Hoàng Quý Phi

Chương 34: Đại Thân hiền nữ truyện





- Tiên Ngộ?
Đó là lần đầu tiên Lâu Nguyệt Dao được biết cái tên thoáng nghe mỹ miều, thực chất lại là độc dược này. (T
- Lâu nương nương không biết cũng phải. Tiên Ngộ là độc dược lưu hành ở tiền triều, đến triều Thân ta đã bị cấm tiệt. Hai vua cuối cùng của hoàng thất họ Hướng chính vì lạm dụng thứ độc vật này nên tính tình mới trở nên khắc nghiệt, lấy tiếng kêu khóc của trăm họ để thỏa mãn chính mình, học theo thói xa xỉ d*m dật vô độ của Trụ vương, dần dà đánh mất lòng dân, khiến vận nước suy vi. - Tam hoàng tử đã thôi kích động. Cậu bình tĩnh giảng giải:
Lâu mỹ nhân biết giai thoại này, nhưng không hiểu tường tận. Nàng chỉ từng được dạy là hai vị Hoàng đế cuối triều Hướng để dân chúng lầm than nên đức Thái Tổ Hoàng đế thân là quý tộc hưởng lộc vua thương xót trăm họ nên mới dấy binh giành ngôi báu, bỏ ngoài tai lời chỉ trích bề tôi giết vua của chúng quan thần cựu triều.
- Thì ra còn có cớ sự này.
Giọng nàng run rẩy, lại thoáng do dự:
- Tuy nói là triều ta đã cấm dùng, nhưng có khi nào phối phương điều chế vẫn còn cất giấu ở đâu đó hay không?
Thân Duy Thượng nhướng đôi mày rậm. Cậu cất cao giọng.
- Xin Lâu nương nương chỉ bảo cho.
- Khi thiếp còn là khuê nữ thích tìm mua một số sách truyện chí quái, du kí,... để mở mang tầm mắt. Có một số quyển thiếp tìm mãi mà không thấy, nghe chủ thư quán bảo là đã tuyệt tích rồi. Tuy nhiên sau khi vào cung, thiếp rỗi rãi đến Tàng Thư các mới phát hiện chúng đã được chép lại rồi bảo quản trong đó. Thiếp trộm nghĩ Đại Thân ta lập quốc đã qua năm đời Hoàng đế, liệu có khi nào phối phương điều chế Tiên Ngộ thật ra vẫn chưa thất truyền hay không? (2)
Tam hoàng tử siết chặt bàn tay. Mặt mày nhăn nhó. L*ng ngực phập phồng lên xuống hồi lâu sau mới bình tĩnh cất giọng.
- Đội ơn Lâu nương nương nhắc nhở. Quả thật Duy Thượng chưa từng nghĩ tới hướng này.
Lâu Nguyệt Dao bèn mượn chuyện khác để an ủi cậu:
- Công chúa đang nghe nữ quan Ty Tịch giảng bài. Dạo này người siêng năng học hỏi lắm. Điện hạ có muốn ghé sang xem thử không?
Nét mặt hoàng tử hồ hởi hẳn lên. Cậu đồng ý ngay tắp lự. Thế là, Lâu Nguyệt Dao dẫn theo tam hoàng tử, Nhâm Hòa và hai thân tín của hoàng tử sang gian thư phòng của công chúa Vĩnh Xuân. Ngoài cửa có bốn cung tỳ thân cận của Vĩnh Xuân đứng nghiêm chờ lệnh. Nhác thấy đoàn người, Thu Lê - cô cung tỳ đã đi cùng Nhâm Hòa về Phủng Nguyệt các lấy thuốc màu, giấy bút dùng khi vẽ tranh hôm Lâu mỹ nhân và công chúa Vĩnh Xuân gặp nhau lần đầu - toan hô to thông báo thì bị tam hoàng tử ngăn lại.
Duy Thượng đứng ngoài nghe cung quan họ Chúc nọ giảng bài. Bữa nay, Ty Tịch giảng đến giai thoại về Hoàng hậu khai quốc trong Đại Thân hiền nữ truyện. Đó là cuốn sách được chính Hoàng đế Thái Tổ lệnh cho các học sĩ Quốc sử quán biên soạn về những vị hậu phi, công chúa, tông thất nữ* và con gái thường dân nổi danh tài đức triều ta nhằm làm khuôn thước mẫu mực cho đàn bà, con gái đời sau noi theo. Đại Thân hiền nữ truyện mỗi ngày một dày thêm. Cho đến nay Quốc Sử quán vẫn đang biên soạn nó song song với quốc sử.

Kể về vị Hoàng hậu có mỹ hiệu Nguyên Thần này, giọng điệu Ty Tịch thêm phần ưu ái:
- Trong số những món đồ công chúa phải dùng hằng ngày, có những thứ do chính tay Hoàng hậu Nguyên Thần tạo ra, đến nay vẫn còn được lưu truyền trong cung. Công chúa có biết chúng là gì không?
Vĩnh Xuân trúng tủ, đáp ngay không thèm suy ngẫm:
- Gương thủy tinh này. Đường trắng này. Cao dưỡng da dùng vào mùa đông này. (1)
Nói đến đó, cô bé gãi đầu bứt tóc một hồi mới nhớ ra:
- À... ừm... Còn xà phòng nữa!
Nữ quan Ty Tịch khen ngợi công chúa nhanh nhạy trước rồi mới chỉ ra lỗi sai của cô bé. Rằng đường không phải do Hoàng hậu khai quốc tạo ra mà đã có từ trước. Bà chỉ tìm cách để nó trắng hơn, mịn hơn, giá bán ra tốt hơn mà thôi.
- Cơ mà thưa tiên sinh, Vĩnh Xuân có chuyện này nghĩ mãi không hiểu. Vì sao ban đầu khi đức Thái Tổ Hoàng đế dấy binh tạo phúc cho muôn dân, Hoàng hậu Nguyên Thần theo chồng chinh chiến lại có thể chế ra nào thủy tinh, nào cao dưỡng da, nào xà phòng... để lấy vàng bạc nuôi quân thì được ca ngợi là hiền lương, khéo vun vén thay chồng? Thế mà sau khi đức Thái Tổ Hoàng đế lên ngôi, ngài hậu lại không thể tiếp tục việc kinh thương, Thái Tổ bệ hạ cũng xuống chiếu bảo những món đó là hàng ngự dụng cung đình, không cho dân gian lưu hành nữa ạ?
Đó là một câu hỏi ngây thơ, song lại khiến cả người được hỏi và người rình nghe mặt mày biến sắc.
Tam hoàng tử nhíu mày, vẻ không vui. Nhâm Hòa và các tùy tùng cũng đổ mồ hội lạnh thay Ty Tịch Chúc Tự. Lâu Nguyệt Dao chỉ đứng đó dõi mắt nhìn đôi học trò và tiên sinh đang tràn trề hứng thú học hỏi.
Chúc Tự đã quen với những câu hỏi dẫu biết tường tận đáp án lại khó lòng giảng giải hết thỉnh thoảng lại bật ra từ cô học trò bé thơ của mình. Nữ quan Ty Tịch cúi mình vái công chúa Vĩnh Xuân một vái, nói không dám, tỏ ý không dám nhận tôn xưng tiên sinh của cô bé. Thế rồi, thị hỏi ngược:
- Xin công chúa cho thần hỏi một câu?
- Tiên sinh cứ hỏi ạ. - Công chúa chống cằm bằng cả hai tay, ra chiều mong đợi.
- Theo công chúa, vì sao thủy tinh, cao dưỡng da, đường trắng tinh chế và xà phòng lại có thể bán được giá cao, đổi được vàng ròng bạc trắng nuôi cả ba mươi vạn quân tinh nhuệ? Trong mắt chúng ta, chẳng phải chúng chỉ những vật dùng thường ngày thôi sao?
Vĩnh Xuân ngơ ngác gật đầu. Con bé bắt đầu rơi vào trầm tư. Chúc Tự cũng không làm phiền, bèn ngồi xuống chỗ của mình, cầm bút lông chấm mực chu sa cẩn thận ghi chép những câu hỏi của Vĩnh Xuân bên lề trang sách.
- Vì chúng hiếm thấy ạ. Tiên sinh hay nói vật hiếm thì quý. Trước kia đường cát không trắng bằng, không mịn bằng đường trắng của Hoàng hậu Nguyên Thần. Thủy tinh, cao dưỡng da và xà phòng chỉ có thể mua được ở chỗ Hoàng hậu Nguyên Thần thế nên chúng quý. Hàng quý ắt phải bán được giá cao chứ a. Lát sau, công chúa hết “bí”.
- Chính thế.

Chúc Tự gật gù, bổ sung thêm.
- Thời buổi lầm than, kẻ có thể mua được những thứ quý giá nhường ấy chỉ có thể là quý nữ, quý phu nhân nhà hào phú, nhà vương công quý tộc, thậm chí là quý nhân trong cung. Trong thời gian ngắn có thể moi được món tiền to cung cấp cho cả đại quân những ba mươi vạn người, thật là công lao to lớn. Đến nỗi sĩ phu đương thời luôn nằm lòng: sĩ nông công thương cũng phải tạm bỏ qua sự khinh ghét thương nhân mà ngợi ca Hoàng hậu Nguyên Thần. Thế nhưng...
Công chúa đang nghe hăng say, thấy tiên sinh của mình rề rà kéo dài câu chuyện thì không khỏi nôn nóng. (1)
- Tiên sinh đừng e ngại. Vĩnh Xuân chờ nghe tiếp đây ạ.
Giọng điệu Chúc Tự thêm phần ngậm ngùi, thương cảm:
- Thế nhưng khi Thái Tổ Hoàng đế đăng cơ, trăm họ đã kinh qua quá nhiều can qua, đói khổ triền miên, quốc khố rỗng tuếch. Nếu vương công quý tộc mà nhất là hoàng tộc còn tiếp tục đua đòi ăn dùng xa xỉ, trăm họ cắn răng học theo thì sẽ làm gương xấu, có hại cho dân sinh. Nguyên Thần hậu cũng là bậc quốc mẫu rồi, phải làm tấm gương mẫu mực cho đàn bà, con gái noi theo, không thể đứng ra kinh thương được nữa.
- Vì sao ạ? Nếu quốc khố rỗng tuếch, chẳng phải càng cần vàng bạc bù vào hay sao? Chuyện không làm gương xấu xa hoa thì Vĩnh Xuân hiểu rồi. Cơ mà mình có thể thông thương với nước khác được mà. Vì sao lại đức Thái Tổ Hoàng đế lại không tổ chức thương đội mang hàng quý đi bán cho các nước lân cận để tạm bù vào quốc khố ạ? - Công chúa vẫn bừng bừng hứng thú.
Lâu Nguyệt Dao cảm nhận được vị trữ quân tương lai bên cạnh đang căng thẳng. Mặt mày cậu nhăn húm, bàn tay mới rồi còn nắm hờ để sau lưng đã trở nên căng chặt.
- Thông thương với nước khác không phải chuyện dễ dàng. Các nước lân cận Đại Thân chúng ta đều không thân thiện. Tuy có thiết đặt quan hệ thông thương qua lại, nhưng vẫn thường xảy ra nạn cướp bóc hàng hóa, mà đó là chuyện của đời sau này, huống chi khi ấy nước Thân mới lập, quốc lực còn yếu bề trên phải lo lắng thù trong giặc ngoài. - Chúc Tự thở dài. Bà ngẫm nghĩ cẩn thận rồi chọn thêm một lý do khác nhẹ nhàng và dễ tiếp nhận nhất để giảng giải cho Vĩnh Xuân.
- Thêm nữa là dân chúng đã biết cửa hàng, hiệu buôn của Hoàng hậu Nguyên Thần có những mặt hàng nào. Nếu họ bất kể vì lý do muốn mua đồ tốt, hay ngưỡng mộ Hoàng hậu, hoặc có ý thông qua việc mua bán hòng nịnh bợ, cầu chức tước mà đổ xô mua hàng thì hại nhiều hơn mất. Ngài hậu không nghĩ ra được hướng giải quyết, lại vì chuyện hàng giả mà đau đầu nhiều ngày, thêm nữa là khi ấy ngài đang có mang, thân thể không mạnh giỏi như trước, thế nên ngài và đức Thái Tổ Hoàng đế bàn bạc mới đưa ra quyết định trưng dụng hàng hóa thành hàng ngự dụng.
- Học trò hiểu rồi ạ. Nếu ai ai cũng mua hàng của Hoàng hậu Nguyên Thần thì thương nhân khắp nước sẽ không còn bán buôn được nữa. Thế thì lấy đâu ra tiền mà ăn mặc. Có hại cho bữa cơm nhà họ lắm.
Nữ quan Ty Tịch bật cười, xoa đầu cô bé:
- Cũng có thể hiểu là như vậy.
Thật ra chuyện không chỉ có thế.
Chú thích:
* tông thất nữ: gọi cho cho con gái của các vương công họ hàng thân thuộc của vua. Họ có thể được phong các tước cáo mệnh như: Quận chúa, Huyện chúa, Quận quân, Huyện quân,... hoặc không được phong tước. Miễn là họ có quan hệ họ hàng thân thuộc với đương kim Hoàng đế thì vẫn được coi là tông thất nữ.
Những vương tước là con của Hoàng đế được gọi là hoàng tự, tuy nhiên sau khi tân để lên ngôi, họ trở thành tông thất. Tông thất thấp hơn hoàng tự.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.