Hoàng Quý Phi

Chương 43: Phương thức nuôi dạy công chúa




- Nương nương của con còn nói gì nữa? - Hoàng đế Nguyên Hựu ngậm cười hỏi công chúa Vĩnh Xuân.
Công chúa lần lượt kể mấy chuyện Lâu Nguyệt Dao dạy cho con bé hay. Tỷ như chua cay mặn ngọt đắng là năm vị của cuộc đời. Lấy năm thức rau củ đủ ngũ vị làm món ăn như là tái hiện cuộc đời vậy. Hay tỷ như chuyện con bé ngẫm nghĩ mãi vẫn chưa ra nên đặt tên món ăn như thế nào, nương nương cố tình để trang ghi chép hoa văn ngũ phúc phủng thọ trong cuốn danh mục do bên ty y của cục Thượng phục dâng lên cho ba vị phi tần cung Phồn Dương chọn đồ án may cung trang mùa hè trước mặt Vĩnh Xuân. Con bé biết tổng nương nương đang gợi ý cho mình đó.
Hoàng đế bèn hỏi:
- Thế con có tặng món nào cho các hoàng huynh của con không?
- Có ạ! Con gửi hai đĩa bánh mã đề thủy tinh tới Hoàng tử sở mời nhị hoàng huynh và ca ca nếm thử.
Thân Long Chương gật gù ra chiều hài lòng. Thế rồi, ngài hỏi:
-
Nghi Ninh thì sao?
Nét hớn hở trên mặt Vĩnh Xuân đông cứng trong nháy chốc. Con bé cười sượng sùng:
- Cung Phồn Dương và cung Gia Tường khá gần nên con định mang sang. Nhưng giữa đường gặp được Trinh nương nương, con nôn nóng tới vấn an cha nên nhờ Trinh nương nương đưa cho hoàng muội Nghi Ninh.
Hoàng đế nhướng mày:
- Gần đây có chuyện gì không hài lòng sao?
Công chúa Vĩnh Xuân lắc đầu nguầy nguậy. Như để chứng tỏ gần đây mọi chuyện xảy đến với mình đều hanh thông, con bé kể cho Hoàng đế nghe ba nàng phi tần cung Phồn Dương săn sóc mình chu đáo ra sao.
Dạo này Tôn quý nhân và Liễu mỹ nhân khai khẩn được mấy vuông đất để trồng rau. Ngoại trừ làm bài tập, công chúa Vĩnh Xuân còn phải rèn luyện thân thể thông qua việc tưới rau vào lúc trời xế bóng.
Hoàng đế đã từng nghe Lâu Nguyệt Dao tâu chuyện này với mình. Dẫu tin chắc ba nàng phi tần cung Phồn Dương sẽ biết cân nhắc nặng nhẹ, song, Hoàng đế vẫn không khỏi lo lắng:
- Mỗi mình con xách thùng nước thôi sao? Không ai giúp con à? Có nổi không? Đường đi có xa lắm không?
Công chúa bật cười. Nét ủ dột bay biến mất tăm. Con bé trả lời từng câu một.
- Mình con ạ. Nương nương không cho ai giúp, nhưng nương nương, Tôn nương nương và Liễu nương nương cùng đứng trông. Nương nương dặn cung nhân làm riêng cho con cái thùng nước nhỏ lắm. Cỡ chừng này thôi ạ. - Vĩnh

Xuân khoa tay múa chân áng chừng cái thùng nước.
Theo Hoàng đế thấy thì đúng là nhỏ thật. Sau khi sự vụ tế lễ đầu năm kết thúc, ngài lại quay cuồng trong mớ tấu chương phúc đáp tình hình cứu tế các vùng chịu thiên tai giá rét, mãi đến tháng trọng xuân mới bước chân vào hậu cung ban phát ân sủng. Hoàng đế thường đến tòa điện các của phi tần vào giờ Hợi - khi ấy công chúa Vĩnh Xuân đã ngủ rồi, trời lại tối nên ngài chưa thấy được thành quả của công cuộc trồng trọt cung Phồn Dương trông ra làm sao.
- Chum nước với vườn rau cũng gần. Chắc là ừm... khoảng từ chỗ con tới chỗ nhũ mẫu và Thu Lê đang đứng. - Con bé tiếp lời.
Nhũ mẫu Lâm Thu Nương và Thu Lê đứng dưới bậc thềm, gần lư hương chạm Toan Nghê* đặt ngay chính giữa nội điện. Khoảng cách đúng là không xa mấy. Hoàng đế gật gù. Bút lông sói trong tay ngài nhoay nhoáy vài dòng chữ phúc đáp lên tấu biểu.
-
- Dạo này chuyện bài vở của con ra sao rồi? Hôm nào mang sang đây cho cha xem thử.
Công chúa đâm ra hốt hoảng. Nếu có thể gãi đầu bứt tai, dám chắc con bé đã gãi rồi, nhưng Lâu Nguyệt Dao đã cấm cản, bảo đó là hành vi bất nhã, ngứa quá không chịu nổi thì kiếm chỗ nào vắng người hẵng làm. Vĩnh Xuân muốn gãi đầu không phải vì ngứa mà vì con bé bị “bí”, cần kiếm lý do để lấp liếm cho đống bài vở chất chồng của mình.
Thình lình, linh cảm xuất hiện. Công chúa đảo tròn mắt, cười tủm tỉm:
- Cũng khá ạ! Dạo này con đang luyện chữ với nương nương. Nương nương viết chữ Trâm Hoa Tiểu Khải đẹp lắm lắm! Tôn nương nương và Liễu nương nương cũng đang học chữ. Hình như trước đó Tôn nương nương đã được học vỡ lòng nên nhận mặt chữ khá nhanh, tới nay chữ viết của Tôn nương nương đã khá ngay ngắn rồi. Còn Liễu nương nương thì mới học đâu chừng ba, bốn tháng.
Hoàng đế biết tỏng Vĩnh Xuân khơi ra chuyện này là để đánh trống lảng. Ngài không vạch trần con bé, với cả, ngài cũng ngạc nhiên. (2)
- Sao hai nàng ấy đột nhiên nghĩ đến chuyện học chữ?
- Do nương nương hỏi đó ạ. Nương nương hỏi là nếu thấy buồn chán thì ngoại trừ trồng rau ra, Tôn nương nương và Liễu nương nương có còn muốn học vài ngón tài nghệ khác không? Hình như Tôn nương nương nói là muốn tiếp tục học chữ trước. Liễu nương nương hỏi học chữ có hay ho không, sau đó nương nương trả lời như thế nào thì con chẳng nhớ rõ, chuyện qua kha khá lâu rồi. Con chỉ nhớ mang máng là nương nương bảo “đối đáp” đó. A, hình như có nhắc đến cha. Liễu nương nương nghe rồi cũng chú tâm học hành lắm.
Thông qua đôi ba lời kể của công chúa Vĩnh Xuân, Hoàng đế đã hiểu ra
chuyện Lâu Nguyệt Dao đề cập đến là gì. Đại khái là biết chút chữ nghĩa để khi đấng chí tôn hỏi ít ra có thể đối đáp được dăm ba câu. Trai gái cùng nhau
ngâm vịnh dễ tăng tiến tình cảm.
Không kể đến chuyện phong nguyệt*, một người nam tử khi biết người con gái khổ công luyện tập chỉ vì có thể trò chuyện với mình thêm đôi ba lời ắt sẽ rất cảm động. Hoàng đế cũng không ngoại lệ. Dù giữa hai người họ chưa hẳn đã là tình ái đúng nghĩa, ngài vẫn cảm thấy lòng tự tôn của mình được thỏa mãn.
Quả thực, dạo gần đây Hoàng đế ghé thăm cung Phồn Dương cũng thấy hai nàng Tôn, Liễu nói năng có kĩ xảo hơn hẳn, thỉnh thoảng chêm xen vài câu thành ngữ, điển tích điển cố mà vẫn giữ được nét hồn nhiên, chân chất của con gái thường dân. Chung quanh ngài hầu như ai cũng thi thư đầy bụng nên ngài không mấy để tâm. Nay nghe công chúa Vĩnh Xuân nhắc tới, Hoàng đế mới vỡ lẽ. Ngài không khỏi nhớ tới một câu mà Lâu mỹ nhân thỉnh thoảng lại nói bên tai mình: “Tình cảm phải do đôi bên cùng vun đắp mới sâu đậm được.”
- Cơ mà cha ơi, trước khi vào giai đoạn dạy chữ, nương nương có rào trước với con là nữ tử trên thế gian không phải ai cũng có điều kiện học hành. Có người còn chẳng được ăn no, phải ngủ trong miếu hoang, khoác manh áo và chẳng vá đụp. Âu cũng do hoàn cảnh đưa đẩy. Nương nương dặn con chớ chê trách Tôn nương nương và Liễu nương nương, có thời gian rảnh hãy chỉ bảo cho hai vị nương nương đôi điều, coi như là báo đáp công ơn của họ. Chuyện này con nhớ kĩ lắm. Tại vì sau đó con có hỏi nhũ mẫu và Thu Lê tỷ tỷ, hai người họ đều bảo nương nương nói phải. Mình có cách gì để giúp những người nữ nhân không có điều kiện được ăn học tới nơi tới chốn không cha?

Đây là một vấn đề rất khó nói, không chỉ liên quan tới dân sinh mà còn dính dáng đến chính trị. Sắc mặt Hoàng đế rất đỗi phức tạp. Chốc sau, ngài ôm con gái vào lòng, vỗ vỗ lưng con bé rồi thả ra ngay, cảm khái:
-
Nàng nuôi dạy con tốt lắm. Mắt nhìn người của cha con ta không trật đi đâu được. Vĩnh Xuân của cha biết quan tâm đến dân sinh. Tốt, tốt lắm!
Hoàng đế cho ra một câu trả lời lập lờ nước đôi:
- Cung đình trọng dụng nữ quan, chính vì lẽ đó. Có lẽ không thể giúp ích cho toàn thể nữ tử trên thế gian, nhưng có thể cho họ một tấm gương để cố gắng tiến tới. Mai sau con rời cung lập phủ công chúa cũng có thể tạo cho họ công việc nuôi sống bản thân.
Kế đó, Hoàng đế Nguyên Hựu hỏi công chúa Vĩnh Xuân thêm vài vấn đề nữa. Thế rồi, ngài bảo Lã Xuân Ẩn đưa công chúa ra vườn ngắm hoa, nghỉ chơi ít lâu rồi ở lại điện Bàn Long dùng ngọ thiện. Lời rằng:
- An vương thúc của con vừa dâng biếu cha mấy cây Thùy ti hải đường. Cha ngắm thấy cũng nịnh mắt. Đám cung nhân trồng ở góc phía tây trong vườn. Con ra ngắm đi.
An vương thúc tức là An vương - Hoàng đế lên ngôi đã phong cho Hoàng thái tử đời Thế Tông tước vương. Công chúa Vĩnh Xuân không hề nghi ngờ, hớn hở đi theo Lã Xuân Ẩn ra vườn ngắm hoa cùng với đoàn tùy tùng theo hầu.
Nhũ mẫu Lâm Thu Nương và Thu Lê ngầm hiểu thánh ý, cùng ở lại cho Hoàng để hỏi chuyện. Sau khi độc Tiên Ngộ bị phát giác, cung nhân bên cạnh công chúa bị đổi mấy lượt. Giữa đám cung nhân đến rồi đi nhanh tới mức chẳng kịp nhẵn mặt ấy, nhũ mẫu và Thu Lê còn có thể trụ lại, chắc chắn phải có chỗ hơn người của họ.
- Ban nãy trên đường Vĩnh Xuân tới đây đã xảy ra chuyện gì sao?
Dưới áp lực của đấng chí tôn, cả hai cùng sụp lạy trên sàn điện lát gạch ngọc, đến thở cũng chẳng dám thở mạnh. Lâm Thu Nương mở lời trước.
- Tâu, quả thật ban nãy trên đường tới cung Gia Tường, công chúa gặp Trinh phi nương nương. Khi ấy, cũng không còn sớm nữa nên công chúa gửi gắm hộp bánh cho Trinh phi nương nương, nhờ nương nương đưa cho công chúa Nghi Ninh. Nhưng mà....
Trán thị rịn mồ hôi, vội liếc sang Thu Lê quỳ bên cạnh mình. Mặt Thu Lê trắng bệch. Cô tiếp lời, trong giọng nói tràn ngập bất bình.
- Công chúa để quên đồ ở cung Phồn Dương. Nô tỳ về lấy, giữa đường gặp cung tỳ Lý Nhan của Trinh phi nương nương vứt một gói đồ gì đó đi. Nô tỳ sinh nghi, đợi khi Lý Nhan đi rồi mới lại xem thử cô ta vứt thứ gì. Hóa ra lại là bánh mà công chúa đem tặng công chúa Nghi Ninh.
* Chú thích:
* Toan Nghê: Ở đây dùng với thân phận là một trong chín đứa con của rồng. Toan Nghê thường được chạm khắc trên lư hương. Việt Nam có một linh vật tên là Nghê (hoặc Toan Nghê) nhưng đặc trưng về ngoại hình rất riêng, mang ý nghĩa khác biệt so với con Toan Nghê trong văn hoá Trung Hoa. Nghê Việt Nam là hàng bản địa của Việt Nam.
* Chuyện phong nguyệt: ở đây dùng với nghĩa chuyện yêu đương trai gái
* Gà mái báo sáng: chú thích đầy đủ trong chương 35: Gửi gắm

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.