Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm

Chương 1: Xót dạ anh hùng ngày quốc phá - Đau lòng liệt nữ buổi gia vong




Nguyên Huân thu hữu dực về sườn phải, cùng một lúc, bộ vi đổi từ Chảo Mã tấn sang Đinh tấn, xoay mình 30 độ sang phía phải, tả chưởng chụm lại thành cương đao, cánh tay phải giơ lên khỏi đầu, hữu chưởng xòe ra, năm ngón tay cong lại như vuốt chim ưng, cương đao chém mạnh từ dưới lên trên vào sườn phải của một địch thủ tường tượng, ưng trảo thủ chụp mạnh vào huyệt Nhũ Căn, kết thúc đòn sát thủ trong pha Đoạt Mệnh quyền. Nguyên Huân trụ bộ lấy lại hơi thở, hơi thở vẫn điều hòa.
Buổi tập luyện thường ngày bắt đầu vào giờ Dần mỗi sáng. Trời lạnh như dao cắt, mồ hôi vẫn rịn ra trên tấm thân trần cường tráng, cân đối, cuồn cuộn những bắp thịt, như đang bốc khói giữa cái giá buốt mùa Đông bắc. Tiếng gió rít trên những đọt cây trơ trụi lá, thổi bay lao xao từng lớp lá khô trên mặt sân gạch rộng. Chàng đưa mắt nhìn quanh. Ngọn Liên Sơn đen sẫm sừng sững che lấp cả một khoảng trời. Ánh sáng đục mờ, lạnh lẽo. Chàng tháo khăn võ sinh, lau nhanh thân thể lấm tấm mồ hôi rồi quấn quanh bụng. Chàng nhanh nhẹn đến trước cặp Thạch Sư có quai mốc trên lưng. Nguyên Huân len vào giữa, hít hơi thở thật sâu vào đơn điền, phát huy Hỏa Vân công, chuyển kình lực xuống hai chân trụ tấn, vận công lên hai cánh tay dang rộng cuồn cuộn những bắp thịt như được tạc bằng thép. Chàng bế hơi thở nhắc cặp Thạch Sư, mỗi con không dưới 500 cân, lên khỏi đầu, để xuống nâng lên nhiều lần. Nội lực của chàng đã tinh tiến nhiều, sự chuyên cần tập luyện đã có kết quả đáng kể.
Chàng vui mừng vì sự thành tựa ấy. Thế nhưng, Đoàn thúc thúc của chàng vẫn nhìn chàng với đôi mắt buồn bã xen lẫn vô vọng, bất lực. Chính vì đôi mắt già nua, buồn bã ấy, Nguyên Huân càng cố công khổ luyện để làm vui lòng người chú già nua mà tình thương của ông dành cho chàng thật vô bờ. Chàng đã sống ở đây, nơi thâm sơn cùng cốc này kể từ khi chàng có đủ trí khôn để nhớ. Nơi đây quạnh vắng, chỉ có ông, có chàng, có Uyển Thanh, cô con gái duy nhất của ông cũng trạc tuổi chàng, và Dư Tứ, người nô bộc trung niên có đôi mắt xếch sáng quắc. Bốn con người sống âm thầm trong xó núi đã bao nhiêu năm nay. Chừng nửa tháng một, Dư Tứ cùng với Uyển Thanh xuống thị trấn một lần để mua thực phẩm và những đồ dùng cần thiết. Thỉnh thoảng Nguyên Huân theo Dư Tứ vào núi săn bắn. Dư Tứ có bộ pháp nhanh như cắt và nghề bắn cung tuyệt vời Y im lìm, ít khi mở lời trò chuyện, có lẽ do giọng y nóinghe lơ lớ như giọng của một người khách trú. Ngoài ra, khoảng ba bốn tháng một lần, Đoàn thúc còn có một người khách đến thăm. Vị khách này thường tấm tắc khen chàng có một căn cốt tuyệt vời, nhưng trong giọng nói xem nhưng có điều chi tiếc thương như tiếc một căn cốt tuyệt vời như thế.
Những lần ghé thăm ấy, vị lão khách chàng chỉ biết bằng cái tên ngắn ngủi: Tiêu thứ gia, Tiêu Đại Hùng. Đoàn lục thúc của chàng cùng Tiêu thứ gia, và đôi khi có cả Dư Tứ nữa, thường trò chuyện với nhau bằng một thứ tiếng mà Nguyên Huân không thể hiểu nổi, cả đến Uyển Thanh cũng chẳng biết gì hơn chàng.
Uyển Thanh là một cô gái xinh đẹp, dịu dàng, có đôi mắt long lanh, trên khuôn mặt trắng hồng là đôi môi như một cánh đào thắm và hàm răng trắng muốt. Đó là nét khác biệt của Uyển Thanh với những cô gái Đại Việt với hàm răng đen nhưng nhức. Có lẽ vì mẹ nàng qua đời quá sớm nên chẳng còn ai dạy nàng nghệ thuật nhuộm răng của Đại Việt. Từ khi còn nhỏ, Nguyên Huân đã cùng nàng sống bên nhau, tình thương mến mỗi ngày một thêm sâu đậm. Nhưng từ khi vào tuổi trăng tròn, Uyển thanh không còn cười đùa, chạy nhảy với chàng như trước nữa. Nàng cũng được cha và Tiêu lão bá truyền thụ võ công, quyền cước, kiếm pháp như chàng. Thân thể Uyển Thanh mảnh mai, bộ pháp của nàng vì thế thiếu đi cái cương mãnh trong quyền cước, nhưng mỗi lần nàng biểu diễn Uyên ương kiếm, Nguyên Huân thấy nàng như một tiên nữ trước gió. Chàng thường tấm tắc khen khiến Uyển Thanh bao nhiêu lần đỏ mặt.
Chàng coi Uyển Thanh như một cô em ruột, nhưng ít lâu nay nàng thường tỏ ra ít tự nhiên khi mỗi lần hai người cùng luyện kiếm. Có lẽ cái tên của pho kiếm Uyên ương, mà một lần Uyển Thanh hỏi chàng về ý nghĩa của tên gọi đã làm cho nàng thẹn thùng chăng! Khi Uyển Thanh thẹn thùng, mặt nàng hồng như hoa đào, Nguyên Huân thấy nàng thật đẹp. Và trong tận cõi lòng, chàng thoáng thấy một nỗi xôn xao nhè nhẹ như hương thơm của loài hoa Nguyệt quế vào những buổi trăng non. Đôi lần chàng tự hỏi và ngạc nhiên về cái cảm giác êm ái ấy. Nhưng những buổi khổ luyện võ công, những chiều dồi mài văn học, binh thư, đã không đem đến cho chàng cái cảm giác êm đềm ấy tăng thêm nữa.
Tiếng ho nặng nề từ căn phòng của Đoàn lục thúc và ánh sáng mờ của ngọn đèn dầu trong phòng lọt qua khe cửa, Nguyên Huân biết là Đoàn thúc thúc đang thức dậy, cặm cụi nhóm lửa, đun nước pha trà. Thói quen ấy đã trở thành đều đặn, chừng mực khoảng tám, chín năm nay, và chẳng bao giờ ông cho bất cứ một người nào phụ giúp ông trong công việc ấy. Càng về sau này, sức khỏe ông càng giảm sút. Tuổi sáu mươi của một người có võ công cao siêu như ông không thể có một sức khỏe suy nhược như thế. Ông thường trầm ngâm bên tách trà loại Tuyết Sơn. Trà có hương vị kỳ tuyệt này do Tiêu thứ gia mỗi lần ghé qua mang tặng. Da mặt ông ánh lên một màu xanh kỳ dị, Huân không dám hỏi, nhưng chàng đoán chừng có lẽ ông đã bị trọng thương do một loại Hàn Âm độc chưởng nào đó, nhất là tiếng ho nặng nề, những lúc ấy ông uống vội ba chung trà và nhắm mắt luyện công. Dường như ông đã cố gắng dùng chút công lực còn sót lại chống với luồng quái khí đang hoành hành trong cơ thể mỗi lúc một mòn hao kia.
Mãi về sau, chàng nhận ra vị khách họ Tiêu thường đến thăm ông ở vào các định kỳ rõ rệt. Đôi lần Nguyên Huân muốn hỏi, nhưng nhìn ánh mắt u uất của vị thúc thúc bệnh hoạn, có một cái gì đó đã ngăn chàng mở lời. Hốt nhiên chàng chợt nhớ, Tiêu lão thường đến cứ ba tháng một lần vào những ngày trăng khuyết, lần trước cách đây ba tháng. Tự nhiên, chàng linh cảm có một điều gì mới lạ sắp xẩy đến, nhưng chàng chẳng biết đó là điều gì. Những linh cảm thường không lừa dối chàng. Có tiếng động nhẹ phía sau, Huân quay lưng lại, Uyển Thanh hiện ra trong bóng mờ :
- Huân ca! Thính lực của Huân ca cao siêu thật? Tiểu muội sử dụng Miêu pháp mà Huân ca cũng phát hiện được.
Nguyên Huân cởi chiếc khăn quấn quanh người, khoác lên che kín đôi vai rộng :
- Thanh muội dậy làm gì sớm vậy? Lạnh chết!
Uyển Thanh cười khẽ :
- Giờ này đã đầu giờ Mão rồi còn sớm nỗi gì? Huân ca mặc áo ngự hàn vào chứ, đừng có ỷ vào sức khoẻ!
Nói xong, Uyển Thanh đi vội đến chiếc đà ngang dùng để treo những bao đựng cát sử dụng cho việc tập luyện tý lực và cương đao, vơ vội những chiếc áo mà Nguyên Huân vắt trên đà ngang. Trong bóng tối mờ, bóng Uyển Thanh thoăn thoắt, uyển chuyển. Một niềm cảm động mơ hồ của người biết mình được chăm sóc dâng lên trong lòng Nguyên Huân. Chàng bước vội đến cạnh Uyển Thanh giơ tay đỡ lấy những chiếc áo :
- Thanh muội để mặc ta! Có chuyện gì mà Thanh muội ra đây sớm thế?
- Lại sớm với chả muộn, sáng nào tiểu muội chẳng dậy từ giữa giờ Dần. Pho kiếm Thiểm Điện mà Tứ gia mới truyền cho khó hơn Việt Nữ kiếm nhiều quá, tiểu muội khổ luyện mãi mà vẫn chưa thuần phục.
- Đúng vậy! Thiểm Điện thuộc về Ngạnh công, chủ yếu là nhanh, tâm và kiếm phải hợp làm một. Ta nghe thúc thúc có nói còn khó luyện hơn cả Cuồng Phong kiếm nhiều. Tiểu muội luyện được nó thì quả thật đã biến thành thiên hạ vô địch thủ rồi đấy, ta cũng chẳng dám lại gần.
Trong bóng mờ, đôi mắt Uyển Thanh long lanh, nếu ban ngày, chàng sẽ thấy đôi má nàng ửng hồng.
- Huân ca! Huân ca cứ chế giễu tiểu muội mãi! Tiểu muội vâng lời gia gia tập luyện cốt cho có sức khỏe, chứ đàn bà con gái tranh hùng với ai được mà vô với chả địch?!
- Muội muội nói thế chứ trong võ lâm Trung Nguyên, thúc thúc kể thiếu gì các nữ lang anh kiệt mà bản lãnh nghiêng trời lệch đất, bọn tu mi chẳng thể sánh bằng.
- Nhưng tiểu muội làm sao có hào khí thế được. Tiểu muội là gái bếp núc, thêu thùa là chính... Chết nỗi! Huân ca, gia gia bảo tiểu muội nói với Huân ca là gia gia có điều muốn nói với Huân ca đấy!
- Có chuyện gì vậy?
- Làm sao tiểu muội biết được! Ca ca cứ gặp gia gia là tủ khắc biết ngay!
Uyển Thanh quay trở vào. Nguyên Huân vội vã mặc áo.
Chiếc nút cuối cùng che khuất khuôn ngực nở nang xăm hình một chiếc đầu cọp màu hồng tía che hết cả vòm ngực rộng. Chàng vội vã vào nhà.
Đứng ngoài khuôn cửa khép, ánh sáng yếu ớt chiếu qua khe cửa, lòng chàng rộn lên một nỗi âu lo không tên. Lần đầu tiên trong đời chàng, Đoàn thúc đã phá lệ gọi chàng vào thư phòng giữa giờ luyện tập. Đôi khi ông chống gậy ra xem chàng luyện võ, chỉ vẽ, điểm xuyết. Việc bất thường này khiến chàng lo lắng có một điều hệ trọng sắp xẩy ra. Nguyên Huân thở dài như muốn tống hết cái âu lo trong lồng ngực.
- Huân nhi đó phải không? Vào đây con!
Nguyên Huân giật mình kinh hải. Thính lực của thúc thúc thật ảo diệu. Gió đang xào xạt, hơi thở dài chàng cố ý ép lại mà vẫn bị phát giác. Nội công của ông vẫn còn thâm hậu lắm.
Chàng đẩy cửa nhẹ bước vào. Đoàn Chính Tâm, Đoàn lục thúc của chàng ngồi im lìm sau án thư, và bện cạnh ấm nước đang sôi, tia lửa ấm từ lớp than quả bàng nổ lách tách, không khí sực nức mùi hương Ngọc Diệp Lan. Đôi mắt lục thúc đăm đăm nhìn ngọn lửa mới của cây bạch lạp được thắp cho sáng thêm thay đĩa dầu phộng. Thả hồn trong cõi suy tư dường như ông không biết chàng đang có mặt. Nguyên Huân rón rén ngồi xuống chiếc đôn kê sát chân cột. Huân tôn trọng cái im lặng của người sư thúc già nua, người anh em kết nghĩa thứ sáu của cha chàng. Chàng đưa mắt nhìn quanh căn phòng nhỏ, vừa là thư phòng, cũng là phòng trà của Lục thúc. Tất cả chìm trong ánh sáng lung linh của ngọn nến. Dưới đôi lông mày trắng bạc, đôi mắt ông ưu tư, buồn bã đang chìm trong ký ức xa xăm.
- Nguyên Huân! Năm nay điệt nhi vừa tròn 18 tuổi rồi.
- Thời gian qua mau thật!
Tiếng ông bất chợt vang lên trong căn phòng ấm cúng.
Nguyên Huân đứng dậy cúi đầu chờ lời răn dạy.
- Mang chiếc đôn lại ngồi gần ta! Ta muốn nói với con một việc hệ trọng mà bấy lâu nay ta mang nặng trong lòng.
- Lại đây con! Huân nhi!
Chàng làm theo lời Lục thúc. Im lặng chờ đợi.
- Cách đây 12 năm, ngày con vừa sáu tuổi, và Uyển Thanh cũng vừa lên năm, cũng ngày đông gió rét như hôm nay, quân của Minh triều đạp ải kéo vào Đại Việt...
Đôi mắt ông ánh lên những tia đau đớn. Ông tiếp :
- Ngày ấy nhà Hồ ở ngôi mới được mấy năm, lòng dân còn ly tán, lòng thương nhớ Trần triều còn ghi đậm trong lòng dân Đại Việt bởi các chiến công lừng lẫy của tổ tiên ngươi. Bởi thế, sức mạnh của sự nhất tâm không có được như cái thuở Diên Hồng đại hội, cho nên nhà Hồ chóng tan rã trước sức tiến công không lấy gì cương mãnh và ồ ạt như của lũ Thát Đát khi xưa. Mặc dù Quý Ly là một người quyền biến, mưu trí, biết tính toán, biết lo xa, biết cải tổ guồng máy hành chánh và quân đội một cách hữu hiệu. Nhưng cái gốc là dân, là sức mạnh mà Quý Ly không nắm được. Ôi! Thế mới biết lòng người là tất cả. Minh triều đã lựa đúng thời cơ để tranh thắng. Nếu chậm lại ba mươi năm sau, con Lân kia tranh thủ được lòng dân thì dễ gì chúng thủ thắng được ùa theo đoàn quân xâm lược là bọn trộm cướp, bọn cường bạo, và tất cả những võ lâm cao thủ của Trung Nguyên. Ta không có ý kể với con cái Tổ Quốc yêu thương của con đã bị nghiền nát trong bàn tay khắc nghiệt của bọn Trương, Hoàng... mà ta chỉ muốn nhắc đến tam ca ta, thân phụ của con, một Trần triều Vương tử... Con không biết được đâu, cái mà bọn Trương, Hoàng vơ vét của Đại Việt chính là những tinh hoa của Tổ Quốc con, cũng như hơn trăm năm về trước, Tổ quốc của ta đã hứng chịu. Theo lệnh của Hoàng đế nhà Minh, bọn Trương, Hoàng gom thu tất cả những sách vở danh sĩ, các nhà địa lý, các thầy lang, cả những nghệ nhân chạm khắc, xây cất... và cả mỹ nhân. Tất cả mọi tinh hoa của dân tộc đều bị vét sạch hòng xóa sạch nền văn minh của dòng giống Hồng Lạc, và một trong những muôn ngàn danh tác kia là Vạn Kiếp Bí Truyền của Hưng Đạo đại vương, tằng cổ của con, người đã lãnh đạo suốt hai cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông, và cũng là người đóng góp công sức không nhỏ trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất.
Từ thuở ấy, một trăm năm mươi năm đã trôi qua, bậc Vương gia trẻ tuổi anh tuấn ấy đã nhìn thấy cái mộng bành trướng của lũ con cháu Thành Cát Tư Hãn, và người đã liên kết với đức Kim thượng nước Đại Lý của ta để lập thế môi răng. Tình thân thiết giữa hai hoàng tộc Trần - Đoàn được tạo lập kể từ đấy. Ngoài tài kinh luân, binh giáp mưu trí hơn người, ngoài tấm lòng nhân hậu, Hưng Đạo đại vương gia thân mang một bản lãnh kinh người về võ học, cùng với tổ tiên ta trao đổi võ công. Từ đấy hai nhà như một. Đến nay thoắt chốc một thế kỷ rưỡi đã trôi qua.
Đoàn Chính Tâm bỗng dưng im lặng. Như đứng trước nỗi đau không thể cất nên lời, ông uống thêm chung trà đậm như cố nén nỗi đau xót. Trong khóe mắt nhăn nheo long lanh hai hạt sương muộn. Vầng trán hằn sâu thêm những nếp nhăn. Thở dài, ông tiếp :
- Những chuyện ấy, có người đã biết, đã nghe, có người không thể nào biết được. Tam ca ta, thân phụ con, là một bậc Vương Tử mang dòng chính thống của Trần triều, từ nhỏ đã không màng phú lộc, chẳng biết lợi danh, bôn tẩu giang hồ, kết giao hào kiệt. Chúng ta có tất cả tám người kết giao huynh đệ. Thiên hạ tặng cho anh em chúng ta mỹ hiệu Bát đại danh gia. Mỗi người trong anh em chúng ta võ công tuy có cao thấp, bản lĩnh khác biệt, nhưng lấy Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín làm căn cơ, uống máu ăn thề, tình thân hơn ruột thịt, và từ đó, tên tuổi cũng có đôi chút trong giới giang hồ, không chỉ ở Đại Việt mà các đại cao thủ Trung Nguyên cũng có chút nể vì.
Đại sư ca của ta là Phật gia, Nhị sư ca là Đạo gia, võ công mỗi người mang một tuyệt kỹ riêng, bao nhiêu năm nay đã tuyệt tích giang hồ. Cả hai đều là người phương Bắc. Đại ca tính tình giản dị, luôn vui cười nên pháp hiệu là Hoạt Phật đại sư. Nhị ca tính trầm lặng, tư tưởng cao siêu, võ công quái dị và trác tuyệt, đạo hiệu là Thiên Hư đạo trưởng. Tam ca ta tính tình hòa nhã, võ công chân truyền, được tặng mỹ danh Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm Trần Nguyên Lữ với pho kiếm pháp Vân Hà Tỏa Kiếm, ôi thôi, đến nay đã thất truyền. Tứ và Ngũ ca là hai nhân vật kiệt hiệt, dòng dõi tướng quân của đất Phù Tang hoa đào, đã chia tay Tam ca và ba anh em ta từ mười năm, trước ngày xảy ra cuộc thảm sát. Đây ngươi hãy giữ lấy tín vật này, và cũng là di vật cuối cùng của phụ thân ngươi, tín vật nhận nhau của Bát đại gia chúng ta mà ta chỉ kịp nhận từ tay phụ thân ngươi trước lúc lìa đời...
Đoàn đại hiệp lấy từ trong người một chiếc túi gấm, mở ra, trao cho chàng một mảnh ngọc tám cạnh màu xanh biếc, được khắc trên đó tám thanh trường kiếm quây quần quanh một vầng trăng. Cầm di vật của phụ thân trong tay, Nguyên Huân bỗng thấy quặn thắt, từ một nỗi đau của cơn thảm khốc của gia đình chàng mà chàng đang chờ đợi sự tiết lộ của Lục thúc.
Đoàn đại hiệp châm lửa mồi thuốc lào, tiếng lách tách giòn tan của chiếc điếu bát cổ bịt bạc và làn khói thuốc xòa như mây vần vũ làm căn phòng chìm trong im vắng của buổi sáng mùa đông tịch mịch. Đoàn Chính Tâm cất tiếng gọi con gái. Uyển Thanh hiện ra từ căn buồng bên cạnh. Rõ ràng nàng đã chờ ở đó từ lâu, và đã lén nghe câu chuyện giữa chàng và cha nàng.
- Thanh nhi! Nội buổi sáng nay, Tiêu bá bá của ngươi thế nào cũng có mặt, con và Dư thúc chuẩn bị cho ta mấy món ăn, cha muốn đặc biệt hơn những lần trước. à, này con, vò Bách Hoa tửu hạ thổ đã trên trăm ngày rồi đấy! Nhớ bảo Dư thúc đào lên nghe con. Tiêu lão nhị lần nào vào mùa đông cũng mong có Lý Ngư của Vân Mộng Hồ, con nhớ dặn Dư thúc cố gắng cho. Rồi còn biết đến bao giờ...
Ông bỏ lững câu nói, đôi mắt man mác buồn... Uyển Thanh cúi đầu lui ra, âm thầm như lúc vào. Một thoáng sau, Nguyên Huân nghe tiếng nàng văng vẳng như khánh ngọc, líu ríu nhõng nhẽo cùng Dư Lão Tứ....
- Nguyên Huân, con đã biết sơ qua về thân thế và dòng dõi, và ta cũng sẽ kể cho con nghe về câu chuyện đau thương mà suốt 12 năm qua ta giữ kín. Con biết đấy, Huân nhi! Vạn Kiếp Bí Truyền là một bộ binh thư và cũng là bí kíp võ học độc nhất vô nhị. Phần võ học là phần hạ. Trước đây, Đại vương gia một lần qua Đại Lý, có kỳ duyên gặp gỡ một kỳ nhân truyền thụ cho, nhưng chẳng phải ai cũng học được. Suốt non hai trăm năm nay, chưa một người nào trong hoàng tộc nhà Trần và trong dân gian có được một người hội đủ căn cốt để luyện thành công lực mà Đại vương gia đã ghi lại. Tuy Vân Hà Tỏa Kiếm của gia gia ngươi cũng trong thiên tuyệt kiếm kia, nhưng vì gia gia ngươi không thể luyện được Sát Na Vô Lượng thần công nên uy lực của Vân Hà Tỏa Kiếm bị giảm đi rất nhiều, nhưng vẫn dương danh được cùng thiên hạ.
Muốn luyện được Sát Na Vô Lượng thần công phải có một cơ thể đặc biệt, kinh mạch nghịch đảo, mà cơ thể ấy, 150 năm nay, kể từ Tằng Khảo Tổ ngươi đến nay, chỉ có một mình ngươi hội đủ điều kiện ấy. Huân nhi! Con là người duy nhất mới có thể luyện thành. Tiếc thay bí kíp đã mất về tay kẻ khác. Từ khi Đại vương gia qui tiên, Vạn Kiếp Bí Truyền chỉ truyền lại được phần binh pháp, phần Bí kiếp, võ học và dược học. Mỗi đời chỉ có một người duy nhất biết nơi cất giấu, e rằng con cháu ham luyện tập, không biết được uyên nguyên cần thiết của nó sẽ bị tẩu hỏa nhập ma. Vậy mà có kẻ cũng biết và chiếm đoạt được...
Toàn bộ thần kinh của Nguyên Huân căng thẳng đến độ hơi thở trở nên dồn dập.
- Thúc phụ! Kẻ ấy... kẻ ấy là ai vậy?
- Ta cũng không biết được!
- Y.... Y một mình?
- Không! Y đến với một đoàn quan binh. Y mặc đồ đen, bộ mặt của y xanh mét như xác chết. Ta biết là y mang mặt nạ da người. Nếu y là quan binh, bọn chúng, những bọn cao thủ đủ sức đối đầu với Bát đại gia, sư thúc quan tâm là biết ngay. Không, y không là quan binh, những tên Đô úy chỉ huy đạo quân kính cẩn với y theo lễ vương gia, mà bọn Trương, Hoàng, Lý, Mã cùng lắm chỉ là bọn hầu, bá và võ công cũng chưa đạt đến mức thượng thừa.
- Một mình y mà có thể thủ thắng được Tứ vị đại gia?
- Không! Chúng có ba người, riêng tên Hắc Y là chủ chết. Võ công y quái dị, cực kỳ độc ác và cao siêu vô cùng. Một mình y dùng tay không tử chiến với ta và tam ca mà vẫn chiếm được thượng phong.
- Thúc phụ! Chả lẽ... chả lẽ Vân Hà Tỏa kiếm pháp không làm gì được y?
- Có chứ, Tam ca ta đã phát huy hết uy lực của Vân Hà Tỏa Kiếm, nhất thời có thể bảo đảm được tính mạng, nhưng bởi vì... bởi vì...
- Thúc phụ, chưởng pháp của y là gì mà lợi hại thế!
- Chưởng phong của y lạnh buốt như băng, uy lực kinh người. Tam ca đã phải sử dụng Phá Chưởng thức mà cũng không tài nào áp đảo y được. Tam ca ta trước khi nhắm mắt có nhắc đến Huyền Minh thần chưởng của Nhị lão năm xưa nhưng xét ra công lực của y còn cao diệu hơn Nhị lão nhiều.
- Lục thúc! Nhị lão là ai thế?
- Đó là hai tên ma đầu của Trung Thổ mà ta cũng chưa gặp bao giờ?
- Sao Thúc phụ biết công lực của y cao hơn Nhị lão?
- Tam ca ta nói vậy!
- Lúc nãy Lục thúc nói dở dang... nhưng bởi vì làm sao?
- À! Ờ! Ta bị tả chưởng của y uy hiếp tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc, Tam ca quên cả tính mạng, đã tỏa rộng đường kiếm, vừa lúc ta trúng một chưởng của y ở ngực, may mà lưỡi kiếm của Tam ca ta chém đứt ba ngón tay của bàn tay trái y, ngón út, ngón áp út và ngón giữa, kình lực chưởng của y giảm chỉ còn hai thành nên ta mới còn sống vô dụng đến ngày hôm nay, nhưng vì cứu ta nên huyệt Nhũ Căn của Tam ca sơ hở, trúng hữu chưởng của y.
Lúc ấy ta bất tỉnh, chỉ còn kịp thấy Tam ca bắn tung lên như diều đứt dây. Có lẽ vì chủ quan cho rằng Tam ca ta và ta không thể sống sót được bởi chưởng lực âm độc kia, nên bọn chúng đốt gia trang, đào lấy bí kíp rồi bỏ đi. Sau đó, ta và Tam ca được một hành nhân Phật gia cứu tỉnh, nhưng thương thế của Tam ca quá nặng, ba ngày sau, Tam ca ta qua đời.
- Lục thúc! Thân phụ điệt nhi... nhưng còn mẫu thân và huynh muội?
- Mẫu thân ngươi mất khi ngươi mới ba tuổi. Ngươi là đứa con duy nhất của gia gia ngươi!
- Lúc ấy điệt nhi ở đâu?
- Ngươi và Uyển Thanh được Dư lão tứ cõng đem đi trốn khi bọn quan quân tràn tới?
- Bấy giờ gia trang điệt nhi ở đâu? Làm sao chúng biết được chỗ chôn giấu bí kíp? Thất và Bát thúc bấy giờ ở đâu?
- Khi nhà Trần ngươi mất về tay nhà Hồ, cũng là lúc người được sinh ra. Gia gia ngươi mang mẫu thân ngươi về sống trong núi Xuân Hồng thuộc vùng Yên Trấn. Việc chôn giấu bí kíp chỉ có một mình gia gia ngươi biết. Ta nghĩ suốt 12 năm nay không ra manh mối, kẻ nào đã khám phá ra và báo cho kẻ thù, chính Tam ca cũng không đoán ra. Hai sư đệ ta cũng chết trong đám loạn đao. Mẫu thân của Uyển Thanh một thời nổi tiếng là Tây Bắc đệ nhất mỹ nhân, ngày ấy nàng mới 25 tuổi, bị bắt đi mất tích. Ta không tìm thấy xác nàng trong đám xác chết la liệt của gia trang.
Đoàn Chính Tâm gục đầu trên án thư, đôi vai già nua run rẩy. Lòng Nguyên Huân như muối xát. Nỗi đau đớn và lòng hận thù hòa trộn với nhau như những mũi dao nhọn đâm thấu tim chàng, làm chàng như tê liệt. Căn phòng chìm trong nỗi thê lương. Tiếng khóc của Uyển Thanh làm cả hai bừng tỉnh.
- Uyển nhi? Nín đi con! Nước mắt có làm được gì đâu! Hãy chịu đựng nỗi đau ấy như ta 12 năm trời nay. Cả Nguyên Huân nữa! Các con hãy tỏ ra xứng đáng với nỗi đau chung của Tổ Quốc, của hai dân tộc đang bị đày ải, bị chà đạp trong gông xiềng nô lệ. Hãy biến đau thương thành sức mạnh tinh thần và chiến đấu dũng mãnh trong niềm đau đớn ấy. Hãy xứng đáng, các con?
- Thúc phụ! Trước khi nhắm mắt, gia gia con có di chúc gì không thúc thúc?
- Có đấy con ạ! Nhưng con có xứng đáng được nghe lời di chúc ấy không?
- Lục thúc! Con cố gắng xứng đáng!
Đôi mắt Nguyên Huân tóe lửa, ánh mắt như muôn ngàn mũi tên, hàm răng nghiến chặt, chàng quỳ xuống đập đầu trên nền gạch bát tràng :
- Lục thúc thúc! Con xin dập đầu hứa trước Lục thúc con sẽ luôn luôn xứng đáng. Đội ơn Lục thúc đã cưu mang con!
- Nguyên Huân! Ngươi đứng dậy ngay!
Tiếng quát của Đoàn đại hiệp đanh như tiếng nổ, Nguyên Huân ngỡ ngàng đứng dây cúi đầu.
- Con có điều chi lầm lỗi, xin Lục thúc rộng dung!
- Huân nhi! Con nói ơn nghĩa gì thế? Ta xem Tam ca ta như ruột thịt ta, coi ngươi trân trọng hơn Thanh nhi, tiểu tiết, câu nệ như thế làm sao làm được việc lớn. Từ nay ngươi phải hiểu rằng tâm nguyện và di chúc của cha ngươi mà ngươi không hoàn thành được thì ta chết cũng không nhắm mắt, cả Tam ca ta cũng nhục nhằn nơi chín suối...
- Dưỡng phụ! Cho con được thưa cùng dưỡng phụ điều này. Con sẽ trả được thù, sẽ tìm được dưỡng mẫu trở về nếu dưỡng mẫu con còn sống...
- Huân nhi! Im đã!
Ông quay lại gọi con gái :
- Thanh nhi! Lại gần đây?
Uyển Thanh sợ hãi trước cơn thịnh nộ của cha già, cố nén cơn đau đớn, rón rén lại bên cha.
- Thưa cha!
- Con hãy đứng trước mặt ta, la sẽ nói hết tâm nguyện của người quá cố. Huân nhi! Ngươi không thể gọi ta là dưỡng phụ, vì Tam ca ta đã đính ước cho các con khi các con còn thơ dại. Ta phải thực hiện lời hứa năm xưa với Tam ca ta, các con không nên vì lẽ thường tình mà e lệ. Lẽ ra ta không nên nói điều ấy lúc này nhưng ta không chấp nê tiểu tiết. Cả hai con hãy giữ tình anh em cho đến ngày Nguyên Huân trở về. Đừng có nhi nữ thường tình như vậy, vì đây là nghĩa vụ thiêng liêng đối với người đã khuất, và đó cũng là ý nguyện của mẹ con, Thanh nhi, con biết chứ? Cả hai con nghe ta nói, trước khi Huân nhi lên đường vào sáng sớm ngày mai, ta muốn các con lạy nhau ba lạy để ta được yên lòng!
Uyển Thanh mặt đỏ hồng, cả Nguyên Huân cũng thế, quay lại phía sau, cúi mặt quỳ lạy đủ ba lạy. Tiếng Đoàn đại hiệp vang lên :
- Ta lấy làm hài lòng về việc này. Và Nguyên Huân hãy quỳ xuống lắng nghe di chúc của phụ thân ngươi. Ta biết ngươi muốn tế mộ cha ngươi, nhưng điều này đợi ngươi trở về cũng chưa muộn, và ta mong rằng ngày ấy phụ thân ngươi mỉm cười đón nhận ngươi là đưa con xứng đáng. Trước mặt ta và có linh hồn của phụ thân ngươi quanh đây, hãy lắng nghe ý nguyện của người đã khuất.
Huân nhi, hãy nghe ý nguyện trả thù nước, thù nhà. Việc tìm lại thân mẫu cho Uyển Thanh là ao ước thứ yếu của cha ngươi và ta. ước nguyện cao cả nhất là bằng mọi giá phải đoạt lại cho bằng được Vạn Kiếp Bí Truyền. Đó chẳng phải là gia bảo của một dòng họ mà còn là gia bảo của cả một dân tộc ngoan cường. Trần Nguyên Huân! Ngươi nghe chăng? Uyển Thanh! Mang rượu và thanh Trủy Thủ lại cho ta!
Ông giơ tay đỡ vò rượu, rót ra chén :
- Nguyên Huân! Ngươi đứng dậy!
Hiểu ý, chàng cung kính bưng chung rượu để trước mặt, cầm thanh truy thủ ánh thép xanh như nước, cứa nhẹ vào cườm tay, một dòng máu nóng vọt ra tràn đầy ly rượu.
Uyển Thanh run rẩy quấn chặt chiếc khăn hồng vào cườm tay của Nguyên Huân sau khi đã đắp thuốc cầm máu. Nguyên Huân không quan tâm tới vết thương, nâng ly huyết tửu cung kính giơ ngang mày :
- Kính thưa hương hồn thân phụ! Kính thưa thúc phụ! Con, Trần Nguyên Huân, hậu duệ của dòng dõi Đông A, con xin hứa mang hết sức lực, bằng cả ý chí và sinh mạng hoàn thành lời di thác. Nếu vì bất cứ lẽ gì không hoàn thành được, con sẽ không xứng đáng đứng trên cõi đời này, Kính xin nhị vị phụ thân chứng giám cho!
Chàng ngửa cổ dốc cạn ly huyết tửu, máu rượu tràn trên mặt, trên cổ.
- Tốt lắm! Hãy đứng dậy đi tử tôn xứng đáng của Đại vương gia Tiết chế Thượng Quốc công, xin khấn nguyện ngài phù trợ cho con cháu hoàn thành sứ mạng. Thôi, hãy ra ngoài, các con!
Trời vừa hững sáng...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.