Manh Ngư Lạc Du - Sập Cao Tiểu Thư

Chương 1:





Hóa ra mẫu thân ta không phải mù bẩm sinh.

Xuân Lan Các nuôi dưỡng bà từ năm mười bốn tuổi, dạy bà thơ ca, đàn hát, cầm kỳ thi họa, nhưng lại chẳng dạy lễ nghĩa, liêm sỉ. Rồi họ đ.â.m mù đôi mắt của bà, phủ lên đó tấm vải trắng, che đi đôi mắt trong khuôn mặt xinh đẹp như hoa phù dung. Họ biến bà thành một tấm biển sống mời chào chuyện phong nguyệt.

Bà mềm yếu, nhu nhược, cam chịu, nếu may mắn đầu quân vào một gia đình tử tế cũng đỡ, nhưng số phận lại xô đẩy bà, như một chiếc lá nổi trôi giữa dòng đời đầy giông tố. Chính con người yếu đuối như bùn nát ấy lại mang thai ta ngoài ý muốn và bằng cách nào đó vẫn giữ được ta bên mình.

Sau một trận đòn dữ dội, mụ tú bà còn chưa kịp cho bà uống thuốc phá thai thì Huyện thái gia đã chuộc bà ra khỏi Xuân Lan Các.

Người đàn bà vốn chẳng bao giờ phản kháng ấy, ngày ngày âm thầm chịu đựng, thế mà lại có gan cầu xin Huyện thái gia chuộc mình.

Nhưng Huyện thái gia không phải là người tốt. Ra khỏi hương phòng, hắn kể khắp nơi rằng Tiểu Thu Tiên ở Xuân Lan Các tuy mù nhưng trên giường lại đầy mê hoặc, đúng là hiếm có.

Mà số ta dường như lại có chút may mắn. Dù thân phận bà thấp hèn, nhưng ta lại là cốt nhục của Huyện thái gia. Dù sao thì hắn cũng đã nhận phải quả báo không có con trai, nên đành cắn răng chuộc mẫu thân ta ra khỏi Xuân Lan Các, sắp xếp bà ở ngoại viện.

Nhưng chẳng bao lâu sau, bà chẳng thể giữ lấy mạng sống, chỉ hạ sinh được ta, một đứa con gái vô dụng.

Suốt ba năm sau khi ta ra đời, bà không còn sinh nở nữa, khiến Huyện thái gia mất hết kiên nhẫn.

Thế nhưng, mẫu thân ta dung mạo đoan trang, tài hoa hơn người, lại nhu nhược cam chịu, như một con vật bị dắt mũi. Mà lạ thay, trong thành, người ta lại chuộng nữ kỹ mù, điều đó đã trở thành một trào lưu.

Thế là Huyện thái gia sinh ra ý đồ xấu, biến mẫu thân ta thành món hàng thấp hèn nhưng đầy giá trị, dùng để lấy lòng các quý nhân.

Trong ký ức tuổi thơ của ta, Huyện thái gia hiếm khi xuất hiện, thậm chí ngay cả mẫu thân cũng chỉ cả tháng mới về viện một lần.

Dù trở về, bà cũng chẳng ở lại lâu, chưa đầy mười ngày nửa tháng lại bị một cỗ kiệu nhỏ đón đi vội vã.

Nhưng mỗi lần trở về, bà luôn mang theo cho ta một gói bánh đậu đỏ, một sợi dây buộc tóc, hoặc một đôi giày thêu, hay một bộ y phục.

Đôi khi ta không đợi được, tự mình trèo qua bức tường để ra ngoài, luôn nghe người ta đàm tiếu rằng bà dơ bẩn, bần tiện, cả người đầy ô uế.

Ta chẳng hiểu, rõ ràng mẫu thân ta lúc nào cũng thơm tho, vậy thì làm sao mà bẩn thỉu? Làm sao lại đầy ô uế?

Mặc dù trong lòng tự hỏi như thế, nhưng ta chưa bao giờ tranh luận với họ, chỉ tròn mắt lắng nghe, đôi khi nghe đến chỗ buồn cười còn vỗ tay cười lớn cùng họ.

Mỗi lần như thế, ta lại bị bà lão giúp việc kéo áo lôi về.

Dần dà, hàng xóm láng giềng bắt đầu lén lút nói xấu sau lưng ta. Có người chửi ta là kẻ ngu ngốc. Lại có kẻ bảo rằng ta sinh ra đã xui xẻo, nhìn ta mà khiến người ta run rẩy, chẳng giống trẻ con bình thường.

Về sau, có lẽ họ nhận ra ta thực sự ngu ngốc, cũng chẳng tránh né gì nữa, mắng thì cứ mắng, thích thì chỉ trỏ, chẳng còn kiêng dè, như thể chỉ cần chỉ thẳng vào ta là có thể chạm đến mẫu thân ta.

Nghe mãi thành quen, ta cũng hiểu ra rằng đời này mẫu thân ta chẳng bao giờ được người ta yêu thích. Ở thế gian này, bà còn không được xem là một con người.

Ta nhai mấy viên kẹo hồ lô mua trộm, cảm thấy chúng đỏ rực, ngọt lịm. Những lời của bọn họ nghe nhức nhối, như móng tay dài cào vào miếng sắt, khiến tai ta đau nhói.

Trời nóng đến ngột ngạt, cảm giác như bị bao quanh bởi những lớp bông dày đặc, che kín cả tai, mũi, miệng. Ta ngồi dựa vào góc tường lắng nghe, đột nhiên thấy mất hứng, tiện tay ném cây kẹo hồ lô chưa ăn xong xuống đất.

Một tiểu ăn mày ngồi chồm hổm ở góc tường không xa, đôi mắt sáng rực lên khi thấy kẹo rơi, lập tức lăn xả tới.

Ngay khi nó sắp chạm vào cây kẹo, ta thò chân ra, giẫm nát kẹo hồ lô dưới chân. Lớp đường vàng óng nhanh chóng dính đầy bùn đất, cả cây kẹo bị ta nghiền nát bét.

Tiểu ăn mày lườm ta đầy oán hận, nhưng ta chỉ cười lớn.

Nó cũng chỉ dám nhìn ta như thế thôi.

Chẳng có gì thú vị, ta buông chân ra.

Kẹo hồ lô có quý, nhưng cũng chẳng phải thứ hiếm có. Mấy đồng xu mua kẹo này là do ta trộm trong túi tiền của mẫu thân.

Dù sao bà cũng là một kẻ mù.

Dù sao bà cũng chẳng thấy được gì.

Có lúc ta tự hỏi, sao bà mặc lụa là, đeo ngọc ngà mà lại nghèo khổ đến thế, ngay cả mấy đồng bạc vụn cũng thiếu thốn.

Mãi sau này ta mới ngộ ra –

Những thứ lụa là, ngọc ngà kia chỉ là để bà lấy lòng người khác. Mẫu thân ta ngu ngốc như thế, hẳn chẳng ai chịu bỏ thêm tiền cho bà nữa.

Nghĩ đến việc bà phải dựa vào thân mình để kiếm chút bạc vụn nuôi ta, ta chỉ thấy buồn cười đến cùng cực. 

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.