Lối Rẽ

Chương 64: Chương 64




Trịnh Hiển Văn rất muốn nói với người khác chuyện về mẹ mình.
Khi anh ta bừng tỉnh khỏi sự kiêu ngạo, ích kỷ hoang đường kia, đứng ở góc độ người thứ ba để bình tĩnh suy xét lại, anh ta mới thấy có lẽ mình còn ghê tởm hơn cả Hàn Tùng Sơn.
Sau 18 tuổi, ảnh hưởng của Hàn Tùng Sơn với Trịnh Tần Mỹ đã tạm thời bị phong tỏa, nhưng mẹ anh ta phải cõng theo anh ta, có khổ cũng không nói ra được, bắt đầu cuộc sống mới.
Một cô gái chưa tròn hai mươi tuổi, không có học thức, thiếu kinh nghiệm sống, thậm chí còn không biết đọc chữ, bà phải sống thế nào trong một thành phố xa lạ?
Sự hoảng loạn và bấp bênh, chơi vơi đó là thứ cả đời này Trịnh Hiển Văn cũng không hiểu nổi.
Khi anh ta bắt đầu hiểu chuyện, Trịnh Tần Mỹ đã có thu nhập khá ổn định. Mặc dù thu nhập đó là số tiền đổi lại từ một ngày làm việc hơn 12 tiếng của Trịnh Tần Mỹ.
Anh ta cũng từng có lúc nghe lời, nhưng vô cùng ngắn ngủi. Sau khi đi học nhà trẻ rồi lên tiểu học, anh ta thấy giữa mình và người bên cạnh cách biệt quá lớn, dần dần anh ta đã ngỗ nghịch, ương bướng hơn.
“Tôi luôn cảm thấy mẹ tôi quá hèn mọn, dường như bẩm sinh đã là người thấp kém. Tôi không hiểu sao bà ấy luôn cúi đầu, thấp giọng với người khác, rõ ràng không phải lỗi của tôi nhưng luôn bắt tôi nhẫn nhịn.” Trịnh Hiển Văn nhớ lại, ánh mắt mơ màng, thấp giọng nói: “Khi tôi học tiểu học, giáo viên nói làm người phải có chí khí, cốt cách. Đúng là đúng, sai là sai, phải dám kiên trì bảo vệ suy nghĩ của mình, dám bảo vệ chính nghĩa. Khi đó vừa nghe thấy vậy, tôi đã vô cùng tự ti, cho rằng mẹ tôi là loại người không có khí phách. Bà ấy không chịu được bất kỳ khó khăn nào, cũng không chịu được cực hình gì, gặp phải thử thách nào đó, chắc chắn bà ấy sẽ là người đầu tiên từ bỏ.”
Anh ta không bận tâm tới phản ứng của người khác, chỉ cần một không gian đơn độc.
Vì cổ hơi nhức nên Trịnh Hiển Văn cúi đầu, nói tiếp: “Năm tôi vừa lên tiểu học, bà ấy thuê một căn nhà nhỏ trong tòa nhà tự xây gần trường. Căn nhà đó chỉ hơn 30 mét vuông, không có nhà vệ sinh riêng, cũng không có nhà bếp, nhưng giá lại rất rẻ, mỗi tháng chỉ khoảng 80 tệ. Chủ nhà hở tí là nói đuổi chúng tôi đi, đặt ra rất nhiều quy tắc cho chúng tôi.”
Anh ta chỉ vào vết sẹo đã mờ trên cánh tay: “Có lần cháu trai chủ nhà bắt nạt tôi, tôi tức quá nên đánh nhau với anh ta. Tôi giằng tóc anh ta, anh ta cắn tay tôi. Mẹ tôi nghe thấy tiếng cãi cọ nên tới kéo tôi ra, nhưng lại không dám động vào người đối diện, chỉ có thể liên tục cạy ngón tay tôi ra, kéo lưng tôi. Đối phương đang tức tối nên ra tay không kiêng dè gì, cắn tay tôi bật cả máu. Tôi cũng quật cường, sống chết không buông tay, về sau người lớn vây quanh kéo ra liên tục chúng tôi mới tách ra.”
Trịnh Hiển Văn sờ chỗ da đã phẳng lại, vết sẹo từng được anh ta coi là chứng cứ đã lành lại từ lâu, ngoại trừ màu sắc hơi nhạt ra, không nhìn ra hình dáng vặn vẹo của vết thương nữa. Anh ta cười tự giễu: “Mẹ tôi không cả hỏi gì, ấn đầu tôi, bắt tôi xin lỗi. Tôi không đồng ý, bà ấy đỏ mặt, dạy dỗ tôi trước mặt bao người. Tôi mãi mãi nhớ chuyện này, bao năm qua nó luôn in dấu trong lòng tôi. Lần đầu tiên tôi bị người ta giẫm đạp lên tôn nghiêm lại là do mẹ tôi mang tới cho.”
Anh Hoàng muốn nói lại thôi, nghĩ tới việc anh ta đã không còn là đứa bé năm đó, đã hiểu mọi điều nên hiểu, giờ không cần được giải thích gì nữa.
Trịnh Hiển Văn lại nói tiếp: “Bà ấy rất bận rộn, bình thường tôi cũng phải đi học, không hay gặp bà ấy. Chưa tới 5 giờ sáng bà ấy đã dậy, làm việc xong thì về nhà nấu cơm trưa cho tôi. Lúc đó tôi và bà ấy ai làm việc người đó, chỉ tới bữa cơm tối chúng tôi mới có thể ăn cùng nhau. Sau khi chuyện đó xảy ra, tôi không muốn ăn cùng bà ấy, luôn đợi bà ấy ăn xong mới ngồi vào bàn ăn. Ban đầu mẹ sẽ đợi tôi, nhưng bà ấy không cố chấp hơn tôi được nên đã bỏ cuộc. Chuyện này kéo dài hơn hai tháng, quan hệ của chúng tôi mới dịu hơn.”
Trước đây Trịnh Hiển Văn luôn tự hào về sự kiên cường của mình, bởi vì anh ta làm gì cũng thuận lợi, mỗi lần nhìn thấy Trịnh Tần Mỹ đau lòng vì chuyện đó, anh ta còn có cảm giác vui vẻ khi được báo thù, anh ta chưa bao giờ suy nghĩ tới nguyên nhân phía sau điều đó.
Từ trước tới giờ, Trịnh Tần Mỹ đều chỉ ăn uống qua loa, hầu hết bà chỉ ăn bánh bao và dưa muối. Sau khi lấp đầy bụng xong, bà lại vội vã tới nhà hàng rửa bát.
Bà gầy tới không thể gầy hơn, tóc đã cháy nắng, mặc bộ đồ bán hàng mười mấy tệ, mấy năm liền vẫn chưa thay bộ quần áo mới.
Khi đó bà thường ngồi ở cửa, lặng lẽ nhìn Trịnh Hiển Văn, ánh mắt sâu như đáy biển, mang theo sự do dự khó nói.
Có lẽ Trịnh Tần Mỹ rất muốn xin lỗi anh ta, nhưng lại không biết nên mở miệng thế nào.
Bà cần giải thích hoàn cảnh của mình trước, sau mới nói ra lý do được. Nhưng tất cả đều gắn liền với giai cấp và quy tắc xã hội.
Bà không thể nói cho con trai biết, trong xã hội mọi người bình đẳng, có lúc tiền cũng có thể quyết định vị trí của con người.
Bà chỉ có thể ra sức ôm lấy Trịnh Hiển Văn vào mỗi tối, quan tâm tới vết thương của anh ta, từ đó thể hiện sự áy náy của mình.
Nhưng bà thật sự đã hối hận, nên chưa tới hai tháng sau, bà đã đưa Trịnh Hiển Văn rời đi.
Bà nghĩ chuyện này có thể gác lại phía sau, nhưng hiển nhiên với Trịnh Hiển Văn thì không phải.
Trịnh Hiển Văn nói: “Bởi vì chuyển nhà nên bà ấy mất một công việc khá nhàn hạ. Nhưng cũng may học phí tiểu học không cao lắm, bà ấy tích được một khoản tiền, đủ cho tôi học tới cấp hai.”
Quan hệ giữa họ rất kỳ lạ nhưng vẫn miễn cưỡng duy trì được. Nói một cách đơn giản thì là cuộc sống của một người mẹ đơn thân và đứa con trai ngỗ nghịch.
Mặc dù Trịnh Hiển Văn xem thường sự nhu nhược của Trịnh Tần Mỹ, nhưng anh ta vẫn yêu thương bà.
Vấn đề xuất hiện vào năm anh ta học lớp 9.
Thành tích thi vào cấp ba của Trịnh Hiển Văn rất bình thường, không thể tiếp tục kế thừa gen học tập xuất sắc nào đó, anh ta chỉ có thể thi được vào một trường cấp ba top dưới. Vì tiện cho anh ta đi học, Trịnh Tần Mỹ lại chuyển nhà tới gần trường.
Trịnh Hiển Văn luôn cảm thấy buồn cười trước cách làm học theo câu chuyện Ba lần chuyển nhà của Mạnh Từ*, anh ta cho rằng bà đang cưỡng ép mình thành một học sinh ngoan. Nhưng trong lúc giúp chuyển đồ đạc trong nhà, anh ta phát hiện ra một bức ảnh của Hàn Tùng Sơn.
*Câu chuyện kể về việc mẹ Mạnh Tử đã chuyển nhà 3 lần liên tục tới những nơi có môi trường tốt như gần trường học, để Mạnh Tử có thể ngoan ngoãn học hành, nhưng bà lại quên mất vấn đề cốt lõi là phải dạy cho con mình hiểu.
Trịnh Tần Mỹ giấu bức ảnh vào khe máy may.
Máy may đó đã có từ rất lâu, mấy lần hỏng rồi lại được sửa lại, nó đã gánh vác khối lượng công việc vượt xa sức chịu đựng của mình. Trịnh Hiển Văn vốn định vứt nó đi, nào ngờ phát hiện bức ảnh Trịnh Tần Mỹ khi còn trẻ.
Trong ảnh, Trịnh Tần Mỹ cười yểu điệu, dịu dàng, tựa đầu vào vai Hàn Tùng Sơn. Hàn Tùng Sơn lại khá lạnh nhạt, chỉ có khóe môi hơi nhếch lên.
Trịnh Hiển Văn nhìn thật lâu người trong ảnh, lần đầu tiên biết bố mình trông thế nào.
Anh ta sờ mặt mình, so sánh với đường nét gương mặt trong ảnh, chợt cảm thấy mình và Hàn Tùng Sơn rất giống nhau.
Trịnh Tần Mỹ nói bố anh ta đã mất từ lâu, thậm chí bà còn không cả nói tên bố cho anh ta biết. Trịnh Hiển Văn đoán một là người này đã chết thật, hai là một kẻ bạc tình.
Anh ta nghiêng về khả năng thứ hai hơn.
Dù sao anh ta cũng theo họ mẹ, Trịnh Tần Mỹ lại chưa bao giờ nói tới chồng mình, ấy vậy lại lặng lẽ giữ ảnh của ông ta. Đúng là thú vị.
Anh ta nghĩ Trịnh Tần Mỹ không xinh đẹp, đầu óc cũng chậm chạp, có lẽ không gặp được ai nhiều tiền đâu. Người đàn ông này không chỉ vô trách nhiệm mà có lẽ còn rất nghèo. Vậy nên anh ta chỉ lén cảm nhận hơi thở huyết thống mấy ngày rồi ném chuyện này sang một bên.
Năm lớp 11, trong giờ học Tin học, anh ta tiện tay đánh tên sau bức ảnh vào khung tìm kiếm, bất ngờ lại có rất nhiều thông tin liên quan. Anh ta đọc kỹ nội dung xong thì giật nảy mình, giờ anh ta mới biết Hàn Tùng Sơn là một người rất thành đạt.
Trịnh Hiển Văn mang theo trái tim loạn nhịp, xem lại ảnh trên mạng, thấy mặc dù Hàn Tùng Sơn đã béo hơn, đường nét gương mặt hài hòa hơn, đặc trưng vốn có của gương mặt cũng mài mòn dần, nhưng vẫn có thể nhìn ra vẻ ngoài ban đầu.
Anh ta lại tìm ảnh Hàn Tùng Sơn làm phóng viên khi còn trẻ, xác nhận đây chính là người chụp cùng Trịnh Tần Mỹ.
Anh ta không nói cho Trịnh Tần Mỹ biết, mà lấy tiền tiêu vặt trong tủ, lén mua vé tàu hỏa tới thành phố D, tìm tới công ty Hàn Tùng Sơn theo địa chỉ viết trên báo, đợi trước cửa, chờ ông ta xuất hiện.
Tới tận hôm nay, anh ta vẫn còn bàng hoàng trước sự liều lĩnh của mình, đồng thời còn tự thấy mình ngu ngốc.
Trịnh Hiển Văn châm biếm: “Tôi không nghĩ tới việc liệu ông ta đã kết hôn chưa, có con khác hay chưa, cũng không nghĩ tới việc mình có phải con trai ruột của ông ta không. Khi đó tôi chập mạch rồi, chỉ nghĩ tới một câu chuyện vừa ly kỳ lại nực cười, tự cho rằng khi Hàn Tùng Sơn thấy mình sẽ vô cùng vui vẻ. Nhưng Hàn Tùng Sơn thật sự giả tạo hơn tôi và Trịnh Tần Mỹ nhiều. Ông ta rất tỉnh táo, giỏi nắm bắt lòng người.”
Trịnh Hiển Văn chặn Hàn Tùng Sơn trước cửa công ty. Anh ta không nói gì, chỉ đeo balo, chắn trước mặt ông ta.
Khi đó còn có một đồng nghiệp khác đứng bên cạnh, tò mò hỏi anh ta muốn làm gì.
Anh ta chỉ Hàn Tùng Sơn, Hàn Tùng Sơn nhìn mặt anh ta một lúc, dường như phát giác ra điều gì, bình tĩnh bảo đồng nghiệp vào trước, còn mình đưa anh ta tới quán cafe gần đó.
Cuộc sống của Trịnh Tần Mỹ vừa túng quẫn lại đơn điệu, ngày thường có thể ăn một bữa vịt quay, uống Coca đã là phần thưởng lớn lắm rồi, đối với Trịnh Hiển Văn, cafe là một đồ xa xỉ anh ta không thể chạm tới được.
Anh ta ngồi vào ghế, thấy phục vụ đưa menu tới, anh ta không đọc hiểu mấy loại cafe trong menu, ánh mắt đảo tới cột giá, cuối cùng giả vờ ta đây cũng hiểu, gọi một ly cafe đá kiểu Mỹ.
Sau khi cafe được mang lên, anh ta phát hiện cafe rất khó uống, đắng tới nỗi anh ta không chịu nổi. Anh ta nhìn người đối diện, không muốn thể hiện gì, mặt không biến sắc, cầm ly cafe lên.
Hàn Tùng Sơn quan sát phản ứng của anh ta suốt quá trình đó.
Hai người im lặng ngồi nhìn nhau, Hàn Tùng Sơn không muốn lãng phí thời gian nên chủ động hỏi: “Cậu tìm tôi có chuyện gì sao?”
Giọng điệu của ông ta vừa nhẹ nhàng lại từ tốn, đồng thời vẫn không mất đi tính trầm ấm.
Trịnh Hiển Văn sững sờ, lý trí chìm vào trong niềm sung sướng khi gặp được bố, anh ta cứ thế nói ra hết suy nghĩ của mình, hoàn toàn không để ý thấy sự thay đổi trên gương mặt của Hàn Tùng Sơn.
“Bác có thể là bố của con đấy! Mẹ con tên Trịnh Tần Mỹ.”
Hàn Tùng Sơn hoang mang nói: “Tôi không quen ai tên Trịnh Tần Mỹ.”
Trịnh Hiển Văn lấy ảnh trong balo ra, Hàn Tùng Sơn quan sát tỉ mỉ, vừa bất ngờ lại tiếc nuối nói: “Trước đây bà ấy tên Trịnh Tú Chi, sao cậu lại là con trai bà ấy?”
Trịnh Hiển Văn nhoẻn miệng cười, giơ tay so sánh giữa hai người: “Chúng ta rất giống nhau, bác thấy sao?”
Hàn Tùng Sơn lộ ra vẻ mặt hoài niệm, ngón tay chạm vào người phụ nữ trên bức ảnh ố vàng, thở dài hỏi: “Bây giờ bà ấy thế nào? Gả vào gia đình tốt chứ?”
“Không tốt lắm, bà ấy sống một mình. Không có học thức nên không kiếm được nhiều tiền.” Trịnh Hiển Văn thấy thái độ của ông ta hiện rõ bốn chữ “đừng có uẩn khúc gì khác”, anh ta cũng hỏi luôn: “Khi đó tại sao bác lại rời đi? Mẹ con mới 18 tuổi đã sinh con ra rồi.”
Anh ta không thể gọi tiếng “bố” này ra được, nhưng anh ta đã thấy rất thân thiết với người này rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.