Hoàng Quý Phi

Chương 8: Chia sớt ân sủng




Lâu Nguyệt Dao đánh một giấc thẳng cẳng tới tận khi trời nhập nhoạng tối mới tỉnh lại. Nàng nằm yên trên giường, thần trí phiêu đãng không nhớ nổi ngày tháng năm nao. Tiếng rì rầm ở gian ngoài bỗng im bặt. Sau đó, tiếng vải vóc sột soạt càng lúc càng tới gần.
- Tiểu thư, người đã tỉnh dậy chưa?
Từ lâu đã không còn ai gọi nàng bằng danh xưng tiểu thư nữa. Kẻ duy nhất gọi tiểu thư ở trong cung đã chết rồi.
Trống ngực nàng đập thình thịch liên hồi. Đôi mắt sóng sánh như nước hồ thu trợn trừng nhìn khuôn mặt rất quen thuộc đã đi theo mình mấy chục năm thò từ bên ngoài vào trong màn. Khuôn mặt trong kí ức ấy trắng bệch, chẳng còn sắc máu, rõ là của một người đã chết. Nhưng vì sao Nhâm Hòa lại chết?
Đầu nàng nhức như bị búa bổ. Ấn đường nhíu chặt. Đôi mắt đỏ ké.
- Tiểu thư? Nương nương? - Nhâm Hòa hỏi dò.
Người bên trong đang nằm bỗng thình lình bật dậy, bóp chặt bả vai Nhâm Hòa. Nhâm Hòa cảm nhận được cơn đau, không nhức nhối lắm - do người gây nên chỉ là một tiểu thư khuê các chân yếu tay mềm. Điều đó khiến cô an tâm vì kẻ bên trong đích thị là tiểu thư nhà họ Lâu - chủ nhân mà mình thề nguyện trung thành.
Tình cảnh này chẳng phải lần đầu tiên xảy ra. Nhâm Hòa đã quen rồi. Em cũng là người duy nhất trong phủ đệ nhà họ Lâu biết được.
- Ta là nương nương nào?
- Người là Lâu ngự thị ở Phủng Nguyệt các, cung Phồn Dương của Nguyên Hựu bệ hạ.
- Lâu ngự thị à.
Kẻ trên giường lẩm bẩm. Ánh nến lập lòe hắt lên mặt nàng tạo thành những hình thù mờ nhòe ma mị. Cảm giác giống tiểu thư mà lại không giống tiểu thư trong lòng Nhâm Hòa ùa về. Song, cô lại rất yên tâm vì chủ nhân chưa bao giờ gây hại đến mình.
Sắc máu trong đôi mắt Lâu Nguyệt Dao rút dần. Kí ức nhòe mờ dần rõ nét. Thế nhưng những chuyện xảy ra trong những ngày tháng cuối đời Vinh phi, nàng lại không nhớ rõ. Tỷ như Nhâm Hòa mất khi nào? Vì sao Nhâm Hòa mất? Vinh phi chết như thế nào? Hình như tất cả đều không có câu trả lời rành mạch.
Lâu Nguyệt Dao vẫn còn nhớ, sau khi sống lại, có một lần nàng theo kế mẫu Hạ thị đi chùa dâng hương. Trên đường bọn nàng gặp một ông lão râu tóc bạc phơ, quần áo rách rưới song có khí chất xuất trần như tiên nhân. Ông ta nhìn nàng phán một câu mà nàng lạnh gáy, rồi nhớ mãi đến tận bây giờ:
- Rõ là người đã chết.

Kế mẫu nghe ông lão ăn nói xúi quẩy thì giận tái mặt, sai thị vệ, gia nô Lâu phủ theo tháp tùng đuổi lão đi chỗ khác. Mãi rất lâu về sau, Lâu Nguyệt Dao tìm đến thì ông lão nọ chỉ còn lại một bộ thây hồng hào như người sống trong ngôi miếu hoang ngoại thành, tay nắm chặt phong thư gửi người hữu duyên.
Khi ấy, lòng nàng gợn lên ý nghĩa may mắn vì kẻ duy nhất biết được bí mật tái sinh của mình đã chết. Người chết khắc biết im miệng. Suy nghĩ may mắn ấy thoáng qua, lòng nàng lại chấn động như sóng cuộn vỗ bờ bởi nội dung trên phong thư.
Thì ra chẳng phải ngẫu nhiên mà Vinh phi được tái sinh về ngày nàng vẫn còn là trưởng nữ Lâu gia. Thì ra đã có người tình nguyện đánh đổi để mang lại cho nàng cơ hội làm lại cuộc đời. Nhưng kẻ đó là ai, nàng nghĩ mãi không ra. Quả thật kiếp sống Vinh phi của Lâu Nguyệt Dao quá thất bại khiến nàng chẳng còn niềm tin rằng có người sẽ hi sinh cho mình nhiều đến thế.
- Ban nãy ta nói mớ gì vậy? - Giọng nàng khàn đặc.
Nhâm Hòa hiểu ý chủ nhân, vừa khẽ khàng bê chậu nước đến bên giường cho Lâu Nguyệt Dao rửa mặt vừa nói.
- Nương nương gọi mẫu thân ạ.
- À! - Mắt nàng liếc nhanh qua bức bình phong vẽ tứ quân tử mai cúc lan trúc. Đầu môi bật ra một âm tiết nhẹ bẫng.
Lâu Nguyệt Dao vừa thấm nước trên mặt bằng khăn lau mềm mại, vừa nghe Nhâm Hòa bẩm báo tình hình.
- Bệ hạ gặp hai vị tuyển thị bên hồ Thủy Bích. Ngài cho triệu hạnh Liễu tuyển thị đêm nay.
- Mộng tỷ tỷ đang ở đâu?
- Tôn tuyển thị nướng cá xong có ghé qua Phủng Nguyệt các, thấy nương nương đang ngủ nên Tôn tuyển thị về lại Mãn Nguyệt các. Tôn tuyển thị để phần cho nương nương một con cá nướng lá sen và một âu canh cá. Liễu tuyển thị cũng xắn tay áo vào phòng bếp nhỏ nấu chè hạt sen đấy ạ. Chúng nô tỳ cũng nhờ ơn nương nương, đều đã được nếm thử cả rồi.
Chuyện đã diễn ra theo cái mà Lâu Nguyệt Dao mong đợi. Chiếu theo sự hiểu biết của nàng về Hoàng đế Nguyên Hựu, chắc chắn ngày mai Tôn Mộng sẽ được ban ơn mưa móc. Ở kiếp trước, quả thật ban đầu ngài cũng yêu thích Liễu Thanh Thanh hơn.
Sở thích của người nam nhân này vẫn luôn rất ổn định. Độ tráng niên sung mãn, Hoàng đế yêu mến những nàng thiếu nữ hoạt bát, linh động như Liễu Thanh Thanh. Ngài chẳng ngần ngại ban ơn cho đối phương nhiều hơn kẻ khác. Nhưng khi đã già dặn trải đời rồi, Hoàng đế lại dần thiên hướng ưa thích những nữ nhân dịu dàng, thức thời, biết săn sóc và không khiến ngài phải đau đầu để chiều lòng họ.
Kiếp trước, Tôn Mộng lên cao như diều gặp gió. Vào năm thứ hai sau khi Lâu Nguyệt Dao trở thành Vinh phi, Tôn Mộng được phong làm chiêu nghi tam phẩm, đứng đầu các phi tần xuất thân thường dân. Tiếc là nàng ấy nương nhờ phe cánh Trinh phi, bị Trinh phi liên lụy, về sau phải sống im hơi lặng tiếng, chẳng còn được thánh giá đoái hoài tới nữa.
- Sắp thị tẩm còn phải phí tâm sức như vậy. Bên Liễu tuyển thị đã chuẩn bị ổn thỏa rồi chứ?
- Bẩm, đã ổn thỏa rồi. Nương nương có muốn cho truyền thiện không ạ?

Miệng Lâu Nguyệt Dao đắng ngắt, nhưng nàng vẫn gật đầu. Nhâm Hòa, Lý Liên, Trình Uyển mau chóng thu xếp bữa vãn thiện* cho ngự thị nương nương dùng.
Đúng như lời Tôn Mộng kể, món cá nướng lá sen ấy thơm phưng phức, thịt cá tươi, ngọt. Có lẽ là bởi vì trong cung thừa thãi nguyên liệu nấu ăn, bụng cá được nhét đầy hạt sen, nấm hương, mộc nhĩ và mấy loại rau nữa mà nàng không phân biệt được.
Bát canh cá nóng hổi có vị hơi cay nóng lại vừa hay rất hợp khẩu vị của Lâu Nguyệt Dao. Bụng nàng ấm sực, tay chân cũng chẳng lạnh ngắt như ban chiều. Chén chè hạt sen thanh mát vừa khéo đặt dấu chấm hết hoàn mỹ cho bữa vãn thiện này.
Đêm nay, Liễu tuyển thị được truyền thị tẩm, ngày hôm sau, Hoàng đế Nguyên Hựu lại cho triệu hạnh Tôn tuyển thị. Hình như hai vị tuyển thị nương nương này rất được thánh ân chiếu cố, đồ ngự ban được thái giám bên nội phủ đưa vào cung Phồn Dương liên miên không dứt. Tuy Hoàng đế vẫn rải đều mưa móc khắp hậu cung, nhưng ngài vẫn tỏ ra sủng ái hai nàng tuyển thị Tôn, Liễu hơn cả.
Đổng mỹ nhân nhiều lần đích thân đưa hộp thức ăn sang điện Bàn Long, nhưng Hoàng đế một mực khước từ. Thái độ lạnh nhạt của ngài lại thêm việc cả tháng nay chỉ được triệu hạnh đúng một lần khiến cô ả càng thêm nóng ruột nóng gan. Không biết cung tỳ thân cận Hồng Hoa của Đổng mỹ nhân bị cô ả sai bảo thế nào mà đang yên đang lành lại lỡ chân dẫm phải tà váy của Lâm quý nhân khiến Lâm quý nhân rơi xuống hồ Thủy Bích.
Lâm quý nhân thuộc hàng phi tần có thâm niên trong cung. Tuy không có con, không được sủng ái cho lắm nhưng nàng đã theo Hoàng đế từ ngày ngài còn là lục hoàng tử Thân Long Chương tới nay. Hoàng đế bệ hạ đối đãi với nàng khá trọng hậu.
Hơn nữa, nghe các cung tỳ, thái giám có mặt bên hồ Thủy Bích kể lại, khi ấy hai nàng tuyển thị Tôn, Liễu đang trò chuyện với Lâm quý nhân. Khéo hơn nữa là hôm ấy, Liễu tuyển thị mặc áo váy màu hồng ngó sen. Lâm quý nhân cũng khoác tấm áo màu sắc tương tự.
Trong các dịp lễ tết, ngoại trừ ba màu sắc cấm kị gồm: trắng, chính hồng, minh hoàng, các phi tần dự cung yến đều phái cung tỳ đi nghe ngóng xem phi tần cấp cao hơn mình mặc áo váy màu gì để tránh đụng chạm.
Bọn họ chỉ tình cờ gặp nhau trong vườn ngự uyển, mặc trùng màu sắc cũng chẳng phải chuyện đáng trách. Hai nàng tuyển thị vẫn kéo nhau đến cáo lỗi với Lâm quý nhân. Lâm thị thấy hai nàng tuy được sủng ái, nhưng vẫn không quên giữ lễ tiết, hành xử đúng mực thì lấy làm yêu mến lắm. Thế là, cả ba tụm lại một chỗ trò chuyện vui vẻ.
Vừa hay Hoàng đế hứng trí đi dạo ngự uyển, Đổng mỹ nhân xin xỏ theo hầu cho bằng được. Nào ngờ, lại xảy ra cái chuyện không may ấy. Khoảnh khắc Lâm quý nhân ngã xuống hồ, Tôn Mộng nhảy ùm xuống làn nước lạnh không chút do dự. Nàng đưa được người lên bờ nhưng chính mình cũng ướt như chuột lột. Hoàng đế cởi ngay áo choàng đang mặc khoác lên người nàng.
Sau đó, thiên tử nổi trận lôi đình. Các cung tỳ, thái giám chỉ ra ngay kẻ thủ phạm chính là Hồng Hoa. Hồng Hoa bị đánh ba mươi trượng thừa sống thiếu chết, còn bị đuổi ra Hoán Y cục, vĩnh viễn không được bước vào Đông Tây thập nhị cung nửa bước.
Cùng ngày, Tôn Mộng được tấn phong quý nhân lục phẩm. Thứ bậc của lứa phi tần mới tiến cung đảo chiều, cục diện Đổng mỹ nhân đè đầu lứa mới bị phá vỡ.
 
* vãn thiện: bữa ăn tối
Tương tự, chúng ta có tảo thiện (bữa ăn sáng), ngọ thiện (bữa ăn trưa).

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.