*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Trong căn phòng chính, ngọn lửa lan mạnh với tốc độ cực nhanh, chỉ bằng sức lực của nàng mà muốn thoát ra khỏi đây thì nói quả là dễ hơn làm, không thể không nhờ vào sự trợ giúp từ bên ngoài.
Trong lúc hoảng loạn, nàng chợt nhớ ra rằng đêm nay Tống Hành quá chén giờ vẫn đang nằm trên giường ở phòng trong, liền dựa vào kiến thức đã học ở hiện đại, cuống cuồng rút chiếc khăn tay, nhúng nước bịt kín mũi miệng, khom người bưng trà vào trong phòng hắt thẳng vào mặt Tống Hành, đánh thức hắn dậy.
Tống Hành lập tức bị nước trà dội tỉnh, còn chưa kịp nổi giận hỏi xem là ai chán sống dám cả gan tạt nước vào mặt hắn thì đã bị làn khói dày đặc xộc vào, ho sặc sụa liền hai tiếng.
Thi Yến Vi vội vàng đưa cho hắn một chiếc khăn khác để che mũi miệng, lớn tiếng nhắc nhở: “Gia chủ, trong phòng xảy ra hỏa hoạn, nếu chúng ta còn không ra ngoài ngay, e rằng khó bảo toàn tính mạng.”
Không cần nàng nói thì Tống Hành cũng đã thấy ánh lửa ngùn ngụt thiêu đốt ở bên ngoài, chẳng kịp suy nghĩ gì nhiều, hắn lấy áo choàng trên giá bọc kín người cho Thi Yến Vi, bản thân hắn thì chỉ mặc món trung y xộc xệch, ôm lấy nàng nhanh chóng ra khỏi phòng. Tống Hành không ngại lửa bén vào người mà dường như đang tìm kiếm lối cửa sổ nơi lửa không lan tới quá mạnh, vận sức bình sinh đạp ngã cánh cửa rồi bảo vệ Thi Yến Vi thoát ra ngoài trước khi xà ngang sập xuống.
Hai người chạy ra ngoài, lúc này mới phát hiện ra tòa phủ đệ đều đã chìm vào biển lửa, điều càng khiến người ta sợ hãi là tiếng chém giết vang vọng khắp nơi, chỉ trong nháy mắt, nhiều mũi tên dài đã bắn thẳng về phía hai người. Tống Hành nhanh tay lẹ mắt, ôm lấy vòng eo mảnh mai của Thi Yến Vi, tránh khỏi từng mũi tên một.
Càng lúc càng có nhiều mũi tên từ trên tường bắn tới, Thi Yến Vi sợ tới mức tứ chi như nhũn cả ra, mồ hôi lạnh túa ra liên tục, mặc kệ sự chán ghét xuất phát từ nội tâm thì bản năng sinh tồn vẫn khiến nàng không còn cách nào khác ngoài vô thức bám chặt lưng Tống Hành.
Lúc này Tống Hành không có món binh khí nào trong tay, đương nhiên khó có thể ngăn cản.
Hai người mới vừa tránh khỏi một đợt loạn tiễn thì bỗng, lại có ám tiễn nhắm thẳng về phía Thi Yến Vi, mắt thấy sắp sửa xuyên vào vai nàng, Tống Hành chẳng màng nghĩ ngợi đã nhanh như cắt, dùng tay không chụp lấy mũi tên. Mũi tên sắc nhọn xé toạc lòng bàn tay hắn, máu tươi đỏ thẫm tuôn ra xối xả.
Chính ngay lúc này, Trình Diễm cùng tốp tinh binh đã tìm tới.
“Tiết soái.” Viên sĩ quan dáng vẻ cao gầy vội vội vàng vàng đưa cho Tống Hành một thanh trường kiếm, thần sắc lo lắng nói: “Hỏa hoạn ở quý phủ là do hỏa tiễn bọc vải dầu gây ra, hiện đã có không ít binh lính hoặc vây trong phòng, hoặc táng thân biển lửa, số còn lại trốn ra được thì lại bị đối phương bắn chết. Cả thành Trường An đều không phải nơi an toàn, Tiết soái cần phải nhanh chóng rút lui.”
Còn chưa dứt lời, khoảng hai mươi đến ba mươi hắc y nhân che kín mặt đã vận công vượt qua sân viện, nhắm thẳng vào nơi họ đang đứng. Tống Hành giơ tay chỉ vào núi đá cách đó không xa, nghiêng mặt nhìn Thi Yến Vi, thấp giọng nói: “Trước hết nương tử hãy tránh sau tảng đá đó, đợi ta giải quyết xong bọn tặc nhân này, nhất định sẽ bảo vệ nàng thoát khỏi đây bình an vô sự.”
Thi Yến Vi nghe vậy, vội vàng gật mạnh đầu, buông hắn ra cả người run rẩy chạy ra sau núi đá ẩn nấp. Nàng còn chưa kịp đứng vững thì đã thấy Tống Hành cùng nhóm thích khách mặc áo đen lao vào giao chiến.
Bên ngoài tường viện, ám tiễn cùng hỏa tiễn không ngừng bắn tới, quỷ phủ ngập trong ánh lửa ngút trời, tình thế không mấy lạc quan.
Trong lúc song phương đang chém giết giằng co, thì bất ngờ thay một cơn cuồng phong không báo trước kéo đến, mây đen che khuất mặt trăng, từng giọt mưa to bằng hạt đậu theo gió lớn ào ào trút xuống, ngọn lửa nhanh chóng được khống chế, ngày càng có nhiều Hà Đông quân thoát ra khỏi biển lửa.
Quả nhiên, ông trời không tuyệt đường của Tống Hành.
Thân hình nhỏ bé của Thi Yến Vi vẫn đang ẩn nấp sau núi đá, trong đầu bất giác hiện lên một câu, tâm trí nàng cùng vì thế mà trở nên hỗn loạn.
Nàng không muốn làm thiếp của Tống Hành, càng không muốn sinh con đẻ cái cho hắn.
Nàng tuyệt đối không thể theo hắn về Thái Nguyên.
Nghĩ đến đây, Thi Yến Vi kéo chặt chiếc áo choàng lông hạc huyền sắc trên người, cố gắng nương mình trong màn đêm bất tận, men theo bờ tường thoát ra theo lối cửa hông ở hậu viện, ném hết những đau đớn khó chịu ở chân và đầu gối ra sau đầu, chạy một mạch về phía thạch đình nổi trên mặt nước, nơi nàng và Oanh Nhi từng ghé đến.
Rất lâu sau đó, Tống Hành đỏ ngầu hai mắt ngừng cuộc chém giết, vẻ mặt lạnh tanh nhìn đám tử sĩ lần lượt ngã xuống, máu tươi hòa lẫn cùng nước mưa chảy dọc theo lưỡi kiếm trong tay hắn, nhỏ từng giọt tạo thành vũng nước nông, mùi máu bốc lên tanh tưởi.
Máu nóng nhuộm đỏ trung y màu bạch nguyệt, vì sợ sẽ dọa đến Thi Yến Vi, Tống Hành cẩn thận nâng ống tay áo lên đi vết máu trên gương mặt, sau đó mới từng bước một tiến về phía núi đá.
Giữa bóng đêm đen kịt, một tia sét từ trên không trung giáng xuống, chiếu sáng toàn bộ viện tử chỉ trong chốc lát. Tống Hành nhân lúc luồng sáng bùng lên, chăm chú nhìn nhưng chỉ thấy phía sau núi đá trống không, nửa bóng người cũng không hiện rõ, càng không có để lộ dấu vết của bất kỳ cuộc giao đấu nào.
Tống Hành trợn trừng con mắt, trong giây lát cứ như người mất hồn, đợi đến khi hắn kịp có phản ứng thì thảng thốt như vừa gặp sét đánh giữa trời quang.
Trong lúc hắn sống mái với đám tử sĩ kia, Dương Sở Âm lại dám bỏ mặc hắn, lặng lẽ bỏ chạy.
Nàng sao dám!
Rõ ràng đêm qua nàng còn cuộn người nằm trong vòng tay hắn, nhỏ nhẹ nói rằng nàng nguyện ý gả cho hắn làm nhũ nhân.
Thì ra, tất cả đều chỉ để lừa gạt!
Ấy vậy mà vừa nãy, ma xui quỷ ám thế nào, hắn lại dám dùng tay không đỡ thay nàng mũi tên sắc bén…
Đúng là tự mình đa tình, buồn cười đến cực điểm.
Phẫn nộ hoài nghi, không cam lòng, tự giễu… Nhiều loại cảm xúc khác nhau đồng thời xông thẳng lên đỉnh đầu Tống Hành, gân xanh trên trán hắn nổi lên, mắt phượng lạnh lẽo làm người ta sợ hãi, ngón tay nắm chặt thành quyền, các khớp ngón tay cạ vào nhau phát ra tiếng vang răng rắc, hắn nghiến răng nghiến lợi, muốn gọi người theo hắn tìm nàng.
Trình Diễm thấy thế sợ hắn giận quá mất khôn bỏ quên đại cục, vội vàng tiến lên khuyên nhủ: “Tình thế nguy cấp, Tiết soái chớ vì một tiểu nữ lang mà làm rối đại cục; hơn nữa, nàng đã bỏ mặc Tiết soái mà đi, nếu Tiết soái không màng đến tính mạng mà đi tìm nàng, chẳng phải sẽ tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm hay sao? Bắc địa còn cần Tiết soái trấn thủ, vạn mong Tiết soái cân nhắc.”
Tống Hành nghe hắn nói xong, cảm xúc mới dần bình ổn, lý trí cũng vì thế trở về.
Nhưng nếu nàng bị người ta bắt đi thì sao? Tống Hành quan tâm tắc loạn, đang muốn tự lừa gạt bằng cách này thì đã bị Trình Diễm thẳng thừng dập tắt ảo tưởng: “Nếu nương tử thật sự là bị tặc nhân bắt đi thì ban nãy chúng đã dùng nàng để uy hiếp Tiết soái. Còn nữa, nếu chúng thực sự có ý giữ nương tử lại để đe dọa về sau thì vì sao lại không để lại bất kỳ dấu vết nào? Chúng sẽ phải để lại ám hiệu là nàng đã bị bắt đi mới phải. Huống chi Tiết soái vốn có tiếng là không gần nữ sắc, chúng dựa vào đâu mà cho rằng: chỉ dùng đến một tiểu nữ lang là uy hiếp được Tiết soái?”
Tống Hành không còn lý do nào để tự lừa dối mình, hai tay càng nắm càng chặt, xương ngón tay cạ sát vào nhau, phát ra âm thanh trầm đục.
Trình Diễm biết hắn đại khái đã nghĩ thông, liền thừa thắng xông lên, mở miệng đề nghị: “Hiện tại, biện pháp tốt nhất là dùng dây thừng thoát khỏi thành, hội hợp với nhân mã ngoài thành, lập tức phản hồi Thái Nguyên, đó mới là điều khẩn yếu nhất.”
Phùng Quý bị thương ở cả vai và lưng, dù biết rõ Tống Hành không thể buông được Dương nương tử nhưng lúc này không thể không góp thêm đôi lời: “Gia chủ không phải không có tai mắt ở Trường An, hơn nữa từ đây đến Hà Trung cùng lắm cũng chỉ mất hai ngày đường, đợi đến đó gia chủ hẵng phái người truyền tin đến Trường An, triệu tập nhân thủ âm thầm dò la tung tích Dương nương tử cũng chưa muộn. Dương nương tử chỉ là một nữ tử yếu ớt không thân không thích, trong thời gian ngắn sẽ không thể rời khỏi Trường An.”
Bị người đầu ấp tay gối ruồng rẫy, tư vị hẳn cũng không dễ chịu, Phùng Quý vừa nghĩ vừa dùng ánh mắt thương cảm lén nhìn Tống Hành, nhưng sợ bị hắn bắt được nên chỉ thoáng nhìn vài lần rồi cúi gằm mặt xuống.
Đúng như Phùng Quý nghĩ, lúc này, trong lòng Tống Hành chỉ cảm thấy vắng vẻ khôn cùng, lại như có một tảng đá lớn đè nặng lên lồng ngực, vừa rầu rĩ vừa buồn bực, hít thở không thông.
Cũng chẳng rõ là phẫn nộ nhiều hơn hay oán hận nhiều hơn, hắn nhắm mắt hít vài hơi thật sâu, cố gắng áp chế cơn thịnh nộ dữ dội trong lồng ngực, trầm mặc một lúc thì siết chặt nắm đấm, trầm giọng nói: “Theo mỗ phá vòng vây rời phủ.”
Đám người vung đao lao thẳng tới chuồng ngựa, mang theo dây thừng roi ngựa, xoay người lên ngựa phóng thẳng đến Minh Đức môn ở thành Nam.
Hắc y tử sĩ vẫn ráo riết đuổi theo, trừ Tống Hành và Trình Tư Mã thì số người có thể thoát khỏi Trường An chỉ còn vỏn vẹn được hơn mười người.
Binh lính tuần tra ban đêm ngoài doanh trướng đã thấy một toán người kéo đến từ đằng xa, hắn lập tức đề cao cảnh giác, đốt vài ngọn đuốc soi sáng, tay đặt lên vỏ kiếm, cao giọng quát: “Người đến là ai?”
Phùng Quý nghe thấy, ba chân bốn cẳng vọt lên đằng trước, vung tay hô lớn: “Không được vô lễ, Tiết soái hồi doanh.”
Sĩ quan đứng đầu nghe rõ liền giơ ngọn đuốc soi về phía bọn họ, khi khoảng cách được kéo gần lại, thân hình cao lớn như tòa núi của Tống Hành đã hiện ra trong tầm mắt, chẳng cần phải thấy rõ mặt, chỉ từ dáng vóc đã có thể xác định được ngay, người tới đúng là Tiết soái.
“Tiết soái trở về, ti hạ không tiếp đón từ xa, kính xin Tiết soái trách phạt.”
Lúc này, Tống Hành vẫn chưa thoát khỏi cảm xúc tiêu cực vì chuyện Thi Yến Vi bỏ trốn, đôi mắt đen sâu thẳm của hắn ảm đạm không một chút ánh sáng, sắc mặt không còn giữ được thần thái như ngày thường, mà thay vào đó là bộ dạng hồn xiêu phách lạc, hắn nghiêm mặt, lạnh giọng phân phó: “Không sao, ngươi mau đánh trống báo hiệu đánh thức binh sĩ, lập tức trở về Thái Nguyên.”
Viên sĩ quan thấy hắn quần áo xộc xệch, tóc tai rối bù, lòng biết chắc thành Trường An đã xảy ra chuyện lớn, không ngừng gật đầu vội vàng tuân theo, quay đầu ngựa gõ vang trống đồng rồi sai người vào doanh, lấy một bộ y phục sạch để Tống Hành thay mới.
Cả lòng bàn tay lẫn bả vai Tống Hành đều trúng tên, máu tươi nhuộm đỏ trung y trắng. Quân y bắt mạch cho hắn xong thì cẩn thận từng li từng tí xử lý miệng vết thương, rắc thuốc bột cầm máu tiêu sưng rồi dùng mảnh vải sạch băng bó.
Làm xong này hết thảy nhưng vẫn thấy tinh thần hắn có vẻ khá tốt, lúc này mới dám khẳng định những mũi tên hắn bị bắn trúng đều không có độc. Quân y cảm thấy yên tâm, đang định dặn dò chút chuyện phải lưu ý thì đã nghe Tống Hành sầm mặt, lạnh giọng hỏi: “Có cách nào để vết thương ở tay thành sẹo không?”
Quân y nghi ngờ mình đã nghe nhầm, đang tính mở miệng hỏi rõ một phen thì thanh âm trầm thấp của Tống Hành đang ngồi trên ghế lại truyền đến, lặp lại câu hỏi kia một lần nữa.
“Tất nhiên là có.” Quân y kinh ngạc, lắp bắp trả lời.
Ánh mắt Tống Hành u tối, hiệu hắn phải nói thẳng ra.
Quân y chỉ đưa thuốc bột phòng vết thương hóa mủ, rồi dùng mảnh vải băng bó lại.
“Ba ngày sau đổi thuốc xong thì không cần dùng thêm thuốc nữa, cố gắng tránh nước, vết thương sẽ từ từ đóng vảy.”
Tống Hành trầm giọng ừ thành tiếng, sải bước ra khỏi doanh trướng.
Bên ngoài trướng, tướng sĩ đã sẵn sàng để lên đường, Tống Hành cưỡi khoái mã, lãnh binh phản hồi Thái Nguyên.
*
Đúng như Thi Yến Vi dự đoán, đám cháy lớn này đã khiến toàn phủ náo loạn, từ thủ vệ, sai vặt lẫn thị vệ gác cổng đều biến mất không một chút tăm hơi, có lẽ là đang tất tả lao vào phủ dập lửa.
Thi Yến Vi căng thẳng đến mức hai tay đều đang phát run. Nàng buộc bản thân phải trấn tĩnh lại, hít một hơi sâu rồi dứt khoát tháo chốt cửa nặng trịch, không quay đầu mà cắm mặt chạy thẳng ra khỏi khỏi phủ.
Mưa lạnh không ngừng rơi trên mái tóc và khuôn mặt, theo cổ tràn vào lớp áo, thấm ướt làn da trắng tuyết, khiến nàng lạnh đến run người. Lông mi dài cũng ướt đẫm nước mưa, khiến tầm nhìn trở nên nhòe nhoẹt.
Nhưng nàng không dám ghì chậm bước chân, trong đầu chỉ có duy nhất một suy nghĩ: Tuyệt đối không thể để người của Tống Hành bắt nàng về.
Nàng thậm chí không dám tưởng tượng, nếu Tống Hành bắt được nàng trở về thì chờ đợi nàng sẽ là dạng cuồng phong bão táp nào.
Thi Yến Vi không biết mình đã chạy bao lâu, mãi đến khi cơn mưa ngớt dần, mây đen tản đi, trăng lại hiện ra, dưới ánh trăng lạnh lẽo, nàng nhìn thấy một chiếc đèn lồng, trên đó đề hai chữ “Hạnh Lâm”.
Đó là một y quán không lớn không nhỏ.
Thi Yến Vi đã mệt mỏi đến cực điểm, dừng lại trước cửa, khó khăn giơ tay phải lạnh cóng lên đập cửa liên hồi, sau đó ngồi trên bậc thềm bằng đá vắt khô nước mưa trên tóc, hà hơi xoa đều lòng bàn tay sưởi ấm.
Áo choàng trên người chẳng mấy chốc đã bị nước mưa làm ướt đi quá nửa, nàng lạnh đến mức đôi môi tím tái, tứ chi không kiềm được mà run lẩy bẩy.
Kiên nhẫn chờ thêm một lúc nhưng vẫn không thấy ai bước ra mở cửa, Thi Yến Vi lấy hết can đảm gõ cửa thêm lần nữa, thầm nghĩ nếu lần này vẫn không có ai ra thì nàng sẽ tìm đến một khách điếm khác để tá túc.
Ngay lúc nàng định xoay người rời đi thì chợt nghe đằng sau cánh cửa truyền đến tiếng bước chân rất khẽ, ngay sau đó, cửa được mở ra, một thiếu niên khoảng mười hai mười ba tuổi mặc y phục dược đồng, che miệng ngáp dài, thò nửa thân mình ra ngoài.
“Có phải nương tử bị bệnh nguy cấp nên muốn thỉnh y công?”
Thi Yến Vi vừa xoa tay vừa rùng mình đáp: “Tiểu lang quân có thể để ta vào y quán trước được không? Bên ngoài thật sự quá lạnh.”
Dược đồng thấy nàng cả người ướt sũng, sắc mặt trắng bệch như tờ giấy, chắc hẳn là bị lạnh đến không thể chịu thêm nổi, nhìn nàng hết sức đáng thương nên không khỏi mủi lòng, vội vàng mời nàng vào trong.
Thi Yến Vi giữ chặt áo choàng che lại trung y trên người, nhấc chân rảo bước qua ngưỡng cửa, uốn gối hành lễ, “Vì bất đắc dĩ mà phải quấy rầy đến giấc ngủ của tiểu lang quân, mong tiểu lang quân thứ lỗi.”
“Nương tử không cần tự trách, giờ này ta vẫn thường thức dậy để nghiền thuốc. Nếu bệnh tình của nương tử không nguy cấp, không bằng theo ta vào dược phòng sưởi ấm trước, đợi gia sư thức dậy rồi chẩn trị sau cũng không muộn.”
Dược đồng vừa nói vừa dẫn nàng vào dược phòng, thuần thục dùng hỏa chiết châm nến, rồi dùng thanh củi gạt lớp tro đang vùi lên đống than, thêm vào mấy khối than mới.
Than này không so được với than ngân sương đốt ở Tống phủ, khi cháy khói xám bốc lên, cổ họng không tránh khỏi bị sặc. Thi Yến Vi gật đầu đồng ý với dược đồng, không nhịn được mà cúi đầu, ho nhẹ mấy tiếng.
Dược đồng thấy nàng dung mạo kiều diễm, áo choàng được khoác trên người được làm từ loại chất liệu không tầm thường thì nhận ra ngay: nàng tuyệt nhiên không phải người xuất thân từ phường bình dân, nếu không thì sao lại không chịu được mùi khói than này.
Có câu “Y giả nhân tâm” [1], tuy tiểu dược đồng vẫn đang ở giai đoạn chập chững học nghề nhưng tâm tính từ lâu thì đã được nuôi dưỡng, thấy áo choàng trên người nàng ướt đẫm, liền lựa lời mở miệng: “Nếu nương tử không chê thì trên tường có treo một tấm thảm thô, nương tử có thể dùng để chống lạnh, còn chiếc áo choàng ướt này thì cứ treo trên ghế hong khô đã.”
[1][1] y giả nhân tâm: tấm lòng nhân từ của thầy thuốc.
Tính mạng là quan trọng nhất, sao có thể để nhiễm phong hàn. Thi Yến Vi không để tâm đến mấy lời từ chối xã giao, nàng tự mình lấy tấm thảm thô bằng sợi vỏ thông đã cũ mất một nửa tránh sau tấm bình phong, cởi áo choàng trên người rồi quấn thảm.
Lúc Thi Yến Vi bước ra từ sau bình phong, dược đồng đã ngồi trên ghế đẩu, nghiền thuốc bằng máng nghiền.
Nồi đất được bắc trên bếp đang đun nước nóng, hơi nước bốc lên phảng phất mùi gừng nhàn nhạt.
Đợi nước sôi, dược đồng gọi nàng tự mình lấy chén gốm múc nước gừng uống khử hàn.
Thi Yến Vi cảm ơn người rồi tự tìm chén gốm, rót nước gừng uống.
Nước gừng nóng có tác dụng khử hàn rất tốt, Thi Yến Vi mới uống được nửa chén mà đã thấy dạ dày ấm áp dễ chịu, tay chân cũng không còn lạnh cóng nhiều như trước.
Cả đêm chẳng được chợp mắt, từ tinh thần đến thể xác đều cực kỳ mệt mỏi nhưng đầu óc Thi Yến Vi lại tỉnh táo khác thường, ngoài kia tình hình thế nào nàng còn chưa rõ nên cũng không thể yên tâm nghỉ ngơi.
Bất tri bất giác đã đến giữa giờ Mão (6h), chân trời dần ửng màu sáng bạc, Thi Yến Vi vuốt lại áo khoác, tuy cũng chưa khô hẳn nhưng so với trước thì đã đỡ hơn rất nhiều. Tranh thủ lúc còn chưa có ai, lại vòng ra sau tấm bình phong thay vào.
Chờ mãi mới đến giờ Thìn (7h-9h), bên ngoài dược phòng truyền đến tiếng gõ cửa, dược đồng ra mở cửa thì thấy lang quân ở độ tuổi trung niên, mặc trường bào viên lĩnh màu xanh, tuổi gần năm mươi, râu dài điểm bạc đi đến.
Dược đồng khom người, chắp tay trước ngực thi lễ, điềm đạm nói: “Sư phụ, vị nương tử này đã chờ ở đây từ giờ Dần.”
Thi Yến Vi không mặc áo khoác, chỉ mượn tạm áo choàng của Tống Hành che thân nên khó tránh khỏi có phần mất tự nhiên, chỉ nói nàng đến mua một ít thuốc trị phong hàn và thuốc giảm đau tiêu sưng.
Nếu chỉ mua những loại thuốc này thì hà tất đêm phải hôm khuya khoắt lại đội mưa mà đến, y công và dược đồng nghe xong, tuy đều thấy kỳ lạ nhưng cũng không tiện thọc mạch chuyện riêng của bệnh nhân, hỏi thêm một đôi câu thì kê đơn thuốc có dược tính ôn hòa.
Chuyện đêm qua phát sinh quá mức đột ngột, Thi Yến Vi bị ngọn lửa dọa cho thất kinh, chỉ lo giữ mạng nên nào nhớ đến việc phải đem theo trang sức và ngân lượng giấu dưới giường La Hán, lúc này trên người nàng chỉ có hai cái nhẫn cùng bốn chiếc vòng tay, tình thế bất khả kháng khiến nàng chỉ còn cách tháo chiếc nhẫn bạc trên tay xuống trả tiền thuốc.
Y công thấy vậy, kiên quyết không nhận mà từ chối khéo: “Những thuốc này còn chưa tới trăm văn tiền, nhẫn của nương tử chí ít cũng đổi được ba đến năm lượng bạc, sao ta dám nhận đây.”
Vừa dứt lời thì lại nghe thấy một giọng nữ vô cùng dịu dàng vang lên, đó là một phụ nhân trung niên khoảng hơn bốn mươi tuổi, mặc bối tử [2] tay lửng trực lĩnh hoa văn bảo tướng, bên dưới là nhu quần cạp cao màu lục quế, vai khoác khăn choàng màu đỏ, tóc dài búi thành kiểu chuy kế, mặt trứng ngỗng, mắt hạnh môi đỏ, nước da trắng ngần, giờ vẫn mơ hồ thấy được vẻ đẹp mặn mà khi còn trẻ.
[2][2] bối tử: là một món đồ được mặc trong trang phục truyền thống của Trung Quốc dành cho cả nam và nữ; nó thường là một chiếc áo khoác rộng rãi bên ngoài với tay áo rộng và dài. Nó phổ biến nhất vào thời nhà Tống, nhà Minh và từ đầu nhà Thanh đến giữa nhà Thanh. Nguồn chú thích: Wikipedia
Phụ nhân kia khẽ cười rồi nói: “Đại Lang, Trệ Nô, lại đây ăn sáng thôi nào, lát nữa sẽ có người đến bắt bệnh.”
Vừa nói vừa nâng khay bước vào phòng, thấy Thi Yến Vi nắm chặt áo khoác không vừa người đang mặc, thần sắc bất an đứng đối diện hai người thì mơ hồ nhận ra điều gì. Bà đặt khay lên bàn, kéo nàng sang một bên, nhỏ giọng hỏi.
Thi Yến Vi nói nàng vội ra ngoài quá nên chưa kịp thay y phục.
Phụ nhân nghe vậy nhoẻn cười, dẫn nàng vào phòng mình, lấy ra chiếc váy đông bà từng mặc khi còn trẻ từ đáy hòm ra, nhằm giảm bớt sự khẩn trương trong lòng nàng, bà còn nhẹ nhàng bông đùa: “Thân hình nương tử quả là thon gầy, mặc vào e là sẽ rộng đấy nhưng dù sao đi nữa thì vẫn tốt hơn áo khoác lông hạc này đúng không?”
Thi Yến Vi liên tục cảm ơn bà, nghe theo chỉ dẫn đứng sau tấm bình phong thay y phục, xong đâu vào đấy mới khôi phục nét mặt thoải mái như bình thường, bước ra ngoài cùng phụ nhân kia, cầm túi thuốc kiên trì đưa nhẫn cho y công.
“Nếu y công cảm thấy chiếc nhẫn này quá mức đắt đỏ thì chỉ cần dùng số bạc còn lại góp vào tiền mua thuốc từ thiện, nếu có gia đình nghèo khổ cần giúp đỡ, y công thay ta cho thuốc, cũng xem như làm được việc thiện.”
Phụ nhân nghe vậy, không còn cách nào khác ngoài việc khuyên nhủ đôi câu với vị lang quân thật thà nhà mình, phải thế thì y công mới miễn cưỡng nhận lấy.
Y công thành khẩn nói với nàng: “Nếu vậy mỗ xin xin thay mặt những người được nhận thuốc cảm tạ tấm lòng của nương tử.”
Thời điểm này sắc trời đã sáng rõ, người qua lại trước y quán ngày một nhiều, Thi Yến Vi không tiện ở lại lâu, hỏi xem gần đó có tiệm cầm đồ nào không. Phụ nhân kia chỉ cho nàng một con đường, Thi Yến Vi cố ghi nhớ kỹ, đi thẳng rẽ phải, gặp một ngã ba lại rẽ trái, đi thêm một đoạn thì hỏi thăm dọc đường, chưa đầy hai khắc đồng hồ (khoảng 30 phút) nàng đãtìm được tiệm cầm đồ kia.
Thi Yến Vi tháo hai chiếc vòng bạc trông có vẻ bình thường nhất ra, không chút do dự nói hai chữ: “Bán đứt.”
Tiểu nhị mang tới ba mươi hai lượng bạc, Thi Yến Vi đưa hai tay nhận lấy, dùng khăn bọc lại giấu vào áo choàng rồi rẽ vào hàng may, mua hai bộ xiêm y cùng nón che mặt, trả tiền xong, lúc ra khỏi cửa thì vừa hay gặp được chiếc xe lừa.
Lão trượng ngồi trên xe giơ roi da, thấy Thi Yến Vi ôm bọc quần áo khá dày thì hỏi: “Nương tử có muốn ngồi xe không?”
Thi Yến Vi đang để bụng rỗng, lại thêm cả đêm không ngủ nên giờ này nàng đã thấm mệt, hai chân mềm nhũn, đành ngồi tạm lên xe lừa.
Lão trượng lại hỏi nàng muốn đi đâu.
Trường An có tổng cộng một trăm linh tám phường, Thi Yến Vi chưa từng thấy dư đồ (bản đồ) thành Trường An nên nàng chỉ biết phủ của Tống Hành tọa lạc ở một nơi gọi là phường Hưng Ninh, ngoài ra nàng không hề biết tên của bất kỳ nơi nào khác.
Trong lúc đang bối rối thì chợt nhớ tới bài thơ Đường học từ thời trung học: “Tự ngôn bổn thị kinh thành nữ, Gia tại Hà Mô lăng hạ trụ” [3]
[3][3] Hai câu thơ trích từ bài “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị.
Dịch nghĩa: Kể rằng tôi vốn là con gái ở kinh thành, nhà ở dưới cồn Hà Mô.
Nguồn chú thích: hvdic.thivien.net
Thi Yến Vi thầm nghĩ: Giờ chỉ cần cách xa phường Hưng Ninh thì đặt chân đến đâu đều được, huống hồ từ tấm bé, tỳ bà kỹ đã sống ở cồn Hà Mô nên đó ắt không phải nơi mà đại quan quý nhân thường sinh sống.
Nghĩ vậy nên đáp: “Phiền lão trượng chở thiếp đến cồn Hà Mô.”
Lão trượng có được mối làm ăn nên vui mừng ra mặt, cao giọng nói: “Được thôi, nương tử ngồi cho vững, lão thân sẽ đưa nương tử đến cồn Hà Mô.”
Xe lừa tuy không đi nhanh bằng xe ngựa nhưng được cái ổn định.
Qua nửa canh giờ, chiếc xe lừa không có gì đặc biệt nhập vào dòng người như nước chảy, đến phường Thường Nhạc ồn ào huyên náo.
Lão trượng ghì chậm tốc độ, hỏi nàng: “Nương tử muốn xuống xe ở đâu?”
Thi Yến Vi hơi suy nghĩ, nhẹ nhàng nói: “Tìm một khách điếm có nhiều phòng trống rồi dừng lại thôi.”
Nàng vừa dứt lời thì đã thấy lão trượng quay đầu xe rẽ vào ngõ nhỏ, đi thêm non nửa khắc thì thu dây cương dừng xe.
Thi Yến Vi trả cho lão trượng mười văn tiền, xuống xe bước vào khách điếm, dặn tiểu nhị đưa chút cơm canh đến tận phòng.
Chỉ một lúc sau, tiểu nhị đã đưa cơm canh tới, Thi Yến Vi vờ như vô ý, thuận miệng hỏi: “Mấy ngày gần đây, trong kinh xảy ra chuyện gì lạ chăng?”
Tiểu nhị chỉ nghĩ nàng là tiểu nương tử mới từ nơi khác đến, nên kể việc tiết Đông Chí hôm qua, Thánh nhân đến phía nam ngoại thành tế trời, rồi còn kể năm nay triều hội thập phần náo nhiệt, tiết độ sứ các nơi đều tiến kinh triều bái.
Thi Yến Vi không nghe hắn nhắc tới chuyện tiết độ sứ Hà Đông bị hành thích bỏ mạng, trái tim treo lơ lửng bấy lâu rốt cuộc cũng thả lỏng phần nào, thầm nghĩ có lẽ hắn đã thoát thân, ngay trong đêm đã lên đường trở lại Hà Đông.
Tuy hắn đáng hận đáng ghét nhưng nhưng suy cho cùng vẫn là người bảo vệ vùng Bắc địa tránh khỏi chiến loạn suốt nhiều năm, đêm qua lại che chở nàng thoát khỏi biển lửa, vì nàng đỡ mũi tên ám toán. Nàng chỉ mong từ đây không còn liên quan gì tới hắn, vĩnh viễn không gặp lại nhau chứ không đến mức mong chờ hắn chết thì mới thấy hả hê dễ chịu.
Khách điếm là nơi kẻ đến người đi, ngư long hỗn tạp, Thi Yến Vi không muốn ở lại lâu, nghĩ rằng trước mồng một Tết phải tìm cách rời khỏi Trường An, tìm một căn nhà sạch sẽ, an toàn hơn để ở.
Thi Yến Vi đã đói đến mức bụng dạ cồn cào nên khác hẳn với mọi khi, nàng ăn được hẳn hai bát cơm đầy ắp, nghỉ ngơi thêm một lúc thì tự xuống lầu múc một chậu nước nóng. Nàng rửa mặt qua loa, thoa một ít thuốc mỡ hoạt huyết tiêu viêm lên đầu gối rồi nằm xuống giường ngủ.
Thi Yến Vi ngủ một giấc đến tận giờ Mão ngày hôm sau, ăn mặc chỉnh tề xong thì xuống lầu dùng bữa sáng, cố ý chọn một chỗ sát bức tường trong cùng, vén một góc khăn che mặt ăn sáng.
Ngày hôm qua, tin Tống Hành gặp chuyện rời kinh vẫn chưa được truyền đi, nhưng đến sáng nay thì đã lan rộng khắp khu phố.
Thi Yến Vi nghe thấy mấy thiếu niên lang mặc áo viên lĩnh bàn tán ở bàn bên thì càng an tâm hơn, thầm nghĩ trong thời gian ngắn, Tống Hành hẳn cũng không có tâm tư phái người truy bắt nàng.
Hôm nay đã là ngày mười một tháng Chạp, chỉ còn chưa đầy hai mươi ngày nữa là đến mồng một Tết, thương nhân đến cồn Hà Mô mua sắm các loại hàng hóa rất nhiều, trong đó được ưa chuộng nhất là rượu trắng ở Lang quan.
Hoàng hôn vừa buông, sắc trời dần tối, ra vào khách điếm chỉ còn lác đác mấy người, Thi Yến Vi vén nhẹ váy lụa xuống lầu, đến gần bắt chuyện với nữ lang bán rượu đang đứng quầy tên là Vương Nhị nương, hỏi thăm xem ở kinh thành này, nha hành [4] nào đáng tin cậy.
[4][4] nha hành (牙行) là một thuật ngữ trong tiếng Trung, dùng để chỉ các tổ chức hoặc cửa hàng môi giới trong các giao dịch thương mại thời xưa, tương tự như các công ty môi giới ngày nay. Nhà hành thường đóng vai trò trung gian trong các hoạt động mua bán tài sản, bất động sản, và các giao dịch thương mại khác. Họ cung cấp dịch vụ giới thiệu, định giá, và đàm phán giá cả giữa người mua và người bán. Mình sẽ gọi tắt là trạm/trạm giao dịch.
Thi Yến Vi mang khăn che mặt, tuy Vương Nhị nương không thấy được dung mạo nàng nhưng mỗi một cử chỉ đều toát ra vẻ thanh tao tú lệ, khí chất phi phàm thoát tục, không giống người xuất thân từ tiểu môn tiểu hộ mà giống với nữ thương đến cồn Hà Mô buôn bán.
Vương Nhị nương vừa tính thẻ ghi lại số lượng, vừa cười hỏi: “Phường Vĩnh Bình ở phố tây có một trạm giao dịch gọi là Thành Ký, nương tử muốn mua loại hàng hóa nào?”
Thi Yến Vi chỉ gật đầu tỏ ý cảm ơn rồi nhanh chóng đổi chủ đề, hỏi thăm về phong tục và sản vật đặc trưng ở cồn Hà Mô.
Vương Nhị nương dịu dàng trả lời: “Nương tử đã hỏi đến chuyện này, thì không thể không nhắc đến rượu trắng của Lang quan. Hằng năm không biết có bao nhiêu thương nhân từ những nơi khác đổ về cồn Hà Mô chọn mua rượu Lang quan. Nếu ở Trường An bán mười văn tiền một chén, thì khi tới Lạc Dương hay Dương Châu, giá có thể tăng lên đến hai mươi văn tiền cho một chén. À đúng rồi, nương tử có muốn nếm thử một chén không?”
Thi Yến Vi không biết uống rượu nên kiên quyết từ chối, lái sang chuyện khác: “Ngày mai ta đến phố tây, mang về chút bánh hồ cho nương tử nhé?”
Vương Nhị nương cong mắt cười: “Nương tử có lòng nên thiếp sẽ không từ chối, thiếp muốn ăn “cổ lâu tử”. [5]
[5][5] cổ lâu tử (古楼子): là một loại bánh thời cổ đại. Món này xuất hiện trong sách Đường Ngữ Lâm của triều Tống, trong đó ghi chép về cách làm món cổ lâu tử. Cách làm như sau: dùng một cân thịt cừu, trải phần nhân thịt cừu lên một chiếc bánh hồ lớn, sau đó thêm tiêu và đậu đen vào phần nhân giữa các lớp bánh trước khi nướng. Bánh có lớp vỏ giòn và vàng, nhân bên trong được tẩm ướp kỹ để khử mùi tanh và tăng hương vị. Chú thích hình ảnh đặt ở cuối chương.
Thi Yến Vi gật đầu đồng ý, hai người nói chuyện phiếm thêm một lúc, đến canh hai, Thi Yến Vi về phòng nghỉ ngơi, trải qua một đêm yên tĩnh.
Tinh mơ ngày kế tiếp, Thi Yến Vi thuê một chiếc xe lừa đến phố Tây ngay khi trời vừa hửng sáng, tìm đến trạm giao dịch Thành Ký.
Nha bà [6] thấy nàng mặc nhu quần vải lụa màu hồng cánh sen, khoác áo choàng thêu hoa văn bảo tướng, chân đi vân đầu hài, khí chất như lan liền cho rằng nàng là nữ thương mới từ nơi khác đến, rối rít dẫn nàng vào phòng trong, sau đó gọi tỳ nữ dâng trà.
[6][6] nha bà (牙婆): là một cụm từ trong tiếng Trung, dùng để chỉ những người phụ nữ làm môi giới trong các hoạt động mua bán, thuê mướn, hoặc các giao dịch khác, thường liên quan đến các dịch vụ như buôn bán nô lệ, mai mối hôn nhân, hoặc mua bán bất động sản thời xưa. Họ thường có kiến thức sâu rộng về thị trường và các giao dịch, giúp kết nối người mua và người bán để hoàn tất các hợp đồng hoặc giao dịch.
“Không biết nương tử muốn mua người, hay mua vật?”
Thi Yến Vi điềm tĩnh đáp: “Thân mẫu bệnh nặng, thiếp vội vã muốn về thăm, nhưng văn thư ở sở quán nói phải vài ngày nữa mới phê duyệt được, thiếp vì thế mà mất ăn mất ngủ, không biết liệu nương tử có cách nào để không cần thông quan vẫn có thể lên thuyền xuất bến không?”
Nha bà nghe nàng nói vậy thì ngộ ra ngay, không cần biết lời của nàng là thật hay giả, chỉ cần biết vụ làm ăn này có thể nhanh nhanh chóng chóng kiếm được tiền.
“Thì ra là vì việc này, cũng không có gì khó cả. Chỉ là chẳng mấy nữa là đến mồng một Tết, không còn nhiều thương đội đi Dương Châu hoặc Cô Tô, nhưng Lạc Dương hoặc Huỳnh Dương thì vẫn còn vài đoàn. Không biết nương tử muốn về đâu?”
Người đương thời có phần ưa thích trà đạo và hương đạo, cho nên ngay cả một nơi mà những bậc quyền quý hiếm khi tự đặt chân tới như nha hành cũng có một lư hương bằng đồng ba chân hình hoa sen, bên trong được đốt hương Thanh Mộc thanh lãnh, tỏa mùi thơm hết sức dễ chịu.
Thi Yến Vi không biết Huỳnh Dương mà nha bà nhắc tới ở đâu, liền nói mình muốn đi Lạc Dương.
Nha bà nghe vậy, mặt mày càng thêm phần hớn hở, trên trán hằn rõ hai nếp nhăn thật sâu, ngay lập tức tiếp lời nàng: “Trên đời lại có chuyện trùng hợp đến vậy sao? Ngày mai vừa hay có một đoàn buôn quá giang ở Đồng Tân rồi đi thuyền đến Lạc Dương mua bán rượu, tơ lụa và đồ sứ. Chỉ là tỳ nữ theo đoàn có vóc người không mấy tương tự với nương tử.”
Thi Yến Vi nghe xong vẫn chưa thấy quá yên tâm, liền hỏi: “Sao thương đội này lại thiếu đúng một tỳ nữ vậy?”
Nha bà nóng lòng muốn hoàn thành vụ làm ăn nên cũng không giấu diếm, nói thẳng đường đi nước bước: “Nương tử không rõ ngọn ngành trong nghề này đó thôi, giấy thông hành viết rõ cho phép dẫn theo người hầu. Có những chủ thương đội khôn ngoan, thông qua môi giới chào mời một ít khách nhân bị thiếu giấy tờ sung làm tôi tớ trong đoàn, kiếm thêm ít bạc. Lúc về lại nhờ vào môi giới kiếm thêm người bù vào, nhờ đó kiếm thêm được một khoản. Còn nếu tạm thời không tìm ra được ai thì chỉ cần nói tôi tớ đó bỏ trốn, chết hoặc bị bán trao tay, quan sai nhận được tiền đút lót nên cũng không tra xét quá kỹ.”
Sợ Thi Yến Vi vẫn chưa tin, nha bà liền nghiêm mặt, giọng chắc nịch: “Nương tử cứ tùy ý dò la, trạm Thành Ký của gia chủ Thôi thị đã kiếm sống ở thành Trường An gần một trăm năm nay, chưa bao giờ lừa lọc ai cả. Nếu nương tử vẫn cảm thấy chưa an lòng thì cứ gửi lời cho người thân trong kinh, dặn rằng nếu ba tháng sau không nhận được tin báo bình an thì hãy đến phủ Trường An cáo trạng.”
Thi Yến Vi nghe vậy mới hơi yên tâm, giao phó tiền đặt cọc.
Nha bà mặt mũi tươi cười nhận lấy hai lượng bạc, ghi chép xong lại dặn dò: “Trên giấy thông hành có miêu tả dáng vẻ tỳ nữ thế này: vóc người cân đối, mặt vàng, mày rậm, mặt có ban xuân. Phiền nương tử sửa soạn lại cho giống, giờ Thìn ngày mai tới đây, lúc đó sẽ gặp người dẫn đến thương đội.”
Thi Yến Vi gật đầu nghe theo, rảo bước ra khỏi nha hành đến cửa hàng son phấn mua đó mua phấn vàng, than vẽ lông mày và son môi, sau đó lại ghé mua cổ lâu tử mà Vương Nhị nương đã chỉ đích danh đến.
Thịt cừu trong món cổ lâu tử này đã được ướp qua, rắc thêm hạt tiêu để khử mùi tanh, cách lớp vỏ vàng óng giòn rụm mà vẫn ngửi được mùi thịt đậm đà.
Vương Nhị nương mỉm cười cảm ơn Thi Yến Vi, nhân lúc buổi chiều khách khứa còn thưa thớt, ngồi xuống ghế đẩu nấp sau quầy, vẻ mặt khó nén vui mừng, cúi đầu ăn bánh.
Thi Yến Vi dùng bữa tối xong thì xuống lầu nói lời từ biệt với Vương Nhị nương. Vương Nhị nương không chủ động hỏi nàng định đi đâu, chỉ chân thành chúc nàng lên đường thuận lợi: “Thiếp và nương tử tuy chỉ là bèo nước gặp nhau, nhưng lại có cảm giác đồng điệu khó tả, thiếp không có gì hơn, chỉ có thể chúc nương tử lần này đi thuận buồm xuôi gió, tương lai bình an hỉ nhạc, trôi chảy vô ưu.”
“Vậy thiếp xin nhận lấy lời chúc của Nhị nương.” Thi Yến Vi mỉm cười, sợ khiến nàng càng thêm u buồn nên xoay người lên lầu, thu thập hành lý tay nải sẵn sàng rồi nằm xuống giường ngủ sớm.
Sáng hôm sau, nàng dậy từ giờ Mão (5-7h), rửa mặt xong thì cẩn thận thoa phấn vàng lên mặt, dùng than vẽ đậm đôi lông mày, lại dùng đầu nhọn của trâm gỗ chấm son môi điểm lên má một nốt nhỏ trước khi thoa thêm chút phấn hoa nhài để cố định lớp trang điểm, hoàn tất hết mọi việc mới mang theo tay nải đi xuống lầu thanh toán, trả lại chìa khóa phòng.
Chưởng quầy ngẩng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy nền trời vẫn tối đen như mực, liền hỏi: “Bên ngoài trời còn chưa sáng, nương tử định đi một mình sao?”
Thi Yến Vi đáp bằng giọng điệu ôn hòa: “Hôm qua đã gọi xe lừa, hẹn giữa giờ Mão (6h) xuất phát.”
Dứt lời, nàng bước ra cửa, lên xe chờ sẵn bên ngoài khách điếm.
Lúc đến nha hành thì trước cửa đã có năm sáu người đứng đợi, nha bà phái một tiểu tư dẫn bọn họ đến An Hóa môn.
Thương đội chỉ có hơn mười người. Thi Yến Vi đi đằng sau đội ngũ, lặng lẽ chờ thành môn lang đối chiếu, kiểm kê nhân số.
Lúc này trời đã sáng hẳn, trưởng đoàn rút từ trong ngực ra một nắm tiền đồng, dùng tay áo che lại hai tay, âm thầm dúi vào tay thành môn lang. Thành môn lang đang rũ mắt bất chợt nhìn qua, ngựa quen đường cũ nhận lấy rồi nhét vào trong túi, sau đó chỉ liếc nhìn một cách qua loa tướng mạo của từng người.
“Ngươi, vén khăn che mặt lên.” Ánh mắt sắc bén của thành môn lang đảo qua Thi Yến Vi, lớn tiếng ra lệnh.
Thi Yến Vi làm theo, không có nửa phần lúng túng.
“Mặt vàng, ban xuân…” Thành môn lang nhìn vào giấy thông hành lẩm bẩm một mình, ngẩng đầu nhìn sơ qua mặt mũi và vóc dáng của Thi Yến Vi từ trên xuống dưới.
Thi Yến Vi cố ý mặc váy áo rộng thùng thình, lại mặc thêm hai kiện áo trong, che giấu thân hình mảnh mai nên không lo bị hắn nhìn thấu.
“Số người không sai, qua thành đi.” Thành môn lang dịu lại sắc mặt, phất tay nói.
Người đứng đầu thương đội là một người đàn ông trung niên, nghe vậy vội vàng chắp tay trước ngực hành lễ, giọng điệu có vẻ lấy lòng: “Làm phiền lang quân.”
Thi Yến Vi đi hàng cuối của đội ngũ, chợt có cảm giác như được trút bỏ tảng đá lớn trong lòng, nàng lén thở hắt ra một hơi, đạp lên chân đạp ngồi lên một chiếc xe ngựa đã cũ.
Khoang xe chật hẹp đã ngồi đủ cả năm, sáu người, duỗi tay thôi mà đã phải tốn sức nên đương nhiên cũng không còn chỗ trống để đặt chậu than.
May thay nàng mặc áo dày, chưa kể trong xe đông người chen chúc, do đó cũng không thấy quá lạnh.
Thương đội rong ruổi trên quan đạo mất ba ngày mới đến được thành Đồng Tân, tìm một khách điếm giá rẻ nghỉ chân, sáng sớm hôm sau đã đến bến phà để lên thuyền.
Lúc lên thuyền, nhà thuyền tuy cũng có kiểm tra nhưng so với thành môn lang gặp phải sáng hôm ấy thì thì có phần lỏng lẻo hơn rất nhiều, chỉ rà qua số lượng nam nữ, độ tuổi, vóc dáng rồi thả đi.
Buổi sáng ánh nắng tờ mờ, Thi Yến Vi leo lên thuyền, được phân vào một khoang cùng hai nữ lang khác.
Mới đầu hai nữ lang kia vẫn chưa nhận ra nhau, nhưng khi biết đối phương là người Lạc Dương, nói chung một giọng địa phương thì không khỏi trở nên thân thiết, mới chưa đầy một khắc đồng hồ mà đã tụm vào nhau, chuyện trò rôm rả.
Trong không gian có hạn của khoang thuyền, Thi Yến Vi yên lặng ngồi một bên, vén rèm vải thô nhìn ra bên ngoài khung cửa. Chỉ thấy mặt trời mọc lưng chừng trên sườn núi, hào quang tỏa khắp mọi nơi, núi non trùng điệp nhuộm màu xanh biếc, sương mù vấn vít quanh đỉnh, ánh nắng bàng bạc chiếu nghiêng xuống dòng nước trong vắt, lấp lánh ánh kim, đẹp như một bức họa khiến người ta mê mẩn.
Thi Yến Vi đang chìm đắm trong cảnh sắc sơn thủy hữu tình thì chợt nghe giọng nữ mang âm điệu vùng Dự Tây (Hà Nam) cất lên, hỏi nàng: “Vị nương tử này cũng là người Lạc Dương đúng không?”
“Thiếp không phải người Lạc Dương, lần này Lạc Dương là để tìm họ hàng xa.”
Nữ lang kia nghe vậy lại hỏi: “Nghe giọng nương tử giống người Bắc địa?”
Thi Yến Vi thấy nàng nhận ra chất giọng nên không tiện phủ nhận nhưng cũng không nói rõ nàng đến từ châu nào phương Bắc, ậm ừ đáp: “Từ nhỏ thiếp đã sống ở phương Bắc, vài năm gần đây mới theo thân thích đến Trường An định cư.”
Nói xong, nàng lấy cớ muốn ra ngoài, rời khỏi khoang lên mạn thuyền.
Suốt hai ngày liền, Thi Yến Vi đều tránh mặt hai người kia mỗi khi rửa mặt hay nghỉ ngơi, chưa từng để lộ dung mạo trước bất kỳ một ai.
Từ lời nói và cử chỉ của hai người kia, Thi Yến Vi có thể đoán được nữ lang từng hỏi chuyện lúc trước là thanh khách [7] hành nghề ca kỹ, thường xuyên đi lại giữa Trường An và Lạc Dương, vì mỗi ngày đều phải tiếp xúc với đủ hạng người nên mới có biệt tài phân biệt chất giọng địa phương ở phía Bắc.
[7][7] Từ “thanh khách” (清客) thường dùng để chỉ những người trí thức, nghệ sĩ, hoặc những người tài hoa, thanh cao nhưng sống nhờ vào sự bảo trợ của các gia đình quyền quý hoặc giàu có. Họ có thể là thi sĩ, nhạc công, thư pháp gia hoặc những người chuyên phụ trách giải trí, giao tế cho chủ nhà.
Nữ lang còn lại là một tú nương làm việc ở phường thêu trong thành Trường An, một năm về thăm nhà không quá một hai lần.
Ba người dùng chung một khoang thuyền, đi đi lại lại, tự nhiên có chút giao tình. Thanh khách kia bảo Thi Yến Vi cứ gọi nàng là Chân Nhị nương. Mỗi ngày Thi Yến Vi đều cùng hai người họ nói chuyện phiếm để giết thời gian, cuộc sống trôi qua cũng không quá tẻ nhạt.
Trên mặt sông rộng lớn, con thuyền xuôi theo dòng nước thẳng hướng về Lạc Dương.
Mỗi sáng thức giấc, Thi Yến Vi đều một mình đứng bên cửa sổ, dõi mắt trông về đôi bờ núi xanh, lòng chờ mong sớm ngày đặt chân đến Lạc Dương.
Một ngày nọ, đêm vừa lên, nhiệt độ hạ xuống, Thi Yến Vi một mình khoác áo choàng đứng bên mạn thuyền nhìn trăng ngắm sao, gió đêm lạnh lẽo thổi tung vạt áo nàng nhưng nàng vẫn không cảm thấy lạnh, chỉ đắm chìm trong ánh trăng mờ ảo, tâm trí phiêu dạt về nơi xa.
Bên tai là tiếng nước chảy róc rách cùng tiếng gió thổi nhè nhẹ, Thi Yến Vi chỉ thấy cõi lòng an tĩnh dị thường, từ khi nàng bị Tống Hành giam cầm đến nay, đã lâu lắm rồi nàng mới có lại khoảnh khắc yên bình, không chút mưu cầu đến vậy.
Thi Yến Vi ngẩng đầu nhìn vầng trăng sáng trên cao, tự nhủ vầng trăng này có lẽ chính là thứ duy nhất mà nàng, cha mẹ, Trần Nhượng lẫn bạn thân Huyên Huyên có thể cùng nhau nhìn ngắm…
Dưới ánh trăng mờ ảo, bóng dáng cha mẹ, bạn bè và Trần Nhượng bỗng mơ hồ hiện ra trước mắt nàng, nàng buồn bã, bất giác rũ mắt, cất lên một câu thơ: “Cổ nhân kim nhân nhược lưu thuỷ. Cộng khan minh nguyệt giai như thử.” [8]
[8][8] Hai câu trích trong bài “Bả tửu vấn nguyệt” (Nâng chén rượu hỏi trăng) của Lý Bạch.
Dịch nghĩa: Người xưa, người nay như dòng nước, cùng ngắm trăng sáng mãi thế này.
Vừa dứt lời, phía sau đã có một giọng nữ trong trẻo hồi đáp lại: “Duy nguyện đương ca đối tửu thì. Nguyệt quang thường chiếu kim tôn lý” [9]
[9][9] Hai câu tiếp theo trích trong bài “Bả tửu vấn nguyệt” (Nâng chén rượu hỏi trăng) của Lý Bạch.
Bản dịch của Túc Mỡ (thivien.net): Bóng trăng rớt chén rượu tràn/ Nâng ly uống ánh trăng vàng lung linh.
Thi Yến Vi đứng dậy khỏi ghế, ngoái lại nhìn qua lớp mành lụa mỏng, xuất hiện trước tầm mắt nàng là một bóng người mảnh khảnh thon dài.
Nữ lang có vẻ là người khá cởi mở, khẽ cười chắp tay trước ngực nói: “Gió trên sông lạnh lắm, sao nương tử không ở trong khoang thuyền nghỉ ngơi?”
Thi Yến Vi cũng chắp tay trước ngực đáp lễ, xua đi trăm mối ngổn ngang ở trong đầu, mỉm cười với nàng, giọng điệu ấm áp như gió xuân: “Đêm nay trăng sáng trời sao, nếu chỉ ngắm từ trong khoang thuyền thì khác nào phụ đi ý tốt của Thái Âm Tinh Quân.”
Nam Bắc triều Phật giáo hưng thịnh, đến thời Đường lại lấy Đạo giáo làm quốc giáo, đương thời vẫn có nhiều người thờ phụng cả hai giáo, nữ lang kia dường như là người sùng đạo, nghe Thi Yến Vi nhắc đến Thái Âm Tinh Quân thì liền nói: “Nương tử nói rất đúng, đêm nay Thái Âm nương nương ban ơn, hiển nhiên không thể xem nhẹ. Nghe giọng nương tử có vẻ không phải người Lạc Dương, phải chăng là đến Lạc Dương tìm thân hữu?”
Thi Yến Vi khẽ lắc đầu, thuận miệng bịa ra câu chuyện nửa thật nửa giả để lấp liếm: “Thiếp nguyên là người Tấn Dương, cha mẹ mất sớm nên đành theo trưởng bối trong tộc đến sống ở thành Trường An. Đến nay thiếp cũng đã lớn, trong nhà liền muốn gả thiếp cho một quan phu [10] đã đứng tuổi làm kế thất. Thiếp không chịu mới bỏ nhà rời đi, nghe nói Lạc Dương phồn hoa không kém gì kinh đô, nên mới muốn đến Thần Đô, Lạc Dương tìm kế sinh nhai.”
[10][10] quan phu (鳏夫): người đàn ông góa vợ.
Nữ lang kia như bị vận mệnh truân chuyên của Thi Yến Vi làm xúc động, rũ mắt thở dài: “Từ xưa đến nay, nữ lang từ khi sinh ra đã chịu quá nhiều trói buộc, so với lang quân lại càng bất công hơn rất nhiều, sống trong thế đạo này đúng là không dễ dàng gì…”
Đang nói thì lại sợ Thi Yến Vi bận lòng bởi những giáo điều có trong “Nữ tắc”, “Nữ giới” rồi không nghe lọt những lời có phần ngỗ nghịch này, nên vội vàng chuyển lời: “Thiếp với nương tử có duyên nên muốn hỏi thêm một câu, chẳng hay nương tử tên họ là gì, trong nhà đứng hàng thứ mấy?”
Thi Yến Vi tuy không nhìn rõ mặt nàng nhưng thấy nàng tư thái khoan thai, búi tóc hơi lệch cài trâm vàng rực rỡ, từ lời nói đến hành động đều toát lên vẻ khoáng đạt quyết đoán, không giống những phụ nhân cả ngày chỉ biết quanh quẩn nơi nội trạch mà có phần vượt ra khỏi hệ tư tưởng nam tôn nữ ti, là một nữ nhân vừa có tầm nhìn vừa có hiểu biết nên vừa gặp đã khiến nàng sinh lòng cảm mến.
Huống hồ Lạc Dương là nơi đất khách quê người, khó tránh khỏi nhiều bất tiện, nếu có thể làm quen với người Lạc Dương nhiệt tình thân thiện thì sẽ bớt đi được rất nhiều phiền toái.
Nghĩ đến đây, Thi Yến Vi liền nói ra cái tên đã đặt sẵn trong lòng: “Thiếp họ Trịnh, trong nhà xếp hàng thứ ba.”
Trịnh Tam Nương. Lâm Vãn Sương âm thầm lặp lại hai lần, cười nói: “Ra là Trịnh Tam nương, thiếp họ Lâm, tên là Vãn Sương, ở nhà xếp thứ hai, là người Lạc Dương. Trịnh Tam nương chỉ cần gọi Nhị nương thôi là được.”
Thi Yến Vi có ý kết giao, liền hỏi Lâm Vãn Sương về những khách điếm sạch sẽ ngăn nắp, giá cả phải chăng trong thành Lạc Dương, còn nếu muốn thuê nhà thì nên chọn phương nào vừa an toàn vừa thuận tiện.
Lâm Vãn Sương suy nghĩ một lúc, ôn hòa đáp: “Phường Tùng Thiện ở phố Nam, cách Lạc Thủy bởi hai phường nhỏ là Gia Du, Hòa Thuận, vừa có có khách điếm để nghỉ vừa có tiểu viện cho thuê. Nương tử xuống thuyền rồi thuê xe lừa ở bến thuyền, chỉ mất chừng hai khắc đồng hồ là đến.”
Thi Yến Vi nghe xong, thi lễ cảm tạ: “Thiếp cảm ơn Nhị nương, đợi ổn định xong ở Lạc Dương, nhất định sẽ mời Nhị nương uống trà đáp tạ.”
Lâm Vãn Sương thấy mỗi cái giơ tay nhấc chân của nàng đều không có nửa phần rụt rè hay nịnh bợ, đã vậy còn dám chối bỏ hôn sự rồi tự mình rời kinh đến Lạc Dương, lòng thầm nghĩ hẳn Trịnh Tam nương này cũng là người hiểu rõ sự đời giống như mình.
“Nương tử ngoài đọc thơ văn thì có đọc qua Nữ tắc, Nữ giới, Nữ luận ngữ chưa?” Lâm Vãn Sương chăm chú nhìn nàng, hy vọng có thể tìm được người đồng cảm.
Thi Yến Vi lắc đầu lần nữa, điềm tĩnh đáp: “Chưa từng đọc qua, chỉ nghe người ta nói trong “Nữ luận ngữ” có viết mấy câu hồ đồ như: Lập thân chi đạo, duy vụ thanh trinh. [11] Từ đó cũng không đụng đến những sách này nữa. Nếu có thời gian rảnh rỗi, không bằng đọc thêm hai lần câu: “Nhân sinh tại thế bất xưng ý, minh triêu tán phát lộng biển chu” của Lý Thái Bạch.” [12]
[11][11] “立身之道,惟务清贞” (Lập thân chi đạo, duy vụ thanh trinh) là một câu trích từ 《女论语》(Nữ Luận Ngữ), một tác phẩm cổ điển dành cho nữ giới trong xã hội phong kiến Trung Quốc, với mục đích răn dạy về đạo đức và cách hành xử. Câu này có thể được dịch là: “Đạo lập thân, chỉ cần giữ mình trong sạch và trinh bạch.”
– 立身之道 (Lập thân chi đạo): Cách thức, con đường để lập thân, xây dựng cuộc sống, định vị bản thân trong xã hội.
– 惟务清贞 (Duy vụ thanh trinh): Chỉ cần giữ cho bản thân thanh khiết, trinh bạch, ý nhấn mạnh vào sự trong sạch, tiết hạnh.
Ý nghĩa của câu này nhấn mạnh rằng trong xã hội phong kiến, việc giữ gìn đức hạnh, sự thanh khiết là trọng trách lớn nhất đối với nữ giới, coi đây như là phẩm chất cao quý nhất để lập thân.
[12][12] Hai câu tiếp theo trích trong bài “Tuyên Châu Tạ Diễu lâu tiễn biệt hiệu thư thúc Vân” (Tuyên Châu Tạ Diễu lâu tiễn biệt hiệu thư thúc Vân) của Lý Thái Bạch.
Bản dịch của Hải Đà (thivien.net): Trần gian chưa thỏa ý người/ Sớm mai rũ tóc rong chơi với thuyền.
Bốn phía cuồng phong bỗng nổi lên, thổi tung tấm sa mỏng trên mũ của Thi Yến Vi, để lộ một phần dung mạo như ngọc, trắng ngần như tuyết.
Khoảnh khắc ánh mắt hai người chạm nhau, vẻ đẹp mặt hoa da tuyết của Lâm Vãn Sương cũng lọt vào mắt Thi Yến Vi.
Lâm Vãn Sương hai mươi sáu tuổi, lớn hơn Thi Yến Vi tám tuổi, bôn ba thương trường nhiều năm nên bảo dưỡng dù tốt đến đâu cũng khó tránh khỏi vẻ bề ngoài chín chắn già dặn. Nghe Thi Yến Vi thẳng thắn bày tỏ nàng không thích những cuốn sách như “Nữ luận ngữ” thì càng cảm thấy thêm phần thân thiết.
Nghĩ vậy lại nói: “Nhà ta ở phường Tuân Thiện bên bờ sông, nương tử chỉ cần đến bờ sông hỏi thăm đôi chút liền có thể tìm…”
Nàng đang nói nửa chừng thì góc cầu thang chợt xuất hiện ánh sáng vàng cam, thiếu nữ cao gầy mặc váy áo màu xanh đang ở tuổi dậy thì cất giọng lanh lảnh: “Gia chủ, bên ngoài gió lớn lắm rồi, mây đen che khuất mặt trăng, chỉ e trời sắp đổ mưa đó, xin gia chủ nhanh nhanh về khoang thuyền nghỉ ngơi đi.”
Nữ lang kia mặt tròn, mắt hạnh môi anh đào, bước chân nhẹ nhàng như sen nở chậm rãi đến gần hai người, quỳ gối thi lễ với Thi Yến Vi xong thì choàng lên người Lâm Vãn Sương một kiện áo choàng nửa mới nhưng không cũ bằng vải gấm.
Lâm Vãn Sương không có anh trai hay chị gái, bên cạnh chỉ có một em trai nhỏ hơn nàng năm tuổi. Hai năm gần đây vẫn thường đến các quốc gia ở Tây Vực buôn bán, phải đến mồng một tết mới về nhà ở được dăm ba tháng.
Khuê mật ngày xưa người thì gả xa, kẻ thì xa cách, lâu lắm rồi nàng không gặp ai hợp ý để trò chuyện, nay thấy Thi Yến Vi tính tình ôn hòa, lại không bị trói buộc bởi lễ giáo thế tục thì sao lại không muốn kết giao, bèn hỏi: “Ta với Tam Nương đang nói chuyện với nhau rất vui vẻ, ngày mai giờ Tuất, nếu không có mưa tuyết, hai ta lại gặp nhau ở đây có được không?”
Thi Yến Vi ngước nhìn ngọn núi xa trùng điệp, ngón tay khép nhẹ vạt áo trên người, gật đầu đáp: “Nhị Nương có lòng, sao dám từ chối.”
Nói xong, nàng lùi lại một bước, nhún gối thi lễ cáo biệt với Lâm Vãn Sương rồi bước xuống cầu thang gỗ, đi vào trong khoang thuyền.
Hôm sau đến giờ Tuất, Thi Yến Vi đúng hẹn đứng bên mạn thuyền thì phát hiện ra Lâm Vãn Sương đã chờ sẵn từ lâu, nàng bảo tỳ nữ mang đến hai cái ghế đẩu, đặt lò than và bàn nhỏ, than trong lò đỏ như màu đồng, tản ra hơi ấm.
“Trịnh Tam nương hãy đắp tấm thảm này để tránh lạnh.” Người lên tiếng trước là tỳ nữ mặt tròn nàng đã gặp đêm qua, vừa dẫn Thi Yến Vi ngồi xuống ghế đẩu vừa lấy thảm lông mịn đắp lên đùi nàng để giữ ấm.
Lâm Vãn Sương nghiêng đầu nhìn tỳ nữ, dịu dàng nói: “Ở đây không cần em phụng dưỡng, em cứ về nghỉ ngơi trước đi, lát ta sẽ về sau.”
Giữa bầu trời đêm đầy sao, Thi Yến Vi ngước nhìn qua lớp mành che, nhẹ giọng hỏi: “Theo Nhị nương thì phải mấy ngày nữa mới tới được Lạc Dương?”
*
Chú thích hình ảnh:
[5] món bánh “cổ lâu tử”: