Những ngày cuối năm. Khi ánh nắng mơn man nở rộ trên cành đào ửng hồng khoe sắc thắm cũng là thời điểm những cơn mưa bụi như rắc phấn, cái rét ngọt thấm đẫm vào da thịt lần lượt trốn đi đâu mất. Thu qua, Đông tới, Xuân lại về. Cái Tết năm ấy đến thật nhanh… Hoa có thời gian nghỉ Tết khá dài, những ngày này, cô phụ giúp ba trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa, thỉnh thoảng lại rủ Quỳnh – cô bạn thân đi chợ Tết. Chợ Tết có lẽ là phiên chợ nhộn nhịp nhất của năm, thường bắt đầu từ ngày 25 Tháng Chạp và bày bán suốt ngày đêm, đa phần là các mặt hàng như: bánh mứt, hạt dưa, lá dong gói bánh chưng,… cùng nhiều loại rau củ, trái cây và vô vàn những loại cây xinh đẹp để trang trí nhà cửa. Nhà nhà, người người nô nức đi chợ để mua sắm Tết, riêng Hoa với Quỳnh, hai cô nàng tản mạn khắp các ngõ chợ và đường phố, diện những bộ trang phục áo dài truyền thống và lưu giữ những khoảnh khắc đẹp nhất của không khí xuân về. Tết là thời điểm tất bật những lo toan của các ông bố, bà mẹ,… Nhưng lại là dịp gặp gỡ tưng bừng của các cô cậu thanh niên hãy còn độc thân. Nhân dịp này, họ hẹn hò nhau, ngồi lại với nhau sau một năm dài đằng đẵng. Họ nô đùa, kể cho nhau nghe về hành trình đầy những khó khăn thử thách của một năm vừa qua. Chiều 30 Tết, Hoa thảnh thơi ngồi trên tầng thượng và ngắm nhìn dòng người ngược xuôi hối hả chạy đi trên phố với những mệt nhoài lo toan. Huấn về quê đã 4 ngày, 4 ngày xa nhau, cô cảm giác như cả 4 tháng. Vốn đã quen với sự hiện diện của anh hàng ngày, giờ đây, nhìn sang căn nhà đối diện, trong lòng cô chợt dâng lên một nỗi buồn man mác không tên. Hoa ngồi tựa lưng vào ghế, hai chân gác lên lan can, ánh mắt bị dồn sự chú ý vào hình ảnh hai cha con đang đứng dưới lòng đường. Người cha mặc chiếc áo khoác màu nâu giản dị, đôi giày đã cũ, gương mặt trải đầy sương gió, em bé đứng bên cạnh ước chừng 5, 6 tuổi. Đó là một bé gái, bộ quần áo trên người cô bé ấy lấm lem đất cát, bé gái ra sức níu lấy tay người cha, thỉnh thoảng còn có những cử chỉ như nài nỉ, ăn vạ để được mua quả bóng đồ chơi được bày bán ở quầy hàng ngay trước mặt. Nhưng người cha gạt đi… Trên gương mặt của em bé lộ rõ sự hụt hẫng, tiếc nuối. Trái tim trong ngực Hoa bỗng nhiên đau thắt lại. Kỷ niệm năm nào bỗng chốc ùa về trong tâm trí. Hoa nhớ đến những cái Tết năm xưa khi cô còn có mẹ ở bên. Mỗi khi Tết đến xuân về, cô và em trai theo ba mẹ đi chợ Tết. Mẹ sẽ dẫn hai chị em đi dọc các gian hàng, kiên nhẫn nếm thử từng loại bánh mứt, tỉ mỉ chọn những chiếc lá dong lành lặn, xanh mướt để đêm Giao thừa gói bánh chưng. Và đương nhiên, me sẽ không quên mua cho hai chị em những bộ đồ mới, những đôi giày mới. Những lần như vậy, vì quá thích, có khi đi ngủ Hoa vẫn mang theo quần áo mới lên giường nằm và ôm cho đến tận sáng hôm sau. Từng dòng ký ức như những thước phim quay chậm cứ thế lần lượt hiện về trong tâm trí, những giọt nước mắt nóng hổi không biết bằng cách nào đã lăn dài xuống gò má cô, rơi xuống bờ môi nhỏ nhắn, Hoa thấy mặn mặn… Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, dịp gặp gỡ đoàn tụ những người thân trong gia đình, Hoa lại cảm thấy chạnh lòng và tủi thân. Thời gian đã trôi qua lâu như vậy, một chút tin tức về mẹ… cô cũng không có. Hoa chợt nghĩ đến ông Trung, một người đàn ông rất giỏi che đậy cảm xúc, Hoa nghĩ vậy. Ở tuổi này, khi đã có đủ hiểu biết và nhận thức, Hoa không còn bài xích chuyện ba yêu đương hay gặp gỡ người phụ nữ khác. Bởi cô hiểu, ba xứng đáng được yêu thương, được quan tâm. Nhưng đã rất lâu rồi, cô không hề thấy ông Trung đưa người phụ nữ nào về nhà, phần lớn thời gian cũng chỉ dành để đọc sách, nghiên cứu sử học, thời gian rảnh lại cùng chơi cờ, hàn huyên tâm sự với những ông bạn già cùng khu phố. Phải chi, đó là thú vui mà ba cô lựa chọn khi bước vào tuổi xế chiều? Mặt trời đã lặn một nửa nấp sau những đám mây, ráng chiều rực rỡ nhuốm đỏ cả thành phố, chiếu lên bóng dáng mềm mại của Hoa ngồi trên tầng thượng mỗi lúc một rực rỡ diễm lệ. Hoa cứ ngồi thần mặt ở đó, ánh mắt không ngừng quan sát quang cảnh dưới đường phố, cho đến khi ánh hoàng hôn như dải lụa chậm rãi vắt ngang trời cô mới chậm rãi bỏ đi xuống dưới. Tâm trạng của ngày cuối năm đan xen chồng chéo những ký ức buồn vui… Hoa mở cổng và bước xuống phố, nhìn từ xa, thấy hai cha con bé gái kia hãy còn quanh quẩn xem đào xem quất, cô nhanh chân chạy vội vào trong nhà, tìm trong tủ đồ một hộp bánh quy, một hộp mứt, tỉ mỉ đựng trong chiếc túi màu đỏ ngập tràn màu sắc may mắn của năm mới. Cô man theo túi đồ ấy ra phố, đến gần vị trí của hai cha con và nhẹ nhàng nói: — Cô tặng bé chút quà Tết nhé! Người đàn ông giật mình quay đầu lại nhìn, bắt gặp ánh mắt trong veo cùng gương mặt dễ mến của Hoa, anh bối rối cất lời: — Cảm ơn cô! Nói đoạn, người đàn ông cúi xuống và nhắc nhở con gái: — Con cảm ơn cô đi! Bé gái với nước da ngăm đen, chiếc áo khoác ngả màu cháo lòng, gương mặt còn dính nước dãi và dỉ mắt trắng xóa, đôi tất cọc cạch cũng ngả màu cũ kĩ… Tròn mắt nhìn Hoa bằng ánh nhìn lạ lẫm. Cô bé chưa hiểu được vì sao lại được người lạ tặng quà. Tuy nhiên, khi được người cha nhắc nhở, bé gái lễ phép khoanh tay và cúi đầu nói: — Con cảm ơn cô! Hoa đặt túi quà vào tay người cha vì trọng lượng của hai hộp bánh khá nặng, đoạn cô tò mò hỏi: — Mẹ cháu đâu, sao chỉ có hai cha con đi sắm Tết thế này ạ? Người đàn ông quay mặt sang hướng khác, nén xúc động, cố gắng ngăn đi những giọt nước mắt, nhưng rốt cuộc, cảm xúc quá lớn, những giọt lệ nóng hổi cứ thế chảy dài xuống gương mặt khắc khổ. Đoạn, anh chậm rãi cất lời bằng giọng nghẹn ngào: — Mẹ cháu bị u,ng th,ư cổ tử cung, mới mất cách đây 3 tháng. Suốt 1 năm ròng, hai cha con bám vào mảnh đất Thủ đô kiếm việc để mưu sinh và chăm mẹ cháu xạ trị trong bệnh viện. Nhưng mà… Vừa nói người đàn ông vừa bật khóc. — Căn bệnh quái ác ấy cuối cùng cũng đưa mẹ cháu đi xa mãi. Trong thời gian vợ tôi nằm viện, căn nhà ở quê bị lũ cuốn trôi mất. Bây giờ hai cha con cũng không còn nơi nào để về, đành bám trụ ở đây, tôi kiếm được việc làm thì cháu cũng có bữa ăn no. Hôm nay chiều 30 Tết, tôi đưa cháu đi xem người ta họp chợ cho đỡ buồn. Có 2 cha con nên cũng chẳng mua sắm gì nhiều. Nghe những lời kể kèm theo tiếng nấc nghẹn của người đàn ông, dù bản thân không trực tiếp trải qua câu chuyện mà anh kể, nhưng sao Hoa thấy tâm can mình nhói đau đến lạ thường. Đâu đó trong câu chuyện của họ, Hoa thấy mình ở trong đó. Tuy rằng, cô may mắn hơn họ, nhưng những dịp lễ Tết đoàn viên sum họp như thế này, nỗi nhớ mẹ cứ không hẹn mà tìm về. Hoa cứ đứng đó và lắng nghe tâm sự của người đàn ông, cũng chẳng biết từ khi nào mà đôi mắt cô ướt nhòe đi. Em bé đứng bên cạnh cha, đôi bàn tay đen nhẻm túm lấy gấu áo của ba rồi mân mê như một cách gi,ết thời gian. Khi ánh nắng của ngày dài dần tắt lịm và nhường chỗ cho bóng đêm, hai bên đường phố, hệ thống đèn cao áp bắt đầu hoạt động, thứ ánh sáng màu vàng nâu chiếu rọi khắp nơi nơi, cùng với đó là ánh đèn của các phương tiện giao thông như góp phần tô điểm cho không gian thêm lung linh nhiều màu sắc. Hoa dặn hai cha con người đó đứng đợi mình bên đường, cô chạy nhanh về nhà, bỏ 500k vào lì xì và chạy đến chỗ cũ. Cô biết, nhiêu đó thực chẳng thấm vào đâu, nhưng đó là chút tấm lòng cô muốn nhắn gửi đến hai cha con, mong họ có một cái Tết vui vẻ, hạnh phúc, hy vọng cuộc sống của những con người đáng thương ấy sẽ khởi sắc hơn trong tương lai. Sau bữa tối, Hoàng sửa soạn quần áo thật đẹp và ra khỏi nhà, không cần hỏi cũng biết, vào thời gian đặc biệt như thế này, anh ra khỏi nhà chắc chắn là đi chơi với người yêu. Tết đối với những người trẻ vẫn luôn rộn ràng và hứng khởi như thế. Nhưng với lứa tuổi của ông Trung thì lại khác. Buổi tối đêm 30, vẫn như mọi khi, ông Trung ngồi ở phòng khách xem tivi. Theo thông lệ hàng năm, cứ đến 8h tối, mở TV lên và theo dõi chương trình Gặp nhau cuối năm đầy ý nghĩa. Những ngày cuối năm Hoa cũng đã đi chơi đủ nhiều, nữa là người yêu về quê, Quỳnh thì đi hẹn hò với Hoàng, thành thử đêm 30 Hoa không biết đi chơi cùng ai. Những người bạn học cũ thỉnh thoảng nói chuyện xã giao nên cô không có hứng thú gặp gỡ. Nằm trên phòng chán, Hoa cầm điện thoại xuống phòng khách ngồi xem tivi với ông Trung. Thỉnh thoảng ăn trái cây và cắn hạt dưa, bình luận một vài chi tiết đặc sắc trong tiểu phẩm hài. Hoa đang xem chăm chú, bỗng ông Trung tháo kính mắt đặt xuống bàn và quay sang hỏi chuyện: — Hôm nay con không ra ngoài chơi à? Ngoài phố giờ này nhộn nhịp tưng bừng đèn hoa, 12h đêm có bắn pháo hoa nữa đấy? — Đường phố, hàng quán giờ này đông người lắm ba ạ, con ở nhà, lát nữa đón Giao thừa cùng ba rồi lên tầng thượng xem pháo hoa cũng được ạ. Ngoài miệng thì nói thế chứ trong lòng Hoa vẫn thấy tiếc, ước gì cô được ở gần Huấn trong thời khắc đặc biệt như thế này. Chỉ tiếc là khoảng cách địa lý của cả 2 quá xa nhau… Hoa vừa nói dứt câu thì điện thoại tinh tinh báo tin nhắn mới. Cô vội mở ra đọc ngay. Là tin nhắn của Huấn. Anh đang phụ mẹ nấu bánh chưng, nhìn gương mặt đỏ hồng ngồi cạnh bếp lửa của Huấn, Hoa vô thức mỉm cười, cô soạn tin reply: — Con trai đảm đang quá, về phụ mẹ làm việc nhà! Anh không đi chơi ở đâu à? — Năm nào nhà anh cũng duy trì việc gói bánh và nấu bánh chưng đón Tết, bao năm qua, dù bận rộn việc gì, đêm 30 anh nhất định dành thời gian ở bên gia đình. Ngồi bên bếp lửa suy ngẫm lại năm vừa qua mình đã trải qua những việc gì, đạt được thành tựu gì và cần phải khắc phục những việc làm chưa tốt. Cảm giác háo hức khi chuẩn bị bước vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới bên nồi bánh chưng, thật sự rất tuyệt. — Ước gì em cũng được đón Tết giống như anh! — Ở Hà Nội không khí Tết cũng ngập tràn mà, hôm nay em có đi chơi ở đâu không? — Hôm nay em ở nhà cả ngày, Quỳnh và Hoàng đi hẹn hò cùng nhau, em không biết làm gì, loanh quanh chỉ ăn rồi ngủ. Chán lắm. — Mồng 3 về quê anh chơi nhé!? Hoa đọc tin nhắn của Huấn xong chưa kịp trả lời thì ông Trung ngồi đối diện cất lời tiếp tục cuộc trò chuyện đang dang dở. — Sao con không đi chơi với bạn trai? Hoa giật mình, cô đặt điện thoại xuống ghế rồi ngẩng mặt lên nhìn ba. Trước thái độ cùng ánh mắt tò mò của ông Trung, Hoa nghĩ, cô không nên giữ kín chuyện tình cảm cá nhân của mình nữa. Bởi vậy, Hoa mạnh dạn đáp lời: — Anh ấy về quê đón Tết cùng gia đình rồi ba ạ! — Cậu ấy là người tỉnh nào? Làm công việc gì? Có thể tâm sự cho ba nghe không? — Anh ấy quê Thái Bình, công việc là designer cho một tập đoàn chuyên sản xuất phim hoạt hình và game mobile ba ạ. — Tuổi trẻ mà tài năng quá! Ông Trung buột miệng cảm thán. — Các con quen nhau lâu chưa? Con có xác định sẽ gắn bó lâu dài với cậu ấy không? Hoa ngập ngừng, cô suy nghĩ một lát mới dám cất lời: — Chúng con vẫn đang trong quá trình tìm hiểu nhau, chuyện tương lai, hiện tại con chưa có dự tính gì ba ạ. Ông Trung gật đầu rồi nhẹ nhàng nói: — Tuổi trẻ, nên trải nghiệm yêu đương một vài mối tình để có cái nhìn đa chiều, để hiểu hơn về đàn ông, sau cùng, cảm thấy ai phù hợp với mình nhất rồi hãy quyết định. — Vâng ạ. — Yêu đương thì có thể không cần phải có quá nhiều tiêu chuẩn, nhưng đã lựa chọn để kết hôn thì nhất định phải chọn người phù hợp để làm chồng. Xã hội ngoài kia có vô vàn những cám dỗ, một người đàn ông có bản lĩnh sẽ biết dừng cuộc vui đúng lúc để trở về với gia đình và vợ con, luôn ưu tiên người phụ nữ của mình lên hàng đầu. Con hãy nhớ kỹ nhé. — Làm thế nào để biết được một người đàn ông luôn dành cho mình sự ưu tiên hả ba? — Nếu như cậu ấy coi con là “ngoại lệ”, bất kể đi đâu, làm gì, ở đâu và với ai cũng đều tự giác thông báo cho con biết. Dù đang bận rộn việc gì, chỉ cần là tin nhắn hoặc cuộc gọi của con… cũng sẽ cố gắng dành thời gian để tương tác cùng con. Ba rất tò mò về người bạn trai của con, nếu có dịp, có thể dẫn về giới thiệu cho ba xem mặt được không? — Dạ được, hôm nào con sẽ sắp xếp thời gian để dẫn anh về ra mắt ba ạ. Nói đoạn Hoa nhìn xuống điện thoại, thấy tin nhắn mới được gửi đến liên tục, cô xin phép ba đi lên phòng riêng. Cửa phòng đóng lại, Hoa nhấn nút kết nối cuộc gọi video với Huấn. Anh nghe máy ngay tức thì. — Em bận gì mà không trả lời tin nhắn của anh? Hoa mỉm cười khẽ đáp: — Vừa xong em nói chuyện cùng ba dưới phòng khách, anh nấu bánh chưng sắp xong chưa? — Nói chuyện cùng ba hay đi hẹn hò cùng anh nào? — Em đang trong phòng ngủ đây này, làm gì có anh nào mà hẹn hò? — Ừm. Thế ba nói gì? — Ba hỏi chuyện về anh đấy. Ba nói muốn gặp anh. — Rồi em nói với ba thế nào? — Em kể là anh đẹp trai, thông minh với cả giỏi. Thế là ba thích lắm! — Cái miệng của em dạo cũng biết xạo ghê lắm. Nói thật cho anh nghe đi, anh tò mò quá. — Ba chỉ nói mấy điều thôi, đại ý là muốn gặp anh, ba tò mò về bạn trai của em mà. — Vậy qua Tết anh lên gặp ba em nhé. Bỗng nhiên thấy hồi hộp quá. — Lúc tán em có thấy hồi hộp như này không? — Tán em khác, gặp phụ huynh khác chứ. Sao giống nhau được? Mồng 3 về quê anh chơi nhé. Anh kể chuyện chúng mình cho ba mẹ nghe rồi. Ba mẹ cũng thích lắm, cũng rất muốn gặp cô con dâu tương lai xem tướng mạo thế nào. — Mồng 3… Em chưa đến Thái Bình bao giờ, em phải đi thế nào ạ? — Đến lúc đó anh sẽ hướng dẫn, em đừng lo. — Nhưng sợ ba không đồng ý cho em đi xa. — Em nói đi chơi nhà bạn là được mà. — Anh đang dạy em nói dối đấy à? — Lời nói dối ngọt ngào! ^^ — Để em xem xét đã. — Em không muốn gặp anh hay gì mà phải xem xét? — Nhưng di chuyển xa như vậy, nữa là đi chơi đúng dịp năm mới, em ngại lắm. — Đi dần đi cho quen, mấy nữa về làm dâu Thái Bình cho đỡ bỡ ngỡ. Nghe Huấn nhắc đến hai chữ “làm dâu”, bỗng chốc gương mặt Hoa ửng hồng, cô e thẹn đáp: — Ai gả cho anh mà làm dâu Thái Bình? — Không gả thì anh đến anh bắt cóc. — Lát nữa anh có đi đâu không? — Mấy người bạn anh rủ đi uống nước, Giao thừa xem pháo hoa và lên chùa hái lộc. Em thì sao? — Em ở nhà đón Giao thừa cùng ba rồi lên tầng thượng xem bắn pháo hoa, không đi đâu cả. — Ước gì anh được ở gần, anh sẽ đưa em đi chơi. Nhìn gương mặt điển trai cùng giọng nói dịu dàng của Huấn, Hoa rưng rưng cảm động. Bỗng nhiên cô thấy tủi thân và nhớ anh quá. — Năm sau anh đón Tết ở Hà Nội được không? — Em khóc đấy à? — Em có khóc đâu. — Thôi nào, đừng khóc nữa. Anh thương. Năm sau đón em về Thái Bình ăn Tết từ ngày 27. Như thế em sẽ không buồn, không cô đơn nữa. Anh cũng không phải chịu đựng nỗi nhớ em như thế này. Hoa mỉm cười nhìn anh không nói. — Anh sửa soạn đi gặp bạn bè một lát, đêm về anh gọi điện cho em sau nhé. Ngoan, Giao thừa lì xì cho người yêu của anh! — Vâng ạ. Anh đi chơi với bạn đi.