Hoàng Quý Phi

Chương 39: Lộng Ngọc hiến kế




Lễ sách phong của Từ sung viên được cử hành vào cuối năm bận rộn mà Hoàng đế Nguyên Hựu chỉ cho có ba ngày để các ty các cục chuẩn bị, chúng cung nhân đâm ra chê trách ngấm ngầm.
Trước đó, Triệu tiệp dư được tấn phong thành chiêu dung đã lấy lý do cuối năm nhiều sự vụ, bản thân mình cũng xuất thân cung nhân, thấu hiểu nỗi nhọc nhắn của chúng cung nhân mỗi dịp cần phải chỉnh lý và hoàn thành sổ sách trước ngày hai mươi nhằm tháng chạp theo lệ phong ấn*. Lại thêm nàng đang có mang, cần kiêng tránh những chuyện mệt nhọc nên xin từ lễ sách phong.
Hoàng thái phi hay tin, bèn dẫn hai phi Đoan, Trinh tới cung Dục Đức cùng thăm nom, tiện đà khuyên chiêu dung rằng:
- Phi tần triều ta từ hàng tài nhân ngũ phẩm trở lên bắt đầu được cử hành lễ sách phong. Triệu chiêu dung có công khai chi tán diệp cho hoàng thất, đáng ra càng phải làm lễ long trọng hơn mới phải. Bản cung biết chiêu dung có tấm lòng nhân hậu, khoan dung với kẻ dưới nhưng lễ không thể bỏ. Bản cung đã thương nghị chuyện này với bệ hạ, quyết định dời lễ sách phong của cô. Đợi khi hoàng tự đầy tháng hẵng cử hành luôn thể. Chiêu dung chớ từ chối nữa.
Triệu chiêu dung đành vâng theo. Chuyện được lan truyền khắp cung cấm, chúng cung nhân nghe tin đều cảm mến ân đức của chiêu dung. Có tấm gương Triệu chiêu dung trước đó, lễ sách phong của Từ Tố Chiêu vẫn cử hành đúng dịp khiến nàng bỗng chốc phải chịu tiếng xấu khắc nghiệt với người dưới.
Một ngày nọ, cung tỳ Lộng Ngọc của nội phủ xung phong nhận nhiệm vụ đưa than sang cung Trân Minh. Từ sung viên bèn đuổi hết đám cung nhân ra ngoài để tiện thử lòng Lộng Ngọc. Trong chính điện Trân Minh khi ấy còn có mặt Đào Yêu.
- Nô tỳ Lộng Ngọc bái kiến sung viên nương nương. Được nghe tiếng thơm của nương nương đã lâu, nay có vinh hạnh gặp gỡ, nô tỳ mới hay lời đồn thua xa
sự thật. Diện kiến sung viên nương nương, nô tỳ mới biết thế nào là trăng sáng trên cao, ngọc đẹp trời sinh không tỳ vết*. Thiết nghĩ chim sa cá lặn* sống lại ắt cũng chỉ đến thế này mà thôi. Người ta ví như nương nương tiên nga ở cung Quảng Hàn chẳng phải nói ngoa. - Lộng Ngọc tâng bốc Từ Tố Chiêu lên tận chín tầng mây, chỉ thiếu điều nói luôn phúc đức tám đời nhà cô ta mới có cơ may được diện kiến nàng.
Lộng Ngọc tuổi chừng đôi mươi. Diện mạo chưa đạt đến mức xinh đẹp, chỉ ở mức dễ mến. Nhìn chung, cô ta cho Từ Tố Chiêu cảm giác đó là một người khôn lanh có học thức.
Từ Tố Chiêu ngồi nghe mà lòng mát rười rượi. Nàng nhớ lại lúc mẫu thân Lương Quốc phu nhân của mình ra uy trước gia nô trong phủ, học theo bà nở nụ cười hờ hững.
- Đó chỉ là lời đồn thổi ngoài kia. Lời đồn thổi bị tam sao thất bản ắt chẳng còn đúng với sự thật.
Bẩm, lời đồn thổi cũng phải dựa trên sự thật. - Lộng Ngọc nói đến đây thì ngừng.
Lúc cần dài dòng hoa mỹ thì dài dòng hoa mỹ, thành ngữ điển tích dùng không thiếu câu nào. Lúc cần kín miệng thì một chữ cũng tuyệt không dư thừa. Từ Tổ Chiêu thấy cũng ưng bụng, bèn hỏi Lộng Ngọc đang hầu việc ở nơi nào.
Bẩm sung viên nương nương, nô tỳ hiện đang hầu việc bên ty xí thuộc cục Thượng thực ạ.
Cục Thượng thực phụ trách nấu nướng, ủ rượu, chuyên dâng cơm nước tới các cung viện. Ty xí nắm việc cung cấp lương thực và củi than cho cung nhân. Việc Lộng Ngọc dâng biểu than lần trước quả thật là chuyện nằm trong khả năng của cô ta. Từ Tố Chiêu đã tin chắc tám phần là Lộng Ngọc thật lòng muốn đầu quân cho mình.
- Đào Yêu bảo với bản cung là cô muốn tới Giáng Tiên các. Nhưng nay bản cung đã dọn sang ở điện Trân Minh, bên nội phủ cũng đã đưa tới rất nhiều người. Cô có còn muốn tới Giáng Tiên các nữa không?
Trước tiên nàng thể hiện bản thân vẫn nhớ ơn Lộng Ngọc. Sau nữa là nhắc nhở cô ta mình đã một vị thế khác xưa, không thiếu người muốn hiến sức mọn cho mình. Từ Tố Chiêu cong môi chờ xem phản ứng của Lộng Ngọc. (T)

Lộng Ngọc xem chừng sốt ruột lắm. Hai tay cô ta đan vào nhau vặn xoắn đủ kiểu. Trù trừ do dự một chốc, Lộng Ngọc bèn bò lết lại ôm chân Từ Tố Chiêu bày tỏ cõi lòng:
- Trong lòng nô tỳ có một vầng trăng sáng. Trăng sáng đi đâu, nô tỳ nguyện bám gót tới đó. Cúi xin nương nương cho nô tỳ một cơ hội.
Từ Tố Chiêu cười khinh khỉnh:
- Cho cô á? Cô thì có tài cán gì để mà giúp sức cho bản cung?
Lộng Ngọc lo sợ không thôi. Cô ta suy nghĩ một hồi lâu, tới khi Từ Tố Chiêu dần mất kiên nhẫn mới nghĩ ra một kế sách. Từ sung viên vừa nghe xong đã chau mày trách mắng:
- Cung nhân ăn lộc vua thì dốc toàn lực tuân theo lệnh vua là nghĩa vụ của chúng. Cớ gì phải thưởng thêm để tạo thông lệ xấu? Chẳng phải gần đây bệ hạ đã thưởng cho bọn chúng hai tháng lương từ việc chuyển cung của công chúa Vĩnh Xuân rồi sao? Lại còn đòi thưởng thêm nữa! Tham thì thâm đấy có biết không?
Lộng Ngọc bèn đáp:
- Của nương nương là của nương nương. Của công chúa là của công chúa. Không thể gộp chung được đâu ạ! Công chúa Vĩnh Xuân hãy còn nhỏ tuổi nên Hoàng đế bệ hạ mới lo lắng thay người. Chứ sau này người lớn lên cũng phải tự lo liệu lấy thôi. Công chúa không tự lo được thì còn có mưu thần hiến kế. Thế nên mới có lệ cho tư dinh công chúa chiêu nạp khách khanh làm gia thần đấy ạ!
Thấy Từ Tố Chiêu đã nghe lọt tai, Lộng Ngọc đảo tròn mắt, đổi phắt thái độ:
- Tự dưng nô tỳ nghĩ lại cũng thấy nương nương dạy chí phải. Phận tôi tớ hèn mạt như chúng nô tỳ ắt phải phục tùng bề trên. Sao có thể hở ra là mưu lợi cầu thưởng được? Thật là vô liêm sỉ! Không dưng lại khiến nương nương mất hứng. Nô tỳ nói năng không cẩn trọng, cúi xin nương nương đừng trách nô tỳ.
Nói rồi, Lộng Ngọc dập đầu lạy lục, tư thái hèn mọn như chính lời lẽ của cô ta.
Từ Tố Chiêu cũng đổi thái độ, tự mình nâng Lộng Ngọc nãy giờ vẫn quỳ gối thưa chuyện dậy. Nàng quả quyết:
- Không! Lời cô nói cũng có lý. Cô không ngại bị ta chê trách vẫn muốn nói lời thật lòng với ta, chứng tỏ lòng dạ cô ngay thẳng, biết khuyên ngăn chủ nhân tránh khỏi sai lầm. Vừa hay bên cạnh ta còn thiếu một mưu sĩ. Cô có muốn tới điện Trân Minh không?
Lộng Ngọc cảm động khôn xiết, tạ ơn luôn mồm. Đôi chủ tớ mới nhận nhau bày tỏ niềm tiếc hận gặp nhau quá muộn, bỏ quên mất Đào Yêu ở một bên. Đào Yêu cúi gằm mặt. Rõ là sớm nay chẳng ăn đồ cay đắng, vậy mà giờ đây lòng dạ cô lại cay đắng ngập tràn. (T)
Đào Yêu đắng lòng đến độ Từ sung viên gọi mà cũng không hay biết, phải đến khi bị Từ Tố Chiêu cấu véo mới sực tỉnh:
Dạ?

- Ta hỏi ngươi bổng lộc của ta còn được bao nhiêu? - Từ Tố Chiêu nhăn mặt ra chiều mất kiên nhẫn.
Đào Yêu bẩm ra con số, tiện đà nói luôn khoản gì cần tiêu lúc nào. Nghe chủ nhân của mình bảo cần dùng món tiền to để thưởng cho cung nhân theo kiến nghị của Lộng Ngọc, Đào Yêu hoảng hốt chối từ:
- Không được đâu thưa nương nương. Nô tỳ đã cân đo đong đếm kĩ lưỡng, giờ mà chi ra khoản ấy thì đừng nói là tiền ăn dùng tháng sau, đến lễ vật đưa đi các cung vào tết Nguyên Đán cũng bị giảm bớt. - Lễ vật biếu tết mà không đúng quy cách thì mất mặt phải biết.
Từ Tố Chiêu vẫn khăng khăng muốn dùng, còn bảo:
- Thì viết thư gửi về phủ Lương Quốc công nhờ mẫu thân hỗ trợ ta chút ít. Tổ mẫu lúc sinh tiền đã nói với ta ở nhà người khác con gái gả chồng như bát nước hắt đi, nhưng với ta thì không. Ta có Quốc công phủ hậu thuẫn, không việc gì phải khúm núm.
Lộng Ngọc đứng một bên dỏng tai nghe ngóng. Theo thông lệ, phi tần hậu cung mỗi năm chỉ được gửi về nhà ba bức thư, nội dung thư từ cũng bị kiểm soát chặt chẽ để tránh làm lộ tin tức cơ mật. Tuy cô ta cũng từng nghe nói các vị phi tần cấp cao đều có con đường truyền tin riêng nhưng chỉ là người ta nói sao mình nghe vậy chứ không biết tường tận.
Vị nương nương này nếu có bản lĩnh như thế thì sao vẫn bị Đổng mỹ nhân chèn ép?
Ngươi cứ viết đi. Ta tự có cách của ta. - Từ Tố Chiêu khoát tay ý bảo Đào Yêu cấm có được trình bày nữa.
Trước khi nàng tiến cung, phụ thân Lương Quốc công của nàng giao cho nàng một danh sách nhân mạch do phủ đệ họ Từ cài cắm trong cung. Đám người đó từng nhận ơn của nhà họ Từ, lúc cần kíp sẽ cứu nàng một mạng. Nếu không phải bọn chúng hoặc là buộc phải ẩn mình tránh bị Kim Long vệ phát giác, hoặc là giữ chức vụ chủ chốt, không tiện điều động, Từ Tố Chiêu đã bảo họ sang Giáng Tiên các hầu hạ mình rồi.
Con ả ở điện Phi Dương nhiều lần chèn ép nàng vậy mà bọn họ không chịu ra tay. Tên thủ lĩnh của nhóm người nọ còn nói là chuyện cỏn con. Tiểu thư trong nhà bị người ta hiếp đáp mà lại là chuyện cỏn con? Từ Tố Chiêu chỉ thoáng nhớ tới đã tức muốn lộn ruột rồi.
Từ Tố Chiêu vẫn còn chuyện muốn thăm dò Lộng Ngọc. Phải hít mấy hơi thật sâu, nàng mới bình tĩnh tập trung cao độ để hỏi tiếp được.
- Cô có biết chữ không? Tên của cô là do ai đặt cho hay chính cô tự lấy?
- Bẩm, nô tỳ biết chút ít chữ nghĩa, chỉ đủ dùng thôi ạ. Sau khi tiến cung, nô tỳ mới bắt đầu học vào thời gian rảnh. Tới điện Trân Minh rồi, kính mong nương nương bớt chút thời gian chỉ bảo cho. Nô tỳ xin được thụ giáo.
Hạng cung tỳ phục dịch cung đình bình thường đều phải bận bịu từ sáng sớm tới tối muộn mới được ngơi nghỉ chút ít. Có thể nói là ngày nào cũng đầu tắt mặt tối. Vậy mà Lộng Ngọc vẫn có thể để dành thời gian học chữ. Từ Tố Chiêu lấy làm ưng bụng trước lòng cầu tiến của cô ta. Nàng không khỏi nhớ tới thuở còn chưa tiến cung, mình bỏ công dạy dỗ Đào Yêu thế mà cô ta không chịu học hành. Đối sánh đôi bên với nhau, Đào Yêu càng dễ lộ ra khiếm khuyết.
* Chú ý:
- Ngọc đẹp trời sinh không tỳ vết: gốc là hai cụm "mỹ ngọc vô hà" (ngọc đẹp không tỳ vết) và "thiên sinh lệ chất" (xinh đẹp trời sinh), Mèo ghép lại rồi cân chỉnh cho dễ đọc.
- Chim sa cá lặn: Ở đây nhắc đến điển tích về hai người đẹp Tây Thi và Vương Chiêu Quân. Tương truyền Tây Thi đẹp đến nỗi khi nàng giặt giũ bên bờ sông, cá trông thấy dung nhan của nàng thì quên cả bơi, lặn xuống đáy sông (trầm ngư). Còn Vương Chiêu Quân, khi nàng được Hán Nguyên Đế cử đi hoà thân Hung Nô, ngang qua sa mạc đã đàn "Xuất tái khúc", có con chim nhạn bay qua nghe được ruột gan đứt đoạn, sa xuống đất (lạc nhạn)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.