Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm

Chương 30: Người xưa cỡi hạc đi đâu - Mà nay hoang lạnh một bầu trời xuân!




Nguyên Huân về đến Vân Mộng Hồ. Lòng chàng nôn nao sau hai năm trời xa cách. Trong suốt hai năm gió bụi phong sương, chàng đã cố tâm quên đi một hình ảnh, hay chỉ là cố, xem nỗi nhớ nhung trong lòng mình, như là niềm nhớ thương về một người em gái... Thế nhưng, hai năm lao vào máu lửa, đôi mắt nào thăm thẳm buồn vẫn hiển hiện trong chàng... Những chiều dừng chân bên cánh rừng thưa đã nhạt nắng, những tối tựa mình vào vách đá núi dưới bóng trăng suông, kỷ niệm của bốn năm xưa trở về trong hồn chàng như một nỗi đày đọa.
Chàng hồi hộp bước qua cổng đá, qua con đường nhỏ lát đá phiến xanh dẫn vào căn nhà chính diện. Hình ảnh nào của hoài mong đang xao xuyến lòng chàng sẽ hiện ra trước mắt. Nguyên Huân chợt xúc động, dáng bé nhỏ của Hoài Nam đập mạnh vào mắt chàng. Nàng đang ngồi dưới tàn cây nguyệt quế.
Năm xưa, gần mười năm xưa, cũng nơi chiếc ghế đá này, chàng đã ngồi cùng với Uyển Thanh. Nguyên Huân chợt dừng lại. Hoài Nam, trong tay cầm một bông hoa nhỏ, bông hoa trắng mảnh mai, mái tóc nàng che nghiêng khuôn mặt thanh tú, dáng người nàng hình có nét phiền muộn.
Như linh tính có người đang nhìn mình, Hoài Nam ngước lên, và bắt gặp đôi mắt đang chiếu vào nàng những tia nhìn ấm áp đầy âu yếm. Hoài Nam run toàn thân bởi một xúc cảm đột ngột, nàng như muốn lả đi; nhưng một sức mạnh vô hình đẩy nàng lao về phía Nguyên Huân.
Trong vòng tay của người yêu dấu, Hoài Nam bất chợt kêu lên, tiếng kêu nửa như mừng rỡ, nửa như đau đớn, và rồi nàng ngất đi... Nghe tiếng kêu của Hoài Nam, Chu Cẩm Đoan, Bạc Thụy Miên và Dư lão tứ từ trong nhà chạy ra, cả ba sững sờ nhìn Nguyên Huân, và nhìn Hoài Nam đang ngất lịm trong tay chàng; rồi như sực tỉnh, ba người chạy vội đến vây lấy chàng, nhưng không ai thốt nên lời. Cuối cùng, Bạc Thụy Miên rưng lệ nghẹn ngào :
- Thiếu gia! Thiếu gia đã về đấy ư!
Dư Tứ và Chu Cẩm Đoan vẫn đứng như trời trồng, Nguyên Huân nhìn quanh không thấy Uyển Thanh và Nhạc mẫu, linh tính báo cho chàng có chuyện chẳng lành, Nguyên Huân thoảng thốt hỏi :
- Có chuyện gì thế, Chu thúc thúc?
Chu Cẩm Đoan buồn bã :
- Thiếu gia đỡ tiểu thư vào nhà đã!
Đưa Hoài Nam vào nhà, Nguyên Huân điểm huyệt cứu nàng. Tỉnh lại, Hoài Nam ôm lấy Nguyên Huân khóc ngất.
Nàng nghẹn ngào :
- Huân ca... Ôi sao Huân ca về trễ thế, Mẹ và... Thanh tỷ còn đâu nữa!
Nguyên Huân sững sờ như chết đứng, chàng ôm lấy hai vai Hoài Nam dồn dập hỏi :
- Nam muội, Nam muội, thế là thế nào?! Mẫu thân đâu? Uyển Thanh đâu? Đã có chuyện gì xảy ra?
Hoài Nam tức tưởi :
- Tháng Tư năm ngoái, chị Uyển Thanh bị rắn độc cắn, khi tìm ra chị thì đã muộn rồi, không còn còn kịp. Mẹ cũng vì cái chết của chị Uyển Thanh mà đau đớn, mẹ nằm liệt suốt hai tháng rồi cũng qua đời. Đau xót quá Huân ca ơi!
Nguyên Huân ngơ ngẩn nhìn mọi người :
- Nam muội, Dư thúc thúc, Chu thúc thúc, làm sao, làm sao mà nàng lại bị rắn độc cắn?
Bạc Thụy Miên cúi đầu đau đớn :
- Trong suốt buổi sáng hôm ấy không thấy tiểu thư ra khỏi phòng, mọi người đổ đi tìm, đến bìa rừng thấy tiểu thư ngồi dựa vào gốc cây, trong tay là một con rắn nhỏ màu vàng đã bị bóp nát đầu!
- Kim xà, trời ơi! Kim xà mà cắn thì không có cách gì cứu được cái chết đến rất nhanh... Tội nghiệp Uyển Thanh, tội nghiệp vợ ta, tội nghiệp cho em là dường nào. Uyển Thanh ơi! Mẹ ơi!...
Nguyên Huân như đứt từng đoạn ruột, chàng úp hai bàn tay lên mặt khóc nức nở.
Dư lão tứ giọng trầm buồn :
- Trần công tử! Công tử có đau lòng thì cũng đã rồi, Uyển Thanh chẳng sống lại được. Ai cũng một lần chết, biết đâu, nó lại chẳng làm cho Uyển Thanh hạnh phúc hơn sao!
Nguyên Huân lẩm bẩm :
- “Chẳng làm cho em hạnh phúc hơn sao!” Em buồn ta lắm sao? Ta không hề làm điều gì bất xứng với em cả!
Một lát sau chàng ngẩng đầu lên hỏi :
- Nam muội, trước đó chị Uyển Thanh của em có điều gì khác lạ không?
- Sao Huân ca lại hỏi điều ấy, chị vẫn thường cùng em nhắc đến anh, chị lo lắng cho anh trước mũi giáo, đường tên; em an ủi mãi chị mới thôi bớt lo lắng!
- Thế, trước lúc nhắm mắt, Mẹ có nhắn cho anh lời gì không?
- Có đó Huân ca ạ! Mẹ để lại một lá thư phong kín, Mẹ dặn không ai được mở ra, và trao lại cho anh. Mẹ vẫn luôn bảo với mọi người là Mẹ yêu quý anh như con trai của Mẹ!
Nguyên Huân ngồi trước bài vị của Nhạc mẫu và hiền thê. Đã ba hôm nay chàng ngồi im lìm như thế, đầu chít khăn tang trắng, áo sô gai. Chàng để tang cho Nhạc mẫu như mẹ ruột của mình.
Hôm nay, qua ngày thứ tư, tất cả mọi người với đầy đủ lễ vật lên thăm mộ bên sườn đồi lộng gió... Ngôi mộ của Đoàn phu nhân và Uyển Thanh được an táng bên cạnh mộ của Đoàn đại hiệp. Nhìn ba ngôi mộ đá, lòng Nguyên Huân quặn đau. Hoài Nam quỳ sau lưng chàng, ba người thân trong gia đình kính cẩn quỳ ở phía sau hai người.
Nguyên Huân làm đại lễ trước ba ngôi mộ, trước ba người thân yêu nhất trong đời chàng. Khấn vái xong, chàng lấy lá di thư mang trong mình, bóc ra, và đọc trước mộ:
Con yêu dấu của Mẹ,
Từ ngày xưa, khi con còn nhỏ, khi con vẫn chưa lẫm chẫm biết đi, Mẹ đã yêu thương và xem con như con đẻ của Mẹ. Mẹ.. để lại cho con thư này, vì Mẹ biết Mẹ không còn sống được bao lâu nữa.
Từ ngày trở về cố hương, Mẹ được nhìn thấy Cha con lần cuối Mẹ thật ao ước được đi theo Cha con, nhưng Mẹ đã vì các con, Mẹ không thể bỏ các con mà đi được; Mẹ gắng gượng mà sống. Đối với Mẹ, cuộc sống chẳng còn nguồn vui nào nữa, nếu không vì lòng thương yêu các con đã kéo Mẹ ở lại...
Huân nhi ạ! Con có một tâm lòng châu ngọc, con đã mang đến cho Uyển Thanh niềm an ủi của một kiếp người tàn tật, và con đã cư xử như chẳng một ai cư xử được cao đẹp như vậy! Mẹ biết con không hề yêu Uyển Thanh, mà chỉ là tấm thâm tình đối với một người em gái đã có tự ngày xưa. Vì giao ước xưa, mà các con nên vợ nên chồng; con đã vì Uyển Thanh mà hy sinh mối tình của con đối với Hoài Nam. Mẹ biết, và Mẹ còn biết rằng Hoài Nam cũng chỉ yêu con. Vậy mà, khi Uyển Thanh muốn cho Hoài Nam, cùng nó thờ chung một chồng, vì nó không còn khả năng sinh nở nhưng con, dù con yêu Hoài Nam biết bao, con đã nhất quyết từ chối. Con vừa tròn nghĩa với Uyển Thanh, vừa tôn quý Hoài Nam, giữ vẹn một tình trong sáng và cao đẹp. Mẹ quý trọng con chính vì điều ấy.
Đến nay, Uyển Thanh đã bạc phúc, Mẹ cũng chẳng còn sống được bao lâu, Mẹ để Hoài Nam bơ vơ lại một mình, Mẹ nhắm mắt cũng không yên, và Uyển Thanh cũng chưa thể siêu thoát; vì linh hồn nó, cả đời nó đã yêu thương con, và cũng yêu thương em gái Hoài Nam khôn xiết. Nếu nay, Huân nhi, con nghe lời Mẹ, con hãy nghe lời Mẹ, cùng Hoài Nam nên vợ nên chồng, điều ấy, Tứ Thân Phụ Mẫu, và người vợ bất hạnh của con chắc hẳn sẽ nhẹ đi được nỗi lo buồn. Linh hồn Mẹ, linh hồn Uyển Thanh sẽ sung sướng và thanh thản. Mẹ tin rằng các con nghe theo Mẹ, và Mẹ tin các con sẽ hạnh phúc bên nhau. Nên các con nghe lời, chỉ cần lạy mộ Cha con, lạy mộ Uyển Thanh là đã nên duyên giai ngẫu, đừng bị ràng buộc bởi những nghi lễ không cần thiết.
Huân nhi! Con có nghe Mẹ không? Mẹ chờ đợi để được thấy các con hạnh phúc. Uyển Thanh và Mẹ sẽ được nhẹ nhàng. Nếu không, vĩnh viễn linh hồn Mẹ và Uyển Thanh mãi sẽ vất vưởng trong đớn đau...
Bức thư nhòa nước mắt của Nguyên Huân, chàng đưa cho Hoài Nam. Nàng đọc xong, nước mắt tuôn như mưa, tay bíu lấy thành mộ Uyển Thanh nức nở không dứt.
Nguyên Huân ôm lấy vai nàng :
- Nam muội, Huân ca có linh cảm là Uyển Thanh, vì hạnh phúc, vì dòng dõi của ta mà tự ý ra đi. Hôm nay, ta và em thành nghĩa vợ chồng, thâm tình yêu thương và sự rộng lượng của nàng thật như trời bể. Khi đã đủ ba năm cư tang, chúng ta sẽ làm lễ thành thân, em nghĩ sao?
Hoài Nam cúi đầu rồi ngẩng lên, đôi mắt đẹp của nàng còn ướt lệ :
- Huân lang! Em thâm tạ lòng chàng!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.