Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm

Chương 14: Trời Nam mây quặn lòng thương nhớ - Đất Bắc cam đành dạ xót xa




Dân Kinh thành không ai không biết Vương phi, có điều chẳng một ai rõ được xuất xứ của bà. Chỉ biết rằng Quang Minh Dương vương làm lễ nạp phi vào năm Đinh Hợi, cách đây đã mười sáu, mười bảy năm. Những người trong Vương phủ chỉ biết rằng Vương gia của họ, sau một chuyến đi xa, đã mang về Vương phủ một người đàn bà tuyệt sắc, và được Vương gia thu nạp. Những gia nhân phục dịch bà đã hết lời ca ngợi một trang tuyệt sắc nhưng lại vô cùng hiền hậu và bao dung. Nói đến bà như nói đến niềm thương kính nhất trong lòng họ.
Qua năm sau đó, Vương phi sinh hạ một Quận chúa, bà nhất định đặt tên là Hoài Nam. Bà chẳng bao giờ đòi hỏi ở Dương vương gia bất cứ một điều gì, đấy là nỗi phiền muộn nhất của một vị Vương quyền uy đệ nhất. Bởi vậy, khi Vương phi đòi đặt tên con là Hoài Nam, tuy trong bụng có điều không hài lòng, nhưng Vương gia không thể từ chối, vì đó là lần đầu tiên từ khi vào Vương phủ, bà mới xin Vương gia điều duy nhất ấy.
Thời gian trôi qua, đến khi Dương quận chúa được mười tuổi, dân Kinh thành mới có dịp nhìn thấy bà Vương phi, mà trong suốt mười năm chỉ nghe lời truyền miệng. Tuy rằng tuổi đã trên ba mươi, nhưng mọi người đều công nhận bà có một nhan sắc khuynh thành. Dáng người thon nhỏ, làn da trắng như tuyết, và nhất là đôi mắt, đôi mắt buồn thăm thẳm. Bọn gia nhân nói rằng suốt mười năm hầu hạ, bà luôn luôn nhỏ nhẹ, nhân đức, nhưng chưa thấy bà cười bao giờ, và họ tiếc đến ngẩn ngơ là đã không được thấy nụ cười khuynh quốc “nhất tiếu khuynh nhân thành, tái tiếu khuynh nhân quốc”.
Ngày xưa không biết Bao Tự đẹp dường nào đến nỗi U Vương vì nụ cười mà nhà Chu mất nước: nào xé lụa muôn tấm, nào đốt Phong Hỏa đài để xin được thấy đôi môi hồng hé mở, đến nỗi phải chết về tay rợ Khuyển Nhung. Nào nhan sắc của Đắc Kỷ đến thế nào mà Trụ Vương chiều nàng mổ bụng chú ruột mình lấy lá gan cho nàng ăn chữa bệnh. Nào Tây Thi nhan sắc đến đâu mà vì nàng Ngô Phù Sai mất nước. Những điều ấy dân Kinh thành chỉ nghe trong sách, truyền tụng trong nhân gian, chẳng biết là hư thực. Cái đẹp ấy nếu có, chỉ là cái đẹp làm xiêu đổ ngai vàng, làm nhân dân trăm nỗi đau thương vì ly loạn. Nhưng Vương phi của họ, ngoài việc là một tuyệt sắc giai nhân, bà còn cái đẹp cao cả về tâm hồn, về sự ôn nhu, thuần hậu, giản dị và đầy lòng bác ái, vị tha.
Những năm sau này, khi Quận chúa đã lớn và bà đã có tuổi những ngày Sóc, Vọng, bà thường xuất hiện giữa đám dân đen như một phu nhân tầm thường trên một chiếc kiệu cũng giản dị, áo quần trang phục đơn sơ, không ngọc vàng, không xiêm y rộng lẫy, trên người là chiếc xiêm y màu tím, màu của nhớ thương, và đôi mắt thăm thẳm đầy ắp nỗi buồn sâu kín. Bà không ngần ngại ghé thăm những người nghèo khó, an ủi họ, không ngần ngại cúi đầu bước vào những căn nhà nhỏ hẹp, nói năng hiền hậu với mọi người, ngồi xuống chiếc ghế đầy bụi được chủ nhân lau vội bằng chính vạt áo của mình.
Bà tỏ ra không được vui những khi có ai quỳ lạy bà, nhất là giữa đám mệnh phụ phu nhân của các quan nội triều. Họ không dám phẩm bình phần lớn bởi nhân cách của bà sang như trăng rằm, thơm như loài hoa quý; một phần khác nữa, tất cả đều biết Quang Minh Dương vương rất yêu quý và tôn trọng bà, mà Minh Vương thì lừng lẫy uy quyền, đến Hoàng đế còn nể vì, Minh Vương là cột trụ của Triều đình, các bậc công, hầu, và ngay cả đám thân vương còn úy kỵ, không dám ngẩng cao đầu. Vương phi cũng không phân biệt chủng tộc, thỉnh thoảng bà đến thăm những người Đại Việt bị bắt sang Kim Lăng độ nào, đó là những danh sĩ và nghệ nhân ưa tú những người thầy thuốc tài danh.. Khi Thành Tổ dời đô về Yên Kinh, dân Nam Kinh tiếc thương bà ngơ ngẩn.
Những người Đại Việt làm trong các phủ, đệ và lục bộ, cũng như các phường của bọn nghệ nhân được phân công, đều đón tiếp bà hết sức ân cần vì yêu mến. Đền miếu, chùa chiền là nơi chốn bà thường thăm viếng thường xuyên. Một lần bà dâng hương trước bàn thờ Phật, có người nghe thấy bà vừa khấn vái vừa ràn rụa nước mắt: “Xin đức Thế Tôn độ trì cho Tổ Quốc con đang chìm đắm trong cơn binh đao tan”.
Người dân Kinh thành cũng được nhìn thấy dung nhan của Quận chúa. Năm nay nàng vừa tuổi trăng rằm, nhan sắc và tâm hồn nàng là bóng gương soi của Vương phi, mẹ nàng. Hoài Nam quận chúa cũng được mọi người yêu mến không kém, người ta thì thầm với nhau :
- Nghĩ cũng lạ thật, Vương gia thì tàn bạo, uy nghiêm, khắc nghiệt, mà Vương phi thì hiền hậu, bao dung, nhân từ đến thế! Thế mới biết, cái nhân từ uy lực lớn hơn cái sự bạo tàn, Minh vương mà còn úy kỵ đấy!
Một người khác nói :
- Nhân gian có câu: con gái phúc cha, con trai phúc mẹ, cái điều này thì không đúng hẳn đâu!
- Tại sao lão trượng lại cho là không đúng?
- Lão hủ có nói là sai hẳn đâu, nhưng trong trường hợp của Dương vương thì không đúng!
- Phải, phải, lão trượng nói đúng thật đấy, vậy thì phúc đức tại mẫu là đúng nhất!
Một người e dè chen vào :
- Nghe nói Vương gia còn có một cô gái lớn, tuổi còn e hơn cả Vương phi nữa đấy.
Lão trượng có vẻ hiểu biết, thì thầm :
- Chuyện này trong chốn võ lâm mấy chục năm trước ai chả biết. Ngày Vương gia còn là Tả sứ của Minh giáo, gian dâm, cưỡng bức một đệ tử của phái Nga Mi là Kỷ Hiểu Phù, Hiểu Phù sinh người con gái, đặt tên là Bất Hối. Chính vì đặt cho con cái tên này, Hiểu Phù bị Diệt Tuyệt sư thái, Chưởng môn nhân của Nga Mi đánh chết đồ đệ của mình. Kỷ Hiểu Phù cũng là người vợ chưa cưới của Hân Lợi Hanh, đệ tử thứ sáu của Trương chân nhân phái Võ Đang.
Ngày xưa Trương Tam Phong, còn có tên là Trương Quân Bảo, yêu Quách Tường là con gái thứ của Quách Tĩnh đại hiệp, nhưng Quách Tường chỉ thương yêu người họ Dương. Người họ Dương tuyệt tích, Quách Tường đi tu, lập thành Nga Mi phái, Trương Quân Bảo trở thành Trương chân nhân của Võ Đang sơn, hai môn phái này có giao tình rất keo sơn.
- Ủa, sao lão trượng tiên sinh theo văn nhược mà biết rõ chuyện của võ lâm thế?
- Ta còn biết hơn thế nữa đấy. Sau đó Hân Lợi Hanh đại hiệp hận thù Minh giáo, một lần giao thủ bị trọng thương mê man. Năm ấy, Bất Hối đã mười bốn tuổi, nhan sắc giống y như mẹ, trong cơn sốt mê man, Hân Lợi Hanh cầm tay cô gái mà tưởng ngỡ là Kỹ Hiểu Phù, Dương Bất Hối tội nghiệp và thay mẹ trả nghĩa cho tình quân, đã lấy Hân đại hiệp.
- Ái chà, thế thì cô gái lớn này, lớn tuổi hơn vị Vương phi hiền hậu của chúng ta thật!
Một người chen vào chuyện :
- Tôi nghe người ta nói Hân phu nhân cũng hiền hậu, nhân đức như Vương phi, vậy đúng là phúc đức tại mẫu, chứ chẳng giống cha, ai nói con giống cha là nhà có phúc, là sai!
- Không, nói thế sai rồi, con hơn cha chứ không phải là giống cha!
- Thì giống cũng như hơn chứ gì!
Mọi người cười xòa, lại có người lên tiếng :
- Nghe đám gia nhân nói, cách đây mười mấy năm, Hân phu nhân và Vương gia, cha con cãi nhau dữ dội lắm, Vương gia không chịu nhượng bộ, từ đó Hân phu nhân không về thăm cha mình nữa!
- Chắc là cãi chuyện về Vương phi chứ gì!
- Ngươi nói vậy chẳng hóa ra là Hân phu nhân tầm thường làm sao? Việc này có liên quan tới việc ác của Dương vương, Hân phu nhân lên án những hành động của Phụ vương bà đấy!
- Ai chà, chị nào em nấy, Quận chúa Hoài Nam cũng vẫn thường theo Vương phi đi chùa lễ Phật cầu nguyện cho Dương vương bớt ác đi đấy!
- Này, tai vách mạch rừng, giữ mồm giữ miệng, kẻo vạ đến, mất đầu như chơi!
Một gã thanh niên thì thầm, vẻ quan trọng của y khiến mọi người lắng nghe :
- Đệ lục Thái tử là Nguyên Khánh say mê Dương quận chúa, tại hạ nghe Tố Hoa, cô em họ của tại hạ là nữ tỳ của Quận chúa nói vậy, nhưng Quận chúa thường lẫn tránh y. Tính tình của Thái tử phóng đãng, háo sắc nên Quận chúa khinh ghét y lắm!
- Chu Nguyên Khánh tàn bạo, háo sắc, ai mà chẳng biết, nhưng võ công y cao cường. Nghe nói thường giả dạng cường đồ đi tìm bắt thiếu nữ về gian dâm. Hừ! Chỉ sợ y say mê mà không toại ý, dám làm liều lắm!
- Không dám đâu, võ công của Dương vương đệ nhất thiên hạ, y chẳng dám vuốt râu cọp đâu. Dương vương võ công cao siêu như vậy mà Hoài Nam quận chúa thì ẻo lả, không chịu học võ, bị Dương vương ép buộc cũng không chịu. Dại Quận chúa ngày xưa cũng có biết võ nghệ gì đâu. Học võ chỉ thêm lòng tàn ác, múa giáo vung gươm dọa người, chẳng ích gì!
- Lư Sinh, ngươi nói bá láp rồi, đâu phải ai học võ nghệ cũng như vậy đâu!
- Tất nhiên, nhưng thường là thế!
Tòa Quang Minh vương phủ của Dương gia tọa lạc trên một khu đất rộng, sát ngay Tử Cấm Thành. Cả một tòa Vương phủ nguy nga, lộng lẫy; phủ đệ của các Vương gia, Thân vương khác không thể sánh bằng.
Chung quanh có tường cao bao bọc, bốn cổng lớn mở ra bốn phía, cổng chính quay về hướng Đông nam. Trong khu vực Vương phủ, dinh thự san sát, hoa viên mênh mông. Quang Minh phủ được xây cất đúng theo đồ hình của Ứng Thiên phủ; trước khi dời đô về Yên Kinh, Ứng Thiên phủ chính là Quang Minh phủ vậy. Bởi thế từ việc xây dựng, đến trang trí, đền các, đều rập khuôn như Ứng Thiên phủ.
Một buổi sáng, ngay tại cổng chính, xuất hiện một nữ lang mặc bộ võ phục màu trắng, tuổi chừng hai lăm, hai sáu, nét mặt u buồn nhưng nhan sắc thật xinh đẹp, lưng đeo trường kiếm. Tên lính gác thấy nữ lang đứng nhìn vào, tiến đến hỏi :
- Cô nương có chuyện gì muốn hỏi?
- Ta muốn hỏi thăm Quang Minh Vương gia!
- Cô nương muốn gặp Vương gia?
Người lính gác ngạc nhiên, cau mày hỏi.
- Thì ta muốn gặp Vương gia, có gì lạ đâu mà ngươi nhìn ta lạ lùng thế?
Tên lính cười nhạt nói :
- Cô nghĩ thế nào là một vị Vương. Chẳng nhẽ cứ muốn gặp là gặp, muốn tìm là tìm hay sao?
Cô gái vẫn dịu dàng :
- Thôi được, ta muốn yết kiến Vương gia, phải làm sao?
Tên lính quay vào gọi lớn :
- Đội trưởng, có khách đấy!
Một người khoảng trung niên, mặc võ phục, đi ra :
- Thôi Viên, chuyện gì thế?
- Vị cô nương này muốn diện kiến Vương gia!
Người đội trưởng quay nhìn cô gái như đánh giá :
- Mời cô nương vào bên trong, để tại hạ tâu trình cho Dư tổng quản đã!
Vị cô nương theo chân người đội trưởng, cả một hoa môn rực rỡ hiện ra trước mắt, nàng bước vào căn phòng dành cho khách đợi. Người võ quan chỉ án thư trên có để văn phòng tứ bảo, nói :
- Có bút mực sẵn, xin cô nương ghi vào phiếu yết kiến!
Ghi vài dòng, nàng đưa trả, người đội trưởng cầm tờ phiếu liếc mắt, bỗng y cau mày thoảng thốt :
- Hân cô nương, cô nương từ Võ Đang tới?
Người con gái chính là Bảo Thư, nàng nhỏ nhẹ :
- Đúng vậy, xin phiền Đội trưởng!
Người đội trưởng cung kính :
- Xin tiểu thư tha tội bất kính, thuộc hạ thông báo ngay tức khắc!
Nói xong, y vụt chạy đi, bụng nghĩ: “Chết mẹ, cũng may ta chưa có lời gì sàm sỡ!”
Một thoáng sau, một trung niên mặc theo lối văn quan chạy ra cùng với viên đội trưởng, y cúi rạp mình, lễ phép :
- Hân tiểu thư, Vương gia đang đợi!
Nói xong lật đật đi trước dẫn đường. Bảo Thư cất bước theo viên quan. Dọc theo lối đi rộng lát đá trắng, dưới bóng rợp của những gốc đào già, hai bên lối đi là hoa môn đủ kỳ hoa dị thảo, không gian ngát hương thơm. Được khoảng vài trăm bước, trước mắt nàng sừng sững một tòa “Đại khách sảnh” uy nghi trên chín bậc đá cao, nhìn xuống khoảng sân rộng bát ngát.
Đứng trước thềm môn, dưới tấm hoành phi sơn son ba chữ “Đại Khách Sảnh”, một lão nhân cao lớn, râu năm chòm, mặt hồng hào, thân thể đẹp như một cây ngọc trước gió, mặc đại bào trắng, trước ngực thêu một ngọn lửa đang bùng cháy màu đỏ thắm, tay cầm chiếc quạt ngà đã xếp lại, mắt sáng như sao sa, hai bàn tay đeo găng trắng, không thể ước lượng được tuổi tác. Lão nhân nhìn Bảo Thư từ xa, miệng cười, vẻ mặt vui mừng, hàm răng còn trắng muốt đều như ngọc. Người đó chính là quang Minh Pháp vương Dương Tiêu.
Bảo Thư nhận ra Ngoại tổ của nàng, nàng dừng lại, một chân quỳ xuống, gọi lớn :
- Ngoại tổ!
Chỉ thấy thân hình Pháp vương mờ đi một cái, ông đã đứng cạnh Bảo Thư, kêu lên xúc động :
- Bảo Thư, cháu ta đây phải không?!
Nói xong cúi xuống, hai cánh tay ông ôm lấy vai nàng đỡ dậy. Bảo Thư nước mắt chan hòa, nức nở khóc.
- Con bé này, sao hay khóc thế cháu. Cháu giống mẹ cháu ít thôi, giống Ngoại tổ mẫu mày nhiều lắm. Năm xưa, Kỷ Hiểu Phù cũng hay khóc. Nín đi, có gì buồn nói cho ông nghe. Thôi, vào đây, vào đây cháu!
Nói xong, Pháp vương dẫn Bảo Thư đi lên từng bậc. Hai bên các bậc thềm, bọn thuộc hạ có mặt từ lúc nào, mặc sắc phục võ tướng, đứng im như những pho tượng. Giọng Pháp vương Dương Tiêu vẫn còn đọng xúc cảm :
- Mười mấy năm ông cháu ta không gặp, ngày ấy cháu mới có tám, chín tuổi gì đó, ông còn nhớ, cháu suốt ngày tâng tiu từng đóa hoa trong hoa viên, vì vậy ông cho tìm khắp thiên hạ đủ loại kỳ hoa trồng trong khuôn viên này đón đợi cháu đấy!
- Bảo Thư, song thân cháu có mạnh khỏe không? Còn thằng anh Vân Hạc, nó thế nào rồi?
- Ngoại tổ, việc gì trong thiên hạ mà Ngoại tổ chẳng biết Ngoại tổ còn hỏi cháu làm chi?
Gương mặt Pháp vương thoáng vẻ bối rối, ông ngồi xuống chiếc ghế phủ lông Hắc điểu cực quý, ra dấu lệnh cho viên quan hầu mang một chiếc ghế khác để cạnh, xòe bàn tay trái :
- Cháu ngồi xuống đây đã, Bảo Thư!
Pháp vương nhìn nàng nhỏ nhẹ:
- Lúc nào ông cũng nhớ đến hai cháu của ông, Vân Hạc và mày, ông mong chúng mày về thăm ông. Nhưng kìa, con có điều gì buồn thế, Bảo Thư?
Bảo Thư òa lên khóc :
- Ông ơi, cháu...
- Cháu thế nào, việc gì, nói cho ông nghe?
- Gia gia, má má cháu bắt cháu phải lấy chồng...
- Thì đúng thế chứ còn gì nữa, con gái lớn phải lấy chồng. Con đã hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi rồi, như vậy là đã chậm lắm!
- Nhưng con không muốn!
Dương Tiêu mỉm cười :
- Thế con muốn đi tu à?
- Vâng, con muốn xuất gia!
Dương Tiêu cau mày :
- Mày có tâm sự gì thế Nói cho ông nghe đi. Con đẹp thế này, đi tu làm gì Bảo Thư!
- Con chỉ muốn chết thôi...
Bảo Thư nức nở. Dương vương vuốt tóc cháu :
- Ừ, thì ai chẳng phải chết, có ai sống mãi được bao giờ. Này Bảo Thư! Má má con có nhắn gửi gì ông không?
Gương mặt ông bỗng buồn hẳn đi.
- Con trốn đi, gia gia má má không ai biết!
- Chết thật! Mẹ con buồn đến chết mất, Bảo Thư ạ!
Dương vương quay lại gọi vị quan hầu :
- Gọi ngay Đại tổng quản lên gặp ta.
Một lúc sau, một người trạc tuổi năm mươi, ăn mặc sang trọng bước vào :
- Vương gia cho gọi!
- Lấy ngay Kim Hỏa lệnh bài, truyền ngựa trạm hỏa tốc về Võ Đang sơn, báo: “Hân tiểu thư hiện đang ở đây”, mười lăm ngày phải đến nơi!
- Tuân lệnh Thiên Tuế!
Nói xong y vội vả quay đi ngay, chỉ trong khoảnh khắc, năm kỵ mã trên năm thớt ngựa Mông Cổ thật hùng vĩ, phía sau kéo theo mười con khác dự phòng, vọt đi như gió cuốn. Pháp vương quay lại bảo cháu :
- Con từ đây ở đây với ta, con muốn bất cứ điều gì ta đều toàn thành cho. Bảo Thư, ông nói điều này nhé, ông không ép cháu nếu cháu không muốn: Vương hậu ta luôn luôn nhắc đến mẹ cháu và các cháu, con nghỉ ngơi đi, và rồi nếu muốn, con sẽ ghé thăm Ngoại tổ mẫu và Hoài Nam!
- Con vui mừng lắm chứ ông, mẹ con kính yêu Ngoại tiểu tổ mẫu và A di (dì) đấy!
Pháp vương hài lòng, bảo viên quan hầu :
- Ngươi gọi nội dịch cho ta!
Một người đàn bà, phục phịch bước ra bái lạy. Pháp vương truyền :
- Ngươi cho lệnh dọn dẹp, trang hoàng Bách Hoa cung và tuyển lấy mười thị nữ hầu hạ, cấm không ai được làm phiền công nương cháu ta, phải tuyệt đối tuân lệnh công nương. Ngươi loan báo lệnh này cho Đại tổng quản và các Tổng quản các khu Đông, Tây, Nam, Bắc. Nghe rõ chưa?
- Thưa vâng!
Pháp vương đổi sang giọng ngọt ngào :
- Bảo Thư, con đi theo Tứ nương tắm rửa, ăn uống rồi nghỉ ngơi. à, mà hành lý của con đâu?
- Con chẳng có gì hết.
- Tứ nương nghe ta nói, gấm vóc xuất kho mỗi thứ bốn cây, gọi thợ may gấp trang phục cho Công nương. Châu ngọc và đồ trang sức mang đây ta ký lệnh, còn nữa, áo ngự hàn Bạch điểu một, Khinh cừu ba, chăn màn nệm gối loại hảo hạng!
Bảo Thư kêu lên :
- Không, không, ông ơi, Hài nhi không dùng nhiều thế đâu Không dùng đồ sang trọng thế đâu!
Pháp vương cười :
- Cháu phải để cho ông lo cho cháu chứ Bảo Thư!
Ông vừa nghĩ: “Con bé cháu ta sao lại giống Yến Phi đến thế, cũng kêu lên như thế”.
Bảo Thư đi về Bách Hoa cung, nàng thoáng nghĩ: “Ngoại tổ ta đối với con cháu sao dịu dàng, ân cần thương yêu vậy, mà đối với thiên hạ lại tàn ác đến thế?”. Và nàng buồn bã thở dài. Hai ngày sau, vào một buổi sáng, thế nữ vào báo :
- Bẩm Công nương, có Vương phi và Quận chúa đến thăm!
Bảo Thư đang ngồi, vội chạy chân đất ra, nàng thấy một vị nương tử tuyệt đẹp, tuổi chừng bốn mươi và một thiếu nữ giống hệt bà, ăn mặc giản dị, theo sau chỉ có một thế nữ theo hầu. Bọn thị nữ nghe Vương phi đến, chúng xếp hàng đón bà, quỳ lạy.
Vương phi cau mày âu yếm nói :
- Ta đã bảo các con thế nào sao không nhớ, đứng lên đi!
Vẻ mặt bà dịu dàng, hiền thục, Bảo Thư đi nhanh đến trước mặt bà quỳ xuống, mặt nàng rạng rỡ :
- Ngoại tổ mẫu!
Vương phi cũng quì xuống nâng Bảo Thư dậy, nhìn thấy nàng đi chân trần, bà cảm động ôm lấy Bảo Thư :
- Ta không xứng đáng được con xưng hô với ta như thế đâu cứ gọi ta là A di là được rồi!
Bảo Thư nói :
- Con thật là đắc tội, con vừa gửi phiếu xin bái kiến Tổ mẫu thì Tổ mẫu đã đến, Ngoại tổ mà biết được thế này, con đắc tội mất!
Nói xong nàng quay sang Hoài Nam quận chúa định quỳ xuống, Hoài Nam cầm tay Bảo Thư ngăn không cho nàng làm lễ. Bảo Thư kêu lên :
- A di, A di đẹp quá, cháu tham kiến A di!
Hoài Nam ngượng ngùng khẽ nói :
- Hân tỷ tỷ, xin đừng xưng hô vậy, em còn nhỏ, chỉ là em Thư tỷ thôi!
Bảo Thư nói :
- Ngoại tổ mẫu, A di, dù có lớn có nhỏ, nhưng nếp nhà không cho con vô lễ thế được, trên là trên, dưới là dưới, lòng con chân thực, mong Ngoại tổ mẫu và A di thấu cho!
Vương phi cầm tay nàng cảm động, âu yếm nói :
- Bảo Thư, con thật là hiền thục, ta vẫn thường nhắc đến Phu nhân, Vân Hạc và con luôn!
Hoài Nam thân mật níu vai Bảo Thư nhỏ nhẹ :
- Xưng hô như vậy kỳ quá, tiểu muội không chịu đâu!
- A di, cháu mà vô lễ, Ngoại tổ chẳng dung đâu!
- Không, gia gia thương chúng mình lắm!
- A di, vậy thì thế này, A di cho phép cháu được coi A di như bạn, chúng ta gọi nhau bằng tên, nhưng trước mặt Tổ mẫu và Tổ phụ thì xưng hô theo thứ bậc rõ ràng đấy nhé!
- Thôi, vậy cũng được!
Hoài Nam hết lòng quyến luyến Bảo Thư, luôn ở bên không rời, vì thế mà nàng khuây khỏa bớt nỗi buồn. Vương phi cũng yêu nàng không kém, nàng thường sang Bích Thảo cung vấn an bà. Lần đầu tiên bước vào phòng riêng của bà, Bảo Thư kinh ngạc, đồ dùng, vật dụng thật đơn sơ, chăn gối của bà toàn là loại vải vóc của hàng dân dã, trang sức châu ngọc hầu như chẳng có. Bảo Thư càng yêu kính bà vô ngần, nàng ôm lấy bà, khóc và nói :
- Bà ơi, sao bà giống mẹ con đến thế! Những người thân yêu của Ngoại tổ đều giống nhau, cớ sao... cớ sao...
Vương phi vuốt tóc Bảo Thư :
- Mỗi người mỗi cách sống con ạ! Ngoại tổ con đối với gia đình rất tốt, nhưng... thôi Bảo Thư ạ! Cầu xin Trời Phật độ trì Bảo Thư, sao con cũng giản dị thế?
- Con lớn lên ở nơi sơn cước, chứ có phải ở chốn cung đình đâu. Bà ở chốn cung đình, Bà và A di giữ được đức tính giản dị ấy mới thực là khó lắm!
- Ta về đây đã mười sáu năm, ta có biết cung đình, cung chùa gì đâu. Ta quanh quẩn như chiếc bóng, thỉnh thoảng mới ra ngoài lên chùa lễ Phật, thăm hỏi dân chúng, giúp đỡ người khốn cùng, xoa bớt được phần nào trong muôn một nỗi đau khổ của họ. Con có thích đi chùa không? Trúc Viên tự đẹp lắm, những vị sư nữ ở chùa này rất đạo hạnh. Hôm nào chúng ta đi nhé?
- Vâng, con thích lắm. A di có đi không?
- Có đấy nó có vẻ thích đi tu, nhưng tinh anh phát tiết, ta e rằng sau này nó cũng truân chuyên con ạ!
- Tính tình A di hợp với con lắm, có điều A di nói là không thích học võ, con bảo A di nên luyện tập võ nghệ cho cứng cáp, có sức khoẻ để chịu đựng được nghịch cảnh. Thời thế, vận hạn biết thế nào được!
- Ta cũng bảo nó thế con ạ. Nhưng lính tình A di con đến con sâu cái kiến mà không dám giết thì làm thế nào cầm kiếm được!
- Bà ơi, con sâu, cái kiến thì không nỡ giết, nhưng con người độc hơn ác thú, nhiều khi vì đời mà phải giết đi đấy, Bà có nghĩ vậy không?
Vương phi trầm ngâm thở dài, một lúc nói :
- Có nhân tất có quả con ạ!
Một hôm Bảo Thư sang Vân Trang cung thăm Hoài Nam, thấy nàng đang thêu một chiếc khăn tay bằng lụa bạch, có một vầng trăng khuyết và đám mây vờn nhẹ, Bảo Thư hỏi :
- Hoài Nam, thêu khăn làm gì mà đẹp thế?
- Hoài Nam thêu tặng Bảo Thư đấy!
- Sao Hoài Nam lại thích vầng trăng khuyết lạnh lẽo vậy?
- Hoài Nam cũng không biết nữa...
Một cánh bướm màu vàng nhung điểm những chấm hồng nhạt đập nhẹ đôi cánh mỏng bên những đóa hoa nở bừng trên một cành cây cách mặt đất không cao lắm, Bảo Thư ra ngoài thềm, nàng tung người vút lên chộp lấy con bướm, thân pháp tuyệt đẹp. Bọn thị nữ rối rít khen ngợi :
- Công nương võ công tuyệt quá, cao siêu quá...
Riêng Hoài Nam nhìn Bảo Thư đăm đăm :
- Bảo Thư học võ từ bao giờ vậy?
- Từ ngày Bảo Thư lên sáu, lên bảy. Hoài Nam! Bảo Thư muốn Hoài Nam luyện võ để có sức khỏe, cơ thể khỏe mạnh dẻo dai, tinh thần mới thanh thoát được!
- Luyện võ để đâm chém nhau, Hoài Nam sợ lắm!
- Hoài Nam này, luyện võ công, thứ nhất để bảo vệ chính mình, thứ hai để cứu đời, che chở cho người bị ức hiếp...
- Người ta đàn áp mình, mình lấy điều phải mà nói, thì ai chẳng phải nghe!
- Nếu người biết nghe điều phải thì còn nói làm gì! Nếu họ đã có ý làm điều ác vì tham sanh, tham lợi, tất nhiên họ sẽ không biết nghe điều phải!
- Thì... thì mình cố mà cảm hóa họ!
- Muốn cảm hóa được một người mà bản chất là hung ác, phải có rất nhiều điều kiện chứ chằng phải là cứ nói lời phải mà được, đôi lúc phải dùng đến võ lực nữa...
- Thôi, đánh đập người ta, Hoài Nam chịu thôi!
Nhưng rồi Hoài Nam cũng chìu lòng Bảo Thư, hàng ngày để Bảo Thư luyện cho, dần dần ham thích nên luyện tập chuyên cần. Nàng thông minh, dạy một biết hai, Bảo Thư hết lòng truyền thụ, nàng tiến bộ mau chóng.
Một hôm, Bảo Thư và Hoài Nam đang say mê luyện võ thì Quang Minh Pháp vương tới bất thần, nhìn thấy con, cháu thương yêu nhau, ông vui vẻ ôm lấy hai nàng:
- Các con làm cho ta hài lòng lắm. Các con là nguồn an ủi lớn nhất của ta. Bảo Thư, con làm thế nào mà khiến được A di con chịu luyện võ như vậy, ta từng khuyên bảo thế nào A di con cũng nhất định không nghe. Hôm nay là ngày ta không phải bận rộn, ta sẽ truyền cho các con môn thân pháp, gọi là Vân Trung Vi Bộ, dù các con địch thủ cao cường đến mấy cũng không làm sao kềm chế các con được.
Nói xong, Dương vương dạy khẩu quyết, chỉ dẫn bộ vị, cách biến hóa di hình, cách điều tức định thần, ông nói :
- Trong võ công, cái lớn nhất là an thần, định vị; vì có an được thần, định được ý, hợp được tâm mới phát sinh thần lực kỳ tích!
Từ hôm đó, ông thường đến chỉ dẫn cho hai cô gái cách tọa công luyện thần, khí, để phát huy nội lực, đến chỗ phát sinh đại định để tiến đến thần lực.
Từ ngày có Hoài Nam bên cạnh, Bảo Thư tạm lắng đi nỗi buồn đau, thương nhớ Nguyên Huân. Nhưng những đêm khuya khoắt trằn trọc, những buổi chiều nắng nhạt mênh mang, Bảo Thư cảm thấy nỗi buồn của cõi lòng cô quạnh. Hình ảnh Nguyên Huân đầy trong trí tưởng, nỗi nhớ đầy ắp tâm hồn nàng, “Nguyên Huân, bây giờ chàng nơi nào? Có biết em vò võ nhớ thương, có biết em khắc khoải năm canh xót lòng mong đợi..”
Một lần Hoài Nam tình cờ bắt gặp Bảo Thư ngồi buồn bã, và trên khuôn mặt nhạt nhòa nước mắt, Hoài Nam không dám hỏi, nàng đem việc ấy kể với mẹ, Vương phi nói :
- Mỗi người vẫn có những nỗi buồn riêng con ạ!
Nói xong bà thở dài, đôi mắt đăm đăm nhìn về phương xa, nơi có những đám mây trắng lững lờ, lòng ngậm ngùi...
Cho đến một ngày kia, bà giật mình khi nghe Bảo Thư ngâm nga một lời thơ:
Qua cầu, ngả nón trông cầu
Cầu bao nhiêu nhịp em sầu bấy nhiêu.
Qua đình, ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu...
Bảo Thư phát âm tiếng Việt còn lơ lớ, nhưng trong lòng bà bỗng dưng như dao cắt. Ôi, những lời ca dao vời vợi của một nơi chốn đã xa vời... Đêm ấy, bà trở bệnh.
Dương vương cho vời danh y tới, vua Thành Tổ nghe tin phái quan Thái y đến thăm bệnh cho Vương phi. Hoài Nam buồn bã quấn quít bên mẹ ngày đêm, lòng nặng nề lo sợ. Bảo Thư chỉ thấy bà nằm im, mắt đăm đăm nhìn vào đỉnh màn, đẫm lệ; nàng đoán bà có tâm sự gì u uất lắm. Nỗi đau đớn theo ngày tháng tưởng chừng đã nguôi ngoai, nào ngờ nghe được tiếng lòng của quê hương, đã trỗi dậy niềm thương nhớ cũ...
Một hơi thở nhẹ lan trên má, Vương phi mở mắt, Hoài Nam đang nghiêng người trên mặt mẹ, nét mặt lo lắng u sầu, Vương phi chợt nhận ra Hoài Nam có phần hao gầy; Vương phi tự trách lấy mình đã đem đến nỗi âu lo cho con. Chính vì Hoài Nam mà bà đã sống, chính vì Hoài Nam mà bà đã cam chịu mọi điều, “ta còn gì nữa, đau đớn nào ích chi”.
Từ đó bà cố gượng, cố vì Hoài Nam mà trỗi dậy, và căn bệnh của bà bỗng dưng thuyên giảm. Dân Kinh thành nghe tin Vương phi bệnh, bá tánh và chùa chiền đều tổ chức cầu an cho bà, trong lòng mọi người, không ai là không yêu thương, kính trọng bà. Bà như vị Bồ Tát đến với họ, cho họ niềm an ủi, là vị Vương phi hiền đức mà họ không hề dám trông đợi từ giai cấp sang cả, uy quyền. Bởi vậy, khi biết tin bà khỏi bệnh, niềm vui như nở bừng trong lòng mọi người.
Một hôm, bà cho người gọi Bảo Thư đến, bà hỏi nàng :
- Con có nhớ hôm nào, con có ngâm một bài thơ mà ta không hiểu được, con có thể cho ta biết ai dạy cho con thế?
Bảo Thư đáp :
- Thưa, đấy là một bài ca dao của dân tộc Đại Việt, Tổ mẫu có biết đất nước Đại Việt không?
- Ta có nghe nói, đó là một xứ sở ở phương Nam!
- Vâng, đúng thế, đó là một xứ sở của một dân tộc có truyền thuyết là được sinh ra bởi sự kết hợp của hai giống Rồng và Tiên, một dân tộc mà con được biết có một nền văn hóa cao cả, một dân tộc kiên cường, có truyền thống anh hùng và bất khuất...
Vương phi cố giấu nỗi sung sướng dâng lên trong lòng bà, nhưng lệ vẫn ứa ra không ngăn được, và lạ chưa, những giọt lệ cũng đầy khóe mắt Bảo Thư. Vương phi ôm lấy Bảo Thư, riêng Bảo Thư nàng lại nghĩ, bà khóc vì xúc cảm bởi thấy lệ đầy trên đôi mắt nàng, nàng thì thầm :
- Tổ mẫu thương con đến thế sao? Tha lỗi cho con đã làm bà lụy phiền!
- Bảo Thư, con có điều gì buồn lắm phải không?
- Vâng, thưa bà!
- Ta hiểu, ta biết, hay đúng hơn ta mơ hồ biết được. Ta thương con, Bảo Thư ạ!
- Con cảm tạ lòng yêu thương của Tổ mẫu!
Vương phi nói :
- Con đọc lại bài thơ êm ái ấy cho ta nghe, và giảng cho ta biết lời thơ nói gì đi con!
Bảo Thư dịch sang tiếng Trung Nguyên bài ca dao của Đại Việt, nàng dịch một cách khó khăn và đến chữ “Thương mình”, nàng cắt nghĩa cho Vương phi hiểu, như Nguyên Huân của nàng đã cắt nghĩa cho nàng ngày nào. Vương phi nghẹn ngào thương cảm nhìn Bảo Thư, bà ôm lấy nàng và thở dài. Bà nghẹn ngào khẽ nói, như nói riêng cho chính mình: “Một dân tộc tuyệt vời vợi một tâm hồn tuyệt vời như thế... Biết đến bao giờ... Đến bao giờ...!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.