(Có mốc thời gian Mèo để ở cuối truyện cho mọi người dễ hình dung) Lâu Nguyệt Dao kịp thời lên tiếng. - Tâu, thần thiếp còn giữ chiếc túi thơm của Liễu tuyển thị. Xin bệ hạ ân chuẩn cho thần thiếp được trình lên để bệ hạ ghé mắt. Thân Long Chương gật đầu ưng thuận. Lâu mỹ nhân bèn đứng dậy đi lục tìm chiếc túi thơm mà nàng đã bỏ riêng trong một chiếc tráp gỗ có bề ngoài không bắt mắt lắm. Bảo là trình lên cho Hoàng đế ghé mắt chứ thật tình chẳng ai dám để đấng cửu ngũ chí tôn cầm một món đồ không rõ lai lịch cả. Lâu Nguyệt Dao trao nó cho Lã Xuân Ẩn, tiện đà trao cho y ánh nhìn đầy ẩn ý. Xong xuôi, nàng lại về vị trí của mình dưới chân vua, sụp lạy bầu trời của nàng Trong cái nhìn chằm chằm từ Hoàng đế và ba nàng phi tần, Lã Xuân Ẩn đưa chiếc túi thơm màu xanh nhạt thêu hoa văn cá chép vờn lá sen lên mũi ngửi. Đôi lông mi khẽ chớp bỗng ngừng lại. Y tháo cái túi thơm, bốc một nhúm bột hương liệu đã được nghiền mịn đến độ không còn có thể phân biệt được loại nào với loại nào lên ngửi. Trông thấy biểu cảm sửng sốt, nghi ngờ thoáng hiện trên mặt y, Hoàng đế nhướng cặp mày rồng, hỏi: - Tra ra được gì rồi? Lã Xuân Ẩn cho là Lâu mỹ nhân ra ám hiệu ý muốn y phối hợp với ả ta hòng dối gạt mắt thánh. Trong một khắc thoáng qua nào đó, y khinh miệt cho rằng Lâu mỹ nhân đã quá coi thường lòng trung của y đối với Hoàng đế. Không tính đến nghĩa vua tôi thì giữa y và Hoàng đế còn có một mối liên hệ không cách nào và không một ai có thể vọng tưởng xoá bỏ được. Chẳng lẽ y đã đoán sai rồi chăng? Chẳng lẽ trong cái túi thơm này ngoại trừ bột hoa nhài thì còn có thứ mờ ám khác sao? Dòng suy nghĩ của Lã Xuân Ẩn chỉ diễn ra trong vỏn vẹn một cái chớp mắt. Nghe Hoàng để hỏi chuyện, y đã vội thưa trình: - Tâu, quả thật trong túi thơm có hương liệu hoa nhài. Mặt Hoàng đế sa sầm. Ngài vươn tay, ý bảo Lã Xuân Ẩn giao chiếc túi thơm cho mình. Lã Xuân Ẩn cũng tuân theo ý ngài. Nhưng ngay khi Thân Long Chương quệt chút bột hương lên đầu ngón tay, tính đưa ngang mũi ngửi, Lâu Nguyệt Dao đã vội bò tới ôm đầu gối ngài. - Tâu, thánh thể tôn quý nhường nào, sao có thể chạm vào thứ đồ không rõ gốc gác? Thần thiếp cúi xin bệ hạ nghĩ lại. Nếu bệ hạ có bề gì, bốn cái mạng quèn của chúng thần thiếp đây làm sao mà vớt vát nổi? Hai nàng Tôn, Liễu chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra cũng mau chóng hô to xin Hoàng đế xét lại. Lã Xuân Ẩn đứng bên lại càng khó bắt kịp ý đồ của Lâu mỹ nhân. Mặt y tái mét. Cái ý nghĩ chơi xỏ Lâu mỹ nhân tới chết choáng lấy tâm trí y, lấn át cả lý trí. Liên can gì tới y mà phải lỗi y vào? -
Nguyệt Dao! - Đó là lần đầu tiên trong đời, Hoàng đế ghi nhớ, thậm chí gọi ra miệng quý danh của một phi tần. - Xuân Ẩn sẽ không dối gạt trẫm. Lâu mỹ nhân càng làm ra vẻ có tật giật mình, Hoàng đế càng sinh nghi, càng phải xem xét chiếc túi thơm ấy cho kì được. Tuy nhiên, Thân Long Chương không am hiểu hương liệu, ngài chỉ có thể phân biệt được dăm ba loại hương mình thích mà thôi. Hương hoa mai đêm đầu tiên Lâu mỹ nhân thị tẩm và hương hoa lan mà nàng nói thích, nội phủ lẹ chân đưa sang Phủng Nguyệt các, ngài đều có thể nhận biết. Hoàng đế không ngửi ra được hương hoa nhài trong túi thơm, song, ngài không viết điều ấy lên trên mặt. Hai nàng Tôn, Liễu không khỏi nín thở theo từng cử động của Hoàng đế, để rồi thoáng sau mới tỉnh ra rằng trong cái túi thơm ấy có bột hoa nhài thật, việc gì phải lo lắng. - Tâu bệ hạ, Thanh Thanh tỷ tỷ không biết bơi. Ấy là điều mà toàn thể tú nữ tham gia kì tuyển tú mùa xuân đều hay. - Lâu mỹ nhân e dè bẩm báo. Ánh nến vàng ấm hắt lên mặt Hoàng đế. Long nhan chìm trong ánh nến, thoắt sáng thoắt tối, biến ảo khôn lường. Song thứ biến ảo khó lường hơn cả, có lẽ là cảm xúc trong đáy mắt ngài. Hoàng đế không lên tiếng, không một phi tần nào dám nói chen vào. Tôn Mộng, Liễu Thanh Thanh những tưởng mình đã bị sự tĩnh lặng bao trùm nội tẩm của Phủng Nguyệt các tước đoạt mất hơi thở rồi. Mồ hôi túa đầy trên trán, hai bên tóc mai, thấm đẫm một mảng lưng áo gấm. - Chưa đủ thuyết phục. Nàng chớ quên chuyện trẫm hỏi là lạm dụng tư hình lên người cung nhân. Nàng chưa biện giải được. Cung tỳ, thái giám đều là con dân của trẫm. Không thể tùy tiện đánh giết. - Chốc sau, Hoàng đế mới lên tiếng. (3) Thân Long Chương ngồi trên tháp quý phi* nhìn sắc mặt Lâu mỹ nhân chuyển từ hồng hào do chắc mẩm thoát thân sang bợt bạt*. Vầng trán thanh thoát mà ngài thích thơm lên sau mỗi lần hoan lạc đổ mồ hôi lạnh. Hoàng đế ngẫm lại tình hình, xem chừng ngài không thể đáp ứng lời cầu khẩn của Vĩnh Xuân. Có lẽ... - Có rồi! Tiếng hô của nàng cắt đứt mạch suy tưởng của ngài, cũng khiến hai nàng Tôn, Liễu thở ra một hơi. Đôi mắt Lâu Nguyệt Dao sáng ngời, ánh lên quầng sáng hi vọng. Nàng kích động, song nói năng vẫn rành mạch đâu ra đấy. - Tâu, Lâm quý nhân rơi xuống nước vào khoảng giữa tháng quý thu*. Ngay hôm sau là ngày rằm tháng quý thu, Thanh Thanh tỷ tỷ bắt tận tay Xuân Hường bỏ bột hoa nhài. Xuân Hường bị đuổi về nội phủ vào đầu tháng mạnh đông, chắc chắn sổ sách bên nội phủ có chép lại ngày tháng cụ thể. Tới nay là bắt đầu nửa sau của tháng trọng đông. Quả thật khi bắt được Xuân Hường, chúng thần thiếp có ý định tra hỏi cô ta ai là kẻ sai khiến nhưng mắt thấy không hỏi ra được, cũng không dám giữ kẻ ăn ở hai lòng trong cung Phồn Dương nên mới trả Xuân Hường về nội phủ. Càng nói, trái tim đang đập loạn nhịp của Lâu Nguyệt Dao càng bình ổn trở lại. Nàng ngừng tiếng, thở dốc mấy hơi lấy lại tinh thần mới tiếp tục. - Nếu chúng thần thiếp dùng hình tra khảo như lời Xuân Hương nói, vậy ắt hẳn người cô ta phải đầy rẫy vết thương cả cũ lẫn mới. Hình phạt nhấn nước không để lại dấu vết. Hình phạt nhỏ sáp nến nóng chảy lên da chắc chắn phải để lại sẹo bỏng, khác ở chỗ vết sẹo đó mờ nhạt hay rõ nét. Còn cả vết kim đâm nữa, thần thiếp thêu thùa không cẩn thận bị đâm trúng tay chảy cả máu, vết đâm chỉ mất chừng năm, sáu ngày là lặn mất tăm rồi. Tất nhiên là kim thêu thùa nhỏ hơn kim dùng để tra tấn nhiều, vết kim để lại cũng không lớn bằng. Trưởng nữ nhà họ Lâu thì đương nhiên không thể biết quá nhiều thủ đoạn nghiêm hình bức cung được. Nàng có thể vờ vịt thủ thỉ với Hoàng đế rằng kế mẫu ở nhà giao bớt quyền quản gia vụ cho trưởng nữ đã cập kê* học hỏi để còn coi sóc hậu viện nhà chồng sau khi xuất giá nên nàng biết sơ sơ chứ không rành rẽ. - Bệ hạ có thể cho ngỗ tác* bên phòng Thẩm Hình nghiệm thi, tự khắc sẽ biết vết thương trên người Xuân Hương do cung Phồn Dương để lại hay là do kẻ muốn mượn gió bẻ măng làm ra. Nói đến đây, nét mặt Lâu Nguyệt Dao dịu lại. Nàng tham lam hít thở dưỡng khí, đặng giải trừ cơn khó thở do căng thẳng quá độ đưa tới.
Vinh phi Lâu Nguyệt Dao đã ứng phó với những vụ còn kinh hoàng hơn thế này nhiều. Hơn nữa, nàng biết dù mình và hai vị tỷ tỷ không rửa sạch được hiềm nghi thì cùng lắm Hoàng đế chỉ bỏ bê các nàng hơn trước chứ chẳng đến mức tước bỏ phong hiệu hay đày vào lãnh cung. Lâu Nguyệt Dao sợ biểu hiện bên ngoài của mình không đủ chân thật nên mới phải khơi dậy một vài kí ức không mấy tốt lành mà nàng đã cố giấu tận đáy lòng. Hai nàng Tôn, Liễu quỳ mọp, áp trán lên đôi tay đặt trên sàn Phủng Nguyệt các chờ đợi phán quyết từ Hoàng đế. Hai nàng đã không còn áp lực như ban nãy nữa, niềm tin vào bản lĩnh của Dao muội dâng cao nhất từ trước tới nay. - Được rồi! Cục Thượng thực đã dâng vãn thiện lên chưa? - Chợt, Hoàng đế hỏi. - Tâu, đã mang tới rồi ạ! - Lã Xuân Ẩn cúi mình bẩm tấu. Ngay khi hai nàng Tôn, Liễu vẫn chưa thể bắt kịp thái độ của Hoàng đế, Lâu Nguyệt Dao lại mang tới cho bọn họ một vinh hạnh ngoài dự đoán. - Tâu bệ hạ, hiếm khi có dịp ba tỷ muội thần thiếp đều được diện kiến bệ hạ. Hôm nay hai tỷ tỷ đều bị dọa sợ. Chi bằng bệ hạ cho chúng thần thiếp cơ hội cùng hầu cơm để mượn thánh đức của bệ hạ che chở, đặng giải trừ âu lo? Chú thích: * tháp quý phi: hay tháp mỹ nhân * bợt bạt: màu kém tươi, vẻ kém tươi (theo Vtudien) * cập kê: Đến lúc cài trâm, chỉ tuổi 15 thì cài trâm. Tục cổ Trung Hoa con gái tới tuổi 15 thì cài trâm, tức tới tuổi thành hôn. (theo từ điển Nguyễn Quốc Hùng) * ngỗ tác: Tên một chức lại để khám xét các người tử thương (theo từ điển Hán Nôm) Mốc thời gian theo lời biện minh của nữ chính: - Lâm quý nhân rơi xuống hồ Thủy Bích: ngày 14 tháng trọng thu (tháng 9) - Bắt quả tang Xuân Hường bỏ bột hoa nhài vào túi thơm: ngày 14 tháng 9 (ngay hôm sau là ngày rằm, toàn phi tần phải đến cung Vĩnh Ninh) - Ngày đầu tiên hầu bệnh Hoàng thái phi + công chúa Vĩnh Xuân ngất: khoảng đầu tháng mạnh đông (tháng 10) [Đầu chương 20 - Dậy sớm tiễn quân vương có nhắc tới vụ tra khảo cung nhân xảy ra khi Lâu Nguyệt Dao ngất xỉu ở cung Khôn Nghi, được đưa về Phủng Nguyệt các tĩnh dưỡng nên không tham gia được.] - Tra xét đám cung nhân, cung tỳ Thúy Lan của Tôn Mộng lòi đuôi, đuổi cả Xuân Hường và Thúy Lan về nội phủ: đầu tháng 10 (Thúy Lan cũng bị đuổi về nội phủ nhưng không bị kẻ sau màn dùng để đổ vấy nên không được nhắc tới. Nữ chính chỉ tập trung vào Xuân Hường để giải trừ hiềm nghi.) - Nữ chính thị tẩm lần đầu: 14 tháng 10 Các từ tháng mạnh, tháng trọng, tháng quý đều là cách dùng cũ chỉ tháng đầu, tháng giữa, tháng cuối mỗi quý. Một năm có bốn quý tương ứng với bốn mùa. Lấy ví dụ, tháng mạnh đông là tháng đầu tiên của mùa đông, tức tháng 10, cứ như vậy ta tính tương tự với các tháng khác.