Hồ Sinh Tử

Chương 46: Chương 46




Thanh minh.
Mười bảy năm sau khi Thân Minh chết, Thân Viện Triều luôn nghiên cứu những kẻ sát nhân biến thái điên cuồng, thậm chí đến cả những thi thể, quan tài và phần mộ cũng đều không chút kiêng kị.
Lại là một ngày mưa âm u ẩm ướt, vườn hoa cải dầu vàng kim đã bao kín nghĩa trang. Trên bia mộ có gắn một bức ảnh trang trọng, bên dưới có dòng chữ: “Phần mộ liệt sĩ Hoàng Hải” - theo lý mà nói, phần mộ của anh phải được đưa vào trong nghĩa trang liệt sĩ, nhưng di nguyện của anh khi còn sống là mong được mãi mãi cận kề bên cậu con trai mất sớm, nên gia quyến đã an táng anh ở khu nghĩa trang dân thường ở khu ngoại ô.
Thân Viện Triều che chiếc ô đen, ôm một đóa cúc vàng lớn, và ngay lập tức nhìn thấy Tư Vọng đứng trước phần mộ. Cậu thiếu niên nghi hoặc quay đầu lại, ba nén hương cậu cầm trong tay khẽ rung lên.
“Nhất định bác sẽ bắt được con ác quỷ đó rồi tự tay giết chết hắn.”
Những lời ấy phát ra từ khóe miệng Thân Viện Triều, mái tóc ông bạc hơn trước, ánh mắt lại càng thâm trầm đáng sợ hơn.
“Cháu à, cháu đã cao lên rồi, bác đến quét mộ cho bố cháu đây.”
Ông vẫn cứ tưởng người nói chuyện với mình là con trai của Hoàng Hải, Tư Vọng quyết định diễn tới cùng: “Kiểm sát Thân, cảm ơn bác!”
Thân Viện Triều nắm chặt bàn tay lạnh lẽo như người chết của cậu thiếu niên rồi quay sang bia mộ của cảnh sát Hoàng Hải nói: “Anh Hoàng, tôi không kịp về dự tang lễ của anh, nhưng tiết Thanh minh tôi vẫn muốn đến thăm anh. Dù bao năm qua anh đã bác bỏ tất cả những manh mối tôi lao tâm khổ tứ tìm ra, tôi vẫn vô cùng cảm ơn anh.”
“Bố cháu đã nghe thấy rồi, ông ấy trên trời có linh thiêng, nhất định sẽ phù hộ cho cháu bắt được hung thủ.”
“Nhưng cháu còn quá trẻ.”
“Bố cháu thường kể cho cháu nghe về một bộ phim nọ, có cậu con trai của một viên cảnh sát chính trực ở miền nam nước Mỹ thời những năm 50, 60 của thế kỷ 20, khi mà chủ nghĩa phân biệt chủng tộc còn đang hoành hành. Nhân vật chính đã mấy lần đọc một bài thơ, cháu nhớ là nó như thế này: Tôi - chủ nhân vận mệnh chính mình, là người thuyền trưởng linh hồn chính tôi. Bộ phim ấy tên là “Kẻ không thể chinh phục”, bài thơ ấy là của nhà thơ William Ernest Henry thời Victoria.
“Con trai, ý cháu là gì?”
Thần trí Tư Vọng có phần quái dị: “Kiểm sát Thân, bác thân thiết hơn trong tưởng tượng của cháu rất nhiều, bác là một người tốt.”
“Bác về hưu lâu rồi mà, công tác trong ngành kiểm sát bốn chục năm, là người Đảng viên, khi tự vấn lương tâm, bác không thấy có gì hổ thẹn. Con trai, tạm biệt!”
“Để cháu tiễn bác!”
Ông liếc nhìn bia mộ lần cuối cùng, bỗng giật mình khựng lại, thì ra bên dưới tên của Hoàng Hải khắc một dòng chữ màu đen tưởng niệm người đã khuất: “Con trai Hoàng Chi Lượng”.
Nếu như Hoàng Hải còn có người con nào khác thì đúng là sẽ phải viết tên lên bia mộ, chỉ có điều nếu người đó còn sống, bắt buộc phải viết bằng mực đỏ - ấy vậy mà trên bia mộ chỉ có cái tên “Hoàng Chi Lượng” màu đen.
Tư Vọng luống cuống lùi lại phía sau hai bước, sau lưng cậu chính là ngôi mộ của Lượng.
Dù tuổi tác đã cao nhưng Thân Viện Triều vẫn nhìn rõ dòng chữ “Phần mộ Hoàng Chi Lượng” phía sau lưng Tư Vọng. Ông tiến lại gần xem thì thấy trên bia mộ Hoàng Chi Lượng có hàng chữ “Bố Hoàng Hải khóc lập”, năm sinh năm mất là 1994 -2004.
Trên bia mộ của Lượng có một tấm ảnh bằng sứ, gương mặt của cậu bé 10 tuổi chết vì bệnh máu trắng ấy quả nhiên có vài phần giống Tư Vọng, cho nên, Thân Viện Triều liền triệt để tin rằng chàng thiếu niên đang đứng trước mắt mình chính là đứa con tám năm trước đã qua đời của Hoàng Hải.
“Cậu... cậu...”
Răng ông đánh vào nhau run rẩy, gương mặt Tư Vọng sa sầm, những lời nói ra chẳng khác gì của người đã chết: “Đúng vậy, cháu chính là Hoàng Chi Lượng, tám năm trước chết vì bệnh máu trắng. Cháu muốn bác biết rằng, trên đời này có người sau khi chết đi vẫn có thể hồi sinh.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.