Hai Ông Chồng Cũ Một Vở Diễn

Chương 18: Con chuột con? Diệu Nhi tiếu?




Chuyển ngữ: Tiểu Dạ a.k.a Mốc
 
Sở dĩ nói Tống Tịch Viễn tự tạo nghiệp là vì, ta nhìn con chuột bị quay tròn trong tay bánh trôi thấy quen quen, nhìn kỹ lần nữa, đó chẳng phải là con chuột hang mấy ngày trước Tống Tịch Viễn mang tới tặng bánh trôi sao. Con chuột hang này tròn lẳn lại xinh xắn dễ thương, ngày thường luôn nằm trong một cái lồng tròn bằng nan tre, hôm nào phấn khởi vui vẻ thì đạp cái lồng chạy tung tăng, ngoại trừ ăn uống ngủ nghỉ thì cũng tạm coi là chăm chỉ ngày đi ngàn dặm. Có điều cái lồng kia bị cố định bởi một cái giá đỡ, bất luận nó ra sức chạy thế nào, trừ việc kéo cái lồng tròn kia quay “vèo vèo” làm trò tiêu khiển cho người ngoài cười, còn lại đều như xe cát dã tràng, cuối cùng chỉ phí công chạy tại chỗ mà chẳng được tấc vuông nào cả.
Nghĩ đến đây, ta cảm thấy con chuột này thật xui xẻo, bèn nói với bánh trôi: “Tiêu Nhi, thả con chuột này đi.”
Bánh trôi nhìn nhìn ta, lại nhìn Tống Tịch Viễn vẫn thành thành thật thật đứng nguyên ở đó không hề nhào tới, thấy Tống Tịch Viễn bị khí thế của nó trấn áp, bèn nới lỏng cung tên thả tay ra, quay đầu cười ngọt ngào với ta, trong nụ cười có vài phần tranh công của tráng sĩ chiến thắng trở về.
Ta mỉm cười chìa tay nhéo nhéo cái mũi nhỏ xinh xắn, khen ngợi nó: “Giỏi lắm, ngày mai mẫu thân sẽ đưa con một thanh kiếm gỗ đào, như vậy mới xứng, khí thế hơn cung tên rất nhiều!” Phải rèn sắt khi còn nóng, ta suy nghĩ một lát, lại nói tiếp: “Mời một võ sư dạy con luyện kiếm múa đao nhé?”
Bánh trôi không nói gì, chỉ cúi đầu nhìn con chuột hang trên tay, con chuột kia có thể do bị cầm quá lâu nên hơi tức giận, nó ra sức vùng vẫy nghiêng đầu muốn cắn ngón tay cái của bánh trôi, nhưng bánh trôi vẫn thong dong điềm tĩnh cầm lỗ tai nó xách lên, đôi mắt phượng nhướn lên liếc nhìn góc tường, ngoan ngoãn nghe lời ta thả con chuột kia xuống mặt đất.
Nhìn nó cẩn thận từng li từng tí, cái miệng nhỏ nhắn hồng hào chu lên, nét mặt lúc phóng sinh đầy vẻ thành kính phúc hậu, cộng thêm làn da trắng trẻo mịn màng, khiến ta liên tưởng đến Quan Âm nương nương ngồi trên đài sen đang phổ độ chúng sinh.
Con chuột hang kia vừa rời khỏi bàn tay nhỏ nhắn trắng mịn như tuyết của bánh trôi, lập tức như tên rời khỏi cung phóng vù ra ngoài, nhanh như chớp đã mất dạng. Ta bỗng cảm thấy mắt mình bị hoa, hình ở góc tường có một cái bóng trắng cũng đồng thời biến mất, nhìn kỹ thì chẳng thấy gì.
Bỗng nghe thấy một tiếng kêu rên “A!” rất thảm thiết, quay đầu lại thấy Tống Tịch Viễn đang cầm chiếc gương đồng nét mặt khiếp sợ như là đang cầm kính chiếu yêu, một lúc lâu sau mới ngẩng đầu hỏi ta: “Diệu Diệu, chiếc gương đồng này trước kia từng bị đánh rơi đúng không? Trông nó cong thế này cơ mà.”
Ta đã từng gặp qua nhiều kẻ tự luyến, nhưng chưa thấy ai “cuồng” như hắn, bị người ta đánh ngất, việc đầu tiên làm khi tỉnh lại không phải bôi thuốc mà là soi gương, ngẫm lại cũng thấy đúng, cái bản mặt này chính là vốn phong lưu mà, Tống Tịch Viễn trước giờ vẫn luôn xem trọng nó còn hơn cả tính mạng, bèn an ủi hắn: “Đúng là hơi cong thật, chỗ lồi chỗ lõm, lần trước Lục Oanh không cẩn thận đánh rơi nó xuống đất, lúc nhặt lên mới phát hiện ra nó còn sưng to hơn mặt ngươi bây giờ. Nhưng vì là đồ cổ tiền triều, cho nên sửa đôi chút vẫn có thể giữ lại dùng tạm.
Khóe miệng Tống Tịch Viễn giật giật: “Diệu Diệu, nàng đang an ủi gương hay là đang an ủi ta vậy?” Tiếp theo, hắn đấm đấm ngực, sau khi thở dài một hơi, bèn nghiến răng nghiến lợi chửi rủa: “Kẻ hủy đi dung mạo vô song của ta, giết không tha!” Ngữ khí hung ác tàn bạo vô cùng.
Một cơn gió lạnh thổi qua lòng ta.
“Tam Tam, Tiêu Nhi thổi giúp người được không? Thổi sẽ hết đau. Chỉ cần người không chạm vào mẹ con là được.” Bánh trôi vừa mới dỡ bỏ hàng rào cảnh giác đối với Tống Tịch Viễn xuống, chẳng biết từ lúc nào đã tới gần, quỳ xuống mép giường bám vào vai Tống Tịch Viễn phồng cái miệng nhỏ nhắn hồng hào thổi lên vết thương trên mặt Tống Tịch Viễn.
Xưa nay Tống Tịch Viễn luôn có vài ý tưởng cổ quái lạ lùng cùng với nhữngi món đồ chơi lạ mắt, trên mặt lúc nào cũng cười tủm tỉm, cho nên bánh trôi không hề e ngại hắn, có thể do nghe người ta gọi Tống Tịch Viễn là Tam công tử, chẳng biết từ lúc nào đã gọi thẳng tên hắn, ban đầu người trong nhà còn uốn nắn, nhưng sau đó thấy Tống Tịch Viễn hình như cũng không để ý lắm, bèn cứ để bánh trôi gọi như vậy.
Nhìn Tống Tịch Viễn, liếc thấy bánh trôi ngoan ngoãn cố gắng hoàn thành trách nhiệm thổi hơi lạnh lên mặt hắn, hai mắt cong cong, khóe môi khẽ nhếch, vui sướng lâng lâng như đang cưỡi mây đạp gió bay lên trời cao, một lúc lâu sau hồn mới quay về được: “Ngoan lắm ngoan lắm, chẳng trách người ta thường hay nói ‘dưỡng nhi phòng lão’.[1]Tiêu Tiêu thổi hơi, còn hữu hiệu hơn cả linh đan diệu dược.”
Bánh trôi ngước đôi mắt đen láy lấp lánh nhìn về chiếc lồng tre đang nhẹ nhàng đong đưa đặt trên bàn, trong lồng trước kia vốn có một con chuột nay lại trống không, tiếp tục thổi hơi cho Tống Tịch Viễn.
Giờ phút này Tống Tịch Viễn đang vô cùng sung sướng, nên rất hào phóng: “Tiêu Tiêu nghe lời mẫu thân thả con chuột ấy đi, bây giờ con còn muốn gì nữa không? Trên trời dưới đất, bay chạy nhảy bơi, chỉ cần Tiêu Tiêu của chúng ta muốn, Tam Tam đều có thể cho con.”
Nghe vậy, bánh trôi ngừng thổi, sợ sệt nhìn ta như muốn hỏi ý kiến, thấy ta không phản đối, mới rũ hàng lông mi đen nhánh như mực xuống, nhìn vạt áo mình nhã nhặn đáp lời: “Tiêu Nhi muốn ăn quả dương mai.”
Đúng rồi, nhất định là bánh trôi đã nhìn thấy giỏ dương mai đo đỏ tim tím trong tiệc chúc thọ cha ta hôm qua, trẻ con đứa nào chả thèm ăn. Vốn dĩ dương mai chẳng phải trái cây quý, nhưng bây giờ mới là tháng ba, hoa đào hải đường còn chưa tàn, muốn nhìn thấy quả dương mai quả thực rất hiếm, ai ngờ Tống Tịch Viễn lại thần thông quảng đại như vậy, hôm qua đến chúc thọ trừ quà mừng thọ ra, không biết lôi đâu ra một giỏ dương mai vừa to lại vừa đỏ, khiến cha ra rất hài lòng, lập tức sai bọn nha hoàn rửa sạch sẽ mang vào bàn tiệc chiêu đãi các vị lão gia phu nhân. Bánh trôi là trẻ em, đương nhiên không thể uống được rượu, nên lỡ mấy cơ hội thưởng thức trái ngon, không ngờ hôm nay vẫn còn nghĩ tới nó.
Tống Tịch Viễn ngửa đầu cười ha ha, chạm vào vết thương bèn che miệng lại xoa xoa, nói: “Cái này nào có đáng gì, đừng nói là một quả dương mai, hôm nay cả vườn dương mai sẽ để Tiêu Tiêu hái thoải mái, muốn ăn bao nhiêu thì cứ ăn bấy nhiêu.”
Lúc này ta mới nhớ ra Tống ra có một vườn trái cây rất lớn bên ngoài thành, hồi ấy khi ta gả cho Tống Tịch Viễn, hắn từng bảo đợi đến cuối xuân đầu hè dẫn ta đi hái trái cây, không ngờ, cuối cùng không thể đi được…
Đang hồi tưởng lại chuyện xưa, bỗng nghe thấy một tiếng kêu “meo meo” mơ mơ hồ hồ phát ra từ dưới chân, cúi đầu nhìn thì thấy con mèo trắng đang ngồi xổm bên chân giường, không biết nó đang ngậm cái gì trong miệng, nên tiếng kêu mới mơ hồ như vậy. Lúc này nó hơi há miệng ra, thứ gì đó trong miệng lập tức hoảng hốt nhảy xuống đất, chạy toán loạn như con ruồi không đầu, nhìn kỹ mới thấy đó đúng là con chuột bánh trôi vừa phóng sinh, con mèo trắng bình tĩnh nhin con chuột chạy nhảy, khi thấy nó sắp chạy ra cửa phòng, mới hào hứng nhún người giơ móng vuốt ra chụp lấy nó, bắt được rồi lại thả ra, hai ba lần cứ bắt rồi thả như vậy, ta nhìn mà không đành lòng, lại không biết làm thế nào để cứu nó.
Lúc này, bánh trôi chậm rãi bò xuống giường, móc từ trong tay áo ra một miếng cá khô dụ con mèo trắng rời đi, rồi mới thong thả chìa tay cầm con chuột hang lên. Con chuột kia bị hù dọa sợ phát khiếp, bỗng nhiên được cứu sống, run lẩy bẩy cuộn tròn lại nằm trong lòng bàn tay bánh trôi, liên tục cọ cọ ngón tay trắng mịn tựa ngọc để lấy lòng, cùng với dáng vẻ giãy giụa muốn cắn bánh trôi trước kia tựa như hai người khác nhau.
Bánh trôi chớp chớp hai mắt nhìn con chuột, lại ngẩng đầu nhìn ta bằng ánh mắt long lanh, nói bi bô: “Mẫu thân, không thả nó được không? Mẹ xem, nó thật đáng thương…”
A di đà phật, lòng ta giờ đây tràn ngập cảm giác tội lỗi. Đúng rồi, vừa nãy sao ta lại hồ đồ như vậy, chuột khác cá, thả xuống ao phóng sinh còn có một đường sống, còn con chuột này vừa thả xuống đất, chẳng phải dâng tới miệng mèo sao? Thiện tai thiện tai.
Ta vội nói: “Đừng thả. Cứ nuôi nó đi.”

Bánh trôi thấy ta đồng ý, bèn thả chuột hang kia vào trong lồng tre, con chuột vừa quay về ổ, không chạy nhảy tung tăng mà ngoan ngoãn cuộn tròn lại, chắc là sau khi sống sót trở về vẫn còn kinh hồn bạt vía.
Tống Tịch Viễn khen ngợi bánh trôi: “Tiêu Tiêu thực giống ta, đều có tâm địa Bồ Tát.”
Khóe mắt ta giật giật, ta chỉ biết ngày thường Tống Tịch Viễn chiếm đoạt cửa hàng người khác, dồn ép người ta rơi vào cảnh tán gia bại sản, tới nhà đòi nợ, đầu cơ tích trữ cái nào cũng giỏi, thủ đoạn tàn nhẫn mà quyết đoán, nhưng lại không thấy tâm địa Bồ Tát của hắn khảm ở nơi nào.
Ngoài kia mưa đã tạnh, mà trong này thứ thuốc tốt nhất của Tống Tịch Viễn lại là đứa bé muốn gió được gió muốn mưa có mưa như bánh trôi đang ngóng chờ đi hái dương mai, hiện giờ hắn bị thương nên có rất nhiều bất tiện, ta không yên tâm về bánh trôi, đành đi cùng nó.
Vườn trái cây rộng mấy chục mẫu của Tống gia chiếm non nửa vùng ngoại ô phía bắc Dương Châu, nghe nói mảnh đất này là một trong những sính lễ Tống lão gia tặng mẹ Tống Tịch Viễn, sau thấy mẫu thân Tống Tịch Viễn thích ăn trái cây, liền sai người trồng rất nhiều loại quả, sau hai mươi năm, vườn trái cây cũng ra hình ra dáng, quanh năm suốt tháng cành lá um tùm rậm rạp sai trĩu quả, cũng được coi là cảnh đẹp Dương Châu. Hàng năm ngoại trừ cung cấp hoa quả tươi cho Tống gia, hơn nửa là bán cho những lái buôn hoa quả, cũng kiếm thêm chút ngân lượng.
Bao quanh vườn trái cây là dòng suối trong veo nhìn thấy cả đáy, dẫn nước từ sông Vấn Thủy chảy vào, không sâu lắm, ước chừng chỉ tới eo của đàn ông trưởng thành, bên bờ sông có con thuyền nhỏ, có người chuyên phụ trách trông giữ, Tống Tịch Viễn tháo chiếc bè, vừa khua chèo vừa giới thiệu con sông này là để phòng ngừa mấy đứa trẻ nghịch ngợm cùng dã thú chui vào vườn trái cây trộm quả. Bánh trôi ôm cổ ta, ngoan ngoãn tựa vào lòng ta, có điều đôi mắt không ngừng ngó nghiêng khắp bốn phía, không kìm được tính tò mò của trẻ con.
Sang đến bờ bên kia, Tống Tịch Viễn dẫn đường chia hoa rẽ liễu đưa chúng ta tới rừng dương mai. Từ xa nhìn lại, bên trong là một màu xanh biếc ướt át, những quả dương mai đỏ rực như lửa ẩn trong cành cây tán lá, cơn mưa tới thật đúng lúc, gột rừa sạch sẽ khiến sắc màu càng thêm sáng, thấp thoáng ánh hồng diễm lệ ánh lục tươi đẹp, quả thực còn thơm hơn cả mộc lan, ráng đỏ trải dài như những dãy núi. Khiến người ta nhìn chưa đã mắt.
Đó là dương mai Dư Diêu nổi danh thiên hạ, có lẽ lúc này mầm xanh còn chưa nhú, vậy mà dương mai trong vườn trái cây Tống gia đã chín lại còn đồ sộ như vậy, quả thực hiếm thấy.
Nhìn Tống Tịch VIễn hơi nghiêng người, dùng nửa gương mặt chưa bị thương nhìn ta vô cùng đắc ý, nói: “DIệu Diệu cảm thấy dương mai này thế nào?”
Ta thành thực đáp: “Rất tốt. ‘Chủ nào vật ấy câu nói này quả không sai.”
Tống Tịch Viễn ngẩn ra, chợt hất hất lọn tóc, lông chim run lên xòe hết ra: “Diệu Diệu, coi như nàng hiểu biết nhận ra được dung mạo có một không hai của ta! Đem ta ra so sánh với quả dương mai tươi ngon mọng nước này, nó đảm đương nổi sao?”
Cái này… Kỳ thực ta nói vật sao chủ vậy ý là cây dương mai này cũng trưởng thành sớm như hắn, không ngờ lại khiến hắn hiểu lầm như vậy.
Ta quay đầu, thấy Thẩm Tiêu đang ngửa đầu chăm chú nhìn dương mai, những cây dương mai này cây nào cũng cao cỡ một người lớn, một đứa bé con như bánh trôi ngửa cổ ngước nhìn cành dương mai có hơi miễn cưỡng, chứ đừng nói tới trèo cây hái quả. Tống Tịch Viễn cũng là kẻ thông minh lanh lẹ, ta còn chưa kịp mở miệng, đã nhanh nhẹn bế bánh trôi lên, đặt nó ngồi trên đầu vai hắn hái dương mai.
Nhìn Tống Tịch Viễn ngày thường quen thói công tử bột phong lưu phóng khoáng hào hoa phong nhã nay nửa bên mặt bị bầm tím, trên vai cõng một đứa bé ôm cái giỏ trước ngực len vào giữa những cây dương mai, trông chẳng ra sao cả, ta không kìm được muốn cười phá lên, vừa chìa tay đỡ lấy bánh trôi, để tránh nó té xuống đất, vừa hỏi Tống Tịch Viễn: “Vết thương trên người ngươi còn đau không?”
Hai mắt Tống Tịch Viễn cong cong, cười tựa hồ nước in bóng nửa vầng trăng: “Không sao, chỉ bị thương ngoài da thôi mà.”
Đợi bánh trôi và Tống Tịch Viễn một già một trẻ hái đầy giỏ, trời đã nhá nhem tối, người coi vườn giúp chúng ta xách giỏ dương mai đi theo sau, chúng ta chầm chậm quay về, ai ngờ vừa ra đến bờ suối, con thuyền nhỏ chẳng biết trôi đi đâu rồi, chỉ còn lại chiếc bè cũ lẻ loi trơ trọi buộc vào cọc gỗ, người coi vườn phía sau cất giọng nói đậm chất địa phương: “Chết rồi! Làm sao bây giờ? Nhất định là sáng nay trời mưa lớn, nước sông dâng lên tràn vào cuốn trôi con thuyền kia rồi.”
Nước này mặc dù không sâu, nhưng ta lội nước qua sông cả người ướt đẫm quay về nhà thật chẳng ra thể thống gì, huống hồ bánh trôi còn nhỏ, tuyệt đối không thể để nó lội nước được.
Đang lo lắng, chợt thấy Tống Tịch Viễn không hoảng không loạn, nói với người coi vườn có giọng địa phương kia: “Yên tâm ta đã có cách.” Lại dùng ánh mắt giảo hoạt chớp chớp mắt nhìn ta: “Diệu Diệu và Tiêu Tiêu đợi ta một chút.”
Nói xong liền nghiêng người đi vào vườn trái cây một lần nữa, nhưng thấy Tống Tịch Viễn đi vào, lát sau đổi thành một con quái vật to lớn chui ra, dù ta luôn bình tĩnh cũng phải giật nảy người, bánh trôi nắm chặt ta tay gương mặt trắng bệch, nhưng rất ra dáng nam tử hán nói: “Mẫu thân đừng sợ, Tiêu Nhi sẽ bảo vệ mẹ.”
Con quái vật kia lúc lắc cái đuôi rống lên một tiếng “Um”, ta mới nhận ra đây là con trâu. Lúc này, nhìn thấy Tống Tịch Viễn cười hì hì vung cành liễu đi theo sau con trâu, nói với ta: “Diệu Diệu, nàng và Tiêu Tiêu cưỡi lên đi, ta dắt nàng qua sông.”
Ngay cả lừa ta còn chưa cưỡi bao giờ, bây giờ bảo ta cưỡi trâu, cái này đúng là quá khó với ta…
Đang chần chừ đứng nguyên tại chỗ, Tống Tịch Viễn không nói câu gì liền ôm Tiêu Tiêu đặt trên lưng trâu, mặt bánh trôi tái nhợt, cúi người túm chặt hai cái sừng trâu ngồi vững vàng, cuối cùng cũng cởi bỏ dáng vẻ e dè nhút nhát ngày thường, mím môi, cố tự trấn an mình rồi quay đầu lại cất giọng bi ba bi bô nói với ta: “Mẫu thân đừng sợ, Tiêu Nhi sẽ bảo vệ mẹ.”
Tống Tịch Viễn nhìn bánh trôi bé con con ra vẻ anh hùng, không nhịn được ôm bụng cười ha hả, nhân lúc ta không đề phòng, hắn liền ôm ta đặt trên lưng trâu. Tống Tịch Viễn ở đằng sau thét to một tiếng: “Đi!” rồi thấy hắn buộc vạt áo bên hông chìa tay cầm lấy chiếc dây thừng cột ở mũi trâu dắt nó lội xuống sông.
Ta nơm nớp lo sợ ngồi trên lưng trâu trơn bóng cố tìm một chỗ ngồi vững chắc, ôm chặt bánh trôi vào lòng, ngồi được một lúc dần dần phát hiện con trâu này quả nhiên hiền lành ngoan ngoãn, không nghịch nước cũng chẳng đá hậu, mà chỉ yên lặng lội nước theo Tống Tịch Viễn qua sông, nên rất yên tâm.
Tống Tịch Viễn chìa một tay chọn trong giỏ một quả dương mai đỏ đỏ tím tím thả xuống nước rửa sạch sẽ, đưa cho bánh trôi lúc này sắc mặt đã hồng hào trở lại, bánh trôi rụt rè nhận lấy, nho nhã cắn từng ngụm nhỏ, Tống Tịch Viễn thấy nó ăn rất thỏa mãn, bèn hỏi nó: “Tiêu Tiêu, Tam Tam đối với con có tốt không?”
Bánh trôi nghiêng đầu nghĩ ngợi, cẩn thận đáp: “Tốt.”
Tống Tịch Viễn lại nói tiếp: “Đã như vậy, sau này Tiêu Tiêu lớn nên đừng quên hiếu thuận cha nhé.”
Bánh trôi lại nghĩ nghĩ, cẩn thận hỏi ta: “Mẫu thân, ‘hiếu thuận’ là cái gì?”

Hỏi cái này đúng là làm khó ta, nên giải thích như thế nào bây giờ? Chi bằng lấy một ví dụ, nhưng ta và hai đệ đệ đều không có câu chuyện hiếu thuận cảm động lòng người nào có thể lấy ra làm gương cả, nhưng lúc ông nội ta còn tại thế, cha ta nổi danh là người con có hiếu, ví dụ hiếu thuận còn nhiều hơn cả giỏ dương mai này, bèn nhẹ nhàng nói với bánh trôi: “Hiếu thuận cũng giống như ông nội đối với cụ đó, hiểu không?”
Bánh trôi rất thông minh, nói một hiểu mười, gật gật đầu quay đầu lại thành tâm nói với Tống Tịch Viễn: “Tam Tam, sau này Tiêu Nhi trưởng thành sẽ đốt rất nhiều rất nhiều giấy hiếu thuận người.”
Hic.. Ta đã quên bánh trôi chưa từng gặp cụ, nên chỉ thấy cha ta thường thắp nhang hóa vàng mã trong những dịp lễ tết.
Tống Tịch Viễn nhất thời dở khóc dở cười, chắc là bị hạt dương mai làm nghẹn, ho liên tiếp hai tiếng, mới bình thường trở lại, liên tục khen bánh trôi thông minh.
Đi tới giữa sông, sương mù bỗng nhẹ nhàng buông xuống, tựa mưa mà không phải mưa, như sương mà chẳng phải sương, mịt mù tựa khói phủ khắp trời đất, thấm ướt áo thấm ướt lông trâu. Tống Tịch Viễn lựa ra hai phiến lá cây bóng loáng trong giỏ dương mai đặt giữa đôi môi mỏng thổi thử, sau khi thử vài âm, liền có một giai điệu du dương trầm bổng bay ra từ giữa hai phiến lá mỏng manh kia, so với tiếng sáo trầm hơn hai phần, so với tiếng khèn trong trẻo hơn ba phần, hòa vào màn nước như gần như xa, tăng thêm hai phần thú vị.
Trước đây ta biết Tống Tịch Viễn có chút tài lẻ, nhưng không ngờ hắn cũng biết thổi lá cây. Bánh trôi thấy thế cũng nổi lòng hiếu kỳ, đôi mắt trong veo nhìn hai phiến lá chăm chăm. Tống Tịch Viễn hiểu rõ tính nết bánh trôi, biết nó muốn học, bèn mỉm cười đưa hai phiến lá bánh trôi, cầm lấy tay nó dạy cách thôi, bánh trôi mới học sơ qua, thoắt cái đã nắm rõ bí quyết thổi như thế nào, hai phiến lá bị nó thổi rung lên thành tiếng “phù phù”, hồi lâu sau vẫn không thành âm gì.
Ta nhặt một quả dương mai từ trong chiếc giỏ ngậm trong miệng, nhìn hai người họ hòa tấu không thành khúc thành điệu, nhất thời cảm thấy vô cùng thú vị, bỗng bật cười thành tiếng.
Tống Tịch Viễn quay lại nhìn ta, hai mắt mơ màng, lát sau mới từ từ nói: “Bây giờ ta cuối cùng cũng hiểu được tâm tư của Đường Minh Hoàng, ‘hồng trần nhất kỵ phi tử tiếu’,[2]thì ra vì nụ cười mỹ nhân, ngàn dặm xa xôi đưa trái vải tới thì có là gì… Hôm nay coi như ta buôn bán có lời, một con trâu già một giỏ dương mai đỏ tươi cũng đổi được nụ cười mỹ nhân. Nghe nói trái vải Lĩnh Nam có tên ‘Phi tử tiếu’, từ hôm nay dương mai trong Tống viên cũng có được một cái tên hay, đặt là ‘Diệu Nhi tiếu’, Diệu Diệu nàng thấy có được không?”
Ai, càng nói càng kỳ cục, ta đang định ngắt lời hắn, lại nghe thấy tiếng gọi trong trẻo của Tiêu Tiêu vang bên tai ta: “Tiểu cữu công.”
Ta giật mình hơi lùi về sai, quay đầu lại, chẳng biết từ lúc nào chúng ta đã tới gần bờ rồi, bên bờ hàng liễu rủ soi bóng nước, một người cầm cây dù đứng trong sắc khói chiều, trên mặt là nụ cười nhã nhặn ôn hòa ta chưa từng thấy, khóe miệng hàm chứa ý cười hòa vào màn mưa phai dần đi: “Diệu Nhi tiếu? Tên thật hay.”
~~~~~o0o~~~~~
Chú thích
[1] Dưỡng nhi phòng lão: nuôi dạy con cái để ngừa lúc về già không có người chăm sóc.
[2] Đây là một câu thơ trong bài Qua cung Hoa Thanh của Đỗ Mục
Trường An hồi vọng tú thành đôi.
Sơn đính thiên môn thứ đệ khai.
Nhất kỵ hồng trần phi tử tiếu.
Vô nhân tri thị lệ chi lai.
Dịch thơ (Nguyễn Minh)
Từ Trường An cảnh như thêu gấm.
Trên đỉnh non cung cấm nguy nga.
Quý phi mừng ngựa đường xa.
Chẳng ai hay biết mang quà vải tươi.
Bài này nói về nếp sống xa hoa vô độ của Dương quý phi : Nàng thích ăn trái vải tươi, nên sai lính trực thuộc cưỡi ngựa tốt ngày đi đêm nghỉ để đem trái vải từ huyện Bồi Lăng tỉnh Tứ Xuyên (đường xa hơn ngàn dặm) về cung Hoa Thanh vẫn còn tươi tốt cho nàng dùng.
 
------oOo------
 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.