Giam Nàng Trong Trướng - Tụ Tụ Yên

Chương 12: Hạ giọng lừa gạt




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Ngoài cửa sổ ráng chiều nồng đậm, từng đốm sáng nhỏ từ từ kéo qua đường chân trời, vây quanh vầng trăng tròn trịa, giống như khối bạch ngọc treo lơ lửng giữa màn đêm, rót xuống thứ ánh sáng phẳng lặng nước, chảy tràn khắp mặt đất.
Gió đêm thổi vào cửa sổ khiến ánh lửa thoáng chốc bập bùng.
Bàn tay đang cầm bút của Tống Hành hơi dừng lại, giọt mực rơi xuống giấy tuyết lãng từ từ lan rộng thành một mảng đen nhánh, nhưng hắn tựa hồ không nhìn thấy, cũng không để ý, chỉ hơi hạ bút, nhìn bóng hình xinh đẹp in trên tấm bình phong, trầm giọng nói: “Vào đi.”
Giọng nói trầm thấp nhưng đầy từ tính của người đàn ông, theo thói quen vô tình để lộ ra ý tứ ra lệnh đặc trưng của kẻ bề trên khiến Thi Yến Vi theo bản năng cảm thấy mâu thuẫn, vô thức muốn quay người bỏ đi, nhưng hộp thức ăn sơn mài đang cầm trong tay nhắc nhở nàng rằng thứ này vẫn chưa được giao, nàng không được phép bỏ đi vào lúc này.
Thi Yến Vi kiên trì đẩy cửa bước vào, hai chân vừa lách qua ngạch cửa thì dừng lại cách hắn một khoảng thật xa. Nàng đặt hộp đồ ăn xuống bàn, chắp tay trước ngực thi lễ, thanh âm trong trẻo: “Gia chủ, đây là món tất la vỏ giòn mà ngài muốn.”
Đáy mắt Tống Hành lóe lên một tia sung sướng không dễ để nhận biết, hắn hạ bút lông sói trong tay xuống, ngẩng đầu nhìn thân hình cao gầy mảnh khảnh của Thi Yến Vi, làm như kinh ngạc, chậm rãi mở miệng hỏi nàng: “Trời đã tối rồi, sao Dương nương tử lại tự mình tới đây?”
Lời vừa dứt đã khiến Thi Yến Vi cảm thấy an tâm không ít, xem ra Tống Hành thật sự không hề hay biết, những chuyện phát sinh hôm nay hết thảy chỉ là sự trùng hợp.
Thi Yến Vi suy nghĩ một lúc, bình tĩnh trả lời: “Lúc Phùng lang quân đến truyền lời thì có nói Quất Bạch về nhà, Thương Lục không khỏe nên mới nhờ thiếp tới đây. Thiếp đến Thối Hàn Cư vốn định nhờ Thôi mụ đưa vào, nhưng không ngờ lại không gặp được bà ấy, bèn đợi bên ngoài thư phòng gia chủ.”
“Ừ”, bên kia án thư truyền đến tiếng Tống Hành nhẹ nhàng trả lời, theo sau là tiếng chân ghế ma sát với mặt đất, Tống Hành đứng dậy đi tới trước mặt Thi Yến Vi, rủ mắt đánh giá y phục hôm nay nàng mặc.
Áo tay lửng màu hoa quế xanh biếc, váy đỏ hoa văn bồ đào thạch lựu, làn váy rũ xuống bước chân, tóc đen như mực được búi thành kiểu giao tâm kế, [1] chính giữa búi tóc là cây trâm bạc bình thường, hai bên tóc mai là trâm thụ hoa, đơn giản hào phóng, nàng không trang điểm, lúm đồng tiền như hoa sen mới nở thoắt ẩn thoắt hiện, thanh lệ thoát tục đến mức khiến người ta không muốn rời mắt.
[1][1] (Chú thích hình ảnh đặt ở cuối chương)
Hắn có thể thấy lỗ tai rất nhỏ nằm trên vành tai trắng nõn tinh xảo của nàng, nhưng trống rỗng không đi kèm môt vật nào khác, ngay cả cổ cũng thế.
Bên trong tráp khảm trai là nhiều món trang sức khác nhau, nhưng nàng tuyệt nhiên không động tới. Lồng ngực Tống Hành chợt nhen nhóm lửa nóng một cách đầy khó hiểu, nhưng ngoài mặt vẫn không để lộ ra dù chỉ nửa phần, mắt phượng thâm thúy như ưng nhãn nhìn chằm chằm đôi mắt trong vắt như suối nước của Thi Yến Vi, cười như không cười nói: “Hình như Dương nương tử có vẻ hơi sợ mỗ, chẳng lẽ cô thực sự xem mỗ là sài lang hổ báo sẽ vô cớ đả thương người khác sao?”
Thi Yến Vi bị hắn nhìn chằm chằm đến mức lòng ngực thắt lại, sau lưng mồ hôi lạnh toát ra từng đợt, nàng cố làm ra vẻ trấn định, từ tốn đáp: “Gia chủ nghĩ nhiều rồi, gia chủ là hùng chủ [2] bảo hộ sự yên ổn một phương sao thiếp có thể xem gia chủ là sài lang hổ lang mà cảm thấy sợ hãi cho được. Chẳng qua là thiếp kính ngưỡng, cho nên có chút câu nệ thôi.”
[2][2] hùng chủ: từ này có nghĩa là vị vua có tài trí mưu lược kiệt xuất
Hùng chủ, kính ngưỡng. Bốn chữ này nếu như do người khác nói ra thì miễn cưỡng có thể tin được ba phần, nhưng nếu là từ miệng vị nữ lang này thì thật sự khó khiến người ta tin phục.
Nếu nàng thực sự mang lòng ngưỡng mộ kính trọng hắn thì hà tất lại có biểu hiện ngoài mặt cung kính nhưng thực chất là xa lánh như vừa nãy. Thời điểm lúc mới vào thư phòng, ngay cả đến trước án hành lễ nói chuyện với hắn nàng cũng không thèm làm.
Nàng đã hạ quyết tâm hạ giọng lừa gạt hắn thì hắn cũng không cần tỏ ra quang minh lỗi lạc nữa.
Ý cười trên Tống Hành càng sâu, đáy mắt lộ ra sự khoan dung như khi nhìn Tống Thanh Âm hoặc Tống Thanh Hòa, hắn tận lực dùng giọng điệu dịu dàng nhất có thể để nói với nàng rằng: “Sau này trước mặt mỗ cũng không cần phải câu nệ như thế. Cô và Nhị nương tuổi tác gần như tương đương nhau, trong mắt mỗ có thể được xem như một nửa a muội.”
Hắn nói không có chỗ nào sai nhưng đáy lòng Thi Yến Vi vẫn có cảm giác quái đản không thể diễn đạt rõ thành lời, nàng không muốn ở lại trước mặt hắn dù chỉ là một khắc đồng hồ, liền chắp tay trước ngực thi lễ: “Thiếp đã biết. Nếu gia chủ thích món tất la vỏ giò thì nên ăn nhanh ngay khi còn nóng, thiếp xin cáo từ, đi trước ạ.”
Tống Hành gật đầu, bảo nàng cứ tự nhiên. Thi Yến Vi như được đại xá, lập tức cắm mặt rời khỏi thư phòng Tống Hành mà không hề ngoái lại lấy một lần, mãi đến khi Đồng Quý đang đứng trong đình lớn tiếng gọi nàng thì mới khó khăn dừng lại bước chân, hai bàn tay mở ra để làn gió mát mẻ luồn qua từng kẽ ngón tay, cuốn đi giọt mồ hôi rịn ra vì căng thẳng mà nắm chặt thành quyền.
Đồng Quý xách một chiếc đèn nhỏ trong tay nhưng vẫn chưa nâng lên chiếu vào mặt Thi Yến Vi, đương nhiên không nhìn rõ gương mặt lẫn biểu tình của nàng, chỉ nghi ngờ hỏi: “Dương a tỷ quên ta rồi sao? Tỷ đi nhanh quá đi mất.”
“Ta đột nhiên nhớ đến việc khác nên nhất thời vội vàng quên mất đệ đang đứng trong đình đợi ta. Ta xin lỗi, lần sau rời phủ ta sẽ mang tượng gốm nhỏ mà đệ thích để chuộc lỗi với đệ được không?”
Đồng Quý mới chỉ mười một, mười hai tuổi nên vẫn còn tính cách trẻ con của tuổi thiếu niên lang, nghe vậy cười ha hả nói “được”, về sau cậu cũng không nhắc lại chuyện vừa rồi nữa.
Hai người cùng nhau trở về, thấy Thi Yến Vi không mang đèn theo nên Đồng Quý đưa nàng về viện trước rồi mới xách đèn rời đi.
Thi Yến Vi vừa vào tới cửa đã nhìn thấy một bóng người mơ hồ ngồi dưới lan can hành lang, đến gần hơn thì chợt nhận ra người đó là Ngân Chúc, liền bước tới gọi: “Ngân Chúc, sao cô lại đến đây giờ này? Nhị nương có việc gì cần tìm ta sao?”
Ngân Chúc khép lại vạt áo trên người, lắc đầu, theo chân Thi Yến Vi vào phòng: “Mai là tiết Thượng Tỵ, [3] Lâm Nhị nương gửi thiếp mời đến, mời tiểu nương tử đến dự tiệc mừng xuân, Lâm Nhị nương đi cùng hai vị tỷ muội khác nên tiểu nương tử cũng muốn tìm người đi cùng. Thái phu nhân biết được liền chọn cô đi cùng nàng, vừa nãy đã sai người đến báo cho Lưu mụ. Tiểu nương tử cố ý phái ta đến báo cho cô biết, ngày mai sẽ xuất phát từ cửa phủ.”
[3][3] Thượng tỵ tiết” là lễ tết vào ngày Tỵ đầu tiên của tháng 3 âm lịch. Tương truyền đây là ngày sinh của Hiên Viên Hoàng Đế, vì vậy người Hán lễ bái tổ tiên vào ngày này, sau đó phong tục lễ bái tổ tiên này được lan ra khắp các nước Á Đông. Lễ Thượng Tỵ cũng có tên là lễ Phất hệ, tức lễ tắm gội để trừ tai họa cầu phúc. Sách “Hậu Hán thư” có chép: “Ngày Thượng Tỵ tháng này (tức tháng 3 AL), quan dân đều tắm gội sạch sẽ ở trên sông phía đông, gọi là tẩy sạch cáu bẩn, bệnh tật cũ”.
Tiệc mừng xuân là hoạt động dã ngoại mừng xuân do cao môn sĩ nữ nghĩ ra từ thời Khai Nguyên [4] sau đó từ Trường An lan truyền đến các châu phủ khác, thời gian xuất hành du ngoạn cũng được kéo dài từ tiết Lập Xuân se lạnh đến khoảng tháng ba trong tiết Cốc Vũ.
[4][4] Khai Nguyên: Khai Nguyên (niên hiệu của vua Đường Huyền Tông tức vua là Lý Long Cơ công nguyên 713-741) (Nguồn chú thích: Phần mềm Quick Trans)
Thi Yến Vi cũng đang muốn ra ngoài hít thở khí trời nhưng khoảng thời gian này nàng lại đang nghỉ phép nhiều hơn trước, điều này khiến nàng cảm thấy có chút áy náy. Nàng lập tức tính toán ngày mai sẽ mang thêm ít tiền lẻ ra ngoài, mua vài món đồ làm quà tặng mọi người ở thiện phòng xem như bồi thường.
“Cô về báo với Nhị nương là ta đã biết, ngày mai chắc chắn sẽ đến sớm nửa khắc, chờ sẵn ngoài cửa phủ.”
Dứt lời, hai người hàn huyên thêm một lúc thì Ngân Chúc quay lại Đại Tụ cư phục mệnh.
Hôm sau Thi Yến Vi dậy từ sáng sớm tinh mơ, tự nấu nước ấm rửa mặt rồi ngồi xuống trước gương trang điểm, phải phí một phen tâm huyết thì nàng mới búi được mái tóc đen nhánh thành kiểu đan loa kế [5], bên trên cài trâm bướm bạc mà Tiết phu nhân ban thưởng, hai bên tóc mai cắm lệch trâm kim ngân, đeo một đôi khuyên tai ngọc trai phẩm chất bình thường, thoa nhẹ chút son môi đỏ thắm.
[5][5] (Chú thích hình ảnh đặt ở cuối chương)
Lúc nàng đã ăn mặc chỉnh tề ra đến ngoài phủ thì Tống Thanh Hòa vẫn chưa tới, trái lại gặp được Tống Duật sắp sửa đi công thự. Hôm nay là tiết Thượng Tỵ tháng ba, vốn dĩ quan viên đều được nghỉ một ngày, thế nên Thi Yến Vi dừng bước, đứng cách một khoảng không xa không gần thuận miệng hỏi hắn, “Tam lang quân chuẩn bị đi đâu đây ạ?”
“Công thự xảy ra chút chuyện nên ta phải đi mất khoảng nửa ngày. Nhị huynh so ra còn đi sớm hơn mỗ, Dương nương tử có nhìn thấy hắn không?”
Thi Yến Vi lắc đầu, chắp tay trước ngực thi lễ, chào tạm biệt hắn.
Tống Duật cưỡi ngựa rời đi không lâu thì Tống Thanh Hòa ngồi bộ liễn sơn đỏ đến, sai vặt giữ vững bộ liễn, Tống Thanh Hòa cười tủm tỉm bước xuống, cười nói, “Ta không đến muộn nha.”
Thi Yến Vi mỉm cười: “Không muộn, thực ra vẫn còn hơi sớm.”
Khi hai người đang trò chuyện thì lão mụ đã mở mành xe ngựa, Họa Bình đỡ Tống Thanh Hòa lên xe thì muốn đến đỡ Thi Yến Vi. Thi Yến Vi cảm ơn nàng trước, uyển chuyển từ chối xong thì tự mình xách váy lên xe ngựa.
Phía trước có thị vệ Tống phủ ngồi trên lưng ngựa mở đường, ba người Họa Bình, Ngân Chúc và Tiểu Phiến lên xe phía sau, đoàn xe lăn bánh, hướng về cổng thành.
Ven bờ sông Phần [6] thảm cỏ xanh mướt, cây cối tốt tươi, phóng tầm mắt nhìn theo thì chỉ thấy quang cảnh núi non trùng điệp, mặt nước tĩnh lặng, xuân ý dạt dào.
[6][6] sông Phần: Sông Phần (tiếng Trung: 汾河,âm Hán Việt: Phần Hà, cũng gọi là Phần Thủy (汾水), người Sơn Tây gọi một cách thân mật là Mẫu Thân Hà (母亲河)) là một chi lưu lớn thứ hai của sông Hoàng Hà. Sông Phần bắt nguồn từ huyện Ninh Vũ, địa cấp thị Hãn Châu, tỉnh Sơn Tây và đổ vào sông Hoàng Hà. Nguồn chú thích: Wikipedia.
Tống Thanh Hòa vừa mới vén váy xuống xe thì đã thấy mấy vị nữ lang sĩ tộc tiến lên nghênh đón, thế gia vọng tộc gặp nhau, trong đó chợt có giọng nữ cất lên, cười hỏi nàng: “Tống Nhị nương, vị nương tử này là vị nữ lang mới tới quý phủ đúng không? Sao năm ngoái ta chưa từng được gặp?”
“Vị này là em gái ân nhân cứu mạng Tam huynh ta, mùa thu năm ngoái mới đến Thái Nguyên nên đương nhiên Cửu nương chưa từng gặp nàng. Giờ gặp nhau rồi, các cô cũng gọi nàng là Dương nương tử giống ta đi.”
Tống Hành là tiết độ sứ tam trấn, tay nắm binh mã bắc địa, quyền cao chức trọng, xưng bá một phương. Tống gia ở thành Thái Nguyên có thể nói là phong quang vô hạn, được các thị tộc kính trọng và săn đón, những nữ lang kia nghe nói Thi Yến Vi là em gái ân nhân cứu mạng đệ đệ ruột thịt của Tống Hành, đương nhiên không dám khinh thường, đồng loạt chắp tay trước ngực thi lễ chào nàng là “Dương nương tử.”
Thi Yến Vi cũng cười đáp lại, chắp tay trước ngực trả lễ.
Tống Thanh Hòa đứng một bên che miệng cười, đợi mọi người chào hỏi nhau xong thì giới thiệu vài vị nữ lang cho Thi Yến Vi làm quen.
Không lâu sau, xe ngựa của nhà họ Lâm cũng tới đây, Tống Thanh Hòa và các vị nữ lang Lâm gia hành lễ chào hỏi lẫn nhau rồi từng người một phân phó tỳ nữ sai vặt nhà mình dỡ màn che, đĩa nhỏ, trái cây đồ ăn được chở trên xe ngựa xuống, sắp xếp ổn thỏa xong, rãnh rỗi không có việc gì làm liền thong thả đi bộ dọc theo con đường nhỏ dẫn vào khu rừng.
Cũng ngày hôm đó, Tống Thanh Âm và Mạnh Phù ở lại dùng cơm trưa với Tiết phu nhân, nhóm tỳ nữ mang nước trà, ống nhổ, khăn sạch dâng lên.
Tiết phu nhân súc miệng rửa tay xong vẫn không thấy Mạnh Lê Xuyên lại đây, bèn hỏi: “Cửu lang đâu, sao nó không đi cùng cháu?”
Tống Thanh Âm đặt bát trà trong tay xuống, nhổ đi nước trà trong miệng, cười đáp: “Chàng vừa đến nên nhiều sự vụ chàng vẫn chưa quen, ngày nghỉ vẫn thường đi công thự kiểm tra dò lại sổ sách hồ sơ cũ, a bà đừng lo cho chàng.”
Nói xong nhúng tay vào nước rửa sạch rồi lấy khăn lên lau tay, “Mà nhi thấy cũng đã đến lúc cần quan tâm nhiều hơn đến chuyện chung thân đại sự của Nhị huynh.”
Sơ Vũ là người thận trọng nhất, vừa nghe Tống Thanh Âm chuyển chủ đề hướng đến gia chủ thì liền nháy mắt với Đống Tuyết bên cạnh, dẫn theo bốn tỳ nữ khác lặng lẽ lui ra ngoài.
Tiết phu nhân hơi gật nhẹ cằm, nghe Tống Thanh Âm nói tiếp: “Sông nước Trường An nhiều mỹ nhân nhưng bên bờ sông Phần cũng không hề kém cạnh, sao a bà không sai người chờ sẵn ở ngoài phủ, nếu Nhị huynh không về quá muộn thì để huynh ấy đến bờ sông Phần đón Tam nương về trước lúc hoàng hôn, nói không chừng huynh ấy lại có thể gặp được nữ lang hợp mắt. Còn nếu nữ tử thị tộc huynh ấy nhìn trúng xuất thân trong sạch nhưng dòng dõi hơi thấp, không đủ tư cách làm vợ cả thì nhập phủ làm quý thiếp cho Nhị huynh cũng được mà.”
“Đại nương nói có lý, vậy để ta sai Sơ Vũ chờ sẵn bên ngoài phủ.” Tiết phu nhân cười nhẹ đồng tình, cao giọng gọi Sơ Vũ tiến vào rồi lệnh nàng đứng ngoài phủ chờ Nhị lang.
Sơ Vũ nghe lệnh, rời đi.
Buổi chiều, Tống Hành từ trong quân về phủ, tuy đã tháo áo giáp nhưng thanh trường kiếm huyền thiết vẫn còn treo trên lưng, thân hình khôi ngô vạm vỡ ngồi vững vàng trên lưng ngựa cao lớn, khí thế như long tựa hổ, không giận mà uy.
Sơ Vũ trong lòng lo sợ vội vàng tiến lên nghênh đón, hạ thấp người chắp tay trước ngực hành lễ nói: “Hồi bẩm gia chủ, Thái phu nhân thỉnh ngài đi bờ sông Phần ngoại thành đón tiểu nương tử về phủ.”
Nói xong, thấy Tống Hành vẻ mặt ngưng trọng, mặt mày lạnh lùng, hiển nhiên đối với những lời nàng nói không hề có chút hứng thú nào, cũng không muốn đi.
Phùng Quý theo hầu hắn là người tinh ý, con ngươi hơi chuyển, chợt nhớ tới người mà tiểu nương tử vẫn thích bầu bạn hằng ngày, khẽ cười thành tiếng rồi hỏi: “Tiểu nương tử đi cùng với ai đấy?”
Sơ Vũ suy nghĩ một lát, chậm rãi nói ra mấy chữ: “Hình như là Dương nương tử…”
*
Chú thích hình ảnh:
[1] kiểu búi giao tâm kế:

[4] kiểu búi đan loa kế:

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.