Giam Nàng Trong Trướng - Tụ Tụ Yên

Chương 21: Rời Tống phủ




Lời vừa nói ra, thấy ý cười trên mặt Tiết phu nhân từ từ ngưng trọng, Cao phu nhân tinh ý, nhận ra bầu không khí có gì đó không đúng liền đứng lên hạ người nói: “Nếu Dương nương tử có chuyện muốn nói với nhân gia thì nhi xin được phép cáo lui trước.”
Vừa nói vừa đánh mắt với tỳ nữ, dẫn các nàng cùng lui ra ngoài.
Một lúc sau, trong phòng chỉ còn lại hai người, Tiết phu nhân cau mày hỏi nàng: “Dương nương tử sống ở quý phủ có chỗ nào cảm thấy không thoải mái nên mới muốn rời đi đúng không? Nếu có chỗ nào không quen, cháu chỉ cần nói với lão thân, lão thân sẽ sai người chọn viện tử mới cho cháu ở.”
Thi Yến Vi nghe vậy, liền vội vàng lắc đầu, “Nhi được Thái phu nhân cùng Tam Lang hết mực chiếu cố sao lại không thoải mái được ạ. Chỉ là dựng trại lâu đến đâu, bữa tiệc dài đến mấy cũng có lúc phải tàn. Nhi đã ở quý phủ trong khoảng thời gian khá dài, giờ đến lúc nên rời quý phủ sống cuộc sống riêng.”
Tiết phu nhân nghe xong, càng nhăn mày hỏi nàng: “Cháu muốn về Văn Thủy?”
Văn Thủy sao, đó từng là nhà của nguyên thân nhưng không có nhà của nàng. Thi Yến Vi cúi thấp đầu, thành thật đáp: “Nhi còn chưa quyết định được nên đi đâu.”
Nghe nàng nói vây, Tiết phu nhân khẽ thở dài, buồn bã nói: “Hiện giờ bên ngoài thế đạo hỗn loạn, Thái Nguyên có Nhị lang Tam lang tọa trấn, so với kinh thành và Lạc Dương đều thái bình hơn.”
Vừa nói, bà vừa ngước mắt lên đánh giá vẻ mặt của Thi Yến Vi, thấy nàng cũng có chút lo lắng, tưởng rằng nàng đang dao động liền chậm rãi nói, “Hơn nữa ta có chuyện vui đang muốn nói với cháu đây: Nhị lang muốn nạp cháu làm quý thiếp, đã sai người chuẩn bị tốt mọi việc. Lão thân cũng rất thích cháu, đợi Nhị lang đi U Châu về sẽ nạp cháu vào phủ làm quý thiếp, cháu là chủ tử trong phủ không tốt hơn là bôn ba khổ sở bên ngoài sao?”
Nhưng mỗi câu “Cháu có tình nguyện không?” lại không hề hỏi nàng.
Thi Yến Vi mím môi, rũ mắt nhìn Tiết phu nhân đang ngồi trên tháp, ánh mắt dịu dàng nhưng tràn đầy kiên định, khẽ mở miệng nói như đinh đóng cột: “Hồi bẩm Thái phu nhân, nhi không muốn làm thiếp của gia chủ. Từ trước đến nay trong lòng nhi chỉ có sự cảm kích và kính trọng dành cho gia chủ, tuyệt không có tâm tư nào khác.”
Tiết phu nhân hiển nhiên không ngờ nàng lại cự tuyệt thẳng thừng như vậy, không khỏi khẽ cau mày, trầm giọng hỏi: “Dương nương tử nên suy nghĩ thật kỹ. Nhị lang được Thánh nhân thân phong Định Bắc Hầu, đảm nhiệm tiết độ sứ tam trấn, dõi mắt khắp đất bắc không có lang quân nào có thể vượt qua hắn. Cháu hiện giờ cũng đã mười tám tuổi, thực sự không muốn gả cho Nhị lang làm thiếp sao?”
“Không muốn.” Thi Yến Vi kiên quyết đáp.
Dù sao thì đó cũng là người mà Nhị lang thích, Tiết phu nhân cũng không muốn để nàng rời đi dễ dàng, dùng giọng điệu lấy lui làm tiến, mi mày hòa hoãn cười khẽ: “Nếu Dương nương tử đã không muốn đương nhiên lão thân và Nhị lang cũng sẽ không ép buộc cháu. Bây giờ cháu chỉ có một mình, nếu rời khỏi Tống phủ thì biết đi đâu an thân lập mệnh đây? Không bằng tiếp tục yên ổn ở trong phủ, sau này nếu cháu tìm được vị lang quân ưng ý, xuất giá từ Tống phủ chẳng phải sẽ vinh quang hơn sao?”
Thi Yến Vi hai mắt sáng rực, nhưng vẫn uyển chuyển từ chối: “Lòng tốt của Thái phu nhân nhi xin ghi tạc trong lòng, nhưng ý nhi đã quyết, kính xin Thái phu nhân thông cảm.”
Dứt lời, chắp tay trước ngực cung kính hành lễ với Tiết phu nhân, cũng không quay đầu mà đi thẳng ra đẩy cửa, đến Đại Tụ cư cách vách.
Thi Yến Vi vừa rời đi, Tiết phu nhân đã gọi Sơ Vũ tiến vào, thấp giọng phân phó nàng cẩn thận tìm người đắc lực theo dõi Dương nương tử, nhất định phải điều tra rõ ràng nàng muốn đặt chân ở đâu, nhưng tuyệt đối không được làm phiền Dương nương tử, cũng không được để nàng phát hiện ra.
Tống Thanh Hòa nghe tin nàng muốn rời Tống phủ, cả kinh đến mức đứng bật dậy khỏi tháp, trợn tròn hai mắt cầm tay nàng chân thành nói: “Có phải trong phủ có đứa nào lắm mồm chê trách cô nên cô mới tức giận muốn rời đi đúng không? Cô cứ nói cho ta biết, ta phạt bọn chúng một trận để cô hả giận, nhưng cô đừng rời đi được không?”
Nàng ấy vẫn là thiếu nữ mười sáu tuổi tâm tư đơn thuần, đương nhiên chưa thể thích nghi với sự chia ly này.
“Không ai chê trách hay bắt nạt ta cả.” Thi Yến Vi rút tay ra, vỗ nhẹ vào mu bàn tay nàng, an ủi nói: “Đây là ý muốn của riêng ta, không liên quan gì đến người khác. Thế gian có câu không có bữa tiệc nào không tàn, sớm muộn gì Nhị nương cũng sẽ học được cách thản nhiên đối mặt với ly biệt.”
Tống Thanh Hòa hai mắt đỏ hoe, nắm lấy cánh tay nàng cố gắng giữ nàng lại: “Nhưng mà ta không muốn để cô đi… Hai ngày trước Ngân Chúc vừa đi, giờ cô cũng muốn đi…”
Họa Bình thấy hốc mắt nàng ươn ướt, đành phải tiến lên thuyết phục nàng, Thi Yến Vi cũng ở bên dỗ dành một lúc, cuối cùng cũng không dễ dàng mới có thể khiến nàng ấy cảm thấy khá hơn, hàn huyên đôi ba câu liền cáo từ ra cửa.
Ngoài cửa sổ, bầu trời trong xanh, mây ngọc bồng bềnh.
Ánh mặt trời xuyên qua cửa sổ, tạo thành những bóng đen đan xen trên mặt đất, Thi Yến Vi còn chưa ăn trưa, nàng thu dọn hành lý rời khỏi phủ Tống xong thì tìm một gian khách điếm ở thành nam trọ lại.
Thi Yến Vi để cái tráp khảm trai mà Tống Hành thưởng cho nàng cũng những bộ y phục Tiết phu nhân mới sai người cắt may lại trong phòng, chỉ mang theo năm bộ xiêm y cũ mà nguyên thân mang theo lúc mới vào phủ cùng một ít vàng bạc tiền mặt mà Tiết phu nhân cùng Tống Duật đưa cho nguyên thân như một cách tạ ơn.
Thu dọn hành lý xong, Thi Yến Vi đi xuống lầu gọi một dĩa thịt dê nướng và một dĩa dưa leo xào rồi ngồi xuống bàn kê trước cửa sổ. Bàn bên cạnh này là ba lang quân trẻ tuổi mặc áo liền thân cổ tròn, trong đó có một người mặt tròn, da dẻ trắng nõn, khí chất thanh nhã, có vẻ là người đọc sách.
Ba người đàm luận, nhắc đến Tuyên Thành công chúa Lý Lệnh Nghi đang tu hành ở Kính Đình, Sơn Duyên đã dùng số tiền lớn để mời những công tượng lành nghề, đốt lò cao rồi thổi khí để rèn sắt, sắt được rèn bằng kỹ thuật này không những cải thiện chất lượng mà còn giúp giảm chi phí nấu chảy, nồi sắt mới dần trở nên phổ biến trong dân gian, các món xào cũng theo đó xuất hiện.
Thi Yến Vi cảm thấy thú vị liền nán lại trên băng ghế nghe bọn họ nói ra nói vào. Nhắc đến thế cuộc hiện giờ, một người trong số đó nói rằng dạo gần đây phương nam không quá yên ổn, quân Tuyên Võ đã công phá Thân Châu, tiến về phía nam mưu đồ Ngạc Nhạc.
Đúng như lời Tiết phu nhân nói, phương bắc nhờ có Tống Hành tọa trấn mới được hưởng thái bình. Thủ phủ Hà Đông của Thái Nguyên đương nhiên càng vững như bàn thạch, nàng không nhất thiết phải vội vàng rời khỏi Thái Nguyên, bỏ đi nơi khác.
Huống chi nàng đã chính miệng từ chối cọc nhân duyên này, Tống Hành thân phận cao quý, hắn không đến mức phải sử dụng thủ đoạn bỉ ổi cường đoạt dân nữ nhà lành. Cho dù là hắn nhất thời hồ đồ, Tiết phu nhân cũng sẽ không ngồi yên mà không để ý đến, ắt có cách để khuyên ngăn hắn từ bỏ.
Nghĩ sâu xa hơn, hắn không lý gì lại hồ đồ đến mức đó. Chỉ cần Tiết phu nhân nói rõ nàng không nguyện ý làm thiếp cho hắn, hắn nhất định sẽ thu lại tâm tư kia, tìm một hai nữ lang cam tâm tình nguyện nạp vào phủ.
Quyết định xong, nàng sẽ ăn cơm nghỉ ngơi thêm một hai ngày, sau đó sẽ vào thành Thái Nguyên tìm việc.
Tới ngày thứ năm, nàng thực sự đã tìm được một công việc thích hợp, đó là làm các món điểm tâm đồ ăn nhẹ ở phòng bếp tửu quán.
Tửu quán kia được đặt tên là Thanh Phong Phố, do bốn vị nữ lang khoảng độ hai mươi tuổi hùn vốn mở ra, đã thuê được vài tên tiểu nhị cùng đầu bếp, bốn gã hộ vệ. Vì nữ lang chuyên làm điểm tâm tháng trước đã gả tới Lam Châu nên vị trí này ở phòng bếp vẫn còn đang để trống.
Đại chủ nhân ở Thanh Phong Phố được xưng là Thôi Tam nương, sau một hồi chọn tới chọn lui vẫn không thể tìm ra ứng viên thập phần vừa ý. Đến hôm nay, nếm được món điểm tâm trà xanh do Thi Yến Vi tự tay làm, quyết định chọn người ngay lập tức, lại nghe Thi Yến Vi không phải người trong thành Thái Nguyên nên cực kỳ hào phóng, sai người dọn một gian phòng riêng để nàng tiện bề ở lại.
Thi Yến Vi quay lại khách điếm lấy hành lý nữ trang rồi ở lại trà phường ngay đêm đó, hôm sau nàng tỉnh dậy từ giờ Mão, đúng giờ Thìn thì bắt tay vào làm việc.
Nhị chủ nhân Liễu Tam nương tinh thông đàn tranh, mỗi ngày đều lên đài giúp đỡ việc kinh doanh nên cũng lôi kéo được không ít lang quân nữ lang muốn nghe nàng điểm khúc. Mỗi khi rảnh rỗi bọn họ sẽ ghé tới, gọi một bình rượu ngon một tách trà thơm, một dĩa điểm tâm lót dạ rồi khoanh chân nghe một hai điểm khúc, âu cũng là chuyện văn nhã.
Tam chủ nhân Hoàng Tứ nương là người giỏi tính toán, chưởng quản việc thu chi sổ sách ở trà phường. Cuối ngày sau khi tiệm đóng cửa sẽ đối chiếu lại các khoản, ghi chép đầy đủ vào sổ.
Tứ chủ nhân Trương Nhị nương là người hoạt ngôn, khéo ăn khéo nói, thường xuyên giao hảo bên ngoài mua các loại nguyên liệu như rượu, lá trà hoặc trái cây, phần lớn thời gian đều không ở trong tiệm nên số lần Thi Yến Vi gặp được nàng cũng đếm trên đầu ngón tay.
Chiều hôm đó trời mưa to, trong quán chỉ rải rác vài vị khách nhân, mãi đến đêm mà mưa vẫn chưa ngớt, Liễu Tam nương tức cảnh sinh ý liền sáng tác một khúc nhạc mới, vì Thôi Tam nương lẫn Hoàng Tứ nương đều bận việc riêng liền đến tìm Thi Yến Vi.
Thi Yến Vi nghe xong vỗ tay tán thưởng, hai người vui vẻ trò chuyện với nhau. Liễu Tam nương thấy nàng phân tích mạch lạc liền biết nàng không phải người không hiểu gì về âm luật, bèn hỏi nàng có biết đánh đàn không.
“Ta chưa từng được học đàn tranh, chỉ biết chút ít về tỳ bà.”
Liễu Tam nương cười nói: “Vừa hay Nhị nương có một cây tỳ bà mới học mấy ngày đã bỏ ngang, để lâu ngày sợ đều đã bám bụi, chi bằng để ta đi lấy, cô hợp tấu với ta khúc “Mạch tang?” có được không?”
“Mạch tang” là một khúc đàn tranh được nhạc phủ tuyển chọn lại từ thời Hán và cũng có thể được tấu trên đàn tỳ bà. Thi Yến Vi cũng từng học qua nhưng vì không luyện tập nhiều nên đã quên từ lâu, đành ngượng ngùng hỏi Liễu Tam nương nàng cần đến phổ khúc, cũng cần tập luyện riêng trước đã.
Liễu Tam nương thấy nàng có vẻ không quen tay liền cười bảo nàng không cần gấp, hai ngày sau rồi hợp tấu cũng không muộn.
Thi Yến Vi gật đầu đáp ứng, mỉm cười tiễn người đến tận cửa rồi tự nấu nướng ấm rửa mặt thay y phục, một đêm yên bình cứ thế lặng lẽ trôi qua.
Về phần Tống Hành sau khi gặp mặt sứ giả Khiết Đan ở Quỳ Châu đã dùng toàn bộ gia súc mà Khiết Đan dùng để chuộc lấy Gia Luật Thạch, phân phát cho dân chúng bị mất thân nhân tài sản trong thành, riêng ngựa được xung làm chiến mã trong quân.
Sau khi xong việc ở Quỳ Châu, hắn vòng tới U Châu tuần tra một lượt, lúc về đến Thái Nguyên đã là cuối tháng tư.
Tống Hành cưỡi ngựa hồi phủ, còn chưa kịp cởi áo giáp đã xoay người xuống ngựa, sải bước tới gặp Tiết phu nhân.
Tiết phu nhân đứng trên bậc đá xanh, thấy ánh mắt hắn dao động bất định dường như muốn tìm kiếm ai đó. Bà đương nhiên biết người hắn muốn gặp là người nào, khẽ thở dài, nụ cười trên mặt không còn được tự nhiên như trước, nâng tay vỗ nhẹ vào cánh tay hắn qua lớp thiết giáp, bảo hắn vào phủ trước.
Tống Hành cưỡi ngựa hành quân liên tục trong nhiều ngày, cả người ám mùi mồ hôi, đến viện của Tiết phu nhân xong liền trở lại Thối Hàn cư tắm rửa, nghỉ ngơi thêm một lúc cũng không gọi nước nóng mà chỉ sai người đưa nước giếng lạnh vào.
Phùng Quý thấy ánh mắt ngài đầy vẻ mong đợi, do dự không dám chủ động nhắc đến tin Dương nương tử rời phủ. Tống Hành hỏi Phùng Quý sao không thấy Dương nương tử đâu như lần trước, Phùng Quý ấp úng đáp hắn quên phái người đi hỏi, lòng thầm nghĩ lát nữa ngài gặp được Thái phu nhân cũng sẽ biết mà thôi.
Tống Hành mơ hồ nhận ra điều gì nhưng hắn không dám tin, từ quyền thế địa vị đến tướng mạo dáng vẻ hắn thực sự không chê vào đâu được, trong khi Dương Sở Âm chỉ là nữ lang mồ côi thân cô thế cô, không lý nào nàng lại cự tuyệt hắn.
Bởi vì tâm sự chồng chất, hắn thong thả cởi áo bước vào thùng tắm, hơi lạnh từ nước giếng xua đi cảm giác nóng bức trên da thịt nhưng lại không thể đuổi đi cảm giác khô rát thổn thức trong lòng.
Tắm rửa qua loa xong, hắn thay thường phục sạch sẽ, bước chân sinh ra cơn lốc, đi thẳng về Thúy Trúc cư.
Thấy hắn lo lắng không yên bước tới, Tiết phu nhân khẽ thở dài một hơi, còn không đợi hắn mở miệng hỏi đã giành trước một bước, trầm giọng nói: “Nhị lang à, Dương nương tử không muốn làm thiếp cho cháu, ngày thứ hai sau khi cháu đi nàng cũng rời phủ…”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.