Một Ngàn Đêm Ngủ Đông

Chương 12: Por Una Cabeza




Buổi chiều phải tham dự buổi hòa nhạc từ thiện, Bạch Nhung định tranh thủ buổi sáng tập lại vài lần bản nhạc, nhưng khi tỉnh dậy thì phát hiện đã gần trưa.
Cô đã quen với tình huống gấp gáp như thế này rồi.
Với mái tóc rối bù, Bạch Nhung vừa bước ra khỏi phòng ngủ vào phòng khách thì thấy hôm nay Céline đã mang hết dụng cụ vẽ ra ban công. Buổi trưa nắng đẹp, cô gái đang ngồi đó tắm nắng.
Ánh sáng mặt trời trải dài trên lan can đen và lên người Céline. Cô gái này, ngày nào cũng mặc một chiếc áo khoác cổ điển màu nâu kiểu Pháp đã cũ, kết hợp với một chiếc váy ôm cùng tông màu dài đến đầu gối, luôn luân phiên mặc hai bộ giống nhau đến mức khó phân biệt. Gương mặt tái nhợt như con lai của cô làm Bạch Nhung liên tưởng đến hoa hạnh trong tranh của Van Gogh, vừa tươi mới nhưng lại mang hương vị của sự nghèo nàn.
Bạch Nhung tiến lại gần, cô nhận ra Céline không cầm bút vẽ trong tay.
Cô ấy đang viết nhật ký.
Ồ, cô bạn cùng phòng này có thói quen viết nhật ký, nhưng Bạch Nhung thì không. Mất đi ba năm ký ức nghĩa là mất đi mãi mãi, những gì đã xảy ra trong quá khứ, ngoài những điều cô nghe từ người thân thì cô không biết gì cả.
"Đáng lẽ tôi không nên ngủ nhiều như vậy," Bạch Nhung vươn vai, bước đến quầy bếp để rót nước uống.
Céline không ngẩng đầu lên, nhẹ nhàng đáp, "Triết gia Bertrand Russell từng nói, đừng cảm thấy tội lỗi vì ngủ nướng, vì dù bạn có dậy, bạn cũng chẳng tạo ra được giá trị gì cả."
Bạch Nhung gãi đầu, "...Câu này nghe hợp lý thật. Mặc dù nghe hơi chói tai, nhưng lại có một cảm giác chữa lành kỳ lạ. Cảm ơn."
"Không có gì."
Bạch Nhung định uống nước, nhưng tay cô cầm cốc khựng lại giữa không trung, khoan đã —
Vừa rồi, ba từ mà Céline buột miệng nói ra... không phải là tiếng Trung sao?
Bạch Nhung lập tức nhìn về phía Céline, có vẻ như cô bạn cũng sững sờ, từ từ ngẩng đầu lên nhìn về phía cô.
*
Bạch Nhung vốn thực sự tin cô bạn cùng phòng này là người Pháp thuần túy. Thật kỳ lạ.
Có vẻ như dự đoán ban đầu của cô về việc Céline là con lai không hề sai. Chỉ có điều, tại sao cô ấy lại phải nói dối?
Không giống như vì lý do gì đó... Nhưng nếu đối phương không giải thích, cô cũng không tiện truy hỏi, chỉ ngầm cảm thấy tò mò hơn về cô bạn cùng phòng này.
Tóm lại, sau khi biết tên tiếng Trung của Céline là "Dư Chân Nghệ", cô bắt đầu gọi cô ấy là "Chân Nghệ" vì cảm thấy dễ gọi hơn nhiều.
Sau khi ra ngoài ăn trưa về, Bạch Nhung thay chiếc váy dự tiệc màu đỏ — quà sinh nhật sớm mà Lý Huệ tặng cho cô, rồi đi ra ban công gõ nhẹ vào vai cô gái đang vẽ tranh, đưa cho cô ấy một tấm vé, "Đến nghe buổi biểu diễn của tôi nhé?! Chiều nay, ngay tại khán phòng này!"
"Thông báo gấp thế?" Cô gái nhíu mày.
Bạch Nhung ngẩn người, "Cậu vẽ tranh mỗi ngày, tôi nghĩ cậu rất rảnh rỗi..."
"Vẽ tranh là công việc, làm sao có thể tùy tiện bỏ dở?" Dư Chân Nghệ gõ vào bảng màu mà không nhận lấy tấm vé.
Bạch Nhung tỏ vẻ ngượng ngùng, rút tay lại, "Tôi chỉ nghĩ có lẽ cô có thể gặp gỡ một số nghệ sĩ trong buổi biểu diễn, điều này có thể giúp ích cho sự nghiệp vẽ tranh của cô, dù sao thì cô cũng ít khi giao du với ai..."
Dư Chân Nghệ đặt cọ vẽ xuống, ngả người ra sau, cười lạnh nhìn cô, "Tôi biết những người như các cô, mấy nghệ sĩ chơi nhạc luôn phải ra ngoài xã giao để quảng bá bản thân. Dù sao thì tài nguyên trong giới cũng chỉ có vậy, không tranh giành thì không có. Nhưng, nghệ thuật thực sự không phải là thứ có thể tranh giành mà có được."
"......"
Lại nữa rồi, Bạch Nhung nghĩ.
Bạch Nhung đáp: "Đừng so sánh âm nhạc với hội họa, mỗi loại hình nghệ thuật có con đường riêng."
"Tôi không chỉ nói về âm nhạc. Cái gọi là giới mỹ thuật cũng chẳng khác gì."
Không hiểu sao, Dư Chân Nghệ có một sức hút kỳ lạ như vậy, cô ấy ốm yếu, lập dị, kỳ quặc và nóng nảy, đối với mọi người xung quanh luôn kiêu ngạo và lạnh lùng, đầy sự mỉa mai, nhưng mọi người lại cứ muốn đến gần cô ấy. Kể cả Lý Huệ sau khi quen cô ấy cũng trở nên như vậy.
Lần trước, hàng xóm người Hoa gõ cửa mời Bạch Nhung và Dư Chân Nghệ sang ăn tối, trong bữa ăn, Dư Chân Nghệ cứ châm chọc gu thẩm mỹ trong trang trí nhà của họ, khiến họ ngồi nghe cả buổi với vẻ mặt đầy khó xử, nhưng cuối cùng, họ lại thật sự nghe theo và thay đổi cách trang trí. Thật khó hiểu.
Dư Chân Nghệ thường xuyên chế nhạo các họa sĩ trong giới: "Người đó vẽ mãi cảnh thành phố Paris tráng lệ, trong tranh chỉ có những quý cô Pháp thanh lịch và những người đàn ông Pháp điển trai. Trên đường phố không có một bóng dáng người vô gia cư. Trời mới biết còn ai có thể giả tạo hơn anh ta."
Dư Chân Nghệ cũng không ngại cười nhạo Lý Huệ: "Cô ấy ư? Cô ấy chẳng hiểu gì về hội họa, chỉ biết liên tục sáng tác những bài phê bình ngu ngốc và tồi tệ, như một chú hề tự mãn trên sân khấu."
Bạch Nhung tự nhủ trong lòng cô không nên nói nhiều với Dư Chân Nghệ, dù sao thì những người hàng xóm khác cũng thường gọi cô ấy là "kẻ điên" sau lưng. Cô gái điên thì tốt nhất là không nên chọc vào.
Trước khi ra khỏi cửa, cô bị Dư Chân Nghệ gọi lại.
Cô ấy không nhìn thẳng vào Bạch Nhung, giọng có phần lúng túng: "...Cô có tiền không?"
*
Buổi hòa nhạc có xe chuyên chở đón Bạch Nhung.
Sau khi đến nơi, cô vừa xuống xe, chưa đi được bao xa thì một người vô gia cư bất ngờ ngã xuống trước mặt cô và bắt đầu rên rỉ.
Ồ, đây chẳng phải là người vô gia cư mà cô từng gặp ở cửa tiệm bánh lần trước sao?
Bạch Nhung hiếm khi có ấn tượng sâu sắc với người lạ, nhưng người này thì ngoại lệ. Lần đó, cô đã khuyên ông ta không nên xin ăn ở những nơi vắng vẻ mà nên đến quảng trường hoặc cạnh đường lớn để cạnh tranh. Quả nhiên, giờ ông ta đã đến nơi đông người hơn xin ăn, trông còn có vẻ béo hơn trước.
Chỉ có điều, bây giờ lại muốn "ăn vạ" cô?
Người vô gia cư co quắp trên mặt đất run rẩy, nắm lấy vạt váy của cô ra vẻ không chịu buông.
Hừ, Bạch Nhung vẫn nhớ người này, nhưng ông ta lại không nhớ cô, đến cả "ân nhân" mà cũng muốn lừa tiền.
Cô định bỏ đi, nhưng người đi đường xung quanh bắt đầu chậm lại, tò mò nhìn vào cảnh này. Bạch Nhung thở dài, mặt tỏ vẻ chán nản, nhanh chóng rút ra 20 franc từ ví đưa cho ông ta mới thoát được khỏi tình huống đó.
*
Bạch Nhung được mời đến biểu diễn đặc biệt trong buổi hòa nhạc, chỉ diễn một bản duy nhất: bản nhạc vĩ cầm tango Argentina "Por Una Cabeza"(Một Bước Xa Nhau), là màn trình diễn kết thúc trong buổi hòa nhạc từ thiện với chủ đề tango này.
Cô vốn lo lắng mình chưa chuẩn bị đủ tốt, nhưng khi thấy mấy tay violin kia đến lúc sắp biểu diễn rồi mà vẫn còn đang bàn về cách sử dụng cây vĩ cầm ở hậu trường, cô liền không biết nói gì thêm.
Dù vậy, cô lại thấy yên tâm hơn nhiều – ồ, cô vốn dĩ đã như vậy rồi, không để tâm đến bản thân, nhưng chỉ cần chắc chắn mình đã chuẩn bị tốt hơn người khác là có thể giữ vững tự tin.
Dưới ánh đèn vàng, tay trái nhẹ nhàng nâng lên, cây violin được giữ chặt dưới cằm.
Chỉ trong thoáng chốc, giai điệu vui tươi và nồng nhiệt của âm nhạc Mỹ Latin truyền qua dây đàn vang vọng đến từng góc của sảnh lớn, khơi lên những giai điệu quen thuộc làm say đắm lòng người.
Trước khi Bạch Nhung lên sân khấu đã có tiếng vỗ tay nồng nhiệt vang lên.
Quá trẻ.
Những ai biết về cô cũng như những ai không biết đều nghĩ như vậy. Những nghệ sĩ độc tấu mười bảy mười tám tuổi không thiếu, nhưng bởi vì đây là một gương mặt châu Á, cộng thêm nửa dưới khuôn mặt vẫn còn chút nét trẻ con, người ta không khỏi đoán cô chỉ khoảng mười lăm, mười sáu tuổi.
Cô gái đứng trên sân khấu, ở vị trí nổi bật nhất bên cạnh người chỉ huy, không mặc chiếc váy đen thường thấy mà là một chiếc đầm đỏ dài lệch vai dài đến tận đất. Chiếc váy đỏ này cũng phù hợp với bản nhạc như váy đen. Chiếc váy ôm sát vào cơ thể mảnh mai của cô, với eo hông thon thả tạo nên một tỷ lệ hoàn hảo. Cộng thêm hiệu ứng kéo dài từ chiếc váy và giày cao gót, khiến cô gái phương Đông nhỏ bé này trông cao ráo hơn nhiều.
Trong khán phòng, một người đàn ông tóc nâu đang ngồi ở một vị trí khá xa.
Ánh mắt của anh chỉ tập trung vào một người.
Trong mắt Navarre, cô trông hoàn toàn khác với vẻ thanh lịch mà anh từng thấy tại đám cưới ở nông trại trước đây, cũng không giống với phong cách thường ngày như một đoá hoa linh lan nhỏ bé và tinh khiết. Hôm nay, cô như một đoá "pháo hoa lớn" với phần thân mảnh mai và mềm mại, những cánh hoa rộng rãi và trang nhã toả ra sức hấp dẫn chết người.
Tiếng đàn của cô thật mâu thuẫn, vừa lạnh lùng lại vừa ngọt ngào, như thể đang ẩn giấu một bí mật.
Mọi người đều đắm chìm trong đó.
Trong thời gian dàn nhạc cùng tấu, Bạch Nhung đứng yên tại chỗ, đôi mắt mơ màng – vào những khoảnh khắc như thế này, cô luôn cảm thấy có chút ngượng ngùng. Ngoài việc nhổ bỏ vài sợi dây vĩ bị đứt, nghệ sĩ độc tấu thực sự chẳng có việc gì để làm.
Navarre nhìn cô, khóe miệng bất giác hơi nhếch lên.
Anh nheo mắt lại, cảm thấy những hành động nhỏ lén lút của cô khi đứng đợi một cách ngại ngùng thật đáng yêu.
Nói cho đúng ra, nghệ sĩ độc tấu tranh thủ thư giãn một chút là bình thường, nhưng việc mấy hàng violin ngồi gần đó cũng tỏ ra đờ đẫn thì thật là kỳ lạ.
Cô gái mới mười mấy tuổi đứng ở vị trí nổi bật nhất bên cạnh người chỉ huy để kéo đàn – hai hàng nghệ sĩ violin phía trước đã trên bốn mươi tuổi,  gương mặt không biểu cảm, ánh mắt vô hồn, trên mặt như đang viết: "Ý nghĩa cuối cùng của cuộc đời là gì?", "Tôi cũng từng cháy bỏng linh hồn.", "Tự trọng từ đâu mà có?", "Lúc mười mấy tuổi tôi còn không giỏi được một nửa cô ấy"...
Sau khi bản nhạc kết thúc, trong tiếng vỗ tay rền vang, Navarre nghe thấy có người ngồi gần đó thì thầm:
"Nhìn kìa, mấy năm nay càng ngày càng có nhiều nghệ sĩ châu Á xuất sắc, lạy Chúa, tôi thực sự nghi ngờ những thiên tài âm nhạc sau này sẽ đều được chọn từ châu Á..."
"Tiếng đàn của cô ấy thật quá tuyệt vời! Bản chuyển soạn thật hay! Tôi nổi cả da gà khi nghe, tôi nghĩ cô bé này hẳn là đã ra đời cùng với chiếc violin trong tay từ khi rời khỏi bụng mẹ."
Navarre: "..."
*
Buổi hòa nhạc kết thúc, Bạch Nhung là người cuối cùng rời khỏi nhà hát sau khi thay xong váy và mặc lại bộ quần áo thường ngày. Cô đang đi ra ngoài cùng giáo sư của mình, vừa đi vừa trò chuyện.
Bạch Nhung thực sự rất thích bà Dumont, tình cờ gặp được giáo sư của mình đến nghe buổi biểu diễn, cô liền tranh thủ cơ hội mời bà đi ăn tối.
Trời vừa tối, Paris đã rực rỡ với ánh sáng vàng lấp lánh.
"Chúng ta sẽ đến nhà hàng nào đây, Liliane?" Giáo sư Dumont hỏi.
Ra đến bên ngoài, gió lạnh thổi qua khiến Bạch Nhung nhanh chóng quấn chặt khăn quàng cổ. Khi ngẩng đầu lên, cô nhìn thấy không xa bên phải là một bóng người quen thuộc đang đi tới.
Bạch Nhung hơi hoang mang.
Cô nhớ lúc biểu diễn không thấy Navarre ngồi ở hàng ghế phía trước.
Vậy thì, anh hẳn ngồi ở vị trí khá xa phía sau.
Chà, quả nhiên là người giàu mà "tính toán kỹ lưỡng", ngay cả khi chi tiền cho các sự kiện nghệ thuật cũng phải rất tiết kiệm. Bạch Nhung lại nhớ đến đồng xu đó...
Trong lúc người đàn ông đi tới, tên ăn mày lúc trước lại xuất hiện.
Tên ăn mày béo giả vờ vấp ngã ngay dưới chân Navarre bắt đầu xin tiền từ anh.
Nhưng tên ăn mày không ngờ được người đàn ông này phản ứng quá nhanh, chỉ trong tích tắc đã nhẹ nhàng tránh sang một bên, sau đó bước đi không hề liếc nhìn.
Tên ăn mày không chịu từ bỏ, lập tức đứng dậy và theo sau, nhưng lại không dám kéo áo người đàn ông ăn mặc sang trọng này, chỉ có thể vừa đi vừa lùi lại phía sau, miệng không ngừng van xin. Dựa vào khẩu hình miệng, chắc hẳn ông ta đang cầu xin một cách khổ sở.
Nói quá nhanh khiến Bạch Nhung nghe không hiểu, chỉ thấy Navarre bất ngờ đưa tay lên trán, cau mày, bước chân chậm lại, trông có vẻ như anh đang bị đau tim đột ngột.
Tên ăn mày: "..."
Tên ăn mày: "?"
Tên ăn mày ngẩn ra, nhìn quanh rồi nhanh chóng bỏ chạy trước khi người đàn ông này ngã xuống đất.
Chỉ trong giây lát, Navarre đứng thẳng dậy, chỉnh lại cổ áo rồi tiếp tục bước đi bình thản.
Theo từng động tác, phong thái vẫn không mất đi sự lịch thiệp.
Như thể không có chuyện gì xảy ra.
Bạch Nhung: "..."

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.