Gá Duyên

Chương 46: Chương 46




Ngân tỉnh dậy đã là buổi trưa. Cô trách Đức không gọi cô dậy, ngủ trong nhà nghỉ thật không ra thể thống gì. Đức được ăn no uống no, cười nham nhở trước các lời trách yêu.
Ngân mang theo cơ thể đầy dấu hôn lên xe khách về quê. Đức quay lại bệnh viện, hoàn thành nghĩa vụ của người con với mẹ già.
Đức mua một căn nhà hai tầng ba mươi mét vuông. Bà Cẩm phản đối đầu tiên.
“Tao có nhà. Tao phải sống ở trong nhà tao. Tao không đi đâu hết.”
“Đấy là nhà của vợ chồng chú Long. Chú Long đi tù, thím Tú mắc bệnh thì căn nhà đó vẫn là của vợ chồng chú thím. Bây giờ người chăm sóc mẹ là con. Con ở đâu, mẹ phải theo đấy.”
“Căn nhà bé tẹo của mày làm sao sống thoải mái bằng nhà thằng Long. Mày muốn bạc đãi tao phải không?”
“Một là mẹ đến sống với con. Hai là con gửi mẹ vào viện dưỡng lão.”
Bà Cẩm vật vã khóc lên khóc xuống, ăn vạ con trai như một mụ điên.
Đức nhìn bà Cẩm chằm chằm rồi gật đầu đồng ý. Hắn đưa bà Cẩm về nhà Long và rời đi.
“Mày… mày tính để tao sống một mình đấy hả?” Bà Cẩm ngồi trên ghế, sững sờ nhìn Đức đứng ở cửa. Sau khi ra viện, mắt bên trái bị mù làm bà ta không thể nhìn mọi thứ quá xa, các vết bỏng trên người hạn chế các hoạt động mạnh nhưng sinh hoạt hàng ngày vẫn rất dễ dàng.
“Con không muốn sống trong nhà chú Long. Hàng ngày con sẽ đến đâu nấu cơm cho mẹ. Tối con về nhà con ngủ.”
“Mày…” Ba chữ đồ bất hiếu không cách nào bật khỏi họng bà Cẩm. Bà ta thở hổn hển đuổi Đức đi, tự tin sẽ tự lo được cho bản thân.
Hàng xóm biết tin bà Cẩm ra viện về nhà, lũ lượt kéo nhau đến thăm hỏi.
“Chúng tôi muốn thăm bà nhưng không hỏi được phòng bệnh của bà. Bây giờ bà khỏe mạnh là mừng rồi.”
“Mắt của bà có khôi phục được nữa không? Con trai tôi quen bác sĩ chuyên khoa mắt đấy. Để tôi cho bà số điện thoại.”
“Bà phải ghép da bao nhiêu lần nữa? Đi lại có khó khăn không? Hàng xóm với nhau mấy chục năm rồi, có gì cần giúp đỡ thì cứ ới bọn tôi một tiếng.”
Bà Cẩm nhìn một lượt các gương mặt quen thuộc trong xóm, vênh mặt tự hào bản thân rất được lòng mọi người. Không cần thằng cả, bà cũng tự sống một mình được. Đến khi các câu hỏi chuyển chủ đề thì bà ta xám ngoét mặt.
“Bà và dâu út đốt nhà giết cháu nội là thật hay giả vậy? Giờ khắp làng trên xóm dưới đều bàn tán chuyện này.”
“Hôm trước tôi gặp mẹ đẻ của con Tú, bà ấy nói bà tự đổ xăng thiêu bản thân để đổ tội cho con bé. Tôi biết bà không phải loại người ác độc như vậy nên đã mắng cho bà ta một trận rồi.”
“Chuyện con Ngân lấy thằng Đức, bắt thằng Đức từ mặt bà là thật hay giả vậy? Ngày xưa, sểnh ra là bà gào rú đòi từ con dâu, từ cháu nội. Bây giờ con Ngân trả thù, cuỗm mất con trai bà, bắt thằng Đức từ bà. Đúng là cao tay.”
“Tôi nói chứ, cô con dâu thứ nhà bà ăn ở biết trước biết sau, tốt gấp vạn lần dâu út, bà cứ chấp nhận cho dâu thứ lấy thằng cả nhà bà đi. Thân thể bà đã tàn tạ thế này rồi, về sau dựa vào dâu thứ, nó còn chăm sóc bà. Chứ bà mà trông cậy cô con dâu út thảo mai kia, có đổ thóc giống ra mà ăn.”
“Trông cậy cái gì nữa. Nhà mẹ đẻ con Tú đi nói khắp nơi là mẹ chồng hành hạ nó đến sảy thai. Giờ con Tú dở điên dở dại, phải vào bệnh viện tâm thần kia kìa. Gia đình họ không kiện bà ấy là phúc lắm rồi. Ở đấy mà đòi trông cậy.”
“Ối trời ơi! Con dâu kiện mẹ chồng hả? Chuyện này thật sự xảy ra thì bà nhớ kể rõ mười mươi cho chúng tôi nghe nhé bà Cẩm.”
“Bao năm qua, tôi tận mắt chứng kiến bà vun vén, thiên vị dâu út, tôi mấy lần muốn khuyên bà rồi mà sợ cái tính cứng đầu của bà không nghe tôi.”
Sự bẽ bàng đâm xuyên qua người bà Cẩm.
Những lời nói mỉa mai, thọc mạch không chỉ diễn ra trong một ngày. Cứ ban ngày là các bà hàng xóm qua chơi, xỉa bà Cẩm vài câu. Bà Cẩm tức, đóng cửa không tiếp khách thì bị chỉ trích là coi thường hàng xóm. Sau hơn một tuần về nhà, bà Cẩm vừa khóc vừa gọi điện cho Đức.
“Con ơi, con đến đón mẹ đi. Mẹ không thể sống được ở đây nữa.”
Đức không hỏi lý do, nhanh chóng đến thu dọn quần áo giúp bà Cẩm.
Bà Cẩm tham lam, thứ gì cũng muốn mang theo. Đức mệt mỏi thở dài. “Nhà con có đầy đủ đồ đạc. Mẹ chỉ cần đến ở là được.”
“Đồ đạc trong nhà này có một phần tiền của tôi.”
“Con cái, cháu chắt ruột thịt, mẹ còn không giữ được. Mẹ giữ mấy thứ vô tri này làm gì?”
Câu nói như nhát dao đâm vào tim bà Cẩm. Vai bà ta rũ xuống, không còn sức sống. Trong mắt con trai, người làm mẹ này tệ hại đến thế sao?
Sau khi chuyển đến môi trường mới, bà Cẩm nhận ra ý tốt của Đức. Nơi đây không có hàng xóm cũ, không ai biết quá khứ của bà Cẩm, bà ta không cần ngày ngày đối diện các ánh mắt soi mói, dèm pha, tinh thần của bà ta không còn bị dày vò, sức khỏe cũng khôi phục dần dần.
Sức khỏe của bà Cẩm bắt đầu tốt lên thì Đức tìm được hộ lý kiêm giúp việc 24/24.
Bà Cẩm nhìn chằm chằm người phụ nữ gần năm mươi tuổi có gương mặt vuông, da ngăm đen, mắt một mí. Sau khi bị hàng xóm cũ soi mói suốt một tuần, bà Cẩm như có bóng ma tâm lý trong lòng, nhìn ai cũng thấy người ta đang phán xét mình. Bà ta oán trách Đức.
“Anh chăm tôi được vài ngày đã phủi tay ném tôi cho người ngoài. Đúng là, cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng. Con nuôi cha mẹ tính tháng kể ngày.”
Đức không còn kinh ngạc trước tính ích kỷ của mẹ ruột, vậy nên hắn cũng không bị ảnh hưởng bởi các lời nói tàn nhẫn, lạnh lùng của bà Cẩm. Hắn bình tĩnh giải thích.
“Mẹ đã qua giai đoạn nguy hiểm. Có thể đi lại nhẹ nhàng, tự ăn uống, vệ sinh. Con còn công việc, còn phải kiếm tiền nuôi gia đình, không thể ở nhà suốt ngày được.”
“Kiếm tiền nuôi gia đình?” bà Cẳm bĩu môi. “Anh kiếm tiền nuôi mẹ con con Ngân, chứ nuôi gì bà già này.”

“Ngân không cần con nuôi nhưng hiện tại em ấy và Mốc là gia đình của con. Con phải có trách nhiệm và nghĩa vụ lo cho vợ con một cuộc sống đầy đủ, không chỉ trọn vẹn về tình thương, mà còn phải đủ đầy về vật chất. Đàn ông đi làm kiếm tiền nuôi gia đình là chuyện bình thường. Con cũng không hề bạc đãi hay cắt bớt chi tiêu của mẹ. Sự so bì của mẹ làm con rất phản cảm.”
“Tôi so bì cái gì hả? Tôi chỉ là không quen có người lạ trong nhà thôi.”
Đức chẳng nói gì, chỉ lặng lặng nhìn bà Cẩm. Ánh mắt hờ hững lại như hiểu rõ mọi chuyện của hắn làm bà Cẩm nuốt khan, hơi dịch người về phía sau.
Hiện tại hai mẹ con Đức đang ở trên phòng ngủ tầng hai của căn nhà hai tầng. Chị Cúc, giúp việc kiêm hộ lý đã xuống tầng nấu cơm.
“Anh nhìn tôi như vậy là có ý gì?”
“Con cái không có quyền phán xét cha mẹ nhưng hôm nay con muốn nói chuyện thẳng thắn với mẹ.”
Giọng Đức trịnh trọng, ánh mắt nghiêm túc làm bà Cẩm không dám quay đầu đi nơi khác. Bà ta nhìn chằm chằm người đàn ông cao lớn ngồi ở trước mặt mình. Cảm giác áp lực, khó gần bủa vây bà ta. Chính cảm giác này khiến bà ta vẫn luôn không muốn gần gũi với thằng cả.
“Mẹ không thích điểm gì ở Ngân?”
Câu hỏi làm bà Cẩm ngẩn người, nhất thời bối rối không biết sắp xếp câu từ thế nào.
“Mẹ nghi ngờ Mốc không phải con chú Công nhưng kết quả xét nghiệm ADN đã chứng minh em ấy là người phụ nữ đoan chính.”
“...”
“Khi chú Công còn sống, bởi vì vay tiền mua đất của mẹ rồi xây nhà, hai vợ chồng chú Công làm việc quần quật ngày đêm để trả nợ nhưng chưa từng quên biếu mẹ tiền hàng tháng. Con để ý Ngân còn thường xuyên mang các món ngon sang cho mẹ. Ngân không giỏi nịnh nọt như thím Tú nhưng hiếu thuận chẳng kém Tú. Mẹ chê em ấy ở điểm gì?”
“Tôi…” Bà Cẩm muốn nói tôi chê cô ta đủ đường. Chỉ là lời nói đầy cứ ở cổ họng, mắc kẹt, không cách nào bật thành lời trước đôi mắt thất vọng của Đức.
“Khi chú Công mất, Ngân một mình lo ma chay, nuôi nấng đứa con còn đỏ hỏn. Suốt bảy năm trời, vì gia đình đơn thân đấy mà em ấy chưa từng về ăn Tết với nhà mẹ đẻ. Mẹ đừng tưởng con không biết nguyên nhân bên trong. Chính mẹ lấy lý do ba ngày Tết muốn gia đình ba đứa con trai ăn chung để anh em quây quần, cưỡng ép Ngân phải phụ trách chuyện bếp núc và cúng bái tổ tiên, làm em ấy không dám xin về quê. Mẹ có ba thằng con trai, nhà Ngân chỉ có mình em ấy là con cái. Mẹ có thấy bản thân sống ích kỷ không hả?”
“Tôi…”
“Đáng lẽ chú Công mất, mẹ cũng phận phụ nữ như Ngân, từng làm dâu, từng làm mẹ, mẹ càng phải thương phận mẹ góa con côi của Ngân, chứ không phải là liên tục đòi hỏi em ấy đóng góp tiền sinh hoạt, đòi chia chác và chiếm đoạt căn nhà mà em ấy đã bỏ tiền mua của mẹ.”
Bà Cẩm mím chặt môi. Lời thẳng thừng của Đức ngày càng quá đáng và gai góc. Bao nhiêu xấu xa trong quá khứ bị phơi bày làm hơi thở của bà Cẩm hỗn loạn và nóng nảy.
“May mắn Ngân là người mạnh mẽ và giỏi giang, chứ không đã ngã quỵ dưới sự dày vò của mẹ rồi.”
Đôi mắt già nua của bà Cẩm hạ xuống, không dám nhìn thẳng vào ánh mắt giận dữ của Đức. Giọng nói nghiêm nghị của Đức đập vào bốn bức tường, vang vọng trong phòng.
“Con sẽ sống với Ngân cả đời. Chuyện con cái sẽ do Ngân quyết định. Có thể con sẽ không sinh thêm đứa nào nữa. Mốc sẽ là đứa cháu duy nhất của mẹ đấy. Mẹ nên suy nghĩ về những chuyện đã làm trong quá khứ với mẹ con Ngân đi. Đặc biệt là chuyện đốt nhà. Pháp luật không tìm ra hung thủ nhưng tòa án lương tâm sẽ dằn vặt mẹ cả đời. Mẹ đừng để đến lúc nhắm mắt xuôi tay, đứa cháu duy nhất cũng không muốn gặp mẹ.”
Lời Đức nói canh cánh trong lòng bà Cẩm suốt những ngày tiếp theo. Bà ta không cho rằng bản thân sai. Người sai là những kẻ không hiểu bà ta, không thương bà ta. Cảm xúc lên xuống thất thường, tự hoài nghi bản thân, nghi kỵ xung quanh và đề phòng mọi sự tiếp xúc từ người khác khiến bà Cẩm có thái độ không tốt với chị Cúc.
“Cơm hôm nay khô quá. Răng tôi yếu, nhai làm sao nổi.”
“Tôi kiêng ăn đồ tanh. Chị không biết à?”
“Chị có thật sự giặt quần áo không hả? Tại sao tôi thấy quần áo vẫn hôi rình thế này?”
“Tay chị tay voi hả? Chị tính kỳ cọ rách da tôi đấy à?”
Chị Cúc làm giúp việc lâu năm, có kinh nghiệm đối phó với nhiều kiểu chủ nhà. Đặc biệt sau khi học xong khóa hộ lý chăm sóc người già, tính chị Cúc càng thêm nhẫn nhịn trước sự khó tính, quá quắt của người cần chăm sóc.
Các chuyện này đều được Đức thu vào trong mắt. Sau một tuần thử việc, hắn yên tâm với người hộ lý gần năm mươi tuổi này.
Bởi vì chưa chuyển cửa hàng về quê nên cửa hàng trên Hà Nội của Đức vẫn tiếp tục hoạt động. Ngoài sửa chữa xe máy, Đức còn có sở thích độ xe. Hắn mới nhận độ xe giúp người bạn cũ, cần đến thành phố khác lấy vài phụ kiện hiếm. Trước khi đi, hắn nói riêng với chị Cúc.
“Hậu quả của việc cháy da làm mẹ tôi không thích ra ngoài giao lưu, tính khí cổ quái, nóng nảy hơn. Mong chị rộng lượng bỏ qua nếu mẹ tôi nói những lời không hay.”
“Không có gì đâu. Tôi chăm sóc nhiều bà cụ rồi, hiểu rõ tâm trạng cô đơn, bất lực của người già khi mất sức lao động, không thể sinh hoạt như khi còn trẻ. Tôi coi bác như mẹ mình, sẽ không giận những lời nói lẫy của người già đâu.”
Nụ cười hiền lành của chị Cúc làm Đức yên tâm rời nhà bốn ngày.
Cửa nhà đóng lại, căn nhà hai tầng cuối ngõ bắt đầu thay đổi.
Buổi trưa, chị Cúc lên tầng hai, vào phòng ngủ của bà Cẩm. “Cơm chín rồi, xuống ăn cơm.”
Câu nói không chủ ngữ làm bà Cẩm khó chịu. Bà ta lật tờ báo trên tay, nhấm nhẳng nói. “Bệnh thấp khớp hành chân tôi. Tôi không đi cầu thang được. Chị mang cơm lên đây đi.”
“Hôm nay nấu canh cá. Bê canh cá lên xuống cầu thang, tôi sợ bị đổ. Bà không muốn ăn thì để tôi đổ đi.”
“Cái gì? Tôi nói không ăn hồi nào?” Bà Cẩm ngẩng phắt đầu nhìn ra cửa phòng nhưng chị Cúc đã đi xuống tầng. Bà ta tức giận, quyết định không ăn bữa trưa để dằn mặt giúp việc.
Cả buổi chiều, chị Cúc không vào phòng bà Cẩm. Bình nước cạn cũng không thêm nước. Đến giờ tắm rửa cũng không phụ bà Cẩm.
Bữa cơm tối, chị Cúc đứng giữa cửa phòng bà Cẩm, cộc lốc gọi. “Cơm chín rồi, xuống ăn cơm.”

Bà Cẩm bám cầu thang, khó nhọc đi xuống tầng. Mâm cơm nóng hổi trên bàn ăn làm bà ta nổi giận quát mắng.
“Tại sao lại là riêu cá và thịt rán hả? Tôi không ăn đồ tanh và đồ dầu mỡ.”
“Hôm nay đi chợ muộn, chỉ có mấy thứ này thôi. Bà kiêng ăn thì để tôi úp bát mì cho bà.”
Bà Cẩm giận run người khi một cốc mì bốc khói đặt trước mặt bà ta. Chị Cúc ngồi đối diện, thản nhiên gắp đồ ăn nhai ngồm ngoàm.
Bà Cẩm hất đổ cốc mì, hét lên the thé. “Chị cố tình trả đũa tôi hả?”
“Bà đừng gieo tiếng ác cho tôi. Tôi chuẩn bị cơm canh nóng hổi, là do bà khó tính nên không ăn đấy thôi.”
“Tôi sẽ bảo thằng Đức đuổi việc chị!”
Chị Cúc nhét miếng thịt vào miệng, nhai chóp chép rồi nuốt. Lúc này mới đủng đỉnh trả lời. “Bà nghĩ chú Đức sẽ tin lời người mẹ quá quắt hay tin chị giúp việc hiền lành?”
“Chị… chị…”
Bà Cẩm lao nhanh lên tầng hai, tìm điện thoại để gọi Đức về. Do chạy quá nhanh, da của bà Cẩm căng da, bệnh thấp khớp làm bà ta đau đớn, đến khi về tới phòng thì đổ gục xuống giường vì đau nhức. Đến khi lấy lại được sức lực, bà Cẩm mò tìm điện thoại thì không thấy đâu.
“Chú Đức bận rộn kiếm tiền để nuôi bà. Bà nên biết điều để chú ấy tập trung vào công việc đi.” Giọng chị Cúc đột ngột vang lên từ phía cửa. Trên tay chị ta là điện thoại của bà Cẩm.
Bà Cẩm thở hổn hển xông đến cướp điện thoại thì bị đẩy ngã, đập đầu xuống đất.
Chị Cúc nhíu mày phật ý, đá vào người bà Cẩm. “Cái thân thể rách nát này không sống được bao lâu đâu. Bà nên biết quý trọng, đừng để bản thân bị thương thêm.”
Bà Cẩm nằm thở đứt quãng trên sàn nhà lạnh ngắt. Đợi chị Cúc rời đi, bà ta bò dậy, đi xuống tầng một.
Cửa nhà bị khóa trái, bà Cẩm vặn mở thế nào cũng không được.
“Chú Đức nói bà ăn ở ác nhân thất đức, không nên thả bà ra ngoài làm bẩn mắt hàng xóm. Bà ngoan ngoãn một chút đi.”
Sau khi xé rách mặt, chị Cúc thay đổi 100%, đối xử vô cùng tệ với bà Cẩm. Chị ta không cho ăn, không cho uống, không tắm rửa, chăm sóc vệ sinh cho bà ta. Thứ duy nhất bà Cẩm được ăn là mì gói. Nước duy nhất được uống là nước lọc, sữa bổ sung canxi bị chị ta uống sạch. Điều kỳ quái là sau khi uống nước đun sôi để nguội, bà Cẩm bị tào tháo đuổi gần như cả ngày.
“Chị bỏ gì vào nước uống của tôi hả?”
“Tôi và bà uống chung bình nước. Tôi bỏ thuốc vào để tự mình hại mình à? Tuổi bà lớn mà bà ngu vậy hả?” Chị Cúc uống cốc sữa nóng, cười khanh khách. “Uống nước lọc cũng bị tào tháo đuổi, chứng tỏ bụng dạ bà quá đen tối và bẩn thỉu, đến nước lọc cũng muốn trừng trị loại người như bà.”
Trong bốn ngày Đức vắng nhà, bà Cẩm chỉ được ăn mì ăn liền, sau đó lại bị tào tháo đuổi cho ra ngoài hết. Người già yếu dễ mất nước, nhanh xuống sức làm bà Cẩm hom hem, xanh xao đến đáng thương. Bên cạnh đó, chị Cúc không ngừng đay nghiến bà ta.
“Nghe đồn hồi cậu Đức bị điên, bà còn không cho cậu ấy ăn. Bây giờ tôi vừa cho bà ăn vừa cho bà uống. Người làm thuê như tôi còn tốt hơn người làm mẹ như bà nhiều.”
“Sao chị biết chuyện thằng Đức bị điên?”
“Chuyện bà vô trách nhiệm với con đẻ, muốn g.iết cháu nội, hãm hại con dâu, ai ai cũng biết. Bà tưởng đổi chỗ ở là những chuyện ác trong quá khứ sẽ bị xóa bỏ à?”
“Chị… chị là ai? Ai sai khiến chị đến hành hạ tôi? Có phải con Ngân không hả?” Bà Cẩm ngồi trên ghế, run lẩy bẩy. Cơ thể mất nước khiến giọng bà ta khản đặc, yếu ớt không quát thét được như ngày xưa.
“Ngân nào?” Chị Cúc nhíu mày suy nghĩ rồi đặt bát canh nóng lên bàn ăn, sắp bát đũa đủ hai người. Xong xuôi, chị ta vỗ tay đánh bép. “À, con dâu của bà à? Tôi không quen ai tên Ngân. Hóa ra tin đồn bà thích đổ mọi tiếng xấu lên đầu con dâu là có thật.”
Ngực bà Cẩm phập phồng lên xuống, cơ thể nóng hừng hực, bệnh huyết áp muốn tăng nhưng đã bị chị Cúc phòng trước, cho bà ta uống thuốc trước khi miệt thị.
“Cơm chín rồi, lại đây ăn cơm.”
Bà Cẩm giật mình, trân trối nhìn chị Cúc. Bà ta nhìn hai chiếc bát cùng hai đôi đũa sắp xếp đối diện nhau mà sinh nghi.
“Tôi đếm đến ba, bà không tự nhấc mông đến bàn ăn là tôi xách cổ bà lôi lại đấy.”
Lời đe dọa lập tức có hiệu lực. Sau ba ngày không cho bà Cẩm tắm rửa, sáng nay chị Cúc lấy lý do người bà Cẩm bốc mùi như cống rãnh, lôi cổ bà ta vào phòng tắm và thô bạo rửa ráy. Bà Cẩm phản kháng thì bị đánh vào những nơi không để dấu vết. Bà Cẩm gần bảy mươi tuổi, chưa bao giờ chịu nhục thế này, chỉ biết ấm ức khóc.
Một miếng thịt thơm phức đặt vào bát cơm trước mặt bà Cẩm. Bà ta cảnh giác nhìn chị Cúc. “Lần này chị cho gì vào thức ăn hả?”
“Thuốc xổ hết rồi. Hôm nay cho bà nghỉ ngơi lại sức một ngày. Cứ yên tâm ăn đi.” Chị Cúc tủm tỉm cười. Đôi mắt một mí híp lại trông thâm hiểm vô cùng.
“Chị là con quỷ đội lốt người!”
“Tôi có là quỷ cũng không hại con, g.iết cháu như bà.” Dứt lời, chị Cúc đột ngột cầm bát canh nóng trút vào cánh tay chị ta.
Bà Cẩm há hốc miệng, ngồi cứng đờ trên ghế nhìn chị Cúc ném mạnh bát canh xuống sàn.
“Chị…”
“Cạch.” Cửa nhà bật mở cắt ngang lời của bà Cẩm. Bà ta quay đầu nhìn ra cửa nhà theo phản xạ.
Gương mặt lún phún râu của Đức như một vị cứu tinh. Đúng lúc này, tiếng nói sợ hãi của chị Cúc vang lên ở đối diện.
“Cháu nấu canh nhạt thì bác bảo cháu nêm nếm lại là được mà. Bác đâu cần hất canh nóng vào người cháu như vậy…” Chị Cúc ngưng bặt như chợt nhận ra sự có mặt của Đức. Chị ta vội vàng giấu cánh tay đỏ ửng vì bị bỏng ra sau lưng, cười gượng gạo với Đức. “Chú Đức đi làm về rồi đấy à? Để tôi lấy thêm bát đũa. Chú vào rửa tay rồi ăn cơm.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.