Lê Vân - Yêu Và Sống

Chương 1.2: Vân ơi, Vân là ai?




Không hiểu sao tôi luôn có cảm giác tuổi thơ của tôi thực là ngắn ngủi. Nghe có vẻ như vô lý, bởi đời người ai cũng được trời dành cho tuổi ấu thơ ngần ấy thời gian rồi mới bước vào tuổi hoa niên! Hay có lẽ bởi tuổi thơ tôi không được sống những phút giây êm đềm hạnh phúc trong một mái ấm gia đình, mà chỉ là nỗi khắc khoải, khát khao được yêu thương chiều chuộng, được nựng nịu vỗ về.
Bố mẹ sinh tôi khi họ chưa kịp thành người lớn. Mới mười tám đôi mươi, họ chẳng có chút kinh nghiệm nào trong việc làm bố, làm mẹ. Sau tôi, bố mẹ tiếp tục có thêm hai cô con gái nữa là Lê Khanh và Lê Vy. Đó là những năm tháng khó khăn của thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Cả miền Bắc thắt lưng buộc bụng. Mọi cố gắng chỉ để xoay cho đủ hai bữa ăn. Bố mẹ không có thời gian dành cho việc gần gũi dạy dỗ con cái. Như cây hoang cỏ dại, tôi cứ thế lớn lên, tự học mọi thứ ở đời…
Khi tôi mới được vài tuổi, không biết vì bố mẹ khó khăn hay vì sớm lục đục mà tôi được gửi về Hải Phòng cho bà ngoại trông nom. Mẹ có hai em trai mà tôi rất hay nhầm tên là cậu Chúc và cậu Chức. Để khỏi gọi sai, tôi bèn nghĩ cách đặt biệt dành cho các cậu là cậu To và cậu Bé. Tôi không bao giờ quên khoảng thời gian vui vẻ ngắn ngủi được sống gần bà ngoại. Chỉ có chừng ấy thời gian thế thôi, vậy mà cũng đủ để bà xót xa cho tôi, dõi theo từng bước cuộc đời tôi. Bằng bản năng ruột thịt, bà có linh cảm đời tôi đang gặp bất hạnh (ấy là thời gian tôi rơi vào cuộc tình éo le thứ nhất).
Mỗi khi có dịp về Hải Phòng biểu diễn, tôi thường chạy về số nhà 64 B phố Cầu Đất thăm bà. Tôi biết bà muốn hỏi tôi nhiều thứ nhưng rồi lại im lặng, chỉ dịu dàng nắm lấy hai bàn tay gầy guộc của tôi vuốt ve, chia sẻ.
Từ nhà hộ sinh A, Hà Nội, tôi được đưa về ngôi nhà đầu tiên, nhà của ông bà nội ở số 136 phố Quán Thánh, một con phố cổ bắt đầu từ vườn hoa Hàng Đậu, nơi có tàu điện chạy qua. Cửa nhà tôi nhìn ra là bến tránh tàu. Tôi thường đứng đó chờ mẹ đi làm về. Nhiều hôm đã quá muộn vẫn chẳng thấy mẹ đâu, các chị họ con bác tôi, những người họ hàng sống cùng số nhà, gọi tôi vào ăn cơm nhưng tôi bướng bỉnh từ chối, gan lì chờ bằng được chuyến tàu sẽ đưa mẹ về với tôi. Bác dâu tôi bực mình bảo: “Kệ nó, con này bé mà đỏng đảnh”. Thậm chí, mẹ kể lại, có lúc tôi bị vấp, ngã kềnh ra giữa sân, có chị chạy đến định đỡ tôi dậy nhưng bị bác quát lại thôi. Có lẽ vì mẹ và bác là hai chị em dâu, họ sớm có mâu thuẫn khi cùng sống chung trong ngôi nhà ông nội để lại. Vì tôi cứ bướng bỉnh và “đỏng đảnh” nên đành chịu đói meo.
Trong lúc chờ mẹ về, tôi không biết làm gì để giết thời gian bèn… cậy dỉ mũi tự chơi với mình. Thậm chí, tôi còn “nếm thử” cái “món đặc biệt” ấy, nó hơi mằn mặn thì phải…
Rồi đến một ngày, không biết vì lý do gì, mẹ bế tôi ra khỏi căn nhà của ông bà nội. xa bố, xa tất cả họ hàng bên nội.
Mẹ mang tôi đến rạp Kim Môn, nơi mẹ làm việc. Khi mọi người đã ra về, hai mẹ con ngủ trên mặt bàn, giữa phòng tập.
Cái khoảnh khắc nằm trên mặt bàn trơ trọi mênh mông ấy cứ tự nhiên găm vào trí nhớ non nớt. Không biết mẹ và tôi đã qua bao nhiêu đêm trên cái mặt bàn ấy… Bên ngoại đã thật là xa, bên nội cũng xa nốt, tôi chỉ có duy nhất một nơi bấu víu là mẹ. Tận trong sâu thẳm, tôi yêu mẹ, cần có mẹ và chỉ muốn mẹ là của riêng tôi. Những dịp được mẹ cho lên Bờ Hồ chơi, tôi đã rất khó chịu khi thấy bất kỳ ai ngồi cạnh mẹ trên tàu điện. Tôi không muốn họ chạm vào mẹ của mình, nên cố đẩy họ ra bằng được. Ích kỷ và bất lịch sự một cách hồn nhiên, cô bé con 3 tuổi cứ loay hoay bên nọ bên kia để giữ mẹ cho riêng mình. Ấy vậy mà có lần, chỉ vì thích một mẩu sắn luộc trắng bóc của một bà hàng rong, tôi đã cởi ngay cái áo choàng bằng dạ trắng mẹ mới mua cho ra để… đổi. Ngày bé, tôi tự nghĩ ra nhiều trò nghịch ngợm, ví dụ như tôi có thể nhắm một bên con mắt mà không bị nheo con mắt kia. Khi hai mẹ con ngồi trên xích lô giữa phố Hà Nội đông đúc, tôi giở mẹo vặt đó, và hồi hộp hỏi mẹ với một con mắt nhắm: “Mẹ ơi, mọi người có nhìn con không? Chắc họ nghĩ con bị chột một bên mắt đấy nhỉ?”. Và tôi có vẻ thích chí vì “đánh lừa” được người lớn.
Không thể cử cắp tôi vạ vật theo đoàn mãi được, mẹ gửi tôi vào một nhà trẻ ở ngoại thành Hà Nội. Đó là những ngày dài tăm tối tuyệt vọng trong nỗi nhớ mẹ vô cùng, là thời gian mà trái tim non nót của tôi cảm nhận được sự cô đơn trống vắng không bao giờ quên. Có một hình ảnh của chính mình, mỗi lần nghĩ lại, tôi vẫn muốn ứa nước mắt bởi thương cảm cho cái tâm hồn yếu ớt của đứa trẻ là tôi lúc đó.
Cứ chiều thứ bảy, chúng tôi lại được bố mẹ đón về. Ai mà chả háo hức những chiều thứ bảy. Sau một tuần dài dằng dặc, tôi thèm được ở bên mẹ biết bao. Vườn trẻ có một ô cửa sổ nhìn ra con ngõ nhỏ, nơi mẹ đi đến đón tôi. Tôi thường bấu chặt vào song cửa sổ hóng mẹ. Lần ấy, loáng cái, các bạn đều được đón về hết. Trời tối đen lúc nào không biết.
Chỉ còn mình tôi. Thời gian sao mà dài như vô tận. Tôi bám cửa sổ đến mỏi chân. Mãi không thấy mẹ đâu. Các cô giáo an ủi: “Con ơi, xuống đi, muộn lắm rồi. Chắc mẹ Mai còn bận đi diễn, không vào đón con được đâu. Đêm nay ở lại đây vậy”. Lời cô giáo khoét sâu vào nỗi tuyệt vọng của đứa bé mới ba tuổi. Cổ họng nó tắc nghẹn. Trái tim đau đớn chỉ chực bật thành tiếng khóc, nhưng nó gan lì không khóc. Nó từ chối cả cánh tay cô giáo đưa ra đỡ xuống. Hai cánh tay bé bỏng nắm chặt song sắt gỉ lạnh, đôi mắt thơ dại khô khốc hi vọng nhìn vào đêm đen. Nó không thể tin rằng mẹ lại không vào đón nó. Nó cũng không chịu tin lời các cô giáo. Nó đã đợi mẹ cả tuần rồi. Nó tin chắc, mẹ không thể bỏ nó một mình ở lại trong khi tất cả các bố mẹ khác đều đến đón con cái họ về.
Thế rồi, sự kiên nhẫn của nó đã được đền đáp, trong đêm khuya thanh vắng, bỗng vọng vào tiếng người đi xe đạp lọc cọc trên con đường đầy đá sỏi. Âm thanh ấy càng lúc càng rõ rệt hơn. Tôi chồm tới gào lên: “Mẹ Mai ơi, đón con?”. Thì ra, đêm đó mẹ phải diễn đột xuất, nhưng biết là tôi sẽ chờ bằng được nên mẹ vẫn một mình đường xa vắng vẻ vào đón tôi về.
Tại sao tôi lại nhớ lâu, nhớ mãi khoảnh khắc này bởi tôi yêu mẹ và cần có mẹ biết bao. Đã 45 năm trôi qua rồi, mà tôi vẫn nhớ như in cái đêm đó. Bây giờ, trái tim tôi mềm yếu hơn nhiều. Tôi dễ xúc động, dễ rơi nước mắt hơn. Tôi không can đảm bằng tôi lúc mới lên ba.
Chính ở trại trẻ đó, tôi có những giấc mơ rất khủng khiếp. Sau này lớn lên, đọc sách, thấy có nhiều đứa trẻ cũng có giấc mơ giống mình. Nhiều đêm liền, tôi nằm ngủ trên cái giường hai tầng trong nhà trẻ, cứ thiếp ngủ là lại thấy những qụả bóng hình bầu dục mầu nhờ nhờ, bay qua bay lại trên trần nhà. Những quả bóng di chuyển khắp phòng, đuổi theo tôi như dọa dẫm sẽ nổ tung bất cứ lúc nào. Nỗi sợ làm cả người tôi đông cứng. Không dám ngủ. Mở mắt ra chỉ thấy đêm đen kịt, đặc quánh, hãi hùng. Hình như, từ những đêm không dám ngủ đó, tôi biết thế nào là cô đơn buồn bã như một người lớn.
Đời sống ở trại trẻ và những năm tháng nội trú trường múa sau này đã dạy cho tôi biết suy nghĩ độc lập và tự mình lo toan tất cả.
***
Chiến tranh diễn ra ngày càng khốc liệt. Khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến” giăng ở khắp nơi. Không ai nghĩ cho riêng mình. Càng không ai nghĩ đến lợi riêng khi mà “Tổ quốc lâm nguy”. Miền Bắc bị máy bay Mỹ bắn phá ngày đêm. Người già và trẻ em phải đi sơ tản, người còn sức lực phải ở lại Hà Nội bám trụ sản xuất. Một lần nữa, tôi lại phải xa mẹ, xa gia đình. Lần này tôi không đi một mình mà đi cùng cô em gái mới 2 tuổi. Hai chị em tôi đi theo một trại trẻ do đoàn kịch lập ra cùng rất nhiều trẻ con cũng xa bố mẹ như chúng tôi.
Trại trẻ cách Hà Nội vài chục cây số. Tất cả các ông bố bà mẹ đều gửi gắm con cái mình cho các cô nuôi trẻ. Tôi bước vào lớp vỡ lòng, tập nguệch ngoạc vẽ những nét chữ A, B, C, đầu tiên cùng trọng trách của một người chị thay mẹ trông em. Nhìn bọn trẻ con ở quê cầm củ khoai lang nóng hôi hổi hay bọn bạn xung quanh ăn bánh bít-cốt bố mẹ chúng tiếp tế, tôi thèm rỏ rãi. Hòm gỗ của chị em tôi thường trống rỗng.
Một lần, tôi đã cả gan cậy nắp hòm của một đứa, nhưng rồi cũng chỉ dám nhìn cái gói bánh bít-cốt vàng óng bên trong giống như ngắm nhìn cả một trời mơ ước, khát khao… Có lúc bắt gặp em gái đứng ngẩn mặt đầy thèm muốn nhìn bọn trẻ khác ăn quà, tôi uất ức tủi thân lôi em ra góc khuất đầu hồi, củng vào đầu em một cái rõ đau, rồi cả hai chị em cùng oà lên nức nở.
Trại trẻ nơi sơ tán là một dãy dài những gian nhà lá đơn sơ với giường chiếu được ghép lại từ những miếng ván gỗ. Những miếng gỗ được kê lên hai đâu làm bằng tre ngâm bốc mùi thối hoắc. Đó là chiếc giường khổng lồ nối từ đầu này tới tận cùng của đầu kia lán trại. Những mảnh ván to nhỏ cong vênh dập dềnh dưới bàn chân chạy nhảy của lũ trẻ con.
Không phân biệt con trai con gái, chúng tôi cứ sống chung với nhau như vậy. Chỉ đến khi đi ngủ, ranh giới mới được phân định bằng những chiếc chiếu xộc xệch, những chiếc màn xô vàng khè nom như những cái vó tôm của các bác nhà quê. Và khi đêm xuống, ánh trăng khuya hắt vào qua khe cửa hở, soi bóng những chiếc lá tre lay động trên góc màn như những bàn tay gầy đang múa…
Lũ trẻ con chúng tôi ngủ rất say như không hề có bom đạn chiến tranh. Xa gia đình, chúng tôi tự tìm ra được một vài thú vui để khỏa lấp nỗi nhớ cha mẹ. Bọn con trai, dùng vỏ chăn căng thành phông màn dựng nên một sân khấu nhỏ là giường phản; những mảnh vỏ chăn bạc màu được vặt lên dây làm thành màn kéo. Bọn con gái đi thu thập đầu mẩu bút chì đỏ, nghiền ra, cho tí nước lã vào tạo thành một thứ bột sền sệt. Chúng tôi dùng thứ bột dó bôi quét cho nhau như khi bố mẹ hóa trang ra sân khấu. Nhìn nhau, đứa nào cũng nhoe nhoét nhòe nhoẹt chì đỏ trông thật ngộ nghĩnh, tức cười.
Chúng tôi thường diễn “vở kịch” phỏng theo câu chuyện cổ tích Thạch Sanh cứu công chúa Quỳnh Nga mà đứa nào cũng biết. Chẳng cần kịch bản, đạo diễn, với năng khiếu bẩm sinh của con cái các nghệ sĩ kịch, chúng tôi diễn theo kiểu tự phát, nghĩ tới đâu diễn tới đó, tự bịa ra những lời thoại cực kỳ thú vị. Tôi được vào vai công chúa. Tới đoạn cứu được công chúa, chàng Thạch Sanh để nàng ngồi lên lưng ngựa vượt rừng lội suối. Đương nhiên, một cậu trai nhỏ phải đóng vai ngựa cho tôi cưỡi. “Chú ngựa” bò bằng hai tay và đầu gối, gặp phải phản gỗ mấp mô, đau quá, chú ngựa đổ sụm xuống khiến công chúa ngã nhào theo. Cả bọn được một phen cười thỏa thích… Có lẽ đó là một cách dàn dựng kịch theo trường phái hiện đại của Brếch sau này cũng nên, bởi lũ trẻ con chúng tôi vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên, lại vừa là khán giả nữa…
Cuối tuần, cả bọn lại ngong ngóng bố mẹ vào thăm. Vì phải đi diễn phục vụ khắp nơi nên không phải ai cũng đến được. Không phải tuần nào cũng có người đến. Nhưng tuần nào tôi cũng cứ hi vọng Tuần này mẹ không vào được thì gắng đợi đến tuần sau, tuần sau nữa…
Có một thời kỳ chờ đợi như thế… Trời đã về chiều, nắng đã sắp tắt, bỗng nghe tiếng cô giáo gọi: “Vân, Khanh ơi, ra có người nhà đến thăm này”. Bàn chân líu ríu chạy chực ngã. Trái tim hồi hộp đập dồn. Tôi chạy ào ra đầu khu lán trại. Cảm động đến sững sờ. Tôi nhìn thấy bác tôi, bác Đoàn, chị ruột bố. Bác và người bạn gái, bác Lân, đèo nhau bằng chiếc xe đạp cà tàng vượt mấy chục cây số để vào thăm hai chị em tôi ư! Nét mặt hai bác nom phờ phạc vì đường xa bạt gió. Tôi đứng khựng lại, chẳng thốt được lời nào vì xót thương hai bác. Nếu tôi hé miệng, tiếng òa khóc sẽ buột ra, mà tôi không muốn để hai bác thấy mình khóc. Quà của bác là một nải chuối tây chín vàng và một cái bánh mỳ đổi bằng tem phiếu. Chẳng kịp nói gì nhiều, bác lại phải về ngay vì lo trời tối lạc đường. Tôi cứ đứng như trời trồng, không còn kịp hé răng nói lời cảm ơn. Nhìn hai bác vội vã quay xe, hai hàng nước mắt tôi lặng lẽ chảy dài trên má…
Tôi đâu biết rằng sau này, cuộc đời tôi còn rất nhiều lần âm thầm lặng lẽ khóc một mình như thế. Chỉ mới bắt đầu thôi, hỡi Vân bé bỏng. Cuộc đời này còn nhiều điều tủi phận hơn thế nữa đang chờ…
***
Dường như không chịu nổi cảnh xa con, mẹ lại đón chúng tôi về Hà Nội. Đoàn kịch diễn ở đâu, mẹ tha lôi chúng tôi theo đó. Hai chị em vạ vật bên cánh gà sân khấu lưu động. Không biết bao nhiêu vở kịch đã găm vào đầu tôi từ thủa ấy. Tôi thích nhất hình ảnh mẹ trong vai cô Diễm trong vở “Cái máy chém”. Bởi trong vai đó, mẹ luôn mặc tấm áo dài trắng, mái tóc phi dê thả dài, trông mẹ thật đẹp, một nét đẹp mảnh mai trẻ trung. Sau đó, đời diễn kịch của mẹ chỉ toàn đóng vai các bà già. Mẹ đóng vai già khi mẹ còn rất trẻ, chưa đầy ba mươi…
Khi cuộc chiến bị đẩy lên tới đỉnh điểm ác liệt, chính phủ huy động toàn quân toàn dân đóng góp sức người sức của cho tiền tuyến. Tất cả lao vào chiến trường, trong đó có các đoàn nghệ thuật. Bố cũng ở trong số những nghệ sĩ đi B thời kỳ đó. Ngày bố lên đường, mấy mẹ con tôi đến tiễn bố tại trụ sở đoàn kịch nói Trung ương. Các nghệ sĩ được trang bị như những chiến sĩ. Cũng ba lô con cóc mũ tai bèo, tăng nhựa, võng bạt, đèn pin, lương khô nén và dù ngụy trang.
Bao trùm lên là không khí ngậm ngùi tiễn đưa người ra trận giữa cha mẹ với con cái, giữa vợ với chồng, giữa những người đang yêu… Không ai nói nhưng đều hiểu một điều: có thể họ sẽ chia tay nhau mãi mãi. Cùng với vòng tay ôm ghì xiết chặt là những đôi môi mím lại để khỏi bật thành tiếng khóc. Và rồi chiếc xe tải chở họ đi mất. Mẹ và chúng tôi đứng nhìn theo bóng chiếc xe xa dần. Tôi thấy bố cố nhoài người ra vẫy. Cánh tay bố lẫn vào mấy chục cánh tay khác huơ huơ lên tiễn biệt. Những bàn tay như những chiếc lá trắng lay động, run rẩy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.