2
Lần đầu thấp thỏm lo âu vì kết quả là mùa hè sau khi thi đại học, lúc vẫn chưa có điểm.
Thi xong cứ thấy có chỗ nào đó sai sai, cuối cùng thì sai thật.
Đến tận bây giờ, cô vẫn nhớ như in đề văn năm đó: Trích dẫn ba câu nói của Phong Tử Khải, Aldous Huxley, Henry Fielding và yêu cầu kết hợp những tư liệu này để viết thành một bài văn không dưới 800 chữ.
Viết xong, Vương Tử Chu thấy hơi lạc đề.
May mà đề toán năm ấy nhìn thì dễ nhưng lại cực nhiều bẫy, kha khá học sinh đạt điểm số thấp hơn dự tính rất nhiều. Vương Tử Chu cẩn thận từng li từng tí, né được hết các bẫy gài trong đề, thành ra điểm thi đại học là bài thi toán có điểm cao nhất trong suốt ba năm cấp 3 của cô. Cộng thêm điểm tổ hợp tự nhiên và ngoại ngữ đều khá ngon nghẻ, môn tự chọn còn được điểm tối đa, thế nên điểm tổng cũng không thấp hơn dự tính là bao.
Giáo viên chủ nhiệm bảo, coi như mất cái này thì được cái kia nhưng Vương Tự Chu lại cảm thấy đó chỉ là may mắn mà thôi.
Họ hàng xa tít tắp vừa hay tin có kết quả liền gọi điện hỏi thăm, hỏi xong điểm tổng với điểm chuẩn thì khen: “Tử Chu thi tốt đó chứ!”
Bố mẹ cô lại đáp: “Tốt đâu mà tốt, điểm văn thấp quá, tiếc thật đấy!”
Chẳng có gì đáng tiếc ở đây cả.
Con người ta luôn tiếc nuối khi kết quả không được như những gì mình kỳ vọng. Đằng sau đó là một bầu trời bí ẩn khiến ta thấp thỏm, lo âu, bởi đâu ai lường trước được tương lai, bất luận kết quả là gì đi chăng nữa thì ta cũng phải học cách chấp nhận.
Sự tiếc nuối của bố mẹ, âu cũng là hư vinh mà thôi.
Họ hàng ở đầu dây bên kia: Cũng được mà! Dư sức đỗ ĐH Z, nếu tới Hàng Châu thì qua nhà bác làm một bữa nhé!
Vương Tử Chu không thích Hàng Châu. Bởi chính những người họ hàng thành đạt, giàu có ấy.
Cuối cùng cô chọn Bắc tiến, đến Giang Tô.
Đó là lần đầu tiên cô bước chân ra khỏi tỉnh nhà.
Với một người ở phía Nam Chiết Giang, Giang Tô hiển nhiên nằm ở phía Bắc.
Chính tại thành phố Giang Tô toạ lạc giữa hai miền Nam Bắc của tỉnh Giang Tô, Vương Tử Chu đã năm lần bảy lượt phải đối mặt với những thời khắc “thấp thỏm vì kết quả”, tỉ như đợi điểm thi chứng chỉ, lựa chọn sinh viên cho chương trình trao đổi, phỏng vấn, v.v.
Mỗi khi đến thời khắc ấy, cô lại mơ thấy đề văn năm nào.
“Ánh mắt của trẻ thơ là một đường thẳng, không có điểm ngoặt.” – Phong Tử Khải
“Tại sao khi tuổi thọ của nhân loại ngày một dài thêm thì tâm hồn của những người trẻ lại chai sạn sớm hơn?” – Aldous Huxley
“Thế giới đang dần mất đi vương quốc tuổi thơ vĩ đại, một khi nó biến mất, thế gian chỉ còn là vũng bùn tăm tối.” – Henry Fielding
① Đề thi văn của tỉnh Chiết Giang năm 2013.
Thông điệp mà đề bài muốn truyền tải, về sự ngây thơ, hồn nhiên của trẻ nhỏ, về sự trưởng thành và thế giới của người lớn, khác cái cách mà Vương Tử Chu lý giải khi ngồi trong phòng thi. Nó tựa như một phép dự đoán và ẩn dụ, những kỳ vọng về tương lai của thuở niên thiếu, so với bản thân của hiện tại, ắt sẽ lạc đề.
Nên cô không thôi nghĩ về đề văn ấy.
Những ngày sau khi nộp bản dịch thử.
Cô lại mơ giấc mơ đó.
Cứ mơ thấy nó là hôm sau tâm trạng sẽ chùng xuống. Mấy ngày tiếp theo, Vương Tử Chu không ở nhà nữa mà quay ngoắt 180 độ, ôm laptop lên phòng nghiên cứu của trường.
Vậy cũng tốt, tiết kiệm được kha khá tiền điều hoà.
Những ngày không dịch bản thảo, cô sẽ viết luận văn, không thì lên thư viện Viện Nghiên cứu Văn học tìm tư liệu, tối thì đi ăn ở Hyakumanben với đàn chị học tiến sĩ. Về đến nhà, nếu chán viết luận văn thì lôi mấy quyển sách mới mua ra đọc. Tình cờ gặp được cuốn nào đó thú vị, cô sẽ chủ động viết lời bình, dịch thử vài trích đoạn rồi gửi cho biên tập của công ty xuất bản trong nước mà cô đã từng hợp tác để làm tài liệu tham khảo khi chọn đầu sách.
Tất nhiên, hầu hết là bị từ chối, hoạ hoằn lắm mới được tựa sách đúng gu biên tập thì còn hằng hà sa số những nguyên nhân bất khả kháng khác, như là không mua được bản quyền này, đề tài không phù hợp này, vân vân và mây mây.
Kinh qua mấy lần “thành công hụt”, Vương Tử Chu đã nghĩ thoáng hơn. Vừa được đọc cuốn sách mình thích lại tranh thủ luyện kĩ năng dịch, đã thế còn lấy lòng được cả biên tập, thôi thì cứ bình tâm đón chờ những điều ngẫu nhiên mà tạo hoá sắp đặt.
Để khỏi “thấp thỏm lo âu”, kể từ mùa hè năm đó, một vị khách có tên “Hạ Thấp Kỳ Vọng” đã cư ngụ trong “doanh trại” của Vương Tử Chu với vai trò vệ sĩ.
Một vị khách hết sức ngang tàng, cứ đóng quân ở đó mãi không chịu đi.
Ngứa mắt vô cùng.
Ai cho mi mượn danh bảo kê để trú ngụ ở đây?!
Vương Tử Chu lấy làm bất mãn.
Cô muốn đuổi hắn đi.
Nhưng lại tiếc lớp phòng tuyến mà kẻ đó gây dựng.
Thế là đành để hắn tiếp tục tá túc.
Suy nghĩ ấy xuất hiện trong đầu Vương Tử Chu, cô rời phòng nghiên cứu, đạp xe tới cửa hàng tiện lợi giữa trưa nắng chói chang.
Chẳng có hứng ăn, cô tần ngần một lúc trước tủ lạnh, cuối cùng lấy ra một chiếc cơm nắm.
Đến quầy thu ngân, đang chuẩn bị tính tiền thì điện thoại rung.
Có mail mới.
Vương Tử Chu vội vàng mở ra, mắt vừa tia thấy dòng chữ おめでとうございます (chúc mừng) giữa một tràng những câu từ khách sáo, cô lập tức để phần cơm nắm lên giá, đổi sang một suất cơm hộp đủ rau đủ thịt, thậm chí còn tới quầy đồ uống lấy một lon coca.
Cơn thèm ăn ập tới quá bất ngờ.
Ngoài kia trời trong nắng ấm, mặt đất, mái nhà, xe cộ như đang lấp lánh ánh vàng.
Vương Tử Chu lên xe, lao vun vút giữa con hẻm vắng lặng sau giờ trưa. Tiếng ve râm ran ngân trong lá, cẩm tú cầu bên đường đương độ cuối mùa, vẫy chào nồng nhiệt theo bóng cô, gió vừa nóng vừa hanh lại còn thô bạo, miết qua khuôn mặt cô đỏ rực.
Về tới trường, đỗ xe xong xuôi, đi cửa phụ vào toà nhà Viện Nghiên cứu Văn học, đồng hồ thông minh hiển thị nhịp tim lên tới 157 lần/phút, mãi sau mới hiện ra một cửa sổ thông báo muộn màng, hỏi cô có đang đạp xe hay không.
Vương Tử Chu chẳng buồn bận tâm.
Cô mở app trò chuyện trên điện thoại, nhấn vào một biên tập có tên “Đinh Viện Viện” rồi vội vàng gửi tin nhắn:
“Viện Viện! Em được chọn rồi! Cảm ơn chị đã giới thiệu!”
Vương Tử Chu vào đến phòng nghiên cứu, Đinh Viện Viện mới trả lời cô.
Đinh Viện Viện: Okela, chuẩn bị cho tốt nha!
Vương Tử Chu ngồi vào chỗ của mình, nhịp tim dần khôi phục trạng thái bình thường, mặt cũng không còn nóng nữa.
Cô nghĩ một hồi, tiếp tục gõ chữ vào khung chat.
② Query: Một số dịch giả khi gửi bản dịch sẽ đính kèm query cho biên tập để đánh dấu các đoạn không chắc khi dịch và một qsố câu hỏi khác.
Vương Tử Chu đợi từ 13 giờ 23 phút tới 17 giờ 45 phút theo giờ Nhật Bản. Trong suốt quãng thời gian đó, ngồi viết luận văn cũng không được êm xuôi cho lắm, có tài liệu cô rõ ràng đã photo ở thư viện rồi cất trong tệp tài liệu, vậy mà giờ tìm không thấy.
Đàn chị hỏi cô có đi ăn cơm không, Vương Tử Chu nói muốn ghé thư viện, bảo chị ấy cứ đi trước.
Cô dọn dẹp đồ đạc, định bụng đến thư viện photo xong tài liệu rồi về thẳng nhà. Tới toà nhà phía Đông của thư viện khoa Văn học, vừa lên lầu thì nhận được tin nhắn của Viện Viện.
Đinh Viện Viện: Tác giả đồng ý rồi~
Tiếp theo đó là một tấm ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện kèm theo một địa chỉ email.
Vương Tử Chu mở ảnh ra xem, là Trần Ổ trả lời tin nhắn của biên tập, cậu viết: “Không có gì, quý dịch giả gửi query vào mail của tôi là được.”
Quý dịch giả.
Vương Tử Chu lâng lâng vui sướng.
Đắm chìm vài giây trong khoảng không hạnh phúc của riêng mình, cô sực nhớ ra một điều, vội vàng hỏi Đinh Viện Viện.
Bút danh của Trần Ổ là “Không Biết”.
– Bút danh của cậu là gì?
– Không biết.
– Không Biết?
– Ừ, Không Biết.
Có khác nào mấy mẩu truyện hài trên mạng không.
Vương Tử Chu: Ai lại xưng hô như vậy bao giờ, cợt nhả quá!
Đinh Viện Viện: Hahahaha! Họ Trần, họ Trần đó!
Vương Tử Văn nhắn một câu cảm ơn.
Cất điện thoại, cô chợt nhận ra nụ cười nãy giờ vẫn chưa tắt trên môi.
Vui thì vui thật, nhưng sự lươn lẹo ẩn sau nó cũng là thật.
Biết thừa người ta họ gì, vậy mà vẫn hỏi cho bằng được. Vương Tử Chu bỗng liên tưởng tới các nhân vật phản diện trong tiểu thuyết lịch sử, thường có những tình tiết ảo diệu kiểu như lén lút làm đủ trò xấu xa, rồi giở chút mánh khoé “đổi trắng thay đen” khiến mọi thứ lại trở nên công khai, minh bạch.
Không phải do tớ rình mò gì cậu đâu, là người khác nói cho tớ biết đó.
Tớ trở thành phiên dịch của cậu, cũng là trùng hợp mà thôi.
Vào phòng tư liệu tạp chí, Vương Tử Chu vừa tìm sách trên giá vừa mặc niệm những lời gian dối ấy thì chợt nhìn thấy một cái đầu quen thuộc.
Cô nhón chân, lùi một bước, y như một gián điệp thực thụ.
Các viện nghiên cứu của ĐH K đều có thư viện riêng, như Viện Nghiên cứu Văn học thì có toà chính và toà phía Đông. Nếu sinh viên có nhu cầu tìm tài liệu, thường thì chỉ cần tìm ở thư viện của khoa mình là xong, đâu cần tới thư viện khoa khác, Trần Ổ học toán ở tận khu Bắc, sao lại mò sang khoa Văn tìm tư liệu. Bất ngờ, nhưng cũng không quá ngạc nhiên.
Chỉ là.
Vương Tử Chu nghĩ, chắc trước kia cậu ấy cũng từng đến đây rồi?
Tại sao chưa chạm mặt bao giờ?
Hoặc đã từng nhưng hồi đó không để tâm như bây giờ.
Vương Tử Chu núp sau giá sách, vớ lấy điện thoại, bắt đầu chỉnh sửa email trong hòm thư nháp.
Nội dung đã viết xong từ lâu nhưng chưa điền địa chỉ.
Cô điền địa chỉ hòm thư nhận, xem lại một lượt tệp đính kèm, tiêu đề, nội dung chính, chữ kí, sau đó nhấn gửi đi.
Phòng tư liệu lặng như tờ, một tiếng rung kín đáo vang lên.
Rất ngắn ngủi, là thông báo có email mới.
Vương Tử Chu thận trọng lùi lại, nhón chân nhìn qua khe hở trên kệ tạp chí.
Trần Ổ lật quyển tạp chí một lúc mới cầm điện thoại lên.
Cậu cúi đầu, dùng ngón tay cái mở tin nhắn, lướt xuống dưới xem một lượt, vào khoảnh khắc định đóng lại thì ngón tay trượt xuống, ánh mắt va vào phần trên cùng của email.
Trong ô người gửi là địa chỉ hòm thư của Vương Tử Chu.
Đuôi email ấy có tên viết tắt bằng tiếng Anh của trường ĐH J – ngôi trường mà cả hai từng học.
Đó là đuôi email dành riêng cho sinh viên theo học tại trường.
Hi!
Quả là cậu đã thấy nó.
Tớ cố tình.
Cố tình dùng email này đấy.
Bởi tớ muốn,
cậu cũng nhận ra tớ.