Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm

Chương 23: Theo lời dặn, Nguyên Huân vào thạch động - Nhập Sát Na, tuấn kiệt luyện thần công




Đến ngõ Bắc Cốc, Nguyên Huân đứng trước những đống đá ngổn ngang, to nhỏ khác nhau. Tất cả tám mươi mốt đống trấn giữ phía trước một hang động. Trong khu vực nấy, những đống đá trông như được sắp đặt bởi thiên nhiên, vì rêu phong và cỏ cây mọc đầy, ẩn dưới tàn cây, bóng cả của khu rừng rậm rạp. Những đống đá có vẻ hiền lành ấy, nào ai biết chúng ẩn chứa một uy lực kinh người...
Thời Tam Quốc, cũng với tám mươi mốt đống đá trấn giữ ngõ Phúc Phố, mà đại binh của Đông Ngô dưới sự điều động của danh tướng Ngô vương là Lục Tích phải thối lui, không dám tiến qua để đánh vào Thành đô. Tám mươi mốt đống đá ấy được sắp xếp theo “Cửu Cung Bát Quái”, trận đồ biến hóa khôn lường, dẫu trăm vạn quân cũng bị vây khốn. Những đống đá nay đây tuy nhỏ hơn, nhưng uy lực không phải nhỏ, người vô tình lọt vào, bị hãm trong trận, không thể thoát ra.
Nguyên Huân chiếu theo cửa sinh như lời dặn của Cô cô, mà lần vào trận. Trái tám bước, sang phải năm bước, tiến lên mười bước, không dám sai sót. Sai một bước chân, ảo ảnh xuất hiện, và uy lực của trận đồ phát sinh tức khắc. Hùm beo, rắn rết; sông thẳm núi cao hiểm trở, trăm ngàn ghềnh thác ngăn lối, trời đất tối tăm, âm phong như địa phủ, tiếng quỷ gào, ma khóc vây quanh... Chính vì vậy, chẳng có ai có thể vào đến Tuyệt Tình đàm, chưa kể, nếu có thông thuộc đường lối hiểm hóc khác mà lọt vào được, phải chống cự lại với bầy ong hàng triệu con, lớn bằng ngón chân cái, đen nhánh, nọc độc của chúng có thể giết cả trâu mộng. Đã đứng trước cửa động, Nguyên Huân nghe âm thanh vù vù tù trong động phát ra. Bầy ong sắp xuất hiện.
Không dám chậm trễ, chàng lấy trong túi ra một cây kèn nhỏ, đặt trên môi, vận chân khí mà thổi. Thật kỳ lạ! Không ai nghe một âm diệu nào từ cây kèn lưỡi gà phát ra, mà đàn ong đang tràn ra như một đám mây đen bỗng từ từ dừng lại và tách dần ra làm đôi, bay về phía trước, tụ lại, vần vũ trên đầu Nguyên Huân như một chiếc tán khổng lồ, cuồn cuộn như những lớp sóng, rồi xoáy lên cao, lên cao nữa, tít tắp, như chào mừng, như đón mời...
Kỳ diệu thay công phu nuôi dạy loài ong của Châu Lão Ngoan Đồng tiền bối! Hai trăm năm đã trôi qua, muôn cuộc đời bầy ong đã sinh hóa, vậy mà di truyền tính đã truyền đến tận bây giờ. Tiếng kèn lưỡi gà, phát ra một tần số cực cao, siêu âm ấy, loài người không cảm nhận được, nhưng nó lại là lệnh truyền đến bầy ong dữ. Chỉ một bầy ong khổng lồ này, đủ sức đánh tan hàng ngàn vạn địch thủ.
Qua khỏi thạch động, một vùng trời bát ngát mở ra, cảnh sắc như cõi thần tiên. Mùa xuân, muôn sắc hoa ngào ngạt hương bay, mặt hồ lóng lánh như gương, bướm từng bầy, và chim từng đàn hót líu lo. Thấp thoáng, sau những hàng cây lớn là những căn nhà lợp ngói đỏ, bao quanh bởi những con suối nhỏ chảy vào mặt hồ lặng sóng. Không khí thanh tĩnh, mơn man dịu dàng của mùa xuân đương độ, nắng như mật, chiếu sáng trên ngàn cây một màu vàng óng. Dường như những gian khổ, những bụi bặm của cuộc đời đã rũ sạch phía sau lưng.
Từng đàn chim câu trắng lượn vòng trên đầu chàng, đậu xuống vai, nhảy nhót chung quanh; và một bầy ong, hai bầy ong, rồi bốn bầy, từ bốn phía bay đến khi nhận được âm lệnh của chàng. Chúng cuồn cuộn xoáy vòng lên cao tít, tiếng vù vù của hàng triệu con ong không làm cho bầy chim câu sợ hãi, vẫn nhởn nhơ quanh chàng. âm thanh như trận cuồng phong rít trên các khe đá, trên đỉnh núi cao, và âm vọng, theo bầy ong đang tỏa ra bốn hướng, xòa trên triền núi cao. Tiếng cồng bỗng vang lên từ ngôi nhà khách.
Ngay lập tức, hai hàng người áo vàng, từ hai con đường tiến đến, nhập làm một, mi tẻ ra hai bên; tiếng hô vang trong nắng sớm :
- Thiếu gia Đàm chủ đã về!
Nguyên Huân đi giữa hai lớp gia nhân cung kính. Dương Qui Loan từ đại sảnh đi ra, đôi mắt bà chan chứa hai dòng lệ nhưng trên môi, nụ cười làm khuôn mặt bà tươi như hoa nở. Nguyên Huân quỳ xuống, Dương cô cô ôm lấy vai chàng nâng dậy.
- Mẹ!
- Con, con của mẹ đã về!
- Tằng Tổ có an khang không mẹ?
- Nội tổ ta vẫn chờ mong con, mau cùng mẹ vào bái kiến!
Dương Long Điêu ngồi trên chiếc ghế chạm hình “Long ẩn vân trung”. Nguyên Huân bước vào quỳ lạy :
- Con là Phượng Thánh tham kiến Tằng Tổ lão nhân gia!
Một luồng kình lực mạnh như thác cuộn nâng chàng dậy, Nguyên Huân hiểu ngay Lão nhân gia muốn thử khảo sát võ công mình, chàng nhanh chóng vận chân khí cưỡng lại. Từ ngày đả thông Sinh Tử Huyền Quan, tiếp nhận chân lực của Vô Kỵ thần y, và uống Lệ Hoa Thạch Hỏa, công lực Nguyên Huân là công lực của một cao thủ có sáu, bảy mươi năm hỏa hầu, trong đó là công phu khổ luyện của chàng là một sự tích lũy đáng kể.
Luồng chân lực của Long Điêu lão nhân giờ như thác đổ, chạm phải luồng chân khí của chàng, tách làm đôi, như hai con Giao long, cuốn rạp hàng cây lớn trước cửa đại sảnh, tiếng cây gãy răng rắc...
Nguyên Huân vẫn quỳ gối, tà áo chàng bay phất phơ. Dương lão nhân thu hồi kình lực, Nguyên Huân cung kính quỳ sát xuống dưới chân lão nhân, xong chàng đứng lên, đến đứng hầu một bên. Dương Qui Loan mừng rỡ, bà ôm lấy chàng vào vòng tay. Riêng Long Điêu lão nhân thì cực kỳ hoan hỷ :
- Giỏi thật! Ngươi hóa giải được nội lực của ta, ta mừng lắm cháu ạ! Trên giang hồ này, còn ai nữa còn ai nữa... Ha ha...!
Tiếng cười của lão nhân làm rung rinh mái ngói, bọn gia nhân phải bịt tai, mặt mày thất sắc. Nguyên Huân mang hết những thành quả, cùng những hiểm nguy, và toàn bộ tình hình võ lâm thuật lại, không thiếu một chi tiết.
Lão nhân nói :
- Thế là việc lớn nhất đã xong, những việc sau tự nhiên sẽ thành. Võ lâm thiên hạ giao cho cháu bổn phận duy trì công đạo là đúng lắm. Ngày mai, con sẽ phải gấp rút bước chân vào luyện Sát Na Vô Lượng thần công. Ta sẽ giúp con toàn thành.
Ông cầm lấy thanh trường kiếm đen nhánh từ tay Nguyên Huân :
- Ỷ Thiên kiếm được đúc ra từ khối Huyền thiết, cũng như Huyền Thiên kiếm của họ Dương ta đấy, nhưng e là quá nhẹ đối với đại lực của con. Ỷ Thiên ngày xưa Hoàng phu nhân xử dụng, Đồ Long đao Quách đại gia xứ dụng thì nặng hơn, Ỷ Thiên chỉ xứng với âm hàn nhu công thà thôi. Từ ngày mai con sẽ luyện tập Huyền Thiên kiếm pháp, uy lực lớn hơn nhiều! Ta muốn rằng con phải phế hủy tên phản đồ họ Tiêu kia bằng chính thanh Huyền Thiên, mới thỏa lòng con ta nơi suối vàng. Thôi con về nghỉ!
Nguyên Huân vâng lời cung kính lui ra, Qui Loan bước theo, hai mẹ con trở về dãy nhà, nơi trú ngụ của chàng.
Các gia nhân đã dọn tiệc ở ngoài sân, dưới một tàn hoa lớn, cho chàng và Qui Loan. Từ ngày rời khỏi Tuyệt Tình đàm, căn buồng, dãy nhà dành riêng cho chàng, thường xuyên được quét dọn, lau chùi tươm tất. Dương Qui Loan ra lệnh cho toàn thể gia nhân mở tiệc, mừng ngày Nguyên Huân trở về Qui Loan ra hiệu cho bốn thể nữ hầu rượu lui ra nghỉ ngơi. Còn lại hai mẹ con, bà nói :
- Con ạ! Mẹ khoác khoái mong con từng ngày. Ngày mai, mẹ sẽ thưa với lão nhân gia, con bái mẹ làm mẹ, mẹ con ta sẽ trình trước anh linh của Tổ tiên con nhé!
- Thưa mẹ, con vâng theo ý mẹ!
- Con đi vào chốn gian lao, lòng mẹ lo âu từng giây khắc, ngày đêm cầu khẩn Phật, Trời độ trì cho con; nay con trở về, ta mừng vô hạn!
Nguyên Huân cầm tay bà :
- Mẹ, con sẽ ở lại đây cùng mẹ, từ một đến hai năm. Trách nhiệm con còn nặng, phải xa mẹ một thời gian, rồi con sẽ trở lại!
- Mẹ biết, mẹ biết điều ấy, con còn quê hương tổ quốc con, còn mối gia thù chưa trả, và bao nhiêu điều khác nữa. Mẹ chỉ mong khi cuối đời mẹ, mẹ có con bên cạnh...
Sáng ngày hôm sau, Long Điêu lão nhân cho người gọi Nguyên Huân đến, bảo :
- Phượng Thánh, phía tây của Tuyệt Tình đàm có một khu thạch động. Bao nhiêu đời nay, nhà họ Dương đã dùng làm nơi bế quan luyện công, đã bố trí đầy đủ từ lương thực, nước uống và những dụng cụ cần thiết cho việc luyện tập công phu võ học. Nơi chốn ấy yên tĩnh, thoáng mát; bao bọc là một khu rừng trúc nhỏ. Con hãy lên đó, bế quan luyện tập cho thanh tịnh. Muốn lên thạch động, phải có thang dây để trèo lên một vách núi dựng đứng. Sẽ không một ai đến phiền nhiễu, gây gián đoạn việc luyện tập của con cả, ta sẽ điểm hóa cho con khi cần thiết!
Dương Qui Loan nói :
- Thời gian luyện công, con sẽ phải chịu đựng sự cô độc, một sự cô độc rất cần thiết. Sự tịch mịch khiến cho trí tuệ minh mẫn, cho tâm được định; để rọi thấu mọi lẽ huyền vi. Đức Thế Tôn vào rừng sâu ngồi thiền mà chứng ngộ, Đức Đạt Ma sư tổ diện bích, xoay lưng với cõi bụi trần mà thấu được lẽ trời. Mọi điều trong tâm trí hãy gạt bỏ, hãy thảnh thơi. Con hiểu chứ!
- Vâng, con đã hiểu, mẹ hãy an tâm!
Trong không khí nghiêm cẩn, thành kính trước bàn thờ gia tiên, trước mặt Dương Long Điêu lão nhân; Nguyên Huân quỳ trước Dương cô cô lạy nhận bà làm mẹ. Dương Qui Loan nước mắt rưng rưng, bà ôm lấy chàng run giọng :
- Con trai của mẹ, mấy chục năm nay mẹ khao khát đến cháy lòng có được một người con. Cha con đã linh thiêng, cảm thông tấm lòng của mẹ, nên dẫn đường cho con đến đây cùng mẹ, để mẹ thay mẹ ruột của con, săn sóc và an ủi con; và con, con cũng là nguồn an ủi của mẹ. Hãy theo mẹ, Nguyên Huân...
Dương Qui Loan là người tài hoa rất mực, bà tự họa chân dung của Nguyên Lữ theo trí nhớ, và đặt bàn thờ ông trong phòng riêng của bà. Cùng Nguyên Huân quỳ xuống, bà thầm thì khan khứa :
- Nguyên Lữ, thiếp đội ơn chàng! Phía bên kia cuộc sống, trong cõi linh thiêng, xin chàng độ trì cho con luyện thành thần công, rửa mối gia thù!
Đúng giờ Ngọ, Nguyên Huân lên thạch động.
Trong ba ngày đầu, chàng tắm người trong dòng suối, nước trong vắt, chảy ngang hậu động. Sau thạch động là một khu đất cỏ xanh mượt, điểm đầy những loài hoa dại đủ màu. Con suối từ trên cao chảy xuống, len lách qua khu rừng trúc, qua khu rừng mai già, lách ngang hậu động, đổ xuống một chiếc hồ nhỏ trong vắt và lạnh buốt. Nước trong hồ chẳng đầy chẳng vơi, chàng đoán có một mạch ngầm dẫn nước thoát đi.
Sau ba ngày tĩnh tâm, qua ngày thứ tư, Nguyên Huân thắp ba cây nhang, tế cáo trời đất; đến đầu giờ Thìn, chàng tọa thiền, lòng thanh thoát như mây trời, tay để lên Vạn Kiếp Bí Truyền, Nguyên Huân giở ra.
Sáu chữ “Sát Na Vô Lượng Thần Công” bằng kim nhủ lóng lánh, thần trí chàng như mở ra cùng trời đất. Có tiếng sấm nổ ì ầm trên đỉnh núi cao. Trận mưa xuân phơi phới sao có tiếng sấm? Mùa xuân không bao giờ có sấm sét! Kỳ lạ thay nỗi đất lòng trời, cơn mưa xuân thổi hương hoa đầy thạch động, cả vạn vật như được ướp hương.
Nguyên Huân nhắm mắt lại, tâm tĩnh như mặt hồ im gió, chàng thắp nén nhang để trước Di vật của Tổ tiên, và quỳ lạy Chàng bỗng như nghe có tiếng nói từ một cõi hư không nào vọng về, giọng nói uy nghiêm của tổ tiên, hay tiếng vọng đến từ Tổ quốc!
“Hỡi đứa con của Đại Việt! Hỡi đứa con của dòng họ kiêu hùng! Tổ quốc, giống nòi ngươi đang trăm nghìn thống khổ Hãy nhớ lấy, hãy nhớ lấy, đừng quên, đừng quên... đừng quên...!”
Tiếng vọng như từ bốn vách núi, lập lai, lập lại, lập lại, ồm ồm khắp thung lũng cỏ hoa, trong mưa xuân phơi phới... Nguyên Huân không suy nghĩ, chàng buông thả mọi ý niệm, bỏ lơi tâm thức, bước vào cõi như nhiên, hòa nhập từng lời trong Bí kiếp.
Sát Na là một đơn vị ngắn nhất của thời gian, gần như là không có. Do đó, Sát Na là ý niệm. Đất trời thì khôn cùng. Sinh hóa mà miên viễn. Không có cái tận cùng là vô cực. Thời gian qua đi không hề dừng lại, qua đi mà chẳng cùng. Hữu hạn cũng là không. Vô hạn cũng là không. Lấy cái Hữu hạn mà xét chính là không.
Một đời người dẫu có được tám trăm năm như Bành Tổ, đối với cái Vô hạn cũng là không. Vậy Sát Na cũng là không. Đối với cái Hữu hạn, tám trăm năm là có, và Sát Na cũng là có. Trong cái tĩnh, có cái cực động. Vật chất dẫu như sắt, đá vẫn có luân lưu. Cực động vì đó hóa nên tĩnh, cực tĩnh hóa thành động. Thời gian thì qua mau, thân thủ thì chậm chạp mới nên bị hủy diệt. Cái động đến cực đại thì thời gian đứng im, tĩnh lặng.
Thời gian mà đứng im không chuyển vận, là đạt đến cực động. Nếu thời gian không còn vận hành, thì lâu, mau, nào có nghĩa gì! Tám trăm năm cũng là một Sát Na, Sát Na trong cái tĩnh của thời gian biến thành vô cực, dẫu hẹp mà thành rộng... Tỷ như đường kiếm múa nhanh, hóa nên đứng một chỗ. Vật chất chuyển xoay đến chỗ nhanh cùng cực thì thành chậm. “Sát Na Vô Lượng thần công” căn nguyên là ở đó. Cực động thì kéo nở thời gian, nở thời gian không phải làm cho nó nhanh hơn, mà là đứng lại, thời gian đứng lại thì Sát Na thành mênh mông. Chiếm được cái mênh mông trong khoảng cực kỳ nhỏ hẹp là đã bước vào cõi huyền vi, không tĩnh không động, không sinh không hóa.
Thời gian mà dừng lại, thì thân ảnh tất cũng ngưng theo, chậm mà hóa nhanh, nhanh mà thành chậm. Người luyện “Sát Na Vô Lượng thần công” lấy cái tâm mà ngộ, lắng chìm cái tuệ, cái vọng, rời bỏ cái vô thường. Không nghe đến bất biến, đó chính là Tâm kinh. Tâm mà ngộ, ngộ là gặp là thấy, bước vào được cái ngộ thì thân hóa thần, thần hóa khí, khí hóa không mà nhập...
Nguyên Huân đắm mình trong cái cảm xúc mênh mông, lòng chàng mở ra cùng đất trời, vạn vật. Ngày tháng cứ thế trôi đi, đại tuệ một ngày bất chợt hé mở, cùng lúc với thần thức sáng ngời; thế đại định như nhiên đã thành, càn khôn chợt hẹp lại, khoảnh khắc bỗng lớn ra, lé hằng thường đã mất, lẽ hóa sinh đã tỏ. Âm dương không còn hai, tứ tượng không còn bốn, lòng yên như là Không. Tâm vọng tâm, thức hóa thức, thần khí tụ làm căn, cội rễ hóa thành ngọn. Thân khí như trời mây, đơn điền như biển lớn.
Thức thứ nhất cực kỳ quan trọng đã qua đi, trời đã gần cuối hạ, sen đã nở đầy hồ, phượng trên cành rực rỡ, mây trắng tản đầy trời... Tâm chuyển thành ý, ý chuyển thành thân, thân hóa thành thức, cuồn cuộn trong kinh kỳ, bát mạch nhẹ như khói vương, mạnh như thác lũ, nhanh như đứng im một chỗ, chậm như chớp giật, mắt thấu suốt tâm thân, thần lực vừa phát sinh, bóng đêm tối tăm chợt sáng, giá lạnh như gió mát, nắng bỏng như bóng râm; nghịch đảo thay, chuyển xoay thay!
Trời vừa qua đông, tuyết bắt đầu rơi, trời đầy mây xám đục; lá cành trơ trụi. Thời gian lướt nhanh ngoài kia, dừng lại trong tâm trí, đọng lại quanh thạch động... Xuân lại về, hoa lại nở, chim ríu rít trên cành, mưa xuân phơi phới, hương hoa sực nức cành, ngào ngạt trong nắng mai, chan hòa trong gió sớm, đầy một trời, ắp một động, ngào ngạt trong lòng chàng. Thời gian như dừng lại, mây trắng ngày hạ vàng trên đỉnh trời cao như ngừng bay, vạn vật dường như bất biến trong lẽ hằng thường tồn sinh hủy diệt; mọi cõi tối tăm của tâm thức như tỏ rõ, quán triệt vô lượng.
Vân Hà Tỏa Kiếm hóa thành tâm, khẩu quyết ảo diệu của Huyền Thiên kiếm trở nên giản dị, nhập thành ý, biến thành thần, hóa thành tâm... Và một buổi sáng của đất trời, chàng bước vào Sát Na. Ôi, Sát Na mênh mông như biển. Con chim ngoài cửa động trong tư thế vươn cánh bay lên... Chàng nhớ đến thân mình, như con chim lìa tổ, xao xác một góc trời... Chàng nghĩ đến lẽ trường, đoản của hưng, thịnh, của suy, vong; bao nhiêu điều, trăm nghìn nỗi dạt dào và mênh mông trôi đi, cuốn lại, trong nỗi hồi tướng không ngừng...
Thời gian có hay không... mà sao con chim kia chưa vươn nổi đôi cánh mỏng? Ngoại vật chậm là dường nào...! Ý niệm, tâm cơ của chàng sao nhanh dường ấy! Sát Na Vô Lượng đã viên thành!
Chàng lui khỏi Sát Na, trở lại cõi hằng thường; cánh chim bay vút lên trời cao, nô đùa trong gió hạ. Chàng mỉm cười. Tình yêu và nguồn sinh lực phấn chấn đào dạt trong lòng chàng. Cánh bướm nhởn nhơ còn cố níu lấy thời gian, chập chờn trên đài sen vừa hé nở. Chàng hóa thân làm mây bay, làm gió mát, trái tim chàng nồng nàn êm dịu. Trái tim chàng, đôi mắt chàng nở thành nụ cười. Và cả vũ trụ như chuyển mình trong từng dòng huyết quản của Nguyên Huân...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.