Giam Nàng Trong Trướng - Tụ Tụ Yên

Chương 44: Tin tức đến




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Thi Yến Vi đến những cửa tiệm gần đó tìm hiểu thì quả nhiên, nàng tìm được một thư trai có quy mô khá lớn, liền bước qua bậc cửa mà vào.
Vị tiên sinh phụ trách thấy có người đi vào thì vội bước ra nghênh đón, hỏi nàng muốn mua loại sách nào.
Thi Yến Vi lắc đầu, nói không phải nàng đến mua sách mà muốn tìm công việc chép sách.
Chưởng quầy họ Trần nghe thấy lời này liền ngước mắt nhìn nàng, thấy nàng chỉ là một nữ lang vóc người mảnh mai yếu ớt, trong lòng không khỏi nghi ngờ, tay đặt trên quầy, thân mình hơi nghiêng về phía trước, đánh giá nàng từ trên xuống dưới.
“Không biết nương tử thạo viết kiểu chữ nào?” Chưởng quầy họ Trần muốn đuổi khéo nàng đi, bèn khách sáo hỏi thêm một câu. 
Thi Yến Vi giấu mặt sau lớp mành sa, rành rọt thốt ra hai chữ: “Nhan công.”
Người đương thời yêu thích “Nhan gân Liễu cốt”, [1] nhiều người sẵn sàng trả giá cao để thuê người chép sách theo kiểu chữ của hai vị này. Nhưng thể chữ của hai vị đại gia này rất khó để viết đẹp, rất nhiều lang quân chỉ có thể nắm sơ qua. Vậy nên lúc Trần chưởng quầy nghe Thi Yến Vi ngỏ ý muốn tìm việc chép sách, ban đầu cũng không mấy xem trọng nàng. 
[1][1] Về Nhan Chân Khanh thì mình đã có chú thích rồi. Còn thể chữ Liễu ở đây là do Liễu Công Quyền (sống sau thời của Nhan Chân Khanh) sáng tạo ra. Vị này cũng có sở trường về khải thư và hành thư. Ban đầu ông học theo Vương Hi Chi, sau nghiên cứu nhiều bút pháp thời Tùy, Đường rồi tự thành một phong cách riêng, thể chữ, thế chữ khỏe đẹp, nét bút thanh gầy, lộ rõ gân cốt. Nguồn chú thích: nhanmyhocduong.vn
Lúc này vừa hay trong tay Trần chưởng quầy đang có ba quyển sách cần sao lại, nghe Thi Yến Vi nói nàng biết viết chữ Nhan công thì hăng hái ra mặt, thay đổi thái độ thờ ơ ban đầu mà hỏi: “Nương tử đã nói thạo viết kiểu chữ của Nhan công, vậy có thể viết thử hai ba câu thơ để mỗ xem trước có được không?”
Hỏi vậy là muốn cho nàng cơ hội. Thi Yến Vi nghe xong, không chút do dự, gật đầu đồng ý ngay.
Chưởng quầy họ Trần thấy vậy, chẳng những vẫy tay hiệu tiên sinh tiếp đón nàng ban nãy chuẩn bị bút mực giấy nghiên, mà còn tự tay trải giấy rửa bút, sai người mài mực. 
Chờ cho mực được mài xong, Thi Yến Vi cầm bút chấm mực, dựa theo kỹ thuật Tống Hành từng tận tình chỉ bảo, chẳng mất nhiều thời gian, nàng đã viết được bài “Trừ Châu tây giản” của Vi Ứng Vật ra giấy. 
Trần chưởng quầy tiện tay cầm tờ giấy lên xem, cúi đầu tập trung xem kỹ, thầm nghĩ trong lòng: Chữ viết của vị tiểu nương tử này tuy không quá xuất sắc nhưng cũng không có gì sai sót gì lớn để bắt bẻ, chỉ cần nắm được đặc điểm của thể chữ Nhan công, miễn cưỡng vẫn có thể dùng được. 
Huống chi nghe khẩu âm của nàng cũng không phải người đã sống lâu năm ở Lạc Dương, vừa hay có thể ép giá. 
Trần chưởng quầy vuốt vuốt râu trên cằm, ung dung đặt tờ giấy xuống rồi quay đầu nhờ một vị tiên sinh khác lấy bộ sách mà tháng trước khách nhân cần sao chép. 
Tiên sinh kia nhỏ giọng đáp lại, rồi mang bộ sách đến trước mặt Thi Yến Vi theo ý Trần chưởng quầy. 
Trần chưởng quầy nở nụ cười giả lả, làm bộ thân thiết rồi nói: “Nương tử cứ chọn lấy quyển muốn chép.”
Thi Yến Vi không rõ một quyển sách cần sao chép mất bao lâu, nếu số chữ quá nhiều thì sợ thời gian quá dài, còn số chữ ít thì lại sợ không kiếm được nhiều bạc, suy nghĩ một chút, cuối cùng chọn quyển sách có độ dày vừa phải.
Trần chưởng quầy nhìn tựa đề ghi trên bìa sách, liền thu lại nụ cười trên mặt, nói bằng giọng nửa đùa nửa thật: “Nương tử đã chọn quyển sách này, tiếp theo hãy bàn đến giá cả.” 
Mặc cả là bước không thiếu. Thi Yến Vi gật đầu tỏ vẻ đồng ý, dịu dàng đáp lại: “Chưởng quầy cứ ra giá trước đi.”
Thấy nàng đồng ý một cách nhanh chóng, Trần chưởng quầy liền giảm giá chép sách bình thường xuống còn một nửa, giơ ngón tay chỉ ra số bạc.
Đây là lần đầu tiên Thi Yến Vi làm công việc chép sách nên sao biết được giá cả thị trường. Lại thấy tướng tá vị chưởng quầy họ Trần cũng không có vẻ xảo trá gian manh nên trong lòng cũng không quá phòng bị. Nhưng dù là vậy, nàng đã sống hai mươi tư năm ở thời hiện đại, từng trải qua thực tập lẫn đi làm nên vẫn có một chút kinh nghiệm, bèn nâng giá cao hơn một chút.
Ai ngờ Trần chưởng quầy nghe xong thì đáp ứng ngay, nhanh nhẹn mang tới một tờ kế thư để nàng ký tên đồng thuận, sau đó mới giao cuốn sách kia đến tận tay Thi Yến Vi.
Vì là lần đầu hai người hợp tác nên Trần chưởng quầy đặc biệt cẩn thận, không cấp giấy dùng để chép sách mà chỉ chỗ để Thi Yến Vi tự mua. 
Thi Yến Vi cầm quyển sách trong tay, lật ra xem vài trang rồi từ biệt Trần chưởng quầy, rảo bước ra khỏi thư trai đến nơi khác mua giấy. Sau khi so sánh giá cả ở ba cửa tiệm khác nhau, cuối cùng chọn mua ở cửa hàng mà Trần chưởng quầy đã đề cập.
Khi nàng ôm sách và giấy về nhà thì ngoài cửa sổ sắc trời đã tối. Thi Yến Vi cho vài giọt dầu vào nước, nấu cùng hai lạng mì. Đợi mì gần chín thì thả thêm một ít rau tươi mà không thêm nước dùng, đổ ra bát, nêm chút muối, xì dầu và dấm. 
Thời đại học lẫn lúc còn ở nhà Thi Yến Vi đều thích ăn thế này, chỉ là ở đây không có ớt bột nên món ăn cũng có phần nhạt nhẽo.
Ăn xong bát mì tạp này, bất tri bất giác vầng trăng đã treo cao, giữa không trung là trăm ngàn vì tinh tú lấp lánh, gió bắc mạnh mẽ thổi qua, đập vào cửa sổ cùng gốc quế hoa trơ trọi giữa viện tử. 
Thi Yến Vi cầm bát bước ra tới cửa, nhìn cây quế hoa lẻ loi chao mình trong gió lạnh, cảnh tượng cô quạnh tịch liêu càng khiến nàng nổi lên tâm tư muốn trồng thêm hoa cỏ trong viện, chỉ cần chờ mùa xuân ấm áp quay về là sẽ bắt tay thực hiện ngay.
Một ngày tất tả qua đi, Thi Yến Vi ngủ một giấc tới tận sáng sớm hôm sau, rán một cái bánh hành ăn sáng qua loa rồi ngồi cạnh cửa sổ, tập trung chép sách. 
Gần đến buổi trưa, Thi Yến Vi vừa chép vừa nghỉ, lúc này nàng cũng đã chép xong vài trang nên đặt bút, bước ra cửa đi đi lại lại dưới hành lang để giãn gân cốt.
Công việc chép sách thực sự rất mệt, mới được nửa buổi mà thấy lưng đau tay nhừ, Thi Yến Vi vận động thêm một lúc rồi ngả người lên giường La Hán nghỉ ngơi. 
Thi Yến Vi ngủ trưa được nửa canh giờ thì bị tiếng gõ cửa nhịp nhàng ngoài sân làm tỉnh giấc. Nàng lười biếng vén chăn, dịu đôi mắt nhập nhèm buồn ngủ rồi xuống giường đi giày, chỉnh lại tóc và y phục trước gương đồng trước khi ra tới cửa.
Sống ở thời hiện đại còn phải cảnh giác với người lạ gõ cửa, huống chi đây còn là thời cổ đại không có camera giám sát. Thi Yến Vi nhìn ra ngoài qua khe cửa, giọng điệu đề phòng hỏi người bên ngoài: “Ngoài cửa là ai? Có việc gì chăng?”
Vừa dứt lời thì đã nghe ngoài cửa truyền đến thanh âm nửa cười nửa giận của Lâm Vãn Sương: “Mới có một ngày mà Tam nương đã quên những lời đã nói hôm qua với ta rồi sao?”
Nghe thấy giọng nữ quen thuộc, Thi Yến Vi lập tức an tâm, tháo thanh gỗ dài chặn cửa, đẩy cửa ra, vội vàng mời người vào trong viện. 
“A di.” Trong ba người thì chỉ có Lâm Doanh là ngọt ngào nhất, gần như nhảy ra từ phía sau Lâm Vãn Sương để tiến đến, chủ động chào hỏi Thi Yến Vi.
Bảo nàng bế một hài đồng sáu tuổi lên thì vẫn có phần quá sức, tay chân Thi Yến Vi đều mảnh khảnh, không có sức lực lớn như vậy. Nàng hạ thấp người, nâng tay vuốt ve gương mặt hồng hào cùng mái tóc đen nhánh búi thành hai bên của Lâm Doanh, mỉm cười nói: “Để a di đi chợ, mua sữa bò tươi về làm món bánh sữa hấp đường cho Minh Nguyệt Nô ăn có được không?”
Lâm Doanh không có tính sợ người lạ, lại thêm hôm qua đã tặng Thi Yến Vi một con thỏ gỗ điêu khắc nên lúc này đã thật sự xem Thi Yến Vi như dì ruột, mắt hạnh híp lại, cong thành hai nửa trăng khuyết, gật đầu lia lịa:
“Được ạ.”
Thi Yến Vi cầm bàn tay nhỏ bé của Lâm Doanh đứng dậy, tủm tỉm cười dẫn cô bé vào trong nhà. Nàng thêm hai khối than mới vào lò than, gọi đôi tỷ đệ Lâm Vãn Sương và Lâm Việt lại gần để sưởi ấm. 
Lâm Vãn Sương và Lâm Việt ngồi xuống ghế gỗ, nhìn thấy trên án đặt sách và những trang giấy dày đặc chữ viết, chẳng mấy đã đoán ra được nàng đang chép sách kiếm tiền.
Ánh mặt trời ngoài cửa hắt thẳng vào nét mực đã khô lại từ lâu, Thi Yến Vi thấy hai người họ nhìn chằm chằm vào những trang bản thảo một lúc thì đi trước một bước,  nét mặt bình thản đóng sách lại rồi cầm lấy, đặt lên chiếc kệ sách đã cũ cao đến thân người. 
Có câu: “Vô công bất thụ lộc” (Không có công không nhận thưởng) Tam nương vì tránh hôn sự không như ý, quyết đoán chọn cách rời khỏi Trường An, đến một nơi đất khách quê người Lạc Dương thì ắt là kiểu người nghị lực kiên cường, đã chọn tự lực cánh sinh thì càng không dễ nhận bạc từ người khác. 
Lâm Vãn Sương thầm nghĩ thế trong lòng, liếc mắt ra hiệu với Lâm Việt, dặn hắn đừng vì cảm tính nhất thời mà ăn nói lung tung, miễn lại nói sai ý tốt thì không hay. 
Lâm Việt hiểu ý cũng vội gật đầu, lúc này Lâm Vãn Sương mới thu ánh mắt về, tiếp tục chơi đùa với Lâm Doanh giải khuây.
Thi Yến Vi cất sách xoay thì quay lại, cố tình cầm theo con thỏ gỗ mà hôm qua Lâm Doanh tặng cho nàng để cô bé tự chơi. Nàng hơi ngượng ngùng nhìn tỷ đệ hai người rồi nói: “Hàn xá đơn sơ, làm khó cho Nhị nương và Đại lang phải chịu thiệt.”
Lâm Vãn Sương nghe nàng nói vậy, khẽ mỉm cười, chân thành tiếp lời: “Tam nương nói vậy là không đúng, nào có chịu thiệt gì đâu. Tuy gian phòng này không lớn nhưng được cái sạch sẽ ấm cúng, ta thấy rất thoải mái. Huống hồ, ta và Đại lang đã từng trải qua cảnh nhân tình ấm lạnh, trước khi phát đạt như giờ, nhà ta sa sút đến mức nơi ở còn không so được với tòa trạch viện này của Tam nương.”
Trải qua cảnh nhân tình ấm lạnh. Hẳn là trước khi thành đạt, nàng và a đệ đã kinh qua không ít khổ sở. Thi Yến Vi không tránh khỏi bị gợi lên sự tò mò, đang do dự có nên hỏi thêm một hai câu thì đã nghe Lâm Vãn Sương nói với Lâm Việt còn chưa ngồi ấm ghế: “Bữa tối hôm nay đã để Tam nương bỏ sức nên nguyên liệu trái cây hiển nhiên phải do tỷ đệ ta lo liệu. Đệ dẫn thêm hai tiểu tư ngoài kia ngồi xe đi chợ một chuyến, mua chút rau dưa hoa quả tươi về đây.”
Lâm Việt không chần chừ mà gật đầu chấp thuận ngay, còn hỏi Thi Yến Vi thích ăn món gì hay loại quả gì, ghi tạc mỗi thứ trong lòng rồi mới ngẩng đầu bước ra cửa, gọi xa phu cởi dây thừng, đánh xe chạy thẳng đến khu chợ gần đó. 
Lâm Doanh nghịch con thỏ gỗ một lúc nên có chút nhàm chán, ở trong phòng ngọ nguậy tới lui. Thi Yến Vi nhìn thấy liền tìm một sợi dây đỏ dạy cô bé chơi trò đan dây, Lâm Vãn Sương ngồi bên thấy trò này lạ lẫm, không nhịn được hỏi nàng thì Thi Yến Vi đáp rằng, đó là trò chơi nàng học được hồi nhỏ, lúc còn ở quê nhà Tấn Dương. 
Lâm Vãn Sương đã xem Thi Yến Vi như bạn tâm giao nên cũng không hoài nghi gì, nàng ngẫm nghĩ một lúc, ánh mắt chuyên chú nhìn Thi Yến Vi chơi đùa cùng Lâm Doanh rồi bất ngờ hé mở môi son, mềm giọng nói: “Nhị nương có thể không biết nhưng ta vốn xuất thân từ gia đình quan lại, thành thân ba năm vẫn chưa thể có thai nên không được lang quân yêu thích. Sau này hoài thai Minh Nguyệt Nô, nhà chồng mới đối xử tử tế với ta hơn, không ngờ sau khi hạ sinh, lang quân thấy ta sinh được nữ lang nên ngày càng trở nên lạnh nhạt, không bao lâu lại nạp thêm hai phòng thiếp thất. Sau này, phụ thân ta bị kẻ gian hãm hại mất mạng, từ đây gia đạo sa sút, đối phương bắt đầu có ý nghĩ hưu ta. Năm đó Đại lang còn chưa tròn mười sáu tuổi, nghe được tin này liền không quản ngại mà đến tận nơi làm loạn, nói hắn chân đất không sợ đi giày, [2] ép người ta đổi hưu thư thành thư hòa ly, rồi còn chạy vạy khắp nơi đòi lại của hồi môn. Trước đây ta cho rằng nữ lang sau khi xuất giá, nếu rời khỏi nhà chồng liền không còn chỗ đứng để an thân lập mệnh, nhưng sau khi ta cùng người ấy hòa ly, tự lập nữ hộ, rốt cuộc ta mới ngộ ra, thì ra trên đời này những việc lang quân làm được thì nữ lang đều có thể làm tốt, chẳng hạn như buôn bán, đọc sách tìm hiểu đạo lý, du ngoạn non sông…”
[2][2] chân đất không sợ đi giày: Quang cước bất phạ xuyên hài; chân trần thì sợ gì người đeo giày. Chân trần giẫm lên giày đẹp thì giày dơ, giày đẹp có dẫm lên chân trần thì cũng chẳng sợ dơ hơn | vua cũng thua thằng liều, không có gì để mất; cùi không sợ lở. Nguồn chú thích: Tài khoản CCD tại bachngocsach.com.vn
Không ngờ nàng ấy lại có đoạn quá khứ chua xót buồn khổ đến vậy, may mà cuối cùng, nàng cũng thoát ra khỏi vũng lầy để rồi có được cuộc sống có thể coi là mỹ mãn. 
Cũng chẳng trách nàng không thích những quyển sách như “Nữ tắc” hay “Nữ giới”.
Thi Yến Vi bị số phận bấp bênh của nàng làm cảm động, lại càng vui mừng khi thấy nàng đã phần nào phá vỡ được những xiềng xích vô hình mà nam nhân áp đặt lên nữ nhân, liền quay đầu sang mặt đối mặt với nàng, ánh mắt ấm áp nhưng cũng thật dịu dàng, khóe môi mang theo ý cười, từ nội tâm phát ra lời tán thường: “Có câu: “Trầm chu trắc bạn thiên phàm quá. Bệnh thụ tiền đầu vạn mộc xuân” [3] Nhị nương lúc ở tuyệt cảnh nhưng không than thân trách phận mà dũng cảm phá vỡ gông xiềng, đối diện với khó khăn, cuối cùng tạo được vùng trời riêng của chính mình. Sự kiên trì và dũng khí của Tam nương không thua kém bất cứ lang quân nào trên đời.”
[3] Hai câu trích từ bài “Thù Lạc Thiên Dương Châu sơ phùng độ thượng kiến tặng” (Xem xong viết tặng lại Lạc Thiên trong cuộc gặp ngắn tại Dương Châu) của Lưu Vũ Tích.
Dịch nghĩa: Bên chiếc thuyền chìm vẫn có cả ngàn cánh buồm qua lại/ Phía trước cây bị bệnh vẫn có hàng vạn cây xanh tốt. Nguồn chú thích: https://vandieuhay.net
Lâm Vãn Sương lặng lẽ nghe nàng nói xong, trong lòng không khỏi xao động, vừa thầm nhủ bản thân đã không nhìn lầm người, vừa uyển chuyển nói rằng chép sách lâu ngày hại mắt, thu nhập lại chẳng đáng là bao, trong khi giá thuê nhà ở Lạc Dương quá cao, do vậy không phải kế lâu dài, sau đó thì hỏi Thi Yến Vi đã có tính toán gì cho tương lai hay chưa.
Thi Yến Vi nghe vậy thì hơi nhíu mày, tuy không muốn giấu diếm nàng nhưng cũng không tiện nhắc đến Tống Hành vì sợ khiến nàng lo lắng không cần thiết. 
Nghĩ ngợi một hồi, lại đáp nửa đùa nửa thật: “Thực không dám giấu, trưởng bối trong nhà ép gả ta cho một quyền quý ở kinh thành. Người kia chuyên quyền độc đoán lại háo sắc, e rằng không dễ buông tha ta, chưa biết chừng còn đang phái người dò la, tìm kiếm tin tức. Nếu giờ ta xuất đầu lộ diện ở thành Lạc Dương chỉ e sẽ vô cớ dẫn tới mầm tai vạ, suy đi tính lại không bằng tạm lánh nửa năm, như thế sẽ ổn thỏa hơn nhiều.”
Trên đời này, nữ lang vốn đã ở thế yếu, nếu không có xuất thân tốt và thân tộc che chở, vận mệnh có lẽ khó tránh khỏi bi ai. Lâm Vãn Sương nghe kể về cảnh ngộ nàng gặp phải thì thoáng dừng lại, thở dài nói: “Tam nương nói vậy thì chép sách quả là lựa chọn tốt nhất vào lúc này. Nghĩ kỹ lại, ta và cô vẫn còn được xem là may mắn. Bởi trên thế gian này, không biết còn bao nhiêu nữ lang chịu đủ bề đau khổ nhưng vẫn chưa thể thoát ra…”
Có lẽ vì chủ đề này quá mức nặng nề nên ngay cả đứa bé như Lâm Doanh cũng cảm thấy bầu không khí khác lạ, ngẩng đầu lúng túng hỏi hai người: “A nương, a di, hai người vừa nói chuyện gì không vui đấy?”
Giọng nói non nớt của bé gái vang lên, xua tan mây mù trong lòng. Thi Yến Vi điều chỉnh tâm trạng, khẽ nở nụ cười dịu dàng trấn an: “Sao lại thế được? Chúng ta chỉ đang bàn xem a cữu con đi chợ sẽ mua món gì về. Minh Nguyệt Nô muốn bánh hồ và tất la có nhân gì nào?”
Lâm Doanh nghĩ ngợi một lúc, cuối cùng lựa chọn tin lời của nàng, lại nghe thấy sẽ có tất để ăn, đôi mắt hạnh nhân lập tức sáng lên, vui vẻ trả lời: “Con thích tất la anh đào.”
Lâm Vãn Sương ngồi cạnh nghe câu nói ngộ nghĩnh ấy thì cũng bật cười theo hai người, nàng vươn tay xoa đầu con gái, cao giọng hào hứng nói: “Mùa này làm gì có anh đào cho Minh Nguyệt Nô ăn, phải chờ đến mùa xuân sang năm cơ.”
Nói xong, nàng Thi Yến Vi chơi đùa với Lâm Doanh. Một lúc sau thì bên ngoài lại truyền đến tiếng gõ cửa. Thi Yến Vi nói Lâm Vãn Sương không cần động tay, tự mình ra mở cửa.
Lâm Việt trở về với vô vàn thứ trong tay, có vẻ như hắn đã mua lượng thức ăn đủ để Thi Yến Vi dùng trong mấy ngày tới.
Thi Yến Vi chưa từng tự tay giết gà hay cá sống, may thay gà và cá Lâm Việt mua về đều đã được làm sạch, bằng không nàng thật sự không biết phải xoay sở thế nào. 
Loay hoay mãi mới mang được thức ăn vào phòng bếp không tính là quá rộng, Thi Yến Vi còn chưa kịp bảo Lâm Việt vào nhà nghỉ ngơi thì hắn đã lên tiếng trước, khoe rằng tài nấu nướng của bản thân rất khá, không kém nhiều so với a tỷ, tay chân cũng nhanh nhẹn, rồi hết lời năn nỉ để được xuống bếp cùng nhau nấu ăn.
Vì không nỡ từ chối lòng tốt của hắn nên Thi Yến Vi đành gật đầu đồng ý.
Có Lâm Việt giúp một tay nên không lâu sau, Thi Yến Vi đã làm xong món gà hầm nấm hương và cá trích kho tàu, cùng với đó là món trứng chiên hành, đậu hũ xào tỏi và rau cải xào.
Cơm nước xong, Lâm Việt lại giúp nàng dọn dẹp bát đũa, vì trời đông nước lạnh, liền bảo Thi Yến Vi vào nhà sưởi ấm trước, để mình hắn rửa bát đũa là được.
Thi Yến Vi không lay chuyển được hắn, đành cảm ơn rồi quay lại ngồi cạnh Lâm Vãn Sương, hỏi nàng sao Lâm Việt lại biết làm những việc bếp núc này.
Lâm Vãn Sương như đã đoán trước câu hỏi này, nghiêng đầu nhìn nàng, giọng nói mang theo tiếng cười: “Lúc ta mới hòa ly, nhà họ Vương không chịu trả lại của hồi môn, khi đó Minh Nguyệt Nô còn chưa tròn hai tuổi, không thể thiếu sự chăm sóc của mẫu thân, đi theo chúng ta chỉ có hai người là nhũ mẫu và Chu mụ, nên ít nhiều Đại lang cũng phải giúp họ lo liệu việc nhà.”
Hai người trò chuyện thêm một lát, chợt nhớ ra điều gì thú vị, Lâm Vãn Sương bật cười hỏi Thi Yến Vi: “Tam nương có biết đại lang có tiểu danh (tên thân mật) là gì không?” [4]
[4][4] Tiện nên mình sẽ chú thích thêm về các khái niệm đại danh, tiểu danh, và nhũ danh. 
– Đại danh là tên chính thức, trang trọng, được đặt khi sinh ra và thường được sử dụng trong các văn bản chính thức, giao tiếp xã hội hoặc khi người khác gọi với sự kính trọng.
– Tiểu danh là tên thân mật, gần gũi, dùng trong gia đình và với người thân quen.
– Nhũ danh là tên thời thơ ấu (“nhũ” nghĩa là “sữa”, giai đoạn còn nhỏ, còn nằm nôi), thường dùng khi trẻ còn nhỏ, mang tính chất yêu thương.
Một câu hỏi không đầu không đuôi, khiến Thi Yến Vi chỉ biết mím môi lắc đầu.
“Khi Đại lang vừa ra đời được ba ngày đã bị vàng da, a nương ta lo lắng, vội thỉnh y sư tới xem, y sư nói không sao, mười ngày sau nhất định sẽ khỏi. Quả thật, đúng mười ngày sau đại lang khỏi bệnh, cha nương yên lòng, liền đặt tiểu danh cho y là Hoàng Nô.”
Lâm Vãn Sương nói xong, liền che miệng cười khúc khích, tiếng cười trong trẻo như truyền đi, khiến Lâm Doanh cũng bật cười theo.
Thi Yến Vi nhìn hai mẹ con nàng cười đùa vui vẻ, cũng không nhịn được nhoẻn cười, khóe mắt cong cong, từ mi mắt đến chân mày đều mang theo ý cười. 
Chính lúc này, Lâm Việt từ phòng bếp quay về thì nghe thấy tiếng cười của ba người. Hắn dừng trước cửa, nhìn thấy lúm đồng tiền mềm mại như đóa hoa xuân của Thi Yến Vi thì đầu óc nhất thời trở nên ngơ ngẩn, dù không rõ nguyên do nhưng vẫn bị nụ cười dịu dàng ấy cuốn đi một nửa tinh thần. 
Lâm Việt từng hai lần đi Tây Vực, giao thiệp với Hồ Cơ hồn nhiên nhiệt tình, từ lâu đã không còn e ngại khi trò chuyện với các nữ lang nhưng hai ngày nay, mỗi lần đứng trước mặt Thi Yến Vi, hắn đều có cảm giác bất an bối rối. 
Lâm Vãn Sương dường như cũng nhận ra ánh mắt hắn có sự kiềm chế cùng tình cảm khó giấu nhưng chỉ thản nhiên vẫy tay bảo hắn mau ngồi xuống, giọng điệu có phần lơ đễnh hỏi: “Năm nay Đại lang đi Tây Vực buôn bán mấy tháng, không biết đã đến quốc gia nào rồi?”
Thi Yến Vi vốn có hứng thú với văn hóa Tây Vực thời Hán Đường, nghe Lâm Vãn Sương hỏi vậy thì trong lòng cũng nổi lên thích thú cười nhìn nàng, vẻ mặt đầy mong chờ hướng về phía Lâm Việt.
Nhận thấy ánh mắt nhu hòa của Thi Yến Vi đang hướng về phía mình, Lâm Việt không khỏi nuốt một ngụm nước bọt, những ngón tay thon dài đặt trên tay vịn, lặng lẽ siết lại, đáp bằng giọng điệu không cao không thấp: “Hai năm qua ta đã đi qua Cao Xương quốc, Vu Điền quốc, Ca Lạt Hãn quốc cùng Khang quốc… Cao Xương quốc có nhiều rượu nho, Vu Điền và Ca Lạt Hãn chế tác nhiều các loại ngọc thạch và bảo thạch, Khang quốc thì có nhiều đà điểu, người dân nước này thích uống rượu, giỏi ca múa, điệu múa Hồ toàn mà Quý phi thích có nguồn gốc từ Khang quốc.”
Thi Yến Vi càng nghe càng cảm thấy thích thú, như thể chỉ qua lời nói của y nhưng nàng đã có thể đặt chân đến các quốc gia Tây Vực, đôi mắt hoa đào sáng trong không rời khỏi hắn dù chỉ một giây, mãi đến khi Lâm Việt ngừng nói, nàng vẫn chưa thấy thỏa mãn, lại hỏi: “Lần này Đại lang về có đem theo hạt giống quả nho của Cao Xương quốc không?”
Giọng nói của nàng như tiếng oanh hót, lại như những giọt mưa nhỏ sau trận mưa phùn, nhẹ nhẹ rơi vào lòng, khiến trái tim hắn nảy lên bình bịch.
Lâm Việt cật lực khắc chế tình cảm của chính mình, có phần tiếc nuối đáp: “Ta chưa mang hạt giống về. Nếu Tam nương muốn trồng nho, đợi sang năm ta lại đi Khang Quốc một chuyến, nhất định sẽ chọn ra hạt giống tốt nhất mang về cho cô trồng, chắc rằng không bao lâu nữa cây sẽ phủ đầy giàn, mùa hè còn có thể che nắng hóng mát.”
Thấy hắn nhiệt tình như thế, Thi Yến Vi bỗng có chút ngượng ngùng, vội vã sửa lời: “Ta chỉ thuận miệng hỏi thế thôi, Đại lang không cần phải để trong lòng. Khoảng sân bên ngoài trơ trọi, dựng giàn tường vi là được rồi.”
Hoa tường vi. Lâm Việt thầm ghi nhớ loại hoa nàng muốn trồng, phụ họa thêm hai câu rồi tiếp tục kể câu chuyện về những quốc gia ở Tây Vực, giúp mọi người kiếm cái giết thời gian. 
Thoắt cái lại thêm nửa canh giờ trôi qua, ngoài cửa sổ mặt trời đã ngả về phía tây, sương chiều dần dần bao phủ.
Thi Yến Vi sợ ban đêm nhìn đường khó khăn nên khuyên một nhà ba người của Lâm Vãn Sương về sớm. Lâm Vãn Sương và Lâm Việt đứng dậy cáo biệt, dắt theo Lâm Doanh ra sân, lên xe ngựa rời đi trước ánh mắt dõi theo của Thi Yến Vi.
Giọng nói và dáng vẻ nữ lang vẫn còn đọng lại trong tâm trí Lâm Việt, mãi chẳng thể tiêu tán. Ánh mắt hắn trầm xuống, thầm trách bản thân vì cứ mãi nhớ thương một nữ lang chẳng liên quan gì đến mình, cũng như đó nào phải hành vi của bậc quân tử. Nhưng hắn cũng không thể hoàn toàn kiểm soát được cảm xúc của chính mình, chỉ còn cách yên lặng niệm kinh tĩnh tâm. 
Lâm Vãn Sương thấy dáng vẻ này thì hiểu ngay hắn đã rung động, nhưng cũng không vội hỏi han mà để mặc hắn lắng nghe tiếng lòng.
Sau hôm đó, Thi Yến Vi ở nhà cặm cụi chép sách suốt ba bốn ngày liền và rất hiếm khi ra ngoài. Đảo mắt đã là hai mươi chín tháng chạp.
Thành Lạc Dương vừa dỡ bỏ lệnh giới nghiêm bảy ngày, khu chợ ở các phường đều hết sức náo nhiệt, ngựa xe tấp nập nối liền nhau không dứt, tiếng rao hàng của các tiểu thương dội lại khắp hẻm nhỏ, trong đó có cả thương nhân người Hồ dắt theo lạc đà, toàn cảnh vạn phần huyên náo. 
Từ sáng tinh mơ Thi Yến Vi đã rời giường, đeo mành che kín mặt, cầm theo giỏ trúc rời phủ chọn mua câu đối, tranh Tết lẫn cờ xuân, sau đó tự mình đứng lên ghế treo cờ xuân và câu đối, dán tranh Tết ngay ngắn lên cửa sổ, làm xong đâu vào đấy mới vào phòng nhóm than sưởi ấm.
Ban đêm, thời tiết Thái Nguyên đặc biệt lạnh, mây đen che khuất mặt trăng, giữa nền trời là dải thiên hà ảm đạm, gió bấc gào thét, từng nhánh cây run lên, lá khô rụng rơi lả tả, báo hiệu đợt tuyết sắp tới.
Ở Thối Hàn cư.
Trong chính phòng, đôi đèn hoa sen được thắp khiến căn phòng rực sáng như ban ngày. Thương Lục đẩy cửa bước vào, dâng lên tách trà Mông Đỉnh vừa mới pha, Tống Hành vươn tay nhận lấy, ánh mắt hiệu để nàng lui ra ngoài.
Thương Lục hiểu ý, lặng lẽ rút lui, vừa định nhẹ nhàng khép cửa thì lại thấy Phùng Quý cầm đèn đi như bay về phía này, chần chừ một lúc, đến khi nàng kịp định thần thì đã thấy Phùng Quý tới dưới hành lang.
Phùng Quý đứng trước mặt nàng, lùi lại một bước, Thương Lục liền hiểu ý ngay, nán lại trước cửa, cao giọng truyền vào: “Hồi bẩm gia chủ, Phùng lang quân có chuyện muốn thưa.”
“Được.” Động tác lật sách của Tống Hành thoáng dựng lại, tích chữ như vàng chỉ thốt ra một chữ ngắn gọn.
Phùng Quý nghe vậy, lập tức phất tay hiệu Thương Lục lui xuống phòng nghỉ ngơi, còn hắn chỉ mất vài ba bước đã tiến vào trong, tiện tay khép nhẹ cửa rồi đi thẳng đến trước mặt Tống Hành đang ngồi trên ghế dựa, quỳ gối chắp tay trước ngực thi lễ.
Tống Hành nâng nhẹ mí mắt, nhanh chóng lướt qua người hắn, hiệu hắn có gì thì cứ nói cả đi. 
“Hồi bẩm gia chủ, có tin truyền từ Hà Trung.” Phùng Quý vừa nói vừa lấy một phong mật tín từ trong ngực.
Dấu sáp niêm phong trên đó vẫn còn nguyên vẹn, chỉ nhìn đã biết bên trong chưa từng được ai mở ra. 
Tống Hành tiện tay xé đi dấu sáp, động tác cực kỳ nhanh gọn, rút tờ giấy bên trong mở ra xem. 
Đã là tin truyền từ Hà Trung, vậy nội dung trên thư chắc là có liên quan đến Dương nương tử.
Phùng Quý bất động thanh sắc tự nhủ trong lòng, âm thầm để mắt quan sát nhất cử nhất động lẫn biểu cảm của Tống Hành. Dù ngoài mặt ngài ra vẻ nước chảy mây trôi, không mấy để tâm, nhưng động tác khi mở thư rõ ràng lại có phần nôn nóng, hẳn nhiên là vẫn luôn nhớ về Dương nương tử.
Nghĩ đến đây, Phùng Quý không khỏi cảm thấy vui sướng, mong sao Dương nương tử ở Trường An có thể bình an vô sự, đợi ngày nàng được gia chủ tìm về, chỉ cần nàng biết cúi thấp đầu nhận sai, gia chủ chắc cũng sẽ không trách phạt quá nặng.
Một lát sau, Tống Hành đứng dậy đến trước ngọn đèn, cầm tờ giấy trong tay đốt trên ngọn lửa, nhìn từ sắc mặt mà nói thì vui buồn không rõ, bình tĩnh như đầm sâu nước lặng. 
Phùng Quý không nhìn thấu được tâm trạng hắn lúc này, ngập ngừng mấy lần mới đánh bạo dò hỏi: “Gia chủ, có phải phía Trường An đã có tin của Dương nương tử rồi không?”
Lời vừa thốt ra đã thấy Tống Hành đột ngột quay lại rủ mắt nhìn hắn, mắt phượng hẹp dài vừa u ám vừa sâu thẳm, ánh mắt lạnh băng dán chặt khiến sống lưng Phùng Quý ớn lạnh, trái tim hắn chệnh đi nửa nhịp, hối hận vì một chút nhất thời nói sai, đã vô tình phạm vào vảy ngược trên người ngài.
Đúng lúc Phùng Quý hoảng hốt, đang định nói gì đó để biện bạch thì Tống Hành lại nheo mắt, thu hồi ánh mắt sắc lạnh, nhàn nhã bước tới rồi thong thả ngồi xuống giường La Hán, chậm rãi mở miệng: “Xem ra nàng cũng thông minh, cố ý dặn ngươi mua đôi vòng tay bạc đơn giản nhưng lại không lường trước việc Vạn Bảo trai có kỹ thuật độc đáo, những tiệm trang sức khác khó có thể so bằng. Vòng tay của Vạn Bảo Trai có khắc hoa văn mây đặc trưng, đó không phải thứ thường gặp. Đôi vòng nàng mang cầm cố được tiệm cầm đồ sang tay, chỉ hơn mười ngày đã bán ra một chiếc. Trước mắt chỉ mới tra được ngày đó nàng đến tiệm cầm đồ, mướn xe lừa rồi nghỉ trọ tại một khách điếm thuộc cồn Hà Mô.”
Phùng Quý nghe xong thở dài một hơi, thoáng giãn mày rồi phụ họa nói: “Vậy chỉ cần hỏi thăm người ở khách điếm là biết nơi Dương nương tử đã đi.”
Bên ngoài dường như lại nổi gió, đập vào màn cửa nghe “lách cách”, gió lạnh tìm được kẽ hở len lỏi vào trong phòng, thổi tung vạt áo hai người, Phùng Quý cảm thấy hơi lạnh, vô thức nắm chặt áo bào. 
Tống Hành dường như không cảm thấy lạnh, ngón tay trỏ vẫn gõ nhẹ vào bàn nhỏ bằng gỗ đàn, khẽ ‘ừm’ một tiếng.
Đã hơn mười ngày hắn chưa từng được ngủ ngon, tinh thần cũng không còn được như trước.
Khoảng thời gian này, Tiết phu nhân đã nhận được tin Dương Sở Âm bỏ trốn ở thành Trường An, nên từng đặc biệt đến khuyên hắn đừng quá chấp nhất chuyện này, chọn lấy một người hợp mắt đưa về hầu hạ thay là được. 
Tống Hành chỉ đáp ứng cho qua, nhưng trong lòng chưa từng thôi ý định phải bắt nàng về trút giận. 
“Ngoài kia gió lớn như vậy, e rằng Trường An cũng sắp có tuyết rơi.” Tống Hành rũ mi tự lẩm bẩm, phân phó Phùng Quý gọi người đưa nước nóng vào.
Phùng Quý đang cúi gằm mặt, thoáng suy nghĩ rồi tự mình gọi Thương Lục đưa nước nóng vào phòng.
Tống Hành rửa mặt thay y phục, vén chăn lên giường, tay khẽ vuốt ve vết sẹo trên lòng bàn tay trái đã bong vảy từ lâu, không hiểu sao lại nhớ đến những ngày ở biệt viện, cùng Thi Yến Vi cùng giường chung gối, tai kề tóc chạm, quấn quýt bên nhau.
Trước mắt dường như hiện lên đôi mắt long lanh của nàng, chỉ cần hơi dùng sức là ánh mắt ấy đã ngập tràn hơi nước, làn da trắng tuyết chỉ cần véo nhẹ đã ửng hồng, và cả vòng eo thon nhỏ còn chưa đầy nắm tay…
Thân mình nàng vừa mềm mại vừa yếu ớt, rõ ràng là con chim nhỏ nên được chăm sóc tỉ mỉ ở trong lồng chứ nào chịu nổi mưa bão ngoài kia?
Hắn nhất định phải nhanh chóng tìm nàng về, tự tay phạt nàng thật nặng, bẻ gãy đôi cánh khiến nàng không cách nào rời khỏi hắn được nữa.
Tống Hành hồi tưởng lại dáng vẻ lẫn giọng nói của nàng, cả người cứ thế nóng bừng lên, mồ hôi bắt đầu toát ra, chảy dọc trên khắp cơ thể. 
Cuối cùng không nhịn được nữa, hắn đưa tay phải trượt xuống, ván giường theo đó đung đưa, phát ra âm thanh cọt kẹt.
Cánh tay của Tống Hành dần tê mỏi, giận bản thân vì không biết kiềm chế. Không có nàng ở bên, người kia dẫu có là quốc sắc thiên hương, phong lưu mị thái cũng không thể nào lọt vào mắt hắn, thậm chí hắn còn chẳng buồn nhìn tới. Lúc này hắn nổi lên ham muốn, nhưng mãi không thể giải tỏa được. 
Chẳng nhẽ nàng thực sự là yêu vật đoạt hồn?
Tống Hành nghĩ ngợi miên man, nhưng tay vẫn không dừng lại, mãi rất lâu sau hắn miễn cưỡng đạt được khoái cảm, nhưng trong lòng tuyệt nhiên không thỏa mãn. Đến sáng hôm sau, ngay cả bữa sáng cũng ăn ít hơn bình thường.
Mấy ngày này, Tống Hành ăn uống không ngon, Thôi mụ nhìn thấy thì hết sức sốt ruột, dặn dò nhà bếp chuẩn bị thêm nhiều món ăn mới, khổ nỗi Tống Hành từ đầu đến cuối đều không thèm động đũa lâu hơn, khiến bà không còn cách nào khác, đành phải đến Thúy Trúc cư của Tiết phu nhân, hồi bẩm lại việc này.
Tiết phu nhân nghe xong, lập tức hiểu ra hắn vẫn chưa thể buông bỏ người kia, nên mới tự giằng co với mình.
Tiết phu nhân để Thôi mụ lui xuống, lại sai Hoán Trúc đi mời Tống Hành.
Tiết phu nhân ngồi giường La Hán, tay ôm lò sưởi cầm tay nhỏ bằng bạc hoa văn bồ đào tinh xảo, thấy Tống Hành bước tới hành lễ, bà vội bảo hắn ngồi xuống rồi nhìn hắn một cách cẩn thận.
“Nhị lang gầy đi rồi, tinh thần cũng không được tốt như xưa.” Tiết phu nhân than nhẹ một câu, lại bắt đầu khuyên hắn nên buông bỏ tâm tư lẫn chấp niệm dành cho Dương nương tử, thay vì tính toán dằn vặt lẫn nhau thì chi bằng buông tay dứt khoát. 
Buông tay từ bỏ nàng sao, trừ phi hắn chết, còn không tuyệt đối không thể. 
Tiết phu nhân đã lớn tuổi nên những lời này đương nhiên không thể nói trước mặt bà. Ánh mắt Tống Hành tối đi, dường như đã hạ quyết tâm trong khi vẫn gật đầu một cách lưỡng lự: “A bà không cần lo lắng cho cháu, cháu sẽ coi như nàng như đã chết rồi.”
Nghe hắn nói thế, dù Tiết phu nhân chưa thể tin tưởng hoàn toàn nhưng vẫn tin được ba phần, thầm nghĩ: Chờ thêm thời gian nữa, hắn sẽ quên được Dương nương tử thôi.
Dù gì hắn cũng từng dính vào chuyện nam nữ, nào có lý chỉ si mê mỗi mình nàng, sớm hay muộn rồi cũng tìm được nữ lang khác.
Tiết phu nhân suy nghĩ một hồi thì cảm thấy yên tâm hơn hẳn, bà không ngừng dặn dò hắn phải để ý chăm sóc bản thân, không được gầy đi thế nữa. 
Tống Hành gật đầu đáp ứng, viện cớ bên ngoài còn việc phải làm rồi từ biệt Tiết phu nhân, cưỡi ngựa quay về doanh trại.
Càn An năm thứ tư, ngày ba mươi tháng chạp.
Tuyết trắng phủ khắp nhân gian, vạn vật dường như đã hóa thành một màu xám bạc, vẽ nên khung cảnh tuyết đọng trải dài mênh mông.
Khi bách tính ở thành Trường An còn đang đắm mình trong bầu không khí hân hoan chào đón ngày đầu năm, không một ai hay biết, cung Đại Minh đã bị hai vạn quân Tuyên Võ trang bị khí giáp bao vây. Khi tia nắng đầu tiên chiếu đến điện Kim Loan, Thánh nhân còn chưa tròn mười bảy tuổi bất đắc dĩ ban bố chiếu thư nhường ngôi, dưới sự chứng kiến của quần thần.
Giang Tiều đội mũ miện tám tua, [5] mặc một bộ thêu thất chương văn [6] màu tím bằng chỉ kim tuyến, hông mang thắt lưng điệp tiệp thập nhị sự, vẻ mặt không rõ vui buồn, bước lên trước tiếp nhận chiếu thư màu vàng sáng, ánh mắt uy nghiêm hiển lộ. 
[5][5] miễn quan (mũ miện) là một loại mũ miện truyền thống của các vị hoàng đế và quý tộc Trung Quốc thời xưa, đặc biệt là trong các triều đại như nhà Hán, Tùy, Đường, Tống, Minh, và Thanh. Mũ miện tám tua thường được sử dụng bởi hoàng tử hoặc tước vương. Mũ miện có khung cứng và được trang trí cầu kỳ với các vật liệu quý như vàng, ngọc, và các loại đá quý khác. Phần tua là những sợi dây chuỗi hạt ngọc hoặc đá quý treo lủng lẳng trước và sau của mũ miện, dùng để che mặt khi đội. 
[6][6] thất chương văn ở đây là bảy loại họa tiết, thường được dùng để thêu lên trang phục của những người thuộc tầng lớp cao quý. “Bảy chương” ở đây thường ám chỉ những họa tiết mang tính tượng trưng như: nhật (mặt trời), nguyệt (mặt trăng), tinh (sao), sơn (núi), long (rồng), hoa trùng (các loài côn trùng hoặc hoa lá), và hỏa (lửa). Mỗi hoa văn này đại diện cho những giá trị và ý nghĩa khác nhau như quyền lực, uy nghiêm, tài trí, và sức mạnh.
Ngay lập tức, tất cả tiết độ sứ cùng quan viên văn võ đã theo Giang Triều nhiều năm đều đồng loạt quỳ gối, cung chúc Ngụy Vương thụ chiếu.
Những quan viên khác nếu có kẻ gan lớn không theo thì đều bị kéo ra minh đường, chém chết tại chỗ, những ai còn đang lưỡng lự vì để bảo toàn tính mệnh, không còn cách nào khác ngoài quỳ xuống, bái lạy theo. 
Từ đây, vương triều đại đã kéo dài hơn hai trăm tám mươi năm lặng lẽ hạ màn.
Thần Đô Lạc Dương.
Tuyết trắng bao bọc núi xa, toái ngọc rơi trên mái ngói của những gian nhà ngay gần đó. 
Thi Yến Vi nép mình trong lớp áo dày cộm, cầm chổi quét sạch tuyết đọng trên lối đi.
Nền trời một màu xám xịt, gió bấc gào thét giữa sân, lạnh lẽo thấu xương. Thi Yến Vi bị gió dội vào mặt phát lạnh, đôi tay trắng nõn bị đông cứng đến đỏ bừng.
Khó khăn lắm mới quét tuyết xong, Thi Yến Vi đặt chổi xuống, quay vào nhà đóng chặt cửa, chỉ để lại một khe cửa nhỏ hở chút ánh sáng, sau đó dựa vào khung cửa, hà hơi vào lòng bàn tay để sưởi ấm.
Hơi thở thoát ra, gặp khí lạnh liền ngưng lại thành làn sương trắng mỏng. 
Thi Yến Vi cảm thấy thú vị, hà hơi liên tục thêm vài lần, rồi chà xát tay cho đến khi ngón tay dần khôi phục tri giác. Nàng tìm hỏa chiết nhóm cành khô, đặt lên lò than rồi dời chiếc ghế đẩu đến cạnh lò than, ngồi sưởi ấm. 
Ngoài cửa sổ ánh mặt trời từ từ sáng bừng lên, hơi ấm từ lò sưởi xua đi cái lạnh trên người nàng. Thi Yến Vi đứng dậy, chống sào dựng nửa cửa sổ lên, sau đó mài mực chấm bút, ngồi trên giường La Hán chép sách như thường lệ. 
Qua giờ Thìn thì bỗng nghe tiếng đập cửa dội lại bên ngoài viện, Thi Yến Vi thầm nghĩ ngày mai đã là mồng một Tết, giờ Tý đêm nay đã là thềm năm mới, không biết ai sẽ đến đây tìm.
Suy nghĩ một phen, nàng điềm tĩnh đặt bút xuống nghiên mực, nhấc tấm thảm nhỏ rời khỏi giường, mở cửa bước ra, men theo lối nhỏ vừa mới quét đến trước cổng, cất giọng hỏi là ai ở bên ngoài. 
Lang quân ngoài cửa cất tiếng trả lời: “Trịnh Tam nương, mỗ là Lâm Đại lang ở phường Tuân Thiện.”
Thi Yến Vi nghe xong thì quen tay tháo xuống chốt cửa, nhẹ nhàng đẩy cửa ra, khóe môi gợn lên ý cười chào hắn rồi hỏi: “Giờ này Đại lang đến là có việc gì cần nói chăng?”
Lâm Việt nhanh chóng đáp lễ với nàng, chỉ thấy nàng dù không thoa phấn thì đẹp tựa Cô Xạ thần nhân, hắn chợt ngượng ngùng như thiếu niên lang chưa hiểu chuyện, mặt mày ửng hồng, cúi đầu hạ mắt, chân thành nói: “Tam nương một thân một mình ở Lạc Dương, a tỷ và Minh Nguyệt Nô ở quý phủ đều rất mong nhớ nàng, mỗ đặc biệt đến mời Tam nương tới phủ ăn Tết, mong Tam nương nể mặt mỗ mà nhận lời.”
Tuy nàng và Lâm Vãn Sương tâm đầu ý hợp, kết giao bằng hữu, nhưng đến cũng  không thân cũng chẳng quen, sao có thể đến nhà làm khách ăn Tết được?
Thi Yến Vi trầm ngâm một lát, cuối cùng uyển chuyển cự tuyệt: “Đại lang, tấm lòng của Nhị nương và Minh Nguyệt Nô thiếp xin nhận, chỉ là thiếp đã quen sống một mình, chưa kể đồ ăn cho mấy ngày tết thiếp cũng đã chuẩn bị xong, không tiện ghé thăm quý phủ.”
Lâm Việt vốn không phải người hay ép buộc người khác, thấy nàng quả quyết từ chối thì cũng không tiện nói gì thêm, chắp tay trước ngực thi lễ trước khi buồn bã trở lại xe ngựa.
Lâm Doanh tràn đầy mong đợi nhìn về phía hắn, chậm chạp mãi vẫn không thấy ai đi theo liền bĩu môi hỏi: “A di không đi cùng ạ?”
Khoang xe được đốt lửa than, bầu không khí ấm áp như mùa xuân.
Lâm Việt tiếc nuối vừa bất lực gật gật đầu với cô bé, hạ giọng an ủi: “A di có chuyện ở nhà nên không theo chúng mình đi được. Bên ngoài rét lắm, đợi thời tiết ấm áp trở lại, a cữu sẽ dẫn Minh Nguyệt Nô tìm a di tiếp có được không?”
Từ nhỏ Lâm Doanh đã được chị em Lâm Vãn Sương và nhũ nương hết mực cưng chiều nên tính tình có phần bướng bỉnh, muốn gì là phải có bằng được, chẳng màng gì nữa mà xốc mành lên, ba bước nhập thành hai bước mà nhảy xuống đất. Lâm Việt thấy thế cuống cuồng đuổi theo, khiến Thi Yến Vi đang đứng trước cổng viện định dõi theo xe ngựa Lâm phủ cũng giật mình.
Lâm Doanh mặc một bộ váy mùa đông màu hồng cánh sen, phần cổ trắng như bạch ngọc đeo một cái vòng cổ bạc gắn ngọc Hòa Điền, [7] chân đi giày da dê màu đỏ tươi, chạy thẳng đến trước mặt Thi Yến Vi, chớp chớp đôi mắt hạnh long lanh, bàn tay nhỏ nhắn trắng nõn nhẹ nhàng kéo tay áo nàng, khuôn miệng hồng xinh mấp máy, nũng nịu nài nỉ nàng: “A di ơi, a nương ở nhà suốt ngày nhắc đến người với con và a cữu, nếu a di không về cùng chúng con, có khi a nương sẽ nhắc mãi đến khi lỗ tai con và a cữu phát chán mới thôi. Minh Nguyệt Nô cũng rất thích a di, a di cùng chúng con về nhà đón mồng một Tết có được không?”
[7][7] ngọc Hòa Điền: Trung Quốc phân loại đá ngọc có thành phần hopfnerite (grammatite) trên 98% đều gọi là ngọc Hòa Điền, đây là quy định theo Tiêu chuẩn quốc gia. Màu ngọc gồm có trắng, xanh lục, đen, vàng, đa số là đơn sắc, có bộ phận ít là tạp sắc, chất ngọc trong đục, độ cứng 5,5 -6,5, trong đó ngọc Hòa Điền trắng nổi tiếng nhất.
Ngọc Hòa Điền là một trong bốn loại ngọc nổi tiếng của Trung Quốc (ngọc Hòa Điền – Tân Cương; ngọc Tụ Nham – Liêu Ninh; ngọc Độc Sơn – Hà Nam; ngọc Lam Điền – Thiểm Tây) Nguồn chú thích:daibaogroup.com.vn
Chú thích hình ảnh đặt ở cuối chương.
Vừa nói vừa không quên nhìn Thi Yến Vi, tay nhỏ nắm lấy ống tay áo nàng càng lúc càng chặt, dáng vẻ như thể nếu Thi Yến Vi không đồng ý thì cô bé cũng sẽ không buông tay. 
Lâm Doanh thật sự đáng yêu và xinh xắn, giọng nói lại ngọt ngào mềm mại, đúng là khiến người ta không nỡ từ chối. 
Dẫn theo Lâm Doanh vốn không phải ý định ban đầu của Lâm Việt, chỉ là Lâm Doanh luôn nhớ về nàng, lại thêm mấy ngày chưa được ra khỏi nhà, nghe Lâm Việt nói muốn đến phường Tùng Thiện mời Thi Yến Vi tới thì làm ầm lên, nằng nặc đòi theo bằng được.
Lâm Việt biết rõ tính tình ương bướng, mười con trâu cũng không kéo nổi con lừa của Lâm Doanh, thấy Thi Yến Vi chần chừ không nói năng gì liền đoán lòng nàng đã dao động, hắn đành làm trái ý nghĩ ban đầu, cố gắng khuyên nhủ Thi Yến Vi: “Từ hôm qua đến nay trời đổ tuyết cả đêm, bên ngoài gió rét căm căm. Xưa nay Minh Nguyệt Nô sợ nhất là lạnh, con bé mới chỉ sáu tuổi, thời tiết thế này… Nếu Tam nương không chịu đồng ý, một mình mỗ chưa chắc có thể khuyên nhủ được, nếu bị cảm lạnh thì không biết phải làm sao…”
Nói xong, hắn thở dài một hơi, cởi áo choàng khoác lên người Lâm Doanh, bản thân thì lạnh đến mức phải xoay hai tay vào nhau liên tục.
Lâm Doanh cũng rất phối hợp, nhẹ nhàng lắc lắc tay áo của Thi Yến Vi, môi nhỏ chu lên nhìn rất đáng thương: “A di không chịu theo chúng con về đón Tết, có phải là vì không thích Minh Nguyệt Nô.”
Cậu cháu hai người đã làm đến mức này, Thi Yến Vi trong lòng vẫn còn do dự không dám quyết, nàng khom người cầm bàn tay mũm mĩm của cô bé, dịu dàng dỗ dành: “Minh Nguyệt Nô đáng yêu thế này, sao a di lại không thích Minh Nguyệt Nô được.”
“Vậy sao a di không chịu theo chúng con về?”
Câu hỏi khiến Thi Yến Vi ngẩn người không biết phải đáp thế nào, nhưng thấy gương mặt nhỏ nhắn của cô bé bị gió lạnh thổi đến mức ửng hồng cũng không đành lòng từ chối ý tốt của hai người thêm nữa. Nàng nói Lâm Việt dẫn theo Lâm Doanh vào trong xe ngựa sưởi ấm trước còn mình thì về khóa cửa rồi sẽ ra ngay. 
Lâm Việt liên tục đồng ý, niềm vui rộn ràng như hoa nở nhưng ngoài mặt vẫn không biểu lộ, từ đầu đến cuối vẫn là dáng vẻ đoan chính cẩn trọng như bình thường. Hắn nhanh chóng nắm lấy tay nhỏ bị đông lạnh của Lâm Doanh, đưa cô bé lên xe sưởi ấm trước.
Tuyết rơi khiến đường sá trở nên trơn trượt, lúc trước chỉ cần mất hai khắc đồng hồ là đến nơi, còn hôm nay đã phải mất đến ba khắc.
Lâm Việt sợ Thi Yến Vi cảm thấy đường đột nên chỉ nắm tay Lâm Doanh xuống xe trước, rồi bảo tỳ nữ đỡ Thi Yến Vi xuống xe.
Vì sắp sửa bước sang năm mới nên cả tòa Lâm phủ đều giăng đèn kết hoa, trên cửa gỗ hoa lê là hàng câu đối đỏ, các loại cờ xuân theo gió phấn khởi, tỳ nữ bà mụ trong phủ đều xúng xính quần áo mới, màu sắc rực rỡ, tạo nên cảnh tượng vui vẻ náo nhiệt.
Ba người cùng nhau đi thẳng đến phòng khách thì thấy Lâm Vãn Sương đã ngồi chờ từ sớm trên chiếc giường La Hán rộng lớn. Phía sau bức bình phong, Chu mụ và nhũ nương của Lâm Doanh đang cùng nhau chơi cờ song lục, tỳ nữ thiếp thân của Lâm Vãn Sương là Cẩm Lân thì đang ngồi canh, giúp hai người tính điểm.
Giường La Hán bằng gỗ cánh gà [8] được phủ một tấm thảm lông cừu viền chỉ có nguồn gốc từ Tây Vực, lông cừu được cắt tỉa gọn gàng, vừa nhìn đã thấy ấm áp dễ chịu.
[8][8] gỗ cánh gà: loại cây thân gỗ, thuộc họ đậu, sinh trưởng chủ yếu ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Phúc Kiến của Trung Quốc.
Lâm Doanh tự mình cởi giày trèo lên giường, lấy Cửu Liên Hoàn đang đặt trên bàn ra nghiêm túc giải. 
Còn chưa đầy nửa khắc đồng hồ sau, Lâm Doanh đã dần mất kiên nhẫn, cô bé đã chơi trò Cửu Liên Hoàn từ hôm qua đến nay nhưng mãi vẫn chưa giải được vòng nào, bèn không cam lòng đưa cho Thi Yến Vi xem, hỏi nàng có biết giải không. 
Thi Yến Vi vốn không thuộc về thời không này, cũng chưa từng chơi Cửu Liên Hoàn mà chỉ thấy diễn viên cầm nó trên phim truyền hình, nàng nhận lấy mày mò một lúc thì cũng đành bó tay chịu trói. 
Lâm Việt nhìn sang, muốn nhân đó để thể hiện trước mặt nàng nhưng lại sợ nàng nhận ra, vờ như trấn định nói: “Tam nương đưa ta thử xem sao?”
“Được.” Thi Yến Vi gật nhẹ đầu, đưa Cửu Liên Hoàn vẫn còn vương hơi ấm cho Lâm Việt.
Khoảnh khắc Lâm Việt chạm vào Cửu Liên Hoàn, hơi ấm kia dường như đã xuyên qua đầu ngón tay, chạm thẳng vào trái tim hắn, tai hắn bất giác vừa nóng vừa đỏ lên, đầu óc cũng trở nên mơ hồ. 
Cửu Liên Hoàn xưa này chỉ cần chưa đầy nửa khắc đồng hồ là giải xong, hôm nay phải tròn một khắc đồng hồ mới có thể cởi bỏ.
Lâm Doanh nhìn Lâm Việt giải xong Cửu Liên Hoàn một cách dễ dàng, liền cảm thấy vô cùng kỳ diệu, cô bé lập tức reo lên vui mừng, luôn miệng khen a cữu thông minh giỏi giang.
Lâm Việt lén nhìn Thi Yến Vi bên cạnh Lâm Doanh, thấy ánh mắt tán dương cùng nụ cười của nàng vẫn còn vẹn nguyên trên gương mặt, trái tim không khống chế được bắt đầu tăng tốc, dẹp bỏ sự ngại ngùng trong lòng, bắt đầu kể cho nàng nghe về phong cảnh lẫn tập tục của người dân Tây Vực.
Năm nay vì có thêm Thi Yến Vi cùng đón tết, không khí trong phủ dường như cũng tưng bừng hơn mọi năm. 
Chiều hôm đó, mọi người chỉ ăn sơ điểm tâm để lót dạ, đến khi trời tối, lại có tỳ nữ lão mụ nối đuôi nhau, dâng lên một bàn đầy ắp đồ ăn, phải hơn mười món.
Lâm Vãn Sương đã trải qua những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời nên càng hướng tới tự do tự tại. Chu mụ, hay Nhị nương, nhũ nương của Lâm Doanh đều là những người giúp nàng vượt qua khốn cảnh ấy, còn Cẩm Lân thì đã tận tâm hầu hạ nàng gần bốn năm nay, trong lòng nàng đã sớm xem ba người như người thân, bữa cơm đoàn viên chào đón năm mới này đương nhiên cũng mời các nàng cùng quây quần. 
Trước tiên, Chu mụ để Lâm Doanh uống rượu Đồ Tô và một ngụm nhỏ rượu Tiêu Bách, [9] sau đó mới đến Thi Yến Vi và Lâm Việt, tiếp nữa là Lâm Vãn Sương, Nhị nương và Cẩm Lân, cuối cùng mới đến lượt bà tự mình uống hết hai ly, mỗi loại một ly để trừ tà trừ độc, kéo dài tuổi thọ.
[9][9] Rượu Đồ Tô và rượu Tiêu Bách đều là loại rượu truyền thống của Trung Quốc.
– Rượu Đồ Tô được làm từ 8 vị thuốc, công hiệu chủ yếu là thanh nhiệt, tán phong, kiện tỳ, trừ thấp, hoàn toàn không có tác dụng phụ đối với cơ thể. 
– Rượu Tiêu Bách được làm từ hoa tiêu và lá cây bách. Hai loại nguyên liệu này có thể đem đi ủ riêng rồi pha vào nhau, hoặc có thể dùng chung để cùng nấu rượu.
Cổ nhân tin rằng đầu năm uống rượu Đồ Tô và rượu Tiêu Bách có thể phòng bệnh, sống lâu. Nguồn chú thích: cafe.vn
Sau khi uống rượu xong, một bàn lớn nhiều nhau vui vẻ cùng nhau ăn bữa cơm sum vầy. Ngoài cửa sổ trời đã tối hẳn, ánh trăng không lọt nổi qua màn trời tối đen như mực, chỉ còn rải rác những tinh tú vẫn treo cao.
Chậu than trong viện ánh lửa bập bùng, tiểu tư đứng canh, cần mẫn thêm củi để giữ ngọn lửa được cháy hừng hực. 
Năm ngoái mồng một Tết, Thi Yến Vi ở Tống phủ cũng từng nhìn thấy khung cảnh thế này, người đương thời gọi đó là “đình liệu”, mang ý nghĩa thờ cúng thần linh, trừ tà và cầu mong may mắn. 
Một lúc sau, lại có tỳ nữ mang tới một ít pháo hoa nhỏ để Lâm Doanh chơi, Lâm Doanh cười khanh khách nhận lấy, rủ thêm Thi Yến Vi và Lâm Việt ra viện chơi đùa.
Thi Yến Vi không sợ bắn pháo nhưng lại hơi sợ tiếng nổ lớn phát ra, Lâm Doanh thấy nàng có vẻ sợ hãi, không dám tự mình châm lửa, bèn vùi pháo xuống tuyết rồi nắm tay nàng lùi lại vài bước, chỉ để Lâm Việt châm lửa. 
Khi Lâm Việt châm xong pháo xong, Lâm Doanh liền giật nhẹ ống tay áo của Thi Yến Vi, che đôi tai nhỏ xinh của mình, ra hiệu để nàng làm theo, thái độ nghiêm túc như đang thực hiện nhiệm vụ gì đó rất quan trọng. 
Thi Yến Vi thấy dáng vẻ hoạt bát đáng yêu của bé thì bật cười, che lỗ tai gọi Lâm Việt nhanh nhanh trốn sang đây cùng các nàng. 
Một tiếng nổ lớn phát ra, lớp tuyết đọng xung quanh bị xác pháo thổi lên tứ phía, từng mảng tuyết nhỏ rơi xuống, đậu lại trên mái tóc đen nhánh của Thi Yến Vi lẫn Lâm Việt. Tuyết trắng nằm trên tóc đen cực kỳ nổi bật, Lâm Doanh vừa thấy đã bật cười ha hả, giọng nói ngọng nghịu vang lên: “A cữu, a di, trên đầu hai người có nhiều tuyết lắm.”
Tiếng cười con trẻ lọt vào tai, Thi Yến Vi vội giơ tay lên phủi tuyết trên tóc, Lâm Việt thấy bên tóc mai nàng vẫn còn đọng mấy hạt tuyết nhỏ thì suýt nữa đã định vươn tay, vuốt đi giúp nàng. 
Nhưng hắn làm gì có đủ thân phận lẫn tư cách để được làm hành động thân mật ấy? Lâm Việt cố nén cảm xúc khác thường trong lòng, vuốt nhẹ tóc mai mình rồi nhắc nhở: “Ở đây này, Tam nương.”
“Cảm ơn.” Đuôi mắt Thi Yến Vi cong lên, giọng nói mang theo ý cười. 
Ba người chơi đùa thêm một lúc, cho đến Lâm Vãn Sương không ngừng thúc giục cả ba mau mau quay về tránh gió lạnh. 
“Tam nương có biết chơi cờ song lục không?” Lâm Vãn Sương hỏi.
Hai chữ “song lục” vang lên khiến Thi Yến Vi chợt nhớ tới lần ôm Đạp Vân trong lòng, cùng Tống Thanh Hòa chơi cờ song lục ở Đại Tụ cư, không khỏi cảm thán thời gian trôi qua, vật đổi sao dời, nhân sinh vô thường. Nàng rũ mắt, cúi đầu nhẹ gật đầu đáp: “Tất nhiên là biết.”
“Đã vậy, ta và cô hãy cùng chơi một ván, để Đại Lang tính điểm, cô thấy thế nào?” Lâm Vãn Sương vừa nói vừa ngẩng đầu nhìn Lâm Việt, nụ cười rất có hàm ý. 
Tính điểm giúp nghĩa là có thể được thoải mái ngồi cạnh Thi Yến Vi, đó quả thực là ý muốn của Lâm Việt vào lúc này. Hắn kìm nén vẻ ngại ngùng trên mặt, tự mình dời ghế bành đến, ngồi xuống. 
Sắp sang giờ Tý, Lâm Doanh ôm khóa Khổng Minh [10] vẻ mặt buồn ngủ. Lâm Vãn Sương và Thi Yến Vi cũng đã thấm mệt, gắng gượng chơi xong một ván rồi đứng dậy, lọc rượu đưa tới, cùng Lâm Việt bình phẩm. 
[10][10] Khóa Khổng Minh, tương truyền xuất hiện trong khoảng từ cuối thời Xuân Thu cho tới thời Chiến Quốc do Lỗ Ban sáng chế ra. Trong thời Tam Quốc, được cho là do Gia Cát Lượng sáng chế. Khóa Khổng Minh thực chất là một món đồ chơi, do các thanh gỗ cài vào nhau, sau đó thách đố người khác tháo ra. Cài vào vốn dĩ đã khó, tháo ra lại càng là một vấn đề nan giải. Đến ngày nay, món đồ chơi trí tuệ này khá phổ biến tại Trung Quốc và một số nước châu Á. Nguồn chú thích: nguoiduatin.vn
Chú thích hình ảnh đặt ở cuối chương.
Lâm Vãn Sương rót cho Thi Yến Vi một ly nhỏ, cười nói với nàng: “Rượu trắng Lang quan này quả thật rất ngon, Tam nương cũng nếm thử xem sao?”
Hôm nay Thi Yến Vi chơi đùa rất vui vẻ nên cũng không từ chối, nhận ly rượu bạc đế cao, uống một chút để làm tăng không khí.
Nào ngờ rượu Lang quan có nồng độ không nhẹ, chỉ vừa uống một ngụm nhỏ mà đã thấy cổ họng cay nồng, nàng đặt ly rượu xuống, dùng khăn tay che miệng, ho nhẹ hai tiếng.
Lâm Vãn Sương thấy vậy thì cực kỳ áy náy, vội sai người mang nước trà xanh đến, chân mày nhíu chặt, không ngừng xin lỗi: “Là ta không phải, Tam nương có khó chịu lắm không?”
Thi Yến Vi lắc đầu, trấn an nàng: “Không sao, do lâu rồi không uống nên vẫn chưa quen thôi.”
Nàng vừa dứt lời thì lại có người hầu đến bẩm, pháo hoa đều đã chuẩn bị xong, ra đến mái hiên liền có thể xem được. 
Lúc này Lâm Vãn Sương mới giãn mày, nở nụ cười rồi nhẹ nhàng đánh thức Lâm Doanh, khoác cho cô bé một chiếc áo choàng màu đỏ tươi bằng gấm rồi mới dắt bàn tay nhỏ bé rời khỏi phòng. 
Đồng hồ điểm đến giữa giờ Tý, bầu trời thành Lạc Dương sáng lên bởi ngàn vạn chùm pháo hoa thi nhau nở rộ, sắc màu rực rỡ chiếu sáng khắp màn đêm tăm tối, cùng tiếng pháo nổ vang vọng liên tiếp giữa không trung báo hiệu một năm mới nữa lại về.
Lâm Doanh trốn trong ngực Lâm Vãn Sương, che tai lại mở to đôi mắt hạnh trong veo ngập nước, giọng nói non nớt hỏi nàng: “Nhiều pháo hoa như vậy, niên thú [11] có bị dọa chạy không ạ?”
[11][11] Niên Thú (giản thể: 年兽, phồn thể: 年獸, bính âm: nián shòu) là một sinh vật trong thần thoại Trung Quốc. Ký tự Niên (年) trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là “năm” trong ngày tháng năm. Các nguồn đề cập đến Niên như một sinh vật xuất hiện sớm nhất vào đầu thế kỷ 20, cho nên không rõ liệu sinh vật Niên là một phần của thần thoại dân gian truyền thống hay chỉ là một câu chuyện truyền miệng được ghi lại vào đầu thế kỷ 20. Niên là một phần quan trọng trong lễ hội năm mới tại Trung Quốc, các học giả lý giải nó là lý do đằng sau một số truyền thống trong ngày lễ này như mặc quần áo màu đỏ và tạo ra tiếng ồn từ trống và pháo hoa. Nguồn chú thích: Wikipedia
Lâm Vãn Sương mỉm cười dịu dàng, kiên nhẫn đáp lại: “Niên thú sợ nhất là tiếng nổ pháo hoa, có khi đã bị dọa chạy về nhà từ sớm.”
Giờ Tý nhị khắc, tiếng pháo hoa bên ngoài dần lắng xuống, Lâm Vãn Sương che miệng ngáp hai cái, nhẹ giọng dặn Cẩm Lân dẫn Thi Yến Vi về sương phòng phía tây nghỉ ngơi. 
Lúc này đã là quá muộn, tuyết rơi xuống, đường sá đặc biệt khó đi, Thi Yến Vi không muốn phiền đến xa phu của quý phủ băng qua giá rét để đưa nàng về, nên cũng vui vẻ chấp nhận sự sắp đặt của Lâm Vãn Sương.
Tống phủ.
Xem pháo hoa xong, Tiết phu nhân cùng mọi người đều tập trung ở sảnh Thùy Hoa để đón giao thừa, Tống Minh ngồi bên lò lửa nhỏ thưởng rượu, Cao phu nhân thì ngồi trên ghế nguyệt nha, lặng lẽ nhìn tỷ muội Tống Thanh Hòa và Tống Thanh Âm chơi cờ song lục. Mạnh Lê Xuyên ôm Mạnh Phù, bịa chuyện về niên thú khiến cô bé vui vẻ, cuối cùng là Tiết phu nhân cầm trống bỏi chọc cười trưởng tôn nằm trong ngực Tống Duật. 
Cả gia đình gồm bốn thế hệ cùng quây quần, nói nói cười cười, cùng tận hưởng niềm vui sum họp.
Chỉ riêng Tống Hành, tay cầm bầu rượu tự rót, vẻ mặt như thường một mình uống rượu lạnh. Hắn lẳng lặng nhìn Tống Thanh Hòa và Tống Thanh Âm cùng chơi cờ, nhớ lại đêm xuân năm ngoái, cảnh cũ dường như vẫn đang hiển hiện trước mắt hắn.
Nữ lang ôm con mèo mà hắn không ưa, hơi cúi đầu, chân mày thanh tú nhíu lại, đầu ngón tay nắm lấy một quân cờ song lục, trầm ngâm suy nghĩ.
Một người một mèo, cảnh đẹp ý vui đến lạ.
Bây giờ nàng có đang cùng ai đánh cờ chăng? Tống Hành nhìn Đạp Vân nằm trong ngực Tống Thanh Hòa, trong lòng vô thức tự hỏi, thật lâu sau vẫn không tìm được câu trả lời.
Chỉ một thoáng sau, Tống Thanh Hòa vừa thua một ván cờ, thấy Tống Hành tự mình uống rượu lạnh, lại không trò chuyện với ai, nàng không tránh khỏi thắc mắc, bèn rời khỏi bàn, đến gần khẽ khuyên nhủ: “Sao Nhị huynh không uống rượu ấm với cha muội, giờ uống nhiều rượu lạnh thế này, không sợ ngày mai cầm kiếm sẽ run tay sao?”
Nàng không hiểu được lý do tâm tình Tống Hành trở nên suy sụp, nhưng Tống Duật và Tiết phu nhân thì lại rất rõ ràng, tổ tôn hai người đều cùng lúc nhìn sang.
Tống Hành cả người đầy mùi rượu, nhưng đầu óc vẫn còn đang tỉnh táo, Nghe Tống Thanh Hòa nói thế, lại thêm ánh mắt lo lắng của Tiết phu nhân cùng Tống Duật, trong lòng càng thêm bức bối, hắn thản nhiên đáp một câu không sao rồi mượn cớ ra ngoài hóng gió cho tỉnh rượu, đứng lên rời khỏi phòng khách, dù là ai cũng không được phép theo sau.
Bầu trời u ám không một gợn sáng, Phùng Quý chạy theo đưa hắn đèn lồng bằng vải lụa, Tống Hành liếc nhìn cảm thấy có phần quen thuộc liền nhận lấy, một mình đi sâu vào trong vườn. 
Bất tri bất giác đã vào đến đình Tê Hà khi hắn mới gặp nàng, cảnh vật xung quanh chẳng có gì đổi khác, nhưng một lần nữa, lại có cảm giác hết thảy nhoáng cái đều không còn y hệt. Lần đầu tiên trong đời, cõi lòng hắn trở nên vắng vẻ.
Mồng một Tết vốn nên là ngày vui, nhưng tâm trạng hắn lại chẳng thể nhấc lên nổi, càng không thể ép bản thân nở nụ cười trước mặt người khác.
Mỗi khi nhớ đến tình cảnh đêm đó, hắn đều sẽ hận đến mức nghiến răng nghiến lợi, nhưng khi lửa giận lui đi, bình tĩnh lại, hắn đều không kìm được lại lo lắng cho nàng, lo nàng ở bên ngoài gặp nguy hiểm, rồi có bị ai bắt nạt không…
Nàng có hối hận vì đã bỏ rơi hắn, sau đó mong mỏi hắn sớm tìm được nàng?
Tống Hành càng nghĩ càng loạn, tâm tư rối bời, vô thức rảo bước vào đình, ngồi lên chiếc ghế đá, để gió lạnh thổi qua mặt, như muốn dùng cách thức này ép bản thân phải thanh tỉnh lại, đừng vì một nữ lang đã phản bội mà xao động thêm nữa…
*
Chú thích hình ảnh:
[7] ngọc Hòa Điền:

[10] khóa Khổng Minh:

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.