Lối Rẽ

Chương 41: Chương 41




“Cô nghe xem, ngay cả khi chỉ trích cô anh ấy dùng câu hỏi đấy! Còn bảo cô tự cảm nhận xem, từ ngữ khéo léo, sâu sắc tới nhường nào, đúng là ân cần, chu đáo.”
Hà Xuyên Châu lấy đồ ăn sáng ra hâm nóng: “Lẽ nào anh ấy tới nhờ mấy người lên công đường xử án giúp hả?”
Từ Ngọc giơ tay: “Phục vụ vì nhân dân! Phải phát huy tính năng động chủ quan! Đều nhờ lãnh đạo dạy giỏi.”
Thiệu Trí Tân không biết gì, nhưng lại là người vui nhất trong số họ, cậu bật cười: “Ha ha ha.”
Tiếng cười quá lớn, khiến mấy người Hà Xuyên Châu ngoảnh lại nhìn.
Thiệu Trí Tân như bị bóp cổ, lập tức im bặt lại, cúi đầu xuống thấp.
Anh Hoàng nghiêm túc hỏi: “Cô trêu anh ấy làm gì? Đồng chí Châu nhìn rất giống người đàng hoàng, không giống Trí Tân của chúng ta.”
Thiệu Trí Tân: “?” Lẽ nào cậu không phải người đàng hoàng sao?
Hà Xuyên Châu rót một cốc nước, khi quay người lại, miệng cốc che đi nửa gương mặt dưới của cô, nhưng đôi mắt cong cong cho thấy cô đang mỉm cười: “Anh không cảm thấy trêu anh ấy thú vị lắm sao?”
Anh hoàng đang chỉnh lại cổ áo sơ mi của mình, nghiêm túc khuyên bảo: “Đồng chí Hà Xuyên Châu, mong cô đừng phá hoại hình tượng vĩ đại của phân cục chúng ta trong mắt người ngoài, nếu không sau này công dân nhiệt tình tới, chúng tôi sẽ khó qua lại lắm. Cô như vậy sẽ khiến người ta hiểu lầm đấy.”
Từ Ngọc gật đầu phụ họa.
Thiệu Trí Tân nhìn chằm chằm Hà Xuyên Châu hồi lâu, không thể tin vào lỗ tai của mình.
Cậu tưởng Hà Xuyên Châu là kiểu người thoát tục, giống như người ngoài hành tinh, thậm chí những nhu cầu, khát khao cơ bản của con người đều đã bị cô ném ra phía sau, chứ không phải kiểu người thích trêu chọc người khác như hiện giờ.
“Dẹp ngay cái suy nghĩ đó của cậu đi, cậu chưa từng học khóa quản lý biểu cảm sao?” Anh Hoàng nhìn thấu suy nghĩ của cậu ấy, cười mắng: “Đội trưởng Hà của chúng ta đâu phải người tu luyện tà thuật.”
Anh Hoàng hắng giọng, đập bàn: “Khi nào cho anh ấy mời bọn tôi ăn cơm? Bữa cơm này không thiếu được đâu đấy!”
Hà Xuyên Châu nói: “Anh đi tự mà hỏi anh ấy.”
Hà Xuyên Châu nghĩ chuyện này coi như đã kết thúc tại đây. Mặc dù Châu Thác Hàng nói với cô sẽ có kết quả khiến cô hài lòng, nhưng cô không ôm quá nhiều hy vọng. Có thể kết thúc sự nghi ngờ của cư dân mạng đã là niềm vui lớn với cô rồi.
Cảnh sát bị chửi bới là chuyện thường thấy, cho dù họ có làm tốt hay không, là nhân viên thi hành pháp luật, họ nghiễm nhiên phải đối diện với tiêu chuẩn hà khắc hơn, cư dân mạng luôn tự cho mình là người yếu thế.
Người dân luôn có khuôn mẫu về cảnh sát, họ cảm thấy cảnh sát nên là những người mạnh mẽ, sắt thép, bao dung. Là những người vừa có thể giải quyết khó khăn cho người dân, bảo vệ an ninh xã hội, vừa có thể không sợ đao thép, uy hiếp, dũng cảm xông về phía hiểm nguy. Đồng thời cảnh sát cũng có thể duy trì sự khách quan, bình tĩnh tuyệt đối, không so tính thiệt hơn, mãi mãi nhân từ, rộng lượng.
Ấn tượng này mang tới vinh quang, niềm kiêu hãnh cho cảnh sát, không thể nói rõ đây là điều tốt hay xấu nữa.
Vì vậy mọi người không thích nghe cảnh sát kêu khổ, cũng rất khó tha thứ cho sự bực bội, u uất của mình vì những chuyện nhỏ nhặt. Đối với người dân bình thường, những điều này không mang tới sự đồng cảm mà còn hủy hoại hình tượng uy nghiêm thống nhất của cảnh sát trong lòng họ.
Hà Xuyên Châu đã quen với điều này.
Sự chú ý của dư luận như cơn gió lạnh kèm theo mưa tuyết, niềm vui, sự tức giận của mỗi cá nhân không ảnh hưởng tới hướng đi của cơn gió đó. Cơn gió lớn khiến người ta cảm cúm khi giao mùa cũng sẽ không ở lại một chỗ quá lâu, tới khi nó dần yếu rồi tan biến, bản thân dẹp hết những tâm trạng, cảm xúc kia là có thể tiếp tục tiến về phía trước.
Nhưng Hà Húc hết lần này tới lần khác chịu phải những lời trách móc cực đoan, khiến cô như bị nghẹn họng. Cô có thể không để ý tới sự chỉ trích của cư dân mạng với mình, nhưng cô lại thấy Hà Húc không đáng bị vậy.
Chập tối, bầu trời âm u suốt cả buổi chiều bắt đầu mưa lâm thâm.
Mùa xuân ở thành phố A luôn giao thoa giữa nắng và mưa, có điều những lần trời đổ mưa to đều khá nhẹ nhàng, những giọt mưa dày đặc như sợi lông trong suốt tung bay trên tán cây, kẽ lá, phát ra tiếng động dịu dàng khó lòng nghe thấy.
Trong thành phố bị mưa phùn bao phủ, có một cảm giác tươi đẹp thanh tao đang dần lên men.
Thiệu Trí Tân mở cửa sổ ra cho thoáng khí, gió lạnh tươi mát ùa vào trong phòng, cuốn trôi mọi sự nóng nực.
Buổi chiều, anh Hoàng đưa mấy anh em ra ngoài theo dõi kẻ tình nghi, do vậy trong văn phòng khá vắng, không ai nói chuyện, bầu không khí có phần im ắng.
Từ Ngọc đột nhiên hét lên: “Đội trưởng Hà.”
Thiệu Trí Tân vừa định ngồi xuống đã giật nảy mình trước tiếng hét của cô ấy.
Lúc này, nếu đổi lại là cậu, chắc chắn sẽ có người quát cho một tràng, quả nhiên Từ Ngọc được ưu ái hơn cậu nhiều.
Hà Xuyên Châu chỉ bình thản hỏi: “Sao thế?”
Từ Ngọc nói: “Cô xem tin tức đi! Tôi gửi link cho cô rồi đấy.”
Từ Ngọc gửi thẳng vào trong nhóm, Thiệu Trí Tân cũng ấn vào xem.
Link dẫn tới một video, tài khoản đăng là của một đài truyền hình chuyên cập nhật tin tức đời sống của địa phương. Chương trình này rất nổi trên toàn quốc, có mấy lần tin tức đều bùng nổ.
Từ tiêu đề có thể thấy họ đã làm hẳn một chuyên đề nghiên cứu về Hà Húc.
Trong văn phòng lần lượt hiện lên tiếng phát ra trong video.
Phóng viên cầm micro, nói có người liên lạc tới ekip chương trình của họ, muốn nói đôi lời về chuyện của cảnh sát họ Hà đang hot trên mạng, do vậy hôm nay họ sẽ giúp mọi người tìm hiểu sự thật.
Ống kính chuyển tới phía đối diện phóng viên, có hơn hai mươi người đứng ở quảng trường, thanh niên, người già đều có cả.
Ông lão đứng giữa đi lên trước, đợi phóng viên nói xong lời mở đầu, ông ấy giơ tay tỏ ý mình muốn nói.
Phóng viên: “Mời ông nói.”
“Tôi là người dân ở phố Tử Dương, trước đây tôi sống trong ngõ nhỏ phía trước, bây giờ tôi đã chuyển đi rồi. Khi Hà Húc còn là cảnh sát, nhà tôi cách đồn cảnh sát của họ chưa tới 500 mét, tôi có thể lấy thân phận của mình để chứng minh…” Ông lão hít sâu một hơi, từng cơ thịt trên mặt đều rung chuyển, lời nói ra tràn đầy sức lực, tới câu cuối cùng lại hóa thành nốt trầm trong bản nhạc, giọng không ngừng run rẩy: “Cậu ấy là người tốt.”
Những người khác gật đầu, có những người còn muốn chen lên trước, phóng viên và quay phim ra hiệu cho họ bình tĩnh lại, đừng xô đẩy.
Hai hàng nước mắt của ông lão lăn dài, mí mắt nặng trĩu, đỏ ửng, không biết là vì tức giận hay vì thương tiếc.
“Con trai nói với tôi, trên mạng có người vu khống Hà Húc dùng bạo lực thi hành pháp luật, ai nói vậy hả? Có giỏi các người đứng ra đây xem, ra đây nói lý với tôi này! Tôi quen biết cậu ấy bao nhiêu năm như vậy, ngày nào tôi cũng tới công viên gần tòa nhà đi dạo, tiện thể xem họ xử lý mấy chuyện ỏm tỏi, nhưng chẳng mấy khi thấy cậu ấy nổi giận! Năm đó tôi quen gần hết người ở phố Tử Dương, có ai nói cậu ấy không tốt? Xin hỏi cậu là người đánh vợ hay tên khốn đi lừa tiền thuốc men của bệnh viện hả? Sao lại ăn nói như vậy? Cậu phóng viên, cậu nói đi?”
Phóng viên lại gần ông ấy, gật đầu an ủi: “Ông lão, ông đừng giận, ông quen Hà Húc đúng không?”
Ông lão nói: “Đương nhiên tôi quen! Gần nhà Hà Húc có một đứa bé, bố nó ngồi tù, họ hàng lại mặc kệ nó, Hà Húc thường xuyên mang cơm tới cho nó, đưa nó tới bệnh viện khám, có việc gì cậu ấy cũng làm thủ tục cho nó, cả phố này đều biết. Cậu nói xem người như vậy có thể là người xấu được sao?”
Một thanh niên khoảng hai mươi lăm, hai sáu tuổi nắm lấy tay phóng viên, chuyển micro của anh ấy về phía mình. Cậu sợ mọi người không nghe rõ nên lớn giọng nói: “Tôi biết Hà Húc, tôi rất có ấn tượng với chú ấy. Khi học cấp hai, chú ấy luôn tới làm phiền tôi, con người chú ấy thật sự rất phiền phức. Giáo viên của tôi không muốn quan tâm tới tôi mà chú ấy cứ quan tâm hoài. Lúc chú ấy thấy tôi ở trong tiệm net đã đòi bắt tôi, lúc chú ấy đi tuần trên phố có thấy tôi cũng lại đuổi theo đòi bắt tôi về. Khi ấy tôi giận lắm, cảm thấy người này sao lo chuyện bao đồng thế…”
Rõ ràng lời cậu ấy nói là lời tố cáo, ngữ điệu cũng vô cùng hằn học, nhưng tới khi nói mấy chữ cuối cùng lại không khỏi nghẹn ngào.
Có người đứng sau vỗ vào lưng cậu ấy như an ủi, sự tiếp xúc quen thuộc đó khiến cậu ấy bất chợt thoát khỏi đau thương. Cậu ấy biết lúc này khóc lóc sẽ chỉ khiến bản thân trở nên vô dụng, nhưng mọi thứ xung quanh khiến cậu ấy không thể kiềm chế cảm xúc của mình được, nên cậu ấy đã cúi đầu, ôm mặt phát ti3t.
“Tôi chê chú ấy phiền nhưng tôi biết chú ấy là người tốt, tôi biết chú ấy muốn tốt cho tôi. Tôi từng lừa của chú ấy 10 tệ đi tới quán net chơi game, về sau chú ấy thấy tôi cũng không hề nổi giận, chỉ nói cháu thông minh thế, sao không đi học? Chú ấy là người đầu tiên nghiêm túc tìm kiếm ưu điểm của tôi, cố gắng khen ngợi tôi. Bố mẹ tôi mất kiên nhẫn với tôi, bố tôi thấy tôi là muốn đánh, chỉ có chú ấy sẵn sàng tâm sự với tôi, thậm chí tôi còn cảm thấy mình không xứng. Chú ấy rất rất rất tốt, thật đấy. Tôi xin các người đừng chửi chú ấy nữa, các người không hề biết gì hết!”
Phóng viên lấy khăn giấy ra đưa cho cậu ấy, người thanh niên tránh khỏi ống kính, cầm giấy lau loạn xạ, sau đó lùi về phía sau đám đông.
Người đàn ông trung niên bên cạnh đi tới, nghe giọng có vẻ không phải người thành phố A.
“Tôi phải cảm ơn Hà Húc và cảnh sát năm đó. Tôi suýt chút đã không đi đúng đường rồi. Năm ấy tôi làm ăn, bị người ta lừa, không còn mặt mũi quay về nhà, trong đầu toàn suy nghĩ lung tung nên đã tới đồn cảnh sát của họ xin ăn. Họ không hỏi gì, mua cho tôi bát mì. Ăn xong, tôi đi ra ngoài, muốn tới chỗ cây cầu… để nhảy xuống dưới. Cảnh sát Hà Húc thấy không ổn nên luôn lén đi sau tôi, lúc quan trọng anh ấy đã kéo tôi lại, sau đó ngồi bên cầu với tôi nói chuyện rất lâu, gọi điện cho người nhà của tôi, còn cho tôi vay 1000 tệ, bảo tôi mua vé về nhà. Khi đó vợ anh ấy vừa mất, anh biết không? Tôi có nhảy cầu hay không liên quan gì tới anh ấy? Anh ấy không cần phải quan tâm tôi như vậy.”
Phóng viên đã hết giấy, thấy anh ấy khóc chỉ có thể vỗ vai an ủi. Khi phóng viên định hỏi tình hình hiện tại của anh ấy, một thím trung niên không đợi được nói: “Tôi là người đại diện khu dân cư, để tôi nói.”
Phóng viên tìm được mục tiêu, kéo bà ấy ra khỏi đám người, đưa micro cho bà ấy nói.
Bà thím lấy một tờ giấy màu đỏ trong túi ra, mở nó ra cho mọi người xem: “Đây là chữ ký của các hộ dân trong khu dân cư chúng tôi, có những người đã chuyển đi, hộ mới có lẽ không quen anh ấy, nhưng người già ở lại đều có thể làm chứng cho anh ấy. Anh ấy rất tốt bụng, chưa từng làm sai chuyện gì, ngược lại khi khó khăn, anh ấy đều tới giúp mọi người, không hề tệ như những gì trên mạng nói! Anh ấy không thể giết người được, cậu đừng có đổ oan cho anh ấy! Anh ấy phục vụ cho người dân, người dân cũng phải chống lưng cho anh ấy!”
Hiện trường hơi hỗn loạn, người đi đường lần lượt ngoái lại nhìn, mọi người thi nhau nói, ngay cả tiếng của phóng viên cũng bị át.
Ống kính di chuyển, quay từng biểu cảm gương mặt của mọi người.
Hầu như ai cũng có vẻ mặt như nhau, không phải tức giận thì là hoài niệm, kính trọng.
“Lại còn có người nói con gái Hà Húc có vấn đề, mẹ nó nữa! Cậu bị ngu hả? Con gái Hà Húc không làm việc ở phố Tử Dương, phân cục công tác của con bé không ở chỗ chúng tôi! Khi cậu bịa đặt không mở bản đồ ra xem sao?”
“Chúng tôi không rõ chuyện của Đào gì đó, nhưng cảnh sát đã điều tra, kết quả không phán anh ấy có tội gì hết! Sao các người còn biết rõ hơn cả cảnh sát vậy? Mở mắt ra là nói người ta bao che?”
“Hôm nay chúng tôi tới đây là vì cảm thấy không thể để người tốt chịu thiệt được. Cảnh sát Hà quả thật đã làm rất nhiều chuyện tốt, anh ấy làm cảnh sát, cả đời không ngừng cống hiến, tại sao một đám cư dân mạng lại phán xét anh ấy như tội phạm? Hơn nữa cảnh sát Hà chết thảm như vậy, con gái anh ấy còn sẵn sàng làm cảnh sát, các người nghĩ là vì cái gì?”
“Cuối cùng Hà Húc chết vì cứu người, anh ấy chết vì cứu người đấy! Sỉ nhục anh ấy mà các người không thấy hổ thẹn sao?”
“Nếu như các người không tin thì có thể tới khu dân cư tìm từng người một để hỏi, chúng tôi có thể chịu trách nhiệm với lời mình nói, những người phát ngôn trên mạng làm được vậy không?”
“Xuyên Châu, cháu đừng sợ, cô chú luôn ở đây. Đừng tưởng người của phố Tử Dương chúng tôi dễ bị bắt nạt!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.