Hoàng đế híp mắt.
- Hai ngươi tới cung Phồn Dương bao lâu rồi? - Ngài hỏi vậy, nhưng ý không nằm trong lời.
Nhũ mẫu Lâm Thu Nương phản ứng trước tiên. Thị phủ phục trên sàn điện, khăng khăng một mực:
- Nô tỳ là cung nhân của công chúa, chỉ trung thành với bệ hạ và công chúa, tuyệt không hai lòng.
Theo sau đó, Thu Lê cũng bày tỏ lòng trung thành.
- Tôi trung không thờ hai chúa. Xin bệ hạ khoan thứ cho tội đại bất kính. Bệ hạ là đấng chí tôn nắm quyền sinh sát tối cao. Lâu nương nương tuy là dưỡng mẫu của công chúa, nhưng nói cho cùng cũng chỉ là một phi tần hậu cung. Chúng nô tỳ trung thành với bệ hạ chẳng nhẽ lại không hơn được trung thành với Lâu mỹ nhân hay sao?
Cô ta đập đầu bộp bộp lên đôi tay áp sát sàn điện, tránh để lại dấu vết khiến công chúa Vĩnh Xuân sinh nghi. Khi Hoàng đế giơ tay ý bảo ngừng, trán cô ta chỉ đỏ lên chứ không tứa máu. Rõ ràng Thân Long Chương đã tin lời biện minh của Thu Lê đôi ba phần. Ngài thờ ở buông câu hỏi:
- Vậy tức là hai ngươi đang tố giác Trinh phi bằng mặt không bằng lòng với trẫm?
Nhũ mẫu và Thu Lê đến trao đổi ánh mắt với nhau còn chẳng dám. Hai người họ đều biết không thể qua mặt được người nam nhân tôn quý nhất thiên hạ đang ngồi trên ngai ngự đằng kia. Lâm Thu Nương lớn tuổi hơn, bèn ra mặt.
- Tâu, chúng nô tỳ chỉ đang khai sự thật chứ không dám có ý đó. Theo lệ xưa, công chúa chỉ phải quỳ bái Hoàng hậu. Song, dựa trên vai vế trong hoàng gia, Trinh phi nương nương dù sao cũng là trưởng bối của công chúa. Chẳng may nương nương gây bất lợi cho công chúa, chúng nô tỳ thề sẽ liều chết bảo vệ. Nhưng hai cái mạng quèn của chúng nô tỳ e rằng không thể câu kéo cho tới khi bệ hạ đến cứu nguy được. Xin bệ hạ nghĩ cách để Trinh phi nương nương không thể làm khó công chúa nữa.
Nhũ mẫu là một trong số ít cung nhân biết được chuyện trên gối đầu và trong vài vật dụng yêu thích của Vĩnh Xuân có nhỏ độc Tiên Ngộ. Thị không biết chắc chắn liệu Trinh phi có phải chủ mưu hay không - do Hoàng đế không để tin tức cơ mật được truyền ra - nhưng chuyện nàng ta có dính líu đã rõ mười mươi, lại thêm lời bóng gió của Lâu Nguyệt Dao khiến thị vỡ lẽ Trinh phi nương nương chẳng phải người hiền lành như cái cách nàng ta luôn thể hiện.
- Không dám có ý đó? Tức là nếu đổi cho các ngươi lá gan to hơn, các ngươi sẽ dám có ý đó.
Hoàng đế nói thì nói thế, song từ chân mày giãn ra rồi đột ngột cau chặt lại của ngài, Lâm Thu Nương biết ngài đã tin bọn họ trung thành một mực và đang nhớ lại sai lầm của Trinh phi. Mà lời ngài thốt ra sau đó đã phần nào chứng thực suy nghĩ của thị.
- Ngày sau các ngươi phải hạn chế để Vĩnh Xuân tiếp xúc với cung Gia Tường. Trẫm sẽ căn dặn con bé. Được rồi, hai ngươi ra vườn đi, chớ để công chúa đợi lâu.
Nhũ mẫu và Thu Lê cùng cáo lui. Có hai người họ theo hầu công chúa Vĩnh Xuân, Lã Xuân Ẩn bèn cáo lỗi với công chúa rồi về lại nội điện hầu bút mực cho Hoàng đế.
Tâm tình của Hoàng đế không bị chuyện vừa rồi làm cho mất vui. Đối với ngài, người có công đương nhiên phải được thưởng. Người có tội, nhưng xét thấy còn có chỗ để khoan thứ, Hoàng sẽ tạm im lặng để xem xét biểu hiện của người đó, nếu còn tái phạm hoặc phạm phải những lỗi khác nữa, ngài sẽ gộp lại trách phạt luôn thể. (1
Dĩ nhiên, người có công ở đây là ba nàng phi tần cung Phồn Dương, mà công đầu là Lâu Nguyệt Dao. Hoàng để tính tự nghĩ phong hiệu cho nàng. Còn hai người Tôn quý nhân và Liễu mỹ nhân thì đợi đến lần tấn phong tiếp theo, ngài sẽ bảo bộ Lễ dâng phong hiệu, rồi chọn ra hai chữ tốt.
Ở những triều vua khác, có lẽ đặt phong hiệu cho phi tần là một chuyện rất phổ biến. Song, đối với Hoàng đế Nguyên Hựu, phong hiệu ngoại trừ ý nghĩa là phần thưởng cho thêm phần thù vinh ra thì cũng chỉ dùng để phân biệt người với người giữa các phi tần đồng cấp. Về sau thì dùng họ cũng được, không nhất thiết phải có, dù sao các phi tần của ngài cũng không ai đồng cấp mà lại trùng cả họ.
Có câu: “Vật hiếm thì quý.” Cho tới nay, trong hậu cung của Hoàng đế Nguyên Hựu, duy chỉ hai vị phi nhị phẩm có phong hiệu. Đoan, Trinh đều là những mỹ tự mang ý nghĩa tốt lành cả.
Hoàng đế đột nhiên nảy ra ý định ban mỹ hiệu cho Lâu Nguyệt Dao từ những công lao hầu cận bề trên kính cẩn và nuôi dạy hoàng tự hết lòng của nàng. Ngài lấy riêng một tờ giấy Tuyên, thấy nghiên mực đã cạn bèn bảo Lã Xuân Ẩn mài mực. Phần mình, cho rằng thầy dạy của công chúa cũng nên được thưởng, Hoàng để thuận miệng hỏi:
- Trong các nữ quan chủ quản lục cục có ai sắp đến tuổi nghỉ hưu không?
Triều đình sẽ vời lui những nữ quan già yếu, mắt mờ lưng còng hoặc sức khỏe sút kém khó lòng phụng sự cho hoàng gia. Tùy theo công trạng lúc nhậm chức và sự yêu thích của bề trên, ngoại trừ ngân lượng, châu báu theo lệ thưởng thường thấy; có vị sẽ được ban cả tôi tớ, ruộng tốt, thậm chí là phủ trạch.
- Tâu, Đậu Thượng cung hai năm nữa là tròn ngũ tuần rồi đấy ạ. - Lã Xuân Ẩn hiểu ra ngay Hoàng đế có ý phong thưởng cho các thầy dạy của công chúa Vĩnh Xuân, nhất là Ty Tịch Chúc Tự. Bởi vì công chúa thường xuyên nhắc đến thị, với cả, lần trước tam điện hạ đến vấn an cung Phồn Dương khi trở về đã khen ngợi Chúc Tự trước mặt bệ hạ.
Đỗ Phủ có câu: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” Đời người sống đến bảy mươi năm xưa nay hiếm thấy. Nữ giới đương thời năm mươi xuân đã được xếp vào hàng cao niên rồi.
Hoàng đế không nói nữa. Ngài chấm bút lang hào vào nghiên Đoan cho thấm mực, đoạn, phác lên giấy Tuyên một chữ theo lối Hành thư* phóng khoáng. Đợi mực nước khô, Lã Xuân Ẩn nghển cổ ngó sang, thấy trên giấy viết chữ Lương. Đó là chữ Lương bộ nhân, mang nghĩa thiện, tốt, hoàn mỹ.
Biết ngoại trừ phê duyệt tấu chương hay đàm luận thơ từ với chúng văn thần, Hoàng đế không đời nào tự dưng viết chữ khơi khơi được; Lã Xuân Ẩn suy tư một hồi. Y bỗng dưng đoán ra được ý định của thánh thượng.
Lã Xuân Ẩn từng chắc mẩm rằng sẽ trả đũa Lâu mỹ nhân vì nàng ta dám bóng gió uy hiếp y, mượn tay y đưa tin tới tại thánh. Nay thời cơ đã chín muồi, đời nào y chịu bỏ qua.
Thế là, y cười nịnh:
- Theo thần thấy Lâu mỹ nhân làm dưỡng mẫu của công chúa rất tận tâm. Săn sóc, dạy dỗ không việc nào là không hết lòng hết dạ.
Ngó chừng long nhan hiện lên đôi phần ngờ vực rồi kịp, nét cười trên mặt y đậm hơn. Y bơm đều cú chót:
- Thiết nghĩ cũng nên được thưởng ạ.
Quả nhiên, Hoàng đế liếc Lã Xuân Ẩn, cười cười.
- Sao? Ngươi ăn không ít của biếu của nàng ấy đâu nhỉ
Thân Long Chương đặt tờ giấy viết chữ Lương sang một góc khuất tầm tay, tiếp tục giở tấu chương ra xem. Ngoại trừ nụ cười hờ hững ấy ra, Hoàng đế trông không có vẻ gì khác thường. Tuy nhiên, sóng cả đang cuồn cuộn trong lòng ngài mỗi lúc một dữ dội thêm.
Không phải tự nhiên mà một quân vương lại kiêng kị chuyện phi tần và cung nhân ngự tiền qua lại mật thiết. Nếu tiền căn chỉ dừng ở chuyện hậu cung tranh sủng thì không đáng để bận tâm. Vào đời ông của Hoàng đế Nguyên Hựu tức đời vua thứ ba của triều Thân có miếu hiệu là Chân Tông, nước Lưu ở phía Đông phái mật thám trà trộn vào cung đình Đại Thân*. Hoàng đế Chân Tông suýt chút nữa đã chết trên giường cung phi. Tất nhiên, mật thám không chỉ có một người. Hậu cung có, ngự tiền cũng không ngoại lệ. Chuyện đã qua cách đây rất lâu, dễ phải hơn trăm năm.
Những tưởng cung cấm đã bình yên hơn một chút thì lại xảy ra vụ việc Thôi thứ dân tư thông với thái giám. Tay thái giám đó không ai khác ngoài Chưởng sự thái giám điện Bàn Long - người tiền nhiệm* của Lã Xuân Ẩn. Về phẩm trật, Chức Chưởng sự thái giám điện Bàn Long thấp hơn chức Cung Chính đứng đầu ty Cung Chính nửa cấp, song lại hơn ở chỗ thái giám giữ chức này là người thân cận với đế vương. Cả hai thái giám này đều là người tâm phúc của đế vương, được đế vương ưu ái cho phép xưng thần chứ không tự xưng nô tài.
Lão Vương Bàn Phúc đó vốn đã hầu hạ thánh giá từ đời tiên đế Thế Tông, từng qua lại, giúp đỡ Thân Long Chương đôi ba lần nên khi Hoàng đế Nguyên Hựu lên nối ngôi vẫn tin dùng lão ta. Ngài tính chờ lão đủ tuổi cáo lão mới vời lui chứ không thay máu ngay lập tức.
Vậy mà, Vương Bàn Phúc lại cả gan cắm lên đầu ngài một cặp sừng to tướng. Lúc bị bắt tại trận, lão ta vẫn đang cầm trong một món đồ có hình dạng giống ngọc hành* của nam tử, miệng buông toàn lời ô uế.
-
-
Hoàng đế bừng tỉnh từ trong dòng kí ức nhục nhã, ngó sang Lã Xuân Ẩn đang liên tục tát vào miệng mình. Tiếng bạt tai mang theo cả tiếng gió, thoáng nghe đã biết dùng sức lớn cỡ nào. Mồm y sưng vù, song, vẫn không quên xin tha. Âm thanh tràn ra hơi biến điệu.
- Thần dám tự tiện bàn luận chuyện nhà của bệ hạ.
- Thần dám tự tiện vượt mặt bệ hạ.
- Thần đáng chết!
Được rồi! - Hoàng đế lên tiếng.
- Ngươi là cung nhân ngự tiền, phải chuyện nào nên nói chuyện nào không nên. Đi bôi thuốc đi.
Chuyện ban phong hiệu cứ thế mà bị lãng quên.
Chú thích:
* Hành thư: một phong cách viết chữ Hán, vừa đơn giản vừa không ngoáy đến mức khó đọc như Thảo thư
* Phong hiệu Lương - thiện, tốt, hoàn mỹ - dùng phần giải nghĩa của web Thi viện.
* người tiền nhiệm: người nhậm chức trước đó. Chức Cung Chính đứng đầu ty Cung Chính - chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của lục cục - do một thái giám đảm nhiệm (từng được chú thích ở chương 23: Kẻ xướng người họa). Cũng trong chương 23 có nhắc tới phòng Thẩm Hình tra khảo cung nhân. Các bạn có thể tưởng tượng được quyền lực của Cung Chính rất lớn. Nếu muốn nghiêm hình bức cung ép cung nhân phải chịu nhận tội mà mình không làm, Cung Chính có khả năng làm được. Chính vì quyền lực của chức này lớn như thế, Hoàng đế phải đảm bảo được người nhậm chức trung thành tuyệt đối với mình.
* ngọc hành: là cái ấy ấy của đàn ông đó
* Vụ mật thám nước Lưu được nhắc đến ở chương 2. Đoan phi lấy nó làm dẫn chứng để đòi Hoàng thái phi cho xử phạt Đổng mỹ nhân, khi ấy là Đổng ngự thị.