Gặp Nhau Phút Đầu Cuối Cùng Lìa Xa

Chương 62: Anh không giết người!




Quý Hiểu Âu vừa về nhà thì đổ bệnh, sốt cao đến mê sảng, cô được ba mẹ đưa vào viện ngay trong đêm, bác sĩ cấp cứu nghe tim nghe phổi, kết luận phổi ứ nước, xong đời, viêm phổi, phải nhập viện ngay lập tức.
Đây là lần đầu tiên trong đời Quý Hiểu Âu phải trải qua một cái Tết âm lịch ảm đạm trong bệnh viện. Phòng bệnh viện ngoài trong tiêu điều, có lẽ trừ những bệnh nhân vạn bất đắc dĩ mới phải ở lại, đa số mọi người đều được xuất viện về nhà ăn Tết. Sau hai ngày cô đã hạ sốt, ăn hết một bát cháo mới có sức ngồi dậy. Trước mặt cha mẹ, yêu cầu đầu tiên của cô lại là: “Ba, cho con mượn laptop của ba dùng nhé.”
Thấy con gái đã khá hơn, trái tim tràn đầy âu lo của bà Triệu Á Mẫn cuối cùng cũng nguôi ngoai phần nào, tính cách mới dịu được vài ngày lại trở về nguyên trạng, ném hết biên lai của nhà tang lễ ngay trước mặt Quý Hiểu Âu, bà nhặt được đống giấy tờ này lúc giặt quần áo giúp cô, bắt đầu thời gian giáo dục gia đình theo thông lệ.
“Cứ thắc mắc sao trước Tết chẳng thấy con đâu, thì ra là bận việc này! Người này là ai? Người ta qua đời tại sao con phải bỏ tiền? Đến ngày mẹ chết liệu con có hiếu thảo đến thế không? Hả? Hai mươi chín Tết Tiểu Vân gặp mẹ, bảo mọi người đều đang đợi lương và thưởng để về quê ăn Tết, mẹ liền đi kiểm tra sổ tiết kiệm ở ngân hàng của con, hay lắm, số dư không còn một đồng nào, tiền nong hào phóng cho hết người ngoài! Cuối cùng vẫn là mẹ con phải trả lương cho nhân viên của con. Con nói xem, con gái nhà người ta lễ Tết đều biếu cha mẹ mấy ngàn, mấy chục ngàn ăn Tết, mẹ nuôi con khôn lớn có tác dụng gì chứ? Đời này mẹ nợ con hay sao?”
Dĩ nhiên ông Quý Triệu Lâm là người biết rõ nguồn cơn, mặc dù cũng cảm thấy Quý Hiểu Âu có chút dại dột nhưng vì đã nhận lời sẽ giữ bí mật cho con gái nên ông không thể phản bội mà phá hỏng hình tượng người cha nhân từ, đành ra mặt khuyên vợ: “Được rồi, được rồi, Hiểu Âu còn đang bệnh, bà đừng mắng nó nữa!”
Quý Hiểu Âu tự biết bản thân đuối lý, lúc trước cô chưa kịp nghĩ tới chi tiêu của thẩm mỹ viện đã vội nhận lời sẽ bỏ tiền lo liệu cho đám tang của Trạm Vũ, chỉ biết cúi gằm mặt xuống, để mẹ mắng mỏ vài câu, cô cố coi như không nghe thấy, cứ dán mắt vào máy tính tìm kiếm thông tin về vụ án của Trạm Vũ. Laptop của ông Quý Triệu Lâm trước nay đều lên mạng bằng card 3G nên tốc độ truy cập rất chậm, mở một trang web cũng mất vài chục giây, có khi còn chẳng vào được, tính tình nóng nảy của Quý Hiểu Âu lại được dịp phát tác.
Bà Triệu Á Mẫn ngồi thêm một lúc, thấy Quý Hiểu Âu chỉ mải mê gõ bàn phím, coi lời bà nói như gió thoảng qua tai, thương con gái bệnh mới ốm dậy, bà đành nín nhịn, cuối cùng ngoan ngoãn theo chồng về nhà. Trước khi đi bà không quên tịch thu luôn laptop, dặn cô không được xem máy tính nhiều, dành thời gian nghỉ ngơi.
Trong phòng bệnh chỉ còn lại một mình Quý Hiểu Âu, cô nằm chợp mắt một lúc rồi lại nóng ruột ngồi dậy. Quý Hiểu Âu cầm điện thoại gọi cho Phương Ny Á, nhờ chị mang tới vài tờ báo gần đây.
Hơn một tiếng sau Phương Ny Á mới xuất hiện, đeo trên lưng một túi da đen thật lớn, trong đó không chỉ có báo, tạp chí, hoa quả và đồ ăn vặt, chị còn chu đáo mang cả iPad của mình tới bệnh viện. Thấy chị, Quý Hiểu Âu mừng như gặp lại người thân trong nhà, cảm động trước sự tận tình của chị đến không thốt nên lời. Nhưng có vẻ Phương Ny Á cũng đang chất chứa tâm sự, sắc mặt chị vàng vọt như vừa bị bệnh, mắt thâm quầng, mí trên lại hơi sưng, dường như tối qua vừa khóc.
Quý Hiểu Âu giơ tay xoa nhẹ lên cặp lông mày chị, “Sao thế? Đầu năm đầu tháng lại không có chút vui vẻ nào thế này? Có phải ba mẹ chồng đến ăn Tết, chị cãi nhau với ông bà già rồi không?”
Phương Ny Á lắc đầu: “Không phải. Chuyện này buồn nôn lắm, buồn nôn đến mức chị cũng không biết nói sao nữa, tạm thời đừng hỏi tới, khi nào tâm trạng khá hơn chị kể cho nghe.”
Quý Hiểu Âu đành vỗ nhẹ mu bàn tay chị, “Vâng, chị Ny Á.”
Phương Ny Á cúi đầu khụt khịt mũi rồi bất chợt lên tiếng: “Chị vừa đọc được chuyện của Trạm Vũ trên mạng. Nhìn thấy ảnh, chị mới biết cậu ấy tên Trạm Vũ. Thằng nhóc đẹp trai thế mà đoản mệnh nhỉ?”
Quý Hiểu Âu đang nửa nằm nửa ngồi dựa người vào gối, nghe được câu này liền ngồi thẳng dậy như súng lên nòng: “Trên mạng đang nói gì vậy chị?”
“Nói nhiều kiểu lắm, rối như mớ bòng bong, một hai câu chẳng nói hết được. Hiểu Âu, sao đến em cũng bị kéo vào cuộc? Tuy người ta không chỉ đích danh nhưng khung cảnh đó nhìn qua cũng biết là em.”
Quý Hiểu Âu giật mình: “Nói gì về em?”
“Nói em với Nghiêm Cẩn, nói em với Trạm Vũ, thôi, chị không nói lại nữa, em tự lên mạng mà đọc. Em cũng xui thật, sao tự nhiên lại bị kéo vào chuyện này không biết. Thôi thì không nói tới Trạm Vũ nữa, nhưng trước đây chị bảo em rồi đó, thằng bé này có nhiều vấn đề, phức tạp lắm mà em không tin, giờ thấy chị nói không sai chứ?”
Quý Hiểu Âu nhếch miệng gượng cười, không đáp gì.
“Và cả Nghiêm Cẩn kia nữa, giờ đây trên mạng chỗ nào cũng có ảnh anh ta, người ta còn đào lại tổ tông ba đời anh ta từ đời ông nội đến giờ, với điều kiện bản thân và hoàn cảnh gia đình như vậy, dù là đàn ông hay phụ nữ, anh ta muốn người nào không được? Sao lại cứ một mực phải là cái cậu Trạm Vũ kia? Giết người đủ ác rồi, còn phân xác nữa! Em bảo có phải vì họ có tính hướng khác biệt nên suy nghĩ cũng không giống người bình thường bọn mình không?”
Quý Hiểu Âu vẫn không đáp, chỉ uể oải nhắm mắt lại.
“Hiểu Âu, em sao thế?”
Quý Hiểu Âu cất lời, giọng đong đầy mệt mỏi: “Em thấy hơi mệt.”
Phương Ny Á hiểu ý đứng dậy: “Đúng lúc chị cũng có việc, không ngồi đây với em nữa, iPad này em cứ cầm dùng tạm, nếu muốn lên mạng chỉ cần đem đến chỗ nào có wifi là được. Nhưng em đọc gì cũng nên kiềm chế một chút, đừng có bốc hỏa đấy. Internet là thế, thứ vớ vẩn gì cũng có, không lên mạng em không thể biết được rằng trên đời còn nhiều kẻ ngu ngốc và biến thái như thế đâu.”
Phương Ny Á đi rồi, Quý Hiểu Âu cầm iPad lên, tranh thủ lúc y tá trực không để ý cô liền trốn ra khỏi bệnh viện, chui vào quán KFC gần đó. Đang dịp nghỉ Tết âm lịch nên quán hàng vắng hoe, cô gọi một ly hồng trà nóng và một phần khoai tây chiên, ngồi trong một góc khuất. Cô đến đây chủ yếu để dùng wifi miễn phí mà thôi.
Tết âm lịch cũng khiến lượng bài đăng trên mạng ít hơn hẳn nhưng Quý Hiểu Âu vẫn dễ dàng tìm được những bài viết cô muốn đọc trên các diễn đàn phổ biến thường truy cập. Trong số đó có một bài đăng hot nhất với tiêu đề “Chân tướng vụ án phân xác 29/12”, vì nằm ngay trang đầu nên đã có tới hơn trăm ngàn điểm, bình luận thì hơn chục ngàn lượt. Cô vào bài đăng gốc, đọc gần hai mươi trang thì thực sự không xem tiếp được nữa, đập mạnh chiếc iPad lên mặt bàn đánh “rầm” một tiếng, cảm giác được hàm răng tê dại, thì ra là tại tức giận nghiến răng quá mạnh mới nên cơ sự này.
Trước những sự việc “nóng”, những bình luận trên mạng luôn là vàng thau lẫn lộn. Trước đây khi gặp những chuyện tương tự, cô chẳng quan tâm chân tướng sự thật, chẳng quan tâm ai đúng ai sai, chỉ muốn đọc chút cho biết mà thôi. Nhưng đến khi sự tình thực sự xảy ra với mình, trước những bình luận vô trách nhiệm này, thậm chí là miệng lưỡi và công kích thân thể ác độc, Quý Hiểu Âu mới hiểu thế nào là bạo lực mạng, thế nào là đau như dao cứa.
Trong một bài đăng khá nổi, công việc làm tiếp viên nam của Trạm Vũ ở quán bar đồng tính bị vạch trần, thậm chí có người còn đăng lên những bức ảnh chụp cậu vui vẻ thân thiết với khách đồng tính trong quán bar “Đừng bảo mẹ”. Trạm Vũ trong ảnh phong lưu lẳng lơ, hoàn toàn phá nát hình tượng sinh viên không ngừng vươn lên vượt khó bạn bè cậu xây dựng đợt trước Tết. Bức ảnh đó kéo theo hàng loạt bình luận, dân mạng cảm thấy bị lợi dụng, bị lừa gạt lòng đồng cảm lao vào chửi bới, họ dùng từ chợ búa đến mức Quý Hiểu Âu không muốn đọc tiếp.
Về phần Nghiêm Cẩn, trong bài post này, những kẻ săn tin hoàn toàn “lột sạch” anh. Không chỉ thông tin về bản thân anh được công khai, đến cả tên tuổi và chức vụ của ba anh cũng bị đưa ra. Trước sự kết nối của các mảnh tin méo mó, anh nghiễm nhiên trở thành một Cao Nha Nội bản hiện đại: Dối trá, tham ô trái pháp luật, háo sắc mê rượu chè, nhân cách méo mó.
Ngoài ra, trong kịch bản tình cảm hỗn độn khó giải thích của nạn nhân và kẻ sát hại mà cư dân mạng tự suy diễn, Quý Hiểu Âu cũng góp một vai. Một nickname tự nhận biết nội tình tự nhiên xuất hiện kéo cô xuống bùn lầy. Người này cũng có nickname là “Sứ giả chính nghĩa”, có vẻ cũng là người viết bài hôm trước cô đọc trên điện thoại của Lâm Hải Bằng. Theo cách miêu tả của hắn, Quý Hiểu Âu được gọi là cô J, là một người phụ nữ ham tiền ham sắc bắt cá hai tay, mặt dày cùng lúc qua lại với hai người đàn ông một lớn một nhỏ. Vì thế, đương nhiên cô bị dân mạng chửi không thương tiếc, những con chữ mang theo cả sự căm thù đến tận xương tủy, có người còn reo gọi kẻ săn tin hãy tìm ra tung tích của cô, đăng ảnh cô lên cho mọi người cùng biết.
Đối diện với sự chỉ trích và công kích hoang đường này, Quý Hiểu Âu tức run người, cô không biết rốt cuộc người tên “Sứ giả chính nghĩa” này có thù oán gì với mình mà phải dựng chuyện để bôi nhọ cô như vậy? Cô không kiềm chế được tâm trạng, định đăng ký tài khoản lên thanh minh cho rõ chân tướng nhưng sau khi gõ cả một đoạn dài, giây phút ấn nút gửi, Quý Hiểu Âu lại phân vân. Kinh nghiệm núp lùm trên mạng gần mười năm trời khiến cô hiểu rằng, trên mạng không phải nơi nói đạo lý, những chuyện thế này càng tẩy lại càng đen. Cô nói càng nhiều thì cũng đồng nghĩa sẽ càng tiết lộ nhiều thông tin cá nhân, chỉ sợ tự rước họa vào thân, rơi vào hoàn cảnh giống một vụ án trước đó, hoàn toàn không kiểm soát được tình hình nữa: Thế giới đời thực của đương sự bị phá hoại hoàn toàn trong khi những tài khoản chỉ sợ thiên hạ không loạn trên mạng lại chỉ cần dùng một tài khoản mới là có thể xóa sạch hết dấu vết cũ, hiên ngang xuất hiện trở lại một cách trong sạch như trẻ con mới sinh.
Ngoài cảm giác cáu giận, nỗi sợ hãi cũng dần xâm chiếm trái tim cô. Mấy hôm nay nằm trên giường bệnh, nhớ lại từng chi tiết kể từ khi quen biết Nghiêm Cẩn, cô không dám tin một người thẳng thắn, sống đơn giản, bên ngoài lạnh lùng nội tâm nhiệt thành như anh lại có thể ra tay cướp đoạt sự sống của người khác, mặc dù vẫn chưa nguôi thắc mắc tại sao Trạm Vũ lại xuất hiện ở chỗ anh vào ngày cuối cùng của cậu nhưng cô cũng không thể đánh đồng Nghiêm Cẩn với hình ảnh của một nghi phạm giết người. Nhìn thấy những bình luận xuất hiện liên tục dưới các bài đăng hỏi tại sao phía cảnh sát mãi không ra lệnh bắt chính thức với Nghiêm Cẩn, có phải vì ba anh là cán bộ quân đội nên quan chức mới bao che cho nhau? Lại nghĩ tới bài viết xem trên điện thoại của Lâm Hải Bằng năm ngoái, cô có cảm giác trong những bình luận tưởng như độc lập này hình như lại ẩn chứa sự định hướng rõ ràng, muốn buộc chặt vụ án của Trạm Vũ với bức màn đen của ngành tư pháp, dường như cố tình nhắm vào thái độ phẫn nộ của dư luận đối với tầng lớp con ông cháu cha bằng cách đẩy Nghiêm Cẩn – người đại diện cho tầng lớp này – vào vòng xoáy dư luận. Nếu như cảm nhận của cô là đúng, vậy thì ai, hoặc nên nói là sức mạnh nào đang dùng trăm phương ngàn kế đẩy anh vào chỗ chết như vậy?
Quý Hiểu Âu ngồi lặng đi thật lâu, đầu cô giờ đây như một ấm nước sôi, không ngừng dán mắt đọc đi đọc lại những dòng chữ chướng tai gai mắt này. Sâu trong đầu cô, có một hình ảnh khiến người ta buồn lòng, có một sự vướng mắc mơ hồ khó tả. Cô cho rằng việc Nghiêm Cẩn bị bắt giam đã khiến bản thân thấy buồn lòng, vì thứ tai họa phát sinh ngoài ý muốn này sẽ luôn làm cho người ta thấy tâm phiền ý loạn. Quay ra thấy sắc trời ngoài cửa sổ đã tối hẳn, sợ y tá phát hiện sẽ quở trách, cô đành trở về phòng bệnh nhưng trong lòng vẫn quẩn quanh một cảm giác bất an khó hiểu.
Đêm hôm đó cô trằn trọc không nguôi, chẳng thể chợp mắt. Từ ngày từ biệt Trạm Vũ trong giấc mơ ngày hỏa táng cậu, sốt cao đến mê sảng suốt mấy ngày liền, cho dù bản thân cô có muốn hay không thì hình bóng cậu giờ đây giống như một bức tranh đang dần phai màu, rồi sẽ đến lúc phai mờ hẳn trong lòng cô. Nhưng Nghiêm Cẩn thì không như vậy. Cứ hễ nhắm mắt, cô lại thấy Nghiêm Cẩn. Ban đầu chỉ là từng bộ phận trên khuôn mặt anh, mái tóc lởm chởm không nghe lời của anh, đôi lông mày rậm, sống mũi cao, làn môi rõ nét, các nét này dần hài hòa với nhau, có góc độ và dáng vẻ, cuối cùng hợp lại thành một gương mặt vừa lạ vừa quen.
Cô nhìn anh trong đêm tối, nhìn thẳng vào cặp mắt đen láy sâu thẳm tỏa sáng của anh, lặp lại câu hỏi nhiều lần: “Rốt cuộc anh có giết Trạm Vũ không?”
Nhưng không một lần nào anh đưa ra câu trả lời, môi mím chặt, trong con ngươi đen láy chỉ có bi thương và nỗi đau.
Chịu đựng đến hai giờ sáng, cô thức dậy xin y tá thuốc ngủ, không ngờ bị y tá trực mắng vốn hai câu đành trở về phòng bệnh, cứ thế mở mắt cho đến rạng sáng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.