Linh Phi Kinh

Chương 113: Lực Vãn Cuồng Lan (3)




Mọi người nghe vậy tức thời tỉnh ra. Diệp Linh Tô đi trước, dẫn mọi người đến thẳng động Quy Tàng. Đến phía trước động, chỉ thấy cửa động khép hờ, đẩy cửa vào trong quan sát, phát hiện ra Hoa Miên đang nằm sắp mặt trên nền, kệ giá bên mạn bắc gãy đổ dọc ngang, sách cổ rơi lung tung xuống đất.
– Dì Hoa! – Diệp Linh Tô hét toáng lên, xông lên phía trước ôm lấy Hoa Miên.
Tịch Ứng Chân cũng bước lên bắt mạch cho bà, đoạn thở phào trấn an:
– Diệp cô nương đừng lo, Hoa tôn chủ vẫn còn sống.
Dứt lời, ông truyền nội lực vào bên trong. Hoa Miên giật nảy người, dần dần mở mắt ra, ngơ ngác nhìn mọi người xung quanh.
Diệp Linh Tô mừng rỡ bật khóc, ghì chặt lấy Hoa Miên chẳng chịu buông tay. Từ nhỏ mẹ cô đã bị giết hại, nhờ một tay Hoa Miên nuôi lớn đến bây giờ, tuy ngoài miệng xưng hô dì cháu nhưng trong lòng cô đã thầm xem bà như mẹ mình. Diệp Linh Tô vốn đã chất chứa rất nhiều uất ức trong lòng, nay được thể phát tiết, nước mắt tuôn ra khó mà kềm nén, khóc nghẹn ngào đến mức chẳng thể ngẩng lên.
Tịch Ứng Chân ho khan bảo:
– Diệp cô nương bình tĩnh, để ta hỏi chuyện Hoa tôn chủ đã.
Diệp Linh Tô nghe thấy lời này mới chịu nuốt nước mắt lại, bỗng thấy ánh mắt mọi người đang chăm chú nhìn mình, cô nhất thời đỏ bừng mặt, mím chặt môi son, quay sang một góc trong động, nhìn lom lom vào đó với vẻ ngây ngốc xuất thần.
Lão đạo sĩ hỏi:
– Hoa tôn chủ, sao bà lại nằm trên nền đất?
Hoa Miên đã khôi phục phần nào trí óc, bà nhớ lại:
– Ban nãy ta tiến vào động, phía sau gáy bỗng trúng phải một đòn, những chuyện sau đó ta chẳng biết gì nữa.
Bà ngước nhìn mọi người với vẻ dò ý, Diệp Linh Tô liền mang chuyện quay trở lại của Xung đại sư và Minh Đấu kể cho bà nghe. Hoa Miên mặt mày thất sắc, siết tay căm phẫn:
– Đều tại ta sơ suất… Chẳng biết những pho sách quý trong động giờ đây mất mát thế nào…
Nói đến đây, trong lòng cảm thấy hết sức bất an.
Lúc này, Thi Nam Đình liền mang toàn bộ sách ra kiểm tra một lượt, sau đó chân mày ông chau lại, muốn nói gì đó lại thôi. Hoa Miên thấy tình thế không ổn, vội hỏi:
– Mất những gì rồi?
Thi Nam Đình lặng im một lúc, chậm rãi nói:
– Những thứ khác có mất hay không ta chưa rõ, thế nhưng không thấy “Thiên Cơ Thần Công Đồ” đâu nữa!
Hoa Miên nghe vậy run bắn người, đơ lưỡi cứng họng. Dương Phong Lai vội hét lên:
– Sao lại thế được? Tìm lại lần nữa xem!
Thi Nam Đình gật đầu, hai người bắt đầu ra tay lục soát lại một lần nữa, sau đó hướng mắt nhìn nhau, ai nấy mặt xám như tro.
Hoa Miên thấy dáng vẻ hai người như vậy, tay chân bà lạnh toát, hơi thở bị ngăn lại, lăn đùng ra ngất xỉu.
Tịch Ứng Chân thấy tình hình có vẻ lạ, không kềm được thắc mắc:
– Thi tôn chủ, Dương tôn chủ, “Thiên Cơ Thần Công Đồ” rốt cuộc là loại sách thế nào?
Thi Nam Đình ngập ngừng một thoáng, nhìn sang Dương Phong Lai, người kia rầu rĩ bảo:
– Đến nước này rồi còn gì mà phải giấu?
Thi Nam Đình gật gật đầu, thở dài kể:
– “Thiên Cơ Thần Công Đồ” là một bộ sách ghi chép lại tất cả các loại cơ quan tinh xảo mà bao đời hiền triết của Thiên Cơ Cung lưu truyền. Vào thời nhà Nguyên, quân Nguyên hỏa thiêu Thiên Cơ Cung, sách vở của Cung phần lớn đều bị thiêu rụi trong trận lửa ấy. Về sau, “Tây Côn Luân” Lương Tiêu bị trọng thương, theo mọi người lên trên đảo, ông ta không đành lòng để cho trí tuệ của Thiên Cơ Cung bị mai một như thế, vì vậy trong lúc dưỡng thương, bằng trí nhớ của mình, ông đã biên soạn lại những cơ quan thuật số trong Cung, tuy bản tính xấu xa nhưng nhờ biết chắt lọc tinh hoa, thêm vào những sáng kiến mới của bản thân, tốn công tốn sức mất ba năm trời, cuối cùng ông ta cũng soạn xong bộ “Thiên Cơ Thần Công Đồ” này. Tạm thời không bàn về nhân cách, nhân vật Lương Tiêu này vốn là thiên tài kiệt xuất, chính là nhân vật trăm năm hiếm thấy. Những người già kể lại rằng, cơ quan toán học của ông ta vô cùng tinh diệu, sớm đã vượt xa các đời hiền triết của Thiên Cơ Cung. Bộ sách này gọi là “Thiên Cơ” chẳng qua chỉ xuất phát từ lòng kính trọng, chứ nói thật, đó chính là kiến thức một đời của “Tây Côn Luân”. Sau này Đông Đảo của ta phản kháng quân Nguyên, may mà nhờ có nó, còn nhớ năm ấy thừa tướng triều Nguyên là Thoát Thoát đích thân xuống phía nam, Vân đảo vương mang theo bộ sách này đuổi theo đến Cao Bưu, liên tiếp tạo ra chín món vũ khí để thủ thành. Chẳng ngờ, một thành trì nhỏ nhoi như vậy lại có thể ngăn cản được trăm vạn sư đoàn của Thoát Thoát. Về sau, nếu không phải Lương Tư Cầm quay trở về Trung Nguyên, chỉ với bộ sách này, e rằng Chu Nguyên Chương cũng chưa chắc có thể thống nhất thiên hạ.
Tịch Ứng Chân mặt mũi sa sầm, vuốt râu không nói. Nhạc Chi Dương nghe mà kinh hãi, lên tiếng:
– Con lừa trọc ấy là người Mông Nguyên, sách rơi vào tay hắn chẳng phải chính là một bất lợi cực lớn hay sao?
– Đúng vậy! – Sắc mặt Thi Nam Đình càng lúc càng trở nên khó coi: – Chết người hơn ở chỗ, trong quyển sách này, thứ lợi hại nhất không phải là vũ khí thủ thành mà chính là vũ khí công thành. Lương Tiêu năm ấy dùng binh, không trận nào là không tung hoành, không thành nào là không thể tấn công, dẫn binh đi đến đâu thành trì Đại Tống đều bị tàn phá đến đấy. Người Mông vốn vô địch về dã chiến nhưng lại không rành về cách công thành, bộ sách này rơi vào trong tay hắn, còn không phải là chắp thêm cánh cho hổ ư?
Mọi người thảy đều tái mặt, Dương Phong Lai càng nghĩ càng giận, vung tay hét:
– Lý nào lại như vậy, chính mắt ta trông thấy con thuyền ấy đi xa rồi cơ mà.
– Việc này cũng dễ giải thích thôi! – Nhạc Chi Dương nói: – Thuyền đi người ở.
Dương Phong Lai sửng người:
– Ý là thế nào?
Thi Nam Đình thở dài:
– Chính là nói, bọn chúng để cho thuyền đi trước, còn bản thân thì lén lút nán lại trên đảo.
Dương Phong Lai hai mắt sáng lên, buộc miệng hỏi:
– Ấy chà, thế bọn chúng làm sao quay trở về thuyền?
– Cũng không khó! – Nhạc Chi Dương lắc đầu bảo: – Trên thuyền lớn nhất định sẽ cử ra một con thuyền nhỏ đến tiếp ứng.
Dương Phong Lai không cam tâm liền xông ra khỏi thạch động, chạy một mạch đến bên bờ biển dõi mắt trông ra xa, chỉ thấy nơi trời biển giao nhau thấp thoáng có một chấm đen, nhìn kỹ lại chính là một con thuyền nhỏ. Dương Phong Lai ngoác miệng chửi:
– Giỏi cho thằng giặc trọc, gian xảo con mẹ nó thế là cùng.
Ngây phỗng ra một lúc, lão quay sang nhìn Thi Nam Đình hỏi:
– Thi tôn chủ, giờ phải làm sao?
Thi Nam Đình nhíu mày nghĩ ngợi, đang rối ren chẳng tìm được cách nào, chợt nghe Nhạc Chi Dương nói:
– Thi tôn chủ, có thể chuẩn bị một chiếc thuyền lá hay không?
Thi Nam Đình thoáng ngẩn người, bỗng hiểu ra ý liền nói:
– Ngươi muốn đuổi theo bọn chúng à?
Nhạc Chi Dương nói:
– Phải, trong khoảng thời gian ngắn như vầy, tên giặc trọc nhất định chưa thể đi xa được. Ta và Tịch chân nhân lập tức đuổi theo, biết đâu chừng có thể đoạt sách trở về.
Tính thêm Hoa Miên, Đông Đảo Tam Tôn giờ đây đều đã bị thương. Vân Thường thì không biết đi đằng nào, những gã đệ tử khác càng không phải đối thủ của bọn người Xung đại sư. Võ công của Tịch Ứng Chân thì không cần phải bàn, Nhạc Chi Dương đánh bại được Trúc Nhân Phong, tuy là bằng một cách thức lạ thường khó hiểu nhưng tóm lại cũng là chiến thắng. Nếu muốn đoạt lại sách quý, trừ hai người này ra thật không tìm ra kẻ thứ ba.
Thi Nam Đình suy tính thiệt hơn, nghĩ thầm Tịch Ứng Chân tuy là đế sư của Đại Minh, nhưng so ra thà để “Thiên Cơ Thần Công Đồ” rơi vào tay Chu Nguyên Chương còn hơn là tiện nghi cho bọn thiết kỵ Mông Nguyên. Nếu người Mông mà dựa vào bộ sách này tràn xuống phía Nam lần nữa, sinh linh ở Trung Nguyên nhất định sẽ đồ thán, Đông Đảo không phải sẽ trở thành đại tội nhân gây họa cho thiên hạ hay sao?
Nghĩ đến đây, Thi Nam Đình siết chặt nắm tay, xoay người lại hỏi:
– Ý của Tịch chân nhân thế nào?
Tịch Ứng Chân hiểu rõ lẽ sinh tử, an nguy của bản thân chỉ xếp vào hàng thứ yếu, đối với việc thất lạc “Thiên Cơ Thần Công Đồ” mới là mối bận tâm hàng đầu, vì vậy ông lập tức đáp ngay:
– Nhạc Chi Dương nói đúng lắm, quyển sách này liên can đến vận mệnh cả thiên hạ, bận đạo không thể thoái thác trách nhiệm.
Thi Nam Đình gật đầu thật mạnh, bảo:
– Đồng sư huynh, huynh tìm vài tên đệ tử giỏi chèo thuyền, chuẩn bị một chiếc “Thiên Lý Thuyền”, dẫn theo Tịch Chân Nhân và Nhạc lão đệ truy đuổi kẻ thù.
Đồng Diệu lên tiếng đồng ý, lập tức chạy đi an bài. Tình hình khẩn cấp, hai người Nhạc-Tịch vội vã cáo từ mọi người. Giang Tiểu Lưu thấy Nhạc Chi Dương sắp đi, trong lòng buồn bã không vui. Nhạc Chi Dương đoán được tâm tư của hắn, mỉm cười nói:
– Ngươi cứ ở lại đảo dưỡng thương, ta đoạt được sách rồi sẽ trở về gặp ngươi.
Giang Tiểu Lưu đổi buồn thành vui, vội nói:
– Quyết định như vậy đi.
Nhạc Chi Dương mỉm cười gật đầu, đang định lên thuyền cùng Tịch Ứng Chân, chợt nghe một giọng nói êm ái cất lên:
– Chậm đã!
Hai người quay đầu lại nhìn, chỉ thấy Diệp Linh Tô đang bước vội đến gần, cao giọng bảo:
– Ta cũng đi!
Nhạc Chi Dương mỉm cười:
– Chuyến này đi liều mạng chứ không phải đi câu cá đâu.
Diệp Linh Tô mặt hoa xụ xuống, lạnh lùng nói:
– Hay nhỉ, mạng của ngươi là mạng, còn mạng của ta không phải à? Ngươi thì đi liều mạng được, còn ta chỉ có thể đi câu cá sao?
Cô phản bác lại một tràng làm cho Nhạc Chi Dương cảm thấy không đối đáp được, Tịch Ứng Chân cười bảo:
– Tiểu cô nương chí khí cao thật! Nhạc Chi Dương, ngươi mà không cho con bé lên thuyền chỉ sợ không ra khỏi hòn đảo này được đâu.
Nhạc Chi Dương thở dài, tránh sang một bên. Diệp Linh Tô ngẩng đầu bước lên thuyền, mắt nhìn thẳng chẳng thèm liếc đến gã.
“Thiên Lý Thuyền” nhờ mượn lực cơ quan nên dù chỉ vài người chèo lái cũng có thể tiến phăng phăng như bay về phía trước. Chẳng bao lâu sau, đảo Linh Ngao đã trở nên xa khuất, mọi người trên đảo hóa thành những chấm nhỏ li ti, theo sự lùi dần của hòn đảo, bờ biển cũng trở thành một lằn đen mỏng manh tít tắp.
Nhạc Chi Dương đưa mắt nhìn hòn đảo từ từ biến mất, nhớ lại khoảng thời gian hai năm qua, trong lòng xao xuyến không thôi, cảm giác vui sướng lâng lâng, như thể cá về biển lớn, chim trả trời xanh.
Chợt nghe âm thanh xáo xác vang lên, đưa mắt nhìn lại, Diệp Linh Tô đang đứng ở mũi thuyền, cổ tay tròn lẳng đang chìa ra ngoài cho một con ưng biển màu xám tro đậu lên, mỏ nó quắp như lưỡi câu, móng vuốt tựa cành khô, dáng vẻ hoạt bát, khí thế ngạo nghễ.
Nhạc Chi Dương trông đến phát ham, cười hì hì hỏi:
– Chú chim mới đẹp làm sao, cô nuôi nó à?
Diệp Linh Tô làm lơ không đếm xỉa đến gã, chỉ lo vuốt ve nhè nhẹ lên bộ lông của chú ưng biển.
Nhạc Chi Dương ăn phải “quả bơ” này, đang cảm thấy cụt hứng, chợt nghe một tên đệ tử Đông Đảo ở bên cạnh cười nói:
– Nhạc tiểu ca không biết rồi, con ưng này tên gọi “Ma Vân”, chính là thám tử của thuyền chúng ta.
Nhạc Chi Dương nghe đến hai từ “thám tử”, đôi mắt sáng lên, vội hỏi:
– Cử nó đi tìm tên lừa trọc à?
Tên đệ tử ấy đáp:
– Phải đó, bằng không giữa biển cả mênh mông, biết đi đâu mà tìm bọn chúng chứ? Nhãn lực của chim ưng siêu việt vô cùng, một lần bay như vậy, mọi sự việc diễn ra trong vòng một trăm dặm đều không lọt qua được mắt nó.
Nhạc Chi Dương càng cảm thấy thú vị, hiếu kỳ hỏi tiếp:
– Chim chóc không thể nói chuyện, dẫu trông thấy thuyền bọn chúng đi nữa thì làm sao có thể báo lại cho chúng ta biết?
Đệ tử nọ đáp:
– Chim có tiếng chim, thú có tiếng thú, thí dụ nếu chim ưng phát hiện ra thuyền, lúc quay về nó sẽ bay vòng vòng trên trời, bay một vòng là một chiếc thuyền, bay hai vòng là hai chiếc thuyền, nếu từ ba chiếc thuyền trở lên, nó sẽ bay liên tục ba vòng. Còn nếu là thuyền lớn, nó bay vòng lớn; nếu là thuyền nhỏ, nó bay vòng nhỏ, người ta cứ dựa vào đó để phán đoán thì có thể biết được quy mô lớn nhỏ của tàu thuyền rồi.
– Chim giỏi thật – Nhạc Chi Dương không khỏi hâm mộ: – Loài mãnh cầm như vậy, phải làm sao mới có thể khiến nó nghe lời?
Đệ tử nọ đáp:
– Chim ưng bản tính hoang dã cực kỳ, nếu muốn thuần phục nó nhất định phải rèn luyện từ từ. Nhạc tiên sinh, cậu từng nghe qua phương pháp “Ngao ưng”(*) hay chưa?
(ND chú: Ngao có ý nghĩa: rèn giũa, tôi luyện)
Nhạc Chi Dương lắc đầu, tên đệ tử nọ cười bảo:
– Khi mới bắt được chim ưng, mang nó buộc trên một cọc gỗ rồi nhốt trong một gian phòng, hạn chế cho ăn, không được để ngủ, nhanh thì ba ngày, chậm thì bảy ngày, nếu chim ưng chịu thuần phục thì sẽ hướng về cậu gật đầu, phương pháp như thế mang ít nhiều sự rèn luyện nên được gọi là “Ngao ưng”.
Nhạc Chi Dương hỏi:
– Thế sau bảy ngày, nó vẫn không khuất phục thì làm thế nào?
Tên đệ tử nọ mặt mày buồn so, thấp giọng đáp:
– Qua khỏi bảy ngày, nguyên khí của chim ưng đã bị tổn thương trầm trọng, e rằng chẳng thể dùng được nữa đâu!
Nhạc Chi Dương bất giác lặng người, thầm nghĩ chim ưng chao liệng khắp trời đất, tự do vui sướng biết là bao nhiêu, vướng vào lưới bẫy của loài người rồi phải chịu đựng nỗi nhục nhã như thế, thà rằng chết đi còn sướng hơn phải sống kiếp nô lệ.
Đang ngẫm nghĩ, Diệp Linh Tô bỗng vung tay, Ma Vân bay vọt lên bầu trời, thiếu nữ co ngón tay ngọc ngà lên ngang miệng huýt sáo hai tiếng, lại rút từ trong người ra một chiếc khăn tay đỏ thắm, bắt đầu vẫy mạnh theo nhịp điệu trên dưới trái phải. Chú ưng biển xoay tròn hai vòng trên đỉnh đầu cô rồi bất chợt lao vút lên không trung, bay thẳng về phía tây.
Nhạc Chi Dương dõi theo chú chim ưng hóa thành một chấm đen, chỉ cảm thấy cần cổ ê ẩm, quay đầu trông lại, lúc này Diệp Linh Tô ngồi nơi đầu thuyền, đang chăm chú nhìn ra biển rộng trời cao, đầu mày khóe mắt toát lên vẻ cô độc.
Nhạc Chi Dương ngẫm nghĩ một thoáng, cúi đầu mỉm cười:
– Diệp cô nương, còn giận sao? Xem như ta không tốt, cho ta xin lỗi cô. Cô là nữ anh hùng còn ta là tiểu lưu manh. Nếu phải liều mạng thì cô nhất định lợi hại hơn ta; còn nếu nói về đi câu, ta cùng lắm chỉ câu được một con tôm hùm, còn cô hẳn có thể câu được một con cá voi to tướng.
Gã nói rồi bật cười rúc rích, ai dè Diệp Linh Tô vẫn trơ trơ như không, dường như chẳng hề nghe thấy.
Nhạc Chi Dương lại bị thêm một vố quê xệ, gã quá sức chán nản, hậm hực quay trở về khoang thuyền, tìm Tịch Ứng Chân chơi cờ, vừa chơi vừa bảo:
– Cô nàng này thiệt là kỳ lạ, chẳng nói chẳng rằng gì cả.
Tịch Ứng Chân từ tốn bảo:
– Cha nó đột ngột đổi thành người khác, ngươi bảo có phải chuyện vui vẻ gì không?
Nhạc Chi Dương lẩm bẩm:
– Chỉ là, ta thấy cô ấy đáng thương, định trò chuyện giải khuây một chút, ai ngờ cô ấy một lời cũng không hé môi, ta chỉ sợ cổ ngột ngạt mà sinh bệnh.
Tịch Ứng Chân nhìn gã như thể đang cười cười, Nhạc Chi Dương bị ông nhìn đến nổi gai ốc, trợn mắt hỏi:
– Ông nhìn ta làm gì?
Tịch Ứng Chân gật gù bảo:
– Con bé ấy trông xinh đẹp thật đấy!
Nhạc Chi Dương tiện miệng đáp:
– Việc ấy còn phải nói!
Tịch Ứng Chân hạ một nước cờ, tỏ vẻ hờ hững bảo:
– Theo ta thấy, hai người các ngươi cũng có vẻ xứng lứa vừa đôi.
Nhạc Chi Dương nghe vậy giật thót, quân cờ trong tay rớt xuống bàn cờ, vô tình tự đẩy mình vào thế kẹt. Gã toan rút lại nước đi vừa rồi nhưng bị Tịch Ứng Chân ngăn lại, nhắc nhở:
– Quân tử hạ cờ không hối hận.
Nhạc Chi Dương kêu lên oan ức:
– Lão già gian xảo, ông nói chuyện nhố nhăng hại ta phân tâm.
– Nhố nhăng á? – Tịch Ứng Chân ha hả cười to: – Theo ta thấy, đây chính là chuyện vui nhà vui cửa. Vân Hư chả phải hạng tốt lành gì nhưng lại sinh được một đứa con gái xinh xắn, khó gặp cơ hội đẹp đôi sẵn có như vậy, ngươi đành tâm bỏ qua ư?
Nhạc Chi Dương xùy một tiếng, mắng:
– Đạo sĩ như ông, không thắp hương bái thần lại đi làm người mai mối là sao?
Tịch Ứng Chân cười:
– Âm dương nam nữ là lẽ vạn vật, lão đạo ta thân ở Huyền môn chứ cũng yêu cái đẹp của con người lắm. Còn nhóc con nhà ngươi, trông thấy mỹ nhân cũng chẳng chút động lòng lẽ nào lại là một thằng đần to xác?
Nhạc Chi Dương lặng lẽ lắc đầu, Tịch Ứng Chân tiên đoán nét mặt, trầm giọng hỏi:
– Không lẽ ngươi đã có người trong lòng rồi?
Nhạc Chi Dương nghĩ bụng: “Người trong lòng của ta chính là tiểu đồ đệ bảo bối nhà ông chứ ai”. Thế nhưng sự việc liên quan tới danh dự của Chu Vi, không tiện nói ra, gã chỉ đành bảo:
– Âm dương là lẽ vạn vật, vậy sao đạo trưởng không tự tác thành cho bản thân mình đi?
– Thằng khỉ! – Tịch Ứng Chân giơ tay cốc đầu gã một cái: – Ngươi dám xiên xỏ cả ta nữa cơ đấy!
Nói đến đây, ông tỏ vẻ mất mát:
– Có những người kém may, khi sinh ra đã là thân hòa thượng hay đạo sĩ. Nhạc Chi Dương, ngươi không có vận mệnh xuất gia, đời có câu:

Áo thêu vàng chàng đừng nhớ tiếc
Tuổi thanh xuân quan thiết thì hơn
Hoa kia đương độ sắc son
Bẻ ngay cho kịp kẻo còn cành không(*)


(ND chú: Đây là bài “Kim Lũ Y” của nữ sĩ Đỗ Thu Nương đời Trung Đường, nguyên văn là: “Khuyến quân mạc tích kim lũ y/Khuyến quân tích thủ thiếu niên thì/Hoa khai kham chiết trực tu chiết/Mạc đãi vô hoa không chiết chi”, tôi tạm phổ lại theo thể song thất lục bát.)

– Ngươi và con bé ấy đứng bên nhau cứ như là một đôi tiên đồng ngọc nữ trời sinh đất tạo, lão đạo tuy là người xuất gia nhưng cũng không thể nhẫn tâm để cho hai người các ngươi bỏ qua mối lương duyên này vô cớ được…
Còn chưa nói xong, ngoài khoang có giọng yêu kiều gắt lên:
– Lão mũi trâu chớ nói xằng bậy, coi chừng ta cắt lưỡi lão cho chó ăn đấy!
Nhạc Chi Dương nghe ra tiếng Diệp Linh Tô, sợ đến mất vía. Tịch Ứng Chân lại tỏ ra tỉnh bơ, thong dong nói:
– Nói xằng bậy thì bị cắt lưỡi, vậy nói sự thật thì thế nào đây?
Bên ngoài song trở nên im lặng, Tịch Ứng Chân mỉm cười, đứa mắt nhìn sang Nhạc Chi Dương, thấy gã chẳng tỏ vẻ gì khác lạ, ông khó hiểu nghĩ thầm: “Nó ngốc thật hay ngốc giả bộ đây, ngay cả ẩn ý của ta mà cũng không hiểu ư?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.