Mật Ba Dao

Chương 1: Chương 1




Phú Tiểu Cảnh đặt chai Vodka nhãn đỏ lên quầy tính tiền, cúi đầu rút trong ví tờ 5 đô ra. Mặt Lincoln trên tờ tiền nghiêm nghị không biểu cảm.
Nhân viên cửa hàng đề nghị cô xuất trình giấy tờ tùy thân chứng minh cô đã trên 21 tuổi, nếu không thì không thể bán rượu cho cô.
Ở Mỹ, trên 21 tuổi mới được phép uống rượu.
Cô lục tung hết túi tote* nhưng không tìm thấy bằng lái. Cô cất giấy phép lái xe dưới đáy ví nhưng hôm nay ra đường ngoài ý muốn, đến cả hộ chiếu cô kẹp dưới bằng lái cũng để trong ngăn kéo phòng ngủ.
“Thẻ sinh viên được không? Tôi học thạc sĩ năm 2, năm nay tôi 22 tuổi.”
“Xin lỗi, tôi nghĩ cái này không được.” Nhân viên cửa hàng mỉm cười lắc đầu với cô, rồi đưa thẻ sinh viên lại cho cô.
Phú Tiểu Cảnh cầm lại thẻ sinh viên, trả chai rượu lại kệ, mắng chai rượu, “F*ck this sh*t!”
Đây là ngày cuối năm 2012, cô từ chối những lời mời dự tiệc đêm giao thừa. Cô có đủ tiền để mua một ly Martini ở quán bar, nhưng cô không muốn miễn cưỡng vui cười trong buổi tụ tập, càng không muốn phá hỏng tâm trạng người khác. Thậm chí cô cũng không muốn đến Quảng trường Thời đại, trong đám đông vui vẻ đó chỉ khiến cô càng thêm không vui.
Cô đã định mang Vodka đến thư viện qua đêm, bọc chai rượu trong giấy kraff, vừa uống rượu vừa gõ máy, sẽ không ai trách cô, nhưng bây giờ kế hoạch tan thành mây khói.
Ngay khi cô quyết định chấp nhận số phận thì cô nhìn thấy một người đàn ông tóc đen bên cạnh kệ rượu.
Anh đứng trước kệ chọn rượu, đồ đạc trên người có vẻ đều rẻ tiền, áo khoác cashmere màu đen có vẻ đã có lịch sử mười tám năm. Mặc dù góc nghiêng nhìn mũi anh rất cao nhưng Phú Tiểu Cảnh thoáng nhìn qua đã xác định anh là người Á đông, đại khái còn là người bình dân không có tiền gì mấy.
Đến NewYork được hơn 1 năm, mắt nhìn người của cô ngày càng lợi hại, thường xuyên thông qua cách ăn mặc của một người mà đánh giá được tình trạng kinh tế của người đó. Điều đáng thất vọng là nhận định của cô thường không sai.
Phú Tiểu Cảnh đối với người đàn ông có vẻ nghèo này rất vừa lòng, cô càng thích việc giao tiếp với người cùng đẳng cấp.
“Xin chào, anh có thể giúp tôi một việc được không?” Cô đến phía sau người đàn ông, hỏi bằng tiếng phổ thông chuẩn nhất. Trong lòng cô hy vọng đây là người Trung Quốc, nếu là đồng hương, cho dù không giúp cô thì cũng không có phiền phức khác.
Người đàn ông quay lại, rất cao, cô ngước lên mới nhìn thấy mặt.
Gần đây cô thèm tiền muốn điên, vì vậy phản ứng đầu tiên đây là người đàn ông có thể dựa vào mặt mà có cơm ăn. Không hiểu sao cô lại chợt nghĩ tới Screw driver - Tuốc nơ vít* – một loại cocktail được pha từ nước cam với rượu Vodka, được mệnh danh là “Sát thủ thiếu nữ”.
Phú Tiểu Cảnh không phải là thiếu nữ, cô đã uống Screw driver nhiều lần và chưa bao giờ say. Cô chỉ cảm thấy người đàn ông này khá quen mắt nhưng không thể nhớ đã gặp ở đâu. Cô muốn nhớ ra anh là ai nên ánh mắt dừng trên mặt người đó khá lâu.
Lâu đến mức gây khó chịu cho người ta.
“Excuse me?” giọng anh thân thiện nhưng mắt, mày lại có khí thế làm người ta sợ hãi.
Hóa ra là một người không hiểu tiếng Trung.
Phú Tiểu Cảnh không nhắc lại những gì cô vừa nói, cô mỉm cười xin lỗi, nói dối qua chuyện: “Sorry, I took you for someone else.” (Xin lỗi, tôi tưởng nhầm là một người khác.)
Thật ra cũng không phải nói dối, xem như nhìn nhầm người cũng không có gì khác đâu.
Cuối cùng cô nản lòng, xách túi đi ra cửa.
Vừa qua Giáng Sinh, cây thông Noel trước cửa hàng đã tàn.
Phú Tiểu Cảnh nhìn đồng hồ, tạm từ bỏ kế hoạch đến thư viện, tính toán nếu đi đến trạm tàu điện ngầm đến phố 57 thì có thể kịp mua vé đứng trước khi mở màn.
NewYork là nơi “nhìn tiền không nhìn người” nhất, chỉ cần có đủ tiền thì bạn sẽ tận hưởng sự phục vụ tốt nhất thế giới, mua được vé hòa nhạc có vị trí đẹp nhất. Nhưng người nghèo có cách của người nghèo. Sau khi tới NewYork được 1 năm, Phú Tiểu Cảnh sử dụng thẻ sinh viên của mình để nghe mấy chục buổi hòa nhạc ở Carnegie Hall chỉ với 100 đô. Có mấy lần còn nhận được vé miễn phí tới New York Philharmonic. (Những địa điểm/dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng tại NewYork)
Không ít lần cô mặc trang phục chỉ vài chục đô, ngồi trong phòng hòa nhạc nhìn những quý bà trang sức đầy người đi đến, ngồi vào những vị trí đẹp nhất, chiếc vòng cổ họ mang có thể cả đời cô cũng không mua nổi. Nhưng không vì vậy mà cô cảm thấy ghen tị, ngược lại lại có cảm giác đắc ý nho nhỏ. Cho dù giàu có đến đâu thì chúng ta cũng phải thưởng thức cùng một buổi hòa nhạc, cùng hít thở một bầu không khí. Đôi khi cũng thấy chán nản, vị trí khác nhau thì không khí cũng có khác biệt, đúng là giá vé cao thì có nhiều lựa chọn hơn.
Khi vé của buổi biểu diễn đầu năm vừa mới phát hành, cô đã nhanh tay chộp được hai vé ở vị trí rất tốt. Đó là lần đầu tiên cô mua vé chính thức. Trước khi buổi biểu diễn bắt đầu thì người cô muốn đi cùng đã trở thành bạn trai người khác.
Cô không rảnh để buồn bã, trước tiên lo mang vé đi bán lại với giá cao hơn, điều đáng tiếc duy nhất là số vé giới hạn đã bán hết. Bây giờ chỉ còn có thể mua vé đứng, mà cũng chưa chắc đã mua được. Phú Tiểu Cảnh tự an ủi mình, đứng mấy tiếng không sao, kết thúc năm 2012 bằng cách nghe hòa nhạc có Brahms vẫn tốt nhất là về căn phòng nhỏ hướng tây kia mà nghe radio.
Mùa đông NewYork trời tối sớm, những ngọn đèn đường chiếu ánh sáng đỏ mờ qua chụp đèn thủy tinh. Đến NewYork hơn một năm bước chân Phú Tiểu Cảnh từ vội vàng càng vội vàng hơn, ở Manhattan, chỉ cần bạn thoáng chậm bước là lập tức có người vượt lên.
Con phố này là ngoại lệ, ít người đi bộ, yên tĩnh đến hơi đáng sợ. Gió lạnh cuốn lấy mái tóc dài của cô, Phú Tiểu Cảnh siết chặt cổ áo, tăng tốc rảo bước về phía trước, cô không buồn lấy khăn choàng trong túi ra mặc cho gió lạnh gào rít trên mặt mình. Cách đó không xa chính là Harlem, nơi thường xuyên có những vụ cướp bóc trong tuần qua.
Tiếng bước chân phía sau ngày càng gần, tim Phú Tiểu Cảnh đập thình thịch, hai tay vô thức bám chặt túi xách, trong túi có một cuốn sách cô vừa mượn ở thư viện, tính ra có giá hơn 1.000 đô.
Một thanh niên da đen đột nhiên từ phía sau cô vụt lao tới, đạp vào đầu gối cô, cô ngã lăn ra đất, chưa kịp bò dậy lại bị đạp xuống đất.
Đây là lần đầu tiên cô gặp vụ cướp bạo lực, nhưng không phải lần đầu tiên cô gặp một vụ cướp.
Năm đầu tiên ở NewYork, vì tiết kiệm tiền thuê nhà, cô sống trên đường 125th ở Harlem, một nơi khét tiếng xấu. Harlem là khu vực người da đen sinh sống, sau khi đến đây, cô được dặn không được ra ngoài sau 10 giờ tối. Một đêm, cô và người bạn nam cùng lớp đi xem “Les Miserables” trên phố 42. Sau khi xem xong, bạn học nam đó đưa cô về nhà. Vừa bước ra khỏi trạm tàu điện ngầm, băng qua một dãy phố, hai người da đen đen lao ra hướng về họ đọc rap, muốn “mượn” cô ít tiền tiêu. Bạn học nam kia theo bản năng rụt về sau lưng cô, cô to gan cò kè trả giá, móc ra 4 đô 25 xu trong túi, một người lấy tiền lộ ra hàm răng trắng tinh, chúc hai người buổi tối vui vẻ.
Buổi tối đó không thể vui vẻ nổi, cậu bạn kia sợ không dám quay về chung cư cậu ta, cả hai đành cùng nhau về chỗ ở của Phú Tiểu Cảnh. Lúc đó, cô ở tại một căn hộ 3 phòng ngủ thuê chung với người khác, nhường phòng ngủ cho bạn học đó, cô một mình ngồi trong phòng khách uống café hòa tan 50 xu, nghĩ xem đem buổi tối này viết thành luận văn.
Từ đó về sau, cậu bạn ấy xa lánh cô. Sau đó, cô thường xuyên ở thư viện đến tận rạng sáng, rồi một mình bắt xe buýt miễn phí về chỗ trọ, nhìn xuyên lớp kính trong suốt ra bên ngoài, ngước mắt nhìn lên ánh trăng, chỉ nhìn một cái rồi lại thu hồi tầm mắt, tiếp tục quay về quyển sách trên tay, ngáp dài. Có đôi khi ngồi ngây người trước tài liệu đến hai ba giờ, chỉ đơn giản là ở thư viện suốt đêm. Không bao giờ gặp cướp bóc.
Hôm nay là lần thứ hai.
Chuyện xui xẻo luôn tới cùng lúc.
Phú Tiểu Cảnh giữ chặt túi xách của mình, phần thịt dưới móng tay vì dùng quá sức mà chuyển thành màu tím. Nhìn từ xa, một người da đen kéo một cô gái Châu Á gầy gò lôi về phía trước, có thể do quần áo mùa đông dày nên đầu gối cô bị kéo lê trên đất mà cô không cảm thấy đau.
“Trả cái túi lại cho tôi, tôi sẽ đưa cậu 20 đô.” Phú Tiểu Cảnh đề nghị.
Người da đen cướp của cô cao ít nhất là 1.95 mét, hai người cỡ cô cũng không phải là đối thủ của anh ta.
Người to con đó phớt lờ đề nghị của cô, tiếp tục giật một đầu túi xách, lôi cô ra đường.
Pặc một tiếng, dây đeo túi xách bị đứt, toàn bộ đồ đạc trong túi tote rơi xuống đất, người to lớn nhặt cái túi. Nhìn thấy túi xách của mình sắp không cánh mà bay, Phú Tiểu Cảnh tuyệt vọng ôm chặt đùi hắn ta, liều mạng kêu Help.
Giọng kêu cứu sắc nhọn của cô khiến người to lớn đó nổi giận, hắn ta đạp chân lên lưng Phú Tiểu Cảnh, để lại lên người cô một dấu chân, tay còn lại của hắn ta đập lên đầu cô.
Ý thức Phú Tiểu Cảnh dần mơ hồ, tay lại vẫn giữ nguyên tư thế. Sau đó lại nghe một tiếng phịch, người to lớn đó ngã xuống đất.
Không rõ là buồn ngủ hay đau đớn, cô chỉ muốn ngã ra đất ngủ một giấc.
Một giọng nói bảo cô kiên trì một chút, xe cấp cứu sẽ đến ngay.
Cô bị ba chữ “xe cấp cứu” làm bừng tỉnh.
Không kịp nói cảm ơn, việc đầu tiên mà đầu óc cô nghĩ tới là mức chi trả bảo hiểm y tế, bệnh viện trong tuyến, sợ mình nhớ nhầm rồi mang món nợ to.
Khám cấp cứu ở Mỹ rất đáng sợ, nếu không có bảo hiểm, chỉ cần lên xe cấp cứu là tốn cả ngàn đô, chưa nói tới việc chụp CT, nằm viện. Cô quen với một du học sinh, mặc dù có bảo hiểm nhưng do nhầm lẫn đi bệnh viện ngoài danh sách, khoản chi trả thấp hơn nhiều so với đi đúng tuyến, cô ấy đành phải chịu hóa đơn hàng chục ngàn đô. Cho dù đã viết email đến bệnh viện khóc than kể lể, được giảm 40%, được trả góp hàng tháng, thì quá trình cũng đủ giày vò lắm chuyện.
Phú Tiểu Cảnh nằm trên đất, không để ý đám đông xung quanh, nhìn chằm chằm vào bóng đêm, ánh đèn neon làm cô choáng váng, đầu cô nhảy ra một đống điều khoản bảo hiểm, xe cấp cứu miễn phí, nếu không phải tình huống khẩn cấp thì được thanh toán 90%, cô tự chi trả 100 đô…
“Cô là người bị hại, cho dù tên khốn đó không có tiền bồi thường cho cô thì cô cũng có thể từ chối chi phí thanh toán vì trường hợp khẩn cấp. Nếu có vấn đề thì cô tìm luật sư.”
Cô trố mắt nhìn chủ nhân giọng nói đó, hóa ra là Tuốc nơ vít – đã gặp trong tiệm. Lần này anh ta nói tiếng Trung, giọng không lớn nhưng lại có sức an ủi.
Có lẽ cô nghèo tới mức chỉ cần nhìn qua là biết cô không có tiền. Phú Tiểu Cảnh nhịn đau nói cảm ơn, nhưng ánh mắt lại chỉ tập trung vào chiếc túi xách đang lăn lóc trên đất cách đó không xa.
Tuốc nơ vít nhìn cô, một tay đem cái túi lại gần tầm tay cô.
“Cảm ơn.”
“Lần sau gặp hạng người này thì đừng trực tiếp đối đầu, mạng quan trọng hơn tiền. Lần này cô gặp may là vì hắn ta không mang súng.”
Tuốc nơ vít vừa nói vừa đạp lên lưng tên to con. Một tiếng hét có thể coi như tiếng rap chấm dứt. Người giật túi xách cô lúc này giọng còn thảm hơn cô, hai tay bị trật khớp, người cuộn tròn trên đất, không thể chống trả.
Trong đám đông có đồng hương của tên to con đó, bảo anh không được đánh người không có khả năng chống đỡ, phải đợi cảnh sát đến.
Tuốc nơ vít cúi đầu mắng nigger* (một từ lóng mang tính xúc phạm và phân biệt chủng tộc khi dùng để gọi những người da đen. Hiểu thông tục nigger có nghĩa là ‘mọi đen’), âm thanh không lớn, chỉ có hai người ngã trên đất mới có thể nghe thấy. Người to con kia thấy bị xúc phạm muốn đứng dậy đánh trả, lại bị đá một chân trúng chỗ hiểm.
Sau đó, Phú Tiểu Cảnh nghe giọng điệu cực kỳ có lỗi nói với đám đông kia, “Tôi cũng muốn tha cho anh ta, nhưng anh ta không chịu tha cho tôi.”
“Cô đã khá hơn chưa?”
Phú Tiểu Cảnh vận dụng hết cơ mặt để nặn ra một nụ cười: “Tốt hơn nhiều rồi.”
Tuốc nơ vít cởi áo khoác ra cho cô, không biết sao cô lại nghĩ tới vải bố bọc xác, vội nói: “Cảm ơn, tôi không lạnh.”
Tiếng cô ngay lập tức bị che lấp bởi tiếng còi xe cảnh sát, cùng với xe cấp cứu và cứu hỏa.
Gã to con kia không phủ nhận tội của mình mà chỉ khai là mình bị hai người da vàng này kỳ thị chủng tộc. Chính vì sự phân biệt chủng tộc, thành kiến của xã hội đối với người da đen khiến hắn ta không còn con đường nào khác ngoài việc đi vào con đường trộm cướp.
Hắn ra đi ra đường đi dạo, không ngờ cô gái Châu Á này nghe tiếng bước chân hắn ta thì bỏ chạy, rõ ràng là coi hắn như là tên cướp, việc đó làm tổn thương lòng tự trọng của hắn, vì để cho cô biết tay nên hắn mới lấy túi của cô. Đây là việc ngoài ý muốn, mà người đàn ông kia thì mắc một tội không thể tha thứ được, dám chửi anh ta là đồ mọi đen.
“Có ai ở đây mắng người da den này không?”
Phú Tiểu Cảnh lập tức lắc đầu: “Không. Tôi không nghe thấy gì.”
Sau khi cô nghỉ ngơi một lúc, lấy lại tinh thần, mô tả ngắn gọn tình hình, để lại phương thức liên lạc của mình cho cảnh sát.
Hai người trên xe cứu thương bước xuống, đỡ cô lên cáng cứu thương. Trước khi lên xe, cô định cố gắng ngồi dậy thì bị người đàn ông đè xuống, anh nhét mái tóc xõa của cô vào áo khoác rồi cúi xuống, ghé tai cô nói nhỏ bằng tiếng Trung, “Đừng lo lắng về tiền. Rượu tôi để trong túi xách của cô.”
Trước khi cánh cửa xe cứu thương đóng lại, Phú Tiểu Cảnh bật ngồi dậy, hét lên với bên ngoài, “Áo khoác của anh…”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.