Hoàng Quý Phi

Chương 42: Ngũ phúc lâm môn




Vĩnh Xuân hưng phấn đến nỗi đầu giờ Dần đã dậy, tự mặc áo ngoài, tự đi giày tới trước giường Lâu mỹ nhân, muốn thực hiện sáng kiến dâng thiện của mình. Lâu Nguyệt Dao khi ấy đương ngái ngủ, vừa hé mắt ra đã giật mình. Nghe nhũ mẫu Thu Nương khuyên ngăn công chúa, nghe Vĩnh Xuân trình bày lý do, nàng bèn bảo nhũ mẫu về ngủ tiếp. Phần mình, Lâu Nguyệt Dao mở góc chăn ra, bảo con bé vào nằm chung. Lời rằng:
- Bữa nay bệ hạ không phải lên triều, chắc chắn ngài sẽ tranh thủ nghỉ ngơi thêm chốc nữa. Ít nhất là phải đến giờ Mẹo mới dậy. Công chúa chớ nên quấy rây.
Vĩnh Xuân vốn định cự lại rằng: “Cha không bao giờ rời giường trễ đến thế.” Nhưng thấy vành mắt Lâu mỹ nhân thâm quầng, con bé im đi không nói nữa. Công chúa tự tháo giày, lủi vào ổ chăn ấm, vòng tay ôm Lâu Nguyệt Dao.
Nàng cũng trở tay ấp con bé vào lòng. Hơi ấm của con trẻ đưa Lâu Nguyệt Dao vào giấc. Rõ là nàng đã tập thành thói quen dậy sớm để tiễn quân vương lên triều, thế mà giấc ngủ này lại kéo dài tới tận khi Nhâm Hòa vào gọi mới mơ màng sực tỉnh.
Chuẩn bị xong, Lâu Nguyệt Dao tự tay buộc dải dây thắt chiếc áo tay lửng màu đỏ đào công chúa khoác ngoài, đoạn, dặn dò nhũ mẫu Lâm Thu Nương và Thu Lê và đoàn tùy tùng chăm sóc công chúa cẩn thận. Vĩnh Xuân tung tăng ra tới Phồn Dương môn, bỗng chốc trở gót. Thấy con bé quay lại, Lâu Nguyệt Dao đang tính hỏi công chúa quên gì, thì đã nghe Vĩnh Xuân nói:
- Trước đây con đến điện Bàn Long, cha thường hay giữ con lại dùng thiện. Nhưng bữa nay thế nào còn chưa biết. Đến khoảng giữa giờ Tỵ mà Vĩnh Xuân chưa về thì các nương nương hãy cứ dùng bữa trước, đừng đợi con.
Khi ấy sắc xuân đương nồng, hoa đào trong cung đương độ thắm sắc. Có lẽ những thứ hoa cỏ khác cũng có đất diễn trong đại nội, song nổi bật nhất vẫn là hoa đào. Tán hoa hồng phớt rợp trời nghênh đón gió nhẹ. Hoa trên cành đã nhiều, bông rơi rụng càng nhiều hơn. Đâu đó lại bắt gặp vài ba cung nhân lia chổi quét hoa vun vào một góc để tránh ngáng đường bề trên.
Hoàng đế cũng được không khí dễ chịu của mùa xuân vuốt phẳng tâm tình khó ở. Nghe tin con gái cưng đến thăm, ngài vui mừng bảo Lã Xuân Ẩn dẫn công chúa Vĩnh Xuân vào.
Tính theo tuổi mụ, năm nay công chúa được tám tuổi, Hoàng đế đã bắt đầu tránh chung đụng gần gũi với con bé. Ngài không còn ôm công chúa lên ngai ngự ngồi chung với mình mà im lặng nhìn Lã Xuân Ẩn tự tay kê thêm một chiếc đôn ở gần ngự án cho Vĩnh Xuân ngồi. Công chúa vén váy ngồi lên ghế, chỉnh lại tà váy, hai tay nắm hờ đặt lên cặp đùi song song, xong đâu đấy mới nhoẻn miệng cười với y
- Cám ơn Xuân Ẩn.
Lã Xuân Ẩn cúi mình bảo không dám. Miệng nói thế chứ cõi lòng y đang ngập tràn vui sướng. Lã Xuân Ẩn vẫn nhớ như in cái lần công chúa Vĩnh Xuân buộc miệng gọi y Ẩn thúc là vào năm Nguyên Hựu thứ ba, khi ấy hoa đào cũng bay múa đầy trời như bây giờ.
Công chúa và y hớn hở cười, duy chỉ có Hoàng đế bệ hạ là híp mắt nhìn cả hai. Lã Xuân Ẩn sực nhớ ra thân phận cách biệt. Y cay đắng nhận ra dù quả thật y chứng kiến các hoàng tử, công chúa lớn lên từng ngày thì với thân phận của mình, sự ưu ái của bọn họ dành cho y có lẽ là mầm tai vạ. Đã biết vậy cớ sao còn dám nhận? (2)

Lã Xuân Ẩn bảo công chúa Vĩnh Xuân rằng chỉ có thân vương tông thất mới xứng được nhận tôn xưng hoàng thúc của công chúa, xin công chúa ngày sau hãy gọi thẳng tên mình. Có lẽ công chúa cũng ý thức được mình đã làm khó y, từ đó về sau người luôn gọi y là Xuân Ẩn.
Vĩnh Xuân nhìn Hoàng đế ngồi lọt thỏm giữa đống tấu chương cao ngất, ngán ngẩm cảm thán:
- Ngày nghỉ mà cha vẫn không được nghỉ ạ?
- Chúng đều là những sự vụ khẩn cấp quan trọng. Cha nghỉ thì mai sau chúng sẽ làm phiền các con.
Công chúa e dè rụt cổ. Con bé không hiểu hết hàm ý trong lời Hoàng đế, nhưng bài vở của các tiên sinh giao cho đã đủ khiến Vĩnh Xuân hãi hùng chứ đừng nói là chồng chồng tấu chương cao quá đầu người trên ngự án của cha mình.
- Không sao đâu. Con cứ nói, cha vừa nghe vừa xử lý sự vụ. Cứ như trước đây ấy. - Hoàng đế dời mắt khỏi cuốn biểu tấu ghi chép công trạng của chúng tướng sĩ do tướng quân Định Viễn - Lương Quốc công dâng lên, cười với Vĩnh Xuân.
Tướng quân Định Viễn dẫn đầu năm vạn kị binh tới biên cảnh phía Bắc vào dịp cuối năm hội họp với mười vạn bộ binh của các tướng thủ thành gần đó. Binh sĩ ăn tết ở nơi quan san đã chẳng phải chuyện hiếm thấy. Tin chiến thắng không ngừng truyền tới tại thánh.
Ba quân dũng mãnh, can trường. Quân ở biên cảnh nước Lưu mượn cớ gây hấn bị đánh tan tác. Tướng quân nước Lưu bị bêu đầu thị chúng. Tới nay, Lương Quốc công khải hoàn về triều dâng tấu biểu ghi chép công trạng. Hoàng đế mừng rỡ khao thưởng ba quân, cho bày yến tiệc tẩy trần thết đãi chúng tướng sĩ. Trong số đông đảo phi tần, một mình Từ sung viên được tham dự. Lương Quốc công và các huynh đệ của sung viên cảm động, thề thốt trung quân ái quốc. Uy vọng của Từ sung viên trong hậu cung dâng cao. Cả Đoan phi và Trinh phi trong thời gian này cũng phải cả nể.
Công chúa Vĩnh Xuân hồ hởi nhờ nhũ mẫu Lâm Thu Nương bưng hộp thức ăn vào dâng Hoàng đế. Đám cung nhân ngự tiền cũng mau mắn dời tới một chiếc án gỗ hoàng hoa lê để đặt thiện, tránh để các món ăn làm dây bẩn số sách trên ngự án. Công chúa tự báo tên các món ăn, rất tự hào kể công mình và các nương nương cung Phồn Dương.
Trong số năm món thịnh soạn, rực rỡ sắc hương Vĩnh Xuân dâng lên, bỗng chốc tòi ra một đĩa bánh chiên trông không ăn khớp, Hoàng đế hơi bất ngờ, mỉm cười nhìn công chúa, ý hỏi đây là gì. Công chúa đạt được ý đồ, sướng rơn kể lể:
- Đây là món ăn làm từ năm loại rau củ có năm vị chủ đạo; lần lượt là chua, cay, mặn, ngọt, đắng; trộn với bột mì; trứng và chút thịt băm; chiên trong dầu hạt cải do Tôn nương nương cải tiến dựa trên món ăn ở quê nhà. Liễu nương nương nói con ban cho nó một cái tên. Con gái muốn nhờ cha đánh giá xem cái tên Ngũ phúc lâm môn đã hợp với nó hay chưa?
-

Hoàng đế cũng nể tình, bàn luận:
- Thiên “Hồng phạm” của Kinh Thư nói năm điều phúc đức của thế nhân không
gì ngoài: trường thọ, phú quý, khang ninh, đức hạnh, đông con cháu. Hoa văn ngũ phúc phủng thọ cũng mang ý nghĩa tương tự. Con đặt cái tên này ý nghĩa lắm. Nương nương của con có khen con không?
Từ sau khi chuyển tới sống ở cung Phồn Dương, công chúa Vĩnh Xuân thỉnh thoảng lại lui tới điện Bàn Long vấn an Hoàng đế, dâng những thứ mình tự tay làm, hoặc chí ít là có nhúng tay làm dựa trên sự hỗ trợ những người dưỡng mẫu. Thân Long Chương đã có thể phân biệt được khi công chúa nói nương nương hay nương nương của con tức là Lâu mỹ nhân, khác với những phi tần khác mà con bé gọi cả họ.
Quả nhiên, công chúa Vĩnh Xuân hớn hở đáp:
- Có ạ! Nương nương cũng khen con như cha khen vậy đó!
Thân Long Chương đã quen ăn toàn sơn hào hải vị. Tất nhiên những món này chưa hẳn đã xuất sắc nhất, nhưng qua tay công chúa, chúng có ý nghĩa khác biệt. Hoàng đế không để thừa đồ ăn, giữa chừng lại hỏi Vĩnh Xuân thích món nào nhất. Công chúa đáp ngay:
- Bánh mã đề thủy tinh ạ. Nhâm Hòa tỷ tỷ làm món này ngon lắm. Cha xem nè, món này tự tay con làm hết đó, Nhâm Hòa tỷ tỷ chỉ đứng bên chỉ thôi à.
Nghe thế, Lã Xuân Ẩn nghển cổ nhìn sang. Thấy hình thù méo mó của thức bánh trong suốt ấy, y cúi mặt mím môi cố kìm tiếng cười sắp bật ra khỏi cổ họng. Hoàng đế thì tinh tế hơn, ngài nếm thử, rồi cũng khen như bao người thân phụ khen tấm tắc món đồ thêu đầu tay xấu mù từ tay đứa con gái mình cưng chiều:
- Hình dáng không bắt mắt lắm nhưng vị rất ngon. Mềm dai, trơn mát, không bị ngọt gắt.
Công chúa càng hớn hở hơn nữa:
- Thật ạ! Con cũng thấy món này ngon. Nương nương của con nói nam tử hiếm có người hảo ngọt, bảo con gia giảm lượng đường. Thật không ngờ nương nương nói trúng phóc!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.