Hạnh Phúc Nơi Đâu

Chương 19: Ngày con ra đời




Chỉ là cảm cúm nên Păn xê muốn đi ra cửa hàng hoa, nhưng Nghị Minh lại ngăn cản:
- Em ở nhà đi, ra đó cũng có giúp được gì đâu? Cái mũi ngứa ngáy thế kia, gặp hương hoa lại càng thêm trầm trọng.
* * *
Tần ngần một lát cô cũng ở nhà, nghe lời anh. Anh nói đúng. Chỉ việc anh nấu ăn trong phòng bếp, mùi hương bay ra là cô đã hắt hơi liên tục. Một lần cả chục cái khiến Thụy Khang đang chơi ở gần đó, thỉnh thoảng nghe tiếng cô hắt hơi, liền ngước mắt nhìn cô khó hiểu. Còn Nghị Minh, từ trong bếp nhìn ra, ánh mắt đầy lo lắng. Cô thở dài. Thôi ở nhà vậy.
Cô cầm mớ thuốc trong tay, mới nhổm dậy đi rót nước để uống, anh đã đem ly nước đặt ngay trước mặt. Khóe môi cô cong cong, nhìn anh đầy vẻ biết ơn. Nghị Minh không nói gì, quay ngay vào bếp. Păn xê uống xong nằm luôn xuống sô pha. Cô đang tưởng tượng, một ngày cô bị anh chiều chuộng đến hư hỏng, không thèm làm bất cứ thứ gì, thì.. Cô lắc lắc đầu, không người đàn ông nào có thể chịu đựng một người vợ không làm động đến móng tay ở bên cạnh mình? Nếu có, cũng chỉ là tiểu thuyết hoặc là, gia đình đó chẳng ra sao. Nhưng sẽ có một ngày anh ở bên cô sao? Người đàn ông này liệu có kiên nhẫn với cô không? Hay là, chỉ ban đầu như thế? Hay là, chỉ ban đầu chưa có được, nên muốn chinh phục? Sẽ có cảm giác đạt thành tựu?
Cô ngẩng đầu nhìn Thụy Khang ngồi chơi trên sàn nhà một mình, yên tĩnh. Trong lòng cô lại đầy tâm trạng. Thằng bé là tình yêu sáu năm của cô. Là ước mơ và hi vọng về một gia đình hạnh phúc, viên mãn của cô. Nhưng, oái oăm thay, cuộc đời không như cô tưởng tượng. Cô nghĩ đến mai này, khi cô đã lớn tuổi, già yếu, con trai mình sẽ như thế nào? Nó sẽ là người đàn ông mạnh mẽ biết bảo vệ, chăm lo cho con gia đình nhỏ của nó? Nó sẽ yêu thương, quan tâm chăm sóc người con gái nó yêu quý và dạy dỗ những đứa con nên người? Còn cô, cô sẽ phải lẻ loi, cô độc sống quãng thời gian còn lại của đời người? Hoặc là ở bên cạnh, nhìn con trai hạnh phúc? Thế thôi, có chút xót xa nhưng vẫn đầy mãn nguyện.
Thụy Khang sinh vào ngày Thất tịch. Tháng bảy âm lịch, tháng của mùa Vu Lan. Đó là ngày gặp gỡ trong truyền thuyết của Ngưu Lang và Chức Nữ. Nhớ ngày đó, khi người ta học theo thói quen của người Trung Quốc đưa nhau đi chơi, thì cô đau bụng và phải vào phòng sinh. Đối diện với sinh tử, với cơn đau khủng khiếp của người con gái nào muốn làm mẹ đều phải trải qua, cô thấy sống chết thật mong manh. Cảm nhận ngay trên tay, vì gồng mình quá sức mà tê cứng, ngay ở đôi chân dính đầy máu, ngay ở cảm giác đau như ai xé rách cơ thể của mình.
Cô không dễ sinh như bao người khác. Từ đầu hôm ngày đó đã bắt đầu đau, đau hết cả một ngày, cả cơm trưa cũng không còn sức để ăn. Chỉ một mình mình vượt cạn. Một mình đối diện với cái chết và sự sống. Một mình chống lại cơn đau dồn dập từng hồi và từng giây phút càng đau hơn thế. Dù cô biết, bên ngoài phòng sanh là ba cô, là Lạc Đình và cả Đào Thiết. Nhưng nỗi sợ hãi của cô không sao thoát ra được. Chỉ khi, nghĩ đến con trai sắp chào đời, mong muốn nó an toàn, khỏe mạnh chào đời, cô mới gắng hết sức lực bình sinh của mình. Cô cố gắng nuốt vào lòng những giọt nước mắt của đau đớn, và cố gắng cam chịu nỗi sợ hãi còn quẩn quanh trong đầu.
Một người phụ nữ khác sinh con, nằm chung phòng chờ sinh với cô. Nhưng ngày hôm sau, cô nghe nói, vì sinh khó cô ấy đã qua đời. Đứa bé được cứu sống, vẫn còn đỏ hỏn. Cô rướm nước mắt, nhìn con trai còn bé bỏng. Thằng bé vẫn nhắm mắt ngủ ngây thơ bên cạnh mình. Nghe nhịp thở của con và đặt tay lên tim mình, cô mới tin tưởng rằng mình và con đã "mẹ tròn con vuông". Nước mắt vui mừng lại chảy.
Cô ôm đứa bé nhỏ xíu vào lòng, thầm thì với con, với chính cô. Con là người may mắn hơn bạn ấy. Nhưng mẹ mong cả bạn và con sẽ được hạnh phúc. Nhất định thế, phải không? Cầu cho con và bạn sẽ sống an lành, cho dù hôm nay, mẹ bạn ấy không còn nữa, hay là, sau này, mẹ sẽ phải nuôi con một mình.
Dù không còn yêu nữa, dù với những gì Đào Thiết từng làm với cô rất quá đáng, có vô tâm, hời hợt, tàn nhẫn, cô cũng không thể hận được anh ta. Bởi vì, ngay giây phút, cô được chuyển ra khỏi phòng sanh, nhìn gương mặt gầy gò, xám đen như chỉ sau một đêm thức đã biến anh thành người khác, cô cảm thấy mủi lòng, thấy an tâm. Vì vậy mà, cô cố níu kéo, cố giữ lấy trái tim anh. Cô không biết, cô tưởng nhầm, đó không phải là tình yêu. Có lẽ, nó chỉ là sự cảm thương của anh với người đã nguyện sinh con cho anh mà thôi.
Sinh ra vào ngày khá đặc biệt, con trai cô cũng trở thành người đặc biệt? Cô không hi vọng như thế. Cô chỉ mong điều đơn giản. Thằng bé làm một người bình thường, sống vui vẻ, bình an đến hết cuộc đời. Cô càng không muốn con trai mình sẽ phải có một tình yêu bi thảm như câu chuyện của hai người trong truyền thuyết ngày tình nhân, càng không muốn thằng bé giống cha mẹ nó. Như là cô và Đào Thiết. Cô hi vọng nó.. Khi nghĩ đến đây, Păn xê xoay đầu, nhìn về phía nhà bếp, bóng dáng Nghị Minh to lớn, vững chãi in lên khung tường phía sau. Chập chờn, lay động. Là thật hay là mộng? Là hiện thực hay hư ảo? Là quá khứ bi đát hay tương lai tràn trề niềm vui sướng?
Cô chợt nhớ đến ngày mừng sinh nhật của con trai. Lúc ấy, cô đã chuyển đến căn hộ này được hơn nửa năm. Khoảng thời gian này, cô cũng hiểu ra nhiều chuyện. Vui vẻ có, buồn đau có, bất ngờ có, hạnh phúc cũng có.. Đầy ắp.
Cô từng chứng kiến chuyện tình của Nghị Hằng và Lý Chiển. Cô từng nhìn thấy họ cãi nhau ỏm tỏi, rồi lại huề nhau ngay lập tức. Từng nhìn thấy họ giận nhau, hờn dỗi rồi lại làm hòa cũng ngay sau đó. Một người chạy, một người đuổi, và ngược lại, tức thì. Păn xê nghĩ rằng, con trai, con gái họ sẽ hạnh phúc hơn Thụy Khang của mình. Lòng cô lại thêm chua xót. Ngày sinh nhật con, cô định làm thật đơn giản, nhưng vì sự xuất hiện của quá nhiều người khiến cho ý định của cô bị tan vỡ.
Nghị Minh nhìn em trai, anh cất giọng buồn bã:
- Thằng bé không thích anh.
- Vì anh quá đáng ghét!
* * *
- Nói thật, tự dưng ai nhảy vào cướp đi người mình yêu thương nhất, em không giết hắn mà chỉ ghét thôi cũng là may rồi.
- Nhưng thằng bé còn nhỏ xíu, đã biết gì đâu?
- Anh xem thường sợi dây tình mẫu tử?
- Em có giúp anh không?
- Thằng bé rất thích xe hơi.
- Anh có đem đến nhưng nó ném đi.
* * *
Nghị Minh gãi đầu, đối diện với "ôn thần" chưa hết bú sữa kia, đầu anh lại nhức như búa bổ. Cố lắm, nó mới có phản ứng bình thường với anh: Nhìn, gật đầu, trả lời.. Tất cả đều ngắn gọn hết mức có thể.
Ngày sinh nhật, Nghị Minh đến rất sớm. Anh đi một mình, tay mang theo hộp quà cho thằng nhóc. Nghị Hằng bảo anh:
- Hai anh em mình mua quà giống nhau thử xem thằng bé sao?
- Anh chắc là nó sẽ quăng quà của anh sang một bên!
Nghị Minh thở dài, thằng em trai này còn kế hoạch nào khác không? Thế này mà giúp anh sao? Giống như rút thăm trúng thưởng, hoặc 100% hoặc 0%?
Quả thật, thằng bé rất hào hứng với món quà đồ chơi của Nghị Hằng. Nó cầm lấy, lật tới lật lui, xem xét, rồi cười hi ha với anh ta. Còn khi mở hộp quà của Nghị Minh, nó chỉ nhìn anh một cái rồi thôi. Miệng Nghị Minh méo xệch, nhăn nhó nhìn em trai. Nghị Hằng đành làm lơ, nghĩ cách khác vậy. Chỉ còn là giáo dục tâm lý thôi. Không phải trẻ con thích vị ngọt của kẹo sao? Vị ngọt lời nói, chắc không ngoại lệ? Thế là, mỗi khi anh sang chơi lắp ráp với thằng bé, lúc vô tình, lúc cố ý, anh đều nhắc đến Nghị Minh. Nào là chú Minh thông minh lắm, khéo tay nữa, xoay rubic rất cừ. Nói đến lắp ráp đồ chơi ư? Đồ bỏ với chú ấy. Dần dần "mưa dầm thấm lâu", thằng bé bắt đầu để ý đến Nghị Minh.
Quan trọng hơn là, khi Nghị Minh nói, anh đã vào bếp làm một cái bánh kem nhân sầu riêng cho Thụy Khang. Món ăn yêu thích của nó. Thế là, thằng bé cho anh một nụ cười tươi tắn. Kiểu như "lần sau cố gắng thêm". Và nó ăn hết cái bánh to cỡ bàn tay người lớn. Păn xê ngồi kế bên mà hết hồn. Từ khi nào con trai cô lại háu ăn như vậy? À, không phải, không phải nó háu ăn mà là cô nấu ăn dở quá!
Mối quan hệ giữa Nghị Minh và Thụy Khang từ ngày đó cũng có tiến bộ hơn. Chỉ là thời gian đàm phán kéo dài hơn, còn kí kết hợp đồng thì.. vẫn chưa có vé.
Ngày sinh nhật hai tuổi của con trai, ba cô và Lạc Đình không lên kịp. Nghe ba nói, Lạc Đình trong lúc đi công tác, bị té xe, gãy chân. Ba phải ở nhà chăm sóc con bé. Ba nghe nói, tên hung thủ kia lại là một thầy giáo, được người được nết. Cô mỉm cười, tưởng tượng ra gương mặt của Lạc Đình khi nghe ba nói thế. Anh ta đưa Lạc Đình đến bệnh viện rồi thanh toán hết tiền thuốc men, viện phí, ở lại trông chừng Lạc Đình suốt mấy ngày nằm viện. Khi ra viện về nhà, ngày nào anh ta cũng đến chăm sóc, bưng cơm, rót nước. Ba thấy cũng vui vẻ thay Lạc Đình. Cô nghĩ nghĩ, em gái cô nên có người yêu rồi chăng?
Đổi lại, Ái Văn, bạn của cô đi Trung Quốc hơn nửa năm trở về. Bọn cô từ hồi cô lên sống cùng Lý Chiển đến giờ, a người mới có thời gian hàn huyên. Tối đó, khi Thụy Khang ngủ đi, cánh mày râu đánh cờ, tán dóc thì bọn cô cũng thủ thỉ với nhau.
Ái Văn là người Hoa, vẫn còn dòng họ, gia phả ở Bắc Kinh. Ái Văn trở lại không chỉ đi một mình mà còn có hai người đi kèm. Một là bạn cô ấy, Trần Phong, cũng gốc người Hoa, là giảng viên tiếng Hoa của một trường đại học ở thành phố S. Người còn lại, người mà Ái Văn và anh ta cứ gây nhau suốt trong buổi sinh nhật, khiến người khác phải chú ý, chính là ông chủ cửa hàng Cindy Mart, nơi cô từng làm việc, Đàm Thành.
Nhờ có tất cả bọn họ, cô và con trai đã có một tiệc sinh nhật ấm áp.
Nghị Minh hỏi Thụy Khang:
- Cháu không thích xe hơi của chú?
* * *
Thằng bé im lặng, một mực không quan tâm đến anh. Anh đành mặt dày, tiếp tục hỏi:
- Nó xấu sao?
* * *
Vẫn im lặng. Nghị Minh quyết đưa ra đòn phủ đầu:
- Vậy chú mang về nha?
- Keo.. kiệt!
* * *
Một trận cười vang lên. Có to rõ sảng khoái của Nghị Hằng và Đàm Thành. Có nụ cười khúc khích cười cố kiềm nén Ái Văn và Lý Chiển. Còn có nụ cười nhẹ đầy vui vẻ, lẫn cưng chiều, dịu dàng của Păn xê. Và cả nụ cười méo xệch như khóc của Nghị Minh.
Nghị Minh đưa cái hộp bánh nhân sầu riêng về phía Thụy Khang:
- Cho cháu.
- Dụ dỗ.
- Cháu dễ dụ sao?
- Chú.. tưởng.. bở..
* * *
Lại thêm một trận cười ra trò. Từ đó, ai ai trong nhóm bạn của Păn xê đều biết, con trai cô là một "ôn thần" khó tính nhưng vô cùng đáng yêu. Còn hai mẹ con Păn xê thì có một ngày sinh nhật đáng nhớ.
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con
(Chế Lan Viên)
Khi Nghị Minh nấu ăn xong quay trở lại phòng khách thì một cảnh tượng khiến anh muốn bật cười vui vẻ. Trên sô pha, Păn xê nằm sấp, ngoảnh mặt ra ngoài, ngủ ngon lành. Gió thổi đến từ chiếc quạt máy đang mở, làm mái tóc xoăn cọ cọ vào cổ khiến cô cựa mình, đưa tay vơ loạn trên đầu. Anh bước đến vén toàn bộ tóc của cô lại, rồi buộc thành chùm gọn gàng phía trên. Cảm thấy thoải mái, cô tiếp tục chìm vào giấc ngủ. Có lẽ do tác dụng của thuốc cảm, Păn xê vẫn không hay, lúc vô tình cô đã dẹp bớt rào chắn giữa cô và Nghị Minh. Lặng lẽ đến ngọt ngào.
Anh quay sang, dưới sàn nhà, trên tấm thảm dày lông, giữa đống đồ chơi vừa lắp một nửa, Thụy Khang cũng nằm sấp, đầu quay về phía trong. Thằng bé giống y như mẹ nó, ngủ say sưa. Anh bước đến, bế thằng bé vào trong phòng, nhẹ nhàng đặt nó lên giường rồi mở máy lạnh vừa phải, kéo chăn đắp cho nó, sau đó quay ra ngoài.
Anh ngồi trên sô pha phía đối diện, nhìn chằm chằm vào người con gái đang ngủ trước mặt. Vẻ mặt anh nhẹ nhàng, thoải mái, và dịu dàng đến lạ. Một lúc lâu sau, khi đã no nê ánh mắt, tràn đầy yêu thương, anh mới thôi nhìn. Anh tựa lưng vào thành ghế, chậm rãi khép hờ mắt. Trong cái nhắm mắt đó, vẫn còn đầy bóng dáng của người ở kia.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.