Hoàng Quý Phi

Chương 47: Là người (1)




* Nội dung chương này và chương kế tiếp chủ yếu bật mí về kiếp trước, mối duyên của Lâu Nguyệt Dao với các thành viên team Phồn Dương, ít thoại.
Lâu Nguyệt Dao hiểu ý định của Hoàng đế là đổi một danh hiệu khác với mỹ nhân để nàng không còn bị kinh sợ bởi giấc mộng mà ngài cho là hoang đường. Có lẽ nàng khá được lòng ngài, nên không có lý nào lại đi giáng vị. Thế thì chỉ còn nước thăng vị. Nàng trở thành Lâu quý nhân, công chúa Vĩnh Xuân vẫn còn khỏe mạnh, tất thảy những điều xảy ra trong hiện thực đều khác hoàn toàn với trong mơ. Vậy, giấc chiêm bao trở thành vô căn cứ, đúng như lời ngài phán: “Ngày nghĩ gì đêm mơ đó”.
Nhưng Hoàng đế làm thế vẫn không thể xóa nhòa hoàn toàn nỗi oán hận xen lẫn bất an của nàng.
Sau khi trùng sinh, Lâu Nguyệt Dao đã tự hứa với lòng mình rằng nàng sẽ buông bỏ tất cả những chuyện không vui, những hiềm khích nhỏ nhặt không đáng kể xảy ra trong kiếp trước. Duy chỉ có Từ Tố Chiêu là không. Nếu nàng ta không ra tay tàn độc, đứa trẻ có một đoạn duyên mẫu tử ngắn ngủi với nàng - đứa con duy nhất mà nàng có được ấy đã không phải tức tưởi rời đi. Nay kẻ tử địch bay cao như diều gặp gió, còn nàng vẫn chưa được vào hàng ngũ phẩm. Làm sao nàng dám yên giấc được đây?
Dựa trên thái độ săn sóc của Hoàng đế gần đây và lời hứa đợi thêm một năm nữa của tam hoàng tử*, Lâu Nguyệt Dao biết có lẽ không bao lâu nữa mình sẽ được thăng vị. Thậm chí có thể là không phải lên mỗi một bậc như mới rồi.
Vậy nhưng, nàng không đợi được. Nàng nóng lòng muốn đạp Từ Tố Chiêu
xuống dưới chân mình. Nàng cũng muốn thử xem sự dung túng của Hoàng đế đối với mình có thể đến mức nào. Không thể lúc nào cũng ngồi im chờ ngài thử lòng mình trước được.
Mà vốn dĩ những chuyện nàng kể quả thật đã từng xảy ra. Chỉ khác ở chỗ, chuyện bệnh tình của công chúa Vĩnh Xuân trở nên không thể kiểm soát được, để tiếng gió thổi ra ngoại triều, khiến quần thần lên án là chuyện xảy ra sau khi công chúa cập kê*. Khi ấy, nàng đã là Lâu tu nghi nhị phẩm.
Nàng đã lừa dối ngài.
Nhưng chuyện Lâu Nguyệt Dao kinh hoảng cùng cực là thật. Nàng đã suýt phải nhập bọn với bầy quỷ treo cổ trong cấm thành vì không thể nhớ ra mình trải qua những ngày tháng như thế nào tại cung điện Hoàng đế ban cho Đoạn Trần. May nhờ Tôn Mộng - khi đó là Tôn tiệp dư nói đỡ cho mới thoát chết. Nàng ấy nói:
- Đoạn Trần nghĩa là đoạn tuyệt trần duyên. Thần thiếp nghe nói người tu đạo đều không vướng bụi trần, chỉ cầu thành tiên chứ không có ham muốn phàm tục. Mà nếu đã tự xưng là tiên nhân, chẳng lẽ không bỏ túi được dăm loại phép tiên? Thần thiếp mạn phép suy đoán có lẽ tiên nhân Đoạn Trần không muốn để người trần mắt thịt nhớ được phép tiên nên mới không cho tu nghi nương nương nhớ được. Trên cổ tay tu nghi nương nương có băng vải băng bó, Lâm viện phần cũng nói đó là vết thương mới đây. Có lẽ là do nương nương muốn cắt thịt nấu thuốc chứng minh lòng thành với tiên nhân mà thôi.
Chỉ dăm ba câu phủi sạch hết thảy những điều khuất tất mà Lâu Nguyệt Dao không thể giải thích được, cũng giúp nàng câu kéo được chút thời gian chờ đến khi công chúa Vĩnh Xuân tỉnh dậy. Hoàng đế phong nàng làm phi, ban hiệu Vinh. Vinh trong vinh quang, vinh hoa. Lâu Nguyệt Dao vốn đã cả nghĩ, không khỏi suy đoán hàm nghĩa đằng sau phong hiệu này. Nàng đoán ý của Hoàng đế là được lên hàng phi là vinh dự, là phước đức tổ tông tám đời nhà họ Lâu nàng tích được. Sự lạnh nhạt của ngài trước và sau khi Lâu Nguyệt Dao trở thành Vinh phi khiến nàng đau khổ khôn nguôi, từ đó bệnh tật quấn thân, phải uống thuốc thay cơm.

Tiếp sau đó, Tôn tiệp dư tới thăm, nàng hỏi nguyên do vì sao đôi bên không qua lại thân thiết mà nàng ấy lại chịu ra mặt giải vây. Câu trả lời của Tôn Mộng đến nay hãy còn văng vẳng bên tai:
- Tôi đến từ nơi thôn dã, từng chứng kiến cảnh một cô thôn nữ bị thổ phỉ bắt đi, liều mạng trốn chạy về làng những mong có thể được thôn dân che chở. Nhưng chào đón cô ấy lại là cực hình tròng lồng heo thả trôi sông, dù cô ấy một mực biện minh mình trong sạch, còn giơ cả cánh tay có điểm thủ cung sa làm bằng chứng. Chỉ vì cô ấy mất tích ba đêm, bị coi là thất tiết. Thôn dân không chấp nhận một cô gái chưa chồng đã mất đi sự trong sạch.
- Khi ấy tôi không thể làm gì được, nay có cơ hội, cớ sao không làm? Tôi ngưỡng mộ dũng khí của nương nương. Tạm không xét đến mục đích đẳng sau việc nương nương tự tiến cử bản thân cứu công chúa, người dám đưa chân đã can đảm lắm rồi.
Về sau, nàng được biết chí nguyện của Tôn Mộng khi tiến cung làm phi tần không phải để cầu phú quý cho riêng mình, mà là xây dựng học đường dành riêng cho nữ giới, giúp các nàng ấy có được một ngón nghề hộ thân để lỡ có xảy ra chuyện như cô thôn nữ dạo nọ, còn tích lũy được ít vốn liếng để mà trốn tới nơi khác sống tiếp. Nàng ấy phẫn nộ cùng cực, song vẫn thương thôn dân mông muội, tầm nhìn bị trói buộc bởi lề thói hủ tục đương thời. Mà vốn dĩ chính nàng ấy cũng là người của nơi thôn dã ép chết người đó, may nhờ tiến cung, bắt đầu học chữ nghĩa, mới biết phóng tầm mắt ra xa, biết trên đầu mình là gông xiềng khó có thể cởi bỏ.
Lâu Nguyệt Dao muốn giúp Tôn Mộng đạt được tâm nguyện. Một phi tần không có gia thế như Tôn Mộng, muốn cất cao tiếng nói trong hậu cung ắt phải lập được công lớn. Mà đối với một phi tần, không còn công lao nào lớn bằng sinh hạ hoàng tử. Nàng không bảo công chúa là không được, nhưng, công chúa có thể được yêu chiều như Vĩnh Xuân xưa nay hiếm thấy. Âu cũng do lề thói nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô* đương thời. Nhưng sinh hạ được hoàng tử rồi, được đích thân nuôi dưỡng hoàng tử hay không lại là chuyện khác nữa. Nếu nàng nhớ không nhầm, Tôn Mộng phải sinh hạ hai hoàng tử mới được lên hàng tiệp dư tứ phẩm, đủ tư cách nuôi nấng hoàng tự.
Sau khi sống lại, Lâu Nguyệt Dao đã luôn nghĩ cách để cung Phồn Dương mau chóng có cung chủ. Nàng, Tôn Mộng hay Liễu Thanh Thanh đều được. Không thể để Tôn Mộng mang thai mười tháng khó nhọc mà đứa trẻ sinh ra lại bị ôm tới cung người khác nữa. Nàng đang gấp gáp lắm, bởi tính thời gian cũng sắp đến lúc Tôn Mộng có mang rồi.
Còn Liễu Thanh Thanh, kể ra cũng thật tội nghiệp. Hoàng đế yêu mến tính tình hoạt bát, lanh lợi của nàng ấy. Nhưng má hồng chưa phai, ân vua đã dứt. Hoàng đế chê Liễu Thanh Thanh không có học thức, khiến nàng ấy mất mặt với hậu cung. Liễu Thanh Thanh không con cái, lại bị quở trách nặng nề, đâm ra đau buồn, sinh bệnh rồi mất vào một ngày xuân ấm năm Nguyên Hựu thứ mười bốn.
Nàng ấy đi rồi, nhà họ Liễu vốn không có nam đinh làm quan trọng triều, mắt thấy là phải sớm nở chóng tàn, song hoàng ân chưa bao giờ đứt đoạn. Không hiển quý được như các dòng tộc trong triều, nhưng cũng là nhà hào phú có máu mặt ở địa phương.
Chỉ có người huynh trưởng đứng thứ hai của Liễu Thanh Thanh mất sớm, nghe đầu là do hắn bức ép thiếu nữ nhà lành làm thiếp hầu. Cô thiếu nữ đó đã đính ước, thà chết không theo, quyết chí ngọc nát đá tan. Hắn bị ngự sử tố giác. Chuyện đến tai Hoàng đế, ngài xử tội hắn lấy mạng đền mạng, không liên lụy đến dòng họ.
Lâu Nguyệt Dao vốn là nữ nhân, đương nhiên sẽ thương cảm cho nữ giới nhiều hơn. Bọn họ đều là phi tần, là thần tử, có oán trách quân vương vô tình cũng chỉ dám oán trách ngấm ngầm. Nhưng sau sống lại, nàng tự nhủ mình phải nghĩ thoáng hơn, phải nhìn nhận một sự việc theo nhiều góc độ.
Trước đó nàng ngầm chê trách Hoàng đế, cho rằng ngài có mới nới cũ. Nhưng sau này, Lâu Nguyệt Dao lại hiểu ra có lẽ là khi ấy chuyện về người huynh trưởng của Liễu Thanh Thanh truyền đến tại thánh, Hoàng đế nhắc tới trước mặt nàng ấy. Nàng ấy không nhịn được mới phân trần vài câu dẫn đến bề trên phật lòng, buông lời trách mắng. Có thể là khi ấy Hoàng đế còn nhắc tới vài tấm gương hậu phi không can dự triều chính, bảo Liễu Thanh Thanh học theo. Chuyện qua lời đồn thổi của đám cung nhân lại thành thánh thượng chê bai Liễu Thanh Thanh là không học thức, khiến nàng ấy nghĩ không thông mới đau bệnh.
Không tỏ tường mọi việc, song Lâu Nguyệt Dao quyết tâm không để Liễu Thanh Thanh rơi vào tình cảnh ấy nữa. Trước đó, nàng ấy không có điều kiện học các môn thi phú, nhạc họa. Nhưng sau khi vào hoàng cung, nơi hội tụ sách hay thầy giỏi mà không học lấy một ngón tài nghệ chẳng lẽ không đáng tiếc sao?
Chốn tường hồng vốn là nơi chứa nhiều u uất. Có cho mình một tài nghệ để giải khuây lúc nhàn rỗi, để gửi gắm tâm tình ắt sẽ chẳng đến mức buồn bực dồn nén đến mức sinh bệnh nữa. Mà học chữ nghĩa còn để chặn câu quở mắng của Hoàng đế dạo nọ.

Tất nhiên, nếu Liễu Thanh Thanh là một kẻ xa lạ, Lâu Nguyệt Dao cũng không nghĩ tới chuyện kéo nàng ấy về cung Phồn Dương. Thương cảm thì có song ân tình của nàng ấy với nàng chẳng sâu đậm tới mức nàng phải liều mình cứu nàng ấy trong sự kiện Thôi thứ dân tư thông. Mà bởi vì kiếp trước, Liễu Thanh Thanh qua lại thân thiết với muội muội Nguyệt Nhu của nàng - con gái do kế mẫu Hạ thị sinh ra. Nguyệt Nhu tiến cung vào năm Nguyên Hựu thứ tám, thông qua sự tiến cử của nàng.
Kiếp này, nàng quyết tâm chiếm được thánh sủng. Nhà họ Lâu không cần phải gá thêm một cô con gái vào cung nữa.
Chú thích:
* Cho bạn nào không nhớ. Tam hoàng tử từng hứa với Lâu Nguyệt Dao:
“Nếu Lâu nương nương cho rằng phẩm cấp mình thấp nhỏ, chưa dám ăn dùng xa hoa thì xin Lâu nương nương hãy đợi thêm một năm nữa. Duy Thượng sẽ cố gắng hết sức.”
Trước đó, cậu tặng cho cung Phồn Dương loại gấm mà chỉ có Đoan phi, Trinh phi mới dám mặc.
* cập kê: lễ cài trâm của con gái thời xưa thường diễn ra khi các cô 15 tuổi.
Tùy theo gia cảnh mà có thể tổ chức lễ hoặc không. Đủ tuổi cài trâm được coi là đến lúc có thể gả đi.
*
* Hạ giá: công chúa lấy chồng (Chú thích đầy đủ ở chương 13: Hạnh ngộ)
* Thủ cung sa: được coi là biểu tượng cho trinh tiết của phụ nữ. Nó là đồ được chế ra từ con thạch sùng nuôi bằng 7 cân chu sa, giã nát thành chất nước đỏ son, điểm lên cánh tay con gái. Người ta quan niệm nếu con gái còn trong trắng thì thủ cung sa không biến mất. Cách giải thích nó rất ảo ma, đại khái là do hoocmon nam nữ gì đấy.
* Má hồng chưa phai, ân vua đã dứt: nguyên gốc là câu “Hồng nhan vị lão tiên ân đoạn” trong bài thơ Hậu cung từ của Bạch Cư Dị.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.