*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Bên trong Thúy Trúc cư đã được dựng sẵn một sân khấu nhỏ, ca kỹ được mời tới từ Giáo Phường Tư lúc này đang đứng chờ ở sương phòng.
Thi Yến Vi chậm rãi đi vào, đặt hộp thức ăn lên án, chắp tay trước ngực uốn gối hành lễ với Tiết phu nhân, giọng điệu dịu dàng. “Thái phu nhân vạn phúc.”
Tiết phu nhân vẻ mặt tươi cười, ngữ điệu ôn hòa: “Gì cần phải khách khí thế, cháu mau ngồi xuống cạnh Nhị nương đi.”
Dứt lời, Thi Yến Vi nhẹ giọng đáp một tiếng, tiện đà xoay người ngồi xuống ghế bên phải.
Tống Thanh Hòa thấy nàng tới, liền cùng hai nữ lang cẩm y hoa bên cạnh đứng dậy, chào hỏi Thi Yến Vi.
Trong đó có một người mặt như hoa đào, mày tựa liễu, mặc váy đỏ thạch lưu chỉ vàng. Nàng là biểu tỷ của Tống Thanh Hòa, Lâm Nhị nương Lâm Oánh, vẫn thường đến làm khách ở phủ.
Thi Yến Vi không nhận ra người còn lại. Nàng ấy mặt mày khả ái như hải đường, mày dài như núi xanh, da thịt trắng nõn như mỡ dê, kim thoa lấp lánh cài trên đỉnh đầu, cử chỉ đoan trang văn nhã, không cần hỏi cũng biết, nhất định là nữ lang xuất thân từ thế gia đại tộc.
Thi Yến Vi vén váy ngồi xuống ghế, vừa nhướn mắt lên đã thấy thân ảnh cao lớn đĩnh bạt của Tống Hành đập vào mắt. Hắn dẫn theo hai tỳ nữ mi thanh mục tú vẻ mặt lãnh đạm đến trước mặt Tiết phu nhân, đi lướt qua Tống Thanh Hòa, phảng phất như tiến vào từ đằng sau nàng.
Thân ảnh kia càng sát lại gần, Thi Yến Vi càng không hiểu vì sao nàng tự nhiên sinh ra cảm giác không thoải mái. Nàng cùng đám Tống Thanh Hòa máy móc đứng dậy, chắp tay trước ngực thi lễ với Tống Hành.
Chợt nghe Tống Thanh Hòa ngọt ngào mà gọi hắn là “Nhị huynh”, sau đó nàng nhiệt tình giới thiệu Thi Yến Vi với hắn: “Vị này là tiểu muội của ân nhân cứu mạng Tam huynh, họ Dương, tên là Sở Âm, mọi người trong phủ đều gọi nàng là Dương nương tử. Trước đây Nhị huynh đã từng gặp nàng chưa?”
Dương Sở Âm, tên này cũng không tầm thường. Tống Hành hơi ghé mắt, nhàn nhạt nói ra hai chữ: “Chưa từng.”
Thi Yến Vi vì câu nói dối này của hắn mà hơi ngước mắt, đập vào mắt lang quân anh tuấn như bảo đao, mắt sâu như núi, dưới mày kiếm là mũi cao môi mỏng, hoàn toàn không có nửa điểm tục tằng như thân hình khiến người ta sợ hãi, nhưng người này quanh năm lên chiến trường chém giết, lòng bàn tay dính máu tươi của không biết bao người nên quanh thân mơ hồ lộ ra cỗ khí tức ngoan độc trang nghiêm, nếu lại không thích nói cười thì e rằng khó để người ta dám có ý thân cận.
Hắn lúc này vẫn mang dáng vẻ trầm tĩnh như sương, làm như thể hai người chưa từng gặp nhau trong cơn mưa dưới vườn xuân ngày đó.
Loại người mang tâm tư thâm trầm thế này vẫn nên kính nhi viễn chi. Thi Yến Vi hạ quyết tâm, sau khi ngồi xuống liền không hề để ý đến hành động tiếp theo của hắn nữa, nâng chén trà bạch sứ lên nhấp một ngụm nước trà giải khát.
Tống Hành thấy nàng ngồi xuống, vẻ mặt vô cảm dời đi ánh mắt, phất tay ý bảo tỳ nữ phía sau dâng đồ trình lên.
Quất Bạch mang hộp gỗ dàn sơn son đi trước, cất giọng nói nhỏ: “Là một đôi nam châu Hợp Phố.” [1]
[1][1] Hợp Phố là một quận xưa của đất Giao Châu phía Nam Trung Quốc, cũng là nơi sản xuất ngọc trai nổi tiếng.
Dứt lời nàng liền mở chiếc hộp vuông chạm khắc bằng gỗ lê ra, hai viên ngọc trai trắng tinh tròn trịa không tì vết, lớn bằng trân châu long nhãn lập tức xuất hiện trong tầm mắt mọi người.
Viên trân châu lớn cỡ này hẳn là lấy từ những con trai già nằm sâu dưới đáy biển, kể cả có tiền cũng chưa chắc đã mua được, cũng không biết hắn tìm được đôi trân châu giá trị ngàn vàng này ở đâu.
Trước đây Thi Yến Vi từng nhìn thấy cách người ta nuôi cấy ngọc trai biển nhân tạo cỡ lớn trên app mua sắm, hôm nay được thấy tận mắt thì đương nhiên vẫn xem như được mở mang tầm mắt.
Trong lúc kinh ngạc, Thi Yến Vi không khỏi cảm thán: Giới quyền quý thật biết cách hưởng lạc, nhưng đằng sau những thứ kỳ trân dị bảo này không biết ngưng tụ bao nhiêu máu cùng nước mắt bá tánh.
Nghĩ đến đây, đôi lông mày thúy vũ của Thi Yến Vi hơi cau lại nhưng chỉ thoảng qua trong chớp mắt, nàng sợ người khác nhận ra linh hồn chân thật đang ẩn giấu trong lớp xương cốt này.
Hứng thú thoáng chốc giảm hơn phân nửa, Thi Yến Vi đặt tách trà xuống, vê tròn một viên táo đỏ giữa những đầu ngón tay trắng xanh thì nghe giọng nữ khác đọc lên: “Một đôi vòng ngọc nạm vàng.”
Thi Yến Vi không còn tâm trạng đến xem những đồ vật hiếm lạ kia nữa, nàng rũ mắt đưa táo đỏ vào miệng.
Không ai hay biết Tống Hành đang lặng lặng nhìn cảnh tượng này, lòng hắn càng ngạc nhiên hơn. Tiểu muội nhà hắn đã không giấu được ánh mắt vui mừng khi vừa thấy nam châu, nhưng còn vị nữ lang trước mặt này? Chẳng hiểu sao lại là cảm giác thương xót pha lẫn cùng phiền muộn.
Một lúc sau, phu thê Tống Minh cùng Cao phu nhân mang theo tỳ nữ tiến vào, trước hết là bái kiến Tiết phu nhân. Tống Hành tự mình ngồi xuống ghế đầu dành cho nam khách.
Tống Minh cả ngày nhàn rỗi ở nhà, chính sự không thông nhưng trọng sắc túng dục, trong phòng cơ thiếp thành đàn. Vì nguyên do này mà quan hệ giữa Cao phu nhân và hắn không được xem là tốt, không muốn quấy rầy lẫn nhau nên đã phân phòng nhiều năm, trước giờ chỉ nhìn chứ chưa từng xé rách mặt mũi.
Tống Thanh Hòa cũng đã nghe nói về “cha tốt” này của nàng, hơn nữa Tống Hành và Tiết phu nhân còn thường xuyên ân cần dặn dò nếu không có việc gì thì không cần đến viện của cha, dù nàng ngu dốt vụng về đến đâu thì cũng biết những tin đồn đó không phải không có căn cứ.
Từ trước đến nay Cao phu nhân ở chung với ông ta thêm một khắc cũng ngại bẩn, liền lập tức ngồi xuống cạnh Tống Thanh Hòa, cố nén ghê tởm nghe hắn nói xong hai câu chúc mừng rồi khuyên hắn nhanh nhanh ngồi xuống.
Tống Minh định về bàn dành cho nam khách thì thấy Tống Hành đang ngồi chình ình ở ghế đầu, trong lòng có chút không vui, tuy rằng hắn kế thừa quan chức của đại ca Tống Giới cùng địa vị gia chủ, nhưng rốt cuộc vẫn là vãn bối, nên giống Tam lang gọi hắn một tiếng thúc phụ, giờ dám tùy tiện ngồi vào vị trí đầu tiên, trong mắt hắn liệu có còn vị thúc phụ này không?
“Thúc phụ.” Tống Hành từ từ đứng dậy, chắp tay trước ngực hành lễ.
Dù trong lòng Tống Minh cực kỳ bất mãn nhưng ngoài mặt vẫn gắng nặn ra ý cười, ha hả đáp. “Đã là người nhà, Nhị Lang cần gì phải đa lễ như vậy.” Nói xong ngồi xuống vị trí thứ hai.
Mấy ngày trước, khi Thi Yến Vi đang ngắm đàn vịt trời bơi trong hồ thì có lần nàng đã gặp được Tống Minh. Nàng mơ hồ cảm giác được ai đó cách đây không xa đang lén lút nhìn mình, quay đầu tìm quanh thì thấy thân ảnh cao lớn vạm vỡ của Tống Minh lọt vào mắt. Ánh mắt háo sắc dán chặt vào người ấy khiến nàng thật sự không thoải mái, sau khi lễ phép khom người thi lễ xong, Thi Yến Vi liền bỏ đi ngay trước mặt hắn.
Giờ nhớ lại ánh mắt hắn khi đó vẫn khiến Thi Yến Vi có cảm giác khó chịu như nuốt phải ruồi bọ, nàng đành vươn tay lấy một viên anh đào tất la đường đưa vào miệng.
Cuối cùng là Tống Tam lang đến cùng Thập Nhất nương, phu thê hai người cầm tay nhau bước vào, cử chỉ thân mật khó diễn tả bằng lời.
Tống Tam lang sủng ái đường muội Tống Thanh Hòa bằng cả tấm lòng, tuy không chi mạnh tay bằng Tống Hành nhưng cũng thập phần hào phóng.
Yến tiệc bắt đầu, đầu tiên Tiết phu nhân bảo Tống Thanh Hòa chọn ra điểm khúc. Vì Tống Thanh Hòa thích đọc Bắc triều sử, ngưỡng mộ đại trượng phu như Lan Lăng vương Cao Trường Cung nên chọn ngay “Lan Lăng vương nhập trận khúc”.
Trước đây Thi Yến Vi chỉ được biết về ca vũ này thông qua tiểu thuyết và phim ảnh nhưng chưa từng tận mắt được xem, giờ nghe Tống Thanh Hòa chọn ra bài này thì hết sức mong đợi.
Lúc đang phân tâm thì chợt nghe Tiết phu nhân ngồi phía trên cười gọi nàng: “Dương nương tử, cháu là khách quý trong phủ, cũng chọn ra một khúc muốn xem đi.”
Tỳ nữ nghe vậy, xoay người đưa danh mục ra cho Thi Yến Vi xem.
Thi Yến Vi cúi đầu nhìn danh mục, bị “Nghê thường vũ y khúc” hấp dẫn, liền lên tiếng chỉ điểm.
Thời Tiết phu nhân còn trẻ nhích nhất là nghe bài nhạc này, cười nói: “Dương nương tử kỳ thật lại có chung suy nghĩ với lão thân, cháu đã chọn thay lão thân thì bài thứ ba hãy để Nhị Lang vừa thắng trận cách đây không lâu chọn đi.”
Vì thế kia tỳ nữ lại đem danh mục trình đến trước mặt Tống Hành.
Đôi mắt hạnh hiền từ của Tiết phu nhân dừng lại trên người Tống Hành rất lâu, cẩn thận quan sát xem hắn có đặc biệt để tâm đến Dương Sở Âm không. Nhưng từ lúc hắn ngồi vào chỗ thì chưa từng liếc mắt nhìn nàng lấy một lần, ngay cả khi bà cố ý mở miệng nhắc đến Dương Sở Âm, hắn cũng chưa từng nhướn mắt lên nhìn, xem ra đối với nàng không hề hứng thú.
Kết quả như vậy nhưng Tiết phu nhân cũng không thấy tiếc. Bà vốn không hề chắc chắn, âm thầm cân nhắc nếu Nhị lang nhìn trúng nàng, để nàng làm thiếp cho hắn chỉ sợ nàng tủi thân, nhưng nếu trở thành chính thê thì so ra, nàng rốt cuộc cũng chỉ là bé gái mồ côi không nơi nương tựa.
Dù sao cũng không hẳn không có người để chọn. Nếu Nhị lang không được thì vẫn còn Trương Tam lang, Lý Tứ lang hoặc Vương Ngũ lang, biết đâu được vận may lớn nào khác còn đang đợi nàng phía trước.
Ngay khi Tiết phu nhân vừa hạ quyết tâm, Tống Hành đã tùy ý chọn ra bài “Tần vương phá trận nhạc.”
Đợi mọi người chọn nhạc xong thì cổ giả, [2] tỳ bà kĩ, cầm kĩ cùng vào vũ cơ mang mặt nạ cùng bước lên đài.
[2][2] cổ giả: người chơi trống
Tiếng nhạc phát ra từ dây đàn, vũ cơ dựa vào âm điệu bắt đầu nhảy múa, lúc đầu giai điệu chậm rãi trầm lắng, như sóng nước bị băng giá cản trở, bầu không khí ngưng trọng, đột nhiên tiếng trống vang lên, thanh âm từ dây đàn cao vút, như kỵ binh mang trọng giáp cưỡi khoái mã, lưỡi đao va vào nhau, phát ra từng tiếng leng keng hữu lực của đá vàng ngọc vỡ.
Một nửa số nến bị tắt đi, giữa ánh đèn mông lung, vũ cơ lấy ra một chiếc áo hở cổ tay lửng màu đỏ thẫm từ tay áo bào rộng, vũ y màu trắng đồng nhất ban đầu thoáng chốc biến thành thượng hồng hạ bạch. Những ngọn nến sắp tắt lại bùng cháy lần nữa, vũ cơ dẫm chân theo nhịp, dồn dập nặng nề, làn váy tuyết trắng bay tán loạn như sóng nước, hai tay thon dài tùy ý thả lỏng, mềm mại nhưng hữu lực.
Thi Yến Vi bị tiếng đàn cùng vũ điệu mê hoặc, phảng phất như lạc vào mộng cảnh, bên trong là chiến trường cổ xưa ngàn vạn năm trước, chỉ cảm thấy kinh tâm động phách, thần hồn phiêu đãng.
So với Thi Yến Vi đang cảm thấy si mê thì Tống Hành bình thản hơn rất nhiều. Hắn đã xem vũ khúc này không dưới mười lần, lại có kinh nghiệm trên sa trường nên cũng không mấy hứng thú.
Vừa rồi Tiết phu nhân vẫn luôn âm thầm nhìn trộm hắn nhưng giờ chỉ tập trung xem ca vũ, Tống Hành đảo mắt nhìn sang mấy lần đều thấy bà không còn để ý đến hắn nhiều như trước. Hắn lấy lại tinh thần, nâng chén kim bôi hoa văn kháp ti [3] uống cùng Tống Duật.
[3][3] hoa văn kháp ti là kiểu hoa văn làm theo kiểu ngăn chia ô hộc. (Chú thích hình ảnh đặt ở cuối chương)
Khúc tất vũ đình, (nhạc dừng ngừng múa) mọi người vỗ tay trầm trồ khen hay, ca kỹ lần lượt đi xuống sân khấu, đến sương phòng thay y phục chuẩn bị cho khúc nhạc tiếp theo.
Chẳng mấy khi mới có cơ hội, Tống Thanh Hòa tự rót cho mình một ly rượu hoa đào, đứng dậy nâng chén kính mọi người, sau đó kề sát miệng thơm uống hơn phân nửa. Thi Yến Vi có nỗi lòng riêng, tửu lượng lại kém, nàng không dám uống nhiều nên chỉ uống nửa ly.
Vừa mới hết thời gian khoảng độ chun trà, lại có tỳ bà kĩ và vũ cơ lên sân khấu. Khác với trang phục của khúc nhạc trước đó, màn biểu diễn lần này các vũ cơ đều mặc váy lụa xanh biếc, tay áo rộng như phiến quạt, vạt áo phiêu diêu, áo khoác tay lửng mỏng đính lông trắng, tóc búi kiểu phi tiên kế [4] cài hoa điền vũ thoa làm trang sức, dáng người cao gầy yểu điệu, tú mỹ như tiên nga Thiên cung.
[4][4] (Chú thích hình ảnh đặt ở cuối chương)
Tiếng đàn du dương êm dịu, lại giống như hạt châu rơi vào mâm ngọc, ngọc nát côn sơn; vũ tư uyển chuyển tuyệt diệu, nhìn như chim yến tựa sào, eo thon tựa liễu.
Thi Yến Vi sáng mắt, chỉ ngây ngốc nhìn kỹ thuật của tỳ bà kĩ trên đài cùng dáng múa của vũ cơ. Nàng chưa từng phát hiện ra có một người đang xuyên qua những người chung quanh, dùng ánh mắt dò xét tỉ mỉ đánh giá nàng.
Lọt vào mắt hắn là nữ lang có mái tóc đen dày như mây, bướm bạc phát sáng, trâm hoa cắm nghiêng. Nàng mặc áo trực lĩnh tay lửng hoa văn cát tường phủ bên trong váy xếp ly eo cao hoa văn tròn nhỏ, khiến cho vòng eo thon nhỏ càng có vẻ dễ dàng ôm trọn chỉ bằng nắm tay, mi dài đen nhánh mắt long lanh, mặt như hải đường môi đỏ thắm, da trắng thắng tuyết, chẳng khác nào tiên tử từ cung Quảng Hàn trên cung trăng theo đường hoa hạ phàm.
Mắt phượng Tống Hành híp lại, ngửa đầu uống cạn rượu ngon trong chén, đứng dậy lặng lẽ rời khỏi không một tiếng động.
Vũ khúc hoàn tất, tiếng vỗ tay lại vang lên. Tiết phu nhân nhận ra Tống Hành không biết đã rời đi từ khi nào.
Xem ra không nhìn trúng người ta nửa phân.
Tiết phu nhân nghiêng đầu nhìn Thi Yến Vi, không khỏi khẽ thở dài, thầm nghĩ trong lòng: Nữ lang có tư dung bậc này ấy vậy mà vẫn chẳng thể lọt vào mắt hắn, không lẽ hắn thực sự muốn chờ để cưới được nữ lang tuyệt sắc hiếm có trên đời sao?
Không trung trăng sáng ngang trời, hoa thơm trong viện ngời ngời nét xuân.
Tống Hành đứng dưới tàng hoa, hóng gió ngắm trăng, đợi đến khi bên trong truyền ra tiếng cầm sắt hợp tấu “Khúc phá trận”, lúc này hắn mới xoay người quay về.
Tiết phu nhân thấy hắn quay lại lúc này mới thoáng yên tâm. Bà chợt thấp giọng phân phó Sơ Vũ đang đứng cạnh đến hỏi thăm hắn có phải đã uống nhiều rượu không và liệu có cần dùng đến chút canh giải rượu.
Sơ Vũ làm theo lệnh của Tiết phu nhân, nhẹ nhàng tiến về phía hắn. Tống Hành đáp vừa rồi hắn thấy trong phòng ngột ngạt nên mới ra ngoài hóng gió, không cần dùng đến canh giải rượu.
Tiết phu nhân thấy hắn không có vẻ gì bất thường, nhớ ra Tam lang từng nói hắn là người ngàn ly không say, mặt bà lộ ra ý cười, lại nghĩ đến Nhị nương giờ đã mười sáu tuổi cũng nên tìm một nhà phù hợp, định bụng chờ đến khi thời tiết ấm dần lên sẽ ra ngoại thành tổ chức một trận mã cầu, mời thêm một số nữ lang, lang quân rồi nhân cơ hội đó chọn lấy vài người hợp mắt.
Lúc biểu diễn xong toàn bộ vũ khúc thì ngoài cửa sổ, bóng đêm càng lúc càng dày đặc. Mọi người tùy ý tản đi. Khỏi phải nhắc thì Tống Thanh Hòa cũng sẽ đích thân dẫn vị nữ lang kia ra ngoài phủ.
Tống Hành về lại Thối Hàn cư. Phùng Quý đứng trước mái hiên xem diều hâu rỉ lông, thấy gia chủ về thì chạy vội đến đón, nói có chuyện cần bẩm báo.
Quất Bạch, Thương Lục thấy thế, thức thời lui cả ra ngoài. Tống Hành lập tức đi vào thư phòng, Phùng Quý vội vàng đuổi theo, đợi đến khi hắn bẩm báo xong, Tống Hành không hạ lệnh gì thêm mà chỉ hỏi hắn chuyện về Dương nương tử.
*
Chú thích hình ảnh:
[3] hoa văn kháp ti:
[4] kiểu búi phi tiên kế