- Công chúa rảnh rỗi ghé thăm cung Phồn Dương. Đúng là vinh hạnh cho thiếp.
Lâu Nguyệt Dao ngồi đối diện Vĩnh Xuân. Nhũ mẫu Lâm Thu Nương và đám cung tỳ thân cận của cung Khôn Nghi đứng hầu sau lưng công chúa. Ai nấy đều đan hai tay trước ngực, cúi đầu buông mi, giả bộ không nghe được, không nhìn thấy các vị chủ nhân nói gì, làm gì. Lâu mỹ nhân gật gù tấm tắc khen trong bụng: đó mới là phong thái của cung nhân được đại nội thâm nghiêm hun đúc.
Trình Uyển theo Nhâm Hòa, Lý Liên dâng trà nước, bánh trái không khỏi trố mắt trầm trồ. Nhưng rồi, cô ta sực nhớ ra nay mình đã là cung nhân bên cạnh một nương nương trong nội cung, thân phận đã khác xưa, phải biết chừng mực, lễ nghĩa để không làm mất mặt chủ nhân. Trình Uyển nghĩ bụng rồi cũng có một ngày mình toát ra phong thái không thua kém bọn họ. Nhất định thế!
- Con đến tạ ơn Lâu nương nương. - Vĩnh Xuân vừa dứt lời, nhũ mẫu Lâm Thu Nương bèn phất tay ra hiệu cho một thị nữ thân cận ra ngoài thông truyền.
Đoàn thái giám theo tháp tùng chỉ chờ có thế, nhận được mệnh lệnh bèn khiêng lễ tạ ơn của công chúa Vĩnh Xuân vào trung đường. Cái gian trung đường dùng đế tiếp đãi khách khứa của Phủng Nguyệt các vốn tạm coi là rộng rãi, thoáng chốc trở nên chật chội bởi những tráp hòm nhét đầy vàng bạc châu báu. Mớ tráp hòm ấy còn được công chúa căn dặn là phải quấn lụa đỏ, thắt hoa ngụ ý cát tường. Ai không biết đấy là lễ vật tạ ơn có khi còn tưởng là nhà nào mang sính lễ đến xin cưới gả cũng nên.
Dù đã được Lý Liên rỉ tai báo cho biết, Lâu Nguyệt Dao vẫn không khỏi kinh ngạc. Nàng chẳng thể ngờ công chúa
Vĩnh Xuân lại tặng lễ hậu nhường này. Nàng còn chưa kịp giả bộ khước từ, công chúa đã làm mặt thấp thỏm, nói:
- Con có chuyện này muốn bàn riêng với Lâu nương nương. Xin Lâu nương nương cho bình lui cung nhân.
Lâu Nguyệt Dao cũng thuận theo, đánh mắt ra hiệu cho Lý Liên, Trình Uyển lui ra ngoài với đám cung tỳ thân cận của công chúa. Nàng cười, giải thích với Vĩnh Xuân:
- Muội ấy là Nhâm Hòa, thị nữ hồi môn của thiếp, lần trước công chúa đã gặp rồi đó. Thiếp tin cậy Nhâm Hòa cũng giống như công chúa tin cậy nhũ mẫu Thu Nương vậy.
Nhũ mẫu Lâm Thu Nương vẫn ở lại. Đối với Vĩnh Xuân, thị là người đặc biệt. Tuy thân phận không tôn quý như
Hoàng hậu Nhân Cung - sinh mẫu của công chúa nhưng về mặt tình cảm, ơn chăm bằm bú mớm từ thuở ấu thời tới nay, thị có phần hơn.
Vĩnh Xuân thoáng ngần ngừ. Con bé uống một ngụm nước hoa nhài ngâm mật ong âm ấm để tăng can đảm -
Lâu Nguyệt Dao nghĩ con bé còn nhỏ nên không cho cung tỳ dâng trà - đoạn vào thẳng vấn đề:
Lâu nương nương có thể che chở cho con không?Chuyện này mà công chúa còn cần phải hỏi nữa ư? - Lâu Nguyệt Dao giả bộ không hiểu ý Vĩnh Xuân, cười xòa bảo.
- Công chúa lớn lên trong cung vàng điện ngọc chốn nhân gian. Người là cành vàng lá ngọc của hoàng thất, tất nhiên là phải được bệ hạ, Hoàng thái phi nương nương, tam hoàng tử điện hạ và toàn thể phi tần, cung nhân che chở
Vĩnh Xuân mím môi, không tiếp tục khẩn cầu mà chuyển sang nói chuyện khác:
- Tuy cha thương con, nhưng trước hết cha là bậc quân chủ hiền minh phải bận bịu lo chuyện chính sự trên triều, không thể gần gũi chăm bằm con cả ngày được. Con không dám tới điện Bàn Long quấy nhiễu cha. Trinh phi nương nương cũng từng dạy rằng Vĩnh Xuân là trưởng nữ của cha, càng phải rèn nết hiền thục, biết yêu thương nhường nhịn hoàng muội Nghi Ninh kém tuổi hơn mình. Có như thế mới tỏ đúng phong thái công chúa trưởng* của Đại Thân, khiến cha yên lòng lo việc lớn.
Lâu Nguyệt Dao trầm ngâm một chốc. Thế rồi, nàng nói lái sang chuyện nhà mình:
- Thiếp khâm phục công chúa. Thuở ấu thời, thiếp không hiểu biết đại thể* được bằng công chúa. Khi ấy, thiếp chỉ lo tranh giành sự chú ý của cha với các muội muội, đệ đệ trong nhà, còn bị kế mẫu mắng vì không biết nhường nhịn cho người ít tuổi hơn.
Nàng nhìn sắc mặt Vĩnh Xuân biến ảo khôn lường, mỉm cười bất đắc dĩ:
- May mà cha không phiền lòng. Tuy kì vọng vào mỗi người con khác nhau, song tựu trung người làm thân phụ đều yêu thương con cái trong nhà. Quà bánh cha mang về cũng được chia đều cả.
Vĩnh Xuân đã được nghe kể về xuất thân của Lâu mỹ nhân và một vài câu chuyện xoay quanh phủ đệ họ Lâu.
Người quyền quý bao giờ cũng có những con đường tìm hiểu tin tức nhanh nhạy hơn thường dân áo vải. Con bé vốn đã có điều thương cảm, nay được nghe chính miệng Lâu mỹ nhân không oán không hờn, càng thêm thương xót thay nàng
Suy nghĩ trong đầu Vĩnh Xuân xoay chuyển mấy lượt. Suy cho cùng, công chúa vẫn còn bé thơ, lòng mang tâm trạng ra sao thỉnh thoảng cũng không kìm nổi mà viết hết lên mặt.
Sắc mặt của nhũ mẫu Lâm Thu Nương khá hơn, song vẻ mặt ngờ ngợ như đã hiểu ra được điều gì ấy khiến Lâu Nguyệt Dao mở cờ trong bụng.
Nàng bình thản thưởng trà, chờ đợi công chúa Vĩnh Xuân nghĩ kĩ. Nếu sự thành thì đúng là việc vui cuối năm đây.
- Lâu nương nương!
Bất đồ, Vĩnh Xuân ngẩng phắt mặt lên, gọi. Trông vành mắt con bé hơi đỏ, Lâu Nguyệt Dao chắc mẩm công chúa đã ngộ ra ý đồ của Trinh phi.
- Phủng Nguyệt các là đất lành. Xin Lâu nương nương cho Vĩnh Xuân trú nhờ dưới bóng mát của nương nương.
Đến đây thì Lâu Nguyệt Dao không bóng gió, đưa đẩy sang chuyện nợ chuyện kia nữa. Nàng hiểu bóng gió với con trẻ không thể dong dài mãi như bóng gió với những vị đã thành niên* được.
- Thiếp không trông mong máu mủ của mình sau này sẽ phải học những chiều trò ganh đua. - Nàng thuận theo ý công chúa, đồng thời khẳng định rằng sẽ không coi Vĩnh Xuân như con gái ruột.
Liền tức thì, công chúa đáp lại với vẻ đau đáu khó tả:
- Biết làm sao được đây! Mẫu hậu của ta đã hoăng rồi.
Sau cùng, Lâu mỹ nhân tặng cho công chúa một quyến Hiền nữ truyện do mình tự tay chép làm quà. Tiền đoàn người tháp tùng công chúa Vĩnh Xuân về cung Khôn Nghi xong, Lâu Nguyệt Dao sai hai cung tỳ Lý Liên, Trình Uyển kiểm kê lễ vật của công chúa để viết danh sách nhập kho.
Phần mình, nàng bảo Nhâm Hòa mang chén tổ yến chưng đường mà bên cục Thượng thiện dâng lên, đang được hâm trong phòng bếp nhỏ vào nội tẩm đóng cửa bàn chuyện.
- Hóa ra hôm ấy bệ hạ có ý thăm dò ta. Xem ra công chúa Vĩnh Xuân đã đề cập đến chuyện muốn được ta nuôi nấng trước mặt bệ hạ.
Lâu Nguyệt Dao múc một muỗng yến nếm thử rồi ngoắc tay ý bảo Nhâm Hòa ăn cùng. Nhâm Hòa đan hai tay vào nhau vái nàng một vái. Cô đã quá quen với việc được chủ nhân cho ăn chung món ngon, ban nãy đi lấy chén yến còn quen tay mang một chiếc muỗng riêng để tiện dùng.
Nhâm Hòa biết tiểu thư nhà mình đang nhắc đến chuyện cung Phồn Dương chịu hiềm nghi tự tiện lạm dụng tư hình. Xét thời gian thì đúng là trùng hợp thật! Nhưng tổ mẫu của cô đã dạy cho rằng kẻ đi lại trong cung đình một khi gặp chuyện trùng hợp thì không bao giờ được tin đó là chuyện trùng hợp.
Cơ mà công chúa liệu có hiểu hết ý của tiểu thư không? Người mới có bảy tuổi! - Dù sao chuyện cũng đã qua rồi, điều khiến Nhâm Hòa phấn khởi và quan tâm hơn cả là chuyện của hiện tại.Ăn thêm đi! Muội chớ lo. Con cái thiên gia* trưởng thành sớm. Bảy tuổi đã hiểu được nhiều chuyện rồi. Huống hồ, Vĩnh Xuân còn có một người huynh trưởng cùng mẹ rất xuất chúng. Con bé không hiểu hết thì tam hoàng tử hiểu là được.Lâu Nguyệt Dao không hề lo lắng chuyện hôm nay sẽ bị ai đó truyền đến tai phe cánh cung Vĩnh Ninh. Suốt toàn bộ quá trình, nàng không hề bình luận đúng sai của Trinh phi cả lời nói thẳng nói thật hay lời bóng gió.
Hoàng thái phi và Trinh phi có đoán được cũng chẳng sao. Sớm muộn gì đôi bên cũng phải đối địch. Đã quyết định đồng ý với Vĩnh Xuân tức là nàng đã lường trước hậu họa rồi.
Vốn ý định ban đầu của nàng chỉ là giao hảo với công chúa Vĩnh Xuân thật thân tình, bấu víu hoàng tự để được
Hoàng đế ưu ái mà thôi. Không ngờ lại có được một cơ hội thăng tiến bất chợt đến thế.
Tiếu thư đánh giá cao tam hoàng tử thế sao?Tất nhiên! - Lâu Nguyệt Dao khẳng định.Muội cũng phải chuẩn bị tinh thần đi. Có lẽ ít lâu nữa người con đích của bệ hạ sẽ đến thăm hỏi tựa như hôm nay công chúa Vĩnh Xuân đến bái phỏng ta vậy.
Trinh phi dạy toàn đạo lý hiển nhiên về phẩm hạnh của một công chúa. Tuy nhiên, nàng ta đã quên mất một số chuyện, Vĩnh Xuân mới bảy tuổi, lại mất mẹ từ tấm bé, tất nhiên con bé sẽ trông mong được cha mình yêu thương. Mà Trinh phi lại có con gái ruột là công chúa Nghi Ninh.
Thời gian đầu Vĩnh Xuân có thể sẽ tin tưởng và coi lời Trinh phi nói là đạo làm công chúa, đạo làm người hoàng tỷ.
Song, sau này con bé chắc chắn sẽ ngộ ra hành vi của Trinh phi rõ ràng là rắp tâm muốn chia rẽ mình và vua cha, tạo cơ hội cho hoàng muội Nghi Ninh.
Nhưng mà nhắc tới nhớ, rõ ràng ở kiếp trước, chuyện nuôi nấng công chúa Vĩnh Xuân không có nhiều điều khúc chiết đến vậy.
Hoàng đế Nguyên Hựu giao Vĩnh Xuân cho Trinh phi săn sóc. Đâu đó khoảng chừng hai, ba năm, công chúa được đưa tới cung Trường Thọ cho các phi tần di sương* dạy dỗ. Kể từ đó, Trinh phi cũng không còn được Hoàng đế ghé thăm thường xuyên như trước nữa. Điều đáng nói là ở lần đại phong hậu cung trước kì tuyển tú thứ hai,
Hoàng đế bỏ qua Trinh phi mà tấn thăng Đoan phi và Từ Tố Chiêu khi ấy đang là chiêu viên tam phẩm lên hàng
Quý phi.
Khi ấy, nàng đã nghĩ do phủ Lương Quốc công lập công huân lừng lẫy, Hoàng đế không muốn phong thưởng cho nam đinh thêm nữa nên mới chuyển sang thăng bậc cho Từ Tố Chiêu liên tiếp.
Đôi mắt Lâu Nguyệt Dao sáng rỡ. Nàng có cảm giác mình đã thấu tỏ được chân tướng.
Chú thích:
công chúa trưởng: ý nói cô công chúa đầu tiên, phân biệt với Trưởng công chúa là tước vị được phong cho chị gái, em gái ruột của nhà vua đương thờiđại thể: nghĩa lý trọng yếu, đạo lý quan hệ tới đại cục (theo chú giải của web Thi viện)thành niên: đã trưởng thànhthiên gia: chỉ nhà đế vươngphi tần di sương: phi tần còn sống của các đời vua trước (Mèo từng chú thích cụm từ này rồi nhưng ở mấy chương đầu truyện lận nên nhắc lại cho mọi người dễ theo dõi.