Đợi Mùa Phượng Nở

Chương 2: Phố thị xa lạ




Đó là một ngày hè oi bức, màu nắng vàng trải dài bất tận. Ba mẹ tôi ngồi ở nhà cười nói rôm rả với cô Như và chú Sỹ. Đây là cặp vợ chồng thân thiết nhất của ba mẹ tôi. Họ thân nhau từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau này vì hoàn cảnh, ba mẹ tôi và cô Như phải nghỉ học, còn chú Sỹ vẫn tiếp tục học cao hơn.
Bây giờ, chú đang là giảng viên của một trường Đại học. Cô Như thì có một shop bán quần áo. Gia đình cô tuy giàu có nhưng cách sống lại rất đỗi giản dị và dù có giàu có đến mấy họ cũng không quên tình nghĩa bạn bè với ba mẹ tôi. Cả ba mẹ tôi và cô chú đều là những người con miền Trung, nhưng rồi cuộc đời xô đẩy khiến họ phải di chuyển đến miền Bắc xa xôi ấy. Dù đã ở Hà Nội được hơn hai mươi năm nhưng dường như mọi thói quen, hay cách sống của họ không hề thay đổi theo vùng miền. Ba mẹ tôi thì vẫn cứ ổn định ở nơi này. Vì thế, nghỉ hè họ lại về nhà tôi chơi mấy ngày, sau đó thì dẫn tôi ra Hà Nội chơi đến hết hè. Lúc anh trai tôi đi học đại học ở Hà Nội cũng ở nhà cô chú. Nói tóm lại là họ rất rất thân.
Và vì thân nhau như vậy nên ba mẹ tôi rất vô tư mà định đoạt cho ông anh tôi sẽ cưới chị Sương - con gái đầu của cô Như và chú Sỹ làm vợ. Ngày anh tôi đến Hà Nội học, ba mẹ tôi và ba mẹ chị Như đã cố tình bắt anh tôi ở nhà họ để có thể vun đắp tình cảm cho hai đứa. Chị Sương là một người con gái lý tưởng của vô vàng đàn ông. Chị đẹp và rất cá tính. Tất nhiên, trong vô vàng gã đàn ông đó thì ông anh quý hóa của tôi cũng không ngoại lệ. Tôi vẫn nhớ những ngày đó, ba mẹ tôi và ba mẹ chị Sương cứ thi nhau gọi điện thoại nói chuyện về hai người bọn họ đến mức tôi còn thấy ganh tị.
Sau khi cả hai tốt nghiệp đại học, chị Sương được làm việc tại thành phố. Chị giờ đã là một cô cảnh sát đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ còn anh tôi cũng nhanh chóng tìm được công việc ở một công ty thời trang. Hai công việc, hai thái cực, chẳng ăn hợp gì với nhau. Nhưng đối với anh tôi cũng chẳng sao cả, chỉ cần anh yêu chị là được rồi. Nhưng ở đời lắm chuyện éo le. Sau một năm làm việc, hai nhà bắt đầu hối thúc chuyện đám cưới. Anh tôi thì chẳng nói làm gì vì ổng cũng mong lắm. Nhưng chị Sương bỗng nhiên từ chối và chị nói đã có người yêu. Anh tôi như sụp đổ và với vết thương lòng quá lớn ấy, anh xin nghỉ việc và bắt đầu sống với công việc tự do cho đến bây giờ.
Chị Sương sau hai năm thì cũng đã có chồng và giờ đã có một đứa con. Đám cưới chị, anh tôi cũng đã đến và nói chúc mừng. Lúc đó, chị Sương cầm tay anh tôi và cười: "Anh chưa bao giờ nói thích em, dù chỉ một lần, em cũng đã từng chờ mong nhưng đã từ bỏ vì em nghĩ anh chỉ coi em như là em gái". Lúc ấy anh tôi mới nhận ra rằng, hóa ra anh đã tự cho mình cái quyền rằng chị Sương là của anh. Vì hai gia đình đã định đoạt như thế mà chưa bao giờ anh nói ra rằng anh yêu chị như bất cứ người yêu nào cũng phải làm. Cơ hội thì đã bay đi, giờ chỉ đành ngậm ngùi nuối tiếc. Anh tôi khờ như vậy đó. Cả ba mẹ tôi ban đầu cũng rất buồn nhưng họ mau chóng quên đi và vẫn giữ mối quan hệ khăng khít như vậy với gia đình cô chú.
Chiều ngày hôm đó, ba mẹ tôi tiễn cô chú về lại Hà Nội với ánh mắt rất buồn. Tôi cũng ra chào họ với thắc mắc tại sao họ không dẫn mình lên chơi như mấy năm trước. Nhưng rồi, tôi cũng chẳng bận tâm lắm vì chắc ít bữa ba mẹ cũng sắp xếp cho tôi đi thôi. Sau đó, tôi co chân chạy đi chơi. Hết hè này là tôi đã lên lớp mười một, vậy mà nói thật ra tôi chẳng lớn hơn tí tẹo nào. Mẹ tôi cứ thở dài mỗi lần nhìn thấy tôi. Còn ba thì nhìn tôi cười cười. Ba hay ôm tôi vào lòng như một đứa trẻ, ba nói chuyện với tôi cũng như nói với một đứa trẻ, và cái giọng trẻ con của tôi pha vào đó nữa thì tuyệt vời.
Tôi hay la cà ngoài ruộng để bắt cào cào. Hay leo lên núi đi hái những trái rừng để ăn và còn hay loanh quanh ven suối để lượm những hòn đá nhỏ. Và tôi thích ngồi một mình ở bãi cỏ gần con suối để ngủ. Cuộc sống thôn quê của tôi rất đỗi bình dị. Nó nhẹ nhàng như một áng mây đang lững lờ trôi trên đầu tôi. Nó dịu êm như tiếng nước chảy, nó mát lành như màu xanh quê tôi và nó hiền hòa như mẹ tôi vậy. Tôi nằm hát nghêu ngao trên bãi cỏ với cái bài "Đi Học" mà tôi thuộc. Hít hà cái mùi hương của cỏ và nhìn bầu trời trong vắt một màu xanh. Cảm giác thật là tuyệt. Đang lim dim mơ màng chuẩn bị ngủ thì một bóng người to lớn xuất hiện, tôi giật mình mở mắt ra và nhảy dựng lên sung sướng:
- Anh Bin, anh về hồi nào vậy?
Anh tôi nhìn tôi với đôi mắt đầy yêu thương mà lần nào về anh cũng nhìn. Nhưng tôi cá một lúc sau, nó sẽ thay đổi thành ánh mắt chọc ghẹo ngay lập tức. Anh tôi hay có thói quen thích chọc cho tôi khóc. Khi tôi khóc rồi thì ngồi xin lỗi ỉ ôi, dỗ dành cho tôi nín. Tôi cũng chẳng biết tại sao lại như thế, chỉ biết từ nhỏ khi tôi sinh ra thì tính tình anh ấy đã kỳ quái như vậy rồi. Anh xoa đầu tôi và nhỏ giọng:
- Anh chỉ mới về thôi.
Tôi ngây ngô:
- Anh về làm gì vậy?
Anh tôi thay đổi sắc mặt liền, tôi biết ngay mà:
- Giờ anh nhớ nhà thì không về được hả? Hỏi vậy mà cũng hỏi. Đứng lên đi về, suốt ngày ngồi ngoài này thôi. Ở nhà lo phụ ba mẹ làm việc đi chứ. Có ai như em không, sắp lên lớp mười một rồi mà chẳng lớn tí nào. Như thế này làm sao có người yêu, rồi ế ra đó, ai nuôi? Ông anh này nuôi chứ ai nữa.
Tôi nhớ là tôi có hỏi gì sai đâu mà anh tôi nạt tôi nguyên một sớ văn vậy chứ. Chỉ là bình thường anh đi nửa năm có khi một năm chưa về, tự dưng về bất ngờ thì tôi thắc mắc thôi. Đúng là ông anh trời đánh mà. Thấy tôi im lặng chẳng nói gì, anh tôi nheo mắt hỏi:
- Sao vậy? Sao không nói gì hết vậy? ZinZin ơi? ZinZin à?
Tôi đứng lên, phủi phủi cái mông rồi lơ anh tôi, đi về. Anh tôi đi theo tôi liền, khoác tay lên vai tôi, cúi xuống:
- Giận anh rồi hả?
Tôi hất tay anh tôi ra, trề môi:
- Sau này em có ế cũng không phiền anh nuôi đâu, đồ ông anh tồi tệ.
Anh tôi nhướng mắt:
- Nhớ câu này nhé, sau này đừng có mà đến trước mặt anh khóc mếu máo rồi xin anh nuôi đấy nhé.
- Không thèm.
Tôi chợt nhớ ra điều gì đó, vội quay sang anh:

- Anh Bin, anh có mang ảnh về cho em vẽ không?
Anh cười:
- Anh chưa chụp được bức nào đẹp cho em cả, khi nào có, anh gửi về cho mà.
Tôi xụ mặt xuống, buồn buồn. Anh chạy lên phía trước rồi ngồi xuống:
- Lên đi
Tôi cười toe toét, ngồi lên lưng cho anh cõng. Đối với anh tôi hay đối với tôi cũng vậy, trong đôi mắt của anh trai, tôi vẫn bé nhỏ như ngày nào. Mỗi khi buồn, anh vẫn cõng tôi trên lưng và đưa tôi đi đến bất cứ đâu tôi thích. Chỉ cần tôi thích, anh sẽ chiều chuộng. Ôm chặt cổ anh tôi thì thầm:
- Anh Bin, sao anh không tìm công việc ổn định mà làm. Cứ đi suốt như thế thì chừng nào mới có vợ được chứ?
- Khi nào Zin lớn, anh sẽ có vợ.
- Em lớn rồi mà, hết hè là em học mười một rồi đấy.
- Lớn đâu mà lớn, anh còn phải cõng như vậy mà lớn chỗ nào.
- Vậy để em đi, ai bảo anh cõng đâu.
- Anh thích, haha.
Nếu có thể được sinh ra thêm một lần nào nữa thì tôi vẫn luôn muốn được làm em gái anh. Được anh yêu thương, che chở và bảo bọc. Nếu được, tôi muốn mãi mãi bé con để được nương tựa vào anh như thế. Nói chuyện một lúc, chẳng mấy chốc, cả hai đã tới nhà. Mẹ tôi nhăn mặt khi thấy anh cõng tôi trên vai, bà nạt tôi:
- Lớn như vậy rồi mà còn bắt anh cõng về là sao chứ?
Tôi phản kháng lại liền:
- Anh tự nguyện mà, mẹ hỏi anh đi.
Bỏ tôi xuống đất anh xoay hai cánh tay, vờ đau đớn:
- ZinZin bắt con cõng đấy mẹ.
Tôi nhéo hông anh, trợn mắt:
- Anh nói dối trắng trợn quá vậy.
Ba tôi từ trong nhà đi ra:
- Thôi cãi nhau đi, vào trong nhà, ba nói chuyện này tí.
Tôi ôm một bụng thắc mắc nhìn mẹ, mẹ lẳng lặng quay đầu vào trong. Tôi nhìn sang anh, anh cũng nhún vai tỏ vẻ không biết. Sau khi ngồi hết xuống bàn, ba tôi mới nhìn tôi và nói:
- ZinZin của ba! Ba biết nói ra chuyện này con sẽ đau lòng, nhưng có lẽ con phải chuyển trường rồi.

Tôi mở to mắt nhìn ba, ấp úng:
- Sao.. sao phải chuyển trường ạ?
- Sắp tới con lên Hà Nội ở với nhà chú Sỹ. Ba mẹ đã hỏi ý họ rồi và họ cũng đồng ý. Nhà cô chú cũng quen thuộc với con mà, ở đó thì ba mẹ cũng đỡ lo.
Anh tôi cười khà khà, nhìn tôi:
- Chắc ba mẹ lo ZinZin không kiếm được chồng nên đưa lên ở để xây đắp tình cảm với Win đây mà.
Tôi nghi nghi nhìn ba mẹ tôi, ai chứ họ thì có thể lắm. Chuyện của anh tôi với chị Sương đã không thành nên có lẽ giờ đến phiên tôi với anh Win. Thật là bực mình mà, sao họ cứ thích làm thông gia với nhau như vậy chứ. Làm bạn bè chưa đủ hay sao. Anh Win hả? Mấy lần gặp ảnh mà tôi đã sợ xanh mặt rồi. Người gì đâu mà.. nói tóm lại là không thể chấp nhận được, tôi phũ phàng từ chối:
- Không, con không đi đâu. Sao chưa gì ba mẹ đã đưa con mình cho người khác nuôi rồi vậy chứ. Anh Bin lên đại học mới đi xa nhà. Còn con chỉ mới mười bảy tuổi cơ mà.
Ba tôi lắc đầu:
- Không phải ba mẹ ép con đâu, mà là con phải đi. Ba mẹ đã quyết định đi sang nước ngoài để làm việc rồi, cũng đâu thể đưa con đi theo. Để con một mình ở nhà thì ba mẹ không yên tâm. Anh con thì lông bông như vậy, con đi theo anh thì làm sao đi học. Nghĩ lợi nghĩ hại một hồi, ba thấy để con ở với họ là tốt nhất.
Tôi và anh nhìn nhau bất ngờ rồi quay sang ba mẹ:
- Sang nước ngoài ạ?
Mẹ tôi gật đầu:
- Ừ, ba mẹ sẽ đi. Qua nước ngoài sẽ có nhiều tiền hơn, còn phải lo cho anh con có vợ, Zin có chồng. Nếu cứ làm nông như thế này thì chẳng thể nào dư giả nỗi. Ba mẹ cũng đâu còn trẻ nữa, đi một thời gian sẽ có tiền dư mà lo cho hai con sau này.
Tôi mếu máo:
- Làm sao con sống mà không có ba mẹ ở bên chứ?
Ba tôi vội ôm lấy tôi:
- ZinZin ngoan, sau này con cũng phải tự lập, bây giờ tập sống trước thôi mà.
Nước mắt tôi rơi lã chã xuống đôi gò má:
- Con không thích đâu, ba mẹ không được đi như vậy, sao có thể bỏ con mà đi như vậy chứ. Còn không đi đâu hết con ở đây thôi, con không cần ba mẹ phải kiếm nhiều tiền đâu, như bây giờ cũng tốt mà.. ba mẹ đừng có bỏ con đi mà..
Anh trai tôi thở dài:
- Con cũng nghĩ vậy, ba mẹ đừng để con bé một mình, tội nghiệp lắm. Với lại ở độ tuổi của ba mẹ đâu thể đi xuất khẩu lao động chứ?
Mẹ tôi cũng thở dài:
- Chú Sỹ có quen biết một người ở Mỹ, họ đang cần người làm việc cho nông trại của mình nên chú Sỹ giới thiệu ba mẹ. Dù sao cũng là do chú Sỹ giới thiệu nên các con yên tâm đi. Vả lại ba mẹ cũng suy nghĩ nhiều rồi, các con cũng nên chấp nhận đi. Ba mẹ sẽ đi, nhất định phải đi. Thực ra, kế hoạch này ba mẹ cũng chuẩn bị từ lâu rồi. Vì không biết có thể qua được bên đó không nên ba mẹ chưa nói với các con. Nay thủ tục đã hoàn thành xong cả rồi nên ba mẹ mới nói.
Và cứ thế, mặc tôi khóc lóc, mặc tôi van xin, mặc tôi làm bất cứ thứ gì thì ba mẹ tôi vẫn kiên quyết đi. Cuối cùng tôi đành chấp nhận số phận của mình. Lần đầu tiên trong đời tôi buồn đến tận xương tận tủy khi phải rời bỏ quê hương, nơi mà tôi yêu đến vô cùng. Tôi chia tay ba mẹ để đến sống cùng một gia đình khác. Và cứ thế, mọi thứ dường như thay đổi từ bây giờ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.