Kiều chèo thuyền một mình không ai ngó tới thì chán nản, cô ta bỏ dở giữa chừng đi lên trước nhưng khổ nỗi ánh mắt cứ không ngăn được nhìn về phía Kiên, có điều càng nhìn thì càng bực bội vì hình ảnh vui vẻ kia chưa bao giờ Kiên dành cho cô ta. Từ trước đến nay Kiên luôn tỏ ra lịch sự chứ không phải kiểu quan tâm nhưng hôm nay tận mắt chứng kiến anh thoải mái với cô bảo mẫu của con gái mình thì Kiều không vui chút nào. Tự nhiên lại ghét lây sang Thùy Dung, ánh mắt giận dữ của Kiều chĩa vào cô như muốn tóe lửa… Cơn bực bội còn chưa dứt thì Kiều lại lần nữa chứng kiến cảnh còn nóng mắt hơn. Bảo An không biết sao lại muốn sang thuyền của anh chị mình chứ không ngồi cùng với Thùy Dung và bố con bé nữa. Nếu là tính khí của Kiên trước đây anh sẽ quay thuyền lại bờ nhưng hiện tại thì không, anh vẫn tiếp tục thong dong cùng cô bảo mẫu của con gái mình trên chiếc thuyền nhỏ. Hai người dù không nói chuyện mấy và chỉ tập trung quan sát ba đứa nhỏ kia thì Kiều cũng tức sôi máu mắt. Không thể ngồi lại trên này được nữa nên Kiều ngay lập tức tiếp tục xuống thuyền tiến tới gần chỗ của Kiên và Dung. Có điều sẵn ý định không vui nên cô ta cố tình làm cho thuyền của mình bị lật để thu hút sự chú ý của Kiên. Nhưng cô ta đúng kiểu hấp tấp quá nên quên mất bản thân mình biết bơi, không những thế còn đang mặc cả áo phao trên người nữa, vậy mà vẫn gào miệng lên kêu cứu thì Kiên thản nhiên đáp lại: – Vận động viên bơi lội có tiếng của trường cấp ba ngày nào mà nay lại kêu cứu hả? Mà áo phao vẫn còn trên người em kia kìa! – Em… Em lâu không bơi nên hơi sợ… Kiều vội lên tiếng chống chế nhưng Kiên cũng không muốn bóc mẽ nữa mà từ từ cho thuyền về hướng cô ta giúp đỡ. Có điều khi hai người chèo gần tới chỗ của Kiều thì bất ngờ bị tác động bởi một thuyền của hai bạn nhỏ khác khiến hai người không kịp trở tay, Thùy Dung ngã nhào xuống nước, chính xác là cô cũng hơi hốt, cơ mà không đến nỗi yếu đuối sợ sệt quá đáng nhưng không ngờ Kiên lại nhảy ùm xuống theo vớt cô lên, còn lo lắng hỏi cô nữa: – Cô không sao chứ? – Dạ, mới uống có ngụm nước thôi ạ! Tôi có áo phao mà! – Để tôi đưa cô vào bờ! – Ơ… Còn chị Kiều? – Cô ấy biết bơi, không sao đâu! Mấy đứa trẻ thấy Dung được bố đưa vào bờ thì cũng từ từ cho thuyền vào sau, Kiều nhìn cảnh này lại giận tím mặt nhưng cũng chỉ còn cách lết thân vào theo. Lúc lên chỗ nghỉ ngơi cô ta bỏ vẻ không hài lòng xuống, cố gắng thân tình hỏi thăm Dung vài câu: – Em ổn chứ? – Dạ, em cảm ơn chị! Em ổn! – Thùy Dung không biết bơi à? – Dạ, em không chị. Cũng may có áo phao chứ không em uống no nước rồi! – Ờ… Không sao là tốt! Em qua kia thay quần áo đi rồi chị em mình chuẩn bị đồ ăn cho tụi nhỏ! – Vâng. Chị đợi em chút! Thùy Dung dẫn bé An đi theo tiện thay đồ cho con bé luôn thì phát hiện mặt bé vẫn còn chút hoảng sợ liền bế con bé lên trấn an: – Bảo An đừng sợ, đừng lo lắng nhé! Cô Dung không sao rồi! – … – Ngày mai về nhà hai cô cháu mình cùng tập bơi nha, biết bơi giỏi thì không sợ bị ngã, không sợ bị uống no nước đúng không nào? – … Con bé tình cảm lắm, hai tay còn ôm nhẹ hai má cô nhìn thật lâu rồi mới gật đầu. Thùy Dung cũng đáp lại tình cảm của An bằng một cái thơm nhẹ lên trán con bé rồi sau đó hai cô cháu mới đi thay đồ. Đúng là người cẩn thận và biết quan tâm người khác thực sự thì khi chuẩn bị đồ ăn cũng lo cho sức khỏe, còn người chỉ lo lấy lòng đối phương thì chỉ làm cho có lệ và đồ ăn đương nhiên là mua sẵn rồi. Những đồ Dung tự tay chế biến thì bọn trẻ tập trung ăn hết nhưng lại không hề nếm qua bất cứ đồ gì của Kiều đem theo, ngay cả hoa quả nhập khẩu được cô ta gọt cẩn thận cũng bị ế. Thùy Dung nhận ra sự không vui trên khuôn mặt xinh đẹp của cô ta thì ngay lập tức lấy miếng táo đã gọt sẵn chia đều cho ba dứa trẻ thì cả ba đồng loạt đứng dậy và Tuấn Anh lên tiếng thay cho hai em mình: – Em ăn no rồi! – Táo này ngon lắm! Ăn một miếng thôi! – Chị và bố cứ ăn đi ạ! Chúng em no bụng rồi! Tuấn Anh nói xong liền dắt Bảo An theo thì Ngọc Anh cũng đi cùng anh trai và em gái, để lại ba người lớn với một túi đồ ăn lớn của Kiều mang tới. Thùy Dung không muốn không khí ái ngại nên là người khơi mào câu chuyện: – Dạ. Trẻ con ăn xong rồi thì ông chủ và chị Kiều cũng ăn đi ạ! Em mời hai người! – Chắc là đồ chị mua không ngon nên bọn trẻ không thích! – Dạ, ngon mà chị! – Em lại động viên chị chứ gì? Kiên không tham gia vào câu chuyện của hai người phụ nữ mà chỉ tập trung ăn và thi thoảng hướng mắt quan sát mấy đứa con của mình. Dung thì vẫn tiếp tục trả lời mấy câu hỏi của Kiều về bọn trẻ: – Em khen thật ạ! – À… Dung này! Em gần gũi mấy đứa trẻ hơn chị, chắc là em biết sở thích của mấy đứa đúng không? – Dạ! Tuấn Anh và Ngọc Anh thì không quá cầu kì cứ trừ mấy món nhiều dầu mỡ ra là được nhưng bé An thì hơi kén ăn, bé hầu như không có sở thích rõ ràng mà phải lựa theo cảm hứng của bé chị ạ! – Ô… Vậy hả? – Vâng. Thực ra trẻ con cũng rất dễ quan sát, mình chỉ cần để ý chút là thấy được ạ! Nghe câu này thì Kiều liếc ánh mắt nhìn Dung lâu hơn một chút rồi thầm đánh giá, cô ta cười khẩy trong lòng, tiện tay gắp miếng thức ăn sang cho cô rồi nói: – Dung khéo thế bảo sao bé An lại quấn em hơn mọi người! – Dạ, chị quá khen. Là bé An ưu ái em thôi chị! – Hôm nao rảnh chị em mình đưa mấy đứa trẻ đi chơi riêng nhỉ? – Dạ, vấn đề này em không tự quyết định được chị ạ! Vẫn là nên hỏi ông chủ hoặc ý kiến của mấy bé thì hơn. – Ừ, được rồi! Nè! Em ăn thêm đi! – Vâng, em cảm ơn ạ! Từ sau hôm đi chơi về Kiều năng đến nhà Kiên hơn, lần nào cô ta cũng xách túi lớn túi nhỏ tới, lấy lí do thăm bọn trẻ và gần gũi chúng nhưng thực chất là lấy lòng Kiên. Nắm thóp được Ngọc Anh nên cô bé cũng không dám phản ứng dữ dội như trước nữa, chỉ có Bảo An và Tuấn Anh là từ chối sự quan tâm của cô ta nhưng đánh trận có phòng ngự kiên cố thì chiến đấu phải có mánh khóe thế nên cô ta cứ từng bước tiến tới… Nhận thấy rõ Ngọc Anh có gì giấu diếm mình nên hôm nay Tuấn Anh không nhẫn nhịn được nữa mà nói chuyện nghiêm túc với em gái. Rõ là không thích cô Kiều nhưng mấy bữa nay lại chịu để yên cho cô ta tới nhà thường xuyên thế này thì không thể không có chuyện được. Ngọc Anh sau nhiều lần trả lời anh trai qua quýt thì lần này cũng chịu nói ra sự khó chịu trong lòng: – Anh tưởng em muốn cho cô ta đến đây quấy dầy nhà mình chắc? – Thế thì rốt cuộc làm sao? – Là cô ta biết được bí mật của em và chị Dung! – Nói rõ anh nghe xem nào! – Cái lần chị Dung đi đón em về buổi trưa đó, anh nhớ không? Hôm đấy chị Dung có giúp em dạy cho lũ bạn hay gây sự một bài học, rõ là chỗ đấy vắng vẻ, không người qua lại thế mà không hiểu sao bà Kiều lại có được video chị Dung đánh cảnh cáo mấy đứa đó mới điên chứ! – Vậy là cô ta uy hiếp em? – Vâng. Sau khi biết rõ sự việc thì Tuấn Anh trầm ngâm suy nghĩ một lúc mới đưa ra ý kiến tiếp: – Anh sẽ nói chuyện này với bố! – Không được! Bố đuổi việc chị Dung thì sao? Bữa đó bố hỏi em và chị ấy đều khẳng định là không có ai quay lại được, giờ mà kể ra bố sẽ ghét bỏ em mà còn liên lụy tới chị ấy nữa. – Sao mà đuổi được! Thực tế là chị ấy giúp em mà! – Nhưng hôm đó bố mất công tranh luận đến cùng với mấy phụ huynh kia là không có chuyện chị ấy đánh nhau. Nếu video này lộ ra anh nghĩ bố có cho chị ấy nghỉ việc không? – Ờ… Nhỉ… – … Hai anh em lại rơi vào thế bí, vò đầu bứt tóc một hồi thì đột nhiên Tuấn Anh vỗ tay một cái bốp, cậu bé nói: – Anh nghĩ ra cách rồi! – Cách gì, anh nói xem! – Kiểu gì tối nay cô ta cũng đến đây ăn cơm, bữa nay cuối tuần mà! Đến lúc đó anh sẽ nói chuyện với cô ta. – Ui giời! Có gì nói em nghe đi, cứ úp mở sốt ruột! – Đợi tới tối em biết liền! – Nói… Nói đi! Em không đợi được! Thấy em gái nóng ruột quá nên Tuấn Anh cũng ghé tai Ngọc Anh thì thầm, sau khi nghe rõ ràng kế hoạch của anh trai bày ra thì Ngọc Anh cười ha hả… – Anh cũng mưu mô gớm! – Chuyện! Học có vẻ chểnh mảng chứ mưu kế anh đây có thừa nhá! – Ha ha… Quả này bà Kiều chắc cay phải biết! – Cho đáng đời. Người đâu mà chả có chút cảm tình, ngoài cái mặt xinh đẹp kiêu căng thì thua chị Dung hết. – Ừ. Nói thật nhà chị Dung chỉ hơi nghèo thôi chứ về độ ngầu thì khỏi bàn. Anh không chứng kiến hôm mấy đứa bạn em bị chị ấy dọa cho một trận, cái vẻ ngông của chị ấy hay cực… – Bữa nào anh cũng dẫn chị ấy đi oánh nhau một trận mới được! – Anh bị hâm à! Đánh nhau để bố biết được có mà chị ấy mất việc còn mình thì mất mặt. Đúng là hài hước. – Hài gì! Anh nói thật đấy! Mấy cái thằng ranh con lớp bên cạnh cứ hay ra oai, có ngày anh mày nóng mắt sẽ tẩn cho một trận ra trò. Ngọc Anh ngẩn tò te khi nghe anh trai nói mấy lời rất thản nhiên, cứ tưởng thay máu rồi chứ sao lại có suy nghĩ này. Cô bé thấy sự việc đi quá xa bèn lên tiếng dặn dò anh trai: – Này … Này… Hứa với bố là học hành đàng hoàng rồi thì đừng có mà gây chuyện nhé! – Thì cứ nói thế, chúng nó ngoan anh cũng chẳng thèm mang phiền phức! – Anh cứ vớ vẩn em mách bố! – Này! Anh vừa mới giúp em đấy! Mách anh lại mặc kệ đó! – Giúp em cũng là giúp anh đấy, đừng có mà nói linh tinh. Bố chỉ là của chúng ta và của riêng một mình mẹ thế nên bất kì ai cũng không được phép chiếm dụng. – Biết rồi… Đúng như dự đoán của Tuấn Anh thì buổi chiều tan làm Kiều lại tới và lần này cô ta cũng mang đến một núi đồ ăn tiếp. Đúng là cô ta rất kiên trì với mục đích của mình nhưng lần này Tuấn Anh nhất định không để cho cô ta được như ý. Nhân lúc cô ta ra ngoài ngóng đợi bố Kiên đi làm về thì Tuấn Anh cũng theo sau và nói chuyện phải trái ngay. Cậu bé dù mới đang học lớp 9 nhưng lại có hơi hướng, phong cách chín chắn của bố, đến dáng đi, âm giọng cũng tựa của Kiên luôn… – Cô Kiều! Cháu nói chuyện với cô một chút được không? – Ơ… Tuấn Anh… Ừ, có gì cháu cứ nói đi! Cô nghe đây! – Cháu nói thẳng luôn nhé! Cô là người lớn thì không nên dọa nạt một đứa trẻ mới lớp 7, nếu là chuyện muốn đến với bố cháu thì cô càng không nên làm hành động như hôm trước với em Ngọc Anh. Kiều quá sửng sốt trước câu nói này của cậu bé lớp 9, xem ra mấy đứa nhóc nhà này không hề dễ dàng bị khuất phục và cám dỗ. Cô ta biết mình bị lộ thì lấy cớ nói tránh đi: – Cháu hiểu lầm gì cô đúng không? – Cháu không hiểu lầm! Nếu cô dám uy hiếp em cháu lần nữa thì cháu sẽ nói chuyện với bố! – Cháu không sợ chị bảo mẫu Thùy Dung bị người ta kiện tụng ư? Rồi em gái cháu cũng bị ảnh hưởng và hơn hết là bố cháu bị mang tiếng đấy! – Nhà cháu không thiếu tiền để thuê người làm khác cô ạ, việc chị Dung đi hay ở không liên quan đến nhà cháu. Còn về phần Ngọc Anh thì nó vẫn bị nhà trường gọi tên suốt nên bố cháu cũng quen rồi. Nhưng nếu cô dùng cách này để đến với bố cháu thì cô đã chọn sai cách rồi! – … Tuấn Anh nói xong liền quay vào nhà, để mặc cho Kiều đứng tần ngần với vẻ mặt không thể nào khó chịu hơn. Ngọc Anh đứng trên phòng của mình nhìn xuống thì cười ha hả, đúng là vỏ quýt dày có móng tay nhọn… Kiều không nghĩ mình lại bại trận trước hai đứa trẻ con nhưng nghĩ lại cũng là cô ta hơi khinh xuất bọn trẻ. Mà đúng là dùng cách này nếu Kiên mà biết được thì cô ta coi như công cốc nên để giữ hòa khí sau này thì bữa tối nay cô ta không ở lại nữa mà ra về luôn. Dù có hơi tiếc vì không chờ được Kiên về nhưng nghĩ đến mục đích lâu dài thì cô ta chọn cách về ăn cơm với bố mẹ mình. Công việc nhiều nên hôm nay Kiên về rất muộn, lúc anh về tới nhà thì bọn trẻ cũng đi ngủ hết, chỉ còn Thùy Dung vẫn thấy hì hục dưới bếp thì lấy làm lạ. – Giờ này cô chưa đi ngủ mà còn làm gì vậy? – Ông chủ đi làm về ạ! – Sao mà lắm đồ thế này? – À… Tôi mới học được cách làm bánh bao nên muốn thử xem. – Bọn trẻ lại bắt cô làm phải không? – Dạ, không phải. Là tôi muốn thử xem mình có khả năng không ấy mà! Kiên nhìn thành quả trên bàn thì tự nhiên hỏi thêm một câu có ý trêu đùa: – Hoàn thành được mấy mẻ bánh rồi? – Dạ… Hỏng hai lượt rồi ạ. – Liệu có quá tam ba bận không? – Dạ… Chắc cũng phải cỡ đó! – Vậy thì tiếp tục thôi! – …!!! Thùy Dung mặt ngây ra nhìn Kiên đi ra khỏi phòng bếp, phải mất mấy giây cô mới hết vẻ ngạc nhiên mà quay lại tiếp tục công việc. Sau một hồi cặm cụi vất vả thì cũng hấp xong mẻ bánh thứ ba, cô hy vọng lần thứ ba này sẽ thành công như ý muốn. Mùi thơm hấp dẫn quá, nhìn thành quả của mình mà Dung không ngăn được, với cái bụng lúc này cũng đang biểu tình dữ dội vì đói rồi. Ăn thử để xem tay nghề của mình đến đâu, nghĩ thế nên Dung lấy một cái, đang chu miệng thổi thổi chuẩn bị ăn thì đột nhiên có tiếng của Kiên vang lên phía sau: – Ăn liệu có bị đau bụng không? – Ơ… Ông chủ chưa ngủ ạ? – Tối chưa kịp ăn nên giờ chưa ngủ được! – Vậy… Vậy để tôi đi nấu gì cho ông chủ nhé? – Nếu bánh cô làm ổn thì tôi ăn tạm cũng được! – Tôi… Tôi còn chưa thử… – Vậy, để tôi làm chuột bạch cho! Dứt lời Kiên cũng lấy một cái trong nồi hấp rồi ngồi xuống bàn ăn tự nhiên, không biết có ngon không hay là vì đói bụng mà anh ăn liền lúc hai cái, với tay lấy cái thứ ba thì Dung không nhịn được liền hỏi: – Ăn được không ông chủ? – Tôi đang làm no bụng thôi! – …!!! Câu trả lời của Kiên khiến Dung không thể lên tiếng hỏi tiếp mà giữ im lặng ăn cái bánh đang còn cầm trên tay của mình. Miếng bánh thành công vào trong bụng cũng là lúc Dung cảm nhận được vị bánh tự tay mình làm, cũng ra gì đó chứ, thế này có khi cô bị thất nghiệp cũng có thể tự mở quán mà làm bánh bao bán được đó. Vừa ăn Dung vừa cười tủm tỉm thì bất ngờ Kiên đứng dậy nói: – Sáng mai cho bọn trẻ ăn sáng bằng món này! – À… Dạ… – Dọn dẹp rồi ngủ sớm đi! – Vâng. *** Kiều muốn làm hòa với Tuấn Anh và Ngọc Anh chuyện hôm trước nên sáng hôm sau cô ta đi mua món bánh cuốn chả mà hai đứa thích nhất, nhưng khi đem đến đã thấy cả nhà ngồi ăn bánh bao thì cô ta ngọt nhạt lên tiếng: – Ba bố con đừng ăn mấy cái bánh bao khô khốc đó, ăn bánh cuốn đi ạ! Sáng nay em phải xếp hàng mãi mới mua được đấy! – Chúng cháu không thích bánh cuốn, bánh bao chị Dung làm ngon hơn! – Ơ… Là bánh chị Dung làm cho các cháu à? – Vâng. – Vậy, cả nhà mình ăn đi! Thùy Dung ngại Kiều sẽ nghĩ ngợi nên nhanh tay lấy bánh cuốn bỏ ra đĩa rồi bắt chuyện cho không khí tự nhiên: – Chị Kiều chu đáo quá! Em nghe nói muốn mua được món bánh cuốn này phải xếp hàng lâu lắm phải không chị? – Ừ. Cũng mất cả nửa tiếng mới tới lượt em ạ! – Quán này nổi tiếng ngon mà sạch sẽ nữa. Xin phép chị cho em ăn ké nhé? – Mọi người cứ ăn tự nhiên đi! – Tuấn Anh và Ngọc Anh ăn thêm để chị lấy? Thùy Dung lên tiếng hỏi hai đứa mà cả hai không hẹn đều trả lời em no rồi nên cô vội quay sang phía Kiên: – Ông chủ! Ông ăn thêm ít nhé? Ngon lắm! – Ờ… Một ít thôi! Tôi cũng sắp no rồi! Không muốn làm mất công người mang đến nên Dung gắp nguyên một đĩa cho Kiên, cô cười cười động viên người ăn và cả người mua trong câu nói của mình: – Tấm lòng của chị Kiều nên ông chủ đừng bỏ phí. Tôi với bé An cũng sắp hết phần của mình rồi đây ạ! – Dạ dày cô chứa giỏi đấy! – Món ngon là tôi không chê đâu ạ! – Vậy ăn hết phần còn lại đi! Trưa nay khỏi cần ăn cơm! – Tôi cũng đang có ý định ăn thay cơm, mấy khi được ăn món ngon thế này! – Vậy thì chị Lành trưa nay cắt phần cơm của cô Dung đi nhé! Tôi đỡ đi một khoản chi phí!