Batman mới nhất bằng thứ ngôn từ thông thái, hay thuyết giảng về những nguyên nhân sâu xa của nạn nghèo đói toàn cầu.
Tôi không thực sự lấy những chuyện đó làm điều. Thực tế là, vài người trong số họ tôi còn rất mừng được gặp. Nhưng một trong số những người đến quán mùa hè ấy, ngay khi nhìn thấy, tôi đã nghe đông cứng toàn thân, và đến khi tôi nghĩ ra cách lẩn vào trong bếp trốn thì bà ta đã thấy tôi rồi.
Đấy là cô Fraser – hoặc Mụ Fraser, như chúng tôi vẫn gọi. Tôi nhận ra ngay khi bà ta vào quán với một con chó bull nhỏ vấy bùn. Tôi những muốn bảo bà ta không được mang chó vào quán, dù những người khác vẫn làm thế mỗi lần ghé vào láy đồi. Mụ Fraser ngày xưa là cô giáo của tôi ở trường Pershore. Nhờ ơn Chúa mà ba ta nghỉ dạy trước khi tôi vào năm cuối, nhưng trong ký ức tôi cái bóng bà ta phủ xuống toàn bộ sự nghiệp học hành. Không có bà ta thì trường cũng không đến nỗi nào, nhưng bà ta đã nhằm vào tôi ngay từ ngày đầu, mà khi mới mười một tuổi thì anh chẳng thể làm gì để tự vệ trước một nhân vật như thế. Nhưng mánh khóe của bà ta cũng giống như mọi giáo viên khùng khác, như là hỏi tôi trong giờ đúng những câu bà ta cảm thấy tôi sẽ không đáp nổi, rồi bắt tôi đứng lên cho cả lớp cười nhạo. Về sau, chúng có trở nên tinh vi hơn. Tôi nhớ một lần, khi tôi mười bốn tuổi, một thầy giáo mới, tên là thầy Travis, cò đùa với tôi trong lớp. Không phải mang tôi ra đùa, mà như ngang hàng với nhau, và cả lớp cười, và tôi đã thấy vui vui. Nhưng chỉ mấy ngày sau, tôi đi dọc hành lang còn thầy Travis đi từ đầu kia lại, vừa đi vừa nói chuyện với bà ta, và khi tôi đi qua bà ta chộp lấy tôi mà phun ra thứ của khỉ gì đó về chuyện nộp bài muộn hay gì đây. Vấn đề là bà ta làm thế cốt để thầy Travis biết tôi là một đứa “cá biệt”, rằng nếu thầy có trót nghĩ tôi thuộc vào số những học trò đáng để thầy coi trọng thì thầy nhầm to rồi. Có thể vì bà ta đã già, tôi cũng không biết, nhưng những thầy cô khác hình như không bao giờ nhìn thấu được lòng dạ bà ta. Ai cũng coi lời bà ta như sấm.
Khi Mụ Fraser đi vào hôm ấy, thấy rõ là bà ta nhận ra tôi, nhưng bà ta không cười hay gọi tên tôi gì cả. Bà ta mua một tách trà và một gói bánh quy kem, rồi mang ra ngoài sân. Tôi nghĩ thế là xong. Nhưng rồi một lát sau, bà ta lại quay vào, đặt cái tách đã cạn và đĩa xuống quầy rồi nói: “Vì anh không định dọn bàn nên tôi đã tự mang vào đây.” Bà ta ném cho tôi cái nhìn độ một hay hai giây lâu hơn bình thường – cái nhìn “giá mà tao bợp được tai mày” ngày xưa – rồi bỏ đi.
Nỗi căm giận với mụ chằn tinh bùng lại trong tôi, và đến khi Maggie xuống quầy mấy phút sau thì tôi đã hoàn toàn bốc hỏa. Chị nhận thấy ngay, liền hỏi có chuyện gì. Ngoài sân có mấy người khách, nhưng trong nhà không có ai, thế nên tôi bắt đầu quát tháo, rủa Mụ Fraser bằng mọi thứ tên bẩn thỉu xứng với mụ. Maggie dỗ tôi bình tĩnh lại, rồi nói:
“Mà đằng nào bà ấy cũng chẳng dạy dỗ ai nữa đâu. Chỉ còn là một bà già tội nghiệp có ông chồng đã bỏ nhà đi.”
“Chẳng có gì lạ.”
“Nhưng cũng phải thấy thương hại bà ta. Đúng lúc bà ta nghĩ mình có thể về hưu yên ổn thì ông ta bỏ đi với một người trẻ hơn. Và bây giờ bà ta phải trông coi cái nhà trọ một mình và người ta bảo cái chỗ ấy chả còn ra thể thống gì nữa cả.”
Tin ấy làm tôi vui không kể xiết. Tôi cũng nhanh chóng quên ngay Mụ Fraser, vì một nhóm khách đi vào và tôi phải làm thêm mấy đĩa xa lát cá ngừ. Nhưng vài ngày sau nói chuyện với Geoff trong bếp, tôi moi được thêm vài thông tin: rằng ông chồng từ bốn chục năm nay đã đi mất với cô thư ký, và rằng cái nhà khách của họ đã có một khởi đầu thuận lợi, nhưng bây giờ chỉ nghe kháo chuyện khách đòi lại tiền phòng, hay trả phòng chỉ vài giờ sau khi đến. Tôi đã một lần nhìn thấy tận mắt nhà khách ấy khi giúp Maggie chở về một lượng hàng mua sỉ và chạy xe ngang qua. Nhà khách của Mụ Fraser ở ngay trên Tuyến đường Elgar[1], một căn nhà đá hoa cương khá bề thế với một tấm bảng ngoại cỡ viết “Trú quán Malvern”.
[1] Tuyến đường bốn mươi dặm nối những điểm tham quan gắn với nhà soạn nhạc Edward Elgar.
Nhưng tôi không muốn nói về Mụ Fraser nhiều quá. Không phải tôi bị mụ hay cái nhà khách đó ám ảnh. Tôi chỉ kể lại những điều này ở đây là bởi cái chuyện sẽ xảy ra về sau, khi đến lượt Tilo và Sonja.
Geoff hôm ấy đã đi vào khu trung tâm, nên chỉ có tôi và Maggie cầm cự. Giờ ăn trưa cao điểm đã qua, nhưng tới lúc “đôi Đức” vào thì chúng tôi vẫn còn khá rộn. Tôi đã phân loại họ trong đầu là “đôi Đức” ngay khi nghe giọng. Không phải tôi phân biệt chủng tộc hay gì. Nếu phải đứng quầy và ghi nhớ xem ai không thích củ cải đỏ, ai muốn thêm bánh mì, ai gọi gì tính vào hóa đơn nào, anh không còn cách nào khác là phải biến các khách ăn thành nhân vật, gắn cho họ cái tên, lấy ra những đặc điểm ngoại hình. Mặt Lừa gọi bữa thợ cày hai cà phê. Mì dài cá ngừ mayonnaise cho Winston Churchill và phu nhân. Tôi xoay xở bằng cách ấy. Thế nên Tilo và Sonja trở thành “đôi Đức”.
Chiều hôm đó rất nóng, nhưng hầu hết khách hàng – vì là người Anh – vẫn muốn ngồi ngoài sân, một số thậm chí còn tránh cái dù để mình có thể đỏ rực lên trong nắng. Nhưng đôi Đức quyết định ngồi trong nhà hưởng bóng râm. Họ đều mặc quần dài thụng màu lông lạc đà, áo thun, đi giày thể thao, nhưng không hiểu sao trông vẫn bảnh bao, cái lối của những người từ đại lục. Tôi đoán họ chừng bốn chục, có thể đầu năm chục – tôi chưa để ý nhiều tại thời điểm đó. Họ vừa ăn trưa vừa khẽ trò chuyện với nhau, và họ không có vẻ gì lạ ngoài một cặp vợ chồng châu Âu trung tuổi, hòa nhã. Rồi sau một lúc, ông chồng đứng dậy đi lại quanh phòng, dừng lại nhìn kỹ một bức ảnh cũ đã mờ Maggie treo trên tường, chụp ngôi nhà từ năm 1915. Rồi ông ta dang rộng đôi tay mà nói:
“Vùng quê của các bạn thật tuyệt vời! Ở Thụy Sĩ chúng tôi có nhiều núi đẹp. Nhưng của các bạn ở đây thì khác. Các bạn có đồi. Các bạn gọi chúng là đồi. Chúng có vẻ quyến rũ riêng vì chúng hiền hòa và thân thiện.”
“Ồ, ông bà là người Thụy Sĩ,” Maggie nói bằng giọng lễ độ. “Tôi muốn đến Thụy Sĩ từ lâu. Nghe kể về nó thật tuyệt, dãy Alps và cáp treo.”
“Tất nhiên, nước chúng tôi có nhiều cảnh đẹp. Nhưng ở đây, ở chỗ này, các bạn có vẻ quyến rũ đặc biệt. Chúng tôi đã muốn đến thăm vùng này ở Anh từ lâu rồi. Chúng tôi cứ nói về nó mãi, và cuối cùng giờ chúng tôi đã đến!” Ông ta cười lên thành thật. “Thật mừng đến được đây!”
“Tuyệt quá,” Maggie nói. “Tôi rất mong ông thích nơi này. Ông bà có ở lại lâu không?”
“Chúng tôi còn ba ngày nữa trước khi phải quay về công việc. Chúng tôi đã mong muốn đến đây kể từ khi chúng tôi xem một bộ phim tài liệu xuất sắc nhiều năm trước, nói về Elgar. Rõ ràng là Elgar rất yêu những ngọn đồi này và từng thăm thú mọi ngóc ngách bằng xe đạp. Và cuối cùng giờ chúng tôi đã đến!”
Maggie nói chuyện với ông ta một lúc nữa về những nơi ông ta đã đến thăm ở Anh, khuyên ông ta xem gì ở vùng này, những điều ta vẫn nói với khách du lịch. Cái đó tôi đã nghe hàng chục lần rồi, và tôi có thể tự tua bài đó gần như tự động, nên tôi bắt đầu ngãng ra. Tôi chỉ tiếp thu được rằng đôi Đức thực ra là người Thụy Sĩ và rằng họ đi du lịch bằng xe thuê. Ông ta cứ nhắc đi nhắc lại nước Anh tuyệt vời thế nào và người dân tử tế ra sao, và phá lên cười ha hả mỗi lần Maggie nói gì chỉ hơi có ý hài hước. Nhưng như đã nói, tôi ngãng ra, nghĩ rằng họ chỉ là một đôi vợ chồng khá buồn tẻ. Mãi một lúc sau tôi mới lại chú ý, khi nhận ra ông chồng cứ cố gắng lôi kéo bà vợ vào câu chuyện, còn bà ta cứ lặng yên, mắt cắm vào quyển sách hướng dẫn, làm bộ không biết có câu chuyện nào. Đến lúc đó tôi mới tập trung nhìn kỹ hơn.
Cả hai người đều rám nắng một cách tự nhiên, đều đặn, hoàn toàn không giống cái vẻ tôm luộc đầm đìa mồ hôi của mấy người dân vùng này ở ngoài kia, và dù đã lớn tuổi, họ đều có vẻ mảnh dẻ và rắn chắc. Ông chồng tóc đã ngả bạc, nhưng còn dày dặn, và chải cẩn thận, dù kiểu tóc phảng phất thập kỷ bảy mươi, hơi giống hai giọng nam trong ABBA. Bà vợ tóc bạch kim, gần như màu tuyết, với khuôn mặt nghiêm nghị, những khóe nhỏ vẽ quanh miệng làm hỏng mất vẻ mặt lẽ ra đã có thể là một mệnh phụ đẹp. Và thế là, như tôi đã nói, ông cố đưa bà vào câu chuyện.
“Tất nhiên, vợ tôi ưa Elgar lắm và rất háo hức được xem căn nhà nơi Elgar đã sinh ra.”
Im lặng.
Hoặc là: “Tôi không mê Paris, tôi phải thú nhận. Tôi thích Luân Đôn hơn. Nhưng còn Sonja, cô ấy thích Paris lắm.”
Vẫn không có gì.
Mỗi lần nói câu nào như thế, ông lại quay về bà vợ đang ngồi trong góc phòng, và Maggie cũng phải nhìn theo ra phía bà, nhưng bà vẫn không ngẩng lên khỏi quyển sách. Ông khách không vì thế mà tỏ ra buồn phiền và vẫn hớn hở nói chuyện. Rồi ông ta lại dang hai tay mà nói: “Xin phép cô, chắc tôi sẽ ra ngoài một chút thưởng thức phong cảnh xinh đẹp ở đây!”
Ông ta đi ra, và chúng tôi thấy ông đi vòng quanh sân. Rồi ông ta biến mất khỏi tầm nhìn. Bà vợ vẫn ngồi trong góc, đọc quyển hướng dẫn, và một lúc sau Maggie đến bên bàn bắt đầu dọn dẹp. Bà khách coi như không có chị cho đến lúc chị cầm lấy cái đĩa vẫn còn một mẩu bánh nhỏ xíu, nhấc lên. Rồi bỗng dưng bà đập sầm quyển sách xuống bàn và nói, lớn giọng hơn nhiều so với cần thiết: “Tôi đã xong đâu!”
Maggie xin lỗi và để bà lại cùng miếng bánh – miếng bánh mà tôi thấy bà ta không hề tỏ ý muốn chạm vào. Maggie đưa mắt nhìn khi đi qua tôi và tôi nhún vai đáp lại. Rồi một lúc sau, chị tới hỏi bà khách, ngọt ngào hết sức, liệu bà có muốn gọi thêm gì chăng.
“Không. Tôi không cần gì nữa.”
Tôi nghe giọng nói có thể đoán được rằng nên để bà ta yên, nhưng với Maggie thì gần như đã thành phản xạ. Chị hỏi, như là chị thực sự quan tâm: “Mọi thứ ổn cả chứ ạ?”
Phải ít nhất năm hay sáu giây, bà khách vẫn ngồi đọc sách, như không nghe thấy gì. Rồi bà ta bỏ sách xuống và trừng mắt nhìn chị tôi.
“Vì cô đã hỏi,” bà ta nói, “tôi sẽ nói cô hay. Đồ ăn thì không có sao. Tốt hơn nhiều quán kinh khủng quanh đây của các người. Tuy nhiên, chúng tôi đã đợi ba mươi lăm phút chỉ để có một miếng xăng uých và xa lát. Ba mươi lăm phút chẵn.”
Giờ tôi nhận ra bà này đang bừng bừng nổi giận. Không phải kiểu cơn giận thình lình đến, rồi nguội đi. Không phải – bà này, như tôi thấy, đã nung lửa trắng được một lúc rồi. Đây là kiểu cơn giận đến rồi ở lại, không thay đổi, như một cơn nhức đầu nặng, không bao giờ lên đỉnh và không chịu tìm đường thoát thích hợp. Maggie lúc nào cũng cân bằng nên không nhận ra được triệu chứng này, chắc là chị nghĩ bà ta đang nêu một khiếu nại ít nhiều có lý. Vì tôi thấy chị xin lỗi và phân trần: “Nhưng bà cũng thấy, khi phải gặp giờ cao điểm như chúng tôi lúc nãy…”
“Rõ ràng là ngày nào cô cũng gặp, phỏng? Không phải thế phỏng? Ngày nào cũng thế, vào mùa hè, khi trời đẹp, sẽ có giờ cao điểm như thế? Hử? Thế thì làm sao cô không đối phó được? Một chuyện ngày nào cũng xảy ra mà lại khiến cô bất ngờ. Cô muốn nói với tôi thế phỏng?”
Nãy giờ bà ta trừng mắt nhìn chị tôi, nhưng khi tôi ra khỏi quầy đến đứng cạnh Maggie, bà ta chuyển ánh mắt sang tôi. Và có lẽ nhờ vẻ mặt tôi lúc ấy, tôi thấy cơn giận của bà tăng thêm vài độ nữa. Maggie quay lại nhìn, nhẹ nhàng đẩy tôi ra chỗ khác, nhưng tôi cưỡng lại, và cứ nhìn lại bà ta. Tôi muốn bà ta biết không chỉ có bà ta và Maggie ở đây. Chúa biết được chuyện rồi sẽ đi đến đâu, nếu ông chồng không trở vào đúng lúc ấy.
“Cảnh tượng tuyệt đẹp làm sao! Cảnh tượng tuyệt đẹp, bữa trưa tuyệt vời, đất nước tuyệt vời!”
Tôi đợi ông ta nhận ra mình vừa bước vào vở kịch gì, nhưng nếu có nhận ra thì ông ta cũng không tỏ ra là có ghi nhận. Ông mỉm cười với vợ và nói bằng tiếng Anh, có lẽ là để chúng tôi cũng hiểu: “Sonja, em phải ra mà nhìn một cái. Chỉ cần đi đến cuối đường mòn ngoài kia thôi!”
Bà ta nói cái gì đó bằng tiếng Đức, rồi quay lại quyển sách. Ông ta tiến thêm vài bước vào phòng và bảo chúng tôi:
“Chúng tôi đã định lái đến Wales chiều nay. Nhưng khu đồi Malvern các bạn đẹp quá, có khi chúng tôi ở lại vùng này nốt ba ngày cuối kỳ nghỉ cũng được. Nếu Sonja đồng ý, tôi sẽ mừng vô cùng!”
Ông nhìn sang bà vợ, bà này nhún vai và nói thêm gì đó bằng tiếng Đức, khiến ông lại bật ra tiếng cười lớn, cởi mở của mình.
“Tốt lắm! Cô ấy đồng ý! Thế là quyết định. Chúng tôi sẽ không đi tới Wales nữa. Chúng tôi sẽ ở lại vùng các bạn nốt ba ngày nữa!”
Ông ta nhìn chúng tôi tươi rói, và Maggie nói vài câu động viên. Tôi nhẹ người thấy bà vợ cất sách và chuẩn bị đi. Cả ông chồng cũng đi lại bàn, nhấc cái ba lô nhỏ khoác lên vai. Rồi ông nói với Maggie:
“Tôi đang nghĩ. Không biết chẳng may có khách sạn nhỏ nào gần đây cô có thể giới thiệu cho chúng tôi không? Đừng đắt quá, tiện nghi và dễ chịu là được. Và nếu có thể thì có chút hương vị Anh quốc càng tốt!”
Maggie hơi bất ngờ trước câu hỏi và định hoãn binh bằng một câu vô nghĩa kiểu như: “Ông bà muốn ở nơi thế nào?” Nhưng tôi đã chen vào:
“Quanh đây nơi tốt nhất là của bà Fraser. Nó ở ngay trên đường tới Worcester. Nó tên là Trú quán Malvern.”
“Trú quán Malvern! Nghe đã thấy chuẩn rồi!”
Maggie quay đi vẻ bất bình và vờ dọn dẹp vài thứ khác trong lúc tôi chỉ dẫn cặn kẽ cho họ làm thế nào tìm đến nhà khách của Mụ Fraser. Rồi hai vợ chồng đi, ông chồng cảm ơn với nụ cười hơn hớn, bà vợ không liếc lại lấy một cái.
Chị tôi quay nhìn tôi mệt mỏi và lắc đầu. Tôi chỉ cười và nói:
“Chị phải thừa nhận là bà này với Mụ Fraser thực sự hợp nhau. Một cơ hội quá đẹp không thể bỏ lỡ.”
“Với em mua vui như thế thì tốt rồi,” Maggie nói, đi qua tôi vào bếp. “Nhưng chị còn phải sống ở đây.”
“Thế thì sao? Này, chị sẽ không bao giờ nhìn thấy đôi Đức ấy lần nữa. Còn nếu Mụ Fraser phát hiện ra chúng ta đang giới thiệu chỗ mụ cho khách du lịch đến đây thì cớ gì mụ ta phải phàn nàn?”
Maggie lại lắc đầu, nhưng lần này có gì đó như nét cười nhè nhẹ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.